Vụn vặt đời thường (138)

HẾT TẾT!
@ Như nhiều năm trước, mình cũng không xem táo quân. Chương trình "Gặp nhau cuối năm" cũng như anh hề chèo trong tích xưa, chuyện nào mà chẳng có anh hề thi thoảng được ra sân khấu mắng mỏ móc mỉa nhà vua và quan lại vài câu. Nhưng vì là hề nên vua quan ko chấp dù cũng nói lại vài câu, kiểu "A thằng này láo nhỉ", thế thôi. Nhiều người nhớ và thích anh hề vì đã "chửi" hộ mình vài câu cho đỡ bức xúc, nhưng nếu chửi "không tới" thì chính anh hề lại bị người xem chê bai.

@ Tết này sợ nhất là nhìn thấy kiểu "áo dài" lơ lửng hai lớp mặc với một loại váy giống y váy đụp của mẹ Đốp. Nếu cái áo dài lơ lửng ấy là áo tứ thân, 2 vạt trước buộc lại với nhau như ngày xưa thì còn duyên... Đằng này trông kinh dị quá! Lại còn có cái vành gì giống cái lõi vải mà các cụ ngày xưa hay dùng để độn khi vấn tóc, giờ cách điệu xanh đỏ lóng lánh bện thừng xoắn dây đội trên đầu.
Xin đừng cách tân áo dài vô tội vạ như thế!  Xin đừng làm xấu áo dài khăn vấn như vậy!

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

@ Có bạn nhận xét và không ủng hộ chính sách hạn chế nhập cư của TT Mỹ (bắt đầu thực hiện)
http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20170129/toa-an-my-han-che-sac-lenh-cua-ong-trump/1258018.html
Thế là bao nhiêu người nhảy vào mắng bạn ấy là "về mà lo cho VN", "đi mà phê phán lãnh đạo VN"... Hóa ra cái bệnh "ai cho mày chê con tao" nặng nề không chỉ ở người trong nước :D
Nhiều người Việt "ghét ai ghét cả tông ti họ hàng" nên không đủ khách quan để nhận thấy: sống ngay nơi tù ngục người ta vẫn có thể nhận ra tù ngục ở nơi khác!

@ Hồi cuối tháng 10.2016 trước cuộc bầu cử tại Mỹ, mình có viết một stt đại ý là, đi với người phiêu lưu thì luôn có được "cảm giác mạnh" vì có thể thấy được nhiều điều mới lạ nhưng tốt đẹp hay không thì chưa biết. Khả năng chắc chắn xảy ra là dễ bị... vứt lại dọc đường, vì người phiêu lưu luôn cho rằng mọi suy nghĩ hành động của họ là tuyệt đối đúng, nếu bạn có khả năng đặt câu hỏi "tại sao" thì càng dễ bị vứt bỏ. 
Vì stt này mình "mất" vài người bạn khá nổi trên fb.
Hóa ra người Việt chúng ta "mong manh dễ rách" quá các cụ ạ 

"BỚI" CHUYỆN CON GÀ


Trong mười hai con giáp có một số con vật quen thuộc trong đời sống người Việt Nam: tí, sửu, mão, dậu, tuất, hợi. Ngoài chuột thì những con khác đều là vật nuôi, trong đó gà là con vật gần gũi và hiền lành hơn cả.

Ở nông thôn nhà nào cũng nuôi vài con gà, có trống có mái, rồi thêm gà mẹ và bầy gà con. Ngôi nhà mái ngói hay nhà mái lá cũng có hàng cau trước sân phía sau vườn là vài bụi chuối. Đấy là nơi suốt ngày bầy gà đóng “đại bản doanh”. Nào là gà mẹ bới tìm thức ăn cho bầy con đang chíu chít, nào là cô mái tơ mắc đẻ bới đất làm ổ tròn nằm bẹp xuống, khi cô kêu cục ta cục tác là trong ổ có một quả trứng hồng xinh xắn còn nóng hôi hổi. Rồi mấy chú gà choai sửng cồ lao vào mổ nhau chí chóe… Trời đổ mưa bụi chuối che cho lũ gà co ro đứng dưới. Sau cơn mưa khi mặt trời ló ra rực rỡ thì lập tức chú gà trống vươn mình rũ cánh phạch phạch rồi cao hứng gáy lên mấy tiếng ò ó o… Thỉnh thoảng lũ gà mái quang quác kêu lên chạy tán loạn, thì ra có một cô đã bị ép dưới tấm thân to cồ của anh gà trống.

Hầu như mọi nhà đều nuôi gà làm thức ăn dự trữ khi có khách khứa, tết nhất, giỗ chạp, khi túng thiếu mang ra chợ cũng được món tiền, hàng ngày có thêm quả trứng dành cho trẻ con, người bệnh… Bầy gà còn biết nhặt nhạnh thức ăn vương vãi. Mỗi sớm mai không thế thiếu tiếng gà gáy và mỗi chiều khi nghe gà lục tục lên chuồng là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm tối. Ban đêm khi nghe gà kêu trong chuồng thì cẩn thận cầm đèn ra soi, coi chừng chuột cống hay con rắn bò vào cắn trộm. Có khi một tiếng động lạ cũng làm bầy gà nháo nhác. Đêm mất ngủ nằm đếm tiếng gà báo sang canh.

Những ngày còn nhỏ mấy khi được miếng thịt gà ngon lành vì ngoài dịp lễ tết nhà chỉ được ăn thịt gà khi chúng bị “toi, rù”  - một dạng bệnh cúm của gà, nhưng trước đó chúng đã phải uống nước tỏi đến vài ngày mà không khỏi bệnh. Lạ thật, ướp thịt gà với hành tỏi khi chiên, xào thì rất thơm ngon nhưng nếu gà chết vì bệnh thì lúc ấy thêm nhiều nghệ và gừng có khi cả sả nữa cũng không át được mùi tỏi sực trong miếng thịt gà khó chịu như mùi thuốc kháng sinh. Vậy mà vẫn ngon làm sao!

Ngày giỗ ngày tết hay lễ hội cần có mâm xôi “thắp nhang, cúng cụ” thì gà trống được ưu tiên gánh vác nhiệm vụ này. Gà luộc nguyên con khéo léo bẻ gập chân và cánh đặt trên đĩa lớn giữa mâm, miệng ngậm cành hoa hồng (có nơi là cúc vạn thọ) trông rất “mỹ thuật”. Có khi cặp chân gà chặt riêng, khi luộc chú ý nước lăm tăm sôi là vớt cặp chân ra trước, nhìn vào “thế” quặp của mấy ngón chân gà mà đoán việc may rủi sắp tới. Nhưng nếu muốn ăn ngon thì người ta thường chọn gà mái tơ hay mái dầu, thịt béo mềm vừa phải, lại có buồng trứng non. Cách chặt thịt gà thể hiện sự khéo léo của người chặt, xưa thường là đàn ông làm việc này: miếng thịt chặt vuông, đủ da thịt xương, đều nhau tăm tắp, xếp úp vào đĩa mặt trên là lớp da vàng ươm rắc lá chanh xắt sợi, đúng câu “con gà cục tác lá chanh”. Trong thiên phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố đã miêu tả tài nghệ chặt thịt gà của anh mõ đảm bảo mỗi phần của các ông tiên chỉ đều đủ cả đầu gà phao câu.

Ở thành thị việc chặt thịt gà thường do người nội trợ chính là bà mẹ, rồi sau để “thử tài” con dâu mới. À, chuyện thử tài nấu nướng của cô dâu mới còn có món giá đỗ (hay su hào, mướp hương) xào với lòng gà, xào làm sao không còn mùi giá sống, cọng giá mềm nhưng không nhũn. Xúc ra đĩa phía trên lớp giá trắng ngà là mấy miếng gan lòng mề màu nâu mềm và không bị chín quắt. Trong ẩm thực Việt món gà luộc có thể nói là phổ biến nhất từ trong nam ngoài bắc đến miền núi vùng biển… Gà luộc chấm muối tiêu chanh hay nước mắm nhĩ, nước luộc gà chỉ cần thêm chút muối và hành ngò là thành tô canh. Món luộc là “đặc sản” của Việt (cái/nước để riêng nhưng ăn được cả hai) khác món canh, hầm của Tây, Tàu cái nước lẫn lộn.

Trong tranh dân gian có tranh Hàng Trống (Thăng Long, Hà Nội) nhiều bức vẽ gà: gà trống đỏm dáng hay kiêu hãnh, bầy gà mẹ con đầm ấm hạnh phúc… vừa là cảnh thân thuộc hàng ngày vừa là ước vọng muôn đời của người dân. Đồ gốm gia dụng từ thế kỷ 19 ở vùng Lái Thiêu (Bình Dương) có nhiều hoa văn con gà trên đĩa, tô, ấm, bình… nét vẽ phóng khoáng, sinh động mà bình dị, ngày nay trở thành cổ vật nhiều người ưa thích. Hồi giữa thế kỷ 20 nhiều nhà giàu có còn thịnh hành những chiếc bàn ủi (bàn là) đúc bằng đồng hình “con gà” dùng than làm nóng. Một thời có ngân hàng còn quảng bá gửi tiền tiết kiệm bằng hình ảnh “con gà đẻ trứng vàng”.

Con gà không chỉ quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày mà nó còn là “hình tượng” của một số hoạt động khác của con người: “chữ xấu như gà bới” chê mấy anh học trò viết vụng, “gà cồ ăn quẩn cối xay” là đàn ông chỉ biết quẩn quanh xó bếp mà không dám “tung hoành ngang dọc”, “đẻ như gà”, “con cái trứng gà trứng vịt” là nhà đông con lít nhít, “miệng mồm lúc nào cũng quang quác” chê mấy bà đanh đá nói nhiều, “lơ ngơ như gà mất mẹ” là con mồ côi… Hơn tất cả, hình ảnh bầy gà hiền lành suốt ngày cần mẫn kiếm ăn, không đi đâu xa khỏi sân nhà vườn nhà, gà mẹ luôn nhường nhịn chia sẻ cho con từng hạt lúa con sâu, bầy gà đôi lúc cũng “đá nhau” nhưng lại sẵn sàng xù lông bảo vệ lẫn nhau khi có lũ quạ lũ diều xuất hiện… luôn được dùng để khuyên răn con người “khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Trong văn chương hiện đại, một nhân vật có sức sống lâu bền trong lòng người đọc là chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Hình ảnh người phụ nữ cần cù nhẫn nhịn, yêu chồng thương con, có thể làm mọi việc vì chồng con kể cả việc vùng lên đánh lại bọn cai làng lính lệ, nhưng cuối cùng chị vẫn không thoát khỏi một “tiền đồ đen tối”. Cái tên nhân vật như đã phản ánh số phận của bao người nông dân.

Ngày nay ở thành phố nhiều trẻ em không biết con gà sống như thế nào vì chỉ được nhìn thấy gà công nghiệp đã làm sẵn bỏ bao nilon bán ngoài chợ hay trong siêu thị, tập làm văn “em hãy tả con gà” thì rập khuôn bài văn mẫu “nhà em có nuôi một con gà trống, mỗi sáng nó gáy ò ó o để đánh thức cả nhà”. Gần đây xuất hiện nhiều quán bán gỏi gà cháo gà dùng gà loại (gà công nghiệp không còn đẻ trứng nữa) giả làm gà ta, ăn miếng da thì dai chứ không giòn mà thịt thì vừa cứng vừa xác. Gà quê, gà thả vườn, gà ăn thóc lúa chứ không ăn thức ăn công nghiệp trở thành đặc sản. Nhiều nơi đang gầy dựng lại giống gà đặc biệt của địa phương như gà Đông Tảo (huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Nhưng cũng nhiều nơi, nhất là vào mùa xuân, trò chơi dân gian đá gà đã biến thành những “sới gà” cá độ, một dạng của tệ nạn bài bạc. Lại còn mấy cô làm cái nghề “nhạy cảm” bị gọi là “gà móng đỏ”, thật oan cho gà quá!

Nếu con rồng được coi là linh vật vì biểu tượng cho tầng lớp triều thần quyền quý thì với những “thuộc tính” như trên, con gà có thể coi là “linh vật” của tầng lớp bình dân, vì hình ảnh quen thuộc của nó thể hiện từ sinh hoạt hàng ngày đến nét tính cách và những số phận phổ biến trong đời sống xưa nay của xã hội Việt Nam.


Sài Gòn 1.2017 (tranh: họa sĩ Đỗ Phấn)
Nguyễn Thị Hậu

Không có văn bản thay thế tự động nào.

NGOÀI CỬA SÔNG LÀ BIỂN…

       Bài viết dành tặng bác Tạ Chí Đại Trường.
Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Bình Định là nơi có nhiều loại hình di sản văn hóa mà bất cứ người nghiên cứu lịch sử - văn hóa nào cũng không thể bỏ qua. Tuy những chuyến đi của tôi đến Bình Định ngắn ngủi và có phần vội vã nhưng những ấn tượng về Bình Định thì luôn in sâu trong ký ức tôi.
Thời tiền – sơ sử Bình Định thuộc địa bàn của nền văn hóa Sa Huỳnh cách nay khoảng 3000 – 2000 năm. Sau thời kỳ này trên vùng đất Bình Định còn lưu lại dấu tích của văn hóa Champa kéo dài hơn mười thế kỷ, nhiều chứng tích của thời Chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn rồi vương triều Nguyễn… Cùng với hệ thống hơn 150 di tích và danh thắng gắn liền với những nhân vật lịch sử, Bình Định còn có hàng chục di sản truyền thống như làng nghề, lễ hội, những món ăn độc đáo… Tất cả tạo nên một bức tranh đa sắc nhưng hài hòa, thể hiện chiều sâu của lịch sử - văn hóa vùng đất này.

Bình Định là địa phương thứ hai sau Quảng Nam lưu giữ được nhiều đền tháp Chăm. Tại đây những đền tháp Chăm gần như nguyên vẹn, đồ sộ, hoàn chỉnh đến từng chi tiết. Nhiều nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Champa đánh giá những cụm đền tháp Chăm Bình Định ở vào giai đoạn chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, nổi bật vì đã dung hòa được nhiều phong cách nghệ thuật nên sự độc đáo khác với những quần thể đền tháp Chăm có niên đại trước và sau chúng. Những đền tháp nổi tiếng như Tháp Đôi, Cánh Tiên, Dương Long, Thập Tháp, bánh Ít, Bình Lâm đều được xếp hạng Di tích quốc gia, là điểm nhấn độc đáo trên đường thiên lý xuôi ngược Bắc Nam của bao nhiêu lượt du khách ghé thăm và chiêm ngưỡng.

Cùng thời với những ngôi đền tháp Champa huyền bí, di tích Thành Đồ Bàn – thành Hoàng đế, thành Tra, Hầm Hô… lại là “chứng nhân” của một thời loạn lạc giữa Đại Việt và Champa, giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Ngày nay trở thành dấu tích nhắc nhớ những sự kiện và nhân vật lịch sử trong hành trình mở rộng đất nước và thống nhất quốc gia. Quá trình “mang gươm đi mở cõi” đã để lại nhiều bài học sâu sắc mà thế hệ hôm nay còn cần phải thấu hiểu nhiều hơn nữa.
***
Theo mô hình quy hoạch một tiểu vương quốc Champa mà giáo sư Trần Quốc Vượng cùng các cộng sự đã khái quát từ nhiều năm nghiên cứu và điền dã khu vực miền Trung, thì mỗi tiểu vùng/tiểu quốc Champa đều có một dòng sông thiêng mà dựa vào đó có các yếu tố sau: Phía Tây, thượng nguồn sông là (ngọn/dãy) Núi Thiêng, ở đó là trung tâm tôn giáo - khu đền tháp Thánh Địa; vùng hạ lưu – đồng bằng, là trung tâm chính trị nơi có Thành cổ, khu vực cửa sông – vịnh biển là trung tâm kinh tế - cảng thị. Một số tiểu vùng có các đảo gần bờ làm nhiệm vụ “tiền cảng thị” đảm bảo an ninh cho cảng và là tiền đồn quân sự. Mô hình tiêu biểu nhất là tiểu quốc Amavarati vùng Quảng Nam gồm có: sông Thu Bồn - Núi Chúa và thánh địa Mỹ Sơn – Thành Trà Kiệu – Cảng Đại Chiêm Hải khẩu (Hội An) – tiền cảng Cù lao Chàm. 
Là một trong những tiểu vùng của vương quốc Champa phồn thịnh, “tiểu vùng” Bình Định có sông Côn, thánh địa Thập Tháp (từ thế kỷ 17 Chùa Thập Tháp Di Đà được xây dựng ở đây trên nền móng và phế tích khu đền tháp Champa) , thành Đồ Bàn, cảng Thị Nại và tiền cảng có thể là Cù Lao Xanh - cụm đảo lớn nhất, chỉ nơi đây có người sinh sống còn những đảo khác là đảo hoang.

Vương quốc Champa xưa nổi tiếng với nghề biển gồm khai thác hải sản và buôn bán đường biển, chắc chắn tiểu vùng Vijaya - Bình Định không nằm ngoài truyền thống này, chưa kể thủy quân Champa một thời hùng mạnh góp phần làm vùng biển Champa nổi tiếng trên con đường hàng hải ở Đông Nam Á. Bình Định có đầm nước mặn Thị Nại (tiếng Chăm cổ là Thi Lị Bi Nại) thực chất là một vịnh biển kín, nơi có cửa sông Côn đổ ra (vịnh) biển. Thế nhưng hiện nay trong hầu hết những công trình, trang web, bài viết giới thiệu về Bình Định, kể cả ở bảo tàng của tỉnh, hầu như rất ít nói về biển Bình Định. Ngay Vikipedia (từ điển mở) tiếng Việt cũng chỉ nói về các đảo và địa hình ven biển Bình Định. Giới thiệu về đầm Thị Nại thì chủ yếu là về những trận chiến đã xảy ra ở đây. Điều này khiến những người quan tâm tìm hiểu chỉ biết một vùng đất Bình Định của núi, của rừng, của trung du và vùng đầm phá, của sông Côn và nhiều cửa sông khác làm nên câu ca dao nổi tiếng “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”.
Dường như với người Bình Định rừng núi càng gần hơn mà biển lại càng xa hơn, nhưng từ bao giờ?
***
Không ít lần tôi nghe một câu vè truyền miệng của những người vùng Nam – Ngãi – Bình – Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên): “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Phú Yên hưởng trọn” (có bản khác là “Thừa Thiên ních hết” nhưng tôi cho rằng câu vè này nói về 4 tỉnh liền kề và có hoàn cảnh lịch sử tương tự nhau thì có lý hơn).
Nhìn từ lịch sử văn hóa của vùng đất Nam – Ngãi – Bình – Phú tôi hiểu câu nói trên như sau: Người vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi hay cãi lý, đôi co không ai chịu ai, có lẽ bắt nguồn từ việc nơi này là “địa đầu” của quá trình tiếp xúc giữa người Chăm và người Việt từ khoảng thế kỷ 15, cũng là nơi vua quan nhà Lê để lại nhiều binh lính gốc Thanh - Nghệ và gia đình sau những lần Nam tiến… Buổi đầu “cộng sinh” khi mà ngôn ngữ, văn hóa, lối sống Chăm - Việt còn nhiều khác biệt nên nảy sinh sự tranh luận, giải thích, thậm chí áp đặt lẫn nhau, không ai chịu ai... Lâu dần trở thành “cá tính” cương cường, không dễ chấp nhận, khuất phục.
Người vùng Bình Định “thất thế” từ sau khi vua Lê Thánh Tông san bằng kinh thành Đồ Bàn vào năm 1471, rồi từ thế kỷ 19 thời Nguyễn lại phải chịu một “định kiến” là quê hương của nhà Tây Sơn nên thường phải lo lắng cho hiện tại và tương lai (có suy luận rằng phải lo lót để được yên thân?). Họ phải thu mình lại nhằm tránh mọi sự thóc mách nghi ngờ, lối sống ấy lâu dần trở thành thói quen luôn “thủ thế”. Tuy dân Bình Ðịnh "hay lo" nhưng không quên thời oanh liệt của Tây Sơn hào kiệt, vì vậy có thể sẽ phản ứng bất ngờ dữ dội khi không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt, bất công. 
Trong khi đó Phú Yên là vùng tương đối yên bình từ thời Lê đến thời Nguyễn vì những cuộc chiến ác liệt đều xảy ra bên kia đèo Cù Mông. Bên này đèo là miền đồng bằng màu mỡ đất rộng người thưa. Cùng với Quảng Nam, Phú Yên là một trong hai đồng bằng lớn ở miền Trung, tránh được chiến trường chính của binh đao trong thời gian dài nên đời sống khoan hòa, “hưởng trọn” những thuận lợi, thoải mái.
Tất nhiên, trong nhiều lý giải về một câu vè khá phổ biến thì đây chỉ là cách hiểu của riêng tôi. Mong rằng không phải “cãi, co” với ai, chỉ muốn đóng góp một  cách giải thích đặng làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian.

Quay lại câu hỏi trên, từ bao giờ người Bình Định lại xa biển và lạ biển? Có lẽ từ giai đoạn lịch sử làm nảy sinh câu vè dân gian kia, khi mà vùng đất này mất dần lối sống và văn hóa biển. Khi những lớp dân cư mới là người Việt quen nghề nông trồng lúa, quen khai thác rừng, quen đánh cá trong hồ, đầm (nên gọi vịnh biển là đầm Thị Nại?) có mặt đông đúc ở nơi đây thì biển trở nên xa hơn, rừng núi trở nên gần hơn nhờ quen đi theo những con sông từ nguồn đến ngọn. Cứ thế, nhiều thế kỷ trôi qua đến ngày nay, những người làm công việc về văn hóa – lịch sử miền Trung và Bình Định hình như chỉ quen nhìn thấy đất liền mà ít nhìn ra biển, nhìn lối sống văn hóa của cộng đồng trong quá khứ không khác lối sống văn hóa của dân cư hiện tại… Sự “quen thuộc” này càng củng cố thêm tâm thức “xa biển” của chính chúng ta.

Mong lắm những công trình khảo cứu văn hóa – lịch sử bổ túc cho thiếu hụt này, để Bình Định không chỉ là vùng đất của những con người thượng võ, của voi của ngựa, mà còn là của những chiến thuyền vượt qua sóng gió, hướng ra biển Đông chứ không chỉ quanh quẩn trong đầm và nhìn về rừng núi.

Sài Gòn, 16.11.2016
Đầm Thị Nại (hình: internet)

 Kết quả hình ảnh cho bình định, đầm thị nại



Vụn vặt đời thường (137)

@ Hình như năm nay mọi người về quê ăn tết trễ hơn mọi năm?
Hôm nay ông Táo về giời, SG vẫn kẹt xe và còn kẹt hơn những ngày trước, là vì đúng giờ cao điểm trời lại mưa, vâng, mưa xuân mà như mưa ngâu :DChắc nhiều Ông Táo đi bằng xe máy nên ướt hết bộ cánh bằng giấy, không biết đến lúc nào mới thoát khỏi đám kẹt xe mà đến được thiên đình?
Trong hình ảnh có thể có: cây, đám đông, đêm và ngoài trời

Đường Tôn Đức Thắng chiều 23 tháng chạp (20/1/2017) - ảnh: Trương Thanh Tùng

Trong hình ảnh có thể có: đêm, cây, bầu trời và ngoài trời

Hà Nội cùng thời điểm :) Ảnh: Phan Nguyen


@ Mình, nói chung là hay nể và chiều bạn. Nhiều khi rất khó chịu vì cách cư xử vô tình đến vô tâm, thậm chí vô cảm… nhưng nếu thân tình thì mình chỉ nói: ủa sao kỳ vậy? Còn không thân thiết lắm thì… chẳng biết nói gì đành im lặng. Có tình huống mà nếu mình phản ứng sẽ đẩy người ta vào thế khó xử… Mình nghĩ, bạn hiểu điều đó nên thôi, mình bỏ qua… Nhưng không có lần sau đâu, bạn nhớ nhé!

@ Có em gái kia, mình không quen mà chỉ là “bạn” trên FB, hay nhắn hỏi mình những câu đầy khiêu khích dưới những ngôn từ có vẻ “vô tư”. Mình chỉ cười và nói: chị không quan tâm việc ấy! Em à, cùng đàn bà với nhau, gì chứ sự đố kỵ ganh ghét thì chị cực kỳ nhạy cảm, vì nó là cái thứ mà chị đã phải nhiều lần chịu đựng trong cuộc đời công chức hơn 30 năm của chị. Không chỉ là sự đố kỵ của đàn bà mà còn là của đàn ông nữa… Để bữa nào rảnh rỗi chị viết lại những chuyện đó hầu bạn bè nghe chơi, em khỏi cần cung cấp thêm nữa, nhé!
Mắc mợt!

LỊCH SỬ VÀ NGƯỜI TRẺ


TS. Nguyễn Thị Hậu (NTH): Nếu chịu khó theo dõi thị trường sách trong khoảng một, hai năm gần đây không thể không nhận thấy một hiện tượng, đó là sách về lịch sử được xuất bản nhiều hơn thời gian trước, nhiều thể loại (chuyên khảo, biên niên, tiểu thuyết, truyện tranh, cả ngôn tình, dã sử…) do nhiều đơn vị xuất bản. Sự nở rộ sách lịch sử gần như trùng hợp với sự kiện Bộ Giáo dục chủ trương “tích hợp môn lịch sử” và xã hội đồng loạt lên tiếng bảo vệ vị thế độc lập của môn học này trong trường phổ thông, vì những ý nghĩa quan trọng của nó.
Là những người trẻ ham thích đọc sách về lịch sử, theo bạn thì yếu tố nào sẽ giúp sách lịch sử đến gần với bạn hơn?

Phạm Vĩnh Lộc (PVL): Yếu tố hình thức cực kỳ quan trọng trong quá trình truyền đạt nội dung lịch sử. Trước khi đọc một cuốn sách, người ta luôn bị thu hút bởi bìa và cách trình bày sách. Nếu bìa đẹp, cuốn hút và chất lượng in ấn tốt, nó sẽ làm tăng đáng kể giá trị của tập sách. Người đọc sẽ rất thích một cuốn sách được trình bày tốt.
Hình ảnh minh hoạ các nhân vật và sự kiện lịch sử trước đây chỉ được xem như yếu tố phụ. Nó giống như một gia vị ăn kèm, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Với người đọc trẻ thì tư duy ấy đã lỗi thời. Những yếu tố thị giác như hình ảnh hay màu sắc đóng vai trò tối thượng trong việc lan toả thông tin ngày nay, nó gần như là một loại ngôn ngữ riêng. Đừng ngần ngại cách điệu một nhân vật lịch sử cho trẻ trung, hay tạo ra những artwork có phần hư cấu về một bối cảnh lịch sử. Digital art và concept art sẽ là hai vũ khí đắc lực trong hành trình chinh phục tình cảm của giới trẻ cho lịch sử Việt Nam. Ai lại chẳng thích một Nguyễn Huệ oai phong đẹp trai tay cầm ô long đao được làm ảnh minh hoạ cho một cuốn sách hay tựa game nào đó? Sự hiện đại nhưng gần gũi sẽ nhanh chóng chạm đến trái tim vốn có ác cảm với môn lịch sử. Nhật Bản là đất nước thành công nhất trong lĩnh vực này và ta hoàn toàn có thể học tập họ.

NTH: Đọc sách – kể cả truyện tranh - là một thao tác hoàn toàn khác với xem phim hay chơi game nặng về yếu tố nghe/nhìn. Đồng ý là trong thời đại truyền thông thì sách lịch sử cũng cần thay đổi để hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, hình ảnh minh họa cũng tùy từng loại sách và đối tượng đọc nó. SÁCH, vẫn quan trọng là “những con chữ” chuyển tải nội dung lịch sử như thế nào để “đọc và suy nghĩ”.

PVL: Để cho lịch sử Việt Nam gần gũi hơn với công chúng, điều quan trọng là người viết phải có tâm hồn trẻ trung và tư duy cởi mở. Người viết sách cũng cần tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có góc nhìn đa chiều. Lời văn khi diễn giải cần đơn giản, súc tích. Hiện tại em đang phổ cập kiến thức lịch sử trên facebook. Em sáng tác truyện ngắn dựa trên các nhân vật lịch sử (tập trung vào những nhân vật ít người biết), cung cấp những thông tin lịch sử thông qua hành trình du lịch của em, ví dụ như ở Quảng Nam em được biết có một cuốn gia phả ghi về một dòng họ “hoàng tộc triều Lê” mà khi xưa vua Lê đã mang theo khi vào Nam và sau đó dòng họ này đã ở lại vùng đất mới.

NTH: Gia phả hay truyền thuyết địa phương là những nguồn sử liệu nhưng cần có thao tác đối chiếu, so sánh hay thẩm định lại, từ chính sử, từ tư liệu khác nữa… Tuy nhiên, dựa vào lịch sử thì ta có thể hiểu/giải thích về quan niệm “hoàng tộc” ghi trong gia phả nói trên: Thế kỷ XV Lê Thái Tổ lập ra triều lê sau khi chiến thắng giặc Minh. Vua Lê quê gốc ở Thanh Hóa nên sau này người vùng Thanh – Nghệ ra Thăng Long làm quan khá nhiều. Thời Lê Thánh Tông “Nam tiến” vào miền Trung thì binh lính vùng Thanh – Nghệ cũng là lực lượng chủ yếu (địa bàn gần, lại là người “đồng hương” nên việc mộ binh lính ở đây thuận tiện hơn nhiều so với vùng khác). Sau khi Vua Lê ra Bắc thì một vài quan lại và phần đông binh lính ở lại giữ vùng đất mới, sau đó mang theo gia đình họ hàng… Vì vậy có thể cho rằng gia phả này của một dòng họ từ vùng Thanh – Nghệ vào. Còn có đúng là “hoàng tộc” hay không thì ít nhất cần tra cứu trong Đại Việt sử ký toàn thư – bộ sử lớn nhất thời Lê. Là một việc quan trọng liên quan đến hoàng tộc, nhà vua thì trong bộ sử này chắc chắn phải ghi chép lại.
Liên quan đến việc xử lý tư liệu này cần nắm vững các khái niệm: lịch sử, sử học, sự thật lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại… Những loại sử liệu trong dân gian có thể được sử dụng trong văn học, nghệ thuật để phản ánh sự đa dạng, phong phú của xã hội trong quá khứ nhưng cẩn trọng nếu sử dụng để viết sách sử (học).

Nguyễn Phú Cường (NPC): Cùng với sự bùng nổ của truyền thông, hàng ngày, các bạn trẻ đang bị bủa vây bởi hàng vạn thông tin, trào lưu hay hình ảnh mà trong số đó không phải tất cả đều có lợi. Nếu như ở các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…đang nắm bắt và vận dụng rất tốt truyền thông nhằm chuyển tải văn hóa, lịch sử đến với công chúng bằng những sản phẩm “nghe nhìn” vô cùng phong phú và dễ tiếp cận thì ở nước ta hầu như rất thiếu những điều này. Điều đó làm cho các bạn trẻ hiện nay thiếu mặn mà với môn sử khô cứng và nghèo nàn qua sách giáo khoa và vài bộ sách sử. Đồng thời cần có nhiều hơn nữa những cách thức mới hoặc tạo ra những sản phẩm phong phú hơn như phim ảnh, truyện tranh…nhằm đưa lịch sử đến với cộng đồng một cách khéo léo.

PVL: Lịch sử Việt Nam chính là mỏ vàng để phim ảnh, truyện tranh, game và các ấn phẩm văn hoá khai thác. Cần tìm các đạo diễn có tâm huyết và tài năng, đầu tư một số tiền thích hợp để đưa lịch sử lên màn ảnh. Trước đây đất nước còn thiếu thốn mà phim Đêm hội Long Trì đã xuất sắc như vậy, thì với công nghệ hiện nay em tin là chúng ta sẽ làm được dễ dàng. Bản thân em là người đã đi gần hết Việt Nam nên tình yêu tổ quốc của em là rất lớn. Tình yêu đó tạo nên một động lực mạnh mẽ để em khám phá cội nguồn và mang đến cho mọi người sự hiểu biết bằng những việc cụ thể như làm những video clip lịch sử một cách dễ xem dễ hiểu. Sắp tới em sẽ lập một trang blog về lịch sử để mọi người tiện tra cứu thông tin.

NPC: Sự phát triển ngày càng nhanh chóng của xã hội công nghiệp khiến các bậc cha mẹ dành ít thì giờ hơn cho con cái mình. Hầu như ngoài thời gian học ở trường, phụ huynh thường rất ít quan tâm đến vấn đề con mình đang nghe gì, xem gì và đọc gì. Bên cạnh đó, tâm lý thực dụng “học để làm một nghề kiếm được nhiều tiền” cũng như thiên kiến chủ quan về môn lịch sử của  phụ huynh đã dẫn đến việc nhiều bạn trẻ manh nha đam mê với môn sử hoặc muốn đi theo con đường khám phá, nghiên cứu lịch sử đã vấp phải sự cản trở của chính cha mẹ mình.

NTH: Tôi được biết nhiều học sinh học khá giỏi và yêu thích môn lịch sử đều được cha mẹ tôn trọng sở thích, không ngăn cản mà còn giúp các em tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn sách báo, tư liệu, như khuyến khích đọc sách xem phim, nhất là phim tài liệu khoa học lịch sử chiếu trên nhiều kênh truyền hình nước ngoài… Có gia đình thường xuyên cùng con em truy cập những website về lịch sử, bảo tàng, di sản văn hóa thế giới. Rõ ràng gia đình có vai trò quan trọng trong việc khơi mở sự yêu thích lịch sử của người trẻ. Do vậy cần có một thế hệ phụ huynh có suy nghĩ nhận thức mới về việc học sử, có đủ sự hiểu biết để có thể cung cấp những kiến thức lịch sử ban đầu cho con cái mình.

NPC: Hiện nay xã hội đang bàn đến vấn đề người trẻ dần quay lưng với bộ môn lịch sử, thậm chí có nhiều bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng mang một lỗ hổng khá lớn về kiến thức lịch sử. Trong việc này, đa số thường có khuynh hướng quy trách nhiệm cho việc dạy và học môn lịch sử trong nhà trường quá khuôn mẫu và đơn điệu, sách giáo khoa nghèo nàn chỉ toàn con số và những nhận định khô cứng…

PVL: điều đó không sai vì em nhận thấy trong việc giảng dạy môn lịch sử hầu như không cho học sinh được quyền phản biện, nêu lên suy nghĩ và tự rút ra nhận định của mình sau mỗi tiết học. Phải bỏ ngay chuyện cô đọc trò chép vì lịch sử là một môn xã hội và giá trị của nó nằm ở nhiều góc nhìn khác nhau.  Nhất là việc đánh giá nhân vật lịch sử từ qua góc nhìn của xã hội khác với  đánh giá của chính sử. Nó cho thấy các vĩ nhân cũng là con người có ưu khuyết riêng. Tuy nhiên cần cẩn thận khi sử dụng ngôn từ để mô tả đánh giá vì người Việt Nam vẫn thường nhạy cảm khi nói về tiền nhân và nặng tâm lý "đội lịch sử lên đầu để thờ".
Mặt khác em còn nhận thấy các thầy cô dạy môn lịch sử cũng không được coi trọng và thiệt thòi trong thu nhập.

NPC: Đồng thời, cùng với nhà trường, gia đình cũng cần tôn trọng và tạo điều kiện để con cái có đủ tự do phát triển tư duy, nhận thức cũng như theo đuổi niềm đam mê với sử học nếu có.
Quan trọng hơn chính là ở bản thân các bạn trẻ. Thay vì phải chờ đợi một sự thay đổi đến từ hệ thống giáo dục hay một phía nào tạo ra thành phẩm đem đến cho mình, chính các bạn phải tự thân thay đổi từ suy nghĩ: Dù là môn sử hay bất cứ một bộ môn nào khác, để có thể hiểu biết thì điều quan trọng nhất là sự chủ động và kiên nhẫn để học hỏi và khám phá những điều mới mẻ. Sách hay, phim hay và những nguồn tài liệu khác hiện nay không thiếu.

PVL: Để thay đổi việc giảng dạy môn sử, em nghĩ rằng cần thay đổi đầu tiên là sách giáo khoa: Nhiều bộ sách lịch sử do nhiều người biên soạn, nội dung lịch sử đượv viết một cách hấp dẫn về giọng văn, cách trình bày… sẽ kích thích tinh thần ham học của học sinh.

NPC: Và ở cấp học cao như Trung học, đại học nên đưa ra nhiều cách nhìn nhận, đánh giá lịch sử cho học sinh, sinh viên suy nghĩ, thảo luận, thậm chí khuyến khích người trẻ tìm kiếm tư liệu phản biện. Có như vậy người trẻ mới thấy thích thú khi được tham gia vào lịch sử.

NTH: Học, đọc lịch sử không chỉ là để biết quá khứ mà bài học từ lịch sử có ích vì nó giúp các em có thái độ và phương pháp đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng xã hội trong quá khứ cũng như hiện tại, là kinh nghiệm cho thế hệ sau lựa chọn và tự định đoạt con đường tương lai.
Sách sử và lịch sử, môn lịch sử và học sinh thật sự có mối liên hệ mật thiết. Do đó, sách viết về lịch sử, cách giảng dạy lịch sử làm sao phải là con đường ngắn nhất để lịch sử trở thành sự yêu thích và quan tâm của thế hệ trẻ. Nếu không nhận thức được điều này thì chính sách sử, việc dạy sử sẽ là con đường dài nhất cho thế hệ trẻ đi đến tương lai.

NTH: Nhiều nhân vật lịch sử, thậm chí có cả triều đại lịch sử, thường chỉ được biết đến, nhớ đến qua một vài hành động mà sử sách ghi lại. Tuy nhiên càng lùi xa thì càng có nhiều thông tin, nhiều tư liệu mới về thời đã qua, cho người đương thời thêm hiểu biết những mối liên hệ phức tạp cũng như tâm thức lịch sử của mỗi thời đại. Đối với một số nhân vật lịch sử, cần nhìn nhận họ vừa là con người chính trị - xã hội vừa là con người cá nhân của gia đình, dòng họ, để tránh cái nhìn phiến diện, đánh giá cá nhân và hành động lịch sử chỉ đơn giản là “tốt, xấu” “ta, địch” “đúng, sai”…


 PVL: Trước khi đánh giá nhân vật lịch sử chúng ta cần lựa chọn từ ngữ mang tính trung lập, như "ông" hoặc tên họ đầy đủ thay vì "y" “hắn” “thằng". Lựa chọn từ ngữ phù hợp sẽ giảm bớt ác cảm khi đề cập đến nhân vật đó. 
Cái thứ hai là luôn đặt câu hỏi "Tại sao điều đó xảy ra, vì sao họ làm như vậy?". Để giải thích cần nhìn qua lăng kính thời đại: vào thời điểm đó những việc như vậy được nhìn nhận thế nào? họ còn lựa chọn nào khác không? Nhiều sự kiện cần đặt đúng bối cảnh lịch sử mới đánh giá đúng bản chất.
Cuối cùng, đừng chỉ mổ xẻ mặt xấu hay chỉ nhìn thấy mặt tốt của họ bởi vì ai cũng có hai mặt. Những nhà viết sử cần giữ thái độ khách quan và khoa học khi truyền tải đến cộng đồng. Người đọc ngày nay có nhiều thông tin hơn nên sẽ có tư duy và đánh giá nhân vật lịch sử mà không phụ thuộc hoàn toàn vào người viết sử.

NPC: Thời gian gần đây việc đánh giá lại các nhân vật, sự kiện lịch sử bằng một cái nhìn khách quan và đa chiều hơn ngày càng được nhiều người quan tâm. Để làm được điều này, trước hết chúng ta cần đặt nhân vật lịch sử trở lại vị trí là một con người thực với đầy đủ những thuộc tính vốn có, có ưu có khuyết, có cá tính… Đặc biệt, khi nhận định, đánh giá về một hành động hay cả cuộc đời của nhân vật lịch sử thì cần xem xét trong thời gian, không gian với đầy đủ những yếu tố chi phối họ: các ông vua dù có quyền uy tối thượng thế nào thì bên cạnh cũng có những vị đại thần và cả triều chính. Sự thịnh suy của một triều đại, thậm chí sự thất bại cũng cần đặt trách nhiệm của ông vua trong mối quan hệ với triều chính và bối cảnh xã hội, nhất là nếu triều đại đó thất bại trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Có vậy thì mới thấy đầy đủ những nguyên nhân của hiện tượng lịch sử.

NTH: Việc đánh giá, nhận định trên cơ sở phân tích hoàn cảnh lịch sử của từng trường hợp không phải, và không thể biện minh cho việc họ đã làm, nhưng cần thiết để nhận biết những yếu tố khách quan, chủ quan nào của xã hội, của triều đình, thậm chí của cả những quốc gia khác… đã tác động đến suy nghĩ, nhận thức và hành vi của nhân vật lịch sử. Dù vậy, những hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng như đánh mất chủ quyền đất nước thì trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu triều đại là không thể chối bỏ!
Nhận thức lịch sử cần có sự hiểu biết một cách toàn diện, đầy đủ nguyên nhân, hoàn cảnh của những sự kiện tốt, xấu. Muốn tránh điều xấu hay muốn có điều tốt thì phải bắt đầu từ hoàn cảnh tạo ra điều đó. Bài học lịch sử luôn nhằm mục đích là làm sao để hiện tại và tương lai tránh được những sai lầm như đã xảy ra trong quá khứ, chứ không chỉ là phê phán hay ca ngợi quá khứ.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

 BÁO TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN SỐ TẤT NIÊN RA NGÀY 20/1/2017 
(Vì khuôn khổ có hạn nên không lên trang được một phần cuối của bài báo) 


CÓ GÀ ĂN TẾT.


Hôm qua, ông bạn (nhất định không chịu) già Đỗ Trung Quân nhắn, sáng cà phê Hậu ơi, trẫm tặng gà ăn tết.
Mừng quá, vì biết khoảng hơn tháng nay lão mới “nuôi” một bầy toàn gà trống nhưng dễ thương vô cùng. Thấy tài tử giai nhân hotboy hotgirl dập dìu để lão tặng, rồi bán đấu giá làm việc thiện… thế nên thích lắm nhưng mình chả dám “mở miệng” :) Lão còn nói thêm: đảm bảo con gà này đẹp, đẹp như những gì Hậu đã làm!
Ôi giời, chơi với nhau bao năm rồi bây giờ mới nghe lão nói một nhời có cánh với mình :D .Từng chứng kiến và làm “tổ trưởng hòa giải” cho vài chuyện “gay go” của lão, lại ít khi cà phê nhậu nhẹt mà thường “cãi nhau” trên FB vì lão bức xúc nhiều chuyện rồi cứ thế phang ngang bửa củi, mình chỉ thẽ thọt: ko phải như lão biết đâu, mà như thế này thế này… Cũng có lần cáu quá mình bảo: cứ “chửi” như anh thì bố ai muốn nghe?! Lão tỉnh queo “thì để nó nghe chứ cần gì bố nó nghe!”. Thế là hết cả bực với cáu :D
Khoảng hai năm nay lão vẽ nhiều. Mình không phải dân có nghề nên chả dám nhận xét về tranh của lão, chỉ biết có nhiều bức mình thích. Có lần lão muốn vẽ trên những mảnh gốm, sành, mình bèn chỉ cho lão tìm đến khu lò gốm cổ Hưng Lợi ở quận 8. Ở đó có nhiều phế phẩm lò phù hợp để lão sáng tác. Sau đó lão vẽ tặng mình mấy bức “đàn bà” trên mảnh lu mảnh chậu bể, đẹp vô cùng. Tối chiếu đèn vô trông cực “liêu trai”. Khoe với lão, lão bảo: viết truyện 100 chữ đi 
Lần này, khi nghe lão nói, năm nay “bán” được bầy gà góp tiền cho vợ con ăn tết sau ba năm bị hạn chế mọi hoạt động nghề nghiệp có thể kiếm ra tiền; tặng cho một cô giáo bức tranh để cô tặng lại người mẹ đang bịnh nặng (khi cô hỏi mua mà lão biết cô là giáo viên cấp 2)... mình bỗng cay cay mắt… Nói gì với lão cũng thành khách sáo, chỉ bảo: may mình còn có cái đầu với đôi tay để kiếm sống tử tế lão ạ. Lão gật gù, ừ, cái gì từ đôi tay mình làm ra đều là việc tử tế, vậy là ok rồi!
Bức tranh này mình nhất định bắt lão ghi cho vài chữ, gãi đầu gãi tai lão bảo, định ghi “quý tặng, mến tặng…” nhưng thấy vừa sến vừa sáo nên chỉ ghi vậy.
Vậy thôi, nói lời cám ơn với lão cũng là vô nghĩa, mình bèn hẹn như mọi lần: bữa nào nhậu, hén!
Cứ thế lão “trẻ” nhá. Chúc lão cứ hồn nhiên mãi thế, tử tế như thế, và được nhiều “bóng hồng” hâm mộ vây quanh thần tượng như thế (cái này nói khẽ thôi, kẻo Hoa Nam cục tăng cường quản lý thì tội lão :D ).
Sài Gòn 16.1.2016
P/S. Hầu như mình không bao giờ khoe khoang, chứng tỏ là có quen biết, thân thiết với người nổi tiếng, nhất là các văn nghệ sĩ. Nhưng lần này viết ra chuyện trên vì cá nhân mình muốn cám ơn nhà thơ, họa sĩ Đỗ Trung Quân đã luôn đồng hành và hỗ trợ cùng chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa mà mình là một thành viên.

Vụn vặt đời thường (136)

@ TẠM NHÌN LẠI
- Trong năm 2016 mình viết và đăng được 75 bài báo, trung bình > 6 bài/tháng. Chủ yếu về di sản văn hóa, văn hóa đô thị.
- Hoàn thành 1 đề tài khoa học cấp Bộ vể KCH đô thị (đang chờ nghiệm thu) cùng 4 bài đăng tạp chí khoa học, 1 bài đăng tạp chí khoa học nước ngoài.
- Đi thì ít hơn năm 2015, chỉ có 6 chuyến dài, ngắn về khoảng cách :)
- Đi dạy nhiều hơn, hướng dẫn 03 luận văn thạc sĩ và ngồi khoảng > 10 hội đồng bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ, đề tài NCKH...
- Ra được 1 tập tản văn. Xong bản thảo 2 tập tùy bút. Đang chỉnh sửa bản thảo 1 sách chuyên khảo.
- Còn nữa: trình nhảm và sến trên FB không giảm, chưa kể đôc được rất nhiều cuốn sách hay, bổ ích :) Chưa 
Nhân thấy bạn bè nhiều người bù đầu họp hành tổng kết cuối năm, mình cũng tạm tính sổ cho đỡ tủi với người ta :)
Ai bảo nghỉ hưu là buồn? Nghỉ hưu vui lắm chứ :D

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, kính râm, cây và ngoài trời :D


Quà tết và chính phủ liêm chính


Không có văn bản thay thế tự động nào.

Nguyễn Thị Hậu

Một năm, một vòng đời có bao nhiêu dịp người ta được nhận quà, và cũng đi tặng quà cho người khác. Theo truyền thống thì ngày tết Nguyên đán thường biếu tặng quà tết cho cha mẹ, người thân, người ơn nghĩa, thầy giáo… và ngày Trung thu tặng quà là đồ chơi cho trẻ nhỏ, biếu ông bà cha mẹ, thầy giáo hộp bánh, trái cây. Sau này có thêm những ngày lễ theo phương Tây như Giáng sinh, tết Dương lịch, ngày Tình nhân, ngày Phụ nữ 8/3, ngày Nhà giáo 20/11, rồi “phú quý sinh lễ nghĩa” có dịp sinh nhật, thôi nôi, đám cưới, tân gia… Những món quà trao trong dịp này “thay lời muốn nói” chứa đựng trong nó bao ý nghĩa tốt đẹp.

Tặng quà là một hành vi văn hóa. Ông bà xưa dạy “của cho không bằng cách cho” bởi vì món quà không chỉ có giá trị vật chất mà còn gói ghém tình cảm của người tặng, sự tri ân với người nhận quà. Đồng thời ông bà cũng dặn “của biếu là của lo, của cho là của nợ” để con cháu hiểu biết không phải lúc nào cũng có thể biếu quà hay nhận quà; mỗi khi biếu hay nhận quà thì hãy nghĩ đến những hệ lụy.

Từ những món quà nho nhỏ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, những món quà cũng thay đổi hình thức, thay đổi giá trị theo xu hướng sang hơn, đắt hơn… Tốt thôi, nếu đi cùng với món quà là sự quý mến, chân thành và tôn trọng nhau. Khi đó món quà phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ giữa người biếu tặng và người nhận quà, không phải để phô trương, không trở thành “món nợ”.
          Có thể nhận thấy lượng quà biếu tặng lớn nhất trong năm chính là vào dịp tết Nguyên đán. Vào dịp này ở nhiều nơi việc đi lại biếu tặng cấp trên đã trở thành “thông lệ” mà lâu nay được gọi bằng hai từ “biếu xén” mang nghĩa tiêu cực, không còn là nét đẹp văn hóa như ý nghĩa của nó. Tết nhất nhân viên đến nhà sếp, sếp nhỏ đến nhà sếp lớn hơn, đến để "điểm danh", đến để cậy nhờ chút ân huệ "mưa móc" cho năm sau, kèm theo những món quà, những phong bao ngày càng “trên mức tình cảm” mang ý nghĩa trục lợi… Rồi không chỉ là ngày tết, bất cứ “ngày” gì cũng có thể biến thành một cơ hội để “quà cáp”, để tăng thêm sự “ràng buộc” lỡ sau này xảy ra chuyện gì cũng không thể bỏ nhau vì “há miệng mắc quai”.

Quà cáp biếu xén không chỉ là hối hộ cấp trên hay nhũng nhiễu cấp dưới một cách trá hình mà nó để lại nhiều hệ lụy. Thực trạng này càng kéo dài thì bộ máy nhà nước càng trì trệ bởi những “quy trình” không được vận hành bằng luật pháp.
Từ bao nhiêu năm rồi, cứ những ngày cuối năm là Hà Nội nườm nượp các “quan” địa phương đổ về trung ương… Nhưng mãi đến năm nay mới có một lãnh đạo cấp cao của nhà nước thẳng thắn thừa nhận và công khai yêu cầu "các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết". Cần phải ghi nhận đó là nỗ lực của Thủ tướng nhằm hạn chế một hiện tượng tiêu cực. Từ lời yêu cầu của Thủ tướng nhiều người bắt đầu kỳ vọng về hình ảnh mới của một Chính phủ liêm chính.

Tuy nhiên, “tặng quà” tự thân nó là một hành vi văn hóa đồng thời thể hiện văn hóa của chủ thể (người tặng) và đối tượng (người nhận), cho nên khi hành vi này bị biến tướng, lạm dụng, tức là bị làm cho “lệch chuẩn” thì chỉ có thể điều chỉnh nó “trở lại chuẩn” cũng bằng văn hóa. Lời yêu cầu của Thủ tường hay việc “định lượng” hóa tiền quà biếu tặng để xử lý bằng luật pháp… đều mang tính chất hành chính, chỉ có thể được tuân thủ khi con người tự điều chỉnh hành vi của mình trở lại chuẩn mực văn hóa, nếu không, tất cả mệnh lệnh hành chính chỉ làm nảy sinh thêm những biến tướng mới.

Văn hóa trong biếu tặng quà bắt đầu từ lòng tự trọng. Tự trọng thì hiểu đúng ý nghĩa và thực hiện đúng mực hành vi biếu tặng nhận quà. Tự trọng thì không nhũng nhiễu tham lam, không coi việc cấp dưới tặng quà cáp là “đương nhiên”, tự trọng thì không nịnh nọt biếu xén hối lộ cấp trên để mưu đồ tư lợi. Tham nhũng, hối lộ, chạy chọt chức quyền không thể là liêm chính! Do đó, có lòng tự trọng thì mới có sự liêm chính. Quan chức tự trọng mới có chính phủ liêm chính.

Để xây dựng một chính phủ liêm chính cần bắt đầu từ việc giáo dục, đào tạo những con người có lòng tự trọng.

Thời báo kinh tế Sài Gòn 11.1.2017


Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Giờ là lúc được sống cho mình

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Gần 3 năm qua, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu không còn phải ngày ngày đến công sở. Là bởi chị đã thôi giữ chức Viện phó tại Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM. Về hưu, nhưng như chị nói đây mới chính là khoảng thời gian chị được sống cho mình.

1.Được sống cho mình với Nguyễn Thị Hậu là trở lại với chuyên môn làm khảo cổ, như một cuộc trở về với cái tên “Hậu Khảo cổ” mà chị đã sử dụng khi tham gia mạng xã hội. Khi đó, hễ có thời gian, chị lại cùng đồng nghiệp lên đường theo tiếng gọi của đam mê “đi và tìm trong đất”. “Các bạn đi làm khảo cổ ở đâu, nếu mình cảm thấy sức khỏe đảm bảo thì các bạn vẫn chào đón. Tôi không nghĩ gì về chuyện tiền nong mà điều quan trọng nhất là mình muốn tiếp tục cái nghề của mình, và các bạn cũng muốn một người làm nghề có kinh nghiệm đi cùng. Bởi vậy, tôi đi cùng các bạn, không chỉ các bạn vui mà mình cũng được vui!”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ chị “ôm việc” để khuây khỏa tinh thần lúc về hưu. Bởi cảm giác biết mình đã trở thành “người thừa” của xã hội, của gia đình không hoàn toàn dễ chịu chút nào. Đó là một thực tế đầy khắc nghiệt không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Đôi khi với một số người còn là cuộc khủng hoảng tinh thần, vậy nên phải “ôm việc” để mà quên. Nhưng với những ai quen biết và dõi theo Nguyễn Thị Hậu đều hiểu rằng, ai khủng hoảng thì khủng hoảng, còn chị chắc chắn không! Chính lúc về hưu là khoảng thời gian khiến chị bận rộn hơn cả, và niềm vui cũng theo đó nhân lên. Bởi đây là lúc chị được làm những công việc mà mình đam mê. Ngoài đi làm khảo cổ với đồng nghiệp, chị còn tham gia giảng dạy tại trường đại học, tham gia vào các đề tài nghiên cứu trong vai trò hướng dẫn hoặc phản biện. Thêm một đam mê nữa mà chỉ đến khi về hưu, chị mới có nhiều thời gian dành cho nó, đó là đọc sách và viết.
Thực ra, trước khi về hưu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã có nhiều đầu sách cả chuyên ngành lẫn văn chương như Đi và tìm trong đất, Quay qua quay lại, Khảo cổ học bình dân Nam Bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ. Quãng mười năm trước, cái tên “Hậu Khảo cổ” được cộng đồng mạng với đủ thành phần lứa tuổi theo dõi và tìm đọc. Từ những bài viết trên internet, về sau được chị tập hợp in thành sách. Nói không quá lời, chính mạng internet đã “phát lộ” một nhà văn sau một Tiến sĩ Khảo cổ học! Đến lúc về hưu, viết trở thành thói quen hàng ngày của Nguyễn Thị Hậu. Mỗi ngày chị đều dành thời gian ngồi vào bàn viết sau khi đã đọc sách, đọc báo. Từ sự lao động nghiêm túc ấy, gần 3 năm qua, chị đều đặn có sách gửi tới bạn đọc: Thế giới mạng và tôi, Cách nhau chỉ một giấc mơ, Tập truyện 101 chữ, Chúng ta nói gì khi gặp lại nhau. Chưa kể, còn hai cuốn sách cũng đang chờ được ra mắt, gồm: Vẫn còn nhớ nhauNghĩ ngợi đường xa.

2.Sở trường của Nguyễn Thị Hậu có lẽ là thể loại tạp bút. Những bài viết với dung lượng chữ không nhiều nhưng lại có sự hài hòa giữa các vấn đề được viết một cách chỉn chu, mang tính khoa học bên cạnh sự tinh tế, xúc cảm của trái tim phụ nữ. Có thể bắt gặp điều này trong cuốn sách Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…? xuất bản gần đây của chị. Ở đó, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản được chị lồng ghép vào những bài tùy bút ngắn, đầy cảm xúc mà lẽ ra vấn đề này phải cần đến một công trình khoa học hết sức nghiêm túc. Trong vai trò của một trí thức, một người làm chuyên môn hay đơn thuần chỉ là một người viết, những bài viết mang đến hàm lượng thông tin chuẩn xác, nghiêm cẩn nhưng cũng đầy tinh tế, mềm mại. Nhờ đó, thông điệp bảo tồn và phát huy di sản trở nên gần gũi, dễ dàng đồng cảm với những người quan tâm. Chỉ khi bảo tồn và phát huy di sản ngày hôm nay thật tốt, thì chúng ta mới có thể gìn giữ và làm “của nả” cho thế hệ tương lai; bởi một lẽ như chị đã viết: “Ai cũng biết bảo tồn di sản chính là gìn giữ mối liên hệ giữa quá khứ và tương lai thông qua những “vật chứng” như các di tích, di vật, lễ hội… thông qua ký ức lịch sử mà thế hệ trước di truyền cho thế hệ sau”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, những gì viết ra giúp bản thân nhìn được một khía cạnh nào đấy của chính mình mà mình chưa biết. Chị bảo: “Viết cũng giống như khi mình nói chuyện với một người, nó làm bộc lộ ra nhiều ý nghĩ. Có thể lúc mới bắt đầu đặt bút viết, mình không nghĩ rằng mình sẽ viết được ý đấy, đến khi tự mình tương tác với mình trong khi viết, tự nhiên lại bật ra những ý nghĩ mà mình thấy rằng nó đã nằm trong mình rồi. Việc viết mang lại lợi ích đầu tiên là phát hiện trong bản thân mình có những suy nghĩ, kể cả xấu cả tốt. Đó giống như một cuộc khám phá bản thân, khám phá nhận thức của mình về xung quanh, về con người, và nó điều chỉnh mình”.
Thời gian gần đây, cùng với rất nhiều trí thức trong xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng là một trong những người có nhiều bài viết mang tính phản biện mạnh mẽ, đăng tải trên các trang báo và trang cá nhân. Tiếng nói của chị cũng như của giới trí thức nói chung thực sự cần thiết trong xã hội đang có nhiều biến động, nhiều giá trị bị đảo lộn như hiện nay. Chị kể: “Có lẽ giai đoạn làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển là giai đoạn cho tôi kiến thức và cách tiếp cận các vấn đề xã hội để mình nói một cách đúng mực và khách quan. Tôi vẫn cho rằng, người có tri thức luôn luôn phải nhận thức cái gì đúng, cái gì sai, cái gì còn khiếm khuyết cần phải đổi mới, xây dựng. Nhưng trong vai trò của một người tham gia vào bộ máy chính quyền, thậm chí giải quyết một số vấn đề liên quan, đặc biệt về văn hóa xã hội thì tôi cũng có thêm một góc nhìn nữa, đó là nguyên nhân vì sao nó lại như thế hoặc những cản trở nào khiến việc đó không thể thay đổi được. Cách tiếp cận của tôi khi phản biện đều là chia sẻ về những hiểu biết của mình về nguyên nhân, những khó khăn cũng như giải pháp khắc phục. Đương nhiên, những giải pháp ấy đều phải dựa trên những dữ liệu về mặt khoa học, chứ không phải nói theo cảm tính. Khi viết, tôi luôn đặt mình trong tâm thức đóng góp để câu chuyện trở nên tốt hơn. Ngoài ra, tôi đặt mình ở vị thế của những người đang làm việc đấy để chia sẻ với họ”.
Nguyễn Thị Hậu nói, cũng có lúc chị không tránh được cảm giác bi quan nhưng chưa khi nào chị có ý nghĩ dừng lại. “Tôi nghĩ mình vẫn phải làm một điều gì đấy, dù nhỏ thôi nhưng góp phần thay đổi, giúp xã hội ngày một tốt hơn. Tôi vẫn sẽ tiếp tục vì những bài viết của tôi luôn hướng đến cho cộng đồng. Đã xác định được như vậy nên đương nhiên, tôi không nản và vẫn kiên trì làm như vậy”.

3.Dù mới tiếp xúc nhưng điều mà mọi người dễ dàng nhận thấy ở Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là sự giao hòa giữa hai nền văn hóa Bắc - Nam rõ rệt. Ở chị vừa có sự tinh tế, nhẹ nhàng của người Hà Nội; vừa có sự thẳng thắn, mạnh mẽ của người Sài Gòn. Đặc biệt, giọng nói của chị vẫn “đặc sệt” Hà Nội; đó có lẽ là “dấu tích” của thời gian sống ở Hà Nội, trước khi chuyển vào Sài Gòn. 
Vào những năm 1954 - 1955, ba mẹ chị ra Bắc tập kết, chị được sinh ra và lớn lên trong thời gian ba mẹ trải qua cuộc cuộc sống gần nửa thế kỷ ở Hà Nội. Chị như nhiều đứa trẻ cùng hoàn cảnh được sinh ra vào thời gian đó, nghiễm nhiên trở thành thế hệ có hai quê. Cuộc di dư mang tính lịch sử ấy với chị cũng là một may mắn, để sau này, khi xa Hà Nội lúc vừa bước sang tuổi 17, là thời điểm chị theo ba mẹ trở về Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975; trong ký ức chị vẫn lưu giữ hình ảnh về một Hà Nội thơ mộng. Lòng chị vẫn đầy thổn thức khi nhớ về cái lạnh đặc trưng vào mùa đông, tiếng ve ran inh ỏi suốt mùa hè, tiếng tàu điện leng keng khuya sớm…
Nỗi nhớ ấy tiếp tục dẫn dắt chị về những ngày Tết của Hà Nội, khi phải xếp hàng mua đồ Tết cho mẹ. Có khi là miếng bóng, hộp mứt, gói bột ngọt... Năm nào khá hơn thì mang bột đi làm bánh bích quy. Chị nhớ thêm về những nhành hoa mà chỉ dịp Tết mới được chưng trong nhà. Thời đó, chỉ dân phố cổ nhà có của ăn của để mới chưng đào; còn nhà chị năm này qua năm khác vẫn lựa chọn thược dược vì loại hoa đó rẻ, lại chưng được lâu. Sau này, khi đã thành thiếu nữ, biết mơ mộng hơn một chút, chị mới chuyển sang violet và lay ơn trắng…
Bằng cách này hay cách khác, ký ức về những ngày Tết của Hà Nội vẫn in đậm trong tâm trí chị như vậy cho dẫu những cái Tết sau này ở Sài Gòn đã không còn những thiếu thốn, không còn cảnh tem phiếu, xếp hàng. Thì lúc này, Tết với chị là khung cảnh sum họp đoàn viên của gia đình. Chị bảo, chị đồng ý loại bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết, kể cả việc con cái có thể đi du lịch nếu có điều kiện nhưng chị vẫn muốn giữ một cái Tết truyền thống bởi Tết trong chị vẫn là sự thiêng liêng. “Tết là dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nói có vẻ hơi lãng mạn nhưng nó thực sự là như vậy. Ngoài ra đây cũng là dịp để trở về truyền thống; bình thường, một năm chúng ta có thể lướt qua rất nhiều dịp nhưng 3 ngày Tết, mối quan hệ giữa mình với bố mẹ, với gia đình, họ hàng sẽ rất khác. Bởi vậy, ngày Tết là dịp sum họp của gia đình, nhất thiết vẫn phải có bữa cơm cúng ngày 30 đón ông bà rồi sau đó là bữa cơm tiễn ông bà đi”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu thổ lộ.



HỒ HUY SƠN

Vụn vặt đời thường (135)

@ Hình như không có ai, từ ngàn năm nay, thắc mắc về hình dáng rồng tiên nguồn gốc của mình trông như thế nào. Thế mà hôm nay bao nhiêu người lại đồng thanh lên tiếng vì con vật trang trí ở thành phố hoa cải. Ừ thì người ta làm con rồng nhưng mình thấy giống con vịt con chó con pikachu gì đấy... cũng có sao đâu, chả chết ai hại gì cả :D
Ngay cái mẫu tượng quốc tổ kia kìa, cụ ở thời trước công nguyên mà trông tượng cứ như cụ sống vào thế kỷ 19. Người cách nhau đến vài ngàn năm còn giống như đúc huống thì con rồng giống con gì cũng là lẽ thường, việc gì phải xoắn :)

Kết quả hình ảnh cho "rồng ở hải phòng"

Chon duoc hai mau tuong Hung Vuong hinh anh 1
@ Trước khi dối trá hãy nghĩ đến lúc sẽ luôn phải chịu nghi ngờ. Nếu đã lỡ dối trá một lần thì phải cần rất nhiều lần chứng minh là mình nói thật mới có thể lấy lại được lòng tin
@ Già vẫn chưa giàu vì cái đầu còn trẻ con :)
(giàu ở đây là cả vật chất và tinh thần).
@ Phát triển và hiện đại giao thông công cộng quan trọng nhưng ý thức người dân tham gia giao thông quan trọng hơn: ai cũng cố bon chen lấn đường sai tuyền vi phạm luật thì có cho dùng máy bay cá nhân vẫn cứ kẹt đường trên giời.
@ Rung chuông vào giao thừa: chỉ cần nghe chuông chùa, nhà thờ là được, mỗi nhà 1 chuông có khác gì đàn trâu bò đeo lục lạc :D

@ Không có đồng hồ thì không sốt ruột :)
Đi cả tuần không mang theo đồng hồ, điện thoại luôn trong túi xách, giờ nào việc nấy, cũng chẳng cần nhìn đến thời gian. Chỉ khi ngồi trên máy bay, thói quen khi nhìn xuống cổ tay thấy trống vắng... Nhưng cần gì, đằng nào tới giờ thì máy bay cũng hạ cánh, có đồng hồ trên tay thì có bay nhanh hơn chút nào đâu, thậm chí còn "chậm hơn" là khác.
Tối nay, nhờ vậy mà không sốt ruột khi cơ trưởng thông báo: vì lý do nào đó ở sân bay TSN nên m
áy bay phải vòng lên Đà Lạt, thời gian bay thêm khoảng 35 phút.
Vậy nên cứ yên tâm đọc sách... Chuyến bay dài 2g30 phút rồi cũng kết thúc. Trời nóng, sấm chớp ầm ì đằng xa nhưng chưa mưa... Gặp đồng chí taxi nói tiếng miền Trung, không rành đường nhưng trên xe nhạc bolero réo rắt. Vầng, đã đến Sài Gòn :)

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...