https://www.phunuonline.com.vn/dat-ten-cho-thanh-pho-moi-khong-phai-cho-keu-a1419308.html
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM - tên gọi của nhiều thành phố trên thế giới thường được bắt nguồn từ những yếu tố như điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, địa hình, đặc trưng nổi bật...), tên người sáng lập, một truyền thuyết, một sự kiện, địa danh cũ hay tên một vùng đất, một tộc người cổ xưa... Cũng có khi, tên một thành phố thể hiện kỳ vọng về tương lai của nó hoặc mang tên một nhân vật lịch sử. Nó giúp hình dung được một cách khái quát vị trí và phạm vi của thành phố, thậm chí có thể cung cấp hiểu biết về nguồn gốc hay lịch sử thành phố đó.
Tiến sĩ Hậu cho rằng, nên đặt tên cho thành phố mới theo một trong những yếu tố đó, nhất là yếu tố mang tính bền vững qua thời gian. Đồng thời, tên gọi thành phố mới không nên quá xa lạ với phần lớn người dân ở đó để cộng đồng không cảm thấy mình bị mất một phần ký ức, thành phố mất một phần lịch sử và mối liên hệ với vùng xung quanh.
Tiến sĩ Hậu nói thêm, tên gọi một thành phố cho phép định vị thành phố trong một khu vực, vùng miền: vị trí địa lý, phân cấp hành chính, mối quan hệ với tỉnh, thành khác... Trong thời kỳ đô thị hóa mạnh mẽ và phổ biến, các thành phố lớn hình thành các đô thị vệ tinh với các chức năng chuyên biệt, do đó, tên gọi đô thị loại này cũng cần được phân biệt với đô thị mang tính chất “trung tâm hành chính” của các tỉnh, thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét