@ MỘT “NGƯỜI SÀI GÒN”


Hôm qua mình tham dự cuộc gặp gỡ “tất niên” của một cơ quan, là nơi mình được mời tham gia các cuộc họp của “hội đồng tư vấn” trên lĩnh vực văn hóa – xã hội về một số vấn đề chuyên môn. Đây là một việc mới khi mà sở ngành kỹ thuật lưu ý và quan tâm thực sự đến văn hóa – xã hội trong việc xây dựng các dự án và thực hiện các công trình dân sinh.

Nhiều khi ý kiến từ góc tiếp cận “an sinh xã hội” cũng “mâu thuẫn” với góc nhìn từ những chuyên gia khác về kỹ thuật, kinh tế... Nhưng điều đáng nói là ông Giám đốc Sở luôn lắng nghe, trân trọng và tỏ ra đồng cảm với các chuyên gia văn hóa – xã hội. Một lần, trong một cuộc họp khá căng thẳng vì chưa tìm ra giải pháp một vấn đề liên quan đến dân sinh mà dư luận và báo chí đang lên tiếng gay gắt... Ông giám đốc bỗng nói vài lời như tâm sự, đại ý: Tôi chỉ mới vào công tác và sinh sống ở TPHCM hơn mười năm, nhưng tôi rất yêu thành phố này. Tất cả những gì mà báo chí phê phán đều làm cho tôi thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với thành phố, nơi mà những người xa quê vào đây đều được đón nhận, chúng tôi có thể sống và làm việc hết mình. Vì vậy mong muốn làm sao cho thành phố tốt đẹp hơn cũng chính là làm cho cuộc sống của mỗi người, trong đó có chúng ta, được sống tốt đẹp hơn. Trên tinh thần đó, tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng thảo luận và tìm ra giải pháp cho vấn đề...

Cuộc họp sau đó trở nên nhẹ nhàng hơn, và có kết quả tốt.

Những tâm sự chân tình của ông giám đốc làm mình nhớ rất lâu... mình tin đó là tình cảm thật sự của ông vì những việc làm tiếp theo của cơ quan đó tuy không ồn ào nhưng thiết thực và có hiệu quả. Ông GĐ Sở còn khá trẻ, khoảng ngoài 40, được đào tạo đúng ngành nghề mà hiện nay ông quản lý, quá trình công tác của ông đi lên từ công việc làm chuyên môn kỹ thuật cụ thể. Có thể nói đó là một người có trình độ chuyên nghiệp cả về chuyên môn và quản lý.

Trong cuộc gặp hôm qua, khi ông giám đốc cụng ly với mình, mình đã nói lời cám ơn ông vì ông đã yêu Sài Gòn và đang làm nhiều việc tử tế cho thành phố này! Ông cười và nói: Đây cũng là thành phố của em mà chị! Cũng rất chân thành, thể hiện một tình yêu thật sự, làm mình rất cảm động!

Sài Gòn luôn nhận được tình yêu như vậy từ những “người Sài Gòn”!

P/S 1. Mình không nói tên cơ quan và ông giám đốc, vì đấy là một phần công việc của mình. Trên FB hầu như mình không nói chuyện công việc đang làm nhất là khi nó có liên quan đến những người khác.

P/S 2. Ông GĐ còn khá trẻ, nói chuyện vẫn thân tình chị, em. Mình gọi là ông vì sự tôn trọng đối với một người đang thực hiện tốt trách nhiệm với thành phố của chúng ta.

26.1.2021



 

ELENA (phim Nga)

 Elena là y tá, có một con trai. Khoảng hai năm trước khi nghỉ hưu, bà chắp nối với một người đàn ông thượng lưu đã ly hôn và có một cô con gái, ông là bệnh nhân bà chăm sóc trong bệnh viện. Có thể thấy rõ vị thế khác nhau trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng Elena: một người thượng lưu sung túc quen quyết định mọi việc rất lý trí và một người bình dân nghèo, tận tụy nhưng ngầm phản kháng.

Trong ngôi nhà sang trọng, cuộc sống chung có vẻ êm đẹp trừ khi hai người đề cập đến chuyện anh con riêng của Elena: hai vợ chồng anh ta không có việc làm, Elena luôn phải chu cấp và giúp đỡ gia đình họ, hơn thế, do sự thúc giục của con trai, Elena còn muốn chồng cho tiền để con trai mình “chạy” cho cháu nội vào đại học. Nhưng ông chồng từ chối vì không muốn (lại) giúp đỡ một người cha, người chủ gia đình lười biếng và vô trách nhiệm. Những cuộc trò chuyện của Elena với chồng đều đi vào “ngõ cụt” vì một bên là sự yêu thương và nuông chiều con vô lối, một bên là lý lẽ rành mạch thậm chí lạnh lùng, nhưng không thể nói là sai – nhất là với văn hóa châu Âu.
Chồng Elena lại luôn cảm thấy có lỗi với con gái – một cô gái sống phóng túng nhưng có công ăn việc làm. Nhưng hai bố con đã phần nào hòa giải với nhau khi ông bố nằm viện vì đột quỵ. Sau khi qua cơn đột quỵ rất nguy hiểm, chồng Elena nói với bà ý định làm di chúc của mình: phần lớn tài sản ông để lại cho con gái riêng, Elena sẽ được chu cấp đấy đủ đến khi chết. Và điều đó không làm cho Elena hài lòng.
Nhịp phim chậm rãi, nhạc nền căng thẳng như báo hiệu chuyện chẳng lành. Có đoạn dài chỉ thỉnh thoảng có tiếng những con quạ kêu thảng thốt...
Phân hóa xã hội không chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo về kinh tế mà nó còn làm bần cùng hóa về tinh thần: Người giàu không còn sự cảm thông và rộng lượng với người khó khăn, người nghèo lấy sự yếu thế của mình để đòi hỏi và chiếm đoạt của người giàu hơn, coi đó là sự “công bằng”. Chính tâm thức này làm cho Elena đã tỉnh táo và lạnh lùng, hành động tàn nhẫn, không hề hối hận, không chút xấu hổ ngay cả khi nhận thấy sự khinh bỉ của cô con riêng của chồng. Hành động của Elena không chỉ vì thương con mù quáng, mà đó là vì trong sâu thẳm Elena cho rằng bà hoàn toàn có quyền được hưởng tài sản của người mới làm chồng bà có hai năm, dù bà không hề đóng góp chút nào vào khối tài sản ấy. Người xem phải tự hỏi, không biệt sự tận tụy của Elena với chồng là thật lòng hay chỉ vì một tính toán nào đó?
Cái kết của phim cho thấy một “cuộc cách mạng” đã thành công: Mẹ con Elena “đổi đời”: có tiền, có tài sản, có nhà đẹp, nhưng lương tâm thì câm lặng dù Elena có chút sợ hãi trước những “điềm gở”! Nhưng “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”, dùng thủ đoạn và tội ác để đòi "công bằng" thì ngay khi đang ăn mừng chiến thắng đã nhìn thấy tương lai chông chênh và vô định bắt đầu!
Là một phim Nga, ý nghĩa này lại càng sâu sắc!
16.1.2021


LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...