Vài nơi ở Paris (3)

 - Montmartre là một khu phố của Paris, nằm trên quả đồi lớn thuộc Quận 18. Từng là nơi tập trung của nhiều họa sĩ nổi tiếng, cộng với nhà thờ nhà thờ Sacré-Cœur, các con phố nhỏ, quán cà phê, nhà hàng... Lần nào đến Paris tôi cũng đến đây như đến với Paris trong những trang tiểu thuyết đã đọc từ thuở nhỏ.





















Linh tinh lang tang (92) – VẪN NHỚ VỀ CÂY XANH THÀNH PHỐ

http://vnexpress.net/photo/thoi-su/hang-loat-cay-co-thu-o-sai-gon-bi-don-ha-de-xay-ga-ngam-metro-3020972.html

Đối với tôi và nhiều người, những hàng cây cổ thụ ở Hà Nội, Sài Gòn không chỉ là cây xanh, mà còn là kỷ niệm, ký ức, là nỗi nhớ là hồn vía của đô thị, nơi nhiều người từng sống, đang sống và đến đây kiếm sống! Sống lâu ở đô thị, mỗi hàng cây mỗi góc phố mỗi căn nhà đường phố trở nên thân quen, nó mang lại cảm giác bình yên của một đô thị “đáng sống”, dù cuộc sống vẫn còn quá nhiều bề bộn.

Chiều nay đi qua đầu đường Lê Lợi trông thấy cảnh những cây cổ thụ bị cưa ngọn cưa thân một cách vội vã, lạnh lùng… Nhìn phố trơ trọi… bỗng ứa nước mắt. Con đường Đồng Khởi có vài khoảnh xanh ở công viên Chi Lăng, ở công viên trước Nhà Hát Lớn… từ gần trăm năm nay thế là không còn nữa. Mấy tòa Vincom mọc lên, Eden biến mất, tòa nhà cổ 5 tầng đối diện Vincom cũng bị san bằng rồi. Chưa biết đẹp ở đâu (và có đẹp không?) nhưng một phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn đã vĩnh viễn ra đi.

Có phải cứ hiện đại là phải trả giá bằng cách triệt hạ thiên nhiên như thế này không?! Sài Gòn đã không còn gì của 300 năm, bây giờ những gì của 100 năm cũng sắp mất hết! Nếu vì hiện đại mà chỉ biết chặt cây cổ thụ, chỉ đập cũ xây mới, mà không hề có sự cố gắng giữ lại lịch sử thì có lẽ công việc quản lý đô thị của các sở này ngành nọ, của việc quy hoạch với kiến trúc thật quá dễ dàng!

Đô thị khác nông thôn chính là ở chỗ, mỗi cây xanh trên phố khi trồng khi chặt đều được tính toán cẩn thận, nhất là khi nó đã gần trăm năm tuổi, lại ở trung tâm thành phố, nơi mà có thể coi là tiêu biểu cho đô thị Sài Gòn được xây dựng hơn 100 năm qua. Hàng cây trên đường phố đô thị không phải như trong cái vườn nhà quê mà khi cần trồng rau hay cơi nới nhà của có thể đốn chặt vài cây ăn trái, trừ khi đó là cây trồng với mục đích để lấy gỗ xây nhà. Ở đô thị mà chỉ coi cây thuần túy là cây nên nhiều người đã nói rằng, để có một thành phố hiện đại, để có giao thông hiện đại thì đánh đổi như thế cũng được! Điều đáng nói là người dân thành phố không hề thấy, không hề biết chính quyền đã có một sự cố gắng để tìm giải pháp nào khả dĩ giữ lại, hoặc trồng lại cây ở đâu đó. Chặt luôn là tiện nhất! Với lý do "hiện đại" nên bao di tích bao cảnh quan là cái hồn của đô thị đã bị phá hoại. Người Sài Gòn mai này còn có gì để nhớ để nói về lịch sử Sài Gòn?

Hay là thôi, Sài Gòn cứ là của những người lạnh lùng đến đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, chẳng cần phải là Sài Gòn của bao người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn mỗi ngày…

Ông bà mình luôn ví cây với người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ich trăm năm trồng người”. Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. Nhìn cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không. Hình như luôn có sự tương đồng như thế.

Tôi đang làm một nghiên cứu về Khảo cổ học đô thị và việc bảo tồn cảnh quan di sản văn hóa Sài Gòn, nhưng e rằng, khi làm xong thì có lẽ những di sản của Sài Gòn không còn gì nữa. Chẳng lẽ lại cực đoan đến mức mong đừng ai cho vay tiền để “hiện đại hóa” thành phố, vì khi có nhiều tiền nhưng sự hiểu biết và tính nhân văn không tương xứng thì… những gì đã mất đi không bao giờ có thể làm lại và thay thế được, vì đó chính là một phần lịch sử thành phố.

24.7.2014

THỜI SÁCH TRẺ


Nguyễn Thị Hậu

Hội sách TPHCM cuối tháng ba kết thúc sau một tuần người đến xem, mua nườm nượp giữa cái nắng cuối mùa rực rỡ và và cái nóng không kém phần gay gắt.
Ở Hà Nội, hội sách cũng được tổ chức vào tháng năm những ngày nồm cuối xuân, đường ướt nhà ẩm, người xem người mua vừa đủ ra không khí chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất.

Cả hai nơi, dù mua bán nhiều hay ít, người trẻ cũng là thành phần chính: độc giả trẻ, nhà văn trẻ, chủ đề sách trẻ, sách bestseller cũng của người viết trẻ… có cảm giác bây giờ là “thời sách trẻ”.
“Thời sách trẻ” cho ta biết giới trẻ viết gì và đọc gì, tức là những điều người trẻ muốn chia sẻ và quan tâm. Nó cũng đặt cho chúng ta những câu hỏi: vì sao người trẻ chưa/không có nhu cầu khác ngoài những gì đã viết, đã đọc? “Sách trẻ” – người trẻ viết cho người trẻ đọc – đã có từ lâu, nhưng “thời sách trẻ” như hiện nay liệu có tồn tại lâu không hay chỉ là trào lưu nhất thời?

Những cuốn sách bán chạy trong khoảng một năm nay của những tác giả trẻ, có thể nói phần nhiều là tác phẩm từ Mạng Ảo bước ra Đời Thực. Thế giới Sách trẻ cũng giống như thế giới Mạng. Có cuốn sách như một status buông ra tức thời, người đọc cảm nhận ngay niềm vui nỗi buồn hay sự bức xúc bực mình của người viết... Nó tác động tức thời và người đọc có thể bày tỏ thái độ như like hay comment trên facebook. Có cuốn sách lại như một Note mà người viết dày công suy nghĩ đắn đo khi đặt bút, người đọc có thể chưa vội like hay còm. Họ phải ngẫm nghĩ, phải đọc đi đọc lại rồi có khi bị thôi thúc tự mình cần viết ra một Note mới.

Tác giả cũng vậy. Có người viết bất cứ gì cũng hàng trăm like hàng chục còm nhưng có người thì không vậy, họ chỉ cần một nhóm bạn thân chia sẻ và trao đổi. Có người nổi tiếng từ những status hóm hỉnh mà sâu sắc thì cũng có người nổi tiếng từ những note “sến rện” chuyện tình đầy ắp cảm xúc mà ai cũng có một thời như thế.
Và cũng giống như trên  facebook... nhiều cuốn sách như những status “trôi về ngày cũ” đi vào lãng quên. “Độc giả cũ có nhu cầu mới” để rồi những cuốn sách mới tác giả mới lại xuất hiện. “Văn học Mạng” với đặc trưng là sự tương tác của nó với bạn đọc giúp tác phẩm hoàn thành nhanh hơn và... bám sát thị hiếu người đọc hơn, một thời gần như bị coi là “vô giá trị” nay đang phát triển cùng với internet, nhất là ở những đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội.

Thị trường sách đã chuyên nghiệp hoá từ người viết đến nhà xuất bản đến nhà phát hành thì sách cũng là một loại sản phẩm của thị trường này. Sách bestseller hay longseller đều cần cho người đọc, chúng có giá trị khác nhau vì đáp ứng nhu cầu, sở thích khác nhau của từng “phân khúc” độc giả. Ngay từng người cũng có thể thích cả hai, lúc này lúc khác. Tại sao nhạc trẻ nhạc truyền thống nhạc thính phòng cùng tồn tại mà sách giải trí lại phải chịu cái nhìn “hạ cố” khi nó tồn tại cùng những kiệt tác văn chương hay sách tri thức khoa học? Trong xã hội người tiêu dùng “thường thường bậc trung” thường đông hơn người tiêu dùng cao cấp, nhu cầu về sản phẩm vật chất hay sản phẩm tinh thần cũng vậy.

 “Văn hóa đọc” (tạm dùng khái niệm này, vốn là “lời nói” đã đi vào “văn bản”) được nhìn nhận từ hai khía cạnh: đọc bao nhiêu (số lượng người đọc và số lượng sách đọc); và đọc thế nào (đọc gì và đọc để làm gì). Có nhiều sách để đọc và biết chọn sách để đọc luôn đi đôi với nhau, “lượng” có chuyển thành “chất” hay không tuỳ thuộc vào chất lượng sách và cả chất lượng người đọc. Tuy nhiên, hiện nay nếu tác giả tác phẩm nào bán chạy thì được nhà sản xuất (và đầu tư) lập tức  đặt hàng để “đáp ứng nhu cầu độc giả”. Thị trường sách cũng có những sản phẩm “mốt” rồi nhanh chóng hết “mốt”, cũng có sản phẩm bán được đều đều nhưng chưa hẳn có giá trị “tuyệt vời”. Cho nên, để tạo nên những tuyệt tác không chỉ cần tài năng, bản lĩnh của nhà văn mà còn cần sự kiên nhẫn “chờ đợi” của nhà sản xuất và sự đòi hỏi ngày càng “khó tính” của người đọc nữa.

Trong khi chờ đợi những tuyệt tác thì chúng ta vẫn cần đọc. Thích “sách trẻ” hay “sách già” có gì khác nhau đâu, bởi vì ai đọc sách mà chẳng được sống thêm những cuộc đời mới.


(Báo Tuổi trẻ cuối tuần ngày 20/7/2014)

VẾT CẮT SÂU ĐẾN 60 NĂM


Vào những năm 1954 – 1955, hàng ngàn người con Nam Bộ theo sự điều động của cách mạng đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin và hy vọng chỉ sau hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Ba má tôi cũng nằm trong số đó. Và không ai có thể hình dung được rằng mãi hai mươi năm sau mới lại được đặt chân về đôi bờ Đồng Nai, Vàm Cỏ, Cửu Long… Ba tôi đã viết trong hồi ký như sau.

"Một ngày cuối năm 1954, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, gia đình và đồng bào tiễn đội ngũ chúng tôi lên đường tập kết… Lần đầu tiên có chuyến đi xa nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến rồi sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không?
Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên bãi biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi quặn đau vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ.
Kế tiếp là những năm dài “ngày Bắc đêm Nam”, là những chuyến lưu diễn liên miên: Rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương… Tới đâu chúng tôi cũng ráng đem lời ca tiếng hát góp phần cho than, lúa thêm nhiều, đem chút ít tình cảm ấm áp cho anh em đồng hương, ráng hết sức mình vì miền nam ruột thịt”

Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi, thế hệ “một chốn đôi quê” chỉ được biết quê hương qua những ký ức mà mẹ cha truyền lại. Hai mươi năm sống ở miền Bắc ba má tôi vẫn giữ được nguyên vẹn giọng nói và tính cách người Nam bộ chân chất thiệt tình. Những tháng năm sống ở Hà Nội, ký ức về quê hương thường được ba má tôi nhắc đến, bất kỳ lúc nào có gì đó gợi nhớ. “Ngày Bắc đêm Nam” suốt hai mươi năm không làm nguôi nỗi nhớ mà chỉ làm dầy thêm ký ức về quê hương. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trong những ký ức của cha mẹ.

Quê hương tôi là làng nhỏ Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng bên bờ sông Tiền, nơi mà sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp – cũng là một người bà con gần với gia đình tôi – đã ghi lại ký ức về nó qua bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ”. Làng Mỹ Hiệp hiền lành với vườn trái cây, những nếp nhà sàn khuất sau hàng dừa, cánh đồng lúa chín trong mênh mông mùa nước nổi… Vào đầu năm 1945 một cô gái bên kia sông Tiền đã theo ba tôi về làm dâu và dù chỉ ở đó vài năm thôi nhưng trong tâm thức của má tôi, quê chồng cũng là quê mình. Và cũng như vậy, quê ngoại của tôi, làng Hòa An kế bên thị tứ Cao Lãnh cũng trở nên gần gũi hơn với hình ảnh cây mận xanh bên chái bếp, loại mận xanh Hòa An nổi tiếng thường được hấp với cá lóc, vị chua ngọt thanh thanh thấm vào miếng cá, nhậu quên say… Vườn thuốc lá Cao Lãnh thơm đậm đà nhờ được bón bằng phân cá, làn khói thơm mùi lúa mới từ nhà máy xay của ông ngoại lan trên sông…
Tôi biết về quê hương Cù lao Giêng và Cao Lãnh từ ấy, biết yêu sông Tiền yêu mùa nước nổi từ ấy, biết thèm ăn mắm lóc, thèm cá rô kho tộ, thèm canh chua cá linh bông điên điển… Lớn hơn một chút, từ những cuốn sách qua những câu chuyện, hiểu biết của tôi về quê hương cụ thể hơn nhiều hơn nhưng không thể thay thế sự lung linh run rẩy mà ký ức cha mẹ truyền cho.

Nhưng quê hương không chỉ là những ký ức run rẩy đẹp. Hai mươi năm bặt tin, một ngày đầu tháng Năm 1975 một bà mẹ được ôm người con gái trong vòng tay. Đứa con gái mà bà đã phải lập bàn thờ từ khi nó đi tập kết với lời hứa: con đi hai năm sẽ về với má. Bàn thờ đứa con còn sống ở “phía bên kia” là để cho những đứa con khác yên ổn học hành, đi làm, đi lính…Nhưng chưa kịp mừng vì con gái trở về bà đã phải đưa hai người con trai đi học tập cải tạo. Gia đình lại chia ly. Người chị tìm cách bảo lãnh cho hai em ra khỏi trại cải tạo sớm hơn hạn định, gia đình gom góp tiền bạc cho họ vượt biên. Cũng may, người trong nhà thuộc bên này hay bên kia, cũng có lúc hờn giận nhau nhưng không nuôi oán trách thù hận. Họ thương yêu nhau hơn vì không muốn làm người mẹ đau lòng, vì họ hiểu không ai trong gia đình muốn những việc như thế xảy ra. Đấy là chuyện của gia đình bạn tôi sau năm 1975.

Nhưng dù như vậy, gia đình bạn còn may mắn hơn rất nhiều gia đình khác. Từ vết cắt 1954 biết bao gia đình có người thân phải đứng về hai chiến tuyến, biết bao gia đình không thể sum họp vì vợ, chồng đã có gia đình khác trong những năm dài không hẹn ngày gặp lại, biết bao nhiêu gia đình tiếp tục tan vỡ vào những ngày ngỡ đã bình yên… Vết cắt 1954 không chỉ dài đến 20 năm mà hình như, 60 năm rồi vẫn chưa lành.

Tôi vẫn luôn tự hỏi, nếu ngày ấy bản đồ Việt Nam không bị một vạch đỏ cắt ngang sông Bến Hải thì bây giờ đất nước sẽ thế nào?

Lịch sử thì không có chữ “nếu”. Chính vì vậy cần minh bạch tất cả những gì đã làm thay đổi số phận đất nước và số phận của từng gia đình, để thế hệ sau không phải đặt ra một chữ “nếu” đau xót như thế hệ hôm nay!

(báo Thanh Niên 21/7/2014)

Hình ảnh: VẾT CẮT SÂU ĐẾN 60 NĂM 

Nguyễn Thị Hậu

Vào những năm 1954 – 1955, hàng ngàn người con Nam Bộ theo sự điều động của cách mạng đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin và hy vọng chỉ sau hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Ba má tôi cũng nằm trong số đó. Và không ai có thể hình dung được rằng mãi hai mươi năm sau mới lại được đặt chân về đôi bờ Đồng Nai, Vàm Cỏ, Cửu Long… Ba tôi đã viết trong hồi ký như sau.

"Một ngày cuối năm 1954, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, gia đình và đồng bào tiễn đội ngũ chúng tôi lên đường tập kết… Lần đầu tiên có chuyến đi xa nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến rồi sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không?
Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên bãi biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi quặn đau vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ.
Kế tiếp là những năm dài “ngày Bắc đêm Nam”, là những chuyến lưu diễn liên miên: Rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương… Tới đâu chúng tôi cũng ráng đem lời ca tiếng hát góp phần cho than, lúa thêm nhiều, đem chút ít tình cảm ấm áp cho anh em đồng hương, ráng hết sức mình vì miền nam ruột thịt”

Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi, thế hệ “một chốn đôi quê” chỉ được biết quê hương qua những ký ức mà mẹ cha truyền lại. Hai mươi năm sống ở miền Bắc ba má tôi vẫn giữ được nguyên vẹn giọng nói và tính cách người Nam bộ chân chất thiệt tình. Những tháng năm sống ở Hà Nội, ký ức về quê hương thường được ba má tôi nhắc đến, bất kỳ lúc nào có gì đó gợi nhớ. “Ngày Bắc đêm Nam” suốt hai mươi năm không làm nguôi nỗi nhớ mà chỉ làm dầy thêm ký ức về quê hương. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trong những ký ức của cha mẹ. 

Quê hương tôi là làng nhỏ Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng bên bờ sông Tiền, nơi mà sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp – cũng là một người bà con gần với gia đình tôi  – đã ghi lại ký ức về nó qua bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ”. Làng Mỹ Hiệp hiền lành với vườn trái cây, những nếp nhà sàn khuất sau hàng dừa, cánh đồng lúa chín trong mênh mông mùa nước nổi… Vào đầu năm 1945 một cô gái bên kia sông Tiền đã theo ba tôi về làm dâu và dù chỉ ở đó vài năm thôi nhưng trong tâm thức của má tôi, quê chồng cũng là quê mình. Và cũng như vậy, quê ngoại của tôi, làng Hòa An kế bên thị tứ Cao Lãnh cũng trở nên gần gũi hơn với hình ảnh cây mận xanh bên chái bếp, loại mận xanh Hòa An nổi tiếng thường được hấp với cá lóc, vị chua ngọt thanh thanh thấm vào miếng cá, nhậu quên say… Vườn thuốc lá Cao Lãnh thơm đậm đà nhờ được bón bằng phân cá,  làn khói thơm mùi lúa mới từ nhà máy xay của ông ngoại lan trên sông… 
Tôi biết về quê hương Cù lao Giêng và Cao Lãnh từ ấy, biết yêu sông Tiền yêu mùa nước nổi từ ấy, biết thèm ăn mắm lóc, thèm cá rô kho tộ, thèm canh chua cá linh bông điên điển… Lớn hơn một chút, từ những cuốn sách qua những câu chuyện, hiểu biết của tôi về quê hương cụ thể hơn nhiều hơn nhưng không thể thay thế sự lung linh run rẩy mà ký ức cha mẹ truyền cho.

Nhưng quê hương không chỉ là những ký ức run rẩy đẹp. Hai mươi năm bặt tin, một ngày đầu tháng Năm 1975 một bà mẹ được ôm người con gái trong vòng tay. Đứa con gái mà bà đã phải lập bàn thờ từ khi nó đi tập kết với lời hứa: con đi hai năm sẽ về với má. Bàn thờ đứa con còn sống ở “phía bên kia” là để cho những đứa con khác yên ổn học hành, đi làm, đi lính…Nhưng chưa kịp mừng vì con gái trở về bà đã phải đưa hai người con trai đi học tập cải tạo. Gia đình lại chia ly. Người chị tìm cách bảo lãnh cho hai em ra khỏi trại cải tạo sớm hơn hạn định, gia đình gom góp tiền bạc cho họ vượt biên. Cũng may, người trong nhà thuộc bên này hay bên kia, cũng có lúc hờn giận nhau nhưng không nuôi oán trách thù hận. Họ thương yêu nhau hơn vì không muốn làm người mẹ đau lòng, vì họ hiểu không ai trong gia đình muốn những việc như thế xảy ra. Đấy là chuyện của gia đình bạn tôi sau năm 1975.

Nhưng dù như vậy, gia đình bạn còn may mắn hơn rất nhiều gia đình khác. Từ vết cắt 1954 biết bao gia đình có người thân phải đứng về hai chiến tuyến, biết bao gia đình không thể sum họp vì vợ, chồng đã có gia đình khác trong những năm dài không hẹn ngày gặp lại, biết bao nhiêu gia đình tiếp tục tan vỡ vào những ngày ngỡ đã bình yên… Vết cắt 1954 không chỉ dài đến 20 năm mà hình như, 60 năm rồi vẫn chưa lành.

Tôi vẫn luôn tự hỏi, nếu ngày ấy bản đồ Việt Nam không bị một vạch đỏ cắt ngang sông Bến Hải thì bây giờ đất nước sẽ thế nào?

Lịch sử thì không có chữ “nếu”. Chính vì vậy cần minh bạch tất cả những gì đã làm thay đổi số phận đất nước và số phận của từng gia đình, để thế hệ sau không phải đặt ra một chữ “nếu” đau xót như thế hệ hôm nay!

(báo Thanh Niên 21/7/2014)

LINH TINH LANG TANG (91) Những chuyến bay không đáp xuống đường băng


Đã vài lần trong những chuyến đi của mình, ngồi trên máy bay tôi đã phải cầu khấn tất cả các Đấng thần thánh phật chúa… cho chuyến bay vượt qua thời khắc nguy hiểm vì bay vào vùng thời tiết xấu, hay có khi chỉ là sắp hạ cánh mà máy bay… không bung được càng.

Những lúc ấy, khi hiểm nguy kề cận, tôi đã nghĩ gì? Chính xác là không kịp nghĩ gì. Khi thời khắc nguy hiểm đã qua tôi mới chợt nhớ đến con, “nếu mình không trở về thì hai con sẽ thế nào…”. Vậy thôi.
Khi đã trở về nhà an toàn, lúc nào đó nhớ về giây phút từng hoảng sợ trên máy bay, tôi chợt nghĩ, nếu mình là người ở lại khi người thân yêu bỗng dưng biến mất trên bầu trời kia thì mình sẽ thế nào?

Cảm giác lạnh người và tim như ngừng đập…

Bầu trời xanh hay đầy mây xám nặng nề, bầu trời đầy nắng hay lấp lánh như vì sao đêm… bất trắc nào đang rình rập ngoài kia? Dường như những hành khách như tôi chỉ nghĩ đến tai nạn vì thiên tai hoặc lỗi kỹ thuật “bất khả kháng” chứ làm sao có thể hình dung trong thế giới văn minh nhân bản ngày nay, tai nạn máy bay lại đến từ việc bay qua “khu vực chiến tranh”? Số phận con người trong "thế giới phẳng" trở nên mong manh hơn bao giờ hết, từ một giây bất cẩn đến những toan tính chính trị bẩn thỉu đã giết hại bao nhiêu con người. 

Khi đã đi qua cát, dẫu bước nhẹ thế nào cũng để lại một dấu chân, sâu và trống rỗng... Những con người đã bất ngờ bước sang thế giới bên kia từ trên bầu trời xanh cũng sẽ để lại trong lòng người thân những vết đau như thế…

20.7.2014

PHỤ NỮ THÀNH ĐẠT

(Thời báo kinh tế Sài Gòn,17/7/2014)

1. Những lần tham dự tọa đàm, hội thảo chủ đề về vai trò người phụ nữ trong xã hội hiện đại, thế nào là người phụ nữ thành đạt, những thách thực và khó khăn của người phụ nữ hiện đại, vân vân và vân vân… tôi thấy các diễn giả - phần lớn là nam giới, sau khi (bằng nhiều cách khác nhau) ca ngợi phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” thì đều trình bày suy nghĩ, mong muốn, đòi hỏi của mình về một hình mẫu “phụ nữ thành đạt”. Thử xem quan niệm phổ biến về “người phụ nữ thành đạt” hiện nay như thế nào?

Đó là người phụ nữ thành công về nghề nghiệp, hoặc là chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra, hoặc là có chức vụ lãnh đạo quản lý trong công ty, cơ quan nhà nước, hoặc có học hàm học vị về khoa học… Đồng thời những người phụ nữ ấy (lại còn) có một gia đình hạnh phúc chồng yêu con giỏi như họ bộc lộ Sau khi chỉ ra những đặc điểm thành đạt của phụ nữ, các diễn giả lại đi tìm ra ưu điểm, nhược điểm của phụ nữ, rồi lại mong muốn họ sẽ khắc phục nhược điểm thế nào, phát huy ưu điểm ra sao, có khi còn đưa ra những “giải pháp” khả thi để giúp chị em trở thành người thành đạt… Đại để phụ nữ thành đạt (phải) là người thông minh, xinh đẹp hoặc biết làm cho mình trở nên xinh đẹp, trong các mối quan hệ phải biết phát huy sự mềm mỏng dịu dàng, lúc cần thiết thì quyết đóan mạnh mẽ như/ hơn nam giới, thậm chí là người cứng rắn không còn chút “nữ tính” nào.

Thiệt tình tôi không mấy cảm tình với cụm từ “phụ nữ thành đạt”, bởi vì, sau nó người ta luôn lý giải nguyên nhân thành đạt của phụ nữ bằng thái độ của sự phân biệt giới một cách vô tình hay hữu ý. Cứ như thành đạt là một đặc quyền của nam giới, vì vậy khi “phụ nữ (mà cũng) thành đạt” lập tức được “mổ xẻ” để khen ngợi động viên hay khuyên bảo chê trách. Và cứ theo những gì mọi người mong muốn hy vọng đòi hỏi thì những người phụ nữ thành đạt của chúng ta luôn giỏi về công dung ngôn hạnh, tuyệt vời từ trong bếp đến phòng ngủ, đáng yêu từ trong nhà ra ngòai xã hội… Tóm lại là phải hòan hảo trong vai vợ ngoan mẹ giỏi con dâu thảo hiền. Quan niệm này phổ biến ngay trong nữ giới, giữa phụ nữ với nhau dường như có tâm lý đòi hỏi và đánh giá về nhau khắt khe hơn thì phải? Cứ đọc báo và tạp chí của/ dành cho phụ nữ (nhưng rất nhiều nam giới đọc) mà xem. 

2. Trong cuộc sống, tôi rất thán phục và quý trọng những người phụ nữ thành đạt thực sự, đồng thời cũng vô cùng thông cảm vì họ luôn chịu sức ép từ những mặc định trên. “Không may” cho chị em nào thành đạt mà muộn chồng chậm con hay gia đình không tròn vẹn… thì sẽ luôn phải trả lời những câu hỏi như, tại sao chưa tìm thấy một nửa của mình, phải chăng vì tiêu chuẩn cao quá, vì chị (mải lo làm ăn) mà không chu toàn vai trò người vợ người mẹ chăng… Những câu hỏi như vậy đến từ gia đình, từ cơ quan và… từ báo chí. Không chỉ vậy, nguồn gốc thân thế gia cảnh của các chị cũng được quan tâm. Nếu “lỡ” xuất thân từ “4 C” (con cháu các cụ) thì “dư luận” xã hội có khi đánh giá không được công bằng đối với thành công hay thất bại của những phụ nữ thành đạt này. Nếu thành công thì “đương nhiên, con cháu các cụ mà, ai có lý lịch/ ô dù/ quen biết… như thế mà chả thành công”; còn nếu thất bại thì “con ông cháu cha mà, chỉ biết ăn chơi, làm ăn gì”… Là “người của công chúng” dù muốn hay không các chị phải đối mặt với tất cả những dư luận tốt xấu, cảm thông hay chỉ trích mà dường như ít khi có được sự khách quan và công bằng.

Tôi thì cho rằng, dù xuất thân như thế nào, có “bệ phóng” hay không, những người phụ nữ thành đạt thực sự đều là những người tài năng thực sự, bởi, hoàn cảnh gia đình chỉ là một trong những điều kiện. Điều kiện này có thể là tài chính, có thể là những mối quan hệ xã hội, có thể là một nền học vấn được đào tạo bài bản. Không thể phủ nhận những điều kiện này vô cùng quan trọng, nhưng nếu họ không có sự say mê, tâm huyết, thậm chí lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khi cả tuổi thanh xuân cả cuộc sống riêng tư của họ phải nhường cho sự nghiệp… thì họ khó có thể thành công. Những phụ nữ có bản lĩnh trong sự nghiệp thường cũng rất bản lĩnh trong cuộc sống, họ không hay than vãn về những khó khăn hay kể lể về sự không may của mình, họ thường “ráng chịu” một cách tích cực: âm thầm và hết mình thực hiện công việc mà mình tâm huyết; và nếu vì lý do gì đó mà hạnh phúc riêng không tròn vẹn, họ đủ tự tin để một mình đi tiếp đoạn đường dài còn lại…

Mọi người vẫn nói “phía sau thành công của một người đàn ông luôn có một người phụ nữ” (bây giờ người ta còn nói “phía sau thất bại của một người đàn ông thường có… nhiều phụ nữ!”). Mong sao bên cạnh những người phụ nữ thành đạt của chúng ta luôn có một người đàn ông vững vàng, bởi vì, tôi nghĩ, phụ nữ sẽ không thất bại nếu bên cạnh họ luôn có một người đàn ông thật sự.
Tất nhiên không loại trừ có người “thành công vì sau họ có nhiều người đàn ông!”, có người thành công thì ít mà “thành danh” vì những việc ngoài sự nghiệp thì nhiều… Nhưng, như một tấm gương, cuộc sống sẽ trả lại cho mình những gì mà mình mang đến cho cuộc sống. Mang đến lao động trung thực hết mình hay những mưu mô thủ đoạn trên “con đường tắt” của số phận, mang đến lòng nhân hậu sự bao dung hay những đố kỵ nhỏ nhen ghen ghét trong cuộc sống, mang đến những nụ cười hay gương mặt nhăn nhó khó đăm đăm… Sự lựa chọn ấy do mỗi người tự quyết định, cũng chính là quyết định số phận của bản thân mình.

Cuộc đời tuy ngắn nhưng công bằng lắm, phải không…

Hình ảnh: PHỤ NỮ THÀNH ĐẠT
Tạp bút 
Nguyễn Thị Hậu
1. Những lần tham dự tọa đàm, hội thảo chủ đề về vai trò người phụ nữ trong xã hội hiện đại, thế nào là người phụ nữ thành đạt, những thách thực và khó khăn của người phụ nữ hiện đại, vân vân và vân vân… tôi thấy các diễn giả - phần lớn là nam giới, sau khi (bằng nhiều cách khác nhau) ca ngợi phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” thì đều trình bày suy nghĩ, mong muốn, đòi hỏi của mình về một hình mẫu “phụ nữ thành đạt”. Thử xem quan niệm phổ biến về “người phụ nữ thành đạt” hiện nay như thế nào?
 Đó là người phụ nữ thành công về nghề nghiệp, hoặc là chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra, hoặc là có chức vụ lãnh đạo quản lý trong công ty, cơ quan nhà nước, hoặc có học hàm học vị về khoa học… Đồng thời những người phụ nữ ấy (lại còn) có một gia đình hạnh phúc chồng yêu con giỏi như họ bộc lộ Sau  khi chỉ ra những đặc điểm thành đạt của phụ nữ, các diễn giả lại đi tìm ra ưu điểm, nhược điểm của phụ nữ, rồi lại mong muốn họ sẽ khắc phục nhược điểm thế nào, phát huy ưu điểm ra sao, có khi còn đưa ra những “giải pháp” khả thi để giúp chị em trở thành người thành đạt… Đại để phụ nữ thành đạt (phải) là người thông minh, xinh đẹp hoặc biết làm cho mình trở nên xinh đẹp, trong các mối quan hệ phải biết phát huy sự mềm mỏng dịu dàng, lúc cần thiết thì quyết đóan mạnh mẽ như/ hơn nam giới, thậm chí là người cứng rắn không còn chút “nữ tính” nào.
  Thiệt tình tôi không mấy cảm tình với cụm từ “phụ nữ thành đạt”, bởi vì, sau nó người ta luôn lý giải nguyên nhân thành đạt của phụ nữ bằng thái độ của sự phân biệt giới một cách vô tình hay hữu ý. Cứ như thành đạt là một đặc quyền của nam giới, vì vậy khi “phụ nữ (mà cũng) thành đạt” lập tức được “mổ xẻ” để khen ngợi động viên hay khuyên bảo chê trách. Và cứ theo những gì mọi người mong muốn hy vọng đòi hỏi thì những người phụ nữ thành đạt của chúng ta luôn giỏi về công dung ngôn hạnh, tuyệt vời từ trong bếp đến phòng ngủ, đáng yêu từ trong nhà ra ngòai xã hội… Tóm lại là phải hòan hảo trong vai vợ ngoan mẹ giỏi con dâu thảo hiền. Quan niệm này phổ biến ngay trong nữ giới, giữa phụ nữ với nhau dường như có tâm lý đòi hỏi và đánh giá về nhau khắt khe hơn thì phải? Cứ đọc báo và tạp chí của/ dành cho phụ nữ (nhưng rất nhiều nam giới đọc) mà xem.  
2. Trong cuộc sống, tôi rất thán phục và quý trọng những người phụ nữ thành đạt thực sự, đồng thời cũng vô cùng thông cảm vì họ luôn chịu sức ép từ những mặc định trên. “Không may” cho chị em nào thành đạt mà muộn chồng chậm con hay gia đình không tròn vẹn… thì sẽ luôn phải trả lời những câu hỏi như, tại sao chưa tìm thấy một nửa của mình, phải chăng vì tiêu chuẩn cao quá, vì chị (mải lo làm ăn) mà không chu toàn vai trò người vợ người mẹ chăng… Những câu hỏi như vậy đến từ gia đình, từ cơ quan và… từ báo chí. Không chỉ vậy, nguồn gốc thân thế gia cảnh của các chị cũng được quan tâm. Nếu “lỡ” xuất thân từ “4 C” (con cháu các cụ) thì “dư luận” xã hội có khi đánh giá không được công bằng đối với thành công hay thất bại của những phụ nữ thành đạt này. Nếu thành công thì “đương nhiên,  con cháu các cụ mà, ai có lý lịch/ ô dù/ quen biết… như thế mà chả thành công”; còn nếu thất bại thì “con ông cháu cha mà, chỉ biết ăn chơi, làm ăn gì”… Là “người của công chúng” dù muốn hay không các chị phải đối mặt với tất cả những dư luận tốt xấu, cảm thông hay chỉ trích mà dường như ít khi có được sự khách quan và công bằng.
Tôi thì cho rằng, dù xuất thân như thế nào, có “bệ phóng” hay không, những người phụ nữ thành đạt thực sự đều là những người tài năng thực sự, bởi, hoàn cảnh gia đình chỉ là một trong những điều kiện. Điều kiện này có thể là tài chính, có thể là những mối quan hệ xã hội, có thể là một nền học vấn được đào tạo bài bản. Không thể phủ nhận những điều kiện này vô cùng quan trọng, nhưng nếu họ không có sự say mê, tâm huyết, thậm chí lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khi cả tuổi thanh xuân cả cuộc sống riêng tư của họ phải nhường cho sự nghiệp… thì họ khó có thể thành công. Những phụ nữ có bản lĩnh trong sự nghiệp thường cũng rất bản lĩnh trong cuộc sống, họ không hay than vãn về những khó khăn hay kể lể về sự không may của mình, họ thường “ráng chịu” một cách tích cực: âm thầm và hết mình thực hiện công việc mà mình tâm huyết; và nếu vì lý do gì đó mà hạnh phúc riêng không tròn vẹn, họ đủ tự tin để một mình đi tiếp đoạn đường dài còn lại…
Mọi người vẫn nói “phía sau thành công của một người đàn ông luôn có một người phụ nữ”  (bây giờ người ta còn nói “phía sau thất bại của một người đàn ông thường có… nhiều phụ nữ!”). Mong sao bên cạnh những người phụ nữ thành đạt của chúng ta luôn có một người đàn ông vững vàng, bởi vì, tôi nghĩ, phụ nữ sẽ không thất bại nếu bên cạnh họ luôn có một người đàn ông thật sự. 
Tất nhiên không loại trừ có người “thành công vì sau họ có nhiều người đàn ông!”, có người thành công thì ít mà “thành danh” vì những việc ngoài sự nghiệp thì nhiều… Nhưng, như một tấm gương, cuộc sống sẽ trả lại cho mình những gì mà mình mang đến cho cuộc sống. Mang đến lao động trung thực hết mình hay những mưu mô thủ đoạn trên “con đường tắt” của số phận, mang đến lòng nhân hậu sự bao dung hay những đố kỵ nhỏ nhen ghen ghét trong cuộc sống, mang đến những nụ cười hay gương mặt nhăn nhó khó đăm đăm… Sự lựa chọn ấy do mỗi người tự quyết định, cũng chính là quyết định số phận của bản thân mình.
Cuộc đời tuy ngắn nhưng công bằng lắm, phải không…

Vụn vặt đời thường (47)

@ "Trung quốc HẠ ĐẶT TRÁI PHÉP dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam";
"Trung Quốc đã bắt đầu DỊCH CHUYỂN giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, sau đó di chuyển về phía đảo Hải Nam...";
"Trung quốc không được đưa dàn khoan TRỞ LẠI vùng biển VN"
...
Ôi dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi!

@ Quốc hội bàn về giá tô mì tôm trong sân bay. Bộ trưởng Y tế ra lệnh thay ghế nhựa bằng ghế inox. Trong khi trẻ em vẫn chết vì tiêm vacxin, bệnh viện quá tải; hành khách ko an toàn vì máy bay suýt đâm nhau, máy bay bay nhầm tuyến, trễ chuyến thường xuyên...
Công nhận, chăm lo cho dân rất cụ tỷ (cụ thể và tỷ mỉ).

Bóng đá vẫn phải là kỹ thuật và ý chí mới có hiệu quả! Cảm xúc và nghệ thuật tạo ra bóng đá đẹp. Nhưng ai bảo cái đẹp sẽ cứu rỗi... Bóng đá :)

@ "Vỡ đường ống nước sông Đà đến lần thứ 9" - Hà Nội làm thế nào mà cứ để mất nước thế ko biết !

"anh van em đấy, em đừng làm thơ (viết ngắn cũng đủ chết người rồi, nhá)" - vầng, thì em có bao giờ mần thi đâu? Yếu nên ko ra gió anh ạ :D

@ “Tổ chức truy điệu trọng thể và truy tặng huân chương chiến công hạng nhất cho các chiến sĩ hy sinh trong vụ tai nạn máy bay trực thăng”. Mong sao có ngày các chiến sĩ hy sinh ở biên giới phía Bắc, hy sinh ở Gạc Ma, hy sinh ở Hoàng Sa cũng được trang trọng truy điệu và truy tặng như vậy.
Nhưng đầu tiên hãy tìm ra nguyên nhân của tai nạn thảm khốc này, đừng để phải có thêm những người lính hy sinh ngay trong thời bình, tại nơi không có chiến sự. 
Mình đọc được ở đâu đó câu này "một đất nước có quá nhiều anh hùng là nơi mà người dân bất hạnh". Bất hạnh vì chính nhu cầu "luôn cần có anh hùng"!

Diễn mãi, giả dối mãi rồi cứ tin mình đang sống thật, và cũng tưởng người khác nghĩ mình thật. Cá nhân cũng thế mà cộng đồng cũng vậy.
Sự giả dối làm cho cuộc sống luôn dính dấp bẩn thỉu khó chịu quá!

CHUYỆN VỀ MỘT NỬA CỦA ĐÀN ÔNG

Trong các cuộc cà phê hay bữa nhậu, các ông bạn tôi (gồm cả anh, bạn và em nữa), sau khi ca ngợi vợ mình đủ các nét hay vẻ đẹp tính tốt, thỉnh thỏang (thỉnh thỏang thôi) nhăn nhó hỏi tôi vài “chuyện đàn bà”. Những chuyện mà họ hay hỏi (theo thứ tự nhiều ít) là:
- Sao mà cô ấy nói nhiều thế, có thể nói bất cứ lúc nào bất cứ chuyện gì…
- Sao mà cô ấy hay nói… về người khác thế (không dùng từ “nói xấu” nha), mà lại tòan chê bai, chê từ bạn gái đến đồng nghiệp, đến người hàng xóm, đến cả người qua đường, chê từ công dung ngôn hạnh đến tài sản và cả chồng con nhà người ta…
- Sao mà cô ấy chuyện gì cũng quan trọng hóa thế nhỉ, động chút là căng thẳng gắt gỏng hở chút là than thở khóc lóc…
- Sao mà cô ấy hay nói thẳng về chuyện tiền nong nhưng lại bóng gió chuyện ghen tuông thế nhỉ?
- Sao mà cô ấy luôn nói về bản thân, nếu lỡ có chuyện không may mắn thì hình như đó là... sự bất hạnh của toàn thế giới?

Tôi hỏi lại: thế các ông/anh/em muốn gì nào: Vợ cả ngày không nói một câu? không bao giờ nhận xét về ai? lúc nào cũng bình thản như búp bê? không biết tiền nong hết còn chợ búa đắt rẻ? Mặc kệ các ông tán tỉnh “lăng nhăng” với đàn bà khác? Nếu vợ không “than thở” thì các ông có bao giờ biết vợ cần gì muốn gì không?

Bọn họ đều không trả lời… chỉ “thở dài não nuột”, dường như họ mặc nhiên cho rằng nếu không có mấy cái “sao mà” như thế thì không là phụ nữ. Vậy nên kêu là kêu thế thôi chứ… chả thay đổi được gì, bởi vì sau đó bèn kết luận “Vợ là chứng chỉ vua ban, có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai”, họ lại vui vẻ uống cà phê hoặc uống bia, rượu, tào lao nhiều chuyện khác, sau đó lại vui vẻ đi về (về nhà mình hay đi đâu đó trời biết – đấy, tôi là phụ nữ nên cũng... chợt tự hỏi thế ).

Nghĩ đi nghĩ lại, hình như phụ nữ bọn mình cũng hay như thế thật! (rất xin lỗi bạn nào không như thế!). Có khi chỉ là vui miệng, hay “mắc bệnh than” nhưng quả là làm cho người nghe mệt mỏi. Có khi “tám” xong quên ngay, nhưng “những lời có cánh” ấy nó bay tứ tung, đậu xuống tai người này chui vào đầu người kia, nếu cũng là phụ nữ nữa thì… lại bắt đầu cái vòng luẩn quẩn… Nhiều khi tự cho mình cái trách nhiệm phải nhắc nhở khuyên bảo dạy dỗ từ trong nhà ra ngòai đường đến cơ quan nên... hay nhận được phản ứng bằng một câu mang tính “tổng quát”: đúng là đàn bà!!! Lại nhớ một chuyện: ông bạn tôi mới có con dâu. Tôi đi công tác không dự đám cưới được, khi về hỏi thăm: sao, con dâu mới thế nào? – Công dung ngôn hạnh đều được, riêng Ngôn thì còn kém xa mẹ chồng. Anh con trai nghe vậy liền nói: bây giờ thế thôi chứ con nghĩ, sau này chắc cũng ngang với mẹ

Có người bạn kể về cô nhân viên lâu năm của mình. Anh nói về nhiều ưu điểm của cô ấy, từ vẻ ngòai đến khả năng làm việc. Tôi hỏi: cái gì làm anh quý cô nhân viên này nhất? Bạn suy nghĩ một lát rồi trả lời: đó là vì cô luôn đem lại cảm giác nhẹ nhõm cho ngừơi đối diện, dù tình huống khó khăn đến mấy cô cũng nhìn nhận nó một cách tích cực và làm yên lòng mọi người xung quanh. Làm việc với người như thế thật dễ chịu và thoải mái.

Một người làm được điều đó không phải là dễ dàng, tôi biết, nó vừa là khả năng bẩm sinh vừa là sự mẫn cảm tinh tế có được bằng từng trải… Nhưng mà nhiều khi tôi cũng rất “tủi thân” khi “phải nghe” bạn kể lể những chuyện của đàn bà như thế, vì hình như bạn không coi mình là … phụ nữ . Thôi kệ, đàn bà gì thì đàn bà, cứ cố gắng mang lại sự nhẹ nhõm, bình an cho "những người sống quanh tôi!". Vậy đi, hén

Sài Gòn 21/6/2014
 
 

Vụn vặt đời thường (46)

@ Trên rừng thì khai thác tài nguyên, ở đồng bằng thì lập nhà máy, đầu tư dự án, đưa nhân công vào lập "phố Tàu", ngoài biển thì đánh đuổi ngư dân ta, cắm dàn khoan rồi bây giờ là khai quật khảo cổ. 
Rất đồng bộ và toàn diện!!!
https://vn.news.yahoo.com/trung-quốc-mở-rộng-khảo-cổ-phi-pháp-025519045.html

@ Bản thảo sách - giáo án - nhận xét luận văn - phản biện đề tài - viết nhảm trên face... rồi lại tiếp tục khứ hồi như vậy, mỗi ngày. Haizzz, xót duột người về hưu 

@ Cứ khó chịu mãi thì lại bảo là đờn bà với nhau mà hẹp hòi, nhưng mà thật, mỗi lần thấy báo chí đăng lời của bà Y tế nói thì mình không thể không khó chịu. Sao người đứng đầu ngành lại có thể "VÔ tư và DUYÊN dáng" đến thế khi chỉ đạo những việc như là "ghế inox thay ghế nhựa", y như một bà phó phòng quản trị vậy, trong khi, ngay chỉ bệnh viện Chợ rẫy thôi cũng còn nhiều vấn đề cần những chỉ đạo và giải quyết cụ thể hơn của Bộ trưởng để có thể bớt "hoàn cảnh" như chính bà nhận thấy?! 


@ Một người viết cực hay về Hà Nội của những người nghèo, viết rất lạ về người Mông ở Tây Bắc, và viết dữ dội về những người tha hóa đến tận cùng trong cải cách ruộng đất.Tô Hoài đã đi về Miền Tây vĩnh cửu!
R.I.P

@ Hôn nhân như… pha một chén nước mắm. Giỏi thì pha ngon, làm bữa ăn ngon hơn. Dở thì pha hỏng, nhàn nhạt hoặc quá mặn quá ngọt quá chua, khéo chữa thì dùng được, mà vụng thì càng chữa càng hỏng, có khi phải bỏ đi mà pha chén khác. 
Mà lạ, nước mắm thật có pha hỏng thì dễ “chữa” chứ nước chấm mà pha hỏng thì vô phương!

Ngẫm ra hình như không phải chỉ là chuyện nước mắm nước chấm, mà là chuyện của con người.

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (45) - Sài gòn, đôi khi…

Đôi khi có chuyện bực mình, chẳng có nơi nào đủ ồn ào để quên đi nỗi bực tức trong lòng. 
Đôi khi có chuyện vui vui, chẳng nơi nào đủ yên tĩnh để một mình lắng lại.
Đôi khi có chuyện buồn… hình như chưa đủ tự tin để có thể bỏ qua những gì làm mình tổn thương…
Đôi khi cảm giác cô đơn, dường như không đủ thời gian để ngồi một mình, im lặng…
Đôi khi không vui không buồn không bực tức… giữa đông người càng không đủ để mình thật sự là mình.
Đôi khi … Sài Gòn thế đấy.

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (44) - Trích SEX VÀ TRIỀU ĐẠI (Tạ Chí Đại Trường)


[… vẫn biết sự suy sụp của một triều đại nhìn dưới mắt sử gia về sau là do nhiều nguyên nhân khác sâu xa hơn, nhưng với thời đại mà quyền bính tập trung vào một gia đình, có các nguyên tắc đạo lý làm nền tảng cho sự an nguy của đất nước thì hạnh kiểm của một ông vua cũng có phần góp vào sự đảo lộn chính tình.
Lê xuất thân từ tù trưởng phụ đạo, rõ ràng vào những ngày đầu của triều đại vẫn mang dấu vết cũ. Đánh nhau vừa xong thì có lệnh cho các quan đầu mục trở về quê cũ giành lại ruộng đất bị lấn chiếm. Quan xuất thân từ đầy tớ (Đinh Lễ 1368 – 1449), Nguyễn Xí 1397 – 1465, Trương Lôi), từ chủ đất lên làm bộ phận của chủ nước, coi đây là dịp để thanh toán hận thù, giống như từ lúc còn tranh giành xẻo ruộng, bờ mương. Tám năm sau khi giặc Minh về nước (1434), Tư không Lê Ngân sai bắt tội theo giặc (lúc trước) của một người cùng làng để trả thù việc tranh ruộng với gia nô của mình mà có nói *vài lời bất kính* (quen miệng cứ tưởng như hồi còn chung cày cuốc cũ!). Đại tư đồ Lê Sát nói: *Nay bọn ta có quyền thế mà thù hằn người làng thì làm thế nào chẳng được? Sau này lỡ ta hết quyền thế rồi chả lẽ con cháu ta gánh chịu tai họa thù oán sao?* Ngân quát rằng:*con cháu nhà nó còn biết gây oán, con cháu ta lại không biết trả thùhay sao?*. Câu chuyện cho ta thấy một người nắm quyền chưa tự tin ở ngôi vị của mình (Lê Sát), người khác (Lê Ngân) tuy làm vẻ gân guốc như vẫn xử trí như hồi chưa mang quyền tước, cũng không tin ở sự vững vàng trong hiện tại có thể kéo dài].
Hết trích.



Thế mới biết cái gì cũng có *truyền thống* cả, từ xuất thân nguồn gốc đến việc lập ra một triều đại mới và những hành xử sau đó… Liệu trong tương lai sẽ có một triều đại mới thoát khỏi *số phận* hình thành như vậy không? Thật tình mình không tin là có, bởi vì khi còn mang tâm thức *được làm vua thua làm giặc* hay *bao giờ dân nổi can qua/ con vua thất thế lại ra quét chùa* nếu có lên làm vua thì   cũng sẽ hành xử hệt như triều đại cũ mà thôi! 

Gia tài để lại

Nguyễn Thị Hậu
Thứ Năm,  3/7/2014, 09:22 (GMT+7)
Phóng to 

Thu nhỏ 

Add to Favorites 

In bài 

Gửi cho bạn bè
(TBKTSG) - Đừng đặt lên vai thế hệ sau những trách nhiệm quá lớn với tương lai, khi mà chính chúng ta còn chưa làm hết trách nhiệm với ngày hôm nay.
Gần đây trong một số hội thảo về Bảo tồn di sản văn hóa đã có những tham luận đề cập đến nội dung giáo dục về di sản văn hóa cho lớp trẻ, ngoài ý nghĩa để cho thế hệ trẻ hiểu biết về giá trị của di sản văn hóa còn là việc giáo dục ý thức bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa. Và người ta luôn nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản văn hóa... trong tương lai.
Cũng vậy, trong nhiều lĩnh vực khác, lớp trẻ luôn được người lớn trao cho một vai trò rất quan trọng. Từ chuyện nhỏ như tuân thủ Luật Giao thông, không xả rác nơi công cộng... cũng được dạy trong trường học để các em hiểu và làm theo, và còn để “làm gương” cho cha mẹ nữa. Bởi không hiếm trường hợp cha mẹ chở con cái trên xe máy vô tư vượt đèn đỏ, đậu sai làn đường quy định, hay ngồi trên xe hơi vứt rác xuống đường phố. Những lúc đó một câu hỏi, một lời nhắc nhở của con trẻ “sao ba mẹ lại làm thế, cô giáo con dạy không được làm như vậy” sẽ có tác dụng làm cho phụ huynh nhớ lâu hơn và “tự giác” thay đổi thói quen tùy tiện.
Những việc lớn hơn như bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên khoáng sản... đến những việc quan trọng nhất là bảo vệ đất nước và làm sao để nước ta “có thể sánh vai với các cường quốc năm châu”... đều luôn được nhắc nhở, tuyên truyền, vận động và phát động thành phong trào trong lớp trẻ.
Đúng thôi, vì lớp trẻ là tương lai của mỗi gia đình, của cả đất nước. Tuy nhiên, nếu trong mỗi gia đình, nhiều người đã cố gắng, bằng mọi cách, để lại cho con gia tài vật chất to lớn: nhà cửa, đất đai, tài khoản ngân hàng nước ngoài, địa vị cao... hoặc để lại cho con gia tài tinh thần là tri thức to lớn và nhân cách giúp con thành người tử tế, thì ở tầm “vĩ mô”, thế hệ chúng ta để lại cho con cháu những gì, khi giao cho chúng trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn và phát triển?
Như trường hợp Di sản văn hóa chẳng hạn, muốn lớp trẻ yêu quý và bảo vệ di sản văn hóa thì trước hết chúng ta phải bảo tồn, gìn giữ tốt những di sản cha ông để lại, đồng thời tạo ra những di sản mới, thực sự mang giá trị văn hóa truyền thống và cả giá trị văn hóa của thời đại. Vậy nhưng chỉ cần qua những gì báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, chúng ta hãy tự hỏi đã để lại những di sản văn hóa như thế nào cho thế hệ tương lai?
Từ thế hệ sinh những năm 1950, 1960 đã được tin tưởng giao trách nhiệm “làm cho dân tộc ta vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu”, lời gửi gắm từ hơn nửa thế kỷ rồi vẫn tiếp tục được gửi đến thế hệ mai sau? Trong mỗi gia đình, có khi nào chúng ta nghĩ rằng, ta đang hướng con cái thực hiện bằng được... ước mơ của chính mình, qua việc chọn ngành nghề, qua thái độ sống và có khi cả việc hôn nhân - gia đình? Đừng “vẽ đường hươu chạy”, đúng quá, vì những “con hươu” ngày nay đủ khả năng tự tìm đường mà đi, và việc của chúng ta là hãy chỉ ra những cái bẫy những bụi gai... mà chính chúng ta đã mắc phải, để “hươu con” biết đằng mà tránh không lặp lại sai lầm ấy. Khi trao cho lớp trẻ quyền tự quyết định cuộc đời chính là chúng ta thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng và đánh giá cao vai trò của lớp trẻ một cách thật sự, chứ không phải bằng những lời “có cánh”.
Người xưa có câu chuyện: một người cha sắp mất liền trăng trối “cha để lại vàng cho các con ở ngoài thửa ruộng”. Sau khi ông mất mấy người con ra sức cày cuốc tìm vàng. Nhưng tất nhiên không tìm thấy vàng mà được một vụ mùa bội thu. Những người con hiểu ra giá trị của ruộng đất, từ đó gìn giữ và chăm chỉ cày cấy trên mảnh ruộng cha ông để lại, từ đó họ trở nên giàu có.
Đời con cháu có được “vàng” là của cải vật chất, “vàng” là nhân cách, tinh thần hay không... phụ thuộc vào việc thế hệ đi trước đã để lại những gì, thế hệ sau sẽ làm gì để xứng đáng và phát triển hơn những tài sản đó.
Như vậy cả hai thế hệ đều có vai trò và trách nhiệm rõ ràng.
Đừng đặt lên vai thế hệ sau những trách nhiệm quá lớn với tương lai, khi mà chính chúng ta còn chưa làm hết trách nhiệm với ngày hôm nay.

LỆ CÓ QUYỀN RƠI


Nguyễn Thị Hậu

“Ca sĩ” bây giờ nhiều như lá… rừng chuối, cứ sau một cuộc thi một gameshow nào đó là vài cái tên lại nổi lên, tên Ta tên Tây tên Hàn… chả thiếu gì; giọng sang giọng sến giọng sủa… đủ cả. Sâu-bít Việt cứ như cái chợ, ngày nào mà chả có thức ăn tươi sống, nhưng cũng như nhiều loại thức ăn, người nghe không khó để nhận ra ca sĩ nào vú ép chín vội, ca sĩ nào được ông bầu “bơm thuốc” kích thích nổi lên như bong bóng trong cơn mưa, ca sĩ nào nhờ kỹ thuật phòng thu mà giọng hát bỗng đẹp như… trái cây Trung quốc…
Bởi vậy, khi nghe dư luận xôn xao về một ca sĩ có nghệ danh là Lệ Rơi tôi cũng chẳng buồn chú ý.

Nhưng chưa kịp nghe một bài hát nào do ca sĩ này hát (à quên, cover lại, như người ta nói) thì tôi đã phải nghe, đọc khá nhiều về chàng, ở báo mạng, ở FB, và ở cả những cuộc cà phê từ vỉa hè đến trong quán xá. Đã định bỏ qua như đã bỏ qua rất nhiều những tin… tức khác bây giờ tràn lan trên báo như cải sau mưa, nhưng rồi dư luận về chàng, khen ngợi hay chê bai, bênh vực hay đả kích, tán dương hay ném đá, bao dung hay đố kỵ… Làm cho tôi, cuối cùng vẫn phải tò mò – sự tò mò rất đỗi đàn bà – vào youtube tìm và thấy một danh sách dài dằng dặc các bài hát của chàng Lệ Rơi, với cùng một khuôn hình cùng một “phim trường” cùng một cảm xúc… cùng một giọng hát quả là có một không hai!

Những bài “hít” của các ca sĩ “hot” được chàng Lệ Rơi cover lại theo một kiểu không giống ai, từ nhịp điệu đến cách phát âm, tiếng Việt tiếng Anh đều vô cùng “độc” đến mức nghe một lần là không muốn “đáo” thêm lần nữa. Ấy vậy nhưng hầu hết các bài hát của chàng luôn đạt hơn trăm ngàn lượt xem, google tên chàng có đến 2.480.000 kết quả trong 0,15 giây! Một con số đáng kinh ngạc và là mơ ước của nhiều người “nổi tiếng”.
Và như vậy quá đủ để truyền thông “dậy sóng” vì chàng!

Sau cảm giác vui vui, buồn cười và được cười sảng khoái khi nghe chàng hát, đọc những gì người ta viết, tôi chỉ thấy thương hơn chàng Lệ Rơi chân đất. Ừ thì hát không hay nhưng hay hát, đã sao? Ừ thì “tự tin giai đoạn cuối” khi post hàng loạt bài lên Youtube, nhưng Internet để làm gì khi không mang lại cho con người quyền tự do tối thiểu là bày tỏ chia sẻ với đồng loại? Ừ thì hát lăng nhăng lít nhít, nhưng toàn là những bài “hít” của “hót” đấy chứ? Ừ thì “nông dân mà bày đặt làm ca sĩ”, có sao đâu, còn hơn chán vạn người làm “nghề khác” chỉ qua một đêm bỗng dưng trở thành “sao” trên những tờ báo mạng! Ừ thì “giọng hát thảm họa”, nhưng khối thảm họa sờ sờ trước mắt kia kìa, sao không mấy ai lên tiếng?!

Chàng nông dân chất phác chắc chắn không thể ngờ “hiệu ứng” mà mình gây ra lại ghê gớm đến thế! Chỉ để cho vui theo yêu cầu của bạn bè – như chàng tự giới thiệu trước mỗi bài hát – vậy nên ai không thấy vui, không muốn vui thì đừng xem nữa, xem rồi thì đừng ném vào Lệ Rơi những lời miệt thị nặng nề và xin cũng đừng tò mò đổ về nhà chàng và tiện tay, tàn sát vườn ổi là nguồn sống của gia đình chàng.

Sự “bần cùng niềm vui” (chữ của bạn) có làm cho người ta trở nên bần cùng về nhân cách? Niềm vui của một người bỗng làm cho thiên hạ có cớ để xả vào nhau những lời dao búa nhăm nhăm như muốn “giết chết” cả người “bỗng dưng vui” và những người muốn vui theo. Thiên hạ trên những mạng xã hội vốn tự xem mình là vô tư và duyên dáng, thành ra nhiều lúc quá “vô duyên”, đã đành, mà nhiều tờ báo cũng vậy. Thành ra, bây giờ làm người vô tư thật thà như chàng Lệ Rơi đâm ra khó “sống”, lệ mà cũng khó có quyền được rơi.

Có câu chuyện về Nữ thần Tự Do như thế này.
Cô giáo hỏi: Vì sao Nữ thần Tự do lại cầm cây đuốc mà không cầm thứ khác? Các học sinh lần lượt nêu những lý do khác nhau. Đến một em kia: Thưa cô, vì bà ấy là nữ thần tự do nên muốn cầm gì mà chả được!
Ra vậy, nhiều người cũng hiểu Tự do là muốn làm gì nói gì mà chả được, thảo nào cái “làng mình” nó thế!
2/7/2014


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...