Hà Nội một ngày cuối đông

  Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, "MC chuyên nghiệp", hay bị nhầm với ông nghị DTQuốc :))

 Với nhà văn Đỗ Phấn

 Sông Hồng ngày tháng ba

 Quán ven sông

 Em Đinh Hương và bé Beo béo Mèo, yêu không :)

 Ăn phở rất dể thấy ngon, nhất là đi cùng Trương Quý và Hòang Ngọc :)

 Phở 27b Phùng Hưng (phở Lý quốc Sư cũ), hơn hẳn phở LQS hiện nay, thật đấy!

 Cuối đông, bàng lá đỏ...

nhàn tản vỉa hè Hà Nội :)

về SÁCH MỚI :)


Tập tản văn BUỔI TRƯA TRONG QUÁN CÀ PHÊ  đã bán hết 2000 bản tại Hội sách, chuẩn bị tái bản.
2 cuốn kia cũng vào loại bán khá chạy. Cám ơn các bạn đã ủng hộ :)

Giới thiệu sách VĂN HÓA KHẢO CỔ huyện Cần Giờ TPHCM



Cuốn sách Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh là kết quả của đề tài nghiên cứu “Điều tra khảo sát khảo cổ học phục vụ nhu cầu quy hoạch, xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2006-2010) do TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởngViện Nghiên cứu phát triển làm chủ nhiệm đề tài, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát nhằm nghiên cứu thực trạng hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ để xác định tính chất, quy mô của hệ thống di tích khảo cổ học ở đây. Qua đó lập báo cáo điều tra khảo sát, thám sát làm cơ sở cho việc xây dựng danh mục và bản đồ các di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ,  nhằm khoanh vùng bảo vệ  và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.

Đề tài cũng đánh giá giá trị lịch sử và văn hóa của các di tích, đề xuất một số giải pháp đối với các di tích đặc biệt cần được bảo tồn nguyên dạng hay khai quật để thành lập Bảo tàng tại chỗ nhằm cung cấp tư liệu nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử văn hóa vùng đất Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, từ đó góp phần thiết thực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cần Giờ nói riêng và TP.Hồ Chí Minh nói chung, thực hiện Luật Di sản văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đóng góp cho TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững.

Chuyên khảo này đã kế thừa một số công trình trước đây nghiên cứu về hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ mà TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả hoặc đồng tác giả. Tuy nhiên, nhằm giới thiệu văn hóa khảo cổ học huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh cho nhiều đối tượng độc giả, cho các Sở - Ngành quản lý nhà nước liên quan, vì vậy cuốn sách này không trình bày quá chi tiết từ góc độ chuyên ngành khảo cổ học, mà chủ yếu là từ những thông tin khảo cổ học giúp người đọc thêm hiểu biết về một lọai hình di sản văn hóa độc đáo của Cần Giờ nói riêng và TP. Hồ Chí Minh – Nam bộ nói chung. Cái mới của chuyên khảo này là đã có phần nội dung với dung lượng thích đáng dành cho những đề xuất và giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa khảo cổ Cần Giờ trong quá trình đô thị hóa hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa
 Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM


SÁCH BÁN TẠI HỘI SÁCH TPHCM (công viên Lê Văn Tám) từ 19/3 - 25/3/2012 và tại các nhà sách FAHASA.

Chia sẻ với BUỔI TRƯA TRONG QUÁN CÀ PHÊ

Nguyễn Thế Thanh (nhà báo)


....
Quay qua quay lại (như tên tập tản văn đầu tiên của chị), chưa kịp trả món nợ cũ thì Nguyễn Thị Hậu đã lại đưa cho tôi đọc bản thảo tập tản văn thứ hai của chị. Thế là “Buổi trưa trong quán cà phê” đã đi theo chúng tôi trong cuộc hành trình tới Mộc Châu se lạnh và đầy hoa cải trắng vào đầu tháng 12.2011. Đúng như tính cách hóm hỉnh quen thuộc của mình, Nguyễn Thị Hậu đề từ cho tập sách mới của chị là “Thấy gì ghi gì, nhớ nấy viết nấy”. Thì đúng là vậy mà. “Buổi trưa trong quán cà phê” là tập hợp những bài tản văn, tạp bút của chị đã đăng rải rác trên các báo, tạp chí và đăng lại trên nhiều website. Mỗi bài viết là một góc nhỏ của cuộc sống bộn bề và phức tạp mà tác giả bất chợt nhìn ra và cảm nhận, như lần đầu, từ những mối quan hệ, những tâm trạng, những hiện thực , những bạn bè quanh mình.

Từ một mẩu rao bán nhà trên báo, Nguyễn Thị Hậu đưa người đọc đi lướt qua hiện thực đô thị ngập nước biến phố thành sông, rừng tự nhiên ở đầu nguồn bị chặt và cháy, vườn trái cây quanh năm sum suê bị đô thị hóa xóa sổ…,rồi lại rủ người đọc chia sẻ với chị cái viễn mơ đầy chất hài hước có chất chứa đau xót trong đó: sắm ghe mắc tiền để trở thành “người sang trọng có thú vui tao nhã” khi dùng ghe đó không chỉ để rong chơi lãng mạn  trên những dòng sông thật mà còn để “lấy le” với những người đang bì bõm lội trên “những dòng sông phố”! (Buổi trưa trong quán cà phê hay là Mơ ghe). Chuyện trẻ con xa cha mẹ đi sơ tán trong chiến tranh nhiều người đã trải qua và cũng đã lùi xa gần nửa thế kỷ, vậy mà đọc “Trẻ sơ tán” của Nguyễn Thị Hậu thấy chị như bằng trái tim mình đã nói dùm thế hệ ấy một điều chưa được nói ra và chưa được xem là hậu quả chiến  tranh. Đó là cảm giác “bị bỏ rơi”, cảm giác cô đơn, tủi thân cùng cực khi ốm đau một mình và khi có điều gì đó muốn chia sẻ ngay với cha mẹ mà không được. Bài học mà tác giả tự rút ra cho mình từ cảm giác trong ký ức xa xưa đó là “không bao giờ để các con tôi phải một mình như tôi ngày ấy”. Và bức thông điệp không mới nhưng chưa bao giờ cũ mà chị nhân danh thế hệ mình và trước mình gửi đến độc giả đương thời thật quyết liệt “gây chiến hay đình chiến đều không khó, cái khó là khi tiếng súng đã im thì rất lâu về sau chiến tranh vẫn chưa chấm dứt”.

Trong tập sách này, dáng vẻ của những bài viết khá đa dạng. Có những bài như “bài thơ văn xuôi” (Viết cho mùa thu, Những chiếc vé, Ngày mưa, Gửi lại tuổi thơ tôi Hà Nội, Trên mạng người ta có cô đơn…). Có những bài là một bút ký hoàn chỉnh đầy ắp thông tin và sự chuyển động đa dạng của tâm trạng của người viết và các nhân vật được đề cập (Trên nẻo đường biên, Bạn xa xứ, Một thoáng Singapore, Di sản văn hóa sống cùng thành phố…). Và, thấp thoáng đây đó trong các trang viết của tập sách này là sự tự trào đầy tinh tế của một phụ nữ chối bỏ “chủ nghĩa nữ quyền” cứng nhắc và thiếu sự lan tỏa; xa lạ với thứ nhận thức “thành đạt” đầy kiểu ban phát hoặc tự vơ vào của những người không phải là phụ nữ và là …phụ nữ. Cái cách lý giải về sự chối bỏ xác đáng của Nguyễn Thị Hậu trong bài “Phụ nữ thành đạt” và một số bài khác quả thực đã nói hộ tâm trạng của nhiều người và chắc chắn được không ít người chia sẻ, dù họ là nam hay nữ và ở lứa tuổi nào. Tôi tin, rất tin, vì đây không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà là của nhiều người khác nữa. Tôi nhận biết điều ấy qua những comment trong blog của chị và trên một số mạng xã hội mà chị tham gia khá đều với cái nick độc đáo và độc quyền “Hậu Khảo Cổ”.

 “Có một nghề tử tế để làm. Kiếm được chút ít tiền để khỏi quá phụ thuộc vào người khác. Thi thoảng có vài niềm vui nho nhỏ, giản dị từ gia đình, con cái, bạn bè. Có thời gian mỗi ngày lướt mạng chia sẻ vui buồn. Và khi cáu giận bực bội thì có thể giang tay giữa trời mà… hét”. Đấy, cái cách Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu với một vài chức vụ quan trọng (***) liền sau cái tên đó nghĩ về một phụ nữ thành đạt chỉ đơn giản là như vậy.

Tôi tán đồng cách nghĩ ấy của Hậu và chỉ thêm vào câu này “Ngoài những nội hàm về phụ nữ thành đạt trên đây, nếu mỗi năm viết được một cuốn sách nho nhỏ, hay hay như “Buổi  trưa trong quán cà phê” thì có thể xem là quá thành đạt”, đúng không thưa tất cả bạn bè thân thiết và chưa  quen biết Nguyễn Thị Hậu đã đọc tập sách này ?


ĐÔI NÉT VỀ GỐM NAM BỘ


  
 Quá trình khai phá vùng đất mới Nam Bộ từ thế kỷ XVII cũng là quá trình hình thành một loại gốm mới, khác với gốm Bắc bộ (như gốm Chu Đậu, Bát Tràng…) hay Trung bộ (như gốm Gò Sành…). Gốm Nam bộ - như giới sưu tầm cổ vật hiện nay định danh - là lọai gốm sản xuất ở khu vực xóm lò gốm Sài Gòn xưa, trong đó có khu lò Cây Mai nổi tiếng, cùng các lò gốm ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương), niên đại khỏang từ thế kỷ XVIII và phát triển nhất từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.  Có thể nhận biết một số đặc điểm của lọai gốm này:

- Gốm Nam bộ phát triển mạnh mẽ và sớm trở thành hàng hóa cung cấp cho một thị trường rộng lớn chứ không chỉ tự cung tự cấp trong một địa bàn nhỏ. Gốm Nam bộ có tính chất bình dị và phổ biến: từ dân thường đến nhà giàu có đều có thể mua và sử dụng các lọai sản phẩm gốm Nam bộ.
- Chức năng phổ biến của Gốm Nam bộ là gốm gia dụng, sinh họat, đồ thờ cúng trong đình chùa, gốm trang trí kiến trúc... Trang trí hoa văn cũng giản dị, gần gũi với cuộc sống người bình dân. Những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao thì cũng có chức năng sử dụng thật sự chứ không chỉ là tác phẩm „mỹ nghệ” để trưng bày ngắm nghía.
- Gốm Nam bộ thể hiện sự giao lưu tiếp nhận rất nhanh về kỹ thuật sản xuất, mẫu mã mới, với những chức năng mới, thích nghi với lối sống và sinh họat mới.
 
Xóm lò gốm Sài Gòn xưa. Trên bản đồ Phủ Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi địa danh “Xóm Lò gốm” – một trong những làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa, gồm các làng cổ Phú Giáo - Gò cây Mai, làng Phú Định – Phú Lâm, làng Hòa Lục… mà ngày nay thuộc quận 11, quận 6 và quận 8. Khu vực này bây giờ vẫn còn kênh – rạch Lò Gốm và những địa danh liên quan đến nghề làm gốm như (đường) Lò Siêu, (đường) Xóm Đất, cầu Lò Chén… Tên Lò Gốm này đã ghi trong sách Gia Định thành thông chí (1820) “Từ năm 1772 con kênh Ruột Ngựa được đào để nối liền từ Sa Giang ra phía Bắc đến Lò Gốm”. Như vậy, khu lò gốm chắc chắn đã khởi lập trước năm này. Dấu tích Xóm Lò gốm còn lại là khu vực gò Cây Mai (quận 11) và di tích lò gốm cổ Hưng Lợi (phường 16 quận 8).
 Khai quật lò Hưng Lợi cho biết sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng: lu chứa nước (nên còn có tên là Lò Lu), các loại hũ men nâu men vàng, nhiều kiểu chậu, vịm, chậu bông kích thước khác nhau. Khỏang từ giữa thế kỷ XIX khu lò sản xuất những sản phẩm in tên “Hưng Lợi diêu” (Lò Hưng Lợi) gồm các loại đồ “bỏ bạch” (bên ngoài không tráng men) như: nồi có nắp và tay cầm (nồi lẩu), siêu nấu nước… Bên trong nồi và siêu có tráng men nâu chống thấm. Chậu bông bằng sành hình tròn hoặc hình lục giác, men nhiều màu, trang trí ô hoa văn “bát tiên” “tùng lộc” “mai điểu”…
 Từ đấu thế kỷ XX sản xuất các loại bát, đĩa, ấm, ly uống trà, chai, thìa, bình rượu, lư hương, thố có nắp… men trắng vẽ men lam; Có những chữ “Kim ngọc”, “Việt Lợi” trên muỗng, bình trà, ly nhỏ… có thể đó là tên tiệm bán đồ gốm đặt hàng. Ngòai ra còn sản xuất lọai chai gốm men trắng giống như chai thủy tinh. Sản phẩm lò Hưng Lợi làm bằng nặn tay, in khuôn, kết hợp bàn xoay. Hoa văn in khuôn, đắp nổi, chạm khắc, sau đó phủ hoặc tô men nhiều màu, thường là màu xanh đồng hay xanh lam, màu nâu hay đỏ.

Dấu tích khu lò gốm Cây Mai nằm ở sau chùa Cây Mai. Sản phẩm khu lò này gồm loại đồ gốm thông dụng có kích cỡ lớn, sản phẩm trang trí mỹ thuật, tượng đất nung và đồ sành men màu. Lọai sản phẩm độc đáo và đặc trưng của gốm Cây Mai sản xuất vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là gốm men nhiều màu như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng… gồm nhiều kiểu tô, chén, dĩa, muỗng, bình, cốc, đôn, chậu kiểng, lư hương, bát nhang, tượng thờ; gốm trang trí kiến trúc như long (rồng), voi, ngựa và các quần thể tiểu tượng.
                                                                                                           
 Trên nhiều đồ gốm Sài Gòn còn ghi năm sản xuất và tên điếm (tiệm), diêu (lò), như : tượng Giám Trai ở chùa Giác Viên (quận 11), ở góc dưới bên phải có ghi “Đề ngạn, Nam Hưng Xương, Điếm Tố”, “Canh Thìn Trọng Đông Cát Đán Lập” (1880). Ở miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu Hội quán - quận 1) trên quần thể tiếu tượng gốm ở phần sân miếu có những bảng gốm chữ nổi “Lương Mỹ Ngọc Điếm tạo” (tiệm Lương Mỹ Ngọc tạo), “Quang Tự Thập Tam Niên”(1887) và “Thạch Loan Mỹ Ngọc tạo” (lò Mỹ Ngọc ở Thạch Loan tạo), “Quang Tự Đinh Hợi Tuế (1887). Cũng ngay trên quần thể tiếu tượng này còn có những bảng gốm khác ghi “Đề Ngạn Bửu Nguyên Diêu tạo” (lò Bửu Nguyên ở Đề Ngạn làm), “Dân Quốc, Tân Dậu Trùng Kiến” tức trùng tu năm Tân Dậu, Trung Hoa Dân Quốc (1921).
 Chữ Diêu còn gặp ở một số di tích khác như ở đình Minh Hương Gia Thạnh (Quận 5), trên quần thể tiếu tượng bằng gốm có ghi “Mai Sơn, Đồng Hòa Diêu Tạo” (lò Đồng Hòa - Mai Sơn tạo), “Thiên Liên, Tân Sửu Niên Lập” (1901) hoặc ở miếu Thiên Hậu (Tuệ Thành Hội quán - quận 5) trên những quần thể tiếu tượng gốm trang trí trên nóc miếu có ghi “Bửu Nguyên Diêu Tạo”, “Mậu Thân Niên Lập” (1908); “Đồng Hòa Diêu Tạo” (lò Đồng Hòa tạo), “Quang Tự Mậu Thân”…


Hiện nay, sản phẩm gốm Cây Mai vẫn còn được lưu giữ trong dân gian, trong các đình miếu, hội quán ở Nam Bộ với các sản phẩm dân dụng như: ơ, siêu, bát, bình, lu, hũ, thống có nắp, khạp có nắp, chậu tròn, chóe có quai, đôn tròn, đôn lục giác, lân, gạch trang trí hình vuông… Có thể nói gốm Sài Gòn đặc biệt phát triển vào nửa sau thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, sản phẩm được sử dụng không những ở Nam Bộ mà còn được ưa chuộng ở nhiều nơi khác nữa.
 Gốm Biên Hòa.  Từ khỏang đầu thế kỷ XX vùng Sài Gòn – Chợ Lớn đô thị hóa khá nhanh, khu vực xóm Lò Gốm mất dần những ưu thế so với vùng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu. Trường Mỹ nghệ Biên Hòa thành lập vào năm 1903 đã tập hợp được nhiều nghệ nhân làm gốm. Dần dần gốm Biên Hòa trở nên nổi tiếng . Gốm Biên Hòa thiên về trang trí hoa văn dày đặc bao quanh sản phẩm bằng phương pháp vẽ nét chìm hoặc lấy nét chìm kết hợp với trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men không có sự phân biệt giữa men và màu ve. Hoa văn trang trí hình rồng hay “cúc hóa long”, hoa mai… khá đặc sắc. Sản phẩm gốm Biên Hòa đa dạng bao gồm bình bông, hũ, lọ, chóe, chậu, đôn, đôn voi, bộ bàn ghế tròn, đèn lồng, đĩa trang trí, tượng voi, tượng lân, tượng người… Loại chóe men đen hoặc men nâu hoa văn khắc chìm sản xuất ở Biên Hòa còn cung cấp cho nhiều khu vực ở Tây Nguyên. Một loại sản phẩm gốm Biên Hòa vẫn được sản xuất nhiều là các loại lu đựng nước bằng đất nung không men.
Cho đến nửa sau thế kỷ XX gốm mỹ nghệ Biên Hòa vẫn được xuất khẩu đi Liên xô (cũ) và nhiều nước Đông Âu.

Gốm Lái Thiêu ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Gốm sứ Lái Thiêu có các trường phái (theo nguồn gốc của các chủ lò gốm) như  trường phái Quảng Đông sử dụng men nhiều màu chuyên sản xuất các tượng trang trí, các loại chậu, các loại đôn voi; trường phái Triều Châu sử dụng men xanh trắng chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng như chén, đĩa, tô và các loại bình trà, bình rượu; trường phái Phúc Kiến sử dụng men màu đen, men da lươn, chuyên sản xuất chóe, lu, vại, hũ, vịm. Trong đó gốm men nhiều màu Lái Thiêu được sản xuất hàng lọat, hiện nay còn được lưu giữ khá nhiều trong dân gian, trong các bảo tàng cũng như trong các sưu tập tư nhân. Gốm men nhiều màu Lái Thiêu với nguồn nguyên liệu địa phương kết hợp với kỹ thuật truyền thống của người Hoa và cả người Việt đã tạo nên một dòng gốm men nhiều màu rất bình dị, dân dã mà cũng rất thanh thóat, độc đáo.

 Hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu có nhiều dạng khác nhau, thường theo xu hướng đồ án hóa, đường nét to, thô nhưng không vì thế mà kém trau chuốt, sinh động. Nội dung tranh vẽ lấy hoa lá làm thể chính, chiếm số lượng nhiều nhất là đồ án hoa mẫu đơn  được bố cục chặt chẽ: Mẫu Đơn với chữ Thọ; Mẫu Đơn Kê (hoa mẫu đơn với gà trống); Mẫu Đơn Điểu (hoa mẫu đơn với chim). Ngoài ra còn có các đồ án: Tùng Hạc, Hoa Lan, Hồng Điệp (hoa hồng với bươm bướm), Lý Ngư (cá chép), và vẽ Sơn Thủy phong cảnh hữu tình… Đặc biệt đồ án tranh “cát tường” với hình ảnh con gà trống trên tô, đĩa.. đã trở thành “thương hiệu” của gốm men màu Lái Thiêu.
Thị trường của gốm Nam bộ là cả miền Đông và Tây Nam bộ, thậm chí cả một phần Tây Nguyên và Campuchia. Trong nửa đầu thế kỷ 20 khi thương nghiệp Nam – Bắc phát triển mạnh thì gốm Nam bộ còn theo chân các thương nhân ra miền Bắc miền Trung, có mặt trong nhiều nhà giàu có và một số đình chùa... Nếu không xuất phát từ đặc điểm lịch sử - xã hội và đặc trưng văn hóa Nam bộ để nghiên cứu thì dễ quan niệm rằng, gốm Nam bộ không có giá trị đặc biệt, vì niên đại muộn và tính mỹ thuật không cao vì quá... bình dân.
Gần đây giới sưu tầm cổ vật đã tổ chức một cuộc Hội ngộ „Gốm Nam bộ”. Đây là một họat động của cộng đồng yêu thích cổ vật, do cộng đồng tổ chức và vì lợi ích của cộng đồng. Những họat động như thế này chính là thực hiện „xã hội hóa” việc bảo tồn di sản văn hóa, nhưng xuất phát từ cộng đồng chứ không trông chờ phụ thuộc vào sự tổ chức của nhà nước. Qua đó cộng đồng sưu tầm cổ vật cũng có dịp gặp gỡ trao đổi, nâng cao sự hiểu biết về cổ vật, giá trị của di sản văn hóa càng được phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội.

Tài liỆu THAM KHẢO

1)      Mr Derbès 1882
Etude sur les industries de terres cuites en Cochinchine, excursions et reconnaissances, Saigon , p. 383 – 450.
2)      Gia ĐInh phong cẢnh vỊnh 1977.Trương Vĩnh Ký ghi chép, Nguyễn Đình Đầu giới thiệu, nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
3)       Kerry NguyỄn Long 2002
Gồm Biên Hòa trong dòng giao lưu văn hóa, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh  con người và văn hóa trên đường phát triển, Nhà xuất bản Trẻ, trang 373 – 378.
     
4)      Litana – NguyỄn CẨm Thúy chỦ biên 1999.
Bia chữ Hán trong Hội quán người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
5)      MỸ ThuẬt Bình Dương xưa và nay 1998
Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương
7)  NguyỄn Đình ĐẦu 1987
Địa lý lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí Văn hóa Thành phố                        Hồ Chí Minh, tập 1, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
8) NguyỄn ThỊ HẬu – ĐẶng Văn ThẮng 2001
Kỹ thuật sản xuất của lò gốm cổ Hưng Lợi, (quận 8 - Thành phố Hồ Chí Minh), tạp chí Khảo cổ học số 2 – 2001, trang 101-122.
9)TrỊnh Hoài ĐỨc 1972
Gia Định Thành Thông Chí, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn.



GIỚI THIỆU SÁCH "NHẬT KÝ DỌC ĐƯỜNG LƯU DIỄN"

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch sinh ngày 12-3-1922, tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tham gia Cách mạng từ “mùa thu rồi, ngày  hăm ba…”, từ năm 1945 đến ngày ông mất, 1 – 10 - 1985, đối với ông sáu mươi ba tuổi đời và bốn mươi năm tuổi nghề thật khó có thể tách rời lý lịch nghệ sĩ và lý lịch chiến sĩ.
Gia đình nghèo, ông thân sinh dù phải mướn ruộng của địa chủ để làm nhưng vẫn ráng chắt bóp cho Nguyễn Ngọc Bạch được đi học. Với sự giúp đỡ của người anh lớn là Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (1), Nguyễn Ngọc Bạch theo học trường Lasan Taberd tại Sài Gòn và trở thành thày giáo. Từ nhỏ ông đã ham thích “hát xướng” và tình yêu thời thơ bé đó cứ lớn dần, lớn dần trong giấc mộng đẹp của thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Bạch. Năm 1941 khi là thầy giáo ở trường huyện Chợ Mới, chỉ với cây măng-đô-lin ông đã say sưa dạy học trò các ca khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác cho phong trào yêu nước tiền khởi nghĩa. Ông còn tập hợp một số thanh niên trong quận, tập tuồng Hận thâm cung để biểu diễn lấy tiền nuôi học trò nghèo.
Từ ham thích sân khấu, ý thức làm việc nghĩa đã đưa ông đến hành trình của người nghệ sĩ Cách mạng một cách tự nhiên. Tuổi trẻ của ông đã trôi đi trên sân khấu lưu động đủ loại. Bất cứ địa điểm nào cũng có thể thành sân khấu cho kịch đoàn của ông biểu diễn. Bà con Nam bộ vùng giải phóng thời kháng chiến chống Pháp vẫn được coi những vở diễn: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Hai chiếc xuồng, Bạch Mao Nữ do kịch đoàn “Cửu Long Giang” phục vụ. Trên sân khấu kháng chiến, ông đã dàn dựng nhiều vở diễn mà kịch bản cũng do ông sáng tác như: kịch Sanh khổ, Bình minh, Một cuộc du lịch, Bán lúa rẻ, Giữ trâu, Ông Hai Hiền, vở cải lương Xử tội Bẹt-na, ca kịch Giác ngộ, Giữ lúa … Tiếc rằng nhưng kịch bản đó không còn được lưu giữ đến nay.
Sau ngày tập kết ra Bắc, Nguyễn Ngọc Bạch đã cùng với Nghệ sĩ nhân dân Tám Danh dàn dựng các vở: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Nàng tiên Mẫu Đơn, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Khuất Nguyên, Người con gái Đất Đỏ, Thạch Sanh, Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Tình riêng nghĩa cả… Tập thể Đoàn Cải lương Nam Bộ bằng hình tượng nghệ thuật của các vở diễn đã phản ánh cuộc đấu tranh anh hùng của đồng bào miền Nam yêu thương. Là một nghệ sĩ Cách mạng, thành tích nghệ thuật của ông đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc, soạn kịch, đạo diễn như: giải thưởng của báo “Tiếng súng kháng địch” cho hai bài hát “Cương quyết ra đi” và “Nguồn sống mới” (1947); giải khuyến khích của Chi hội Văn nghệ cho vở kịch Bán lúa rẻ hay là Tấm lòng vàng (1952); giải đặc biệt của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ về “Công lao đóng góp cho nền sân khấu Nam Bộ” (1953); giải nhất Hội diễn vở Máu thắm đồng Nọc Nạn (Phạm Ngọc Truyền biên kịch; Tám Danh, Ngọc Bạch đạo diễn, năm 1958); huy chương bạc về đạo diễn vở Người con gái Đất Đỏ (Tám Danh, Ngọc Bạch, Ngô Y Linh đạo diễn – 1962); Huy chương vàng về đạo diễn vở Bên dòng Nhật Lệ (Ngọc Bạch, Thành Ý đạo diễn – 1970). Ông được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1982 và truy tặng huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1999.
Thế nhưng phần thưởng mà Nguyễn Ngọc Bạch quý hơn tất cả, chính là lòng yêu mến của nhiều thế hệ đồng nghiệp dành cho ông. Liên tục phụ trách lãnh đạo các đoàn văn công kể từ ngày 23-9-1945, ông đã làm trưởng đoàn “Cứu quốc kịch đoàn”, “Đoàn tuyên truyền xung phong”, “Đoàn tuyên truyền lưu động” (thuộc ban tuyên truyền tỉnh Long Xuyên); “Đoàn tuyền bá vệ sinh” (Sở Y tế Nam Bộ); “Đoàn Văn nghệ lưu động” (Sở Thông tin Nam Bộ); “Đoàn Ca kịch Cửu Long Giang” (Chi hội văn nghệ Nam Bộ); “Đoàn Văn công Nam Bộ” (tập kết thuộc Bộ Văn hóa); “Đoàn Cải lương Nam Bộ” (Bộ Văn hóa); Đoàn kịch Nam Bộ” (Bộ văn hóa); “Đoàn kịch Cửu Long Giang” (Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh). Có thời gian ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam (1964 -1971) và từ 1981 là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Dù là lãnh đạo nhưng đối với anh chị em văn nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Bạch bao giờ cũng là người bạn có tâm hồn trong sáng, bộc trực; một “huynh trưởng” nghiêm khắc, nhưng rất giàu tình cảm và cởi mở, chân thành. Kính trọng và quý mến, bạn bè, đồng nghiệp thường gọi ông là “anh Bảy”, “chú Bảy Bạch” hay có khi chỉ thân thương là “Bảy”.
Qua các thời gian phụ trách nhiều đoàn nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Bạch đã đi phục vụ nhân dân suốt chiều dài đất nước. Từ vùng biển tới núi cao, từ Bắc vô Nam, từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ. Và trên mỗi chặng đường lưu diễn ông đã ghi lại cho mình những suy nghĩ, cảm nhận, trăn trở… về nghề nghiệp, về tình nghĩa của những người nghệ sĩ. Ông viết nhật ký không đều đặn, có nhiều giai đoạn nhật ký của ông là những ghi chép như truyện ngắn, ký sự, hồi ký, cả đề cương bản thảo công trình nghiên cứu về sân khấu cải lương… mà phần lớn đã được Vũ Kim Sa tập hợp trong cuốn “Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu” (2). “Nhật ký dọc đường lưu diễn” là cuốn sách thứ hai của ông do  gia đình tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản. Cuốn nhật ký dừng lại chỉ vài tháng trước ngày ông mất, trong sách có nhắc đến nhiều văn nghệ sĩ cùng thời với ông, nhiều người còn sống nhưng có người đã khuất, cả những chuyện thế sự buồn vui… nhưng vẫn đầy ắp sự nhân hậu và ấm áp tình người. Những người tổ chức bản thảo giữ nguyên những chữ viết tắt tên người để tôn trọng nguyên bản. Có thể nhận thấy hai cuốn sách này bổ sung cho nhau cả về thời gian và không gian, giúp cho bạn đọc hiểu thêm về một thời kỳ của sân khấu Việt Nam qua góc nhìn của một người nghệ sĩ cả cuộc đời gắn liền với những chuyến đi và ánh đèn sân khấu.
Có một tình yêu bồng bột mà sâu nặng; sôi nổi, mãnh liệt mà tha thiết, thủy chung – Đó là mối tình của Người Nghệ sĩ hiến dâng cho sự nghiệp sân khấu cải lương Nam bộ nói riêng và sân khấu Việt nam nói chung. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch đã sống với một tình yêu như thế.

                                                                                                                                        

                                                                           Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh 
Tháng 2-2012



(1) Bác Sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Hưởng, Anh hùng Lao động, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội,  nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
(2) Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu. Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM, 2004.

SÁCH MỚI VỀ KHẢO CỔ


Sách mới của mình đây, bạn nào quan tâm về khảo cổ học thì ủng hộ nhé. Sách có bán tại Hội sách TPHCM từ 19/3 - 25/3/2012 (công viên Lê Văn Tám). Cám ơn nhiều :)

THỊ TRẤN PHÓ BẢNG (Đồng Văn _ Hà Giang)


Phó Bảng là thị trấn thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Thị trấn cách thành phố Hà Giang 117 cây số. Thị trấn có khoảng 500 nhân khẩu, chủ yếu là người Hoa và H'mông. Phó Bảng liên thông với huyện Ma Ngán Sán, Trung Quốc qua cửa khẩu Phó Bảng cách thị trấn 3 km. Thị trấn nổi bật với những ngôi nhà trình trường tường làm bằng đất.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...