Nguyễn Thị Hậu
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Nơi đây là vùng đất đa dạng về thổ nhưỡng và môi trường sinh thái: vừa giàu có về rừng cây gỗ quý nổi tiếng một thời, vừa có chất đất thuận lợi để trồng cây công nghiệp và có cả đồng bằng phù sa màu mỡ. Trên vùng đất trù phú này nhìn chung tư thời xa xưa dân cư Bình Dương có đời sống ổn định, nền nếp, phong lưu.
Theo Đại Nam Nhất Thống chí thời Tự Đức, Bình Dương xưa thuộc trấn Phiên An, giữa hai huyện Bình Dương (Tân Bình) và Phước Long, dân cư trù mật, nhà ngói, phố chợ liền lạc, là xứ phồn hoa đô hội của đất Gia Định, cả nước không đâu sánh bằng. Ngày nay dấu ấn xứ phồn hoa đô hội ở Bình Dương vẫn còn được lưu giữ qua nhiều ngôi nhà cổ, một loại hình di tích văn hóa độc đáo của vùng đất này. Thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An… có những ngôi nhà chữ đinh chữ nhị cổ xưa với dạng nhà vườn giống nhau, kích thước trung bình, mái ngói cổ rêu phong, hiền hòa giữa những vườn cây xanh, tạo cho cảnh quan cư trú một vẻ đẹp yên bình và sung túc. Đây là những ngôi nhà có tuổi khá xưa, phần lớn được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, chủ nhân thường là người giàu có. Tuy đã trải qua trùng tu nhiều lần nhưng nhờ xây dựng bằng các loại gỗ quý, thợ dựng khéo léo và kỹ lưỡng, con cháu có sự lưu tâm giữ gìn nên đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Nhà chữ đinh (丁) : là loại nhà phổ biến nhất tại Bình Dương. Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ.
Nhà chữ Nhị (二) : Loại nhà này có hai căn nhà trên và nhà dưới nằm song song với nhau như chữ nhị Bố cục mỗi căn nhà thường là ba gian, tuy nhiên sau này người ta cất nhà dưới dài thêm một gian so với nhà trên để lấy ánh sáng. Nhà dưới là không gian cư trú, còn nhà trên chủ yếu dành làm nơi thờ tự. Nhà chữ nhị cũng thuộc loại nhà có diện tích đất tương đối lớn.
Nhà chữ Nhị (二) : Loại nhà này có hai căn nhà trên và nhà dưới nằm song song với nhau như chữ nhị Bố cục mỗi căn nhà thường là ba gian, tuy nhiên sau này người ta cất nhà dưới dài thêm một gian so với nhà trên để lấy ánh sáng. Nhà dưới là không gian cư trú, còn nhà trên chủ yếu dành làm nơi thờ tự. Nhà chữ nhị cũng thuộc loại nhà có diện tích đất tương đối lớn.
Nhà ba gian hoặc ba gian hai chái là loại nhà phổ biến trong dân chúng. Không gian của căn nhà vừa để ở, vừa có chức năng thờ tự và tiếp khách. Nhà ba gian phân bố ở vùng nông thôn và cả thành phố. Nhà năm gian hai chái được tầng lớp điền chủ, phú gia, trí thức giàu có ưa chuộng. Kiểu nhà này chiếm diện tích đất rộng, kỹ thuật xây dựng công phu, vật liệu tốn kém vì là sự kết hợp giữa kiểu nhà gỗ truyền thống với phong cách kiến trúc và vật liệu xây dựng của phương Tây, thường được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX: nền nhà cao có bậc tam cấp, tường xây gạch dày, tô hồ quét vôi. Cột nhà có khi là cột bê-tông nhưng vì kèo gỗ và lợp ngói, có trần nhà.
Sự hiện diện của những ngôi nhà cổ là một phần lịch sử quan trọng của Bình Dương, mặt khác còn phản ánh quá trình dân cư và lịch sử kiến trúc của Nam bộ. Việc bảo tồn những ngôi nhà cổ không chỉ là bảo tồn một công trình kiến trúc nghệ thuật, mà còn là bảo tồn không gian văn hóa gia đình, không gian văn hóa làng xã của vùng đất trù phú nổi tiếng một thời.
Tiến trình đô thị hóa nhanh chóng ở Bình Dương tác động khá lớn đến những di sản văn hóa nói chung và nhà cổ nói riêng. Với khuôn viên rộng rãi, thường nằm ở vị trí đắc địa, phần nhiều những ngôi nhà cổ được nhìn nhận qua giá trị của khu đất mà nó tọa lạc. Mặt khác, nhu cầu thay đổi tiện nghi và nội thất cho phù hợp sinh hoạt hiện đại cũng làm thay đổi diện mạo và cấu trúc nhà cổ, thậm chí làm nhà cổ “biến mất” như tình trạng đang diễn ra. Có thể kể ra những tác động chính như:
- Sự thay đổi về kiến trúc (một phần hay toàn bộ) do nhu cầu của chủ nhà (cũ hoặc mới)
- Sự thay đổi chủ sở hữu có thể làm cho ngôi nhà bị tháo dỡ, bán đi toàn bộ để xây dựng nơi khác, hoặc bán từng bộ phận kiến trúc cũng như trang trí.
- Khí hậu ẩm và những yếu tố khác tác động đến tuổi thọ của vật liệu xây dựng.
- Sự thay đổi cảnh quan xung quanh, từ nông thôn thành đô thị, làm cho nhà cổ trở nên “lạc lõng” trong cảnh quan hiện đại.
- Sự thay đổi về kiến trúc (một phần hay toàn bộ) do nhu cầu của chủ nhà (cũ hoặc mới)
- Sự thay đổi chủ sở hữu có thể làm cho ngôi nhà bị tháo dỡ, bán đi toàn bộ để xây dựng nơi khác, hoặc bán từng bộ phận kiến trúc cũng như trang trí.
- Khí hậu ẩm và những yếu tố khác tác động đến tuổi thọ của vật liệu xây dựng.
- Sự thay đổi cảnh quan xung quanh, từ nông thôn thành đô thị, làm cho nhà cổ trở nên “lạc lõng” trong cảnh quan hiện đại.
Giải pháp bảo tồn tổng thể những cụm, tuyến nhà cổ là giải pháp tối ưu, vì như vậy sẽ kết hợp bảo tồn cảnh quan tự nhiên và sinh hoạt, lối sống của một (nhóm) cộng đồng cư dân trong một phạm vi nhất định (như trường hợp khu vực nhà vườn ở Huế). Tuy nhiên giải pháp này ở Bình Dương không khả thi vì hiện nay nhà cổ chỉ còn rải rác. Vì vậy khi quy hoạch đô thị cần quan tâm đến việc bảo tồn hoặc cần thiết thì tạo dựng cảnh quan xung quanh phù hợp với nhà cổ. Ngay trong một đô thị hiện đại, sôi động vẫn cần những “khoảng lặng”, “chiếu nghỉ” là khuôn viên và kiến trúc nhà xưa, đình chùa cổ… vừa có thể phát triển du lịch văn hóa vừa giúp cộng đồng dân cư nuôi dưỡng ký ức về vùng “đất Thủ” nổi tiếng một thời.
Nhà cổ thường thuộc về sở hữu tư nhân nhưng hoạch định chính sách bảo tồn lại là vai trò của nhà nước. Nếu mỗi đô thị mới ở Bình Dương đều có “quy hoạch bảo tồn” dành cho nhà cổ thì sẽ hạn chế việc tháo dỡ nhà cổ bán đi nơi khác, hoặc từng bộ phận trang trí, đồ đạc nội thất… bị phân tán nhiều nơi không bao giờ có thể bảo tồn nguyên trạng. Đây cũng là hình thức bảo tồn thích ứng với phát triển, đồng thời phù hợp với xu hướng “xã hội hóa” bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
NGƯỜI ĐÔ THỊ 9/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét