Giới tinh hoa Việt Nam giai đoạn Pháp thuộc (vài nhận thức)

NỘI DUNG CỦA BUỔI TRÒ CHUYỆN

Nền giáo dục của Pháp ở xứ thuộc địa dù muốn hay không vẫn phải truyền bá những tri thức và sự nhân văn của nhân loại, trong đó có một số giá trị cơ bản của con người và dân tộc/quốc gia như Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Chưa kể trong giới giáo chức Pháp (và những người Pháp) ở VN nói chung không phải tất cả đều mang đầu óc thực dân. Điều đó góp phần tạo nên một tầng lớp tinh hoa người bản xứ. Một mức độ nào đó thì nền giáo dục thực dân ở VN đã đóng vai trò phản biện.
Từ thực tiễn gia đình và quan sát cá nhân một số trường hợp tri thức Nam bộ, thì nhiều trí thức Nam bộ khi tiếp nhận nền giáo dục thuộc địa, nhất là những người du học tại Pháp có được sự tiếp xúc rộng rãi với nhiều người Pháp trong một xã hội tự do và dân chủ hơn ở trong nước. Vì vậy họ vận dụng, sử dụng những tri thức được tiếp nhận để tìm hiểu về thực trạng xã hội, nhận biết được sự mất độc lập, bất bình đẳng, bất công giữa chính quốc và thuộc địa ... Từ đó họ phản đối thậm chí chống lại chính quyền thuộc địa vì hiểu được một giá trị nhân loại là Độc lập dân tộc. Đối với VN lúc ấy giá trị quan trọng nhất cũng là nhu cầu cấp thiết nhất là đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Trong thời Pháp thuộc người thuộc tầng lớp tinh hoa là người luôn xác định giá trị của cá nhân mình phù hợp với giá trị của quốc gia. Những người hướng đến và hành động bằng những cách khác nhau để thực hiện hệ giá trị đó thì đó là tinh hoa. Tinh hoa luôn là “đỉnh của chóp” trong tầng lớp tri thức, thượng lưu của xã hội.
Tinh hoa không ở địa vị, bằng cấp hay tiền tài. Tinh hoa không chỉ là phẩm chất cá nhân tốt đẹp mà còn là sự phù hợp của phẩm chất cá nhân với giá trị cốt lõi của dân tộc và không đi ngược giá trị nhân văn của nhân loại. Tầng lớp tinh hoa luôn có trách nhiệm và nghĩa vụ khai mở, thực hành và dẫn dắt dân tộc đi theo những giá trị nhân văn của nhân loại như độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, hòa bình... Nếu không làm được điều đó thì không thể được coi là tinh hoa.
***

VÀI SUY NGHĨ VỤN

Về lý thuyết, nhìn chung, hệ thống giá trị cơ bản được cấu thành bởi 3 loại giá trị: (1) Giá trị phổ biến; (2) Giá trị nhóm; (3) Giá trị cá nhân [1].

Giá trị phổ biến (hay giá trị nhân loại) là những giá trị được sản sinh qua quá trình phát triển lâu dài của nhân loại, là kết tinh của những phẩm chất về đạo đức, văn hoá, lẽ sống, ứng xử... và được cả nhân loại thừa nhận bất kể dựa trên lập trường nào. Đó là tự do, bình đẳng, bác ái, hòa bình, độc lập, dân chủ, trung thực, trách nhiệm, khoan dung, yêu thương… Luôn hướng đến, thừa nhận và thực hành những giá trị nhân loại thể hiện một lí trí lành mạnh, không đi ngược với xu thế phát triển tất yếu của nhân loại.

Giá trị nhóm. Mỗi người đồng thời thuộc về nhiều nhóm xã hội khác nhau. Các nhóm xã hội có thể được hình thành từ địa vị xã hội, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, lứa tuổi, quyền lợichung... Trong quá trình tồn tại, các nhóm xã hội sản sinh ra những giá trị riêng của nhóm. Nhóm còn là những giai cấp trong xã hội. Nếu giai cấp nào xác lập giá trị phù hợp giá trị chung, thể hiện vai trò trách nhiệm của nhóm đối với xã hội, các thành viên của nhóm hướng đến và tuân theo giá trị nhóm mình, thì nhiều khả năng trở thành nhóm tiên tiến đóng góp vào vai trò dẫn dắt xã hội phát triển.

Nhóm nhỏ “hạt nhân” của xã hội là gia đình có những giá trị chung như yêu thương, hiếu thuận, gắn bó, đùm bọc giúp nhau… Từ gia đình hình thành dòng họ, làng xã là những nhóm cộng đồng có nét văn hóa riêng và chung… tất cả hợp thành và tạo nên bản sắc dân tộc, quốc gia,.

Giá trị cá nhân. Mỗi người từ sự hiểu biết riêng của mình và từ tâm lí cá nhân mà có những đánh giá riêng, sở thích riêng, mô hình riêng... Từ đó hình thành những phẩm chất/giá trị riêng. Dù giá trị cá nhân hay tâm lý cá nhân có khác nhau nhưng những phẩm chất/giá trị cơ bản phù hợp với giá trị nhóm và giá trị phổ biến sẽ giúp cá nhân luôn hướng thiện và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên trong thực tế mỗi cá nhân là một thực thể, vì vậy chịu ảnh hưởng từ gia đình, môi trường xã hội, những giá trị nhóm hay giá trị phổ biến được các cá nhân coi trọng, hướng đến với mức độ khác nhau.

Ví dụ, nhóm nghề nghiệp viết sử xác lập giá trị/phẩm chất là sự trung thực, sự tường minh, thông tin lịch sử chính xác, khách quan, khoa học. Đấy là những phẩm chất riêng của từng cá nhân đồng thời cũng là giá trị chung của một nghề nghiệp, cũng là những phẩm chất tốt đẹp của con người, của nhiều nghề nghiệp mà xã hội thừa nhận.

Ba loại giá trị trên đây hợp thành một hệ thống giá trị thể hiện trong mỗi con người, mỗi nhóm, mỗi quốc gia. Cũng từ hệ thống này mà con người xem xét, đánh giá, nhận thức… mọi hiện tượng xã hội. Từ đó đưa đến những ứng xử giữa cá nhân với nhau và với cộng đồng, hay ngược lại, cộng đồng ứng xử với cá nhân/nhóm.

Do vậy, hệ giá trị quốc gia, văn hóa hay gia đình đều dựa trên nền tảng hệ giá trị cá nhân – con người luôn là nhân tố quyết định! Hệ giá trị cá nhân lại được xây dựng thông qua “di truyền văn hóa” ở gia đình, qua xã hội từ hệ thống giáo dục, hệ thống luật pháp. Kinh nghiệm và bài học của nhiều quốc gia đã cho thấy, gìn giữ và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của lịch sử - văn hóa dân tộc là một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng nhất cho quốc gia phát triển bền vững. Bởi vì đó là những thành tố quan trọng góp phần hình thành và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của từng quốc gia.

Chỉ khi nào hệ giá trị xuất phát từ bản sắc văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh xã hội mới, tích hợp giá trị của thời đại, hướng đến khát vọng của dân tộc và nhân dân thì khi ấy, những giá trị tốt đẹp sẽ “thẩm thấu”  vào cuộc sống, những “giá trị” lý luận cao siêu mới mang tính thực tiễn, trở thành đạo đức, lối sống hàng ngày trong xã hội. Khi ấy đất nước sẽ thực sự thay đổi vì mỗi con người có đầy đủ phẩm chất và phẩm giá con người.

Không có tầng lớp tinh hoa thì việc xây dựng các "hệ giá trị mang tính nhân văn, toàn cầu" là không tưởng.

[1] http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/519---NHAN-THUC-KHACH-QUAN-TRONG-SU-HOC

Cám ơn ba diễn giả của midnight talks đã mang lại nhiều kiến thức và sự đồng cảm.
À, Tinh hoa rất khác tinh bông và đương nhiên không thể như tinh tinh
🙂






NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

 Nhớ ba – đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch

1.

Hơn bảy mươi năm trước, vào năm 1942, ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm Lasan Taberd ở Sài Gòn và được phân về dạy tại Cái Răng, Cần Thơ. Sau đó ông xin về dạy trường tiểu học huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) - quê nhà - để tiện chăm sóc ông bà nội tôi.

Ông dạy lớp Nhứt nhưng được nhiều học trò các lớp khác biết và quý mến, vì là thầy giáo nhưng ông “có máu đờn ca hát xướng” – như một người học trò của ông là nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhớ lại. Thầy giáo mà biết đờn ca là một điều rất lạ đối với đám học trò ở một trường huyện xa xôi. Sau giờ học vào buổi chiều, ba tôi dạy hát cho học trò bằng cây đờn Banjo tiếng nghe giòn tan, vui tươi. Rồi ông thành lập nhóm “văn nghệ” vào ngày hè đi biểu diễn gây quỹ giúp học sinh nghèo trong trường. Tiếng hát của học trò đã mang lại sức sống cho phố huyện, ban hát của thầy trò đi đến đâu cũng được bà con ủng hộ. Sau này nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết về ông qua nhân vật thầy giáo trong tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu.

Cách mạng tháng Tám, rồi Nam bộ kháng chiến, ba tôi được Ủy ban tỉnh An Giang giao cho việc thành lập Đoàn kịch Cứu quốc. Khi nghe ba tôi xin phép được “đi hát”, ông nội tôi suy nghĩ một hồi rồi nói “Tía xem đời Cụ Hồ chẳng khác nào như đức Thích Ca. Cụ là người như vậy, mà cụ cho hát, chắc là hát có ý nghĩa. Trào Tây, hát là xướng ca vô loại. Bây giờ, hát cho Chính phủ Cụ Hồ là hát cứu nước. Tía đồng ý cho con đi hát”. Ngày đó ông nội đã khấn trước bàn thờ Phật “Hôm nay con đưa các con đi theo Cụ Hồ đánh Tây giành độc lập, không để cho thằng Tây ngồi lên đầu lên cổ dân mình. Con cháu có gì sai quấy mong Cụ dạy bảo. Cầu trời Phật ông bà phù hộ cho con cháu bình an!” Giản dị vậy thôi! Năm 1947 ông nội tôi bị Tây bắn chết vì không chịu gọi mấy người con đi kháng chiến trở về.

Từ đó ba tôi từ giã bục giảng đi kháng chiến. Ông lập đoàn hát “Cứu quốc đoàn”, “Tuyên truyền xung phong” phục vụ đồng bào chiến sĩ từ sông Tiền dài xuống vùng đất U Minh. Thời gian này ba tôi sáng tác một số ca khúc như Hồn thiêng chiến sĩ, Tuyên truyền lưu động, Làn sóng dân chủ, Tháp Mười anh dũng... trong đó ca khúc “Cương quyết ra đi” là bài hát được nhiều người yêu thích và thuộc lòng, đến nay vẫn thường được biểu diễn và phát lại trên truyền hình, trên đài phát thanh.

Năm 1954 ba tôi tập kết ra miền Bắc. Kế tiếp là những năm dài ông thường xuyên vắng nhà vì những chuyến lưu diễn khắp nơi của Đoàn Cải lương Nam bộ, Đoàn kịch nói Nam bộ mà ba tôi làm trưởng đoàn: rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương, đường 559 Trường Sơn… Thời chiến tranh ông thường đưa đoàn văn công đi chiến trường phục vụ bộ đội. Có lần ông đến biểu diễn tại một binh trạm trên cung đường Trường Sơn. Ở đó trong cuộc trò chuyện một bác sĩ quân y đã nhận ra ông là thầy giáo của mình hồi lớp Nhứt. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ, bác sĩ vẫn cung kính gọi ông là thầy xưng con như thủa ấu thơ.

 2.

Sau nhiều lần đi “B” nhưng không về được quê hương, tháng 5.1975 ba tôi trở về “tiếp quản Sài Gòn”, rồi về An Giang thăm quê hương yêu dấu sau hơn hai mươi năm “ngày Bắc đêm Nam”. Ông nhận công tác tại TP. Hồ Chí Minh, tổ chức và đón tiếp các đoàn nghệ thuật từ miền Bắc vào Nam, xây dựng bộ máy quản lý nghệ thuật, tổ chức lại các đoàn hát tại thành phố để có thể tiếp tục hoạt động trong hoàn cảnh xã hội mới... Năm 1979 ba tôi và một số văn nghệ sĩ quê An Giang như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức), nhà thơ Viễn Phương... được tỉnh mời về dự Đại hội thành lập Hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Ba tôi đã có những lời tâm sự thể hiện tình cảm sâu đậm của ông dành cho quê hương.

             “Xin phép các đồng chí cho tôi được nói lên những cảm xúc của mình trong ngày vui mừng này của chúng ta, cảm xúc của một người con tỉnh nhà khi ra đi tóc hãy còn xanh, nay trở về thì đầu đã bạc trắng. Nhớ lại những ngày đầu chống Pháp, tôi và anh chị em trong đoàn kịch đầu tiên của Tỉnh nhà “Cứu quốc kịch đoàn” đã lặn lội phục vụ đồng bào trong tỉnh. Những hình ảnh năm xưa, kỷ niệm những ngày lưu diễn ở Chợ Mới, Ba Thê, Vĩnh Hanh, Chắc Cà Đao, Núi Sập… tôi còn nhớ như in, như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua mặc dầu đã hơn ba mươi năm rồi.

Năm 1975, lần đầu tiên đặt chân lên Long Xuyên thân yêu, tôi bàng hoàng và hình như chưa tin một sự thật: quê mình đã giải phóng và mình đã trở về. Thưa thật với các đồng chí, hồi chín năm lặn lội khắp miền Tây, rồi 20 năm tập kết ra Bắc, khi thì lưu diễn ở Việt Bắc, khi vào tận Quảnh Bình, Vĩnh Linh, một thời gian nan trèo đèo lội suối phục vụ bộ đội Trường Sơn, suốt 30 năm ròng tôi chỉ tâm niệm một điều: Khi quê nhà giải phóng sẽ cùng với anh em, đồng chí trong đoàn về diễn tại tỉnh nhà phục vụ bà con cô  bác, dù chỉ được một lần rồi có chết cũng cam lòng!

Nhưng chiến tranh kéo dài và ác liệt quá... Thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đó là điều khẳng định. Tuy vậy, cũng có lần tôi tự hỏi, chừng nào mình về đến quê hương? Đời mình có thấy được ngày đó không hay phải tới đời con mình? Vậy mà bây giờ mình đã có mặt ở thị xã quê nhà! Tôi bỗng nhớ cái rạp hát Nhơn Hòa hay Nam Xương gì đó, còn không?

Hôm nay tôi lại về quê, cùng họp với các đồng chí để chung lo cho nền văn nghệ tỉnh nhà. Tôi vô cùng sung sướng. Sung sướng vì họp mặt ở đây có nhiều thế hệ nối tiếp nhau trên mặt trận văn nghệ. Sung sướng vì tôi thấy tỉnh ủy hết sức quan tâm đến đội ngũ chúng mình. Việc gọi chúng tôi, những người con của Tỉnh đang phục vụ nơi khác về dự hội nghị này làm cho chúng tôi hết sức cảm động. Việc gì cũng vậy: Hễ Đảng quan tâm thì việc sẽ xong thôi. Lãnh đạo Tỉnh nhà đặc biệt quan tâm đến Văn nghệ, vấn đề còn lại là nỗ lực của anh em chúng mình. Và nhất định là chúng mình sẽ cố gắng và sẽ thành công.

Riêng cá nhân tôi, là người con của An Giang, nay do hoàn cảnh chung mà phải công tác nơi khác, nhưng bất cứ lúc nào nếu các đồng chí cần, các đồng chí cứ kêu một tiếng, tôi xin có mặt ngay lập tức!”.

Cuộc đời của ba tôi gắn bó với sân khấu Nam bộ, từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc trở về Nam, tình cảm và trách nhiệm với “nghề hát”, với quê hương, ba tôi luôn giữ trọn!

3.

Ba tôi là người Thầy đầu tiên của tôi, không chỉ dạy chữ mà ba dạy tôi làm Người.

Ngày tôi còn nhỏ, một lần cơ quan ba tôi tổ chức chiếu phim tư liệu, trẻ em không được xem. Quen là con Út được ba luôn cưng chiều, tôi nhõng nhẽo đòi đi nhưng ông cương quyết không đồng ý. Tôi lăn ra khóc ầm ĩ, ba tôi dỗ không được, tức quá, ông đánh tôi một roi rồi bỏ đi! Khuya hôm đó, chợt tỉnh giấc, tôi nghe ông nói với má tôi: “Con còn nhỏ, đánh nó, thiệt là bậy quá! Nhưng mình là cán bộ, không gương mẫu làm sao nói được anh em? Anh em sai thì mình phê bình được, nhưng lãnh đạo mà sai nhiều khi anh em không nói ra làm theo cái sai đó thì tai hại vô cùng!”.

Tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, cả nước náo nức niềm vui vì nghĩ rằng ngày “hòa bình” đã đến. Khi đó tôi đang học lớp 7, trong niềm vui chung tôi có một niềm vui nhỏ dành tặng ba. Đó là việc tôi thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin, không như tôi nghĩ, ba ngồi lặng với vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:

- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Không có tài thì không có vai diễn hay, đã là diễn viên phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải chuyện danh tiếng mà là chuyện làm gì để có ích nhiều hơn cho mọi người, cho xã hội, và cho bản thân mình.

Lần đầu tiên ông tâm sự với tôi về nghề nghiệp cùng những buồn vui thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ, qua đó tôi hiểu rằng với ba tôi, danh hiệu “nghệ sĩ” thật là cao quý! Từ đó tôi mới thực sự trở thành “người bạn nhỏ” của ba. Đến khi tôi tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử và được trường giữ lại làm giảng viên, ba tôi rất vui vì tôi sẽ nối nghiệp nhà giáo mà ông bỏ dở. Ông nói với tôi, người thầy giáo cũng như người nghệ sĩ đều là những “kỹ sư tâm hồn”. Phải yêu nghề, yêu người, yêu đời sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu để mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp của cuộc sống...

Gần như cả cuộc đời ba tôi đi theo “nghiệp hát”, là nghệ sĩ nhưng ông giữ được sinh hoạt nền nếp của nghề giáo. Đó là luôn đúng giờ, ngăn nắp, sạch sẽ; thói quen ghi chép những điều nhìn thấy, cảm nhận, đặc biệt là tình yêu sách vở. Anh chị em tôi thừa hưởng được tình yêu với sách và văn học nghệ thuật là nhờ ba tôi!

Từ nhỏ đến lớn đều đi học trường của Pháp, lại dạy học trong thời kỳ tư tưởng phong kiến còn nặng nề, nhưng ba tôi nuôi dạy con cái với một tinh thần dân chủ. Ông không áp đặt con cái trong suy nghĩ, hành xử, chỉ phân tích đúng sai; luôn trao đổi và lắng nghe nhất là khi các con có khúc mắc hay khuyết điểm. Ba tôi cũng hay hỏi về công việc các con, lắng nghe các con nhận xét về cuộc sống, ông còn tâm sự về những lỗi lầm của mình để các con biết mà tránh, và biết để khoan dung cho lỗi lầm của người khác...  Sự dân chủ, công bằng còn là phương châm hành xử của ông trong nhiều cương vị lãnh đạo, trong đối nhân xử thế với bạn bè, đồng nghiệp, người thân.

Ba tôi luôn nói rằng, thái độ tôn trọng vợ con và công bằng trong ứng xử là điều ông được thừa hưởng từ người cha, tức là ông nội của tôi. Sau này đọc những gì ông nội tôi viết để lại cho con cháu, tôi càng thấy rõ sự “di truyền” truyền thống này gia đình mình. Đến lượt tôi, tôi còn được hưởng một điều may mắn khác: giữa ba tôi và giáo sư Trần Quốc Vượng – người thầy dẫn dắt tôi đi theo nghề lịch sử và khảo cổ - đã có một tình bạn vô cùng đặc biệt. Bởi vì cả hai người đều có sự hòa hợp tư chất của nhà giáo và nghệ sĩ, đều dạy con cái và học trò về tinh thần tự do đó là nền tảng để con người trở nên tử tế, hướng thiện và khoan dung.

Đấy là tài sản tinh thần rất lớn mà tôi đã được thừa hưởng!   

Nguyễn Thị Hậu



 

VỀ NĂNG XUẤT LÚA Ở ĐẤT PHƯƠNG NAM (Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân)

@Cứ nói rằng đất Nam bộ "làm chơi ăn thiệt", nhưng "coi vậy mà hổng phải vậy" nghen!

https://cuoituan.tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-thoai-mot-an-ba-tram-hay-ao-giac-ve-nang-suat-lua-o-dat-phuong-nam-1643117.html?fbclid=IwAR3BNBkuQUEXwNUGxKDWLZnpE9Ix0dSe4LZbzOaumKIZ9nazCneOK3x6ozo

Huyền thoại“một ăn ba trăm”

“Khoa Thuyên nói, ruộng các thuộc Quy An, Quy Hóa huyện Tân Bình, Phước Long, đều cày rồi mới cấy, cấy 1 hộc giống thì gặt được 100 hộc; thuộc Tam Lạch, trại Bả Canh ở châu Định Viễn thì khỏi cày, phát cỏ rồi cấy, cấy 1 hộc giống gặt được 300 hộc” (Phủ biên tạp lục, q.3, ngạch thuế).

Dựa vô độ phiêu của ngữ nầy, có thể gọi đây là “huyền thoại một ăn ba trăm” (đây là làm lúa chớ không phải cá độ). Vụ nầy do Lê Quý Đôn đặt ra trước tiên và các sử quan thời Nguyễn như Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (1820) và nhóm tác giả Đại Nam nhứt thống chí (~1870) cho đến sử quan, sử gia, học giả các đời sau rần rần nghe theo, tán tụng về độ phì nhiêu của đất đai phương Nam. 

Cũng có thể lấy đây làm trường hợp tiêu biểu cho truyền thống cắm cúi ghi chép mà không chất vấn gì ở xứ ta.

Vô ở Thuận Hóa được chừng hơn một năm (1776 - 1777) nên kiến thức mọi mặt về Nam Hà chép trong Phủ biên tạp lục là do Lê Quý Đôn tiếp quản từ kho lưu trữ của chánh quyền Đàng Trong và nghe Cai bạ dinh Long Hồ Nguyễn Khoa Thuyên kể. Trong mắt ông Đôn, ông Thuyên là người bên phe thua cuộc phải cung cấp tư liệu và phải trả lời những thắc mắc để ông soạn sách, còn ông Thuyên lúc ấy vui hay buồn và phục vụ ông Đôn nhiệt tình hay qua loa thì chắc cũng dễ đoán. Thông tin “một ăn ba trăm” có lẽ là một trong những điều lạ ở phương Nam xa xôi mà ông Thuyên xí gạt ông Đôn cho có chuyện cười thầm chơi.

Nói cho đàng hoàng một chút thì huyền thoại ấy có thể lý giải theo hai hướng. Một là, năng suất đó có thể có nhưng không phải năng suất phổ biến mà là trường hợp cá biệt đột xuất ở một nơi nào đó, có khi cả trăm năm gặp được một khuỷnh đất cho năng suất 1 hộc ra 300 hộc, rồi lại suy diễn rằng toàn bộ đất đai ở thuộc Tam Lạch (gồm 100 thôn, theo Phủ biên) và ở trại Bả Canh (~30 thôn, theo Phủ biên) cho năng suất như vậy. Hai là, do thơ ký của ông Đôn chép lộn con số. Tuy nhiên, tình huống này khó xảy ra vì lời ông Thuyên nói được chép lại cho thấy nội dung có ngằn có lớp, có phân biệt hai vùng trồng lúa với hai pháp (kỹ thuật) canh tác riêng, miền hai huyện Tân Bình, Phước Long (Gia Định, Biên Hòa) thì làm cực hơn (phải cày đất) mà năng suất thấp hơn miệt châu Định Viễn (Định Tường, Vĩnh Long).

Có lẽ nên nhận xét vui một chút rằng, từ xưa tới nay, mấy ông làm ruộng thì chưa đọc sách Phủ biên tạp lục, còn mấy ông đã đọc Phủ biên tạp lục thì chưa từng làm ruộng, cho nên chưa thấy ai có ý kiến về “huyền thoại một ăn ba trăm” nầy. 

Tôi đọc qua Phủ biên tạp lục nhiều lần, lại thời trẻ từng trực tiếp canh tác trên 3 loại ruộng - một là ruộng sạ lúa mùa ở Kinh Tư Cũ (Đồng Tháp Mười), hai là ruộng cấy ở rạch Xẻo Muồng (huyện Cái Bè), ba là hồi năm 1986 từng làm trợ lý (bưng xách dụng cụ) cho kỹ sư Tài ở trại lúa giống 19-5 (huyện Cái Bè) nên nay nêu chút ý kiến.

Phàm nói đến số lúa giống (sạ hoặc cấy) thì phải gắn với diện tích gieo hạt, ruộng sạ thì một giạ giống trên một công (1.000m2), ruộng cấy thì khoảng nửa giạ (~8-10kg) giống trên một công đất. Thời chưa có máy móc, đây là mật độ hạt/gốc mạ được nông gia coi là vừa vặn lý tưởng để lúa cho năng suất tối ưu, và nếu trên loại đất phù sa cực tốt, bón phân đúng chuẩn, phong điều vũ thuận các thứ như ý hết cỡ thì công lúa này cho khoảng 35 giạ [½ giạ giống gặt 35 giạ], tức 1 giạ lúa giống gieo trên 2 công đất sẽ gặt được 70 giạ (1 ăn 70).

Nếu tính trên diện tích, ruộng đạt 35 giạ/công, tức 7 tấn/mẫu, năng suất cỡ này thì chèn ơi, hồi thời 1980 báo Nhân Dân đăng rần rần luôn đó, gọi là cánh đồng 7 tấn (7 tấn/ha). Cho nên, dù năng suất “một ăn một trăm” thôi thì ruộng ở miền Tây kiếm đỏ mắt mới được một vạt, lấy đâu ra mà “một ăn ba trăm”.

Địa chí Bến Tre 2001 tuy cùng dẫn huyền thoại “một ăn ba trăm” nhưng hình như có vẻ lăn tăn nên nhận định thêm “Cần hiểu tình hình này chỉ diễn ra trong giai đoạn khai phá buổi đầu mà thôi” (tr.441), rồi mô tả việc làm ruộng ở những vùng đất tốt nhứt Bến Tre như sau: “Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác trong giai đoạn này [đầu tk.19] vẫn chưa có gì thay đổi, chủ yếu vẫn dựa vào điều kiện thiên nhiên, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, cho nên sản lượng nông sản tăng chậm. Thông thường, đầu tháng 5 (âm lịch) người ta bắt đầu gieo mạ. Đến cuối tháng 7 thì cấy xong. Vào rằm tháng chạp thì lúa mùa chín rộ. Năm trúng, thu được 12 đến 15 giạ trên một công [3 tấn/ha]” (tr.442).

Người Pháp đến, đem đến khoa nông học, bắt đầu tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, ghi chép qua điều tra thực tế chớ không chỉ nói theo như nhóm sử quan cung đình soạn Đại Nam nhứt thống chí trước đó. Chuyên khảo địa lý Gia Định hồi đầu thế kỷ 20 cho thấy “Lúa mùa cho năng suất cao, ở ruộng hạng 1 bình quân đạt được 2,5 tấn/ha, ruộng hạng 2 là 1,5 tấn/ha, ruộng hạng 3 là 800kg/ha” (GPEHC Gia Định 1902, tr.69); và ở vùng đất tốt nhứt tỉnh Sóc Trăng - chỗ “vương quốc” của kỹ sư Hồ Quang Cua với giống lúa ST25 hiện nay - thì: “như đạt sản lượng khá đáng kể (từ 1,4 tấn đến 2 tấn/ha) là nhờ đất đai màu mỡ tự nhiên, chứ ít nhờ vào sự chăm sóc hay việc chọn giống tốt” (GPEHC Sóc Trăng 1904, tr.70).

Hồi trước, tôi có nghe kỹ sư Tài kể về lần đầu tiên nhập giống cao sản về Việt Nam thí nghiệm. Đó là hồi năm 1966, trung tâm thí nghiệm lúa ở Long Định (Định Tường) đem về 10kg lúa giống IR8 để trồng thử nghiệm, cấy 10kg giống đó trên 2.000m2 (2 công), lúc thu hoạch đạt 4 tấn/ha (20 giạ/công), năng suất vậy là gấp đôi so với giống lúa cổ truyền ở Việt Nam. Giống IR8 cũng gọi là Thần Nông 8, danh tiếng còn lừng lẫy đến nay.

Trong việc trồng lúa ở đất mới phương Nam, tuy có thể cho rằng do đất đai màu mỡ nên năng suất hồi cuối thế kỷ 18 cao vượt bực, nhưng cũng phải xét đến sự hạn chế trình độ kỹ thuật đương thời, cho nên sự chênh lệch năng suất thời đó so với thời nay không thể xa quá xá vậy. Nếu nói vài miếng ruộng tốt nhứt ở châu Định Viễn (Định Tường, Vĩnh Long) đạt năng suất 50 giạ một công (1 ăn 100) thì có thể gượng gạo mà tin theo, còn hơn nữa thì đành gắn vào huyền thoại thôi. 

Thiết nghĩ, những ghi chép trong sử thì có điều trúng có điều trật, ngoài việc phân tích nội dung văn bản, cái nào có thể giảo nghiệm để kiểm chứng thì phải giảo nghiệm, và trồng lúa để tính năng suất là việc có thể giảo nghiệm.

Hậu quả dai dẳng

Đến nay, số bài báo vắn dài cùng công trình khảo cứu các thứ, sách lớn thì từ địa chí tỉnh này tỉnh kia đến vùng sử cho đến quốc sử... đã dẫn dụng huyền thoại ấy khó thể kể hết, chỉ nói vài sách tiêu biểu:

Địa phương chí thì có Địa chí Tiền Giang 2005, tập 1, chương II - Từ buổi đầu khai hoang đến giữa thế kỷ 19, viết: “Ruộng màu mỡ, phì nhiêu và cho năng suất cao. Theo Lê Quý Đôn, ở hai thuộc Bả Canh và Tam Lạch “cứ cấy một hộc thóc giống thì thu hoạch được 300 hộc”, trong khi đó, ở hai thuộc Quy An, Quy Hóa (có lẽ ở Bến Tre hoặc Vĩnh Long ngày nay) chỉ có 120 hộc mà thôi. Được biết, 1 hộc bằng khoảng 69 lít, tương đương 46 kg” (tr.378); 

Địa chí Đồng Tháp 2014, dẫn Phủ biên (tr.168 - 169) và cũng dẫn thêm Đại Nam nhứt thống chí về huyền thoại “một ăn ba trăm” (tr.304). Vùng sử thì có Lịch sử hình thành và phát tiển vùng đất Nam Bộ (Trần Đức Cường, 2014), dẫn nguyên văn đoạn chép trong Phủ biên và thêm lời bình phẩm về đất đai phì nhiêu.

Quốc sử thì có Lịch sử Việt Nam tập IV (Viện Sử học, Trần Thị Vinh cb, NXB Khoa Học Xã Hội 2013, bộ 15 cuốn), dẫn: “Vùng Gia Định, Đồng Nai là đất tốt bậc nhất, ruộng các huyện thuộc Tân Bình, Phúc Long, Quy An, Quy Hóa có cày để cấy, cấy một hộc thóc thì gặt được 100 hộc thóc; thuộc Tam Sạch, trại Bả Canh, châu Định Viễn thì ruộng không cày, phát cỏ rồi cấy, cấy 1 hộc thóc thì gặt được 300 hộc” (chương IV - Tình hình kinh tế nông nghiệp). 

Bộ quốc sử nầy có điểm độc đáo là rất nhiều lỗi chánh tả, mấy chữ Phúc Long, Tam Sạch là nguyên chữ trong đó, trích theo y vậy; còn bộ cùng loại Lịch sử Việt Nam tập II cũng trích y đoạn này thì thấy viết địa danh là Phúc Long, Tam Lạch (Phan Huy Lê cb, NXB Giáo Dục Việt Nam 2012, bộ 4 cuốn).

Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng Xứ Đàng Trong, tiến sĩ Li Tana còn đi xa hơn khi dựa vào toàn dữ liệu sai trong Phủ biên để phân tích hệ thống thuế của họ Nguyễn: “Thuế đất ở đây rất thấp. Vào thập niên 1770, ở Tân Bình (Sài Gòn ngày nay), Phước Long (Biên Hòa ngày nay), Quy An, Quy Hóa (nay là Mỹ Tho), “gieo một hộc thóc có thể gặt được 100 hộc” nhưng phải đóng thuế từ 4 đến 10 hộc. 

Hay như ở Tam Lạch hay Bả Canh trong tỉnh Vĩnh Long ngày nay, vẫn theo nguồn tư liệu trên, “gieo một hộc thóc có thể gặt được 300 hộc” nhưng phải đóng 2 hộc thuế đất (một thửa ruộng)” (bản dịch, xb 2014, tr.175). Kiểu ráp nối này giống như lấy năng suất đỉnh trên khu ruộng kiểu mẫu nào đó để gắn cho mức thuế phổ quát, rồi cho là mức thuế thấp.

Đọc qua vài trích đoạn nghiên cứu nêu trên hẳn người đọc khó thể giữ cho vững não khi thấy các vùng miền được đối chiếu lung tung, như Tam Lạch, Bả Canh chẳng hạn, đối với tác giả này thì nó thuộc Định Tường, đối với tác giả kia thì nó thuộc Vĩnh Long. Đây cũng là hậu quả của sự ghi chép bất nhứt trong Phủ biên, nhưng đó là vấn đề thuộc phần khảo cứu về Vị trí 9 Khố trường.

Đối với một di sản rất quan trọng về lịch sử Đàng Trong như Phủ biên tạp lục thì nội dung có vài điều sai trật cũng là điều bình thường, nhưng phải thấy rằng có những câu trong đó mà người đời nay càng dẫn thì càng làm giảm giá trị tổng thể sách ấy, như trường hợp huyền thoại “một ăn ba trăm”. Cái lỗi lớn của học giới đương thời là thay vì chú giải những điểm bất hợp trong tư liệu cổ thì lại tin theo rồi trích dẫn tán tụng nhơn rộng thêm ra. ■



DÒNG SÔNG MANG TÊN THÀNH PHỐ


https://laodong.vn/xa-hoi/dong-song-mang-ten-thanh-pho-1038990.ldo?fbclid=IwAR1JB-BdfhYp34fBszoaFlUoWXQVNmiExaIJch7_zbasyvUAQHa3Oa-oWX8

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
1.
Gần đây tôi có dịp “du khảo” sông Đồng Nai và sông Sài Gòn bằng waterbus. Bắt đầu từ bến Bạch Đằng xuôi ra ngã ba Nhà Bè, từ đó ngược sông Đồng Nai lên Cù Lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai), Cù Lao Rùa (Tân Uyên, Bình Dương)... lên nữa sẽ là thác Trị An. Vượt qua đoạn thác này đến vùng thượng nguồn Đồng Nai có khu di tích Cát Tiên nổi tiếng.
Hay từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn đi về phía Ba Son, Tân cảng, qua địa bàn thành phố mới Thủ Đức, qua vùng gốm Lái Thiêu, chợ Thủ nổi tiếng ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), đến khu di tích Bến Dược và Địa đạo Củ Chi. Và đi nữa sẽ lên đến Bình Phước, Tây Ninh, hiện nay vẫn là vùng xóm làng xanh mát bên cạnh dòng sông thoáng đãng chứ không dày đặc nhà cửa cao ốc ở đôi bờ như đoạn qua thành phố.
Dòng Đồng Nai có tên xưa là Phước Long Giang (là sông lớn ở phủ Phước Long), nhưng tên gọi phổ biến cho đến nay vẫn là sông Đồng Nai. Tên sông còn được chỉ cho cả một vùng lưu vực rộng lớn: từ Đồng Nai thượng (vùng cao tỉnh Đồng Nai và một phần tỉnh Lâm Đồng), xuôi xuống vùng đồi gò phù sa cổ ở trung và hạ lưu Đồng Nai, ra đến tận cửa sông vùng ngập mặn Cần Giờ.
Nhưng tên gọi sông Sài Gòn thì không đơn giản như vậy.
Cũng chảy qua nhiều vùng nhưng sông Sài Gòn trước kia mang nhiều tên khác nhau: đoạn đầu nguồn ở Bình Phước, Tây Ninh đến gần chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) gọi là sông Ngã Cái. Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) gọi là sông Thủ Khúc. Những tên gọi này nay dân gian cũng không dùng nữa. Tên sông Bến Nghé (Ngưu Chử giang) được nhiều người biết là đoạn từ cư xá Thanh Đa đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức), nhưng nay “Bến Nghé” lại là tên con rạch từ sông Sài Gòn (nơi Bến Nhà Rồng) quận 1 đi vào Chợ Lớn. Tên chính thức của sông là Tân Bình giang thì được ghi nhận trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, vào khoảng năm 1820.
Sách Gia Định thành thông chí – bộ địa chí về vùng đất Nam bộ thế kỷ 19, viết về sông Tân Bình như sau: “Tân Bình giang. Ở trước thành Gia Định thuộc địa bàn phủ Tân Bình, tục gọi là sông Bến Nghé. Sông rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, nước ròng hết mức sâu 13 thước (khoảng 5m), sông rộng lớn nước sâu và trong. Những tàu buôn của nước ta và các nước, tàu biển ghe sông và tàu thuyền lớn nhỏ đậu liên tiếp, cột buồm nối nhau, là một nơi đại đô hội” . Tiếp đến là ghi chép về các đoạn sông ra đến biển với một số tên gọi khác nhau, nhưng không thấy có đoạn sông nào mang tên “Sài Gòn giang” hay chữ Nôm “sông Sài Gòn”.
Về địa danh Sài Gòn, Gia Định thành thông chí có ghi chép về Phố chợ Sài Gòn – tức Chợ Lớn ngày nay. Đó là một khu vực buôn bán sầm uất, đường phố đan nhau ngang dọc, phố xá liền mái, người Việt người Hoa cùng sinh sống. Đặc biệt ghi rõ các miếu và hội quán ở đây, đến nay các công trình vẫn còn nguyên vị trí và tên gọi.
Chính vì vậy đã nhiều lần tôi thắc mắc, không biết từ lúc nào sông Tân Bình/Bến Nghé thành sông Sài Gòn. Và tên gọi “Sài Gòn” đầu tiên là của thành phố hay của dòng sông, với địa danh này thì dòng sông mang tên thành phố hay là ngược lại?
2.
Đem thắc mắc này hỏi bạn tôi, một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nam bộ kỳ cựu và cẩn trọng, bạn nói: Ô chị hỏi một chuyện hay quá! Để gửi chị xem mấy tấm bản đồ xưa của Pháp về Nam kỳ và đô thị Sài Gòn, qua đó có thể giúp chị tìm ra câu trả lời chăng?
Từ những tấm bản đồ xưa bạn gửi tôi tham khảo, có thể nhận biết địa danh Sài Gòn được ghi trên dòng sông và trên phạm vi thành phố ở những giai đoạn khác nhau.
Sớm nhất là trên bản đồ Nam kỳ 1858 đã có tỉnh Sài Gòn (Province de Sai Gon), bao gồm địa bàn rộng lớn dọc theo con sông được ghi tên Sài Gòn (R. de Sai Gon) suốt từ tỉnh Tây Ninh xuống đến TP. Hồ Chí Minh ngày nay. Khu vực thành Gia Định được ghi “Sai Gon”, và kế bên là “Cho Lon” nhỏ hơn.
Sau khi Pháp chiếm thành Gia Định (1859), trên bản đồ Nam kỳ năm 1863 và bản đồ thành phố Sài Gòn 1864 đoạn sông ở quận 1 ghi là “Tan Binh giang ou Ben Ghe” (sông Tân Bình hoặc Bến Nghé).
Bản đồ thành phố Sài Gòn 1870 đoạn quai de Napoleon (bến Bạch Đằng) ghi tên sông Đồng Nai. Nhưng bản đồ Nam kỳ 1870 thì thấy tên sông Sài Gòn là đoạn chảy qua thành phố Sài Gòn.
Bản đồ Nam kỳ 1871 và 1891 lại ghi đoạn sông qua trung tâm thành phố là sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà Bè ra Cần Giờ mới là sông Sài Gòn. Nhưng đến bản đồ thành phố Sài Gòn các năm 1878, 1898, 1921 thì đoạn nay là Bến Bạch Đằng ghi tên sông Sài Gòn.
Như vậy, ngay từ 1858, thời điểm thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta tại Đà Nẵng, khi còn chưa chiếm được vùng đất Nam kỳ thì thực dân Pháp đã “lập tỉnh Sài Gòn” và định danh khu vực thành Gia Định là Sài Gòn, vùng Sài Gòn cũ là Chợ Lớn – theo cách gọi của dân gian. Có lẽ đây là sự xuất hiện sớm nhất trên bản đồ tên gọi “Sài Gòn” cho dòng sông và thành phố. Cũng theo những bản đồ trên thì tên gọi “thành phố Sài Gòn” từ 1858 về sau không đổi nhưng tên sông thì lúc tên cũ Bến Nghé lúc tên mới Sài Gòn. Từ cuối thế kỷ 19, địa danh “hành chính” của dòng sông và thành phố đã dần ổn định là Sài Gòn.
Chưa biết vì sao người Pháp lại “dịch chuyển” tên Sài Gòn thay thế cho tên sông Bến Nghé, tên thành Gia Định đã tồn tại hàng trăm năm. Tuy nhiên, trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài thơ Chạy giặc nổi tiếng, trong đó có câu “Bến Nghé của tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” nói về sự tàn phá của chiến tranh trên một vùng đất rộng lớn trù phú. Câu thơ còn cho thấy, nửa sau thế kỷ 19 khi Pháp đã chiếm toàn bộ Nam kỳ thì dân gian vẫn lưu truyền tên gọi Bến Nghé, Đồng Nai của hai dòng sông lớn đã trở thành biểu tượng của vùng đất Gia Định. Địa danh là lịch sử của một vùng đất nên không dễ mất đi trong tâm thức cộng đồng dân cư.
3.
Từ sông Tân Bình, Bến Nghé thành sông “Sài Gòn”, từ thành Gia Định đến đô thị Sài Gòn là một sự thay đổi không chỉ về địa danh hành chính mà còn là sự thay đổi một thời kỳ lịch sử. Từ đầu thế kỷ 20, bên cạnh chức năng tự nhiên là giao thông, điều hòa khí hậu môi trường và nguồn nước sinh sống của toàn khu vực, trên đôi bờ sông Sài Gòn chảy qua thành phố đã hình thành hệ thống cảng thị lớn, một yếu tố quan trọng để thành phố phát triển nhanh chóng, mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Từ thời Nguyễn hệ thống sông rạch ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” độc đáo. Dưới thời Pháp thuộc Sài Gòn – Chợ Lớn là trung tâm kinh tế, kỹ nghệ và thương mại ở Nam kỳ mà lúc này nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu lúa gạo, cao su, nông phẩm... Hai bên bờ rạch Bến Nghé từ lâu đã hình thành hệ thống bến – chợ độc đáo, gắn liền cảnh quan sông nước tự nhiên và sinh hoạt khác của dân cư. Bên phía quận 4, quận 8 hệ thống nhà máy xay lúa gạo, lúa theo ghe tàu từ miền Tây đổ về, rồi lại theo ghe tàu xuất cảng đi nhiều nước. Phía quận 1 và quận 5 là nơi hàng hóa nông sản từ miền Tây, miền Đông đổ về thành phố và hàng hóa công nghệ phẩm từ thành phố mang đi những nơi khác. Theo dòng sông (Soài Rạp) ra cửa biển Cần Giờ ghe tàu ra đi đến nhiều nơi trên thế giới, tàu thuyền các nơi theo dòng sông sâu vào cảng thị Sài Gòn.
Là một thành phố trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhân những ngành nghề, kỹ thuật, phương thức kinh doanh mới, vì vậy ở Sài Gòn tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tích cực, năng động sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ thuật mới... Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều. Đồng thời, sự liên kết hỗ trợ nhau “buôn có bạn, bán có phường”, đảm bảo chữ Tín là một truyền thống trong mọi mối quan hệ kinh tế và đời thường ở Sài Gòn. Có thể nói, tính cách cởi mở, nhanh nhạy, không định kiến kỳ thị với cái mới, lối sống nhân nghĩa khoan dung của người Sài Gòn được coi là tiêu biểu cho người Nam bộ.
Đô thị Sài Gòn và sông Sài Gòn, dòng sông mang tên thành phố hay thành phố mang tên dòng sông? Theo tư liệu lịch sử, có thể dòng sông dần hòa nhập vào tên mới của thành phố và rồi cũng là của chính mình. Nhưng dù thế nào mặc lòng, “Sài Gòn” luôn là một thể thống nhất giữa dòng sông và đô thị, giữa quá khứ và hiện tại. Ngày nay, sông Sài Gòn cùng với sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ đang trở thành con đường tăng cường sự kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam bộ. Sông Sài Gòn cũng là con đường để thành phố hướng ra biển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Bởi vì, nếu không duy trì và phát triển đặc trưng “đô thị sông nước” – một yếu tố “trời cho, người chọn” khi tạo lập vùng đất và thành phố này - thì Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh sẽ đánh mất quá khứ, đồng thời không thể xây dựng một tương lai tốt đẹp.
Sài Gòn 7.4.2022
Sông Sài Gòn qua thành phố. Photo by Minh Hòa.
bài trên báo Lao Động đặc san 30.4.2022

Có thể là hình ảnh về nhà chọc trời



THÁNG TƯ 2022

@ Tháng Tư năm nay là một tháng vô cùng bận rộn. Ba chuyến đi khỏi SG, hoàn thành 3 tham luận HTKH (khoảng 15 trang một bài) và 3 bài báo “khó viết” cho Tuổi Trẻ, Người Đô thị, Lao Động đặc san ngày 30/4. Vài chuyến khảo sát sông nước, vẫn những cuộc họp định kỳ và những giờ dạy cho sinh viên...
Nhưng là một tháng vui vì công sức bỏ ra đã có kết quả: các bài tham luận đều được đánh giá tốt, được nhiều nhà nghiên cứu đồng cảm, các bạn đồng nghiệp trẻ thì luôn tìm gặp để trao đổi hỏi han chuyên môn. À, nhuận bút bài NCKH thì rất hẻo nên nếu tính bằng tiền thì kết quả là rất kém (mà giàu có gì ở tuổi này nữa) 🙂
Tháng năm, gần hết nửa năm rồi. Thời gian còn lại của 2022 cũng sẽ có nhiều việc như vậy, mong đủ sức khỏe để thực hiện, mong công việc vẫn mang lại niềm vui như đã. Để thấy mình còn có ích, chưa làm phiền ai. Tuổi này chỉ mơ ước giản dị vậy thui 🙂


@ Em - một người Sài Gòn chánh hiệu - nhắn tôi:

Cô ơi! Cầu thì đẹp, nhưng thấy dửng dưng. Cảm giác phải đánh đổi quá nhiều. Ko biết có phải vậy ko? Mất Ba Son, mất hàng cây cổ thụ. Chỉ còn nắng chói chang... Cái không gian mới mở ra, với em, nó có sang, nhưng nó xa lạ và khô khan.
Mình trả lời: Cô không dám lên cầu Thủ Thiêm 2 nữa... Chúng ta nặng lòng với SG nên cảm giác hụt hẫng khi phải chứng kiến cái mới hiện hữu bằng cách phá bỏ di sản... Dù cũng mừng là cầu sẽ mang tên Ba Son, phần nào bù đắp lại sự mất mát ký ức đô thị...
Trích một đoạn mình viết cho cuốn sách của một người bạn:
"Trong cơn lốc “hiện đại hóa” TPHCM vội vã thay đổi diện mạo. "Những dấu ấn Sài Gòn một thời bị biến dạng, biến mất giữa bộn bề cuộc sống, đến khi giật mình nhìn lại Sài Gòn bỗng thấy mình lạc lõng giữa nhà cao tầng kính chói lóa và những lòe loẹt trưởng giả phô trương…
Nhưng Sài Gòn được rất nhiều người thương, và họ đã làm tất cả, dù chỉ là nhắc nhớ về ký ức, về những gì từng có ở nơi đây, về cả những gì đang và sẽ tồn tại trong thẳm sâu của người Sài Gòn, để Sài Gòn luôn hiện diện mỗi ngày, trong mỗi người hôm nay và ngày mai.
Những người yêu thành phố này sẽ không để Sài Gòn trở thành quá khứ!"
Hình: Đường Tôn Đức Thắng xưa và nay (hình internet)









LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...