CẢNG SÀI GÒN PHẢI TRỞ THÀNH CẢNG DU LỊCH QUỐC TẾ

Doanh nhân Sài Gòn 25/8/2023 

Nguyễn Thị Hậu

Như nhiều đô thị ở Nam bộ hình thành và phát triển bên những dòng sông thành “đô thị sông nước”, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh trải qua hơn 300 năm đã định hình là một thành phố ven sông Sài Gòn. Trước nay sông Sài Gòn thường được biết qua khúc sông ở khu vực trung tâm làm nên một “Sài Gòn đẹp lắm”: hình ảnh bến Bạch Đằng tấp nập người xe, Tân Cảng, công xưởng Ba Son lâu đời, hệ thống thương cảng Sài Gòn lớn nhất nước. Rồi từ Cầu Mống vào Chợ Lớn là rạch Bến Nghé hai bên là nhà máy bến cảng phố chợ... Do đó, sông Sài Gòn – rạch Bến Nghé được coi là “mặt tiền” của đô thị Sài Gòn (xưa) vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế - văn hóa của thành phố.

Những con sông chảy qua thành phố được coi  là một lợi thế về cảnh quan tự nhiên, bên cạnh lợi thế về giao thông và môi trường. Quy hoạch bờ sông tốt sẽ góp phần nâng cao giá trị của cảnh quan nhân văn từ cảnh quan tự nhiên. Làm đẹp hơn cho cảnh quan này và tạo điều kiện cho mọi người được hưởng thụ giá trị văn hóa ở đôi bờ sông, đó là trách nhiệm của chính quyền. Lịch sử phát triển của Sài Gòn – TP.HCM đã gắn liền với sông Sài Gòn và đây là một ưu thế trời phú không phải thành phố nào cũng có được. Từ đầu năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh và hoàn thành việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, mang lại diện mạo hiện đại cho nơi này, đồng thời mở ra hướng quy hoạch chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền” sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đoạn qua thành phố, nhằm thay đổi cả hai bên bờ sông không chỉ ở đoạn trung tâm mà xa hơn, về phía Đồng Nai, Bình Dương hay ra phía Nhà Bè, Cần Giờ.

Từ nhiều năm nay do sự phát triển thành phố và nhu cầu cải tạo môi trường nên nhiều cơ sở công nghiệp đã di dời ra khỏi nội thành, trong đó có khu vực thương cảng Sài Gòn rộng lớn, trải dài bên sông thuộc khu vực quận 4. Trong năm 2022 - 2023 TP Hồ Chí Minh đã có những ý tưởng, dự án phát triển đôi bờ sông Sài Gòn vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, dù phát triển đường sông hay đường bộ ven sông nhưng nếu không còn “cảng thị” thì thành phố sẽ mất đi một đặc trưng văn hóa quan trọng, bởi tính chất “cảng thịđã duy trì và phát triển sự cởi mở, năng động, đồng thời cũng mất đi tính chất “hướng biển” của sông Sài Gòn và thành phố từ khi khởi lập.

Vì vậy, bên cạnh những bến cảng kinh tế hay cảng trung chuyển Cần Giờ - Vũng Tàu thì khu vực Cảng Sài Gòn ở quận 4 cần phải trở thành cảng du lịch quốc tế của thành phố (bên cạnh cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nht). Cảng Sài Gòn với cơ sở hạ tầng sẵn có hoàn toàn phù hợp chuyển đổi công năng thành Cảng du lịch quốc tế: vừa đón được tàu trọng tải lớn, vị trí gần trung tâm thành phố nên thuận tiện cho các đoàn du khách di chuyển tham quan mà không gây sức ép lên giao thông nội đô, vừa có không gian rộng lớn kết hợp trên bờ và dưới sông để tổ chức những hoạt động văn hóa – nghệ thuật phục vụ du lịch, như chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” trong “Lễ hội sông nước lần thứ nhất của TP. Hồ Chí Minh” rất thành công vừa qua.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất phía Nam, mang đặc trưng “thành phố sông nước” tiêu biểu cho cả vùng Nam bộ. Vì vậy du lịch của thành phố cần khai thác tính chất thông thương và thông thoáng của những dòng sông và kênh rạch, hình thành hệ thống bus đường sông và các bến tàu kết hợp những trung tâm thương mại (theo mô hình truyền thống: bến là/và chợ). Đó là sự khôi phục “văn hóa sông nước” với tính chất “mặt tiền” của nhà của phố là sông, cùng với đó là những trung tâm du lịch lớn được xây dựng ngoài trung tâm thành phố nên không phá hủy vùng lõi của di sản đô thị, có hệ thống lưu trú, thương mại dịch vụ và văn hóa nghệ thuật, thân thiện, thuận tiện cho dịch vụ du lịch đường thủy.

Ngoài việc cải tạo và xây dựng thêm hạ tầng cơ sở chuyển đổi chức năng Cảng Sài Gòn thành Cảng Du lịch, quy hoạch quận 4 thành một “trung tâm dịch vụ du lịch” thì việc xây dựng những chiếc cầu lớn qua sông Sài Gòn (như dự án cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4) cũng phải phù hợp cho sự vận hành và phát triển Cảng du lịch ở quận 4: đặc biệt những cây cầu này cần có độ tĩnh không và những yếu tố kỹ thuật khác thích hợp cho tàu lớn ra vào thường xuyên. Có như vậy thì sông Sài Gòn mới thực sự “thông thương, thông thoáng”, khúc sông Sài Gòn trong nội thành và bến Bạch Đằng sẽ không bị biến thành “ao hồ” khép kín khi không còn tàu lớn từ biển ra vào. Đồng thời những chiếc cầu mới, hiện đại này sẽ trở thành “điểm nhấn” đẹp đẽ, độc đáo, khó quên khi chào đón và tiễn đưa du khách dến với thành phố Hồ Chí Minh. 

TP. Hồ Chí Minh, 14.8.2023




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...