1. Những lần tham dự tọa đàm, hội thảo chủ đề về vai trò người phụ nữ trong xã hội hiện đại, thế nào là người phụ nữ thành đạt, những thách thực và khó khăn của người phụ nữ hiện đại, vân vân và vân vân… tôi thấy các diễn giả - phần lớn là nam giới, sau khi (bằng nhiều cách khác nhau) ca ngợi phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” thì đều trình bày suy nghĩ, mong muốn, đòi hỏi của mình về một hình mẫu “phụ nữ thành đạt”. Thử xem quan niệm phổ biến về “người phụ nữ thành đạt” hiện nay như thế nào?
Đó là người phụ nữ thành công về nghề nghiệp, hoặc là chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra, hoặc là có chức vụ lãnh đạo quản lý trong công ty, cơ quan nhà nước, hoặc có học hàm học vị về khoa học… Đồng thời những người phụ nữ ấy (lại còn) có một gia đình hạnh phúc chồng yêu con giỏi như họ bộc lộ Sau khi chỉ ra những đặc điểm thành đạt của phụ nữ, các diễn giả lại đi tìm ra ưu điểm, nhược điểm của phụ nữ, rồi lại mong muốn họ sẽ khắc phục nhược điểm thế nào, phát huy ưu điểm ra sao, có khi còn đưa ra những “giải pháp” khả thi để giúp chị em trở thành người thành đạt… Đại để phụ nữ thành đạt (phải) là người thông minh, xinh đẹp hoặc biết làm cho mình trở nên xinh đẹp, trong các mối quan hệ phải biết phát huy sự mềm mỏng dịu dàng, lúc cần thiết thì quyết đóan mạnh mẽ như/ hơn nam giới, thậm chí là người cứng rắn không còn chút “nữ tính” nào.
Thiệt tình tôi không mấy cảm tình với cụm từ “phụ nữ thành đạt”, bởi vì, sau nó người ta luôn lý giải nguyên nhân thành đạt của phụ nữ bằng thái độ của sự phân biệt giới một cách vô tình hay hữu ý. Cứ như thành đạt là một đặc quyền của nam giới, vì vậy khi “phụ nữ (mà cũng) thành đạt” lập tức được “mổ xẻ” để khen ngợi động viên hay khuyên bảo chê trách. Và cứ theo những gì mọi người mong muốn hy vọng đòi hỏi thì những người phụ nữ thành đạt của chúng ta luôn giỏi về công dung ngôn hạnh, tuyệt vời từ trong bếp đến phòng ngủ, đáng yêu từ trong nhà ra ngòai xã hội… Tóm lại là phải hòan hảo trong vai vợ ngoan mẹ giỏi con dâu thảo hiền. Quan niệm này phổ biến ngay trong nữ giới, giữa phụ nữ với nhau dường như có tâm lý đòi hỏi và đánh giá về nhau khắt khe hơn thì phải? Cứ đọc báo và tạp chí của/ dành cho phụ nữ (nhưng rất nhiều nam giới đọc) mà xem.
2. Trong cuộc sống, tôi rất thán phục và quý trọng những người phụ nữ thành đạt thực sự, đồng thời cũng vô cùng thông cảm vì họ luôn chịu sức ép từ những mặc định trên. “Không may” cho chị em nào thành đạt mà muộn chồng chậm con hay gia đình không tròn vẹn… thì sẽ luôn phải trả lời những câu hỏi như, tại sao chưa tìm thấy một nửa của mình, phải chăng vì tiêu chuẩn cao quá, vì chị (mải lo làm ăn) mà không chu toàn vai trò người vợ người mẹ chăng… Những câu hỏi như vậy đến từ gia đình, từ cơ quan và… từ báo chí. Không chỉ vậy, nguồn gốc thân thế gia cảnh của các chị cũng được quan tâm. Nếu “lỡ” xuất thân từ “4 C” (con cháu các cụ) thì “dư luận” xã hội có khi đánh giá không được công bằng đối với thành công hay thất bại của những phụ nữ thành đạt này. Nếu thành công thì “đương nhiên, con cháu các cụ mà, ai có lý lịch/ ô dù/ quen biết… như thế mà chả thành công”; còn nếu thất bại thì “con ông cháu cha mà, chỉ biết ăn chơi, làm ăn gì”… Là “người của công chúng” dù muốn hay không các chị phải đối mặt với tất cả những dư luận tốt xấu, cảm thông hay chỉ trích mà dường như ít khi có được sự khách quan và công bằng.
Tôi thì cho rằng, dù xuất thân như thế nào, có “bệ phóng” hay không, những người phụ nữ thành đạt thực sự đều là những người tài năng thực sự, bởi, hoàn cảnh gia đình chỉ là một trong những điều kiện. Điều kiện này có thể là tài chính, có thể là những mối quan hệ xã hội, có thể là một nền học vấn được đào tạo bài bản. Không thể phủ nhận những điều kiện này vô cùng quan trọng, nhưng nếu họ không có sự say mê, tâm huyết, thậm chí lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khi cả tuổi thanh xuân cả cuộc sống riêng tư của họ phải nhường cho sự nghiệp… thì họ khó có thể thành công. Những phụ nữ có bản lĩnh trong sự nghiệp thường cũng rất bản lĩnh trong cuộc sống, họ không hay than vãn về những khó khăn hay kể lể về sự không may của mình, họ thường “ráng chịu” một cách tích cực: âm thầm và hết mình thực hiện công việc mà mình tâm huyết; và nếu vì lý do gì đó mà hạnh phúc riêng không tròn vẹn, họ đủ tự tin để một mình đi tiếp đoạn đường dài còn lại…
Mọi người vẫn nói “phía sau thành công của một người đàn ông luôn có một người phụ nữ” (bây giờ người ta còn nói “phía sau thất bại của một người đàn ông thường có… nhiều phụ nữ!”). Mong sao bên cạnh những người phụ nữ thành đạt của chúng ta luôn có một người đàn ông vững vàng, bởi vì, tôi nghĩ, phụ nữ sẽ không thất bại nếu bên cạnh họ luôn có một người đàn ông thật sự.
Tất nhiên không loại trừ có người “thành công vì sau họ có nhiều người đàn ông!”, có người thành công thì ít mà “thành danh” vì những việc ngoài sự nghiệp thì nhiều… Nhưng, như một tấm gương, cuộc sống sẽ trả lại cho mình những gì mà mình mang đến cho cuộc sống. Mang đến lao động trung thực hết mình hay những mưu mô thủ đoạn trên “con đường tắt” của số phận, mang đến lòng nhân hậu sự bao dung hay những đố kỵ nhỏ nhen ghen ghét trong cuộc sống, mang đến những nụ cười hay gương mặt nhăn nhó khó đăm đăm… Sự lựa chọn ấy do mỗi người tự quyết định, cũng chính là quyết định số phận của bản thân mình.
Cuộc đời tuy ngắn nhưng công bằng lắm, phải không…
3. Riêng tôi, nếu là một người “phụ nữ thành đạt” như trên thì… kể ra cũng mệt mỏi lắm lắm… Cứ (luôn phải) hòan hảo ở bất kỳ môi trường hoàn cảnh nào, giống như người mẫu phải mặc những bộ quần áo không phải của mình, biểu diễn trên sân khấu liên tục với gương mặt dáng người bước đi theo đúng khuôn mẫu bài bản. Làm người mẫu còn có lúc được nghỉ ngơi chứ đã là “phụ nữ thành đạt” cứ như bị đặt trên “bàn thờ” mà nhiều khi, chỉ là kiểu bàn thờ ông Thiên chơ vơ ngoài sân hay bàn thờ ông Địa nép trong góc nhà, có hay không cũng không sao, cần thì người ta cúng nải chuối ly nước, không cần thì đến một nén nhang người ta cũng quên tuốt.
(Viết đến đây tự nhủ, không khéo có người lại bảo: ôi giời, cứ nói thế vì… Nho hãy còn xanh lắm, hehe…)
Thôi cứ là một người phụ nữ bình thường cho lành. Có một nghề tử tế để làm, kiếm được ít tiền để khỏi quá phụ thuộc vào người khác, thi thỏang có vài niềm vui nho nhỏ, giản dị từ gia đình, con cái, bạn bè; có thời gian mỗi ngày lướt mạng chia sẻ vui buồn. Và khi cáu giận bực bội thì có thể “dang tay giữa trời mà… hét”.
Một lúc nào đó đã ngộ ra, với mình, thế là “thành đạt” lắm rồi, chẳng cần gì hơn nữa.
bên em có vụ như này: danh hiệu phụ nữ thành đạt , phụ nữ ưu tú, phụ nữ đảm đang không bao giờ trao cho người phụ nữ độc thân. Hỏi tại sao thì được trả lời : phải có chồng mới đủ tiêu chuẩn cho những danh hiệu trên . Bó tay :-P
Trả lờiXóaQuái gở!!!
Trả lờiXóaTiti: Phụ nữ thành đạt là phụ nữ thành đạt. Phụ nữ có chồng là phụ nữ có chồng. Phụ nữ thành đạt mà phải có chồng thì là phụ nữ thành đạt có chồng. Đấy là 3 khái niệm hoàn toàn độc lập nhau chứ!
Trả lờiXóahaukhaoco: Bạn không phải là phụ nữ thành đạt, mà là phụ nữ rất thành đạt bạn ạ!
Trả lờiXóa@ A. Thụy: với nghĩa "thành đạt" như đọan cuối entry này thôi anh ạ. Còn thì mọi cái đều là phù du thôi...
Trả lờiXóa