"BỚI" CHUYỆN CON GÀ


Trong mười hai con giáp có một số con vật quen thuộc trong đời sống người Việt Nam: tí, sửu, mão, dậu, tuất, hợi. Ngoài chuột thì những con khác đều là vật nuôi, trong đó gà là con vật gần gũi và hiền lành hơn cả.

Ở nông thôn nhà nào cũng nuôi vài con gà, có trống có mái, rồi thêm gà mẹ và bầy gà con. Ngôi nhà mái ngói hay nhà mái lá cũng có hàng cau trước sân phía sau vườn là vài bụi chuối. Đấy là nơi suốt ngày bầy gà đóng “đại bản doanh”. Nào là gà mẹ bới tìm thức ăn cho bầy con đang chíu chít, nào là cô mái tơ mắc đẻ bới đất làm ổ tròn nằm bẹp xuống, khi cô kêu cục ta cục tác là trong ổ có một quả trứng hồng xinh xắn còn nóng hôi hổi. Rồi mấy chú gà choai sửng cồ lao vào mổ nhau chí chóe… Trời đổ mưa bụi chuối che cho lũ gà co ro đứng dưới. Sau cơn mưa khi mặt trời ló ra rực rỡ thì lập tức chú gà trống vươn mình rũ cánh phạch phạch rồi cao hứng gáy lên mấy tiếng ò ó o… Thỉnh thoảng lũ gà mái quang quác kêu lên chạy tán loạn, thì ra có một cô đã bị ép dưới tấm thân to cồ của anh gà trống.

Hầu như mọi nhà đều nuôi gà làm thức ăn dự trữ khi có khách khứa, tết nhất, giỗ chạp, khi túng thiếu mang ra chợ cũng được món tiền, hàng ngày có thêm quả trứng dành cho trẻ con, người bệnh… Bầy gà còn biết nhặt nhạnh thức ăn vương vãi. Mỗi sớm mai không thế thiếu tiếng gà gáy và mỗi chiều khi nghe gà lục tục lên chuồng là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm tối. Ban đêm khi nghe gà kêu trong chuồng thì cẩn thận cầm đèn ra soi, coi chừng chuột cống hay con rắn bò vào cắn trộm. Có khi một tiếng động lạ cũng làm bầy gà nháo nhác. Đêm mất ngủ nằm đếm tiếng gà báo sang canh.

Những ngày còn nhỏ mấy khi được miếng thịt gà ngon lành vì ngoài dịp lễ tết nhà chỉ được ăn thịt gà khi chúng bị “toi, rù”  - một dạng bệnh cúm của gà, nhưng trước đó chúng đã phải uống nước tỏi đến vài ngày mà không khỏi bệnh. Lạ thật, ướp thịt gà với hành tỏi khi chiên, xào thì rất thơm ngon nhưng nếu gà chết vì bệnh thì lúc ấy thêm nhiều nghệ và gừng có khi cả sả nữa cũng không át được mùi tỏi sực trong miếng thịt gà khó chịu như mùi thuốc kháng sinh. Vậy mà vẫn ngon làm sao!

Ngày giỗ ngày tết hay lễ hội cần có mâm xôi “thắp nhang, cúng cụ” thì gà trống được ưu tiên gánh vác nhiệm vụ này. Gà luộc nguyên con khéo léo bẻ gập chân và cánh đặt trên đĩa lớn giữa mâm, miệng ngậm cành hoa hồng (có nơi là cúc vạn thọ) trông rất “mỹ thuật”. Có khi cặp chân gà chặt riêng, khi luộc chú ý nước lăm tăm sôi là vớt cặp chân ra trước, nhìn vào “thế” quặp của mấy ngón chân gà mà đoán việc may rủi sắp tới. Nhưng nếu muốn ăn ngon thì người ta thường chọn gà mái tơ hay mái dầu, thịt béo mềm vừa phải, lại có buồng trứng non. Cách chặt thịt gà thể hiện sự khéo léo của người chặt, xưa thường là đàn ông làm việc này: miếng thịt chặt vuông, đủ da thịt xương, đều nhau tăm tắp, xếp úp vào đĩa mặt trên là lớp da vàng ươm rắc lá chanh xắt sợi, đúng câu “con gà cục tác lá chanh”. Trong thiên phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố đã miêu tả tài nghệ chặt thịt gà của anh mõ đảm bảo mỗi phần của các ông tiên chỉ đều đủ cả đầu gà phao câu.

Ở thành thị việc chặt thịt gà thường do người nội trợ chính là bà mẹ, rồi sau để “thử tài” con dâu mới. À, chuyện thử tài nấu nướng của cô dâu mới còn có món giá đỗ (hay su hào, mướp hương) xào với lòng gà, xào làm sao không còn mùi giá sống, cọng giá mềm nhưng không nhũn. Xúc ra đĩa phía trên lớp giá trắng ngà là mấy miếng gan lòng mề màu nâu mềm và không bị chín quắt. Trong ẩm thực Việt món gà luộc có thể nói là phổ biến nhất từ trong nam ngoài bắc đến miền núi vùng biển… Gà luộc chấm muối tiêu chanh hay nước mắm nhĩ, nước luộc gà chỉ cần thêm chút muối và hành ngò là thành tô canh. Món luộc là “đặc sản” của Việt (cái/nước để riêng nhưng ăn được cả hai) khác món canh, hầm của Tây, Tàu cái nước lẫn lộn.

Trong tranh dân gian có tranh Hàng Trống (Thăng Long, Hà Nội) nhiều bức vẽ gà: gà trống đỏm dáng hay kiêu hãnh, bầy gà mẹ con đầm ấm hạnh phúc… vừa là cảnh thân thuộc hàng ngày vừa là ước vọng muôn đời của người dân. Đồ gốm gia dụng từ thế kỷ 19 ở vùng Lái Thiêu (Bình Dương) có nhiều hoa văn con gà trên đĩa, tô, ấm, bình… nét vẽ phóng khoáng, sinh động mà bình dị, ngày nay trở thành cổ vật nhiều người ưa thích. Hồi giữa thế kỷ 20 nhiều nhà giàu có còn thịnh hành những chiếc bàn ủi (bàn là) đúc bằng đồng hình “con gà” dùng than làm nóng. Một thời có ngân hàng còn quảng bá gửi tiền tiết kiệm bằng hình ảnh “con gà đẻ trứng vàng”.

Con gà không chỉ quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày mà nó còn là “hình tượng” của một số hoạt động khác của con người: “chữ xấu như gà bới” chê mấy anh học trò viết vụng, “gà cồ ăn quẩn cối xay” là đàn ông chỉ biết quẩn quanh xó bếp mà không dám “tung hoành ngang dọc”, “đẻ như gà”, “con cái trứng gà trứng vịt” là nhà đông con lít nhít, “miệng mồm lúc nào cũng quang quác” chê mấy bà đanh đá nói nhiều, “lơ ngơ như gà mất mẹ” là con mồ côi… Hơn tất cả, hình ảnh bầy gà hiền lành suốt ngày cần mẫn kiếm ăn, không đi đâu xa khỏi sân nhà vườn nhà, gà mẹ luôn nhường nhịn chia sẻ cho con từng hạt lúa con sâu, bầy gà đôi lúc cũng “đá nhau” nhưng lại sẵn sàng xù lông bảo vệ lẫn nhau khi có lũ quạ lũ diều xuất hiện… luôn được dùng để khuyên răn con người “khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Trong văn chương hiện đại, một nhân vật có sức sống lâu bền trong lòng người đọc là chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Hình ảnh người phụ nữ cần cù nhẫn nhịn, yêu chồng thương con, có thể làm mọi việc vì chồng con kể cả việc vùng lên đánh lại bọn cai làng lính lệ, nhưng cuối cùng chị vẫn không thoát khỏi một “tiền đồ đen tối”. Cái tên nhân vật như đã phản ánh số phận của bao người nông dân.

Ngày nay ở thành phố nhiều trẻ em không biết con gà sống như thế nào vì chỉ được nhìn thấy gà công nghiệp đã làm sẵn bỏ bao nilon bán ngoài chợ hay trong siêu thị, tập làm văn “em hãy tả con gà” thì rập khuôn bài văn mẫu “nhà em có nuôi một con gà trống, mỗi sáng nó gáy ò ó o để đánh thức cả nhà”. Gần đây xuất hiện nhiều quán bán gỏi gà cháo gà dùng gà loại (gà công nghiệp không còn đẻ trứng nữa) giả làm gà ta, ăn miếng da thì dai chứ không giòn mà thịt thì vừa cứng vừa xác. Gà quê, gà thả vườn, gà ăn thóc lúa chứ không ăn thức ăn công nghiệp trở thành đặc sản. Nhiều nơi đang gầy dựng lại giống gà đặc biệt của địa phương như gà Đông Tảo (huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Nhưng cũng nhiều nơi, nhất là vào mùa xuân, trò chơi dân gian đá gà đã biến thành những “sới gà” cá độ, một dạng của tệ nạn bài bạc. Lại còn mấy cô làm cái nghề “nhạy cảm” bị gọi là “gà móng đỏ”, thật oan cho gà quá!

Nếu con rồng được coi là linh vật vì biểu tượng cho tầng lớp triều thần quyền quý thì với những “thuộc tính” như trên, con gà có thể coi là “linh vật” của tầng lớp bình dân, vì hình ảnh quen thuộc của nó thể hiện từ sinh hoạt hàng ngày đến nét tính cách và những số phận phổ biến trong đời sống xưa nay của xã hội Việt Nam.


Sài Gòn 1.2017 (tranh: họa sĩ Đỗ Phấn)
Nguyễn Thị Hậu

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...