HÀNG RÀO CHỐT CHẶN

Chỉ một đoạn ngắn hai bên đường gần nhà mình, hôm nay tất cả các con hẻm lớn nhỏ vẫn còn dựng rào chắn chăng giây phía ngoài, trông vừa nhếch nhác và vừa gây tâm lý căng thẳng hoang mang như thời chiến. Thành phố giống như trong phim về thời tiêu thổ kháng chiến hay là “HN mùa đông” năm nào ấy. Sài Gòn chưa bao giờ có cảnh này ngay cả trong những ngày Tết Mậu Thân hay xưa hơn trong những ngày Nam bộ kháng chiến! Hồi mấy năm trước biểu tình chống TQ và chống luật đặc khu, chỉ khu trung tâm có rào chắn và rào thép gai kéo ngang đường phố, vậy mà trông đã rất quái gở vì giữa dân ta với quân mình sao phải cần đến những thứ chướng ngại vật như giữa kẻ thù với nhau?


Nhưng Covid xâm nhập và ẩn náu ngay trong khu phố, hẻm, ngõ, chung cư, thậm chí trong từng gia đình từng căn hộ... Khắp thành phố, từ hang cùng ngõ hẻm đến đường lớn phố dài, “chống giặc” covid cũng bằng rào bằng chắn. Rồi “bóc tách” F0, rồi phong tỏa nơi phát hiện F0, rồi cách ly tập trung những người F0... Không biết bao giờ Sài Gòn mới có thể tháo dỡ hết giây chăng rào chặn chốt gác, trông như những miếng bông gạc băng bó vết thương lâu ngày không được thay rửa cho sạch sẽ.

Có lẽ tâm thức chia cắt/ngăn ngừa/đối lập/đối kháng/cấm đoán/trừng phạt/tiêu diệt... thời chiến tranh vẫn còn thường trực trong tư duy quản lý chính quyền sau gần nửa thế kỷ hòa bình. Tư duy ấy chia cộng đồng làm hai nửa: bên có quyền/hành và bên phải nghe/chịu. Tất nhiên ở mỗi bên cũng không hoàn toàn như vậy, nhưng cũng là điều kiện để sự vâng chịu ở nhiều người bám rễ chặt và phát triển hơn.

Hôm trung thu Hà Nội rần rần người đi chơi ở khu trung tâm, chắc nhiều người trong số đó “thông cảm” hơn với Sài Gòn đã qua gần 4 tháng “cấm túc" từ nghiêm đến rất nghiêm. Nói chung, nếu không có sự cảm thông thấu hiểu thì một lần trải nghiệm sẽ bớt mắng mỏ nhau ngay 🙂
Hình ở báo NLĐ: rào chắn thế này trông còn đỡ 🙂 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...