PHÚT CUỐI

 


@ Phút cuối
Vài năm nay Bolero trở lại, đáp ứng nhu cầu “hoài niệm” của nhiều người. Phổ biến trên truyền hình, trên sân khấu đến những phòng trà ca nhạc rồi ra vỉa hè nhạc “kẹo kéo” hay karaoke với tất cả mọi giọng hát già trẻ lớn nhỏ hay dở…
Sự trở lại của Bolero phản ánh một phần sự “khủng hoảng” tinh thần của xã hội, vì vậy chẳng việc gì phải ra sức chê bai nó. Cũng đừng khoác cho Bolero cái áo quá rộng là “đại diện, biểu tượng” của thời đã qua. Bởi vì cái gì càng “quá” thì càng “qua” nhanh. Cứ để Bolero sống cuộc đời bình dị của nó, con người còn những tâm trạng cô đơn buồn bã nhớ nhung thậm chí sến súa… thì còn Bolero, có sao đâu nhỉ?
Riêng tôi, không thể phủ nhận ảnh hưởng lớn từ những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương đến sự yêu thích của tôi với Bolero. Phút Cuối là bài hát tôi biết đầu tiên, lúc đó ở HN, đâu chừng 12, 13 tuổi và nghe lén một bản tân cổ giao duyên từ đài Sài Gòn. Vọng cổ thì khá quen thuộc với tôi vì ba tôi là dân cải lương, nhưng “tân nhạc” kiểu bolero này thì lạ lẫm và... quyến rũ quá. Cho đến khi về SG nghe nhiều mới biết Lam Phương là tác giả của những Thành phố buồn, Phút cuối, Bài tango cho em, Kiếp nghèo...
Mới mấy ngày trước đã có Nghị định Bỏ việc cấp phép phổ biến bài hát sáng tác ở miền Nam trước 1975. Và tin Lam Phương mất cùng với những bài viết thương tiếc và đánh giá công tâm gia tài âm nhạc của ông tràn ngập trên báo chí trong nước.
Tôi nghĩ rằng, những tác phẩm của Lam Phương đã góp phần không nhỏ vào tiến trình nhận thức lại nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975.
Từ biệt ông, những giai điệu ngọt ngào day dứt và đầy ắp nhân tình của ông sẽ còn mãi, sau tất cả những gì làm cho người VN bỗng thành thù hận với nhau.



VỈA HÈ ĐÔ THỊ NGUỒN VỐN XÃ HỘI TO LỚN

 Nguyễn Thị Hậu

1. Đô thị là một không gian giới hạn, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành phần dân cư đan xen, nương nhờ vào nhau và có khi mâu thuẫn với nhau trong việc sử dụng không gian công cộng. Chức năng, vai trò của chính quyền thể hiện qua chính sách và phương thức thực hiện của nhà quản lý là nhằm điều tiết các quyền lợi và nghĩa vụ đó, sao cho có sự công bằng tương đối cho các bên liên quan.

Nhiều thành phố trên thế giới đã cho thấy những lợi ích to lớn cho xã hội, cho cộng đồng từ việc quản lý và sử dụng vỉa hè. Chẳng cần nhìn ở đâu và phấn đấu bằng ai cho xa, cứ nhìn sang Bangkok thôi cũng sẽ có được những bài học, kinh nghiệm hoàn toàn có thể ứng dụng được ở TPHCM hay Hà Nội.

Bangkok là một thành phố có hơn 10 triệu dân và hàng triệu lượt khách du lịch, từ vài chục năm nay đã phát triển phương tiện giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của phần lớn dân cư, tuy nhiên lượng xe cá nhân như xe máy, xe hơi cũng không ít, chưa kể những phương tiện dịch vụ nhỏ như xe tuk tuk... Thành phố rộng lớn với nhiều trung tâm, nơi nào cũng nườm nượp người đi bộ trên vỉa hè. Nhưng vỉa hè ở đây còn phục vụ việc mua bán, ăn uống, tham quan du lịch… được tổ chức khoa học và theo quy tắc luật lệ nghiêm minh: có giới hạn một phần vỉa hè cho hàng quán “mặt tiền” sử dụng, hàng rong ăn uống bán theo giờ nhất định và đảm bảo vệ sinh môi trường, vẫn có những đoạn vỉa hè cho xe máy xe tuk tuk đậu lại. Vi phạm sẽ bị phạt rất nặng thậm chí cấm buôn bán.

Vì vậy Bangkok có một nền “kinh tế vỉa hè” phong phú, đa dạng, sinh động đồng thời trật tự, ngăn nắp, tuân thủ pháp luật. Nếu sự “phong phú, đa dạng, sinh động” là đặc tính vốn có của hoạt động kinh tế - văn hóa thì sự “trật tự, ngăn nắp, tuân theo pháp luật” có được là nhờ vai trò của bộ máy quản lý đô thị.

 

2. Vỉa hè là không gian công cộng ở đô thị, nó mang nhiều chức năng từ kỹ thuật đến văn hóa, từ giao thông đến kinh tế... hơn nữa vỉa hè còn phản ánh thực trạng đời sống xã hội và chính sách của nhà quản lý. Để đô thị “trật tự, văn minh” giải quyết lâu dài và triệt để “vấn nạn” lấn chiếm nhếch nhác vỉa hè nhất là khu vực trung tâm, có thể áp dụng một số kinh nghiệm của nhiều thành phố trên thế giới trong việc tổ chức lại công năng của vỉa hè.

Trong khi giao thông công cộng chưa phát triển, xe cá nhân nhất là xe máy còn phổ biến, cần tổ chức các khu vực gửi xe máy, xe hơi bằng việc dùng một số đoạn vỉa hè mà lưu lượng người đi bộ không lớn làm nơi giữ xe, tránh việc giữ/gửi xe tự phát trước các hàng quán hoặc để tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Nhiều thành phố của Trung quốc đã tổ chức như vậy.

Nên cho người dân thuê một phần vỉa hè để kinh doanh, nhất là những hộ có mặt tiền. Ở nhiều thành phố hàng quán bày bàn ghế trên vỉa hè trong một phạm vi nhất định, căn cứ vào đó thu phí sử dụng vỉa hè và thuế kinh doanh. Những vỉa hè rộng lối cho người đi bộ chỉ cần khoảng 2m là đủ, phần trống 3-5m còn lại nên cho thuê và tổ chức quy củ để người kinh doanh tuân thủ, luôn ngăn nắp trong việc mua- bán. Khu phố cổ ở Hà Nội đã thực hiện việc kẻ vạch để xe máy trên vỉa hè từ nhiều năm qua.

Tổ chức lại hàng rong theo khu vực, theo giờ và một số quy tắc nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, nhưng không cần phải “đồng phục” hàng quán như đã tổ chức ở đoạn vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm. Đa dạng các loại hình xe đẩy, gánh hàng... là việc của người buôn bán, việc của nhà quản lý và sắp xếp tổ chức quy củ, công minh và công khai. Bên cạnh đó không nên, không thể triệt tiêu việc bán- mua hàng rong.Với phần lớn người bán rong khác không có điều kiện vào bán tại những khu vực quy định, cần vận động tuyên truyền để họ có ý thức và tuân thủ quy tắc trật tự đô thị, đồng thời cũng có biện pháp xử phạt nếu vi phạm.

 Tuy nhiên, biện pháp này nếu bị lạm dụng thì không có hiệu quả thậm chí tác dụng ngược lại. Vì vậy, trên hết vẫn là nhận thức và ý thức của bộ máy quản lý và thực thi nhiệm vụ, từ chính quyền địa phương phường, quận đến người kiểm tra giám sát từng khu vực, từng con đường. Sự công tâm, công bằng, nắm vững nguyên tắc không tùy tiện, giải quyết sự việc bằng sự tôn trọng pháp luật và người dân...

Nên tiếp cận vấn đề sử dụng vỉa hè một cách hợp lý và từng bước sắp xếp lại theo luật pháp chứ không nên đặt ra sự cấm đoán hay dẹp bỏ những sinh hoạt đô thị trên vỉa hè. Như vậy là giải quyết vấn đề từ nguyên nhân, phù hợp quy luật của đô thị, lại có thêm một nguồn thu có thể để duy tu sửa chữa và quản lý hoạt động trên vỉa hè. “Vốn xã hội” từ vỉa hè sẽ ngày càng tích lũy và tăng cao, trong đó có cả nguồn vốn kinh tế và văn hóa.

 

3. Cách đây vài năm TP.HCM có cuộc ra quân “lập lại trật tự vỉa hè” bằng biện pháp khá cứng rắn: đập bỏ những công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, kể cả những mái hiên có thể che mưa nắng cho người đi bộ, dẹp toàn bộ hàng rong và hàng quán bày bàn ghế ra vỉa hè... Từ quận I “phong trào” lan ra một số quận khác. Tuy nhiên, sau vài tháng thì tất cả lại như cũ. Có thể nhận thấy mục đích đúng đắn của việc làm này, nhưng dù rất tốn kém thời gian, nhân lực và kinh phí, được phần đông dư luận ủng hộ, nhưng phong trào đã không đạt hiệu quả. Đó là vì những hành động “quyết liệt” chỉ nhằm triệt phá cái ngọn mà không giải quyết từ gốc, dùng thế lực của chính quyền và những biện pháp thuận lợi cho “nhà quản lý” và đẩy mọi khó khăn về phía người dân.

Quản lý và quản lý đô thị là một khoa học, vì vậy điều quan trọng và đầu tiên là cần nhận biết tính quy luật của sự việc, hiện tượng cùng với nguyên nhân của nó, từ đó mới có thể giải quyết tận gốc. Quản lý theo kiểu “thực trạng và giải pháp” dẫn đến những “phong trào, chiến dịch, ra quân”, đó là tư duy và tác phong thời chiến trở thành công cụ quản lý xã hội trong thời bình.

Đó là chưa kể một nguyên nhân sâu xa: trung tâm thành phố vốn được quy hoạch và xây dựng mang chức năng khu vực công quyền, dịch vụ và thương mại. Vì vậy trước đây số lượng người và các nhu cầu khá phù hớp với chức năng của khu vực. Việc chuyển đổi công năng của nhiều công trình ở đây sang nhà ở, phát triển nhiều tòa nhà cao tầng đã thu hút số lượng lớn người đến đây, giao thông không đáp ứng  được, mạng lưới dịch vụ cũng tăng theo một cách tự phát, phá vỡ sự “cân bằng” trong không gian đô thị.

Sẽ tốt hơn nếu chính quyền sớm có chính sách giải quyết hài hòa những “mâu thuẫn” trên vỉa hè để thành phố sạch đẹp và trật tự, quyền lợi các bên cũng được đáp ứng: Nhà nước có nguồn thu, hộ kinh doanh có việc làm để tăng thu nhập và người dân vẫn được thụ hưởng các dịch vụ trên vỉa hè. Chính quyền đô thị không chỉ là tổ chức bộ máy sao cho phù hợp với đời sống và sự phát triển của đô thị, mà trước hết là thấu hiểu đối tượng mình phục vụ để quản lý bằng khoa học và sự nhân văn.

 https://nld.com.vn/ban-doc/tim-giai-phap-cho-trat-tu-via-he-via-he-do-thi-nguon-von-xa-hoi-to-lon-2020122221402838.htm



LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...