SÀI GÒN NHÌN PHỐ NHỚ SÔNG

 

Thành phố Thông thoáng, Thông thương và Thông minh

Từ đầu năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh và hoàn thành việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, mang lại diện mạo hiện đại cho nơi này, đồng thời mở ra hướng quy hoạch chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền” sông Sài Gòn, nhằm thay đổi cả hai bên bờ sông không chỉ ở đoạn trung tâm “dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai”, mà xa hơn, về phía Bình Dương hay ra phía Nhà Bè, Cần Giờ.

Như nhiều đô thị ở Nam bộ hình thành và phát triển bên những dòng sông thành những “đô thị sông nước”, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh trải qua hơn 300 năm đã định hình là một thành phố ven sông Sài Gòn. Trước nay sông Sài Gòn thường được biết qua khúc sông ở khu vực trung tâm làm nên một “Sài Gòn đẹp lắm”: Tân Cảng, công xưởng Ba Son, hệ thống cảng Sài Gòn lớn nhất nước, hình ảnh bến Bạch Đằng tấp nập người xe, bên kia là Thủ Thiêm còn giống như xóm làng miền Tây Nam bộ. Rồi từ Cầu Mống vào Chợ Lớn là rạch Bến Nghé hai bên là nhà máy bến cảng phố chợ... Do đó, sông Sài Gòn – rạch Bến Nghé được coi là “mặt tiền” của đô thị Sài Gòn (xưa) vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế - văn hóa của thành phố.

Có đi trên những chuyến bus đường sông từ bến Bạch Đằng về phía Thủ Đức, Bình Dương hay về phía Cù Lao Phố - Biên Hòa, đi tàu cao tốc ra Cần Giờ, Vũng Tàu hay theo sông Chợ Đệm ngược lên Vàm Cỏ Đông – Tây về Long An... mới thấy TP. Hồ Chí Minh thiệt là rộng lớn! Từ thủa xa xưa những dòng sông đã mở rộng thành phố về mọi hướng, đồng thời nhờ đó đô thị Sài Gòn được kết nối với toàn vùng Nam bộ. Ngày nay nếu tái lập chức năng “đường thủy” những dòng sông này sẽ trở thành “đại lộ” xuyên qua nhiều vùng cảnh quan tự nhiên còn khá nguyên vẹn sự hoang sơ, hay các “vùng di sản” hàng trăm năm tuổi. Đó chính là nguồn tài nguyên văn hóa có rất nhiều tiềm năng, không khó để khai thác và phát triển du lịch nếu biết sử dụng và bảo vệ đúng cách.

Từ đầu thế kỷ 21 thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và lan rộng. Do quá trình hiện đại hóa nên hệ thống bến – cảng công nghiệp đã di dời ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, TP. HCM nếu mất tính chất “cảng thị” thì sẽ mất đi một nguồn lực kinh tế cũng như nguồn lực văn hóa có được nhờ tính chất giao lưu tiếp nhận những yếu tố mới từ bên ngoài, qua hệ thống cảng thị. Tính chất “cảng” làm duy trì và phát triển sự cởi mở, năng động của thành phố. Vì vậy, bên cạnh khu vực cảng kinh tế thì khu vực cửa sông – vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ - Vũng Tàu nên trở thành cảng du lịch lớn nhất, “cửa ngõ” quốc tế của thành phố (bên cạnh đường hàng không là sân bay Tân Sơn Nhất và sau này là sân bay Long Thành).

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất phía Nam, mang đặc trưng “thành phố sông nước” tiêu biểu cho cả vùng Nam bộ. Vì vậy du lịch của thành phố cần khai thác tính chất thông thương và thông thoáng của hệ thống sông rạch. Khai thác tiềm năng sông nước có thể bắt đầu bằng bài học trong quá khứ: từ sông Sài Gòn và mạng lưới kinh rạch tỏa ra khắp thành phố hình thành hệ thống bus đường sông và các bến tàu kết hợp những trung tâm thương mại (theo mô hình truyền thống: bến là/và chợ). Đó là sự khôi phục “văn hóa sông nước” với tính chất “mặt tiền” của nhà của phố là sông, cùng với đó là hệ thống bến sông thân thiện, thuận tiện cho dịch vụ du lịch đường thủy.

Chuyến khảo sát mới đây của lãnh đạo thành phố trên sông Sài Gòn đã thể hiện kỳ vọng về sự thay đổi của những dòng sông, từ việc quy hoạch những không gian công cộng khang trang hai bên bờ đến thay đổi môi trường sạch hơn của dòng chảy, từ việc thiết kế những cây cầu sao cho dòng sông ngày càng đẹp hơn đến việc xây dựng những tuyến điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn, ghi dấu ấn một thành phố đã qua gần nửa thế kỷ hòa bình... Một trong những mục đích quan trọng là hướng đến phát triển du lịch, mang lại nhận thức mới về Tp. Hồ Chí Minh: là một trung tâm kinh tế và trung tâm văn hóa!

TP. Hồ Chí Minh xây dựng “Thành phố thông minh” không chỉ từ những khu công nghệ cao phần mềm hay từ việc ứng dụng và sử dụng thành quả của công nghệ thời 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Mà sự thông minh đầu tiên là nhận biết những bài học hữu ích từ quá khứ: từ những lợi thế tự nhiên nhiều thế hệ đã sử dụng để mang lại sự phát triển thịnh vượng và bản sắc riêng độc đáo của vùng đất Sài Gòn.

 Nguyễn Thị Hậu

TC Du lịch TPHCM số tháng 5/2022

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...