SỚM MUỘN GÌ EM CŨNG LÀ CỦA ANH (Truyện con gái Đỗ mai Quyên dịch)

CHƯƠNG III. CHỊ BÓNG ĐÈN, CỪ LẮM!

https://dennisqlangthang.wordpress.com/2023/06/30/som-muon-gi-em-cung-la-cua-anh-chuong-3/?fbclid=IwAR3S7irMK_TkehhnGr1aGs2h3xnJu_2Kgkfhpeft49SqFjhr2DgOAh1QDbg 

Phản ứng đầu tiên khi Nhan Cửu tỉnh dậy không phải là cảm giác đầu đau như muốn vỡ ra như thường ngày, mà là…

Miệng cô sưng hẳn một vòng phía ngoài, rất đau.

Cô chậm rãi há miệng rồi khép lại mấy lần, đau đến mức hít hơi lạnh “shhh” một tiếng, đánh thức Đoàn Thanh tay chống cằm, ngủ tới mức chảy cả nước dãi bên cạnh.

Cậu ta chật vật mở mắt, đưa tay lên dụi, uể oải vặn người một cái rồi nói:

“A ha, chị Bóng Đèn, dậy rồi à?”

Nhan Cửu loáng thoáng nhớ lại một chút phân cảnh đã xảy ra tối qua, cô nhớ vị bác sĩ vừa vào nhìn thấy cô là cười toe toét, còn có một nam…

Khoan đã, chị Bóng Đèn?!

“Cậu…”

Nhan Cửu tỏ vẻ mặt như chó ăn phải phân, cực kỳ cạn lời với kiểu gọi đó, cảm giác Đoàn Thanh cũng không nhỏ hơn cô mấy tuổi, nhưng bất ngờ không biết phải phản ứng thế nào, nên đành yếu ớt nói “cậu”.

Trình độ quan sát nét mặt người khác của Đoàn Thanh gần như bằng con số 0 tròn trĩnh, cậu ta cười hì hì ngây ngô, nhìn Nhan Cửu, để lộ hàm răng trắng rồi nói:

“Cô quên rồi hả? Chị Bóng Đèn, tối qua cô ngậm một cái…”

“Được được được được không cần nói nữa không cần nói nữa, tôi nhớ tôi nhớ mà!”

Nhan Cửu vội vã gật đầu thừa nhận để tránh cho cậu ta lại kể “lịch sử huy hoàng” của cô, vẻ mặt bất lực đưa tay giữ trán, nhìn xung quanh rồi hỏi:

“Trợ lý của tôi đâu? Chính là cái tên to cao ngốc nghếch ấy, cậu ta đi đâu rồi?”

“Ồ ồ, cô nói anh ta hả, trông chừng cô suốt đêm sợ cô gây chuyện, bây giờ đang ra ngoài gọi điện thoại rồi, gọi nãy giờ rất lâu…”

Đoàn Thanh nhìn Nhan Cửu đứng dậy, trả lời xong câu hỏi của cô thì tiếp tục nói:

“Thế thì, Bóng Đèn à, tôi có thể lấy lại cái giường xếp của tôi không?”

Đúng rồi, lúc này Nhan Cửu không nằm trong phòng bệnh, mà là ở khoảng trống chật hẹp giữa hai chiếc bàn làm việc trong văn phòng hai người, trên một chiếc giường xếp màu rằn ri (thẩm mỹ vô cùng là trai thẳng).

Cô vội vã đứng dậy, đang định cảm ơn thì chiếc áo blouse trắng đắp trên người cô tuột xuống, cô cúi người nhặt lên, lập tức chú ý thấy vết bẩn đầy màu sắc rất nổi bật trên đó.

Một chút trí nhớ như sấm to chớp giật xẹt ngang qua đầu cô, tay cầm áo của Nhan Cửu bắt đầu run lên, cô bán tín bán nghi cau mày, hoàn toàn không dám tin hôm qua rốt cuộc mình đã làm những chuyện kỳ quặc gì.

Đoàn Thanh lục tục thu dọn xong giường xếp, thấy Nhan Cửu cứ nhìn chiếc áo mà không nói gì thì lại cười bảo:

“Đây là sư phụ tôi đắp cho chị đó, ha ha ha, chị Bóng Đèn, tôi nói chị nghe nhé, chị đúng là lợi hại quá, bây giờ trông ngoan hiền thế, không nhận ra tối qua… chậc chậc chậc… bản lĩnh ra phết đấy!”

“Tôi… tối qua… rốt cuộc… đã làm gì?”

Ừ, đây là do tác dụng của cồn dẫn đến hệ thống thần kinh tê liệt, gọi là “đứt đoạn”, Đoàn Thanh gật gù vẻ hiểu ý, tiếp đó tỏ vẻ thương xót cô, nhìn cô bằng ánh mắt tội nghiệp rồi lấy điện thoại ra, mở một đoạn clip rồi nói:

“Cô xem đi.”

Nhan Cửu di chuyển đầu cô đến trước màn hình bằng tốc độ cực kỳ chậm, chớp chớp mắt, vẻ mặt bình tĩnh, nhưng trong lòng thì liên tục cầu nguyện mong rằng bản thân chưa làm gì tổn hại đến đạo đức thuần phong mỹ tục của xã hội.

Thế nhưng…

Cảnh mở đầu trong clip rung lắc dữ dội, giống như quay xuyên qua khe cửa, Nhan Cửu ôm eo bác sĩ nam trong clip, bất động, giống như đã ngủ thiếp đi, còn vị bác sĩ mà cô ôm lại như bị ai đó bấm nút tạm dừng, cũng không hề nhúc nhích.

Cảnh này thì trông có vẻ bình thường, ngược lại còn có chút ấm áp, Nhan Cửu nhớ vị bác sĩ ít nói ít cười tối qua, đặc biệt là đôi mắt rất đẹp nhưng khi nhìn người khác lại không chút ấm áp.

Đoàn Thanh ngồi cạnh Nhan Cửu giống như một cái phụ đề di động, một cái loa to, kiểu lúc nào cũng thuyết minh bối cảnh kịp lúc: “Haizzz, nói thật đấy, tối qua chị như bị ếm bùa gì đó, có thể khiến cho sư phụ tôi bị chị ăn đậu phụ, anh ấy trong bệnh viện chúng tôi nổi tiếng là cấm người lại gần trong vòng tám trăm dặm đấy, chị… hê hê hê, mau nhìn đi, cao trào sắp tới rồi! Ha ha ha ha!”

Cảnh tiếp theo sau đó như chiếu một bộ phim kinh dị, có lẽ là kỹ thuật leo cây lúc nhỏ trong giờ phút đó đã được sử dụng tối đa, chỉ thấy Nhan Cửu bỗng dưng ngẩng đầu lên, buông tay đang ôm eo người ta ra, tiếp đó…

Một cú nhảy vọt, chân kẹp luôn vào eo người ta, treo lủng lẳng trên người anh, sau đó bắt đầu dụi mặt vào vai anh, vừa bôi đầy lớp son phấn trang điểm vào người anh vừa cười “hì hì” ngốc nghếch.

Sự “tấn công” đột ngột đó khiến Triệu Tế Thành vì quá bất ngờ mà theo thói quen lùi ra sau một bước dài, vô thức đưa tay ôm lấy cô để giữ thăng bằng.

Giây sau đó, một ánh mắt sắc như dao mang theo sóng ánh sáng -30 độ C “cậu không mau vào đây kéo cô ta xuống thì chết với tôi” bắn tới chỗ cửa vừa phát ra tiếng “ôi mẹ tôi ơi”,  màn hình cực kỳ khoa trương rung lắc dữ dội, rồi sau đó kết thúc.

“Chậc chậc chậc,” Đoàn Thanh nhét điện thoại vào túi, sau đó không kìm được nhìn Nhan Cửu đã hóa đá, khen ngợi:

“Cô thật là… Bóng Đèn này, tôi nói nhé, trải qua tối hôm qua, cô chính là thần tượng mới của tôi, cô lợi hại quá! Tôi thực tập cạnh sư phụ tôi lâu rồi mà chưa từng thấy bệnh nhân nào có thể lại gần anh ấy, còn cô ấy à, không những ôm mà còn leo lên nữa! Tôi xem như đã hiểu tại sao cô lại ngậm cái bóng đèn trong miệng rồi, không phải ngu ngốc, mà là dũng cảm! Là không sợ hãi! Là…”

“Sư phụ của cậu đâu?”

Nhan Cửu không nghe tiếp nữa, đỡ lấy trán, giọng nhẹ bẫng yếu ớt.

“Ồ? Anh ấy hả, anh ấy và người bên khoa Xương khớp đi xử lý một người vừa lái xe máy vừa ăn hoa quả sau đó rơi xuống giếng rồi, có lẽ lát nữa mới về.”

“Xin mời bác sĩ Đoàn Thanh đến ngay quầy hướng dẫn, xin mời bác sĩ Đoàn Thanh đến ngay quầy hướng dẫn.”

 Loa bỗng dưng vang lên, bộ dạng lười nhác của Đoàn Thanh ban nãy chợt bay biến sạch, cậu quay lại dặn Nhan Cửu  vẫn đang đứng đờ đẫn:

“Vậy cô ở đây chờ sư phụ tôi nhé, tôi đi trước đây.”

Sau đó chạy như bay ra ngoài, tốc độ hành động hoàn toàn không phù hợp với tính cách nhiều chuyện của cậu ta tí nào.

Nhan Cửu thề rằng cô sống hơn hai mươi năm chưa từng làm chuyện gì ngu xuẩn thế này, tối qua uống say rồi làm càn cũng hoàn toàn không phải tính cách hàng ngày của cô, kịch bản đưa nhầm, mối tình đơn phương chấm dứt, nuốt bóng đèn, leo lên người sư phụ?

Sinh nhật này quả thật là…

Vô cùng đặc sắc, trải nghiệm phong phú!

Không ổn! Lại buồn nôn rồi…

Nhan Cửu mở cửa bỏ chạy.

Ngoài đại sảnh cấp cứu.

“Tô tổng ạ, à đúng đúng đúng đúng, hiện giờ tôi đang ở bệnh viện với chị ấy, chị ấy không sao, không sao… đúng, cũng may gặp được một vị bác sĩ năng lực cao siêu lấy ra được, ban nãy chị ấy còn ngủ, không biết bây giờ đã dậy chưa, bác sĩ đó có hơi kiêu căng, nhưng vẫn rất tốt, tối qua chị ấy như vậy mà còn ở lại văn phòng trông chừng… Vâng vâng, tôi sẽ không nói với chị Nhan Lạc đâu, vâng, anh yên chí. Vậy lát nữa tôi sẽ bảo chị ấy đứng ở cổng bệnh viện chờ xe của anh nhé, vâng ạ, vâng, tạm biệt Tô tổng.”

Khải Văn nói chuyện xong thì thở dài thườn thượt, sáng nay không rõ Tô tổng biết tin từ đâu mà đã gọi thẳng cho cậu ta làm cậu ta sợ hãi một phen. Tối qua gặp chuyện hết lần này đến lần khác, sáng nay vẫn chưa yên, đúng là phục lão đại của cậu thật sự.

Nghĩ đến đó, cậu ta vội vàng quay lại, xem xem cô đã dậy chưa, Nhan Cửu uống rượu vào như thành người khác hẳn, còn phải giục cô đi xin lỗi vị bác sĩ tối qua nữa, không rõ cô có còn nhớ tối qua bản thân đã làm gì không. Thật là! Lát nữa Tô tổng đến, phải nói sau này không bao giờ cho cô đụng đến một giọt rượu nào nữa.

Nhan Cửu nôn ra sạch sẽ, nhìn bóng mình qua tấm gương nhà vệ sinh thấy khuôn miệng không còn sưng nhiều nữa, vội vàng khoát nước lên rửa sạch mặt mũi và súc miệng. Chuyện tối qua cô vẫn chưa nhớ được nhiều, nhưng những gì nhìn thấy ban nãy đã đủ khiến cô phải bắt đầu luyện tập xem nên cảm ơn lẫn xin lỗi thế nào để không ngượng ngập và đủ lịch sự.

Cô phải giải thích nguyên nhân mọi chuyện tối qua với vị bác sĩ đó sao?

Có cần cô giúp người ta giặt sạch áo blouse rồi trả lại?

Cô phải cảm ơn người ta đã không cười cô tiếng nào, lại còn giúp cô giải quyết chuyện ngu muội đó thế nào?

Cô chỉ nhớ đến thái độ lạnh như băng của vị bác sĩ đó tối qua, cảm giác rõ ràng đó thậm chí vượt qua cả những điều anh nói trong lúc cô mơ hồ, và tướng mạo chưa kịp nhìn rõ, nghe ban nãy Đoàn Thanh miêu tả thì sư phụ của cậu ta có lẽ sẽ mắng cô một trận, có điều…

Mắng thì mắng thôi, dù sao những gì anh mắng đều đúng cả.

Nhan Cửu hít thật sâu, chuẩn bị ra ngoài đối mặt với vấn đề của mình, thừa nhận sai lầm của mình, cho dù sẽ phải đối diện với sự lạnh nhạt châm biếm như thế nào, nếu không cô thật sự cảm thấy trong lòng không yên tâm được.

Ra ngoài liếc nhìn phòng cấp cứu một vòng, không thấy người đâu, đến quầy hướng dẫn hỏi y tá, người ta trả lời hôm nay đã đến giờ anh trực phòng cấp cứu, có lẽ đã ở văn phòng rồi.

Đến cửa văn phòng, sự nhút nhát và lúng túng đã khiến cô không dám gõ cửa, cô rất ngại, thật đấy!

“Cộc cộc cộc”, ba tiếng gõ cửa vang lên khẽ khàng, một tiếng “vào” lại khiến Nhan Cửu đành phải lê bước vào trong.

Đập vào mắt, chính là bác sĩ Triệu Tế Thành mặc áo blouse trắng sạch sẽ đang ngồi trước bàn làm việc viết gì đó.

Mắt hơi cúi xuống, ngón tay cầm bút với những khớp xương rõ ràng, áo sơ mi đen, cà vạt màu tối và tấm bảng tên ngay ngắn trên ngực áo phát ra ánh sáng kim loại, phối cùng ngoại hình của anh, Nhan Cửu lần đầu biết rõ, đây là một người rất đẹp.

Đẹp đến mức nào nhỉ, cô chưa từng mê trai, nên có thể dùng sự công tâm nói rằng, tuy cô mới làm biên kịch mấy năm, nhưng đã theo Nhan Lạc thấy khá nhiều diễn viên nổi tiếng rồi, ngoại hình của người này nếu đặt vào đó, tuyệt đối sẽ không thua kém bất kỳ nam minh tinh nổi tiếng nào.

Vẻ lãnh đạm và bình thản giữa mày mắt người đó lại khiến anh có chút bá đạo, thần sắc và khí chất thì Nhan Cửu lại cảm thấy đã quen thuộc, nói thật là nếu đổi lại một tính cách nhiệt tình gần gũi phía sau tướng mạo hiếm có này, cô sẽ lập tức đề cử với công ty ký hợp đồng cho anh làm nghệ sĩ hoặc người mẫu ngay.

Triệu Tế Thành nghe tiếng bước chân thì ngẩng lên, nhìn vào đôi mắt đang liên tưởng bay bổng của Nhan Cửu, rồi lập tức buông bút, dựa vào lưng ghế phía sau, sắc mặt bình thản hỏi:

“Cảm thấy thế nào?”

Bình thản cứ như tối qua chưa từng có chuyện gì xảy ra vậy.

“Ưm… rất tốt ạ… ưm…”

Nhan Cửu hoàn thành đoạn đối đáp bình thường giữa bác sĩ và bệnh nhân xong lại tỏ vẻ ngập ngừng, cô nhớ lại cảnh hôm qua, mặt “soạt” một cái đỏ bừng vì ngượng, da mặt mỏng như cô thật không biết phải lên tiếng thế nào.

“Chuyện đó,” lấy hết can đảm, gồng mình, Nhan Cửu thầm hạ quyết tâm liều mạng, nói:

“Tối qua, thật sự rất xin lỗi anh! Tôi không phải cố…”

“Ừ, biết rồi.”

Triệu Tế Thành khi nghe rõ ý định của cô thì cúi nhìn bảng biểu, những bảng cần điền vì ban nãy chậm trễ mà chưa điền xong, anh chưa bao giờ như vậy nên thẳng thắn đáp lời cô, vừa ký tên mình lên giấy với nét chữ mạnh mẽ, vừa nghe Nhan Cửu lắp ba lắp bắp nói tiếp.

“Chiếc áo blouse trắng đó, tôi sẽ giặt sạch cho anh rồi trả lại, xin lỗi, đã gây phiền phức cho anh quá.”

Giống lúc nhỏ đứn ở văn phòng giáo viên vừa nhận lỗi vừa nhìn cô giáo chấm bài vậy, Nhan Cửu cảm thấy sự dằn vặt trong nội tâm cô lúc này đã sánh ngang với lúc chờ tin tức tối qua vậy.

“Không cần, để đó là được. Còn có chuyện gì khác không?”

Giọng của Triệu Tế Thành lạnh nhạt và có một cảm giác xa cách, Nhan Cửu cảm thấy một cơn gió lạnh buốt thổi qua mặt mình, thậm chí anh còn không ngước đầu lên, ý tiễn khách đã vô cùng rõ ràng.

Đương nhiên rồi, nếu chính cô đang bận rộn quay cuồng mà gặp phải một kẻ ngốc như vậy, có lẽ cũng không muốn nói nhiều làm gì.

Tâm trạng cô hơi hụt hẫng, thừa nhận sai lầm chẳng khiến cô thấy nhẹ nhõm chút nào, ngược lại kết hợp với nhiều chuyện xảy ra trước đó, cô còn thấy có chút ngượng ngùng nữa.

Haizzz, cũng đáng đời lắm, ai bảo cô ngốc làm chi.

Nhan Cửu ngượng ngập xoa tay, vô thức quên mất gì đó, căng thẳng mím môi rồi khẽ hít hơi, âm thanh đó vô cùng rõ ràng trong gian phòng yên tĩnh này, Triệu Tế Thành khựng lại, ngẩng lên nhìn cô, còn chưa kịp nói thì đã nghe Nhan Cửu vội vàng cúi người:

“Vậy… vậy không còn gì nữa, xin lỗi nhé bác sĩ Triệu, quấy rầy công việc của anh, tôi đi trước đây, tóm lại là… ừm… cảm ơn anh, tạm biệt.”

Bước chân cô có phần loạng choạng vì tâm trạn bất ổn, giống như lúc mở cửa ào ra để đi nôn vậy, muốn thoát khỏi nỗi chán ghét, tủi thân và quẫn bách của bản thân sau khi say rượu, vì mọi thứ xảy ra tối qua đã trở thành một trò hề.

Đương nhiên là cô cũng có thể không nghĩ thế, vì hình như cũng chẳng có ai quan tâm xem rốt cuộc cô sẽ thế nào.

Suy nghĩ tiêu cực đó là một vực thẳm và hang động tối tăm đáng sợ, cô đã đi liền mấy bước tới cửa, tâm trạng đã u ám tới cực điểm, đang định mở cửa rời đi thì lại nghe người sau lưng bỗng lên tiếng, không nhỏ không to không cao không thấp, tuy vẫn không mấy cảm xúc nhưng lại vô cùng chân thật, cô không cần quay lại cũng biết lúc nói câu này, anh đã buông bút xuống, nhìn cô và nói thật rõ:

“Nhan, Cửu? Nhan Cửu đúng không?”

Triệu Tế Thành ngừng lại, nhìn bàn tay đờ ra đặt trên tay nắm cửa của cô gái, không biết tại sao mình phải làm thế, có thể do nhìn thấy sự ảm đạm và thất vọng của cô khi quay lưng đi, trước khi đầu óc anh tiến hành ngăn cản, anh vẫn nói ra câu mà anh cũng không ngờ mình sẽ chủ động nói:

“Sinh nhật vui vẻ.”



TRUYỆN DỊCH CỦA CON GIÁ ĐỖ MAI QUYÊN

 SỚM MUỘN GÌ EM CŨNG LÀ CỦA ANH #truyendichDoMaiQuyen

Con gái Đỗ Mai Quyên tiếp tục "sự nghiệp" dịch sách văn học của nàng, vẫn nuôi mộng tiền nhuận dịch đủ để nuôi Sam Sam - mà không đủ thì vẫn dịch vì niềm vui 🙂
Đến nay nàng đã dịch được hơn 30 bộ tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. MỜI CÁC BẠN ĐỌC TIỂU THUYẾT MỚI DO NÀNG DỊCH NHÉ.
# SỚM MUỘN GÌ EM CŨNG LÀ CỦA ANH
Tác giả: Quân Trạch Dã
Bác sĩ vs Biên kịch
Bạn có mong muốn có một người như thế ở bên cạnh bạn?
Anh là một bác sĩ tài năng bẩm sinh, đẹp trai khó cưỡng, đã quen với cảnh sống chết trong bệnh viện, hiểu rõ hơn ai hết về tình người ấm lạnh, nhưng lại có thể bất chấp bản thân, bị bạn kéo vào trần thế này, toàn thân ám đầy khói bụi, hỷ nộ ái ố đều từ bạn mà ra, còn nói rằng anh tình nguyện, anh vui lòng.
Mong rằng câu chuyện này sẽ khiến bạn tin rằng:
Cuộc sống này chính nhờ những khoảnh khắc nhỏ bé đến không thể nhỏ bé hơn mà có được hơi ấm và ý nghĩa to lớn nhất.
Bắt đầu nhé các bạn 🙂


@ THÁNG TÁM CÒN MÃI #truyendichDoMaiQuyen

Đây cũng là cuốn sách con gái dịch NĂM 2009 - KHI CON MỚI 23 TUỔI - và mẹ ưng ý nhất, sau đó là những tiểu thuyết và truyện ngắn khác... Mẹ cũng đã giúp con tìm nơi xuất bản cuốn này nhưng thật khó. Gửi NXB Phụ Nữ khi cô Phượng - bây giờ là GĐ NXB - còn là người biên tập, nhưng không sao liên hệ mua được bản quyền để in. Hơi tiếc, vì đây là một quyển sách hay và hữu ich, không chỉ cho người trẻ mà cho cả những người già như mẹ, dù sách của người trẻ viết và viết về người trẻ, và cũng do một người lúc đó còn "nhí" đã liều mạng dịch
❤
p/s. Nhiều truyện trong tập này con gái post lên bị copy lại và lấy tên người khác dịch. Khi nhận ra điều đó, con gái hơi buồn, nhưng rồi... Kệ thôi mẹ ạ! Truyện hay nhiều người đọc càng tốt 🙂
@ THÁNG TÁM CÒN MÃI. ANNI BẢO BỐI. NỖI CÔ ĐƠN Ứ ĐỌNG...
Năm 2009...
Đó là lần thứ hai, sau khi tôi dịch xong "Sẽ có một thiên thần thay anh yêu em" của Minh Hiểu Khê. Được sự động viên của Mẹ và bác Cao Tự Thanh, tôi bắt tay vào dịch "Tháng Tám còn mãi" của An Ni Bảo Bối.
Cũng nghĩ, có khi nào tác phẩm này quá sức của mình? Bởi, từ trước tới nay, đọc truyện của An Ni Bảo Bối, cảm thấy luôn có một áp lực đè nặng, bức bối, khó thở. Văn An Ni không như một dòng sông, mà giống một con suối, có đá ngầm, không suôn sẻ, nghẽn dòng... Đó là tâm trạng một cô gái thành thị, nhưng cô đơn ngay giữa chốn đông người.
Dịch văn An Ni phải cảm. Chứ không chỉ phụ thuộc vào trình độ.
Tôi dịch miệt mài, hết 3 tháng ròng rã, chỉ để xong một quyển dày có 188 trang khổ nhỏ. Nhưng nó rút cạn sức lực của tôi. Bởi thế, hoàn thành xong, tôi cảm thấy mãn nguyện hơn bao giờ hết. Tôi tin mình đã làm hết sức. Và cho tới giờ, khi đọc lại, dù 5 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn hài lòng về văn phong dịch của mình hơn thảy những quyển ngôn tình khác mình đã dịch.
Bởi, tôi cảm thấy mùi vị cô đơn trong đó.
Nhưng tác phẩm quả có số phận long đong. Liên lạc tác quyền không được. Đưa cho 2 công ty, cả 2 đều không mua được bản quyền. Nhưng tôi cũng không buồn. Dù cho không được xuất bản thì đã sao. Nó vẫn là cuốn mà tôi ưng ý nhất. Tôi cất lại, làm kỷ niệm, cho tâm huyết mình đã bỏ ra cho "đứa con" này.
Cô độc, là khi bạn chỉ có một mình.
Cô đơn, là ngay cả khi bạn ở giữa chốn đông người, nhiều bạn bè, bạn vẫn thấy lạc lõng như chỉ có một mình.
Bởi những người cô đơn, luôn tìm kiếm cho mình cảm giác an toàn. Nhưng thật khó biết bao!

NHÌN RỘNG TỪ MỘT TRẬN MƯA LỚN

https://tuoitre.vn/nhin-rong-tu-mot-tran-mua-lon-20230624082413316.htm?fbclid=IwAR0vQ_9PtF1wlJunNoUycFUv-JSojqGDbosDHyY0rJTJamH9cBZVpYNxw0o

Nguyễn Thị Hậu
Sau thời gian nắng nóng liên tục, một trận mưa rất lớn đã đổ xuống thành phố vào buổi tối. Trải qua những ngày phải chịu sự nóng bức vì thời tiết, phải tiết kiệm điện, người dân TPHCM sau phút thoải mái mát mẻ nhờ cơn mưa mang lại thì liền đó là nỗi lo lắng “thường trực”: sắp tới là những ngày luôn phải dắt xe lội nước dưới trời mưa trong những con đường ngập nước.
Từ hàng chục năm nay, điệp khúc đường ngập do trời mưa, do triều cường, do trời mưa kết hợp với triều cường thường xuyên lặp lại. Dù bắt đầu từ hiện tượng tự nhiên nhưng không thể không thấy rõ nguyên nhân chủ yếu từ phía chính sách quản lý, điều hành của con người: đã từ lâu cơ quan quản lý nhà nước, báo chí và dư luận đều nhận thấy tình trạng cơ sở hạ tầng của TP.HCM - nhất là giao thông và hệ thống thoát nước – đã không đáp ứng yêu cầu của một đô thị lớn hơn 10 triệu dân, với những khu dân cư mới, đô thị mới mở rộng nhanh chóng. Hẳn nhiên là đường ngập sâu kéo dài không chỉ vì hệ thống thoát nước quá tải mà còn vì sự vô ý thức của nhiều người trong việc bảo vệ môi trường và tài sản công: vứt rác bừa bãi trên đường, dưới kênh rạch.
Tuy nhiên, khi truy tìm nguyên nhân của tình trạng này luôn dẫn đến câu hỏi: tiền đâu để xây mới, sửa chữa, thay thế đồng bộ hệ thống thoát nước của thành phố, để có thể khắc phục hậu quả của việc san lấp mặt bằng, kênh rạch từ nhiều năm qua? Việc đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn tốn kém vô cùng lớn, đầu tư cho cơ sở hạ tầng chống ngập cũng tương tự, trong khi ngân sách của TP.HCM mỗi năm chỉ được giữ lại 21% - thuộc hàng thấp nhất nước, các khoản chi ngân sách khác đều “vá víu” huống gì các công trình hạ tầng lớn.
Nhưng suy cho cùng tiền cũng chưa phải là nguyên nhân cuối mà chính là khuôn khổ pháp luật và chính sách hiện nay đối với những đô thị lớn luôn cần những chính sách mới thích ứng với thực tiễn phát triển. Một “siêu đô thị” như TP.HCM đòi hỏi phải có chính sách mới, những khuôn khổ pháp lý “rộng hơn” và phù hợp hơn để có thể tháo gỡ những vướng mắc trong điều hành, đồng thời tạo ra những điều kiện mới cho phát triển.
Chính sách của nhà nước là sự thể hiện cụ thể quan điểm đối với từng địa phương, đối với từng lĩnh vực. TP.HCM luôn được coi là trung tâm kinh tế lớn nhất và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả nước. Với vị thế “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tư cho hạ tầng giao thông (trong đó có hệ thống thoát nước đô thị) không chỉ là đầu tư “cho thành phố” mà là tạo những điều kiện sống tốt cho nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tri thức tiên tiến của cả nước đang sống và làm việc ở đây. Từ đó mới có thể phát huy tốt những tiềm lực này thành nguồn của cải vật chất cho thành phố và cho cả nước.
Dự kiến hôm nay 24-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây là một tín hiệu vui cho TP.HCM sau thời gian dài chờ đợi. Nhưng vấn đề rất quan trọng là khi có nghị quyết rồi, việc thực hiện ra sao để hiệu quả, giải quyết được những vấn nạn về phát triển thời gian qua còn tồn đọng do thiếu tiền, thiếu cơ chế và cả thiếu con người.
Thực tế một đô thị lớn như TP.HCM luôn nảy sinh những vấn đề thực tiễn ngay từ đời sống năng động, đa dạng phức tạp hàng ngày và trong sự vận hành quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Vì vậy, đối với các đô thị lớn, không thể quản lý điều hành bằng cách thức và tâm thức quản lý một đô thị nhỏ được phóng chiếu lên vài lần, mà phải làm một cách KHÁC, thích ứng với đặc trưng lịch sử, văn hóa, xã hội và kinh tế của đô thị đó.
Người dân TP.HCM đang mong mỏi một sự đổi mới tâm thức và cách thức ứng xử với những “căn bệnh mãn tính” ở đô thị, bắt đầu từ những vấn đề dân sinh hàng đầu như vấn nạn ngập đường kẹt xe mỗi khi mùa mưa về thành phố.
Báo TUỔI TRẺ 24.6.2023




NHỮNG NGƯỜI BẠN QUẢNG

Nguyễn Thị Hậu

Tôi có nhiều người bạn Quảng, có người gốc Quảng nhưng có người định cư lâu năm nên cũng mang đậm tính cách Quảng. Tôi quen biết họ từ những nguyên do hoàn cảnh khác nhau, vậy mà với ai tôi cũng được dành những tình cảm ấm áp lâu bền.
Người Quảng “không hay cãi”
Hồi học đại học lớp tôi rất đông. Đó là những năm vừa sau chiến tranh nên có rất nhiều người lính xuất ngũ trở lại giảng đường đại học. Cả khóa học của tôi “xanh màu áo lính”, chỉ có một số gương mặt non choẹt của mấy cô cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông. Bạn xứ Quảng Hồ Xuân Tịnh nằm trong số ít ấy, như tôi. Bạn là cậu trai có phần lặng lẽ, gương mặt trầm tĩnh với cặp kính cận không có gì nổi bật. Chỉ đến khi cùng học ngành khảo cổ tôi mới biết nhiều hơn về bạn. Tôi nhớ mãi chuyến đi thực tập ở Thánh địa Mỹ Sơn vào khoảng năm 1979. Cả lớp đi xe đò từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, rồi tất cả đến ở nhờ nhà của bạn một đêm. Đó là một ngôi nhà phố nhỏ bé, có cái gác lửng cũng nhỏ xíu, vậy mà gia đình bạn đã rộng lòng đón tiếp chúng tôi. Lần đầu tiên tôi được ăn mỳ Quảng là ở đây “ngộ ghê, mỳ gì mà nước có chút xíu, lại ăn với bánh tráng?”.
Sáng sớm hôm sau cả lớp đi Mỹ Sơn, có đoạn đi xe đò chạy bằng than củi bụi đen mù mịt, nhiều đoạn đi bộ mang vác lỉnh kỉnh ba lô, cuốc xẻng… Trên con đường mòn đi vào Mỹ Sơn (hồi đó chưa có đường lớn như bây giờ), giữa trưa nắng gắt, thỉnh thoảng bạn xách đồ giùm cho chúng tôi - hai bạn nữ trong một lớp toàn nam giới – để chúng tôi đi kịp mọi người. Những ngày thực tập ở đó vô cùng vất vả, nhưng rảnh rỗi bạn lại ôm cây đàn ghi ta chơi nhạc… Lúc đó trông bạn thật lãng tử…
Tốt nghiệp đại học bạn về lại xứ Quảng và làm công tác bảo tàng – khảo cổ. Những dấu ấn đặc biệt của khảo cổ học xứ Quảng đều có phần công sức của bạn trong đó. Từ các cuộc khai quật di tích văn hóa Sa Huỳnh đến nghiên cứu tháp cổ Champa, từ khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm đến bảo tồn phố cổ Hội An… Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trong các dịp hội thảo, hội nghị của ngành. Dù cũng là một “quan chức” nhưng bạn vẫn không thay đổi với nụ cười hiền lành như cậu sinh viên ngày xưa… Có lần tôi hỏi vui: này, sao cũng người Quảng mà ông “hiền” quá vậy, chẳng thấy ăn to nói lớn, cũng không “hay cãi”? Bạn lại cười ánh mắt vui vui lấp lánh sau cặp kính.
Người Quảng gốc Huế
Trong cuộc hội thảo cách đây khoảng 20 năm, có một người dáng cao gầy, da ngăm đen, tóc tai bù xù đến trước mặt tôi và nói: bà Hậu khảo cổ phải không? Tui mới đọc bài “nhà cổ Bình Dương” của bà, hay quá! Tui cũng đang làm về nhà cổ nè. Tôi hơi ngơ ngác nhưng rồi nhận ngay ra anh, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người “đóng đô” ở thánh địa Mỹ Sơn hàng chục năm, dù gốc Huế nhưng tính cách của anh lại đậm chất Quảng. Tôi đã được biết nhiều công trình của anh nhưng đến lúc đó mới gặp mặt. Những lần sau đó, nói chuyện với anh bao giờ tôi cũng ngơ ngơ mất một lúc vì không hiểu anh nói gì, và anh lại đùa tôi: có bằng B tiếng Duy Xuyên chưa mà ra Mỹ Sơn làm việc?
Một người ham đi và đi mải miết suốt bao năm tháng trong thời gian là “cán bộ nhà nước”, không chỉ đi bằng đôi chân dẻo dai của người làm công tác bảo tồn di sản, mà anh còn “đi” từ những kiến thức học được trong dân gian, từ lý thuyết của những người thầy Nhật Bản đến thành quả cụ thể: tự phục dựng một ngôi nhà mái lá khung tre vách đất ở gần thánh địa Mỹ Sơn – một kiểu mẫu về bảo tồn kiến trúc sinh thái, môi trường, mang ý nghĩa văn hóa bản địa đặc sắc. Anh không thể nhớ anh đã đi bao nhiêu lần đến các tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung, để đo, vẽ, chụp hình, khảo tả những ngôi nhà cổ mà anh tìm thấy, hoặc nghe ai mách bảo nơi nào có nhà cổ là anh lại tìm đến ngay. Có bao nhiêu kinh nghiệm, kiến thức về nhà cổ truyền, anh đều nhiệt tình truyền dạy cho thế hệ đàn em, cho học trò.
Có lần anh nhắn: bà ra Quảng Nam ở đi, tui làm cho bà một cái nhà y vậy, tha hồ mà ngồi mơ màng viết lách. Nhưng chưa kịp nghe theo lời rủ rê ấy thì biết anh… vừa nghỉ hưu sớm. Nghỉ hưu nhưng muốn gặp anh còn khó hơn, vì nhiều nơi mời anh đến nghiên cứu nhà cồ truyền, rồi phục dựng nhà cổ để bảo tồn hay để làm du lịch… Tình yêu của anh với nhà cổ truyền không chỉ là một họa sĩ nhận ra và chiêm ngưỡng sự hoàn mỹ của những công trình dân gian, mà sâu xa hơn là từ tình yêu di sản văn hóa. Mỗi chi tiết của ngôi nhà cổ cũng chứa đựng biết bao thông tin, tri thức mà cha ông nhắn gửi cho thế hệ sau – anh luôn nói với chúng tôi như thế.
Người Quảng “giải mã giọng Quảng”
Có lần tôi hỏi một bạn người xứ Quảng: “này, sao người Quảng thường trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác mà ít khi trả lời thẳng? Ví dụ: Có phải đi đường đó không? – Chớ không đi đường đó thì đi đường mô?”, thì bạn trả lời ngay: Chớ không nói rứa thì nói răng?
Câu trả lời của bạn càng làm cho tôi thấy đây là một hiện tượng văn hóa rất lý thú.
Từ nhiều năm trước tôi được đọc một công trình về “tiếng Quảng Nam” và gần đây lại biết thêm một công trình nữa cùng chủ đề. Cả hai tác giả đều là người Quảng hoặc từ nhỏ đến lớn sống ở Quảng Nam, mỗi tác giả từ góc tiếp cận khác nhau và đưa ra những kiến giải khác nhau. Công trình “Có 500 năm như thế” của anh Hồ Trung Tú ngay từ lần xuất bản đầu tiên đã mang lại một góc nhìn mới: lý giải một hiện tượng ngôn ngữ từ góc độ lịch sử - hoàn cảnh đặc thù của xứ Quảng từ thế kỷ 15. Ngắn gọn là sự hình thành hay nguồn gốc tiếng Quảng Nam là do người Chăm nói tiếng Việt trong một hoàn cảnh đặc thù.
Thật ra ai đã từng học hay từng đọc các cuốn sách GS Trần Quốc Vượng đều tiếp nhận được ít nhiều phương pháp tiếp cận liên ngành lịch sừ - văn hóa của giáo sư: Thầy Vượng luôn đặt các sự kiện lịch sử trong bối cảnh văn hóa rộng hơn để có thể thấy những tác động đa dạng, đa tuyến, sự phức tạp của lịch sử, của các hiện tượng văn hóa. Từ đó nhìn nhận nguyên nhân hay kết quả một cách khách quan nhất có thể.
Trong các thành tố văn hóa, tìm về nguồn gốc của ngôn ngữ và ẩm thực là thú vị nhất, bởi sự giao lưu tiếp nhận hay loại bỏ đôi khi không theo “quy luật khoa học, hàn lâm” mà mang đậm dấu ấn cuộc sống. Ngôn ngữ cũng như nhiều hiện tượng văn hóa, không phát triển đơn tuyến và đơn giản, nhất là trong bối cảnh lịch sử Xứ Quảng là nơi tiếp nhận/giao thoa/tranh chấp/đối chọi/hòa nhập/phân biệt… văn hóa của hai tộc người Việt (Thanh/Nghệ là chủ yếu) và Chăm, trong đó nổi bật là ngôn ngữ - phương tiện giao tiếp hàng ngày. Vì vậy ngôn ngữ cần được đặt vào đời sống thực tiễn trong các trạng huống khác nhau. Thắc mắc của tôi “vì sao người Quảng Nam hay trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi” phải chăng là một hiện tượng ngôn ngữ phản ánh sự giao lưu – đối lập – hòa hợp – phân biệt văn hóa của hai tộc người Chăm – Việt trong một giai đoạn nhất định, để rồi theo thời gian, được “di truyền” lại như một cá tính văn hóa xứ Quảng.
Vì vậy, ngay cả khi đã có một công trình mới từ góc độ thuần túy ngôn ngữ học thì công trình của anh Hồ Trung Tú vẫn đáng được quan tâm khi nghiên cứu về “tiếng Quảng Nam” nói riêng và Xứ Quảng nói chung.
Tôi và anh Hồ Trung Tú hình như chưa gặp nhau mặc dù đã biết nhau rất lâu, từ thời còn mạng xã hội yahoo.360. Vậy nhưng ở cả anh và hai ông bạn Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Thượng Hỷ, tôi luôn cảm nhận được ở các anh những tính cách có vẻ “đối lập” nhau: sự quyết liệt của một nhà báo, tính cần mẫn của một nhà nghiên cứu lại vừa có gì đó lãng mạn như một nhà thơ! Mà hình như người Quảng nào cũng đã có sẵn trong mình cả ba cá tính ấy.
Sài Gòn 31.5.2023



KÝ ỨC TÂY NGUYÊN

I.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quân sự, an ninh, là vùng giàu tiềm năng về văn hóa truyền thống Đông Nám Á… được coi là "xương sống" và "nóc nhà" của bán đảo Đông Dương.
Là một trong những khu vực phong phú và giàu có nhất của hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới, ở Tây nguyên có thảm thực vật nguyên sinh nhiều kiểu rừng được bảo tồn hàng triệu năm nhờ các khối núi cao và địa hình chia cắt mạnh. Thống kê vào năm 1974 cho biết tại đây có khoảng 3600 loài thực vật bậc cao trong đó có nhiều loại rất quý bao gồm cả thân gỗ và nhiều loại dược liệu. Với vị trí trung tâm của Đông dương, Tây nguyên là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm động vật có nguồn gốc khác nhau, phong phú và đa dạng về giống loài: hàng ngàn loài động vật nước ngọt, bò sát, chim và trên 100 loài thú trong đó có nhiều thú quý hiếm. Điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường cảnh quan Tây nguyên là "cái nôi" cho cuộc sống và văn hóa của các tộc người nơi đây phát triển và bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử.
Trước năm 1975 Tây nguyên như là một vùng đất ngủ yên trong sự quên lãng về lịch sử, có chăng chỉ được nhắc nhớ trong vài tập khảo cứu về Nhân học của một số tác giả người Pháp, còn về khảo cổ học thì đây là "vùng đất trắng". Lịch sử một vùng đất được đánh dấu bởi sự xuất hiện của con người, theo đó Tây nguyên có lịch sử từ thời đá cũ cách đây chừng 300 ngàn năm. Đến nay ở Tây nguyên phát hiện được trên 100 di chỉ khảo cổ học thời tiền sử và sơ sử, đã khai quật hơn 20 di tích lớn như Lung Leng (Sa Thầy, Kon Tum), Biển Hồ (Playcu, Gia Lai…). Đã tìm thấy hàng chục ngàn công cụ đá, hàng triệu mảnh gốm chum, vò, hàng trăm công cụ kim loại và nhiều dấu tích cư trú, mộ táng, lò luyện kim... Ngoài ra gần đây còn tìm thấy hàng chục trống đồng lớn nhỏ "kiểu Đông Sơn", những bộ đàn đá, đá kêu rất độc đáo... Đây là nguồn sử liệu cho phép chúng ta phác dựng bức tranh văn hóa và cảnh quan môi trường tiền sử Tây Nguyên.
Những sưu tập di vật khảo cổ học bằng các chất liệu ở Tây nguyên cho biết mối quan hệ sâu sắc và bền chặt giữa “người và rừng” Tây nguyên: từ bao đời rừng là sở hữu của cộng đồng, con người thuộc về cộng đồng buôn làng và thuộc về rừng, làng ở đâu cũng gần rừng, làng chuyển đi đất lại trở thành rừng, đốt rẫy làm nương rồi đi tìm rẫy mới đất bỏ hoang lại trở thành rừng... Người Tây nguyên "ăn rừng" vừa đủ, không ăn phí phạm, ăn biết dành lại cho người sau không vừa ăn vừa phá. Sống với rừng, chết làm "ma" trong nhà mồ giữa rừng, sau lễ "bỏ ma" con người trở lại với rừng, thiên nhiên. Rừng là ký ức di truyền và luôn hiện hữu trong mỗi người Tây Nguyên. Có thể nói nếu người ở đồng bằng sống chết với đất vì đất thì người Tây nguyên sống chết với rừng, vì rừng.
Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên càng bền chặt bao nhiêu thì lối sống, tâm thức con người càng hài hòa, hướng thiện bấy nhiêu. Bảo tồn sự đa dạng của môi trường cảnh quan, bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm không chỉ là bảo vệ thiên nhiên, mà đó chính là bảo tồn sự đa dạng của văn hóa, sự giàu có của tài nguyên, và qua đó là bảo vệ sự đa dạng và giàu có của con người và văn hóa Tây nguyên, văn hóa Việt Nam.
Mỗi lần trở lại Tây Nguyên thấy rừng ngày càng ít, văn hóa bản địa càng ẩn sâu hơn trong tâm thức người Tây Nguyên. Ký ức về một Tây Nguyên hồn nhiên, thanh sạch và thấm đẫm tình người, tình rừng... lẽ nào chỉ còn trong những tập khảo cứu người Pháp để lại từ gần trăm năm trước?

II.
Chưa ra khỏi thành phố Pleiku thì Biển Hồ đã hiện ra long lanh trong nắng sớm. Trên đọan đường ngắn rợp những hàng thông vẫn xanh, nhiều cặp cô dâu chú rể đang tạo dáng chụp hình đám cưới, trông họ thật rạng rỡ. Bạn vừa khéo léo lách xe vòng qua đám chụp hình vừa nói vui “cưới em anh có lời mừng, bao giờ ly dị xin đừng quên anh”, cả xe cười ồ.
Trong cái nắng cao nguyên đã bắt đầu gay gắt gió từ Biển Hồ lồng lộng mang lại hơi se lạnh đầu đông. Mọi người háo hức chụp hình từ góc này góc khác. Cảnh nơi nào cùng đẹp, bạn bè ai cũng rạng rỡ niềm vui. Đứng trên cao nhìn xuống Biển Hồ dường như không còn mênh mông như nhiều năm trước… Biển Hồ như nhỏ hơn, còn tôi như rỗng hơn lơ lửng trong ồn ào vui vẻ…
Đường từ Pleiku lên Kon Tum không còn vẻ hoang vắng. Ven đường đã có nhiều ngôi nhà, khang trang có mà tạm bợ cũng có. Hầu hết xây dựng theo kiểu nhà phố, cũng giống hệt như những con đường khác trên đất nước này. Nếu là người ít đi lại có thể sẽ không biết con đường này đi đến đâu nếu những cột cây số không hiện ra báo rằng còn 30, 20 rồi 10 km nữa là đến Kon Tum. Cố tìm một cái gì đó quen thuộc trên con đường này… và chỉ còn nhận ra “người quen” duy nhất là vài vạt dã quỳ nho nhỏ ven đường. Dạo xưa dã quỳ rực rỡ trải dài ngút ngát dọc đường đi. Có khi cả một triền hoa vàng đột ngột hiện ra hút mắt. Chỉ muốn được lao vào dang tay chạy giữa những bông dã qùy vướng vít quấn quýt quanh mình.
Tháng mười một rồi đấy. Có lần bạn nói sẽ đưa tôi lên cao nguyên đón dã quỳ đầu mùa. Hứa hẹn, hẹn ước… Tiếng Việt mình hay thế…
Thì cao nguyên đấy, cao mà có còn nguyên đâu…

III.
Cách đây vài năm hầu như mỗi năm tôi lên Kon Tum một lần, khi thì sưu tầm hiện vật bảo tàng, khi thì giám định cổ vật giúp một vài nhà sưu tập, khi thì điền dã ở các di tích khảo cổ hay các buôn làng. Thời gian di chỉ Lung leng (Huyện Sa Thầy) đang được Viện Khảo cổ học khai quật thì lên thường xuyên hơn, vì đây là công trường khai quật di chỉ tiền sử lớn nhất của VN, đã mang lại những thông tin rất mới về tiền sử tây nguyên và cả khu vực Đông Nam Á. Dù đến huyện xã nào thì cũng phải bắt đầu từ thị xã Kon Tum – nay đã là thành phố. Trong cái thị xã nho nhỏ lặng lẽ này có 2 nơi tôi thường xuyên thăm thú. Đó là Chủng viện Kon Tum và Nhà thờ Gỗ, tên gọi nôm na của Nhà thờ Chánh Tòa Kon Tum.
Chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.
Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc trên một diện tích rộng giữa trung tâm thị xã, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn của người Ba Na. Công trình này hoàn toàn bằng gỗ, được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng.
Nhìn từ xa màu nâu ấm áp của tháp chuông nhà thờ nổi bật trên nền trời xanh. Được xây chủ yếu bằng gỗ cà chít, nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông. Trong khuôn viên nhà thờ còn có nhiều công trình khác nhưng sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể của nhà thờ không bị phá vỡ, ngược lại thánh đường còn được tôn thêm vẻ đẹp trang nghiêm mà gần gũi.
Giáo đường không lớn lắm, hàng cột gỗ giờ ngả màu đen bóng. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ, nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng như con người Tây Nguyên, hồn hậu và khỏe khoắn. Không dùng bê tông cốt thép, thậm chí không có cả gạch, vôi vữa, nét độc đáo của kiến trúc này còn ở chỗ tất cả các bức tường đều được xây bằng đất trộn rơm, và dù gần một thế kỷ trôi qua nhưng vẫn vững vàng, hầu như không có dấu hiệu hư hỏng. Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong Kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng, vừa tạo thêm vẻ tráng lệ cho giáo đường. Những dãy ghế gỗ sắp thẳng tăm tắp bên trong cũng góp phần tạo thêm chiều sâu cho không gian trang nghiêm, mang đến cảm giác yên bình cho mỗi người khi dừng chân cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ.
Lần nào trở lại Kon Tum cũng vậy, Nhà thờ Gỗ là nơi tôi thường xuyên ghé đến. Chỉ để ngắm nhìn, để đắm mình vào bầu trời xanh cao nguyên trong không gian không rộng lắm luôn tĩnh lặng... Ngồi trên những bậc thềm và bình tâm, thấy mọi cái đã qua dù may mắn hay rủi ro, cũng đều như có sự sắp đặt nào đấy...
Hình như đấy gọi là số phận.

@ Repost để luôn nhớ rằng, Đất đai, tộc người và tôn giáo là những vấn đề luôn tiềm ẩn mọi nguy cơ xung đột. Mà Tây nguyên thì có cả 3 yếu tố này!
Cho nên, đừng vội nhận xét theo kiểu chỉ nhìn một phía. Bởi vì sinh ra nhà nước là để giải quyết thỏa đáng và công bằng các vấn đề xã hội!





“THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA" - NHỮNG CHUYẾN ĐI ĐẦY NỖI NHỚ

https://toptrending.vn/thu-gian/doc-sach/thuong-nhung-mien-qua-nhung-chuyen-di-ve-day-noi-nho-cua-tac-gia-nguyen-thi-hau.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR3vT-ZFS5HK6JuMm4YbP36F3EsuxdzgL7mLo0M04rP9TvwMo8RuTlgIjS8

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chính thức giới thiệu tùy bút “Thương những miền qua” của tác giả Nguyễn Thị Hậu.
Giọng văn tự sự đậm chất Nam bộ, với cách kể chuyện rủ rỉ tâm tình, gây nhớ, gây thương, và gây ngẫm ngợi của tác giả … chữ “thương” được ẩn mình trong từng dòng viết. Sách dày hơn 250 trang gồm 36 bài viết kể về những miền đất đi qua đọng lại muôn vàn thương nhớ của Nguyễn Thị Hậu.
Ngay ở đầu trang sách, tác giả giới thiệu “Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn”. Ngay từ thuở bé ở Hà Nội, dù chưa từng được thấy quê nội và quê ngoại nhưng truyền thống gia đình Nam bộ lưu giữ cho Nguyễn Thị Hậu một tình yêu quê hương hồn nhiên, thương về cội rễ.
Nghề khảo cổ học cho tác giả những thấm thía nghĩ suy về giá trị của những cổ vật trong lòng đất ở ngay trong lòng đô thị Sài Gòn và vùng ven đô Sài Gòn hay những vùng miền đất cổ ở đồng bằng sông Cửu Long. Hơn thế nữa, tác giả đã có những chuyến đi khảo sát và nghiên cứu trải dài trên dọc đường của đất nước, kể cả những chuyến đi ở nước ngoài.
Có thể kể đến những bài viết như: Quê tôi ở miền Tây; Tàu lá chuối và những Tết xa quê; Rưng rưng nhớ “Miền nước nổi”; Những chuyến tàu nối quá khứ với tương lai; Từ biệt những chuyến phà; Dòng sông mang tên thành phố; Ước mơ Metro thành phố; “Cây cầu tình yêu” ở Sài Gòn; Di sản Hà Nội trong ngày hôm nay; Một dòng xanh tuyệt vời của Huế; Sống qua ngày đại dịch… Và có dịp đến những miền đất trên thế giới, Nguyễn Thị Hậu có dịp ghi lại như: Ấn Độ vùng đất quyến rũ và đầy sức sống; Notre-Dame de Paris nơi dừng chân của ký ức; Lâu đài Amboise và danh họa Leonardo da Vinci…
Gắn bó với Sài Gòn, tác giả cảm nhận từng khoảnh khắc thay đổi, giao mùa. Những ngày đầu mùa mưa ở Sài Gòn, chỉ một cơn gió nhẹ lướt qua là những cánh hoa dầu lao xao bung mình nhẹ nhàng bay trong gió làm lòng ta xao xuyến đến lạ. Như một dòng chảy thời gian, Sài Gòn mang bản sắc là một đô thị sông nước. Từ những dòng sông, con kênh, cây cầu, những chuyến phà, chuyến tàu giao thông tấp nập, cho đến các công trình kiến trúc đặc trưng. Ở đó có sự giao thoa cũ – mới, giữa phát triển – giữ gìn các giá trị truyền thống…
Không nằm ngoài quy luật phát triển, những dấu ấn xưa đang dần nhường chỗ cho sự đổi thay phát triển nhanh chóng của thành phố. Nhắc nhớ và thêm trân trọng những biểu trưng của thành phố này, nơi hợp lưu các dòng chảy văn hóa. Những cây cầu cổ hay còn được xem là “cây cầu tình yêu” trở thành không gian nối liền quá khứ với hiện tại, tăng thêm tình cảm của mọi người dân và du khách đối với thành phố. Hay từ biệt những chuyến phà kỷ niệm để thay thế bằng những cây cầu hiện đại phục vụ việc rút ngắn lộ trình giao thông. Sẽ sớm thôi, những chuyến tàu Metro hiện đại sắp đi vào hoạt động, người dân thành phố thắp lên niềm tin từ đây sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian trong cuộc sống và mưu sinh hàng ngày.
Đến với Notre-Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) như trở về miền ký ức ngọt ngào và bí ẩn kiến trúc đồ sộ của nhà thờ như một cái bóng khổng lồ đè lên số phận của chàng gù Quasimodo nhân hậu, nàng Esmeralda tài hoa xinh đẹp. Đi qua vùng đất sông Hằng đề viếng đền Taj Mahal chứng kiến tình yêu bất tử của vị vua Shah Jahal dành cho người vợ thông thái yêu quý của mình. Đặt chân đến với Lâu đài Amboise và tìm hiểu các sáng tác của danh họa Leonardo da Vinci…
“Thực ra, Hậu không chỉ đi qua, mà là đi đến và cũng là đi về miền đất quê hương, nơi cha sinh mẹ đẻ. Và Hậu đã không ngừng đi, không chỉ đi, trên dọc dài đất nước mình. Để rồi, tất cả sự đi chứa chan cảm xúc ấy, đã lên hương, thành tình tự, ngụ trong một chữ thương. Bởi vậy, chữ thương ngự ngay tên sách của Hậu: Thương những miền qua. Vì thế, sách có chữ thương này rất có thể động lòng người chịu đọc nó. Bởi lẽ, người đọc nào mà chẳng thương miền đất đã sống, thương miền đất sắp đến và thương về miền đất mình sẽ trở lại – nơi quê hương nguồn cội”. – PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.






LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...