MỘT ĐỜI SÂN KHẤU của Ba tôi - tái bản

 

VÀI NÉT VỀ NGHỆ SĨ ƯU TÚ, ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

VÀ CUỐN SÁCH “MỘT ĐỜI SÂN KHẤU" CỦA ÔNG

 

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch sinh ngày 12-3-1922, tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tham gia Cách mạng từ “mùa thu rồi, ngày  hăm ba…”, từ năm 1945 đến ngày ông mất, 1 – 10 - 1985, đối với ông sáu mươi ba tuổi đời và bốn mươi năm tuổi nghề thật khó có thể tách rời lý lịch nghệ sĩ và lý lịch chiến sĩ.

Tham gia cách mạng từ năm 1945 tuổi trẻ của ông đã đi cùng với những đoàn văn công mà ông phụ trách. Bà con Nam bộ trong vùng giải phóng thời kháng chiến chống Pháp vẫn được coi những vở diễn: Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Hai chiếc xuồng, Bạch Mao Nữ do kịch đoàn “Cửu Long Giang” phục vụ. Trên sân khấu kháng chiến, ông đã dàn dựng nhiều vở diễn mà kịch bản cũng do ông sáng tác như: kịch Sanh khổ, Bình minh, Một cuộc du lịch, Bán lúa rẻ, Giữ trâu, Ông hai Hiền, vở cải lương Xử tội Bẹt-na, ca kịch Giác ngộ, Giữ lúa … Tiếc rằng nhưng kịch bản đó không còn được lưu giữ đến nay.

Sau ngày tập kết ra Bắc, Nguyễn Ngọc Bạch đã cùng với Nghệ sĩ nhân dân Tám Danh dàn dựng các vở: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Nàng tiên Mẫu Đơn, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Khuất Nguyên, Người con gái Đất Đỏ, Thạch Sanh, Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Tình riêng nghĩa cả… Tập thể Đoàn Cải lương Nam Bộ, bằng hình tượng nghệ thuật của các vở diễn đã phản ánh cuộc đấu tranh anh hùng của đồng bào miền Nam yêu thương. Là một nghệ sĩ Cách mạng, thành tích nghệ thuật ở anh đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc, soạn kịch, đạo diễn như: giải thưởng của báo “Tiếng súng kháng địch” cho hai bài hát “Cương quyết ra đi” và “Nguồn sống mới” (1947); giải khuyến khích của Chi hội Văn nghệ cho vở kịch Bán lúa rẻ hay là Tấm lòng vàng (1952); giải đặc biệt của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ về “Công lao đóng góp cho nền sân khấu Nam Bộ” (1953); giải nhất Hội diễn vở Máu thắm đồng Nọc Nạn (Phạm Ngọc Truyền biên kịch; Tám Danh, Ngọc Bạch đạo diễn, năm 1958); huy chương bạc về đạo diễn vở Người con gái Đất Đỏ (Tám Danh, Ngọc Bạch, Ngô Y Linh đạo diễn – 1962); Huy chương vàng về đạo diễn vở Bên dòng Nhật Lệ (Ngọc Bạch, Thành Ý đạo diễn – 1970). Ông được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1982 và truy tặng huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1999.

Liên tục phụ trách lãnh đạo các đoàn văn công kể từ ngày 23-9-1945, ông đã làm trưởng đoàn “Cứu quốc kịch đoàn”, “Đoàn tuyên truyền xung phong”, “Đoàn tuyên truyền lưu động” (thuộc ban tuyên truyền tỉnh Long Xuyên); “Đoàn tuyền bá vệ sinh” (Sở Y tế Nam Bộ); “Đoàn Văn nghệ lưu động” (Sở Thông tin Nam Bộ); “Đoàn Ca kịch Cửu Long Giang” (Chi hội văn nghệ Nam Bộ); “Đoàn Văn công Nam Bộ” (tập kết thuộc Bộ Văn hóa); “Đoàn Cải lương Nam Bộ” (Bộ Văn hóa); Đoàn kịch Nam Bộ” (Bộ văn hóa); “Đoàn kịch Cửu Long Giang” (Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh). Có thời gian ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam (1964 -1971) và từ 1981 là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù là lãnh đạo nhưng đối với anh chị em văn nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Bạch bao giờ cũng là người bạn có tâm hồn trong sáng, bộc trực; một “huynh trưởng” nghiêm khắc, nhưng rất giàu tình cảm và cởi mở, chân thành. Kính trọng và quý mến, bạn bè, đồng nghiệp thường gọi ông là “anh Bảy”, “chú Bảy Bạch” hay có khi chỉ thân thương là “Bảy”. Lòng yêu mến của nhiều thế hệ đồng nghiệp dành cho ông chính là phần thưởng mà Nguyễn Ngọc Bạch quý hơn tất cả.

Qua các thời gian phụ trách nhiều đoàn nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Bạch đã đi phục vụ suốt chiều dài đất nước. Từ vùng biển tới núi cao, từ Bắc vô Nam, từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ. Và trên mỗi chặng đường lưu diễn ông đã ghi lại cho mình những suy nghĩ, cảm nhận, trăn trở… về nghề nghiệp, về tình nghĩa của những người nghệ sĩ. Đó là những truyện ngắn, ký sự, hồi ký, cả đề cương bản thảo công trình nghiên cứu về sân khấu cải lương… Phần lớn tập hợp trong cuốn “Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu” đã được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2004 và Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tái bản 2020 nhân kỷ niệm 35 năm ngày ông mất.

Cuốn sách gồm 5 phần:

Phần 1. Một số ca khúc

Phần 2. Những mẩu chuyện kháng chiến

Phần 3. Hồi ký

Phần 4. Về kịch nói và sân khấu cải lương Nam bộ

Phần 5. Đề cương nghiên cứu

Phụ lục. Nhớ người ra đi

 Cuốn sách thể hiện những tâm huyết mà Nguyễn Ngọc Bạch đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển sân khấu Nam Bộ, vì mảnh đất và con người Nam Bộ chính là cái nôi nuôi dưỡng người nghệ sĩ - chiến sĩ trong ông. Đặc biệt, sân khấu Nam bộ với những đặc trưng và giá trị nhân văn của nó ngày càng trở nên quý giá, cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển vì đó là một phần quan trọng của bản sắc con người và lịch sử - văn hóa Nam bộ.






 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...