Ngày đầu tiên “tạm tự do” sau bốn tháng! (Ngày 1.10.2021)

Hôm nay, nếu được đi ra đường thì bạn sẽ đi đâu? Vui thôi, nhớ đừng vui quá vì vẫn có thể bị xét hỏi, vẫn phải cài đặt và khai báo trong vài cái app mà không cái nào ăn nhập với cái nào!

Bao nhiêu dự tính cho ngày này nhưng tự nhiên thấy oải quá! Từ tối qua đến giờ không thấy vui lại thấy buồn... Chúng ta phải trả cái giá như thế nào để hôm nay tạm được “tự do”?

TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách với chỉ thị 10 và 15 từ 31-5-2021, rồi 16, rồi 16+, 12 rồi giãn cách nghiêm với hàng vạn bộ đội vào cuộc, tới hôm nay 1-10 đã 4 tháng! Bốn tháng khốc liệt, chưa bao giờ Sài Gòn tê liệt một thời gian lâu như vậy!

Thiệt hại kinh tế khủng khiếp không biết bao giờ TPHCM mới có thể phục hồi, cuộc sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng nặng nề do mất việc làm, do dính dịch bệnh, hàng chục ngàn người sức khỏe suy yếu sau khi thoát khỏi tử thần, hơn chục ngàn người đã thiệt mạng, hàng ngàn trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa...

Những tổn hại về tinh thần của xã hội không gì bù đắp được. Trạng thái bất ổn kéo dài gây nên nỗi sợ hãi thường trực trong không ít người: sợ dịch bệnh, sợ thiếu đói, sợ người thi hành công vụ... Đó là sự hao mòn về niềm tin vào lòng tốt và sự tử tế, khi mà những việc những người làm thiện nguyện bị nghi ngờ bị đấu tố vì tin tức thật giả lẫn lộn, dến nay vẫn chưa được cơ quan công quyền xác minh, làm rõ. Bất cứ gì cũng có thể là nguyên nhân để người ta chia phe “ném đá” vào nhau.

Đó là bộ máy công quyền bộc lộ nhiều yếu kém thậm chí sai lầm qua những văn bản chỉ thị kiểu “đùng một cái” làm dân không kịp trở tay, những việc làm kéo dài không hiệu quả, những việc gây lãng tiền của và hao phí sức người... Đặc biệt những hành xử vô thiên vô pháp của một số người thực thi chức trách mang tâm thức sai nha, quan liêu và vô nhân! Những hành vi này gây thêm tâm lý khiếp sợ và biến một số người dân thành những cái máy ngoan ngoãn chỉ biết làm theo mệnh lệnh dù vô lý!

Bao nhiêu câu hỏi Tại sao... Nhưng bao giờ có câu trả lời sòng phẳng và minh bạch?!

Còn bây giờ, ngay lúc này mình chỉ mong muốn các bác sĩ và nhân viên y tế, những người phục vụ ở nơi cách ly, bệnh viện... được thay phiên nhau nghỉ ngơi, được về với gia đình vài bữa. Cuộc chiến này có thể đã qua giai đoạn ác liệt nhất nhưng còn kéo dài. Lực lượng này cần được dưỡng sức cả về thể chất và tinh thần. Đồng thời, những chính sách chế độ cho họ cần được Bộ Y tế thay đổi tốt hơn và phải thực thi sự thay đổi ấy, ngay và luôn! Đừng để nước mắt người xem những bộ phim phóng sự của VTV chưa kịp ráo thì các vị cũng quên luôn trách nhiệm và lương tâm của mình!

@ Một câu chuyện từ Fb chị Nguyễn Thị Sơn

Trong kinh tế học, có câu chuyện kinh điển mà sinh viên marketing thường nghe: Một công ty xuất nhập khẩu ngành giầy cử hai chuyên viên đi khảo sát thị trường mới để bán giầy. Sau khi khảo sát ở một đất nước kinh tế thị trường còn kém phát triển, một người viết báo cáo "nên mở cửa hàng giầy vì thành phố này chưa có cửa hàng giầy", người thứ hai viết báo cáo "không nên mở cửa hàng giầy vì dân ở đây không đi giầy, nhà giàu đi dép còn người dân đi chân đất".

Ông chủ tập đoàn đa quốc gia sau khi đọc báo cáo, bèn bay một chuyến sang quốc gia đó xin gặp lãnh đạo quốc gia. Không biết ông chủ thuyết phục thế nào mà lãnh đạo quốc gia đó ban hành một sắc lệnh bắt mọi người dân khi ra đường, đến công sở, nơi làm việc phải đi giầy. Thế là ông chủ mở hàng loạt cửa hàng giầy và bán độc quyền giầy với giá bán kinh khủng gọi đó là hàng hiệu.

P/S (của tui). Nghe nói, sau đó người ký sắc lệnh ấy phải ra “điều trần trước quốc hội” vì đã gây hậu quả xấu cho kinh tế và bất ổn về tâm lý cho cộng đồng. Nhưng đây là chuyện nước ngoài!

Sẽ nhớ mãi hình ảnh một SG không người như thế này!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...