“MỘT NỬA HÀ NỘI” TRONG TÔI

 Nguyễn Thị Hậu (TS Khảo cổ học)

Viết cho cuốn này: 

 


Khu vực Nhà Thờ Lớn là nơi rất quen thuộc với người Hà Nội. Tôi thường ngồi ở quán cà phê quanh ở đó, ngắm nhìn những bức tường cao xám cũ kỹ đầy vẻ uy nghi nhưng xung quanh những bậc thềm rộng rãi lại là một hàng rào sắt. Không biết cái hàng rào có từ lúc nào, nhưng ngày tôi còn nhỏ những bậc thềm này là nơi người ta có thể tụ tập chuyện trò vui vẻ… Người có đạo hay không cũng thấy Chúa rất gần dù chưa bước chân vào bên trong nhà thờ. Bây giờ khi có cái hàng rào chỉ cao ngang ngực nhưng ngôi nhà thờ bỗng xa cách quá, dù tượng Đức Mẹ vẫn đứng đó bao dung với mọi người.

Nhà thờ Lớn Hà Nội được thiết kế theo phong cách Gotic trung cổ châu Âu với mái vòm uốn cong hướng lên bầu trời. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Cũng giống Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà thờ Lớn Hà Nội nhìn xa hay gần cũng đều mang lại cảm giác nặng nề, uy nghiêm và lạnh lùng. Có lẽ vì xây dựng ở Hà Nội – trung tâm chính trị văn hóa ngàn đời của vùng đất mới bị chiếm làm thuộc địa nên người Pháp chọn kiểu kiến trúc ấy như sự khẳng định quyền lực của chính quyền cai trị.

Nếu Nhà thờ Đức Bà Paris có cả một quảng trường rộng rãi phía trước để làm “nhẹ đi” hình khối to lớn đồ sộ xây bằng vật liệu “vĩnh cửu”, thì Nhà thờ Lớn Hà Nội lại có những con đường nhỏ rợp cây xanh bao quanh mang lại vẻ thân thiện cho nó. Đặc biệt Phố Nhà Thờ nhìn thẳng ra Hồ Hoàn Kiếm có lòng đường và vỉa hè thẳng và rộng rãi giống những con đường ở “khu phố Tây”, kết nối với khoảng không gian trước Nhà Thờ để trở thành một “quảng trường” vào dịp lễ trọng. Người Hà Nội vẫn coi khu vực Hồ Gươm - Nhà Thờ Lớn là trung tâm thành  phố, nhưng từ đây cũng có thể nhận ra “hai nửa” của Hà Nội: một bên là 36 phố phường cổ xưa hình thành từ thời kinh đô Thăng Long, một bên là “khu phố Tây” người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Trong khoảng hơn nửa thế kỷ, để chứng tỏ vai trò cai trị và thể hiện mong muốn biến Hà Nội – thủ phủ của Liên bang Đông dương – thành một “Paris thu nhỏ”, người Pháp đã quy hoạch và phát triển khu vực phía tây, nam và đông nam của “phố cổ” thành “khu phố Tây” theo những tiêu chí đô thị một cách chặt chẽ. Về cơ bản có thể nhận biết “một nửa” mới này cấu trúc ô phố bàn cờ, lòng đường rộng, có vỉa hè rộng lát đá sạch sẽ, trồng cây xanh đô thị - loại cây lâu năm có tán lá rộng mát. Hạ tầng cấp thoát nước và hệ thống chiếu sáng hoàn thiện hơn khu phố cổ. Các công trình trong khu vực – nhất là mặt tiền các con đường - có kiến trúc kiểu châu Âu gồm biệt thự, dinh thự, công sở, công trình văn hóa, giáo dục, công trình công cộng... các công trình tách biệt xen vào đó là không gian xanh rộng rãi.

Những đặc điểm này ngày nay còn nhận biết được khá rõ, tuy nhiều công trình kiến trúc - nhất là biệt thự - đã biến dạng do quá trình chuyển đổi chức năng, do nhu cầu cư trú “tập thể” phải cơi nới và sửa chữa. Điều đáng mừng là từ đầu những năm 2000 đến nay việc bảo tồn và trùng tu nhiều công trình kiến trúc ở “khu phố Tây” đã được thực hiện và mang lại một diện mạo mới cho trung tâm Hà Nội: hiện đại mà cổ điển, thanh lịch mà vẫn thân thiện, gần gũi.

Việc người Pháp quy hoạch và xây dựng các đô thị thuộc địa thành “hai nửa” có diện mạo cảnh quan, kiến trúc khác nhau mà vẫn tạo ra mối liên kết do chức năng kinh tế - xã hội, do nhu cầu của cuộc sống... đã thể hiện rõ ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Sài Gòn.

Thành phố Sài Gòn hình thành từ “hai nửa”: khu vực hành chính – chính trị Thành Gia Định (Bến Nghé) trở thành khu phố mới theo kiểu phương Tây, có “ba đỉnh” là Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định và nhà thờ Huyện Sĩ. Khu vực kinh tế là Chợ Lớn “phố Tàu” về cơ bản giữ cấu trúc cũ nhưng chỉnh sửa và mở rộng đường phố. Cũng vậy, ở Hà Nội bên cạnh “khu phố cổ” buôn bán và thủ công nghiệp, là “khu phố Tây” hành chính – văn hóa, cũng có ba cái mốc là Nhà thờ Cửa Bắc, Nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàm Long. Cả hai “phố Tây” ở Sài Gòn và Hà Nội đều là khu vực làm việc, cư trú chủ yếu của người Pháp và tầng lớp giàu có. Tuy nhiên về không gian và cấu trúc, “hai nửa” của Hà Nội có thể phân biệt được nhưng không quá tách biệt và khác biệt nhau như Sài Gòn và Chợ Lớn.

Những ngôi nhà thờ kể trên là những dấu chỉ (landmark) – một đặc điểm thường có của đô thị phương Tây. Vì vậy, tuy xa Hà Nội đã nhiều năm nhưng trong ký ức của tôi nhà thờ Hàm Long rộn rã đêm Giáng sinh, tiếng chuông buổi lễ ngân dài theo con đường vàng lá rụng nơi Nhà thờ Cửa Bắc, và lòng nao nao khi nhớ về Nhà thờ Lớn vắng lặng sớm mùa đông Hà Nội mù sương…

Nhựng công trình kiến trúc ở đô thị là di sản văn hóa vật thể, trở thành ký ức cộng đồng – di sản văn hóa phi vật thể. Tập ký họa này như một sự di truyền ký ức và cảm xúc, đã góp phần bảo tồn và lưu giữ một phần tinh túy của di sản đó...

 Sài Gòn 16.7.2020

https://nguoidothi.net.vn/mot-nua-ha-noi-trong-toi-25913.html

 


MỘT ĐỜI SÂN KHẤU của Ba tôi - tái bản

 

VÀI NÉT VỀ NGHỆ SĨ ƯU TÚ, ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

VÀ CUỐN SÁCH “MỘT ĐỜI SÂN KHẤU" CỦA ÔNG

 

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch sinh ngày 12-3-1922, tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tham gia Cách mạng từ “mùa thu rồi, ngày  hăm ba…”, từ năm 1945 đến ngày ông mất, 1 – 10 - 1985, đối với ông sáu mươi ba tuổi đời và bốn mươi năm tuổi nghề thật khó có thể tách rời lý lịch nghệ sĩ và lý lịch chiến sĩ.

Tham gia cách mạng từ năm 1945 tuổi trẻ của ông đã đi cùng với những đoàn văn công mà ông phụ trách. Bà con Nam bộ trong vùng giải phóng thời kháng chiến chống Pháp vẫn được coi những vở diễn: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Hai chiếc xuồng, Bạch Mao Nữ do kịch đoàn “Cửu Long Giang” phục vụ. Trên sân khấu kháng chiến, ông đã dàn dựng nhiều vở diễn mà kịch bản cũng do ông sáng tác như: kịch Sanh khổ, Bình minh, Một cuộc du lịch, Bán lúa rẻ, Giữ trâu, Ông hai Hiền, vở cải lương Xử tội Bẹt-na, ca kịch Giác ngộ, Giữ lúa … Tiếc rằng nhưng kịch bản đó không còn được lưu giữ đến nay.

Sau ngày tập kết ra Bắc, Nguyễn Ngọc Bạch đã cùng với Nghệ sĩ nhân dân Tám Danh dàn dựng các vở: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Nàng tiên Mẫu Đơn, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Khuất Nguyên, Người con gái Đất Đỏ, Thạch Sanh, Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Tình riêng nghĩa cả… Tập thể Đoàn Cải lương Nam Bộ, bằng hình tượng nghệ thuật của các vở diễn đã phản ánh cuộc đấu tranh anh hùng của đồng bào miền Nam yêu thương. Là một nghệ sĩ Cách mạng, thành tích nghệ thuật ở anh đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc, soạn kịch, đạo diễn như: giải thưởng của báo “Tiếng súng kháng địch” cho hai bài hát “Cương quyết ra đi” và “Nguồn sống mới” (1947); giải khuyến khích của Chi hội Văn nghệ cho vở kịch Bán lúa rẻ hay là Tấm lòng vàng (1952); giải đặc biệt của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ về “Công lao đóng góp cho nền sân khấu Nam Bộ” (1953); giải nhất Hội diễn vở Máu thắm đồng Nọc Nạn (Phạm Ngọc Truyền biên kịch; Tám Danh, Ngọc Bạch đạo diễn, năm 1958); huy chương bạc về đạo diễn vở Người con gái Đất Đỏ (Tám Danh, Ngọc Bạch, Ngô Y Linh đạo diễn – 1962); Huy chương vàng về đạo diễn vở Bên dòng Nhật Lệ (Ngọc Bạch, Thành Ý đạo diễn – 1970). Ông được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1982 và truy tặng huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1999.

Liên tục phụ trách lãnh đạo các đoàn văn công kể từ ngày 23-9-1945, ông đã làm trưởng đoàn “Cứu quốc kịch đoàn”, “Đoàn tuyên truyền xung phong”, “Đoàn tuyên truyền lưu động” (thuộc ban tuyên truyền tỉnh Long Xuyên); “Đoàn tuyền bá vệ sinh” (Sở Y tế Nam Bộ); “Đoàn Văn nghệ lưu động” (Sở Thông tin Nam Bộ); “Đoàn Ca kịch Cửu Long Giang” (Chi hội văn nghệ Nam Bộ); “Đoàn Văn công Nam Bộ” (tập kết thuộc Bộ Văn hóa); “Đoàn Cải lương Nam Bộ” (Bộ Văn hóa); Đoàn kịch Nam Bộ” (Bộ văn hóa); “Đoàn kịch Cửu Long Giang” (Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh). Có thời gian ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam (1964 -1971) và từ 1981 là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù là lãnh đạo nhưng đối với anh chị em văn nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Bạch bao giờ cũng là người bạn có tâm hồn trong sáng, bộc trực; một “huynh trưởng” nghiêm khắc, nhưng rất giàu tình cảm và cởi mở, chân thành. Kính trọng và quý mến, bạn bè, đồng nghiệp thường gọi ông là “anh Bảy”, “chú Bảy Bạch” hay có khi chỉ thân thương là “Bảy”. Lòng yêu mến của nhiều thế hệ đồng nghiệp dành cho ông chính là phần thưởng mà Nguyễn Ngọc Bạch quý hơn tất cả.

Qua các thời gian phụ trách nhiều đoàn nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Bạch đã đi phục vụ suốt chiều dài đất nước. Từ vùng biển tới núi cao, từ Bắc vô Nam, từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ. Và trên mỗi chặng đường lưu diễn ông đã ghi lại cho mình những suy nghĩ, cảm nhận, trăn trở… về nghề nghiệp, về tình nghĩa của những người nghệ sĩ. Đó là những truyện ngắn, ký sự, hồi ký, cả đề cương bản thảo công trình nghiên cứu về sân khấu cải lương… Phần lớn tập hợp trong cuốn “Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu” đã được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2004 và Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tái bản 2020 nhân kỷ niệm 35 năm ngày ông mất.

Cuốn sách gồm 5 phần:

Phần 1. Một số ca khúc

Phần 2. Những mẩu chuyện kháng chiến

Phần 3. Hồi ký

Phần 4. Về kịch nói và sân khấu cải lương Nam bộ

Phần 5. Đề cương nghiên cứu

Phụ lục. Nhớ người ra đi

 Cuốn sách thể hiện những tâm huyết mà Nguyễn Ngọc Bạch đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển sân khấu Nam Bộ, vì mảnh đất và con người Nam Bộ chính là cái nôi nuôi dưỡng người nghệ sĩ - chiến sĩ trong ông. Đặc biệt, sân khấu Nam bộ với những đặc trưng và giá trị nhân văn của nó ngày càng trở nên quý giá, cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển vì đó là một phần quan trọng của bản sắc con người và lịch sử - văn hóa Nam bộ.






 

 

Từ hậu quả lũ lụt đến Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường KHÔNG CÔNG KHAI ĐTM.

 FB Lê Quỳnh - nhà báo chuyên viết về môi trường:

Từ hậu quả lũ lụt đến Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường KHÔNG CÔNG KHAI ĐTM.
Tạm lắng lại chuyện bão lũ, hôm nay mình quay lại chuyện công khai Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện nay.
Chúng ta đều biết, Luật BVMT hiện hành và Luật Tiếp cận Thông tin đều yêu cầu công khai ĐTM. Dù vậy, thực tế công chúng vẫn gần như không thể tiếp cận được ĐTM. Vấn đề này chưa được giải quyết thì bản Dự thảo Luật BVMT hiện nay lại "đột ngột" xuất hiện điều khoản KHÔNG CÔNG KHAI ĐTM.
Cho tới nay, sau nhiều tiếng nói lên tiếng phản đối (i), tại bản Dự thảo Luật này mới nhất, điều khoản công khai ĐTM đã được Bộ TNMT điều chỉnh nhưng bản chất lại là một sự lắt léo, hạn chế quyền tiếp cận ĐTM của cộng đồng. Cụ thể: tại Khoản 2 điều 39, cơ quan Nhà nước chỉ công khai Quyết định phê duyệt ĐTM. Còn Khoản 9 Điều 38 thì chủ đầu tư phải công khai ĐTM đã được phê duyệt. (ii)
Luật Tiếp cận Thông tin hiện nay chỉ có phạm vi điều chỉnh cơ quan Nhà nước, cụ thể (theo điều 14 Luật này), nếu cơ quan Nhà nước không cung cấp thông tin như quy định thì sẽ bị khiếu kiện, bị khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, Luật Tiếp cận thông tin lại không có điều chỉnh hành vi vi phạm đối với doanh nghiệp nếu họ không công khai ĐTM.
Vì vậy, cơ quan Nhà nước công khai ĐTM là tốt nhất. Việc cơ quan Nhà nước chỉ công khai QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT ĐTM là không đúng. Bản thân Quyết định phê duyệt ĐTM không phải là cơ sở khoa học cho các phản biện với những dự án có nghi vấn về môi trường sau khi nó đã được phê duyệt. Việc công khai ĐTM cũng không làm tiết lộ bí mật công nghệ hay kinh doanh của doanh nghiệp như một vài ý kiến của Bộ TNMT trước đây.
Việc công khai ĐTM cho phép và đảm bảo sự giám sát của cộng đồng, bên độc lập thứ 3, hạn chế các xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ môi trường. Nếu sự giám sát này bị triệt tiêu, trong tương lai chúng ta sẽ lại phải tiếp tục chứng kiến những hậu quả tàn khốc sau khi thiên nhiên, môi trường đã bị hủy hoại vì sự yếu kém, tham lam, cuồng vọng của con người.
---
Vào thứ 7 tuần này, dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo trước khi thông qua.
Luật Tiếp cận Thông tin:
Luật BVMT hiện hành:
Điều 131 Luật BVMT hiện hành nêu, ngoài những thông tin thuộc danh mục bí mất nhà nước thì thông tin môi trường phải công khai bao gồm:
a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải;
c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;
d) Các báo cáo về môi trường;
đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.
Điều 14 luật Tiếp cận Thông tin về Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo:
1. Người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này.
2. Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
3. Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.





Bão lũ miền Trung - thiên tai và nhân họa!

 @ Hội phụ nữ các nơi cần hoãn ngay việc tổ chức lễ kỷ niệm trong khi miền Trung đang bị lũ lụt tàn phá, người dân đang khốn khó! Mỗi Hội chỉ cần đóng góp "vài lẵng hoa chào mừng" là nhiều bà con miền Trung có thêm chai nước sạch, thùng mì, chiếc áo phao. NGHĨA ĐỒNG BÀO LÀ NHỮNG LÚC NHƯ THẾ NÀY!


@ Đến giờ này vẫn chưa công bố tình trạng khẩn cấp vì lũ lụt, nhằm "Ưu tiên cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và của nhân dân; ưu tiên ứng cứu các địa bàn bị hậu quả nặng; hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thảm hoạ và dịch bệnh gây ra"
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Quy định chi tiết thi hành một số điều của
Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm hoạ lớn, dịch bệnh nguy hiểm

@ Đêm qua đọc những tin nhắn kêu cứu của người dân Quảng Trị, Quảng Bình... xót xa và không thể không nghĩ: thiên tai chỉ một phần vì năm nào cũng vậy, nhưng nhân tai nhiều hơn vì đã không ứng xử đúng với môi trường, khai thác cạn kiệt rừng, xây thủy điện tràn lan, để cho năm nào dân cũng phải hứng chịu những cơn mưa lũ khủng khiếp!



@ Xin chào các anh
Người lính của nhân dân
Trái tim chúng tôi
Kết thành những tràng hoa
Tiễn đưa các anh
Về với lòng đất Mẹ


@ Thôi, Sài Gòn mưa to cũng được, nhưng đừng mưa ở miền Trung nữa, nơi đó hết chỗ để ngập rồi :(




#vunvatdoithuong

Phát huy di sản tinh thần của nhân dân TPHCM

 https://www.sggp.org.vn/phat-huy-the-manh-phat-trien-dot-pha-thanh-pho-691439.html?fbclid=IwAR2S2qoLdIUenn025aNzy6tPkioLGYhwwoELI2NnfyRU_A5GdGfXk5ID-8Q

TS NGUYỄN THỊ HẬU, Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM:

Phát huy thế mạnh, phát triển đột phá thành phố ảnh 1

Phát huy di sản tinh thần của nhân dân TPHCM

Mục tiêu hình thành “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, phát triển các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân TPHCM là điều cần thiết và không thể thiếu trong việc xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội của thành phố. Những đặc trưng của “con người Sài Gòn - TPHCM” được hình thành và cô đúc từ quá trình lịch sử và hoàn cảnh xã hội đặc thù, đã trở thành một di sản tinh thần của nhân dân TPHCM, đồng thời còn được coi là đại diện cho văn hóa của cả Nam bộ.

Trong mục tiêu xây dựng “TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình” thì “nghĩa tình” chính là sự tiếp nhận và kế thừa một phẩm chất của nhân dân thành phố. Chữ “nghĩa” ở đây không chỉ là tình nghĩa mà còn là nghĩa khí.

Muốn giữ gìn và phát triển những đặc trưng tốt đẹp như nghĩa tình, khoan hòa, cởi mở trong quan hệ xã hội, sáng tạo linh hoạt trong lao động sản xuất, thẳng thắn dũng cảm trong đấu tranh với cái xấu, bảo vệ điều tốt... thì chính quyền phải tạo điều kiện nuôi dưỡng và bảo vệ những phẩm chất ấy.

Chúng tôi mong muốn Đảng bộ và chính quyền TPHCM cần quan tâm thực sự và cụ thể hơn đến việc bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn - TPHCM. Làm sao để hiện đại hóa - đô thị hóa không mâu thuẫn với bảo tồn di sản mà là tiền đề của nhau để thành phố phát triển bền vững.

Ý THỨC.

 @ Mình copy lại stt này (vì bạn ko để chế độ share), về việc con gái bạn bị nhiều người share hình ảnh khắp nơi và nhận xét bằng những từ ngữ khủng khiếp, nhân một việc làm của ông ngoại cháu.

Một lần nữa nói lại nguyên tắc chơi MXH của mình: không bao giờ tùy tiện post, share hình ảnh của cá nhân (không phải trên báo chí) nếu không được sự đồng ý của người ấy. Ngay hình ảnh bạn bè chụp chung với nhau mình cũng hiếm khi post, hình con gái hay cháu ngoại cũng chỉ post khi được chúng đồng ý.

Chuyện share hình ảnh, tin tức của mình cũng có nguyên tắc như vậy: hạn chế tối đa những gì mình chưa nắm chắc là “đúng”, nếu lỡ share tin giả hay ảnh chế thì xóa ngay khi biết sự thật. Hạn chế “đu trend” những chuyện tầm phào của truyền thông. Bạn nào hay share tin dỏm ảnh chế thì unfollow, bạn nào hay có stt hay comts ác ý, ác nghiệt một cách vô lý, gây ức chế cho người khác thì unfriend không cần báo trước!

MXH không phải là ảo mà sự tương tác, ảnh hưởng của nó là rất thật! Vì vậy làm ơn cẩn trọng chút khi share tin tức hình ảnh, cân nhắc khi nhận xét, comts... Tránh gây tổn thương cho người khác NHẤT LÀ VỚI TRẺ EM!

Đây là nguyên tắc sử dụng MXH của mình, ai không đồng quan điểm miễn tranh luận!

@ TỪ FB Hana Nguyễn

“Ba hôm nay mẹ cháu rất khủng hoảng tinh thần, đi đứng không vững, ăn uống không nổi. Cập nhật với các cô bác quan tâm đến cháu là FB đã trực tiếp liên hệ với mẹ cháu và gỡ ảnh cháu. Tuy vẫn còn rất nhiều ảnh trôi nổi trên mạng nhưng FB vẫn đang tích cực làm việc ạ.

Mẹ cháu cũng vô cùng biết ơn các cô bác đã động viên và thầm lặng giúp đỡ bằng cách liên hệ với các chủ TK để gỡ ảnh cháu, đăng bài kêu gọi không chia sẻ ảnh cháu, cảnh báo đến người quen về thông tin giả về gia đình cháu để họ gỡ tin hoặc thuyết phục người nhà gỡ tin, tư vấn cho mẹ cháu về cách xử lý, gửi link để bố mẹ cháu và cô cậu cháu lập vi bằng.

Nhiều cô bác vì mẹ con cháu mà đã bị cộng đồng mạng làm phiền, xin được nhận từ mẹ cháu lời xin lỗi chân thành. Đúng là trong hoạn nạn mới càng thấm thía tấm lòng chân tình của bạn bè. Mẹ cháu xin được cảm tạ các cô bác lần nữa ạ!

Qua chuyện này bài học kinh nghiệm là không nên đăng ảnh con cháu lên FB ạ. Lòng người thâm độc, một khi họ đã lên kế hoạch tấn công thì rất nguy hiểm ạ.”

12.10.2020



Linh tinh lang tang (405)

 @ Đại hội đảng các tỉnh mà quà cáp cho đại biểu hàng tỷ đồng thì thấy việc chống tham nhũng còn xa lắm.

GS Hiệu trưởng một trường đại học mà có tới 2 triệu đô la và mấy chục tỷ VNĐ gửi ngân hàng thì biết ông ấy “hướng dẫn” không chỉ 1 ông quan Đắc Lắc làm TS.

Nghe chuyện ĐH TĐT thì nghĩ: còn lâu lắm mới có một lớp trẻ VN như lớp trẻ Hongkong!

@ Tâm thức trông chờ và tôn sùng “minh quân” “dẫn dắt, lãnh đạo” mà không tự mình minh định con đường cần phải đi. Thói quen chỉ “nghe theo” không biết suy xét.

Tâm lý trông chờ và đòi hỏi người khác phải là “anh hùng” thường dẫn đến sự “hy sinh” vô nghĩa, không tính mạng thì danh dự! Ca ngợi người chết (thậm chí vì thất bại) nhưng chà đạp người còn sống mà không biết tìm ra bài học. Đừng bắt người khác phải chết vì “chủ nghĩa anh hùng” của đám đông!

Tri thức cho nhân dân là con đường đi đến dân chủ. Tri thức đầu tiên là phải biết quý trọng mạng sống và tôn trọng danh dự của con người.

@ Phim (về) lịch sử khác phim tài liệu lịch sử. Lịch sử và nghệ thuật tái hiện lịch sử khác nhau. Phim ảnh, văn học... không phải khoa học lịch sử phải phục dựng chính xác sự thật lịch sử , mà có thể xoay quanh những sự thật, sự kiện lịch sử dựng lại một câu chuyện, một bối cảnh hay đơn giản hơn, một thân phận con người. Phim cổ trang và phim lịch sử các nước hấp dẫn chính là ở đó.

Những người Hà Nội tôi biết tự nhiên như chính họ là, không thể hiện hay phân biệt ai là “Hà Nội gốc” ai không. Sau này ra Hà Nội tôi ngạc nhiên khi thường được nghe nhiều người nói với giọng từ tự hào đến... tự tôn rằng, mình là “Hà Nội gốc”, kể cả người mà tôi biết rõ thời gian sống ở Hà Nội còn chưa đủ một “kế hoạch 5 năm”. Rồi kèm theo đó là những cái được coi là phải “chuẩn Hà Nội” như giọng nói (trên đài phát thanh hay truyền hình quốc gia), như là phở, gần đây thì như là xôi, chẳng hạn. Ừ thì có thể chỉ ra tiêu chí thế nào là giọng hà Nội, thế nào là phở, là xôi kiểu Hà Nội... để thấy sự độc đáo của văn hóa Hà Nội, sự đa dạng của văn hóa vùng miền. Nhưng có nhất thiết phải coi đó là một cái “chuẩn” để nghiễm nhiên hạ thấp hay chê bai những tiếng nói món ăn nơi khác?

Quà thu Hà Nội :)






Tên gọi cũng cần bền vững

https://www.phunuonline.com.vn/dat-ten-cho-thanh-pho-moi-khong-phai-cho-keu-a1419308.html

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM - tên gọi của nhiều thành phố trên thế giới thường được bắt nguồn từ những yếu tố như điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, địa hình, đặc trưng nổi bật...), tên người sáng lập, một truyền thuyết, một sự kiện, địa danh cũ hay tên một vùng đất, một tộc người cổ xưa... Cũng có khi, tên một thành phố thể hiện kỳ vọng về tương lai của nó hoặc mang tên một nhân vật lịch sử. Nó giúp hình dung được một cách khái quát vị trí và phạm vi của thành phố, thậm chí có thể cung cấp hiểu biết về nguồn gốc hay lịch sử thành phố đó.
Tiến sĩ Hậu cho rằng, nên đặt tên cho thành phố mới theo một trong những yếu tố đó, nhất là yếu tố mang tính bền vững qua thời gian. Đồng thời, tên gọi thành phố mới không nên quá xa lạ với phần lớn người dân ở đó để cộng đồng không cảm thấy mình bị mất một phần ký ức, thành phố mất một phần lịch sử và mối liên hệ với vùng xung quanh.
Tiến sĩ Hậu nói thêm, tên gọi một thành phố cho phép định vị thành phố trong một khu vực, vùng miền: vị trí địa lý, phân cấp hành chính, mối quan hệ với tỉnh, thành khác... Trong thời kỳ đô thị hóa mạnh mẽ và phổ biến, các thành phố lớn hình thành các đô thị vệ tinh với các chức năng chuyên biệt, do đó, tên gọi đô thị loại này cũng cần được phân biệt với đô thị mang tính chất “trung tâm hành chính” của các tỉnh, thành.
“TP. Thủ Đức” là phù hợp. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, tên gọi đó giữ được địa danh cũ có tính chất lịch sử - văn hóa, thể hiện quy mô và phạm vi của nó, đồng thời có thể nhận biết đây là một đô thị vệ tinh của TPHCM.
Trích bài phỏng vấn của báo Phụ nữ TPHCM





PHẠM ĐOAN TRANG


Có vài lần trong câu chuyện với các anh chị Việt kiều, các anh chị hỏi mình nghĩ gì về một số anh chị đấu tranh, bị đi tù và sau đó được tự do nhưng phải qua Mỹ. Mình đã nói thế này:
Mình luôn cảm phục các anh chị đã dấn thân cho tiến trình dân chủ ở VN, tùy mỗi hoàn cảnh vị thế mà mỗi anh chị có cách thức hành động và sự lựa chọn khác nhau. Dù các anh chị phải rời VN và có thể không còn ảnh hưởng nhiều như trước, nhưng việc các anh chị đã làm giúp người khác – trong đó có mỗi chúng ta – suy nghĩ và tiếp tục những gì mình thấy là đúng đắn.
Đừng đòi người khác phải làm anh hùng thay mình, để rồi khi họ hoạn nạn thì xa lánh, khi họ không thể tiếp tục công việc thì chê bai hay phê phán. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, làm được một việc tốt đã là đáng quý lắm rồi!
Nhìn công việc họ đã làm để rồi cố gắng làm điều gì đó cho xã hội tốt hơn, đừng tung hô ai đó hay tự coi mình là anh hùng. Bởi vì nếu có 1 anh hùng tức là số người “không anh hùng” nhiều hơn vạn lần.
Phạm Đoan Trang lại bị bắt! Có thể lần này em sẽ phải chịu đựng nhiều hơn và cả những gì em đã đoán biết trước. Dù lâu rồi không trò chuyện với nhau nhưng mình vẫn đọc những gì em viết, vẫn thấy em kiên định con đường đã chọn. Cảm phục em vì những việc em đã làm, dù sau này có chuyện gì đi nữa! Dù trong điều kiện khó khăn nhưng mong em hãy giữ gìn sức khỏe, Trang nhé!



LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...