NỘI DUNG CỦA BUỔI TRÒ CHUYỆN
Về lý thuyết, nhìn chung, hệ thống giá trị cơ bản được cấu thành bởi 3 loại giá trị: (1) Giá trị phổ biến; (2) Giá trị nhóm; (3) Giá trị cá nhân [1].
Giá trị phổ biến (hay giá trị nhân loại) là những giá trị được sản sinh qua quá trình phát triển lâu dài của nhân loại, là kết tinh của những phẩm chất về đạo đức, văn hoá, lẽ sống, ứng xử... và được cả nhân loại thừa nhận bất kể dựa trên lập trường nào. Đó là tự do, bình đẳng, bác ái, hòa bình, độc lập, dân chủ, trung thực, trách nhiệm, khoan dung, yêu thương… Luôn hướng đến, thừa nhận và thực hành những giá trị nhân loại thể hiện một lí trí lành mạnh, không đi ngược với xu thế phát triển tất yếu của nhân loại.
Giá trị nhóm. Mỗi người đồng thời thuộc về nhiều nhóm xã hội khác nhau. Các nhóm xã hội có thể được hình thành từ địa vị xã hội, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, lứa tuổi, quyền lợichung... Trong quá trình tồn tại, các nhóm xã hội sản sinh ra những giá trị
riêng của nhóm. Nhóm còn là những giai cấp trong xã hội. Nếu giai cấp nào xác lập
giá trị phù hợp giá trị chung, thể hiện vai trò trách nhiệm của nhóm đối với xã
hội, các thành viên của nhóm hướng đến và tuân theo giá trị nhóm mình, thì nhiều
khả năng trở thành nhóm tiên tiến đóng góp vào vai trò dẫn dắt xã hội phát triển.
Nhóm nhỏ “hạt nhân” của xã hội là gia đình có những giá trị chung như yêu thương, hiếu thuận, gắn bó, đùm bọc giúp nhau… Từ gia đình hình thành dòng họ, làng xã là những nhóm cộng đồng có nét văn hóa riêng và chung… tất cả hợp thành và tạo nên bản sắc dân tộc, quốc gia,.
Giá trị cá nhân. Mỗi người từ sự hiểu biết riêng của mình và từ tâm lí cá nhân mà có những đánh giá riêng, sở thích riêng, mô hình riêng... Từ đó hình thành những phẩm chất/giá trị riêng. Dù giá trị cá nhân hay tâm lý cá nhân có khác nhau nhưng những phẩm chất/giá trị cơ bản phù hợp với giá trị nhóm và giá trị phổ biến sẽ giúp cá nhân luôn hướng thiện và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên trong thực tế mỗi cá nhân là một thực thể, vì vậy chịu ảnh hưởng từ gia đình, môi trường xã hội, những giá trị nhóm hay giá trị phổ biến được các cá nhân coi trọng, hướng đến với mức độ khác nhau.
Ví dụ, nhóm nghề nghiệp viết sử xác lập giá trị/phẩm chất là sự trung thực, sự tường minh, thông tin lịch sử chính xác, khách quan, khoa học. Đấy là những phẩm chất riêng của từng cá nhân đồng thời cũng là giá trị chung của một nghề nghiệp, cũng là những phẩm chất tốt đẹp của con người, của nhiều nghề nghiệp mà xã hội thừa nhận.
Ba loại giá trị trên đây hợp thành một hệ thống giá trị thể hiện trong mỗi con người, mỗi nhóm, mỗi quốc gia. Cũng từ hệ thống này mà con người xem xét, đánh giá, nhận thức… mọi hiện tượng xã hội. Từ đó đưa đến những ứng xử giữa cá nhân với nhau và với cộng đồng, hay ngược lại, cộng đồng ứng xử với cá nhân/nhóm.
Do vậy, hệ giá trị quốc gia, văn hóa hay gia đình đều dựa trên nền tảng hệ giá trị cá nhân – con người luôn là nhân tố quyết định! Hệ giá trị cá nhân lại được xây dựng thông qua “di truyền văn hóa” ở gia đình, qua xã hội từ hệ thống giáo dục, hệ thống luật pháp. Kinh nghiệm và bài học của nhiều quốc gia đã cho thấy, gìn giữ và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của lịch sử - văn hóa dân tộc là một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng nhất cho quốc gia phát triển bền vững. Bởi vì đó là những thành tố quan trọng góp phần hình thành và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của từng quốc gia.
Chỉ khi nào hệ giá trị xuất phát từ bản sắc văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh xã hội mới, tích hợp giá trị của thời đại, hướng đến khát vọng của dân tộc và nhân dân thì khi ấy, những giá trị tốt đẹp sẽ “thẩm thấu” vào cuộc sống, những “giá trị” lý luận cao siêu mới mang tính thực tiễn, trở thành đạo đức, lối sống hàng ngày trong xã hội. Khi ấy đất nước sẽ thực sự thay đổi vì mỗi con người có đầy đủ phẩm chất và phẩm giá con người.
Không có tầng lớp tinh hoa thì việc xây dựng các "hệ giá trị mang tính nhân văn, toàn cầu" là không tưởng.
[1] http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/519---NHAN-THUC-KHACH-QUAN-TRONG-SU-HOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét