Từ nhiều năm nay hiện tượng “lấy chồng ngoại quốc” ở miền Tây Nam bộ theo kiểu “mai mối” mà thực chất là mua bán các cô gái trẻ qua tay những tú bà, tú ông là một thực trạng khá phổ biến. Hầu hết các cô gái trẻ “nhắm mắt đưa chân” lấy chồng nước ngoài coi đó là một cách để giúp đỡ gia đình, một cách để thoát khỏi cảnh nghèo túng ở nông thôn. Nhiều thảm cảnh đã xảy ra mang đến biết bao đau khổ cho các cô dâu và gia đình của họ. Báo chí và dư luận xã hội đã lên tiếng cảnh báo rồi báo động, nhưng dường như hiện tượng này chỉ lắng xuống rồi thỉnh thoảng lại bùng phát… Ngay trong ngày 8 tháng Ba năm nay truyền thông lại đưa tin về cái chết thảm của cô dâu Việt ở Hàn Quốc.
Mỗi khi có thảm cảnh xảy ra dư luận xã hội lại lên tiếng tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm: Do nghèo đói, do thất học, do thiếu thông tin, do không được tư vấn và hướng dẫn… Nhưng nói cho cùng, ngay cả vì những nguyên nhân đó thì các cô gái này có lỗi gì khi họ không có điều kiện học hành, không có ai và có cách nào khả dĩ giúp họ có được sự hiểu biết tối thiểu về cuộc sống, hôn nhân và gia đình ở những nơi xa lạ ấy? Các cô có lỗi gì khi trên truyền hình trên các tạp chí tràn ngập những hình ảnh những bộ phim Hàn Quốc, Đài Loan miêu tả cuộc sống đủ đầy vật chất, về những tình yêu lãng mạn toàn tuyết trắng biển xanh? Các cô gái có lỗi gì khi mà trong gia đình, những người đàn ông, những người cha người anh vẫn đành lòng để cho con em mình nhắm mắt đưa chân theo những người đàn ông xa lạ cưới vợ như mua một món hàng???
Chúng ta vẫn giáo dục con cái chúng ta rằng, sự hy sinh vốn là một thuộc tính của phụ nữ. Nhìn chân dung phụ nữ Việt Nam mà con em ta được học trong nhà trường thì đâu thiếu những tấm gương như thế: Cô Kiều “bán thân chuộc cha”, chị Dậu bán con gái, đi làm vú trả nợ thay chồng… Ngẫm ra sao mà đàn bà lại “được” gánh nhiều trách nhiệm đến thế?! Giá trị văn học của những tác phẩm lớn là bất biến, nhưng nếu giá trị đạo đức thời phong kiến vẫn được “cổ súy’ ngay trong trường học thì xã hội vẫn mặc nhiên cho rằng, phụ nữ là người phải gánh vác khó khăn trong gia đình!
Hiện nay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… cũng tràn ngập các cô gái trẻ. Họ chấp nhận xa gia đình, đơn độc từ miền Bắc, miền Trung vào làm việc mong kiếm được đồng tiền nuôi sống bản thân và dành dụm gửi về giúp đỡ cha mẹ, anh em. Họ lao động cực nhọc thế nào, sống cực khổ thế nào, báo chí cũng đã nói đến rất nhiều! Rồi những người phụ nữ trong lực lượng “xuất khẩu lao động” ra nước ngoài cũng vậy. Những tiếng kêu cứu của các chị em từ nơi này nơi khác khi bị lâm vào cảnh “đem con bỏ chợ” vẫn làm nhức nhối chúng ta!
Tại sao nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn còn phải hy sinh nhọc nhằn như thế?! Nếu cứ mãi đổ lỗi cho cái nghèo cái dốt của từng cá nhân từng gia đình thì sẽ vẫn còn tiếp diễn cảnh “bán thân” cho “chồng ngoại” hay chịu phận hèn mọn khi làm ôsin ở nước ngoài, hay bán sức lao động cho các công ty nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất… Thực chất thân phận những người phụ nữ này có khác gì nhau?!
Tuổi Trẻ, 10/3/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét