HÀNG RÀO CHỐT CHẶN

Chỉ một đoạn ngắn hai bên đường gần nhà mình, hôm nay tất cả các con hẻm lớn nhỏ vẫn còn dựng rào chắn chăng giây phía ngoài, trông vừa nhếch nhác và vừa gây tâm lý căng thẳng hoang mang như thời chiến. Thành phố giống như trong phim về thời tiêu thổ kháng chiến hay là “HN mùa đông” năm nào ấy. Sài Gòn chưa bao giờ có cảnh này ngay cả trong những ngày Tết Mậu Thân hay xưa hơn trong những ngày Nam bộ kháng chiến! Hồi mấy năm trước biểu tình chống TQ và chống luật đặc khu, chỉ khu trung tâm có rào chắn và rào thép gai kéo ngang đường phố, vậy mà trông đã rất quái gở vì giữa dân ta với quân mình sao phải cần đến những thứ chướng ngại vật như giữa kẻ thù với nhau?


Nhưng Covid xâm nhập và ẩn náu ngay trong khu phố, hẻm, ngõ, chung cư, thậm chí trong từng gia đình từng căn hộ... Khắp thành phố, từ hang cùng ngõ hẻm đến đường lớn phố dài, “chống giặc” covid cũng bằng rào bằng chắn. Rồi “bóc tách” F0, rồi phong tỏa nơi phát hiện F0, rồi cách ly tập trung những người F0... Không biết bao giờ Sài Gòn mới có thể tháo dỡ hết giây chăng rào chặn chốt gác, trông như những miếng bông gạc băng bó vết thương lâu ngày không được thay rửa cho sạch sẽ.

Có lẽ tâm thức chia cắt/ngăn ngừa/đối lập/đối kháng/cấm đoán/trừng phạt/tiêu diệt... thời chiến tranh vẫn còn thường trực trong tư duy quản lý chính quyền sau gần nửa thế kỷ hòa bình. Tư duy ấy chia cộng đồng làm hai nửa: bên có quyền/hành và bên phải nghe/chịu. Tất nhiên ở mỗi bên cũng không hoàn toàn như vậy, nhưng cũng là điều kiện để sự vâng chịu ở nhiều người bám rễ chặt và phát triển hơn.

Hôm trung thu Hà Nội rần rần người đi chơi ở khu trung tâm, chắc nhiều người trong số đó “thông cảm” hơn với Sài Gòn đã qua gần 4 tháng “cấm túc" từ nghiêm đến rất nghiêm. Nói chung, nếu không có sự cảm thông thấu hiểu thì một lần trải nghiệm sẽ bớt mắng mỏ nhau ngay 🙂
Hình ở báo NLĐ: rào chắn thế này trông còn đỡ 🙂 



11 tháng 9

 11.9

Ngày này 20 năm trước, buổi tối mình đi dự đám cưới một bạn cùng cơ quan, bạn mình ở nước ngoài gọi về báo tin nước Mỹ bị tấn công. Mình ngơ ngác không hiểu, hỏi mấy người ngồi cùng bàn tiệc, mọi người nói: tin xạo ke đó, nước Mỹ làm sao mà bị tấn công? Ai tấn công nổi nước Mỹ? Máy bay làm sao mà đâm được vào tòa nhà, rồi: nhà nào mà cao đến độ ngang tầm máy bay...
Sáng hôm sau báo chí tràn ngập tin bài hình ảnh... Gớm là nhiều người quanh mình cứ hớn hở như CNXH đã thành công ở VN ấy! Nhiều người hả hê vì Mỹ bị tấn công, ca ngợi bọn khủng bố như “anh Chí Phèo giết Bá Kiến!”, khác hẳn hồi nghe tin LX sụp đổ họ buồn bã và bị sốc như nước mình gặp đại họa đến nơi rồi!
Hồi đó, 2001, chỉ vì mình tranh luận trên yahoo360 về việc khủng bố làm nhiều người Mỹ chết, như vậy là vô nhân đạo, ui giời mình bị bao nhiêu người mắng mỏ, cả một người (nay thì đã từng là bạn) mắng cho là “bà ngu lắm về chính trị!”.
Đến bây giờ nhiều người mắng mình hồi ấy... đã định cư ở Mỹ cùng con cái, gia đình. Dù vẫn chửi cái thằng Mỹ Bá Kiến nhưng chửi khẽ chửi duyên, còn chửi thằng Chí Phèo khủng bố to hơn, cay hơn, căm phẫn ko khác khi xưa chửi Mỹ! 🙂
***
Năm 2013 mình đến New York, đi lang thang một mình ở khu trung tâm, đến khu Tưởng niệm và bảo tàng, đứng lặng một lúc... Thật tình lúc đó chỉ ước mong một ngày nào đó nước mình có được một khu tưởng niệm (thật đẹp và giản dị) tất cả nạn nhân cuộc chiến tranh vừa qua, không còn bên này bên kia, chỉ còn sự thấu hiểu và yêu thương.
Hai mươi năm rồi.
Mọi đổ vỡ mất mát dù to lớn đến đâu cũng sẽ xây dựng lại được. Nhưng mất niềm tin thì không gì có thể lấy lại được.
Xây dựng công trình vĩ đại thế nào cũng có thể nhưng để xây dựng niềm tin dù nhỏ bé thì không hề dễ dàng.






RANH GIỚI KHÔNG CHỈ LÀ GIỮA SỐNG VÀ CHẾT


Sau “Ranh Giới” thì Bộ Y tế có rút lại cái CV rất vô cảm vô tâm với những bác sĩ và nhân viên ngành Y hay không? Chính phủ có cung cấp thêm, đầy đủ hơn trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, nơi điều trị covid không? Nhà nước có thay đổi chế độ thù lao xứng đáng hơn với những người đang ở tuyến đầu chống dịch không?
Hay sau tất cả những nước mắt, sự thương cảm, sự tôn vinh của cộng đồng dành cho những đau đớn, mất mát, hy sinh... của những bệnh nhân, của nhân viên ngành Y... tất cả lại tiếp tục như cũ? Tiếp tục thử thách lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng về tinh thần và thể chất của tất cả những người được “Ranh giới” phản ánh một cách trung thực đến trần trụi?
Là một người khỏe mạnh mà tôi phải rất cố gắng mới có thể theo dõi đến hết phóng sự này, không phải là xem một cách bình thường vì quá sức chịu đựng, dù nhiều hình ảnh làm tăng cảm xúc đến nghẹt thở!
Những gì phóng sự “Ranh giới” phơi bày cũng là thực trạng ở nhiều bệnh viên luôn căng thẳng một cách tồi tệ, như bệnh viện Ung bướu chẳng hạn: quá tải số bệnh nhân, quá tải sức làm việc của các thầy thuốc nhân viên, quá tải cơ sở vật chất, và quá tải những đau đớn, nước mắt mỗi ngày... Và mỗi ngày bất cứ ai đến những nơi này cũng đều đặt ra những câu hỏi như xem phóng sự này!
Ranh giới không chỉ là giữa sự sống và cái chết. Ranh giới còn là giữa lương tâm và bất lương, giữa trách nhiệm và vô trách nhiệm. Cộng đồng luôn “đứng về phe nước mắt” nhưng cộng đồng cũng có quyền hy vọng và đòi hỏi, tình trạng các bệnh viện phải được cải thiện nhiều hơn về vật chất và tinh thần, để không ai còn phải rơi nước mắt khi làm phim và xem phim về các bệnh viện!
Ps. Cách đây hơn 1 năm khi có ca mổ hai cháu gái song sinh, trên trang web của BV nơi tiến hành ca phẫu thuật ấy đã đưa toàn bộ hình ảnh "full" của cha mẹ và hai cháu bé. Tôi đã comt vào web ấy, đồng thời nhờ một người bạn làm truyền thông góp ý với BV. Giờ sau những hình ảnh thương tâm và riêng tư của hai bé và cha mẹ đã được rút xuống.
Tôi lựa chọn mãi trong hàng trăm tấm hình của phóng sự này trên internet mới thấy 1 tấm hình không có mặt một người nào, mà vẫn nói lên được những gì cần nói.



NGƯỜI INCA VÀ NGƯỜI TÂY BAN NHA (phim khám phá lịch sử)

 

Ở nhà mình có thời gian xem nhiều phim tài liệu khoa học, trong đó có những phim về khảo cổ học, lịch sử... Rất thích những phim này vì có những kiến thức lý thuyết trong những phim này là thực tế, ví dụ như ứng dụng phương pháp, kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu khảo cổ học – nhất là trong khảo sát, thám sát, thăm dò di tích khảo cổ các loại, từ mộ táng, nơi cư trú và nhất là các thành phố cổ... đã “biến mất” dưới đáy biển, trong rừng rậm, dưới lòng đất... qua hàng ngàn hàng trăm năm.

Hôm qua xem được hai phim khá hay, vừa là khảo cổ vừa là lịch sử, thậm chí là lịch sử hiện đại! Kể về phim khảo cổ - lịch sử cổ đại trước nè.

Phim kể về cuộc chinh phạt của người Tây Ban Nha đến đế chế Inca ở Peru (Nam Mỹ) vào thế kỷ 16. Sử ký ghi chép: người TBN tiêu diệt các nhóm thổ dân, tàn phá các đô thị của đế chế Inca, trong đó có cuộc “giải vây” thành phố Lima do người TBN lập nên (nay là thủ đô của Peru). Nói chung sử TBN ghi chép sự chiến thắng hoàn toàn của người TBN trong việc xóa sổ đế chế Inca văn minh lừng lẫy một thời.

Tuy nhiên, gần đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện một nghĩa địa của người Inca ở gần thành phố Lima. Cuộc khai quật KC các mộ táng ở nghĩa địa này đã cung cấp nhiều bằng chứng lịch sử khác đồng thời bổ sung nhiều chi tiết mới cho sử ký mà nhiều người đã biết.

Những di cốt ở nghĩa địa này là người Inca, được chôn theo cùng vũ khí thô sơ của họ, phần lớn đều bị thương nặng và chết trong trận chiến. Đây là một bằng chứng của cuộc vây hãm Lima do một cộng đồng người Inca thực hiện mà sử đã ghi lại. Tuy nhiên khi nghiên cứu các di cốt này, các nhà KCH đã khám phá ra một số bằng chứng mới:
1/ Một di cốt có một vết thương nhỏ trên đầu giống như vết đạn xuyên qua, giám định “pháp y” cũng xác định như vậy. Tuy nhiên, thời kỳ này súng đạn còn vô cùng hiếm nên các nhà KCH chưa tin lắm vào giả thuyết này. Để kiểm tra giả thuyết họ đã phải dùng đến một loại máy vô cùng hiện đại mới có thể nhìn thấy và xác định dấu vết những mạt kim loại li ti còn dính quanh lỗ thủng và mảnh sọ của di cốt. Đó chính là dấu vết của vỏ đạn để lại!
Di cốt này có rất nhiều vết thương nặng khác nhưng chính viên đạn này mới làm chết người.

Phát hiện này cực kỳ quan trọng vì đây dấu vết đạn bắn vào người sớm nhất và đầu tiên tìm thấy ở châu Mỹ! Càng quan trọng hơn vì di cốt bị phát đạn này được xác định chính là người Thủ lĩnh của Inca, vì trang phục và vì sự chôn cất cẩn thận hơn di cốt khác. Ông cũng là người mà nhiều truyền thuyết lịch sử nói đến.

2/ Hầu hết những di cốt khác có vết thương đều từ vũ khí thô sơ, trong đó nhiều vết thương khá lớn, không phù hợp với loại vũ khí nào của quân TBN. Sau khi nghiên cứu ở “Bảo tàng về người Inca” thì các nhà KCH đã khám phá ra, các vết thương ấy phù hợp với sự va chạm mạnh của những chiếc “búa đá” – một loại vũ khí phổ biến của người Inca (Hòn đá hình rìu khá lớn, nặng, được buộc vào dây, có thể quăng, ném tạo ra một lực rất mạnh). Hiện tượng này dẫn đến suy đoán: trong cuộc đụng độ này có những người Inca đánh lại người Inca, thậm chí đây là lực lượng giao tranh nhiều hơn người TBN.

Từ phát hiện của các nhà KCH, các nhà sử học đã lần lại những truyền thuyết, sử liệu bị bỏ qua, và họ phát hiện ra những sự kiện khác có liên quan mật thiết: trong quá trình đế chế Inca chinh phục các vùng và các cộng đồng khác đã có những nơi không tuân phục đế chế. Khi quân đội TBN tiến đến thì những nơi này nhân cơ hội đó nổi dậy chống lại đế chế, thậm chí còn đi theo quân TBN vì lời hứa hẹn sẽ được ban tặng nhiều quyền lợi nếu tiêu diệt được đế chế này. Tất nhiên lời hứa này không bao giờ được thực hiện. Thậm chí để tăng cường mối quan hệ với cộng đồng người Inca, người đứng đầu quân đội TBN lúc đó đã lấy con gái của một tù trưởng Inca sau khi cô này rửa tội theo đạo Thiên chúa.

Khi Lima – nơi quân đội TBN trú đóng - bị vây hãm, cô gái đã gửi thư kêu cứu về cha mẹ mình. Vị tù trưởng kia đã gửi quân đến giải cứu cho con gái. Vậy là cuộc giải vây Lima đã “có công” của nhiều thổ dân Inca chứ không phải chỉ là của quân đội TBN. Thậm chí còn có cả phụ nữ Inca trong trận chiến này qua một số di cốt tìm thấy, nhưng sử ký không ghi nhận vai trò của phụ nữ trong cuộc chiến tranh này. Đây là một sự kiện rất quan trọng, vì sau trận chiến này hầu như không còn đụng độ giữa người Inca và lính TBN nữa.

Sự thật này cả hai phía TBN và Peru sau này đều không nói đến. Phía TBN tất nhiên với vị thế “bên thắng cuộc” thì chỉ ghi chép về “chiến thắng” và nhấn mạnh “công lao” của quên đội TBN. Còn phía Peru ghi chép lịch sử “truyền thống” cũng bỏ qua các chi tiết về sự “phản bội” nhau trong những người Inca trong cuộc chiến chống lại người TBN. Đây là kết quả của cuộc khai quật nghĩa địa này của các nhà KCH, cũng là kết luận "về lịch sử" của bộ phim.

Cuối cùng lịch sử cũng bộc lộ từ những chi tiết nhỏ, tưởng đơn giản, về một vài cá nhân, phản ánh gián tiếp sự kiện chính nên hay bị bỏ qua, gạt đi. Bằng chứng hay sử liệu KCH luôn phản ánh sự thật một cách khách quan, “có sao để lại vậy”, vì vậy các nhà KCH không được phép bỏ qua một chi tiết nào, trước bất kỳ hiện tượng nào cũng phải đặt câu hỏi: vì sao, thế nào, tại sao, ai, lúc nào.... Để có “sự thật lịch sử” thì khi tìm ra những bằng chứng khác với những gì đã biết, cần liên ngành với sử học và nhiều ngành khác để có thể lý giải nó một cách phù hợp nhất trong bối cảnh lịch sử của nó. Và cuối cùng, cần dũng cảm nhìn nhận sự thật - chỉ có một sự thật mà thôi.







 

NGÀY ĐẦU NĂM HỌC MỚI

 TỪ BIỆT MỘT ĐỒNG NGHIỆP

Một người anh đồng nghiệp vừa ra đi sau một thời gian dài bệnh nặng, PGS.TS Phạm Đức Mạnh.
Anh thuộc lớp đàn anh, cùng PGS.TS Bùi Chí Hoàng, PGS.TS Đặng Văn Thắng đã trực tiếp giúp đỡ và làm việc cùng thế hệ kế sau là thế hệ tôi và vài anh bạn nữa. Những năm 1990 người làm công tác khảo cổ ở phía nam nói chung và TP.HCM không nhiều, lại ở những cơ quan khác nhau như Viện KHXH TPHCM (nay là Viện KHXH vùng Nam bộ), Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐHXHNVTP), Bảo tàng lịch sử TP... Nhưng không vì thế mà chúng tôi xa cách nhau. Mấy anh em thường xuyên liên hệ với nhau vì công việc khai quật, nghiên cứu, hội thảo. Tính tình khác nhau, mọi người cũng thân sơ khác nhau, nhưng khi có chuyện vui buồn thì hay gọi nhau đi nhậu. Ngồi tào lao một lúc ai cũng thấy nhẹ nhõm hơn ít nhiều...
Anh Phạm Đức Manh viết nhiều sách vể KCH, cuốn đầu tiên mà tôi biết là cuốn "Di tích Khảo cổ học Bưng Bạc", Phạm Đức Mạnh, NXB Khoa học Xã hội 1996. Hà Nội. Cuốn sách sau cùng tôi nhận được từ anh tặng là cuốn "Mộ cổ Đồng Nai" - Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân, NXB Đồng Nai, 2020. Ngoài ra anh còn nhiều công trình nghiên cứu khác đã in thành sách, cuốn nào cũng dày cộp, vài trăm trang chữ nhỏ, thư mục tham khảo hàng trăm tài liệu... Nhiều thế hệ sinh viên coi sách của anh là những giáo trình bắt buộc phải "đọc đi đọc lại".
Từ khi tôi chuyển công tác về Viện Nghiên cứu phát triển TP, công việc KCH của tôi cũng ít hơn trước, việc gặp gỡ các đồng nghiệp cũng thưa dần, dù bất cứ công trình mới nào, cuộc khai quật mới nào của các anh, các bạn tôi cũng biết, trong đó có những công trình của anh Phạm Đức Mạnh. Cho đến những nằm gần đây tôi có điều kiện về giảng dạy tại bộ môn KCH, Khoa Lịch sử trường ĐHKHXHNV TPHCM thì thỉnh thoảng gặp anh, vì lúc này anh đã có bệnh. Tổ bộ môn KCH trong những năm anh làm trưởng bộ môn đã gầy dựng lại được chuyên ngành, bắt đầu có nhiều sinh viên theo học Khảo cổ.
Mới năm ngoái chúng tôi tiễn đưa anh Vũ Quốc Hiền (BTLSQG), nay tiễn đưa anh Mạnh - hai anh cùng thế hệ với nhau. Thôi thì, như dân khảo cổ vẫn tiễn nhau bằng câu chào "bác đi trước nhé!", anh Mạnh lại được gặp các Thầy Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa, Hà Văn Tấn - các sư phụ kính quý của chúng tôi.



@ Khai trường
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Ngày khai giảng nào học trò cũng được nhắn nhủ như vậy! Bao nhiêu thế hệ trẻ đã thành người lớn mà mong muốn vẫn như 76 năm trước!
Năm nay trong khi dịch covid đang hoành hành như thế, không biết trước khi quyết tâm khai giảng đúng ngày 5/9, Bộ và Sở giáo dục các tỉnh có nắm được bao nhiêu% học sinh không có phương tiện để học online? Như vậy sẽ phải giải quyết như thế nào? Có cách thức hỗ trợ các học sinh khó khăn không? Ở thành phố nhiều gia đình có máy tính hay điện thoại thông minh nhưng vẫn có những gia đình không có để cho con cái sử dụng. Các tỉnh, nhất là vùng sâu vùng xa còn khó khăn hơn nhiều!
"Mỗi trường học là một pháo đài" nhưng những người lính - học sinh - thì không đủ vũ khí. "Đánh nhau" bằng khẩu hiệu à? Chưa kể, trường học là môi trường - không gian cần và phải là "hòa bình", sao cứ biến thành chiến trường dù chỉ là khẩu hiệu?
Dẫu sao vẫn xin chúc các thầy cô, chúc các con vào năm học mới an toàn, vui vẻ ❤

NGHĨ VỤN VỀ TRẬT TỰ và/vs TỰ DO

(nhân một stt của Đỗ Trí Hùng).

@ Dạo này rảnh (thật ra là không làm được việc gì nên hồn) nên mình xem nhiều phim Mỹ có nội dung sinh hoạt đời thường. Trong phim thường có nhân vật chính “bất thường” theo nghĩa luôn có suy nghĩ, hành xử khác xung quanh – tất nhiên họ làm và nói những điều mà luật pháp không cấm. Những hành xử 'có lý" của họ lúc đầu chưa được người xung quanh nhận thấy. Người đó có thể luôn phải tranh cãi, có thể gặp nhiều va vấp, nhưng cuối cùng phim thường kết thúc “có hậu”, tức là cái lý của họ được chấp nhận, họ được sống như chính họ. Không ai bắt họ phải giống như người khác, theo cái chuẩn chung, “trật tự” chung của xã hội. Bởi vì mọi người xung quanh đều tôn trọng tự do của cá nhân ấy, chấp nhận hành xử “khác thường” của họ, cố gắng thấu hiểu và ứng xử sao cho mọi việc ổn thỏa.
Xem những phim như vậy, nhiều người Việt mình hay có phản ứng như: Tại sao cứ làm thế kia thế kia (khác thường) mà không làm thế này thế này (bình thường) cho yên chuyện? Và nếu chẳng may họ gặp tai họa gì đấy thì hả hê “biết ngay mà, ai bảo...” bla bla... Tức là hay phản ứng với những gì “khác”, những ai không chấp nhận và làm theo “trật tự” và “bình thường”: sao không “cứ thế mà làm” như đã được chỉ bảo, dạy dỗ, chỉ đạo... như thế có phải hơn không?
Kết thúc phim điều mà nhân vật chính làm, nói, đấu tranh đã “thắng thế”, nhưng người xem “bình thường” có cách nghĩ như trên chắc không nhận ra điều gì, vẫn chỉ coi là một phim “giải trí vớ vẩn” thôi mà!
@ Từ hôm dịch đến nay, tôi nghe nhiều hơn câu nói “nếu không làm gì được thì ngồi yên cho nhà nước chống dịch” nhằm vào người hay có ý kiến, phản biện, mấy người hay “kêu ca”... Vì, nhà nước/nhiều người đang căng mình chống dịch, có làm được gì chưa mà còn ý kiến ý cò? (nghe rất quen “đừng hỏi tổ quốc đã làm gi cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc?”, hehe), ai cũng phải chịu đựng sao mà còn kêu ca, đã đói đâu, chính quyền, quân đội đã giúp đỡ, hỗ trợ, mang quà đến tận nơi như thế, lẽ ra phải cám ơn biết ơn, thế mà còn a,b,c, d...
Tuy nhiên, vai trò của nhà nước, của chính quyền là ổn định xã hội trong bất cứ tình trạng nào. Trong đại dịch cũng như thiên tai thì phải cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân, nhất là những người yếu thế, đảm bảo không ai thiếu đói, không thiệt hại nhân mạng. Làm chính sách/nhìn tầng lớp yếu thế kiểu "từ trên xuống" thì coi là nhiệm vụ “vì dân” là làm từ thiện cho người dân đang thiếu đói, khó khăn. Vì vậy dân phải biết ơn?
Nhưng nếu làm chính sách/hay nhìn những người yếu thế "từ dưới lên" thì đó sẽ là nghĩa vụ và trách nhiệm của chính quyền với nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh. Như vậy thì cần người dân hợp tác với chính quyền (góp ý, đồng thuận hay phản biện)... để chính quyền thực hiện tốt nhất vai trò của mình.
Có người chỉ chấp nhận nghe và theo cái trật tự thông thường, dứt khoát không (và không dám) chấp nhận sự “khác thường”. Đối đáp với họ sẽ chẳng bao giờ đi đến “hòa hợp” bởi vì xuất phát từ hai quan niệm, hai chỗ đứng khác nhau. Nhưng khi chính quyền “sửa sai” (vì nhận ra sự chưa hợp lý, vì tiếp thu ý kiến cộng đồng) thì họ im lặng vì bản thân họ cũng được hưởng lợi từ tiếng nói “khác thường”!
Với nhiều hiện tượng xã hội, khi ta chấp nhận một “trật tự” mặc định tức là đã từ bỏ quyền “tự do” mà đầu tiên là tự do suy nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình. Cũng tức là từ bỏ sự độc lập để tự nguyện lệ thuộc, phụ thuộc vào người khác, thế lực khác.
Nhưng như vậy thì được nhàn thân 😃



CHÀO THÁNG CHÍN!


Ba tháng kể từ ngày dịch dùng phát ở Sài Gòn sau “Ngày hội non sông” (tính từ 31.5 – 31.😎, hôm qua ông Thủ tướng đã phát biểu “Rút kinh nghiệm đợt 30-4, nghỉ lễ 2-9 không được tập trung đông người”. Vâng, năm nay được “nghỉ lễ” quá lâu, có khả năng đến hết tháng 9! Vậy là người đứng đầu chính phủ đã thấy một nguyên nhân làm dịch bùng phát nhanh và rộng mà dân đã chỉ ra ngay từ những ngày ấy. Sau dịch thế nào cũng rút kinh nghiệm thêm nhiều việc khác!
Tháng 8 phải chứng kiến nhiều người trên FB như ở vào giai đoạn "tiền mãn", bộc lộ cơn bốc hỏa từ chuyện giả chuyện thật, bộc lộ chứng rối loạn niềm tin nhằm vào những giá trị sống tốt đẹp và hành xử nhân văn. Trải qua những ngày bị nhiều thị phi đủ điều trên một số fb khác, nhưng lại mừng vì những người bạn thật sự của mình đã không có trong số đó. Bài học sau chuyện này là gì, không phải là “hãy cảnh giác, bớt tin người, đừng tin ở hoa hồng”, mà là hãy thận trọng hơn khi muốn phê phán một ai, nhất là với người mà ta không hề quen biết, đừng vội vã theo đuôi đám đông mà chê bai ai đó chỉ vì “dại khờ” mà va vấp.
Chiến tranh dù ác liệt đến mấy cũng có ngày kết thúc, dịch bệnh dù nguy hiểm đến mấy cũng có ngày con người khống chế được, vì con người luôn tìm mọi cách để chấm dứt sự tàn phá hủy diệt con người. Chỉ có sự ác nghiệt, ác tâm ở con người thì không lường trước được, và vì thế không biết khi nào nó chấm dứt. Cái ác thường xuất hiện bất ngờ và gây ra sự tổn thương tinh thần rất lớn, vì như một lưỡi dao găm bọc giải lụa mềm mại nhưng chỉ trong nháy mắt, lớp lụa mềm mịn kia rách toạc, dao găm sắc nhọn hiện nguyên hình.
Nhân ngày độc lập, hôm qua có cuộc gặp online giữa vài người chưa hẳn là quen biết nhưng lúc này đang cùng chung mục đích “vì Sài Gòn bình an”. Trong cuộc gặp ấy mình gửi lời cám ơn một người đã nói và làm nhiều điều tử tế cho thành phố này, anh cũng cám ơn mình vì đã luôn chia sẻ mọi điều. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim, nhất là trong cơn hoạn nạn!
Chúc cả nhà mình có ngày “nghỉ Lễ” vui vẻ và những ngày khác nghỉ dịch bình an 🙂
hình: SG, tiệm hình Viễn Kính, chợ Vườn Chuối, ngày này 25 năm trước
🙂



LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...