Chủ nhật cuối năm và cũng là ngày cuối cùng của năm 2023

 

Ngày này mình thường thay những cuốn lịch mới: lịch treo tường và lịch để bàn. Nhìn lại lịch bàn và cuốn sổ tay ghi chép chi chít việc cần làm, những cuộc họp, những chuyến đi... Năm nay hơi ít những cuộc hò hẹn cà phê, chắc vì ai cũng như mình, làm nhiều hơn để bù lại hai năm covid công việc đình trệ, rồi kinh tế chung khó khăn, người về hưu như mình ráng thêm chút nào cũng tốt, sau đỡ phải nhờ con cháu 😊

Năm nay viết lách vẫn OK. Giữa năm ra cuốn tản văn – tùy bút THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA qua được nhiều bạn đọc thích thú. Giáo trình KHẢO CỔ HỌC ĐẠI CƯƠNG được phát hành trong đó mình viết một phần nội dung chính yếu. Bài viết cho báo không nhiều như các năm trước nhưng trung bình cũng 2 bài /tháng. Báo Tết cũng tạm ổn hy vọng không bị “đổ” bài nào 😊... Nói chung vẫn miệt mài luyện phím khi có anh em bạn bè nhắn nhe: chị ơi cho em bài.. chữ vào ngày này nhé, về a,b,c... Có một số lần từ chối viết và trả lời phỏng vấn vì không thuộc phạm vi hiểu biết của mình, không dám nói đại.

Những chuyến đi khá dày, và hậu quả là 2 lần vào bịnh viện vì... đuối sức. Hoàng a mã và hai công chúa nhắc nhẹ: 65 rồi nha bà ngoại, không phải 45 đâu nha! Ơ thế mình tưởng mình mới 35 😊 Nói vậy thôi chứ tự biết “bây giờ không như hồi xưa”, chỉ là vẫn ham việc, ham đi, ham vui mà quên mất. Chủ yếu là tham gia đi khảo sát, hội thảo và viết một số báo cáo khoa học, về chủ đề quen thuộc là khảo cổ, di sản văn hóa, du lịch... Kết nối và quen biết thêm nhiều đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ, học được nhiều điều mới và thú vị. Giảng dạy và nghiên cứu nhờ đó cũng tốt hơn và khác hơn năm trước.

Tham gia một số công việc của thành phố (như thành viên hội đồng tư vấn thực hiện NQ 98), thấy vui những kiến thức của mình có ích cho việc chung, và mình không đến nỗi lạc hậu với nhiều lĩnh vực khác trong sự phát triển của thành phố. Mong sao thành phố qua được những khó khăn cả vật chất và tinh thần, phát triển thực sự bền vững, mau chóng trở thành một “thành phố đáng sống” như nhiều người mong đợi!

Má mất hồi tháng 8, cảm giác trống trải đến nay chưa bớt mà ngày càng nhiều hơn... Ở tuổi nào mất mẹ thì ta cũng vẫn là một đứa trẻ. Hàng ngày về thắp nhang cho má, nhìn căn phòng trống lại rưng rưng... Biết má được gặp lại ba, anh chị Hai sẽ vui nên mình cũng... bớt buồn.

Vậy thôi, hy vọng sang năm có đủ sức khỏe và những cơ hội, điều kiện làm việc như năm nay. Như vậy có là nhiều quá không nhỉ 😊

Vài hình ảnh cuối năm :)










 

CẢNG QUỐC TẾ TRUNG CHUYỂN CẦN GIỜ NHÌN TỪ LỊCH SỬ

https://nguoidothi.net.vn/cang-quoc-te-trung-chuyen-can-gio-nhin-tu-lich-su-41497.html

Nguyễn Thị Hậu
TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương chuẩn bị những bước cần thiết cho việc xây dựng cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ - một trong những công trình trọng điểm mang tính đột phá trong giai đoạn từ nay đến 2030 – 2050.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích những thuận lợi – khó khăn, thời cơ – thách thức... từ góc độ kinh tế phát triển. Với các điểm mạnh - điểm yếu, thời cơ – thách thức mà dự án đặt ra, có thể nhận thấy đây là một “thời cơ lớn” cho phát triển kinh tế nói chung và cho ngành logistic và hạ tầng cảng biển nói riêng của nước ta. Tuy nhiên, hầu hết những phân tích về thuận lợi hay bất lợi là từ yếu tố kinh tế - kỹ thuật, còn từ yếu tố môi trường sinh thái và điều kiện lịch sử - xã hội thì cho đến nay chưa có những đánh giá cụ thể.
Trong lịch sử, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng đất Nam bộ nói chung không phải đến thời cận – hiện đại mới có những hải cảng – thương cảng lớn. Ngay từ thời tiền sơ sử đã hiện diện “cảng thị sơ khai” Cần Giờ, thời kỳ vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 -7) có một thương cảng Óc Eo – Nền Chùa nổi tiếng ở khu vực “tứ giác Long Xuyên”. Sự ra đời của những cảng thị cổ - một loại hình cấu trúc mang tính liên kết, giao lưu chặt chẽ về kinh tế, tính “bình đẳng” trong tiếp nhận kỹ thuật, văn hóa, và trên hết, mang tính cạnh tranh rất cao, thậm chí quyết định sự “tồn tại hay không tồn tại” của cảng thị và nền kinh tế một khu vực. Lược khảo về hai cảng thị cổ trên vùng đất Nam bộ sẽ góp thêm dữ liệu lịch sử cho việc nhận biết những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng những cảng mới, hiện đại trên vùng đất này.
Vào thời kỳ tiền sử, Cần Giờ cũng là vùng cửa sông – vịnh biển. Chứng tích khảo cổ học cho biết, Cần Giờ thời đó không phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác mà có nền kinh tế đặc biệt: phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực ĐNA hải đảo và xa hơn, bằng đường sông hướng vào ĐNA lục địa. Đồng thời kết hợp hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng ngập mặn và thủy hải sản tại chỗ. Chính vì vậy, hai ngàn năm trước đây Cần Giờ được coi là một “cảng thị sơ khai”, mà các sản phẩm chính và hàng hóa đặc sắc gồm có đồ gốm gia dụng và tùy táng trong những ngôi “mộ chum”, đồ trang sức bằng thủy tinh, đá ngọc, mã não, vàng, dụng cụ sinh hoạt bằng vỏ ốc vỏ hàu, công cụ và vũ khí bằng đồng và sắt... Nguồn gốc của những sản phẩm này từ Ấn Độ (và xa hơn từ vùng Địa Trung Hải), từ Trung quốc, đặc biệt từ khắp ĐNA. Hàng hóa luân chuyển và đi sâu vào đất liền theo các con sông lớn, mà chế độ bán nhật triều với biên độ thủy triều rất lớn của sông Đồng Nai là một điều kiện vô cùng thuận lợi.
Không chỉ ở Cần Giờ mà trên đảo Long Sơn phía Vũng Tàu cũng tìm thấy di tích tương tự, cho thấy vịnh Gành Rái là khu vực thuận tiện để trở thành “trạm dừng” của con đường hàng hải trên biển Đông, nối liền các khu vực ven biển với nhau và với vùng nội địa. Mạng lưới sông và biển liên kết chặt chẽ trong vai trò lưu thông hàng hóa, nhưng phải dựa trên nền tảng là vùng lưu vực Đồng Nai trù phú phát triển bằng kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp, là nguồn lương thực và nước ngọt cung cấp cho cảng thị Cần Giờ. Đây là một điều kiện vô cùng quan trọng.
Khoảng đầu công nguyên, cảng thị sơ khai Cần Giờ suy yếu và khu vực này mất đi vai trò trung tâm kinh tế của lưu vực Đồng Nai trong vùng ĐNA. Vai trò quan trọng này được “dịch chuyển” xuống khu vực Nền Chùa (Kiên Giang) và đặc biệt ở Óc Eo – Ba Thê (An Giang). Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, khu vực Ba Thê – Óc Eo là một đô thị - thương cảng cổ, là trung tâm kinh tế, văn hóa và tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam.
Cảng thị Óc Eo của Phù Nam giữ vai trò quan trọng của sự kết nối trên Biển Đông, là trung tâm của mạng lưới giao thương hàng hải trong khu vực kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Ấn Độ với Trung Hoa. Những kết quả khai quật và nghiên cứu gần đây (2017 – 2020) đã minh chứng rõ hơn vai trò quan trọng của thương cảng này trong mối quan hệ giao thương khá mà chứng tích sản phẩm vàng, gốm, đá quý từ Trung quốc, Ấn Độ, La Mã hay sản phẩm gia vị, hương liệu của “thế giới ĐNA và Nam Á”. Và cũng như “cảng thị sơ khai” Cần Giờ, thương cảng Óc Eo cũng dựa vào vùng hạ lưu sông Me Kong có nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, dựa vào vị trí ven biển “trung điểm” của con đường hàng hải qua biển Đông, lại được nối liền với vùng lục địa bằng hệ thống sông rạch và kênh đào. Đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê là một tổng thể của các chức năng: 1) Trung tâm đô thị và dân cư gắn liền với hoạt động thương mại qua hệ thống thương cảng ven biển; 2) Trung tâm tôn giáo lớn trong sự dung hợp văn hóa Phật giáo và Hindu giáo mang đậm ảnh hưởng từ nền văn minh Ấn Độ; 3) Trung tâm chế tác thủ công nghiệp phát triển trên cơ tầng sản xuất nông nghiệp ổn định, đặc biệt là chế tác đồ trang sức kim loại, thủy tinh và đồ gốm .
Sau thời kỳ thịnh vượng được nhiều ghi chép lịch sử nhắc đến, từ sau thế kỷ 7 cảng thị Óc Eo và vương quốc Phù Nam suy yếu rồi tan rã, nay chỉ còn những chứng tích trong lòng đất. Vai trò thương cảng trung tâm của khu vực ĐNA lại chuyển xuống khu vực bán đảo Malaisia. Có thể nhận thấy sự dịch chuyển từ cảng thị Cần Giờ với vị trí trung tâm khu vực ĐNA đến thương cảng Óc Eo giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh rộng hơn Đông bắc Á và Nam Á – Địa Trung Hải. Trung chuyển, dịch vụ là một chức năng cơ bản của các cảng thị cổ này.
Như vậy, điều kiện ra đời, tồn tại và phát triển của các cảng thị - thương cảng cổ ở vùng đất Nam bộ là 1) Ở vị thế địa – kinh tế quan trọng (ven biển, vịnh, cửa sông sâu), có “hậu phương” vững chắc (đồng bằng, kinh tế nông nghiệp phát triển), 2) Có tổ chức xã hội tiên tiến, có thể “đối ứng” với bên ngoài về trình độ kỹ thuật (kỹ thuật đóng tàu thuyền, kỹ thuật hàng hải); và 3) có sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của mạng lưới thương mại (sản phẩm thủ công nghiệp, dịch vụ hàng hải...).
Đồng thời nguyên nhân làm “biến mất” các cảng thị cổ là: 1) Sự biến đổi môi trường (cửa biển bị bồi lấp, nước biển dâng...) làm cho vị thế địa - kinh tế không còn nữa; 2) Sự phát triển do sự giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài, dẫn đến thay đổi cấu trúc xã hội cũ; 3) Không đáp ứng, không theo kịp sự phát triển của kỹ thuật hàng hải, nhu cầu dịch vụ của mạng lưới thương mại đường biển ngày càng rộng hơn.
Một mức độ nào đấy, sự ra đời, phát triển và thay đổi của thương cảng Sài Gòn trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 21 cũng chịu tác động của những nguyên nhân tương tự.
Như vậy, cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ không phải là một hiện tượng đặc biệt, duy nhất trong lịch sử vùng đất Nam bộ. Có thể coi đó là một sự tiếp nối của lịch sử trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Vị thế địa – kinh tế ngày nay không chỉ là vị trí địa lý thuận lợi đối với trong nước, với khu vực ĐNA mà cần rộng hơn trong bối cảnh “thời đại của Thái Bình Dương”. Khu vực xây dựng cảng không chỉ trên một diện tích đất cụ thể mà còn là ảnh hưởng nhiều chiều đến những vùng xung quanh, trong đó rất quan trọng là môi trường sinh thái (đất, rừng, biển, sông, hệ động thực vật, không khí...), bởi vì kỹ thuật, quy mô và phương tiện hàng hải và dịch vụ hàng hải ngày nay khác xa thời cổ đại.
Và còn bởi vì, Nam bộ - nhìn từ khảo cổ và lịch sử - không phải là một vùng đất mới như nhiều người vẫn nghĩ. Một sự tiếp nối tốt đẹp là làm cho những điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi vốn có được thăng hoa trong hoàn cảnh mới, là những đặc trưng văn hóa truyền thống được lưu giữ bằng sự ứng xử phù hợp với lịch sử lâu dài của một vùng đất, một cộng đồng.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 23.10.2023





NHỮNG KHOẢNG LẶNG

 JAZZ CHIỀU

Thỉnh thoảng mình nhớ và tìm nghe những bản nhạc Jazz. Không hiểu sao nhạc Jazz bao giờ cũng mang lại cảm giác Giáng sinh đang đến, rất gần, bắt gặp cảm giác cô đơn ngọt ngào không thể chia sẻ cùng ai... Ngồi trong quán vắng tai gắn headphone đong đưa theo giai điệu đôi khi không cần hiểu lời ca, viết gì đó, lướt qua cái gì đó, chẳng cần phải biết rõ là gì, cứ thế thôi... một cảm giác thật dễ chịu.

Có một dạo mình hay đến X. Ở đó có nhiều quán cà phê chỉ đông khách vào buổi sáng, giờ đi làm nhiều người ghé qua ăn vội chiếc croissant và mua ly cà phê mang đi. Sau khoảng thời gian đó quán vắng, có thể ngồi cả ngày ở đó với máy tính và ly americano lạnh, lơ đãng theo tiếng nhạc mà phần nhiều là jazz, thế mà vẫn làm được bao nhiêu việc... Có những bài viết khoa học, bài báo, tản văn tùy bút được mình viết ở quán cà phê. Nhưng nhiều hơn cả là những mẩu “ngôn tình vụn” sến súa, vì bỗng dưng nhớ một điều gì đó dễ chịu, một người nào đó dễ thương, một kỷ niệm không để lại niềm vui... Chỉ thế thôi, nhưng viết xong thấy nhẹ nhõm như vừa được “tẩy trần”.

Nhiều lần ngồi quán với cuốn sách mới hoặc cuốn sách yêu thích, đọc sách trong tiếng nhạc khe khẽ như một tiếng thì thầm thân thuộc từ nơi nào vọng về, đôi khi cảm giác như những dòng chữ đang đọc trượt khỏi đầu óc... Vậy mà khi cần nhớ lại những dòng chữ đó hiện lên rõ  ràng cứ như vừa mới đọc xong.

À, thỉnh thoảng có vài câu “gọi là thơ” cũng nảy ra từ quán cà phê, kiểu như:

“Người đàn bà trong chiếc áo sơ mi đàn ông

Em biết không

Vẻ khêu gợi của em.

Anh không muốn ngay cả em nhìn thấy...”

Hay là:

“Mỗi khi đến nhà thờ với Chúa

Có bao giờ anh xưng tội về em?...”

Nhiều câu linh tinh như thế không ghi kịp thì quên luôn... Thỉnh thoảng nhớ lại thấy buồn cười, “tình ơi là tình” 😊

À, bây giờ mình cũng đang ngồi quán cà phê nghe jazz giữa hai giờ dạy chiều và tối. Và đã đến giờ phải nhấc người lên, nhiều việc đang chờ, lúc khác tiếp tục sến súa vậy 😊

 ***

Bùi Chát vẽ (2)

Chọn thứ sáu ngày 13 – được coi là “linh” - để đến xem tranh Bùi Chát vào ngày trưng bày “thêm” sau ngày kết thúc cuộc trưng bày cá nhân lần thứ 3 của Bùi Chát.

Tranh – tôi rất kém cỏi trong việc “thẩm” và hiểu, chỉ có thể cảm từ... tình cảm dành cho họa sĩ - thường là bạn bè. Bởi vậy chỉ dám đến xem tranh của bạn thân, nhận xét ngu ngơ cũng không bị chê là dốt 😊

Vì thế, với tranh Bùi Chát tôi đã “cảm” và đã viết một lần, và lần này nếu có nhận xét gì thì chỉ là sự (luôn) ngạc nhiên về cách thức Bùi Chát tìm ra chất liệu mới để sáng tác! Với Bùi Chát dường như bất cứ gì trong đời sống cũng có thể là “nguyên liệu” và đối tượng để sáng tạo. Có một thời cả “rác” trong cuộc sống bần cùng ngột ngạt, cả “nghĩa địa” của xã hội lạnh lẽo và hỗn độn cũng thành nguyên liệu để BC làm thơ – thơ rác, thơ nghĩa địa!

Biết vậy mà tôi vẫn luôn giật mình bởi sự sáng tạo rất Bùi Chát khi “một mình đi mãi trên đường dài xa vắng”. Ai thích ai ghét, ai khen ai chê, thậm chí có người xổ toẹt cả thơ (hồi đó) và tranh (bây giờ), BC cũng không lấy đó là điều. Bởi vì sáng tạo là thách thức chính mình. Đi một con đường khác người, dễ dàng hay khó khăn là sự lựa chọn của mình, và bước trên con đường đó mới thực sự là niềm vui, có thể là hạnh phúc, với Bùi Chát 😊

@ Al ảo vãi: đẹp nhưng vô hồn :)



 

SÀI GÒN TRONG TÔI

 Nguyễn Thị Hậu 

Quay qua quay lại, tôi đã sống ở thành phố này gần 50 năm kể từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Sài Gòn – TP.HCM với thế hệ cư dân sau 1975 như tôi có quá nhiều điều đáng nhớ. Từ sự ngạc nhiên ngày đầu nhìn thấy thành phố quê hương rộng lớn hiện đại, người xe nườm nượp trang phục có phần xa lạ; từ muôn vàn khó khăn trong những năm “bao cấp” sau đó mà Sài Gòn đã vượt qua bằng sự chịu đựng và nỗ lực “xé rào”... Đến thời gian “cách ly toàn xã hội” vì đại dịch covid 2021 thành phố bỗng vắng ngơ vắng ngắt, tất cả căng mình chống chọi với dịch bệnh và thiếu đói bằng sự đùm bọc chia sẻ, bằng tình người chưa bao giờ thiếu ở mảnh đất này, bằng sức và lực được phát huy ở mức cao nhất. Những năm tháng ấy đã dệt nên ký ức về một Sài Gòn của riêng tôi, của riêng mỗi người...

Tại nơi này, một đô thị lớn luôn sôi động nhịp sống “làm ăn” và là nơi nhập cư của những người “tứ xứ”, hai chữ “Sài Gòn” hiện diện đâu đó đều mang lại cho nhiều người cảm giác thân thuộc, gần gũi, bình dị, khiến lòng nao nao... Đó là vì thành phố có thể thay đổi hiện đại hơn nhưng vẫn còn đó một hệ thống di sản văn hóa vật chất hiện hữu bằng những cảnh quan quen thuộc “trên bến dưới thuyền”, những con đường với hàng cây trăm năm hiền hòa, những công trình kiến trúc nghệ thuật, những ngôi đình, chùa, đền, miếu lâu đời... Và còn là di sản tinh thần của người Sài Gòn “khoan dung, nhân nghĩa, phóng khoáng” không dễ mất đi, có khi chỉ tạm “khuất lấp” bên dưới những bộn bề của một đô thị có quá nhiều vấn đề nóng bỏng trong quá trình phát triển!

Gần 50 năm, thành phố có biết bao thay đổi, bao nhiêu người đến đây rồi ở lại, bao nhiêu người vì hoàn cảnh riêng đã ra đi. Nhưng tất cả đều mang trong mình một cảm tình tưởng nhạt nhòa mà vô cùng sâu đậm, với Sài Gòn. Bởi vì, hiện nay TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, một đô thị hiện đại mà vẫn dung chứa trong mình nhiều truyền thống văn hóa – lịch sử độc đáo và quý giá.

***

Lịch sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tiến trình phát triển của một vùng đất có vị thế “địa – lịch sử” độc đáo, để từ đó hình thành bản sắc “địa – văn hóa” đa dạng, năng động và cởi mở trên nền tảng truyền thống chung của cả nước là cần cù lao động, yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm. Sài Gòn được hình thành tại vị trí trung tâm vùng đất Nam bộ, nối liền hai miền Đông – Tây. Nằm trên trục giao thông thủy bộ quan trọng ở Nam Đông Dương, có “mặt tiền” nhìn ra biển Đông là khu vực Cần Giờ, có vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông từ thời tiền sử đến ngày nay.

Từ khi Sài Gòn hình thành một đô thị ở Đàng Trong thời Chúa Nguyễn, đây đã là nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về. Không chỉ là lưu dân Đại Việt mà còn nhiều sắc dân khác nữa: “Gia Định là cõi Nam nước Việt, lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường, người Tây dương, Cao Miên, Đồ Bà... đến ngụ cư đông đúc xen lẫn” như sách Gia Định Thành thông chí đầu thế kỷ 19 đã chép. Công cuộc khai khẩn và xây dựng vùng đất mới phải trải qua nhiều gian nan khó nhọc, bao lớp người đã phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt, phải học cách nhận biết và thích nghi với hoàn cảnh khác biệt với quê hương bản quán, tìm cách hòa hợp lối sống và học tập kinh nghiệm lao động sản xuất của cộng đồng bản địa. Kinh nghiệm thành công của người Nam Bộ thật đơn giản: Thích nghi, hội nhâp, tôn trọng sự khác biệt, tứ hải giai huynh đệ, sống thật thà và tương thân tương ái...

Sài Gòn là một trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhân những phương thức làm ăn mới, vì vậy với người Sài Gòn tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tốt đẹp, năng động sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ thuật mới... “Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều”. Đồng thời, sự liên kết hỗ trợ nhau trong làm ăn, trọng tình nặng nghĩa trong những mối quan hệ cá nhân và cộng đồng... được coi là truyền thống nổi bật của người Sài Gòn. Đặc biệt người Sài Gòn, người Nam bộ nói chung thường có tính cách lạc quan, không hay than thở, không mặc cảm sợ sai nên sửa sai nhanh, vì vậy nơi này dễ dàng “quy tụ và lan tỏa” những điều mới mẻ và tốt đẹp.

Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, từ sự thích ứng với thiên nhiên và văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó. Sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi nguồn gốc được nhiều thế hệ dân cư ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh duy trì, phát triển. Cho đến nay, “người Sài Gòn – TP. HCM” được coi là tất cả những ai sinh sống, làm việc tại đây và cả những người ở xa luôn nhớ thương thành phố! “Chất” Sài Gòn là ở suy nghĩ, hành xử trong làm ăn, trong đối xử với người lạ người quen, chứ đâu phải là có nhà cửa, có “mấy đời” đã sinh sống ở đây.

***

Nhìn lại một chặng đường chưa dài của thành phố Hồ Chí Minh nhưng là một phần đời của mỗi người, nếu đừng quá thiên vị tình cảm với nơi “chôn nhau cắt rốn” thì có lẽ ai trong chúng ta cũng có lần muốn nói một điều gì đó với thành phố này - nơi ta từng ít nhiều được sẻ chia một cơ hội trong cuộc sống. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, đã rất nhiều người viết về Sài Gòn được đồng cảm và khen ngợi, rất nhiều tác phẩm, công trình về Sài Gòn đã ra đời và được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng có sao đâu, mỗi người đều có những kỷ niệm và trải nghiệm riêng với Sài Gòn, từ đó hình thành sự hiểu biết và nuôi dưỡng tình cảm của riêng mình dành cho thành phố này.

Và để ghi lại những câu chuyện dung dị, thấm đượm tình yêu dành cho vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống cùng những con người luôn hào sảng, chưa bao giờ hết yêu thương này, Báo Phụ Nữ TPHCM – Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức cuộc thi viết THÀNH PHỐ CỦA TÔI. Cuộc thi nhằm tôn vinh các thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, những công trình làm thay đổi diện mạo thành phố, những di sản có giá trị văn hóa- lịch sử của thành phố. Đặc biệt là tôn vinh những con người bình thường mà hào sảng qua những câu chuyện đời thường mà bạn là người trong cuộc hay chứng kiến, đã lưu lại trong bạn những ký ức khó quên. Những chuyện dù nhỏ nhưng có giá trị lan tỏa sự tử tế trong xã hội, góp phần “di truyền” những truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của Sài Gòn – TP.HCM cho những thế hệ cư dân thành phố trong tương lại.

Xin mời các bạn cùng chung tay lưu lại một phần lịch sử - văn hóa của thành phố từ những công trình những thành tựu to lớn, đồng thời cũng từ câu chuyện của những “người Sài Gòn”. Đất nước nào, thành phố nào mà không bắt đầu được xây dựng từ những con người bình dị, phải không?

TP. Hồ Chí Minh 19.10.2023






CHUYỆN LÀM LUẬN VĂN

#linhtinhlangtang

Nhân FB nhắc lại tấm hình này, mình nhớ lại những tháng cuối năm 1980 làm luận văn tốt nghiệp đại học ở HN.
1. Mình học Đại học Văn khoa khóa 2 (1976) (sau là Đại học tổng hợp và nay là ĐHKHXHNV. TPHCM), ngành Lịch sử. Đấy là nguyện vọng của mình khi đăng ký thi Đại học. Tuy nhiên điểm thi ĐH môn văn của mình khá cao (9đ) trong khi môn Sử chỉ 6đ (còn Địa thì 5đ, hic! Chắc vì văn là đề tài “viết thư” nên đúng sở trường viết thoải mái, còn sử, địa là đề “thuộc lòng” mà mình thì lười nên...) nên nhà trườn
phân vào Khoa Văn. Vào trường, học được hơn 1 tháng chỉ 1 môn Văn học cổ đại, vừa lao động trồng cây (hàng ngọc lan ở trường nay vẫn còn), dọn vệ sinh, bán báo SGGP... Mình thấy (và nghĩ) học Văn phải trở thành nhà văn, nhà thơ, mà mình thì không có năng khiếu. Với lại, có mấy bạn học khoa Văn hồi ấy thường tự hào “vào Văn khoa là phải học Văn!”. Thế là mình xin về học khoa Sử, vì chả việc gì “phải học Văn” 😊
Hết năm thứ Hai mình chọn chuyên ngành KCH và theo học các thầy Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Diệp Đình Hoa, Ng
uyễn Duy Hinh, Hoàng văn Khoán... Cuối nă
m thứ Tư mình là 1 trong 3 sinh viên ngành KC (lớp KC có khoảng 20 người) được làm luận văn tốt nghiệp, nhưng mình ra HN làm LV dưới sự hướng dẫn của Thầy Vượng còn hai bạn kia làm LV với Thầy Lê Xuân Diệm ở TPHCM.
2. Mình ra HN vào tháng 10 năm 1980, bắt đầu vào mùa thu năm học mới, được bố trí học thêm một số chuyên đề với lớp KC năm thứ 4 của các bạn Nguyễn Hồng Kiên, Lại Văn Tới (sau các bạn làm việc tại Viện KCH – HN) và đọc tài liệu ở Viện KCH – phòng tư liệu do thầy Nguyễn Duy Hinh phụ trách. Mình ở KTX Mễ Trì cùng với 5 bạn cũng từ SG ra làm LV ở các chuyên ngành khác. Mùa Đông lạnh thế nhưng hàng ngày mình đạp xe mini (mang từ SG ra) từ Mễ Trì về HN đọc tư liệu, thỉnh thoảng được thầy Vượng cho đi theo trong một số chuyến điền dã. Ngày nào mưa lạnh quá thì đọc ở phòng tư liệu Khoa Sử tại Mễ Trì. Thời gian này mình quen thêm những người bạn KC mà đến giờ chúng mình vẫn thân thiết, luôn nhớ về “hồi ấy ở Mễ Trì có cô gái SG ra học” 😊
Thầy Trần Quốc Vượng hướng dẫn mình theo những bước sau:
- Trong vòng 1 tháng phải vừa học thêm ở lớp chuyên ban KC và vừa đọc tài liệu (lúc đó chủ yếu tài liệu tiếng Việt). Muốn đọc gì thì đọc, nhưng sau 1 tháng đó phải trình thầy dự định làm luận văn về chủ đề, nội dung gì?
- Khi mình trình thầy nội dung mình muốn làm LV, thầy hỏi mình về những tư liệu đã đọc, rồi nói mình tự xác định tên LV, thầy chỉnh sửa vài từ rồi... cứ thế mà làm 😊
- Cứ 2 tuần thầy gọi mình đến gặp thầy, có khi ở nhà thầy (khu tập thể Kim Liên), có khi ở mấy quán bia, gặp cả các bạn của thầy: thầy Từ Chi, chú Đào Hùng (sau mình làm ở Hội Sử chú Hùng bảo gọi bằng anh thôi 😊 ), thầy Đào Thế Tuấn... rồi thầy giới thiệu mình đến Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Lịch sử... Trong những lần gặp có khi thầy hỏi mình trực tiếp về LV, như đề cương khái quát gồm những vấn đề gì, đề cương chi tiết mấy chương mục... Đặc biệt thầy quan tâm đến Tài liệu tham khảo và cách mình làm tài liệu trích dẫn.
- Nhờ thầy Hinh và chị Yến ở Viện KCH mà mình làm được nhiều phiếu trích dẫn trong quá trình đọc tài liệu. Phân loại các phiếu ấy theo nội dung, cho từng chương mục... Rồi mới bắt tay vào viết. Trong quá trình viết mới thấy thiếu tài liệu, vướng chỗ nào lại tiếp tục đi tìm và đọc, rồi hỏi các thầy, các anh chị ở Viện KCH...
- Cứ thế, viết đến đầu trình bày với thầy Vượng đến đấy, trình bày miệng xem mình nắm vững vấn đề thế nào, vì đúng là khi nói ra mới thấy chỗ nào mình vững chỗ nào còn chênh vênh 😊. Thầy góp ý ngay, ko chi tiết mà nhiều khi là những chuyện “không liên quan”, nhưng chịu khó nghĩ ngợi “sao thầy lại nói chuyện ấy” thì hóa ra rất liên quan 😊
- Cuối cùng khi LV xong bản thảo lần 1 thầy mới đọc và góp ý về nội dung, chỉ thêm nguồn tư liệu, nhất là tư liệu liên ngành địa chất, địa lý tự nhiên, nông nghiệp... Bắt tay viết bản thảo lần 2 là mình phải cắt nhiều (bệnh của người viết là tham tư liệu, bỏ bớt thấy “phí”, sợ người đọc không hiểu...), và cũng phải thêm nhiều! Nhưng quả nhiên viết lại thấy gọn gàng sáng sủa hơn hẳn 😊. Tuy nhiên LV phải viết đến lần thứ 3 thầy Vượng mới ưng ý 😊
Đến cuối tháng 1/1981 thì hoàn thành LV, cả bản đánh máy và bản phụ lục hình vẽ, mà không có bạn Nguyễn Hồng Kiên (Kiên Gốc Sậy) thi mình không thể nào xong phần Phụ lục, vì mình vẽ xấu kinh hoàng!!!
3. LV với 92 trang đánh máy giấy pơ luya mỏng vàng khè (mình phải dành cả 1 tháng tiền ăn bếp tập thể để mua giấy và trả công đánh máy). Hoàn thành luận văn ở Hà Nội cuối tháng 1/1981, ngồi tàu hơn 3 ngày đêm về SG chỉ ăn vài củ khoai tây luộc bạn mang vội đến ga trước khi tàu chạy. Tháng 3/1981 Bảo vệ luận văn tại ĐHTH. TPHCM được 9,5 điểm, điểm cao nhất trong khoá này 🙂
Bài học ĐI ĐI LẠI LẠI, HỎI ĐI HỎI LẠI, XEM ĐI XEM LẠI của thầy Vượng không bao giờ là cũ đối với mình, đối với bất cứ nội dung nghiên cứu, giảng dạy nào của mình; thêm một bài học mình tự rút ra là phải VIẾT ĐI VIẾT LẠI nữa! (có lẽ nhờ vậy sau này mình viết được #truyen100chu 😊 ).
Năm 1994-1997 mình làm Luận án tiến sĩ cũng theo cách này, trên cơ sở tài liệu khai quật kch o Cần Giờ. Lần này thầy Trần Quốc Vượng là phản biện 1 🙂
Nhân năm học mới, bắt đầu các chuyên đề cho các bạn cao học và NCS, kể lại chuyện này may ra giúp các bạn có thêm một kinh nghiệm làm LV 😊
@Hình: Các bạn cùng khóa bảo vệ LV, và sau khi BV chụp cái hình kỷ niệm ở Hồ Con Rùa
🙂













CẢNG SÀI GÒN PHẢI TRỞ THÀNH CẢNG DU LỊCH QUỐC TẾ

Doanh nhân Sài Gòn 25/8/2023 

Nguyễn Thị Hậu

Như nhiều đô thị ở Nam bộ hình thành và phát triển bên những dòng sông thành “đô thị sông nước”, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh trải qua hơn 300 năm đã định hình là một thành phố ven sông Sài Gòn. Trước nay sông Sài Gòn thường được biết qua khúc sông ở khu vực trung tâm làm nên một “Sài Gòn đẹp lắm”: hình ảnh bến Bạch Đằng tấp nập người xe, Tân Cảng, công xưởng Ba Son lâu đời, hệ thống thương cảng Sài Gòn lớn nhất nước. Rồi từ Cầu Mống vào Chợ Lớn là rạch Bến Nghé hai bên là nhà máy bến cảng phố chợ... Do đó, sông Sài Gòn – rạch Bến Nghé được coi là “mặt tiền” của đô thị Sài Gòn (xưa) vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế - văn hóa của thành phố.

Những con sông chảy qua thành phố được coi  là một lợi thế về cảnh quan tự nhiên, bên cạnh lợi thế về giao thông và môi trường. Quy hoạch bờ sông tốt sẽ góp phần nâng cao giá trị của cảnh quan nhân văn từ cảnh quan tự nhiên. Làm đẹp hơn cho cảnh quan này và tạo điều kiện cho mọi người được hưởng thụ giá trị văn hóa ở đôi bờ sông, đó là trách nhiệm của chính quyền. Lịch sử phát triển của Sài Gòn – TP.HCM đã gắn liền với sông Sài Gòn và đây là một ưu thế trời phú không phải thành phố nào cũng có được. Từ đầu năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh và hoàn thành việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, mang lại diện mạo hiện đại cho nơi này, đồng thời mở ra hướng quy hoạch chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền” sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đoạn qua thành phố, nhằm thay đổi cả hai bên bờ sông không chỉ ở đoạn trung tâm mà xa hơn, về phía Đồng Nai, Bình Dương hay ra phía Nhà Bè, Cần Giờ.

Từ nhiều năm nay do sự phát triển thành phố và nhu cầu cải tạo môi trường nên nhiều cơ sở công nghiệp đã di dời ra khỏi nội thành, trong đó có khu vực thương cảng Sài Gòn rộng lớn, trải dài bên sông thuộc khu vực quận 4. Trong năm 2022 - 2023 TP Hồ Chí Minh đã có những ý tưởng, dự án phát triển đôi bờ sông Sài Gòn vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, dù phát triển đường sông hay đường bộ ven sông nhưng nếu không còn “cảng thị” thì thành phố sẽ mất đi một đặc trưng văn hóa quan trọng, bởi tính chất “cảng thịđã duy trì và phát triển sự cởi mở, năng động, đồng thời cũng mất đi tính chất “hướng biển” của sông Sài Gòn và thành phố từ khi khởi lập.

Vì vậy, bên cạnh những bến cảng kinh tế hay cảng trung chuyển Cần Giờ - Vũng Tàu thì khu vực Cảng Sài Gòn ở quận 4 cần phải trở thành cảng du lịch quốc tế của thành phố (bên cạnh cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nht). Cảng Sài Gòn với cơ sở hạ tầng sẵn có hoàn toàn phù hợp chuyển đổi công năng thành Cảng du lịch quốc tế: vừa đón được tàu trọng tải lớn, vị trí gần trung tâm thành phố nên thuận tiện cho các đoàn du khách di chuyển tham quan mà không gây sức ép lên giao thông nội đô, vừa có không gian rộng lớn kết hợp trên bờ và dưới sông để tổ chức những hoạt động văn hóa – nghệ thuật phục vụ du lịch, như chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” trong “Lễ hội sông nước lần thứ nhất của TP. Hồ Chí Minh” rất thành công vừa qua.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất phía Nam, mang đặc trưng “thành phố sông nước” tiêu biểu cho cả vùng Nam bộ. Vì vậy du lịch của thành phố cần khai thác tính chất thông thương và thông thoáng của những dòng sông và kênh rạch, hình thành hệ thống bus đường sông và các bến tàu kết hợp những trung tâm thương mại (theo mô hình truyền thống: bến là/và chợ). Đó là sự khôi phục “văn hóa sông nước” với tính chất “mặt tiền” của nhà của phố là sông, cùng với đó là những trung tâm du lịch lớn được xây dựng ngoài trung tâm thành phố nên không phá hủy vùng lõi của di sản đô thị, có hệ thống lưu trú, thương mại dịch vụ và văn hóa nghệ thuật, thân thiện, thuận tiện cho dịch vụ du lịch đường thủy.

Ngoài việc cải tạo và xây dựng thêm hạ tầng cơ sở chuyển đổi chức năng Cảng Sài Gòn thành Cảng Du lịch, quy hoạch quận 4 thành một “trung tâm dịch vụ du lịch” thì việc xây dựng những chiếc cầu lớn qua sông Sài Gòn (như dự án cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4) cũng phải phù hợp cho sự vận hành và phát triển Cảng du lịch ở quận 4: đặc biệt những cây cầu này cần có độ tĩnh không và những yếu tố kỹ thuật khác thích hợp cho tàu lớn ra vào thường xuyên. Có như vậy thì sông Sài Gòn mới thực sự “thông thương, thông thoáng”, khúc sông Sài Gòn trong nội thành và bến Bạch Đằng sẽ không bị biến thành “ao hồ” khép kín khi không còn tàu lớn từ biển ra vào. Đồng thời những chiếc cầu mới, hiện đại này sẽ trở thành “điểm nhấn” đẹp đẽ, độc đáo, khó quên khi chào đón và tiễn đưa du khách dến với thành phố Hồ Chí Minh. 

TP. Hồ Chí Minh, 14.8.2023




LỜI CẢM TẠ


Má chúng tôi là bà Nguyễn Thị Trang (bà quả phụ Nguyễn Ngọc Bạch) đã mất ngày 14.8.2023 (tức ngày 28.6 âm lịch). Hưởng đại thọ 99 tuổi.
Ngày hôm qua gia đình đã chu toàn mọi việc cho Má tôi về cõi Phật. Má đã được về bên Ba sau gần 40 năm xa cách, về với anh Hai, chị Hai…
Những ngày tang lễ, gia đình chúng tôi đã được đón nhận sự quan tâm và thăm viếng của lãnh đạo TP. HCM, Ban Tuyên giáo TPHCM, lãnh đạo quận Phú Nhuận và phường 10 quận PN, lãnh đạo nhiều Sở, ngành, Hội ở trung ương và TP. HCM, một số cơ quan báo chí tại TP. HCM, lãnh đạo các cơ quan nơi chúng tôi đã và đang làm việc… Đông đảo bà con họ hàng nội ngoại, các gia đình thông gia, các cô chú là bạn bè, đồng nghiệp của ba má chúng tôi, rất nhiều bạn bè gần xa, đồng nghiệp và học trò của chúng tôi, cùng bà con lối xóm… đã gửi vòng hoa, đến viếng, phúng điếu Má chúng tôi. Đồng thời chúng tôi còn nhận được hàng ngàn lời chia buồn gửi qua FB, viber, zalo, email, điện thoại… Tất cả những sự chia sẻ, lời động viên của mọi người đã giúp chúng tôi vơi bớt nỗi đau để lo việc tang gia cho chu toàn.
CHÚNG TÔI XIN CÚI ĐẦU CẢM TẠ VÀ TRI ÂN TÌNH CẢM CỦA TẤT CẢ MỌI NGƯỜI!
Trong những ngày tang gia bối rối, nếu gia đình có điều gì sơ xuất, chúng tôi xin được lượng thứ!
Gia đình chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!






Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu: Nối liền cảm xúc giữa nhiều miền thương (báo Quảng Nam)

 TS.Nguyễn Thị Hậu hài hước cho rằng mình chọn nghề khảo cổ có lẽ vì sự “lãng mạn” của nó nhưng bền bỉ với nghề này bởi đã thành cái “nghiệp”. Trong giới khảo cổ lẫn bạn đọc quý mến luôn gọi chị là “Hậu khảo cổ”, cái nghề gắn cái tên thành ra thương hiệu của chị. Sống với nghề, đi và viết, đã cho nữ tiến sĩ một hành trình nối liền cảm xúc giữa nhiều miền thương.

Đam mê tìm hiểu văn hóa

TS.Nguyễn Thị Hậu quê gốc miền Tây. Nhà nội ở làng Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang. Nhà ngoại ở bến đò Mỹ Hiệp qua làng Hòa An, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Bên này là nội, bên kia là ngoại, cách một nhánh sông Tiền. Gia đình chị tập kết ra miền Bắc năm 1954.

Chị chào đời tại Hà Nội năm 1958. Năm 1975, đất nước thống nhất nối liền một dải, 17 tuổi chị về lại miền Nam và chọn Sài Gòn sinh sống, làm việc và gắn bó đến tận bây giờ. Dẫu sinh ra ở Hà Nội, nhưng cái chất phù sa thấm dạ và châu thổ quyện cuộn vào lòng, vẫn miên mải trong tâm khảm Nguyễn Thị Hậu.

Chín nhánh sông cứ vậy mà mang nhiều da diết trên nhiều trang viết của chị. Có lẽ vậy mà dù đi qua biết bao vùng lạ, biết bao miền xa, và giờ sống ở đô thị nắng ấm phương Nam, nhưng câu chữ của chị vẫn mang sự hồn hậu của người miền Tây.

Ngay từ khi thi vào đại học, Nguyễn Thị Hậu chọn Khoa Sử vì có ngành Khảo cổ học. Bởi với chị lúc đó, đây là một ngành có những người thầy dạy rất hay, hấp dẫn. Khảo cổ học cũng là ngành học kỹ thuật nhưng có nhiều kiến thức về văn hóa nên chị rất thích. Dù biết chắc đây là ngành học sẽ phải đi nhiều và rất vất vả. Nhưng với chị đam mê tìm hiểu văn hóa luôn là niềm đam mê bất tận.

Đến nhiều nơi, đi nhiều miền, chị vẫn thấy Việt Nam đa dạng yếu tố tự nhiên và tộc người, suốt tiến trình lịch sử luôn có sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa bằng nhiều phương cách khác nhau, với nhiều cộng đồng, quốc gia khác nhau, do đó để lại nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, mang bản sắc riêng.

Và chị chọn cách ghi lại thật đầy đặn cảm xúc chính mình trên hành trình rong ruổi đó qua những cuốn sách phát hành để ngỏ hầu mang đến cho độc giả những thương tưởng cũ càng.

Có lần tôi thắc mắc giữa bộn bề công việc, tần suất các chuyến đi, sao chị lại chọn văn chương để ghi chép cảm xúc. Kỳ thực viết văn đâu có nhanh, huống chi các bài viết của chị lại mượt mà dạt dào cảm xúc. Tốn kém thời gian và nói thật cũng tốn sức lắm chứ có phải nhẹ nhàng hơn công việc khảo cổ là bao.

Nữ tiến sĩ cười nhẹ tênh bảo: “Có cách nào “kể lại” các chuyến đi, những gặp gỡ... một cách đúng với tâm trạng, cảm xúc của mình khác văn chương ư? Cứ tự nhiên viết ra thế thôi, như để giải tỏa cảm xúc, để ghi nhận kẻo bỏ qua, quên mất những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ. À, hồi thi vào đại học điểm văn của tôi rất cao, nhà trường xếp vào học Khoa Văn nhưng tôi xin về học Sử theo nguyện vọng. Có lẽ vì vậy giờ phải “trả nợ” ngành văn”.

Chân thành và duyên dáng, Nguyễn Thị Hậu luôn khiến người đối diện thán phục bởi những kiến thức ngồn ngộn về văn hóa Việt, lẫn những điều cực kỳ hay ho đắt giá trên những vùng miền chị đã đi qua và trên hết vẫn là một tâm thế sẻ chia với tất thảy những ai cần tìm kiếm tư liệu. Nhiều bạn văn, bạn báo kháo nhau cứ gõ cửa vị nữ tiến sĩ này, khối chuyện hay nghe cả ngày không hết.

Một xứ Quảng ân tình

Trong bài viết “Những người bạn Quảng” của mình, Nguyễn Thị Hậu nhắc đến tính cách Quảng rằng: “Hình như người Quảng nào cũng có sẵn cả 3 cá tính: sự quyết liệt của một nhà báo, tính cần mẫn của một nhà nghiên cứu lại vừa có gì đó lãng mạn như một nhà thơ”.

Một tác phẩm mới nhất của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.
Một tác phẩm mới nhất của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.

Chị bắt “vị” Quảng vừa độc đáo lại vừa hài hước, bởi chính những năm tháng ruổi rong từ lúc học đến làm nghề, chị luôn có những người bạn Quảng chân thành cạnh bên. Từ khi còn lớp đại học, một lần về thực tập ở Khu đền tháp Mỹ Sơn, chị và bạn học đã được một người bạn chung lớp dẫn về cho ở nhờ một đêm. Đó là những năm vừa sau chiến tranh, đất nước còn khó khăn.

Nguyễn Thị Hậu kể lại câu chuyện từ năm 1979 mà như in hằn trong trí nhớ mình: “Đó là một ngôi nhà phố nhỏ bé, có cái gác lửng cũng nhỏ xíu, vậy mà gia đình bạn đã rộng lòng đón tiếp chúng tôi. Lần đầu tiên tôi được ăn mỳ Quảng là ở đây ngộ ghê, mỳ gì mà nước có chút xíu, lại ăn với bánh tráng?”.

Nhắc đến Quảng Nam, nữ tiến sĩ hồ hởi ngay, bởi với chị, Quảng Nam có vị trí địa lý và quan hệ liên vùng, xứ Quảng có văn hóa đa sắc thái như núi, trung du, đồng bằng, ven biển, biển và đảo.

Miền núi Quảng Nam phong phú tài nguyên rừng từ hương liệu đến khoáng sản, đồng bằng Quảng Nam là một trong hai đồng bằng lớn và màu mỡ ở miền Trung, cửa sông Thu Bồn có Đại Chiêm hải khẩu được các chúa Nguyễn phát triển thành cảng thị Fai Fo - Hội An, là “cánh cửa” mở ra thế giới bên ngoài của cả xứ Quảng và Đàng Trong.

Có thể nhận thấy từ vị thế địa - văn hóa, địa - lịch sử, xứ Quảng (Nam) là “vùng biên” chính trị - văn hóa của Việt - Chăm, chỉ trong mấy thế kỷ đã hội tụ những truyền thống vốn có của các tộc người và làm nảy sinh nhiều truyền thống mới. Sắc thái văn hóa Hội An cũng như xứ Quảng và toàn Nam Trung Bộ là kết quả giao thoa, đan xen, dung hòa giữa văn hóa Việt - Chăm.

Chị nói đến đấy thì tôi tin trong trái tim ấm nồng của mình, Nguyễn Thị Hậu luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất Quảng và người Quảng. Càng nghe chị, càng đọc chị, tôi lại càng tin lời kháo nhau của các bạn văn, bạn báo về người nữ tiến sĩ luôn nhiệt tâm chia sẻ kiến thức lẫn tấm lòng với mọi người.

Chạm độc giả bằng trữ lượng yêu thương

Sống, làm nghề, đi và viết, Nguyễn Thị Hậu luôn tràn đầy trữ lượng của yêu thương. Những yêu thương đó chị ký thác vào câu chữ. Tập tạp bút đầy đặn với 250 trang và 36 bài viết mang tên “Thương những miền qua” vừa mới phát hành lại một lần nữa dẫn dắt bạn đọc, giới mộ điệu đi qua những vùng đất gần gũi lẫn xa lạ bằng mạch cảm xúc dạt dào.

Giọng văn rủ rỉ rù rì, câu chữ mộc mạc, hầu hết tạp bút trong tập sách đều nhẹ nhàng chuyển tải câu chuyện rất đỗi chân phương và đậm đà tấm tình. Tấm tình của một người đã đi qua dâu bể gieo neo cuộc đời, ngoái lại nhìn quãng đường xưa xa thì nghe cũ càng dậy lên niềm thương tưởng.

Độc giả hiểu thêm từng niềm thương đắng đót qua loạt tác phẩm như “Cây cầu tình yêu ở Sài Gòn”, “Bia con cọp” - một biểu tượng của Sài Gòn xưa, “Dòng sông mang tên thành phố”, “Hà Nội trong tôi”, “Di sản Hà Nội trong ngày hôm nay”, “Một dòng xanh tuyệt vời của Huế”, “Ấn Độ vùng đất quyến rũ và đầy sức sống”, “Notre-Dame de Paris nơi dừng chân của ký ức”, “Lâu đài Amboise và danh họa Leonardo da Vinci”…

Ở những miền thương đó, Nguyễn Thị Hậu luôn trắc ẩn cho những điều cơ hồ đã phôi pha, nhưng qua ngòi bút của chị lại vọng về một cách luyến nhớ. Như giữa nhà thờ Đức Bà Paris, ngắm khối kiến trúc uy nghiêm lẫy lừng, chị nhắc đến số phận của chàng gù nhân hậu Quasimodo, cô gái tài hoa xinh đẹp Esmeralda.

Hay khi có dịp đến với vùng đất sông Hằng linh thiêng để viếng đền Taj Mahal, chị kể lại mối tình bất tử của vua Shah Jahal dành cho người vợ thông tuệ đầy yêu quý của mình. Hoặc lúc bàn chân chạm đến lâu đài Amboise để tìm hiểu các tuyệt tác của danh họa Leonardo da Vinci, nữ tiến sĩ khảo cổ cũng kịp ghi lại vài dòng cảm xúc của chính mình để ngỏ hầu mang lại cho độc giả những hoài niệm về một tên tuổi bậc thầy của hội họa...

TS.Nguyễn Thị Hậu vẫn luôn để lại trong tâm trí người từng tiếp xúc với chị, tìm hiểu các công trình khảo cứu hay đọc chị một cảm giác thân thiện và an lành. Thể như trữ lượng yêu thương tích cực từ chị, lan tỏa đến người đối diện.

Chị vẫn sống, đi và viết bằng tấc lòng rất nhẹ tênh: “Thật tình tôi không có dự định gì lớn. Vẫn chỉ là những chuyến đi vài ngày đến nơi này nơi kia, trong hoặc ngoài nước... Và nếu còn cảm xúc thì sẽ viết, viết cho mình, viết cho bạn. May mắn được đăng báo hay in sách thì... có nhuận bút cà phê với bạn bè cho vui. Vậy thôi!”.

 TỐNG PHƯỚC BẢO


NHỚ PARIS

 MỘT KIẾP NÀO ĐÓ Ở PARIS

Buổi sáng, khi mở mắt là thấy trời đã sáng rõ, không phải vì dậy trễ mà vì mùa hè phương Bắc gần như không có màu đêm. Ban đêm không khí như ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có ngọn gió lang thang lướt qua làm dịu cả cái nóng bức của cả một ngày dài chói chang ánh nắng. Mở cửa sổ thì hơi lạnh nên đắp tấm chăn mỏng, nằm “nướng” và tha hồ nghĩ ngợi linh tinh, một cảm giác lười biếng dễ chịu của ngày thơ bé...
Paris có gì lạ không em? Ai cũng nhắn hỏi như vậy khi biết tôi đang ở Paris. Khi tôi trả lời một người bạn rằng, em thấy Paris vẫn thế chỉ có em dường như có khác khi trở lại. Anh nói: Paris lạ vì nó luôn làm người ta khám phá ra chính mình, mỗi lần một khác, mỗi lần một mới hơn!
Có lẽ vì vậy mà tôi luôn mong muốn trở lại Paris.
Paris là một thành phố có nét đẹp cổ kính tạo nên sự lãng mạn chưa bao giờ phai nhạt... Ở Paris hình như người ta luôn sống bình thản trong khung cảnh ấy. Nhiều người đến đây cũng bị “lây” sự bình thản và bỗng sống chùng lại. Tôi thích bước đi chậm rãi trên đường phố Paris, dưới những tán lá mùa hè xanh mướt, thi thoảng lọt qua kẽ lá một mảnh trời xanh biếc không một gợn mây. Những quán cà phê trên vỉa hè như ngưng đọng qua hàng trăm năm, ngồi đó và tưởng một kiếp nào đó mình từng sống nơi đây.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc một Paris với những quán sách cũ ven sông, những con đường dịu dàng ánh đèn vàng ấm áp, những cây cầu qua sông Seine đẹp như mơ, và một Paris “đẹp nhất lúc trời mưa” khi bên cạnh là một ánh mắt ấm áp và giọng nói trìu mến.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc những đại lộ lát từng viên đá chẻ vang lên tiếng xe ngựa lọc cọc, từng ngõ nhỏ mờ sương tím thấp thoáng bóng chiếc váy dài kiều diễm, công viên mùa hè rực rỡ nắng như lụa trên những chiếc dù ren trắng mong manh... Tôi từng quen thuộc những người “đàn ông Paris” hào hoa và hóm hỉnh, những vị vua chúa cao sang, những chàng ngự lâm quân can đảm và đa tình...
Kiếp nào đó ở Paris... có sự thất vọng ê chề của Madame Bovary, của những người đàn bà quên mình lao vào mối tình đẹp và buồn nhưng ngắn ngủi như ánh mặt trời hiếm hoi ngày đông lạnh giá... Có sự bao dung của lời tỏ tình đẹp nhất tôi từng biết “Ông Marius, hình như em có đem lòng yêu ông”...
Kiếp nào đó Paris là của “Những người khốn khổ”. Và đàn ông Paris ngày ấy, cũng như ở đâu ở thời nào cũng vậy, với họ “chiến đấu” bao giờ cũng là trên hết và trước hết. Màu cờ đỏ cứ làm cho tôi rờn rợn mỗi khi xem lại những bộ phim, những bức tranh... về thời cách mạng Pháp, khi đám đông quần chúng ào ào xông lên rồi ngã xuống trước những loạt đạn. Một nhà văn sau này đã viết một câu, đại ý: Quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, nhưng lịch sử là đoàn tàu chạy trên đường ray có sẵn, và quần chúng thì ngồi trên tàu vỗ tay ca hát reo hò còn đoàn tàu đã có đầu máy kéo đi.
... Dẫu vậy, sau tất cả, rốt cuộc Paris làm cho tôi nhận ra rằng, cuộc chiến nào cũng vô nghĩa trước tình yêu!
Paris có gì lạ không ư? Đừng “hỏi khó” nhau như thế, nếu là người yêu hãy cùng nhau đến nơi đây dù chỉ một lần.
Từ biệt Paris, không biết có còn dịp nào trở lại thành phố này nữa không... Nhưng cảm giác một mình lơ lửng với mùa hè của tuổi đôi mươi mà Paris mang lại cho tôi sẽ mãi tươi nguyên... như ở một kiếp nào đó có một người vừa đi khỏi cuộc đời tôi...

___

ANH VÀ EM, VÀ PARIS

Paris có gì lạ không em?
Mỗi lần em quay trở lại
Dường như Paris không khác
Chỉ có em thay đổi mỗi lần
Không phải em khám phá Paris
Mà Paris khám phá em, lạ lẫm
Dưới tán lá xanh mùa hạ
Em trở về tuổi đôi mươi
Thèm được cầm tay anh
Thèm nụ hôn của anh
Trong quán cà phê
Trên vỉa hè phố cũ
Không phải em khám phá Paris
Mà Paris làm em chợt hiểu
Em vẫn nhớ anh da diết
Người đàn ông cô đơn của em
Paris có gì lạ không em?
Anh đừng hỏi em nữa nhé
Nếu trong ta còn ước mơ ngày cũ
Hãy cùng nhau trở lại Paris dù chỉ một lần...








LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...