Ở nhà mình có thời gian xem nhiều phim tài liệu
khoa học, trong đó có những phim về khảo cổ học, lịch sử... Rất thích những
phim này vì có những kiến thức lý thuyết trong những phim này là thực tế, ví dụ
như ứng dụng phương pháp, kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu khảo cổ học – nhất
là trong khảo sát, thám sát, thăm dò di tích khảo cổ các loại, từ mộ táng, nơi
cư trú và nhất là các thành phố cổ... đã “biến mất” dưới đáy biển, trong rừng rậm,
dưới lòng đất... qua hàng ngàn hàng trăm năm.
Hôm qua xem được hai phim khá hay, vừa là khảo cổ
vừa là lịch sử, thậm chí là lịch sử hiện đại! Kể về phim khảo cổ - lịch sử cổ đại
trước nè.
Phim kể về cuộc chinh phạt của người Tây Ban Nha đến
đế chế Inca ở Peru (Nam Mỹ) vào thế kỷ 16. Sử ký ghi chép: người TBN tiêu diệt
các nhóm thổ dân, tàn phá các đô thị của đế chế Inca, trong đó có cuộc “giải vây”
thành phố Lima do người TBN lập nên (nay là thủ đô của Peru). Nói chung sử TBN ghi
chép sự chiến thắng hoàn toàn của người TBN trong việc xóa sổ đế chế Inca văn
minh lừng lẫy một thời.
Tuy nhiên, gần đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện
một nghĩa địa của người Inca ở gần thành phố Lima. Cuộc khai quật KC các mộ táng
ở nghĩa địa này đã cung cấp nhiều bằng chứng lịch sử khác đồng thời bổ sung nhiều
chi tiết mới cho sử ký mà nhiều người đã biết.
Những di cốt ở nghĩa địa này là người Inca, được
chôn theo cùng vũ khí thô sơ của họ, phần lớn đều bị thương nặng và chết trong
trận chiến. Đây là một bằng chứng của cuộc vây hãm Lima do một cộng đồng người
Inca thực hiện mà sử đã ghi lại. Tuy nhiên khi nghiên cứu các di cốt này, các
nhà KCH đã khám phá ra một số bằng chứng mới:
1/ Một di cốt có một vết thương nhỏ trên đầu giống như vết đạn xuyên qua, giám định
“pháp y” cũng xác định như vậy. Tuy nhiên, thời kỳ này súng đạn còn vô cùng hiếm
nên các nhà KCH chưa tin lắm vào giả thuyết này. Để kiểm tra giả thuyết họ đã
phải dùng đến một loại máy vô cùng hiện đại mới có thể nhìn thấy và xác định dấu
vết những mạt kim loại li ti còn dính quanh lỗ thủng và mảnh sọ của di cốt. Đó
chính là dấu vết của vỏ đạn để lại! Di cốt này có rất nhiều vết thương nặng khác nhưng chính
viên đạn này mới làm chết người.
Phát hiện này cực kỳ quan trọng vì đây dấu vết đạn
bắn vào người sớm nhất và đầu tiên tìm thấy ở châu Mỹ! Càng quan trọng hơn vì
di cốt bị phát đạn này được xác định chính là người Thủ lĩnh của Inca, vì trang
phục và vì sự chôn cất cẩn thận hơn di cốt khác. Ông cũng là người mà nhiều
truyền thuyết lịch sử nói đến.
2/ Hầu hết những di cốt khác có vết thương đều từ
vũ khí thô sơ, trong đó nhiều vết thương khá lớn, không phù hợp với loại vũ khí
nào của quân TBN. Sau khi nghiên cứu ở “Bảo tàng về người Inca” thì các nhà KCH
đã khám phá ra, các vết thương ấy phù hợp với sự va chạm mạnh của những chiếc “búa
đá” – một loại vũ khí phổ biến của người Inca (Hòn đá hình rìu khá lớn, nặng, được
buộc vào dây, có thể quăng, ném tạo ra một lực rất mạnh). Hiện tượng này dẫn đến
suy đoán: trong cuộc đụng độ này có những người Inca đánh lại người Inca, thậm
chí đây là lực lượng giao tranh nhiều hơn người TBN.
Từ phát hiện của các nhà KCH, các nhà sử học đã lần
lại những truyền thuyết, sử liệu bị bỏ qua, và họ phát hiện ra những sự kiện khác
có liên quan mật thiết: trong quá trình đế chế Inca chinh phục các vùng và các
cộng đồng khác đã có những nơi không tuân phục đế chế. Khi quân đội TBN tiến đến
thì những nơi này nhân cơ hội đó nổi dậy chống lại đế chế, thậm chí còn đi theo
quân TBN vì lời hứa hẹn sẽ được ban tặng nhiều quyền lợi nếu tiêu diệt được đế
chế này. Tất nhiên lời hứa này không bao giờ được thực hiện. Thậm chí để tăng cường
mối quan hệ với cộng đồng người Inca, người đứng đầu quân đội TBN lúc
đó đã lấy con gái của một tù trưởng Inca sau khi cô này rửa tội theo đạo Thiên
chúa.
Khi Lima – nơi quân đội TBN trú đóng - bị vây hãm,
cô gái đã gửi thư kêu cứu về cha mẹ mình. Vị tù trưởng kia đã gửi quân đến giải
cứu cho con gái. Vậy là cuộc giải vây Lima đã “có công” của nhiều thổ dân Inca
chứ không phải chỉ là của quân đội TBN. Thậm chí còn có cả phụ nữ Inca trong trận
chiến này qua một số di cốt tìm thấy, nhưng sử ký không ghi nhận vai trò của phụ
nữ trong cuộc chiến tranh này. Đây là một sự kiện rất quan trọng, vì sau trận
chiến này hầu như không còn đụng độ giữa người Inca và lính TBN nữa.
Sự thật này cả hai phía TBN và Peru sau này đều
không nói đến. Phía TBN tất nhiên với vị thế “bên thắng cuộc” thì chỉ ghi chép
về “chiến thắng” và nhấn mạnh “công lao” của quên đội TBN. Còn phía Peru ghi chép
lịch sử “truyền thống” cũng bỏ qua các chi tiết về sự “phản bội” nhau trong những
người Inca trong cuộc chiến chống lại người TBN. Đây là
kết quả của cuộc khai quật nghĩa địa này của các nhà KCH, cũng là kết luận
"về lịch sử" của bộ phim.
Cuối cùng lịch sử cũng bộc lộ từ những chi tiết nhỏ,
tưởng đơn giản, về một vài cá nhân, phản ánh gián tiếp sự kiện chính nên hay bị
bỏ qua, gạt đi. Bằng chứng hay sử liệu KCH luôn phản ánh sự thật một cách khách quan, “có sao để lại vậy”, vì vậy các nhà KCH không được phép bỏ
qua một chi tiết nào, trước bất kỳ hiện tượng nào cũng
phải đặt câu hỏi: vì sao, thế nào, tại sao, ai, lúc nào.... Để có “sự thật lịch
sử” thì khi tìm ra những bằng chứng khác với những gì đã biết, cần liên ngành với
sử học và nhiều ngành khác để có thể lý giải nó một cách phù hợp nhất trong bối
cảnh lịch sử của nó. Và cuối cùng, cần dũng cảm nhìn nhận sự thật - chỉ có một
sự thật mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét