DI SẢN VĂN HÓA - MÂM CỖ ĐẶC SẮC CỦA DU LỊCH TP.HCM

 https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/di-san-van-hoa-mam-co-dac-sac-cho-nganh-du-lich-tphcm-c8a32555.html

Những tháng cuối năm 2021, tôi được tham gia đợt khảo sát di tích lịch sử - văn hóa của TP.HCM (trong đó có thành phố Thủ Đức), do Sở Văn hóa Thông tin phối hợp với một số sở, ngành tiến hành, nhằm bổ sung, điều chỉnh Danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2021 – 2026. Có đi khắp các quận huyện của thành phố mới thấy “tài nguyên du lịch văn hóa” của thành phố vô cùng phong phú và đa dạng, tuy nhiên hoàn toàn còn ở dạng nguyên sơ chưa được khám phá hết giá trị nhiều mặt của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa này.

Sự phong phú và đa dạng bắt nguồn từ văn hóa của các cộng đồng tộc người sinh sống trên vùng đất Sài Gòn – TP. HCM: từ các di tích tín ngưỡng như đình, miếu, nhà thờ họ, hội quán... đến di tích tôn giáo như nhà thờ, chùa, thánh thất, thánh đường... Từ di tích kiến trúc như các công sở, biệt thự, công trình công nghiệp... đến di tích của đời sống xã hội như chợ, nhà truyền thống, khu mộ cổ... Số lượng di tích của thành phố rất lớn: Đến cuối năm 2020 toàn thành phố đã có 185 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 58 di tích cấp quốc gia (02 di tích khảo cổ học, 32 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 125 di tích cấp thành phố (75 di tích kiến trúc nghệ thuật, 50 di tích lịch sử) [1]. Đồng thời Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020 có 100 công trình địa điểm: 1 địa điểm khảo cổ, 71 công trình kiến trúc nghệ thuật và 28 công trình, địa điểm lịch sử [2].

Có thể nhận thấy, ngoài một số di tích nổi tiếng ở khu vực trung tâm (quận 1, quận 3, quận 5) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách, còn lại nhiều khu vực khác cũng có những di tích, địa điểm có giá trị văn hóa mà nếu thiết kế thành chuyến tham quan “one day” hay “two days”, liên kết với xe bus hoặc bus đường sông thì nhiều khả năng trở thành sản phẩm du lịch rất hấp dẫn. Sản phẩm này trước hết tổ chức trong ngày cuối tuần và hướng đến đối tượng chính là khách nội địa, nhất là người dân thành phố. Đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn đồng thời tăng thêm sự hiểu biết cho người dân, nhất là với trẻ em và thanh thiếu niên.

Ngành du lịch nên phối hợp với các quận huyện, thành phố Thủ Đức để tạo ra sản phẩm “đặc sản” của từng khu vực (có thể liên quận nếu cùng những đặc trưng văn hóa), hoặc tour “một con đường, một dòng sông” để tham quan các công trình kiến trúc, cảnh quan, thưởng thức ẩm thực theo một tuyến đường/sông nổi tiếng, độc đáo.

Đường Đồng Khởi không dài lắm nhưng nằm ở vị trí đặc biệt và đắc địa nhất trung tâm Sài Gòn, bắt đầu từ bờ sông Sài Gòn và kết thúc ở quảng trường Công xã Paris, nơi có hai công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 là Nhà thờ Đức bà và Bưu điện thành phố. Có thể coi quảng trường này là “tâm” và với “bán kính” bằng con đường Đồng Khởi, quay một vòng tròn chính là khu vực di sản của đô thị Sài Gòn. Trên đường Đồng Khởi có những cửa hàng, quán cà phê, khách sạn được nhiều người biết đến. Hiện giờ hầu hết cả tuyến đường đã thay đổi, nhiều cái tên gắn liền với con đường nay chỉ còn là ký ứcđã trở thành thương hiệu của thành phố... Đều có thể trở thành những điểm du lịch “one day” giới thiệu kiến trúc cổ và thưởng thức ẩm thực của các khách sạn, nhà hàng sang trọng.

 Đoạn “Bến Bạch Đằng” mới được chỉnh trang cũng có thể nối dài theo bus đường sông về phía Thanh Đa hay theo sông Bến Nghé vào quận 5 quận 8... vừa chiêm ngưỡng cảnh quan thành phố đang hiện đại hóa, vẫn còn đó những dãy nhà phố cổ làng xóm xưa, kết hợp thưởng thức ẩm thực dân gian trong các quán bình dân, trong chợ hay nhà hàng, bar... Nếu vào dịp lễ hội ở các đình, chùa, hội quán thì du khách sẽ có một trải nghiệm thú vị.

Tất nhiên, TP. HCM không chỉ là đường Đồng Khởi sầm uất sang trọng mà còn nhiều con đường hẻm phố khác cũng ghi lại dấu ấn văn hóa của người Sài Gòn. Cũng như bên cạnh sông Sài Gòn, Bến Nghé còn có Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải tạo chỉnh trang sạch đẹp.

 Có lẽ chưa bao giờ sau một biến cố xã hội ngành du lịch của thành phố thiệt hại nặng nề như vậy. Như các chuyên gia dự đoán, ngành du lịch VN phải qua năm 2023 mới phục hồi như trước, đồng thời sẽ phải cơ cấu lại để phát triển, trong đó ưu thị trường khách du lịch. Có lẽ cần lưu ý phát triển phân khúc khách hàng nội địa, bởi vì đây là khách hàng tiềm năng cho du lịch địa phương, nhất là khi mà lượng du khách nước ngoài chưa thể phục hồi. Do đó cần bổ sung những mô hình phù hợp với điều kiện thời gian, kinh phí của đa số khách hàng, với hình thức thân thiện và tăng cường giới thiệu sự đa dạng văn hóa của thành phố.

Nhớ về những nơi đã đi qua tôi nhận ra một điều: ngay trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế thì ở nhiều quốc gia, du lịch địa phương vẫn duy trì và phát triển nhờ vào nguồn khách nội địa. Thị trường khách nội địa luôn được ưu ái, chính nguồn thu từ đây sẽ giúp những thành phố lớn là trung tâm du lịch - dịch vụ có thời gian “dưỡng sức” để bùng nổ trở lại và mạnh mẽ hơn. Thực hiện được điều này là nhờ quan điểm phát triển du lịch phải coi di sản văn hóa là “mâm cỗ” cho người trong nước trước khi là “đặc sản” cho du khách nước ngoài.

Thì Sài Gòn  - TPHCM cũng là một nơi rất giàu có về di sản văn hóa nhưng phần lớn người dân thành phố chưa được thụ hưởng “mâm cỗ” này. Sao ngành du lịch không bắt đầu từ các tour ngắn để tham quan thưởng thức di sản - ẩm thực – lễ hội tại các quận huyện của thành phố?

Nguyễn Thị Hậu

 Dãy nhà ngói cổ ở bến Bình Đông, Quận 8



 Hoàng hôn trên sông Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà



 Khu Di tích Ngã ba Giồng ở Hóc Môn



 



[1] Danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (đến hết tháng 12/2020). Trung tâm Bảo tồn di tích – Sở VHTT TPHCM.

[2] Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 923/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...