https://nguoidothi.net.vn/coi-nguon-suc-manh-trong-hai-chu-an-dan-34705.html
Nguyễn Thị Hậu
1.
An Dân là mục tiêu hàng đầu của một chính quyền
hướng tới dân và vì dân. Ở nước ta tư tưởng An Dân đã được hình thành và duy
trì suốt các thời đại lịch sử, đặc biệt quan trọng vì nước ta luôn phải đương đầu chống giặc ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến ác
liệt hàng chục năm trời, chưa kể vài cuộc nội chiến tương tàn “đàng ngoài đàng
trong” cũng kéo dài nhiều năm.
Sau chiến tranh triều đại mới được thiết lập
từ chiến thắng ngoại xâm nhưng phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn: kinh tế suy
yếu, dân chúng cùng cực, xã hội bất ổn... Không An Dân thì không thể phục hồi
kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và ổn định xã hội trong thời hậu chiến. Đồng
thời, muốn xây dựng triều đại mới vững chắc càng phải An Dân.
Tư tưởng An Dân thể hiện đầu tiên bằng sự gần gũi gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của nhân dân, tin tưởng
nhân dân, dựa vào dân để xây dựng và phát triển đất nước. Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi là nhà chính trị tiêu biểu thể hiện tư
tưởng An Dân bằng tinh thần nhân nghĩa. Mở đầu Bình Ngô đại cáo – bản
tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của đất nước ta, Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân
nghĩa cốt ở an dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Nhân nghĩa là An Dân,
nhân nghĩa thì An Dân. Trừ bạo cũng vì An Dân, để An Dân.
Nhưng trước đó vào thời Trần, năm 1300 khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc
Tuấn ốm nặng, nhà vua thân chinh đến nhà thăm hỏi, ông đã khuyên nhà vua “Khoan
thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Một lời khuyên bảo thể hiện tư tưởng An Dân đồng thời cũng là sự đúc kết
một kinh nghiệm, một bài học, một quy luật từ thực tiễn dài lâu.
Với một đất nước thường xuyên phải cảnh giác với quân xâm lược từ
phía Bắc thì An Dân gắn liền với Hòa bình và Độc lập. Gìn giữ hòa bình, bảo vệ
độc lập dân tộc là nhân cách con người Việt Nam. Trong Hịch tướng sĩ Trần
Hưng Đạo chỉ rõ nỗi nhục mất nước “chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, và
trăm kiếp khác tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu vẫn còn, mà gia thanh của các ngươi
cũng chẳng khỏi mang tiếng là nhà bại tướng”. Không chỉ khuyên nhà vua “khoan
thư sức dân” mà còn Đức Thánh Trần khích lệ nhân dân tinh thần bảo vệ độc lập
dân tộc.
Vì vậy, bên cạnh một Quốc công tiết chế, một danh tướng kiệt xuất,
Trần Hưng Đạo còn được nhân dân tôn thờ với tư cách một con người luôn vì dân,
nghĩ đến dân, lo cho dân, một Đức Thánh Trần linh thiêng trong tâm tưởng bao thế
hệ người Việt Nam.
2.
Tháng tư, tôi có dịp ra đảo Lý Sơn dự Lễ khao lề thế lính Hoàng
Sa. Lễ này thường được các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa xưa (như họ Võ, họ
Phạm…) và cộng đồng tổ chức tại đình làng vào ngày 15, 16 tháng ba âm lịch.
Cho đến nay, người dân Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng
Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng
hai/ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Từ những mất mát hy sinh của nhiều lớp
người đi trấn giữ quần đảo Hoàng Sa ở đây đã hình thành một nghi lễ mang đậm
tính nhân văn, lễ cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở
về quê hương bản quán. Nguồn gốc của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” là nghi lễ
“cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để
cầu bình an may mắn cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường.
Theo quan niệm của cộng đồng, đội Hoàng Sa khi làm nhiệm vụ trên
biển đảo luôn gặp nhiều rủi ro, thường chỉ có đi mà không có về, nên trong buổi
tế dân làng làm những hình người bằng giấy hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc,
làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền
Hoàng Sa đem tế tại đình. Sau lễ tế trang trọng nhưng đầy tình cảm quyến luyến
của gia đình dòng họ, “hình thế” được thả ra biển với mong muốn đội thuyền kia
sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm
tin và ý chí cho người lính thực hiện nhiệm vụ theo lệnh triều đình.
Về sau, khi đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi
lính Hoàng Sa vẫn tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc họ của mình
để tưởng nhớ những thành viên của họ tộc đã đi lính Hoàng Sa. Lễ tế khao lề trở
thành một phong tục nhân văn, một văn hóa tâm linh độc đáo trong đời sống người
dân Lý Sơn.
Khi những mô hình thuyền được đặt lên bè chuối thả xuống biển, một
không khí linh thiêng hiển hiện trong không gian lễ hội. Dường như linh hồn những
người lính thủa xa xưa đã có mặt để chứng kiến lòng thành của hậu thế... Chính
mối liên hệ qua tâm linh đã là cội nguồn, là niềm tin để bao đời người dân Lý
Sơn vẫn bám biển, bảo vệ nguồn sống cũng là bảo vệ sự bình an của quê hương, bảo
vệ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam.
3.
Trên đảo Lý Sơn khi tham dự không khí linh thiêng nghi lễ “khao lề
thế lính”, tôi bỗng liên tưởng đến những nén nhang thơm được người dân TP. Hồ
Chí Minh thành kính cắm lên chiếc lư hương mới được đưa trở về dưới chân tượng
Đức Thánh Trần tại công viên Mê Linh. Trong tôi trào lên một sự xúc động sâu sắc:
ở đâu người dân cũng thể hiện sự thành kính và biết ơn tiền nhân bằng niềm tin
vào sự linh thiêng ở nơi thờ cúng, nghi lễ thờ cúng... Qua đó tạo nên sự kết nối
giữa các thế hệ, tạo nên sự bình an trong tâm hồn mỗi người, tạo nên sức mạnh
tinh thần của cộng đồng trước những thử thách nguy nan. Coi thường hay ngăn cấm
sự thực hành tín ngưỡng tâm linh chính đáng là cắt đứt mối giao hòa giữa các thế
hệ, đánh mất sự an yên trong tâm hồn mỗi con người, làm suy yếu sức mạnh tinh
thần của cộng đồng.
Những bức tượng Đức Thánh Trần được nhân dân trân trọng dựng ở khắp
nơi trong nước và một số nơi có cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, đó
là “không gian thiêng” của cộng đồng, nơi người dân đến thắp nhang vừa tỏ lòng
thành kính vừa khấn mong Đức Thánh Trần phù hộ những điều tốt lành cho đất nước,
cho bản thân. Mỗt người mỗi gia đình bình an thì cả quốc gia thái bình.
An dân, trong thời đại nào cũng có nghĩa dân chúng được yên ổn và
hạnh phúc trong đời sống. Khi chính quyền
làm mọi điều dù nhỏ bé để An Dân là hợp với lẽ phải và đạo lý dân tộc, tất sẽ
quy tụ được lòng dân. Hòa bình thống
nhất đất nước có ý nghĩa và giá trị cao nhất là Quốc
Thái Dân An.
Sài Gòn 20.4.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét