KẾT NHƯNG CHƯA HẾT!


Đọc tin Quốc hội “lệnh” giữ môn lịch sử, tôi cũng chẳng thấy vui hơn, dù tôi phản đối chuyện “tích hợp môn sử và chuyển thành môn tự chọn ở cấp phổ thông trung học”. Cũng không coi đây là “thắng lợi” của phe “bảo thủ” (có người bạn nói những người phản đối tích hợp là bảo thủ). Bởi vì tất cả chỉ cho thấy, một lần nữa Bộ GDĐT rất chủ quan khi muốn cải cách giáo dục. Và còn em chúng ta lại sẽ tiếp tục chịu hậu quả!
Trong cuộc tranh luận (tích hợp hay ko, bỏ hay dạy sử…) tôi nghĩ không bên nào thắng! Không giữ môn Sử độc lập thì tương lai gần môn sử sẽ chết hẳn (trong trường học) vì không còn là môn sử; còn nếu giữ môn sử mà không thay đổi quan điểm về nội dung, cách dạy và học thì môn sử tiếp tục... chết lâm sàng (như hiện nay)!
Bây giờ “quyết định giữ môn sử” chỉ như được tiêm liều thuốc hồi sức cấp cứu, phải tiếp tục cứu chữa thậm chí phải đại phẫu để môn sử không thể tồn tại như đã!
Trước đó, về tình trạng môn sử quá bi đát, nhiều bạn đã nói "trách nhiệm đó thuộc về giới làm sử". Nhưng ai đưa nội dung vào sách giáo khoa? ai quy định thời lượng, cách soạn giáo án, và cả chuyện thi hay không thi Sử nữa? Giới nghiên cứu cũng có trách nhiệm gián tiếp khi chưa kịp thời lên tiếng về kết quả nghiên cứu mới chưa được cập nhật, đưa vào sách giáo khoa. Nói cho cùng vai trò của thầy cô, từ trường ĐH đến trường phổ thông rất quan trọng để môn sử còn hay mất! Nếu nói “lỗi tại giới làm sử” thì BỘ GD đúng là ko/vô trách nhiệm thật!
Lịch sử/ sử học - theo tôi không đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc. Bất cứ nghiên cứu lĩnh vực nào cũng có thể trở thành người theo “chủ nghĩa dân tộc”. Chỉ là “chủ nghĩa dân tộc” khi nào/ khi ai coi Lịch sử là “độc quyền” trong việc gìn giữ truyền dạy tinh thần truyền thống dân tộc, và chỉ nói về những cái tốt mà không nói về cái xấu trong quá khứ..
[Quanh “sự cố” này bỗng thấy có những người vốn chẳng ưa gì nhau bỗng dưng trở thành “đồng minh” vì có cùng một mục đích, dù lý do của mục đích ấy thì hoàn toàn khác nhau Biểu tượng cảm xúc grin ]
Tình trạng dạy và học sử như bây giờ do chính những người đang hô hào “tích hợp, cải cách” gây nên từ nhiều năm nay. Có thể nào tin được họ sẽ thực tâm làm cho môn sử được học sinh thích thú, nếu như vẫn giữ quan điểm chính trị hóa những môn KHXHNV?
Vừa xong chuyện dạy sử thì đến chuyện “Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển cho biết, đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế đã xác định trườngĐại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện mở mã ngành mới là y đa khoa và dược học, theo đúng quy định của pháp luật”.
Ô hay mấy bác lãnh đạo Bộ GDĐT hình như không "gây" chuyện thì không chịu được :)

P/S. Từ bài này tôi đã chỉnh sửa, bổ sung và được đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày 6/12/2015. 


XIN TẠ ƠN NGƯỜI…


 Biết về Lễ Tạ ơn đã lâu nhưng mình chỉ chú ý đến ngày Lễ này từ khi mình và bạn tìm thấy nhau nhờ thế giới mạng hỗn độn, ảo mà cũng thật - giản đơn!

Nơi bạn sống Lễ Tạ ơn có lẽ là ngày Lễ lớn nhất trong năm của từng gia đình, như bạn kể, các con đi đâu thì đi, ngày Lễ nào có thể không về nhưng Lễ tạ ơn thì dứt khoát phải trở về nhà, cả nhà tập hợp ở ngôi nhà chung nơi có cha mẹ, ông bà. Mặc dù chưa đến những ngày từ biệt năm cũ đón chào năm mới nhưng trong hình dung của mình, dịp lễ Tạ ơn giống như ngày Tết của quê mình, cũng có những món ăn truyền thống, cũng quây quần cả gia đình, cũng nghi lễ giản đơn mà trân trọng thể hiện lòng biết ơn những ai những gì đã mang lại cho mình một năm có cơm ăn áo mặc, có người thân yêu bên cạnh…

Tất nhiên so sánh nào cũng là khập khiễng, vì mỗi lễ hội truyền thống có nguồn gốc khác nhau, nhất là giữa hai thế giới Đông – Tây, giữa hai dân tộc có quá trình hình thành và tồn tại khác nhau, giữa vô vàn sự khác nhau về lối sống, phong tục tập quán và quan niệm đạo đức… Nhưng qua tất cả, trên tất cả lại là sự giống nhau ở tính nhân văn của những ngày lễ đó. Ở đâu cũng vậy, mình nghĩ, lòng biết ơn là nhân tính đầu tiên và cơ bản của con người.

 Biết ơn vũ trụ tươi đẹp đã bao dung cho loài người và cho mỗi con người, biết ơn ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài và dạy ta từng tiếng nói đầu tiên, biết ơn thế giới quanh ta cho ta những nhận thức và niềm tin, biết ơn Đất Mẹ cho vụ mùa bội thu, biết ơn từng cơn mưa từng dải nắng mang lại sức sống diệu kỳ cho mỗi rừng cây mỗi bông hoa… Tất cả đã nuôi dưỡng cho ta đủ đầy cả “bánh mì và hoa hồng”… Biết ơn từng ánh mắt dịu dàng từng bàn tay ấm áp từng bờ vai vững vàng ở bên ta mỗi khi khốn khó. Biết ơn sự chia sẻ niềm chung vui với ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Biết ơn từng nắm gạo từng hột muối từng cọng rau ta được chia sớt khi đói lòng…

Ở quê mình, lòng biết ơn ít khi được thốt ra bằng lời “cám ơn”, nhưng một nụ cười thay lời muốn nói, một lần thăm hỏi khi nhớ đến nhau, một nén nhang cho người mà ta mang ơn khi họ nằm xuống và nhiều năm sau nữa… Ơn người mang đến cho ta và rồi ta lại dành mang cho người khác… Làm ơn không nên nhớ mang ơn chớ nên quên, đạo lý ông bà cha mẹ đã truyền cho tụi mình như thế, phải không?

Nơi bạn ở, dù lời “cám ơn” và “”xin lỗi” có thể nghe thấy ở mọi nơi mọi lúc, luôn được nói ra với thái độ chân thành, vậy nhưng Lễ Tạ ơn vẫn là ngày Lễ quan trọng nhất của tất cả mọi người bất kể tôn giáo nào sắc tộc nào. Mình đọc ở đâu đó, rằng Lễ Tạ ơn mới hình thành chỉ vài trăm năm, so với nhiều lễ hội của các dân tộc khác đây là khoảng thời gian không dài. Vậy mà nó đã thu phục được những ai đến và sống trên mảnh đất ấy, dù họ thuộc tộc người nào đến từ châu lục nào và mang theo văn hóa truyền thống nào. Bên cạnh sự hòa nhập về lối sống, mình nghĩ, ý nghĩa nhân văn của Lễ Tạ ơn vẫn luôn được cộng đồng dân cư nơi đấy biến thành sự thật bằng những hành xử cụ thể và có hiệu quả để giúp đỡ những người mới đến.


Dù con người đến và đi trong cuộc đời này chỉ là khoảnh khắc nhưng lòng nhân từ, sự biết ơn luôn nối tiếp nhau, Tạ Ơn đời đời…


MÔN LỊCH SỬ CHỈ LÀ “TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH”

http://www.thesaigontimes.vn/138686/Mon-Lich-su-chi-la-truong-hop-dien-hinh.html


(TBKTSG 19/11/2015)

Quanh việc Bộ giáo dục đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó Lịch sử sẽ tích hợp với Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng để thành một môn mới “Công dân và Tổ quốc” với yêu cầu nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, dư luận xã hội lại một lần nữa “sôi lên” vì môn học này. Những ý kiến đồng thuận hay không với việc tích hợp, thậm chí có ý kiến khá cực đoan khi cho rằng nên… bỏ luôn môn học này… đều được phân tích, lập luận, lý lẽ, dẫn chứng chứ không chỉ là ý kiến mang tính cảm xúc nhất thời… Điều đáng nói là phần lớn các ý kiến gặp nhau ở một điểm: môn sử với chức năng và ý nghĩa quan trọng của nó cần có vị thế độc lập, nhưng không thể tiếp tục dạy và học lịch sử như cũ, cả về nội dung và phương pháp.  

Kết luận cuối cùng của bản Dự thảo này thế nào còn phải chờ “hạ hồi phân giải”, nhưng điều cần đặt ra là vì sao từ nhiều năm qua tình trạng dạy và học môn lịch sử luôn gây ra sự “bức xúc” nhưng khi nó đứng trước nguy cơ bị “biến mất” thì xã hội lại gần như đồng loạt lên tiếng bênh vực nó?

Thật ra những phản ứng của xã hội đã cho thấy, môn sử là trường hợp điển hình của thực trạng “cải cách giáo dục” hàng chục năm qua. Điển hình vì nó thuộc khoa học xã hội, vốn luôn phản ánh và gắn liền với thực trạng xã hội nói chung và ngành nghiên cứu nói riêng, điển hình vì quan niệm tư duy dạy và học khoa học xã hội như thế nào? Và điển hình vì như nhiều quốc gia khác ở châu Á, Việt Nam cũng có truyền thống coi trọng văn chương, lịch sử trong nền giáo dục của nhiều thời đại.

Hiện nay nói đến môn khoa học xã hội nào cũng có vấn đề chứ không chỉ riêng môn sử. Môn văn được coi là môn chính năm nào cũng thi tốt nghiệp, nhưng tình trạng “văn mẫu” rất đáng báo động và lên án bởi nó làm thui chột sự sáng tạo và tính cá nhân trong cảm thụ văn chương; môn địa lý nếu năm nào không thi tốt nghiệp thì gần như cũng bị bỏ lửng, mà thi xong thì cũng “chữ thầy trả thầy” vì kiến thức địa lý “biết dùng làm gì?”. Môn ngoại ngữ cũng vậy, Anh văn là môn “thời thượng” nhưng từ cấp phổ thông đến đại học, xong chương trình liệu có mấy em đọc thông viết thạo nói lưu loát nếu không đi học thêm ở những trung tâm ngoại ngữ? Các môn khoa học xã hội hầu như không được nhiều phụ huynh khuyến khích và tạo điều kiện cho con em theo học và học giỏi, vì nó không phải là những môn học sẽ trở thành “phương tiện” để có thể kiếm tiền, làm giàu nhanh chóng, không phải những ngành nghề “hot” của xã hội, được xã hội “lăng –xê”.

Cho nên việc môn sử bị “mất tích” trong một môn nặng tính “giáo dục chính trị tư tưởng”, không còn đứng tên riêng với nội dung độc lập và có chức năng truyền đạt tri thức khoa học, sẽ sớm làm cho nó bị “khai tử”. Đây chính là sự báo động cho những môn khoa học xã hội khác. Khi các môn khoa học xã hội không còn vị trí là khoa học thì hệ quả đầu tiên đó là “sản sinh” những thế hệ “thuộc lòng, nhắc lại” không biết tư duy độc lập.

Mặt khác từ thực tế, chống ngoại xâm là đặc điểm xuyên suốt và quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam. Trải qua hơn hai mươi thế kỷ dựng nước và giữ nước hầu như thế kỷ nào triều đại nào cũng phải tiến hành những cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập quốc gia, trong đó phần lớn là chống xâm lược từ Trung quốc. “Loại bỏ” môn sử như một môn chính đồng nghĩa với việc “giảm bớt” nội dung truyền dạy về truyền thống chống ngoại xâm, trong tình trạng biển đảo Việt Nam đang bị đe dọa từ Trung quốc và trước đó  là cuộc chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, trận hải chiến Gạc Ma 1988… Chưa kể những nội dung khác về văn hóa – xã hội – kinh tế đã và sẽ không có mặt trong chương trình để thể hiện sự toàn diện của lịch sử việt Nam.

Tất nhiên, lịch sử không chỉ là việc nhắc lại quá khứ để biết quá khứ, mà là  để hiểu hiện tại và biết tương lai, Không học lịch sử như một khoa học thì không thể nhận thức được những gì đang và sẽ xảy ra, bài học và kinh nghiệm lịch sử chỉ có ích cho thế hệ sau nếu nó giúp thế hệ lựa chọn và tự định đoạt con đường tương lai.

Vì vậy, bảo vệ sự độc lập của môn sử trong trường phổ thông đồng nghĩa với việc phải thay đổi nội dung và cách giảng dạy có nhiều bất cập như hiện nay, bắt đầu từ mục tiêu dạy và học môn lịch sử. Quan điểm, triết lý, phuông pháp dạy và học các môn KHXH cần thể hiện đúng chức năng và vị trí của nó, không chỉ theo truyền thống mà còn cần phải phù hợp với thời đại hiện nay.



Chuyện tào lao (3)

HẠ CÁNH AN TOÀN
Trên khoang VIP hai ông quan chức ngồi cạnh nhau. Câu chuyện của họ xoay quanh công việc, cơ chế, nhân sự “cấp cao” rồi thời sự trong và ngoài nước… Cuối cùng sang chuyện họ sắp về hưu.
Những kinh nghiệm để “hạ cánh an toàn” được họ trao đổi với nhau rất tâm đắc.
Vừa lúc ấy máy bay chao đảo dữ dội vì vào vùng thời tiết xấu. Hai ông hoảng sợ nhận ra mọi mánh khóe gian tham đều không thể giúp họ “an toàn hạ cánh” nếu có sự cố xảy ra.

TRANH THỦ
Đầu năm bà đưa cho ông một danh sách để tổ chức kỷ niệm: ngày sinh nhật của ông, bà, của quý tử và công chúa, thượng thọ cha mẹ hai bên, giỗ ông bà nội ngoại, ngày “đám cưới vàng”… Lại có cả dự kiến ngày đám cưới con trai đám gả con gái, rồi thôi nôi cháu nội đầy tháng cháu ngoại…
Ông ngạc nhiên: năm nay gia đình mình có lắm ngày thế?
Bà: cuối năm ông hạ cánh rồi, kiểu gì cũng phải thực hiện hết cái danh sách này, biết chưa?

LÊN SÀN
- Chị nhà sắp nghỉ hưu, anh sẽ bị “kiểm soát chặt chẽ” hơn đấy.
- Phải có cách đối phó chứ!
- Cách gì?
- Anh đã dạy cho bà ấy “lên sàn”, chỉ cần vài trăm triệu tiền cổ phiếu là bà ấy sẽ quên anh ngay.
- Hi hi sao em cũng “lên sàn” lâu rồi mà chưa “quên” anh?
- Anh mà nghỉ hưu thì em quên anh ngay!
- Sao anh lại nói thế? Nhưng mà bao giờ thì anh về hưu?

ĐẦU TƯ
X. luôn đầu tư tình cảm của mọi người bằng việc… than thở về người bạn đời tệ bạc. Li dị rồi X. mở nhà hàng bằng tiền của người yêu X. đầu tư. Nhà hàng thua lỗ, X. lấy hoàn cảnh “đơn chiếc” của mình đầu tư vào túi tiền của vài người khác, để nuôi cái nhà hàng chỉ còn một chức năng là giúp X. có lý do tiếp tục “đầu tư”.
“Mô hình” của X. đã được nhiều công ty học tập và làm theo.

MỘT PHẦN THÂN THỂ
Vợ chồng ở với nhau đã mấy chục năm, con cái gái trai cháu nội cháu ngoại đủ cả. Mới được nghỉ hưu ông đi chơi xa vài ngày, khi về bà hỏi: Ông đi những đâu, vui không?
- Tôi trở về nơi vài năm trước đây đã để lại một phần thân thể…
Bà ngạc nhiên: Lấy nhau bao năm tôi biết rõ ông lành lặn cơ mà? Ôi giời ơi, ông để lại phần thân thể kiểu gì hả?!
- Bà biết ngay thôi, hôm nay tôi đưa nó về đây…

(TTC 15/11/2015)


VỀ NHỮNG NGÔI TRƯỜNG THÂN YÊU


Có lẽ tôi đã từng đọc tập truyện mang đậm tính hồi ký này nhưng không thể nhớ ra đã đọc trong thời gian nào? Nhưng điều đó không quan trọng vì lần này tôi vẫn có một cảm giác thật quen thuộc qua tất cả những gì các tác giả viết lại, chân thực và tràn đầy tình cảm với Mái trường thân yêu, với Thầy giáo của những học sinh giỏi toán.

Truyện dài Mái trường thân yêu kể về một ngôi trường miền trung du, qua đôi mắt một cậu học sinh Hà Nội sơ tán về đó vào những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Những trang sách làm tôi được sống lại thời gian đó, quen thuộc quá chừng và nhớ quá chừng những lớp học đơn sơ mái lá, hào giao thông ngay dưới chân bàn, mũ rơm trên lưng mỗi ngày theo đường làng, men theo cánh đồng, ven đồi đến trường, tiếng trống trường khi khoan thai báo hiệu giờ học, khi dồn dập báo động máy bay Mỹ… Và con người bình dị của làng quê, trong đó có thầy cô giáo và những người bạn mới. Thế hệ trẻ em thành phố như chúng tôi có tuổi thơ và lớn lên trong chiến tranh, có thể tự hào nói rằng rất nhiều điều tốt đẹp chúng tôi đã học được từ cuộc sống ở thôn quê: sự tự lập, biết quan tâm và chia sẻ với mọi người, và biết lao động chân tay để hiểu giá trị của những gì mình đang được hưởng dù chỉ là vật chất đơn giản.

Sự thiếu thốn về vật chất hình như làm cho người ta, nhất là bọn trẻ lại say mê sách vở hơn? Tôi nhớ mỗi lần có một quyển sách mới là cả một sự kiện, mỗi quyển sách đem lại bao điều bổ ích và bao mộng tưởng – điều không thể thiếu được đối với trẻ em. Ngày nay phương tiện nghe nhìn phổ biến nên đã làm mất thói quen đọc sách ở nhiều người, đối với trẻ em phương tiện nghe nhìn “giết chết” sự tưởng tượng  của trẻ, một đặc tính mà khi người ta lớn sẽ không còn nữa.

Sự luyến tiếc “bao giờ cho đến ngày xưa” ở nhiều người hôm nay bởi vì thời ấy nghèo khó, vất vả nhưng tràn đầy tình người – cũng là một điều xã hội ngày nay đang báo động. Nếu ai đó nhìn về miền Bắc trong những năm chiến tranh chỉ thấy sự nghèo khó thiếu thốn, cười chê người miền Bắc “quê mùa” không biết đến những sinh hoạt vật chất như ở miền Nam, thì đó là thể hiện sự hiểu biết nông cạn và đầy định kiến! Họ đã không nhìn thấy, không được biết những con người nghèo khổ và quê mùa ấy có tấm một lòng nhân hậu vô cùng, sẵn sàng nhường những gì tốt nhất cho người thành phố sơ tán về ở nhờ nhà mình. Tôi nghĩ, không có trải nghiệm này chưa chắc thế hệ chúng tôi đã trưởng thành về tinh thần – vị tha, không quá coi trọng vật chất và biết cảm thông.

Một trong những tấm gương cụ thể mà lứa tuổi chúng tôi hàng ngày được soi vào, đó là những người thầy người cô ở trường phổ thông các cấp. Quả đúng là những “người mẹ, người cha” ở trường, chăm lo cho chúng tôi thay thế cho cha mẹ chúng tôi đang chiến đấu và lao động trên mọi miền đất nước. Các thầy cô cũng nghèo khó, cũng vất vả, cũng có cuộc sống như những người nông dân, nhưng luôn hành xử đúng mực và giữ được sự kính trọng của phụ huynh, của xã hội với bản thân, với nghề nghiệp. Thầy cô còn là những mẫu mực về tri thức mà học trò luôn hướng đến. Thầy giáo của những học sinh giỏi toán là một trong nhiều người Thầy như vậy. Ông đã khơi gợi, định hướng, uốn nắn và quan trọng là đã làm cho học sinh tìm ra và hiểu được khả năng của chính mình, dù sau này làm nghề gì thì những khả năng được Thầy khơi gợi luôn là hành trang quý giá của mỗi người học trò.

Cám ơn các tác giả đã mang lại cho tôi cả một quá khứ đẹp của thời thơ ấu. Mong rằng bạn đọc sẽ nhận được từ cuốn sách này nhiều điều hay về một thời đã qua, được viết lại một cách chân thực, giản dị, không tô vẽ cũng không bi kịch hóa – điều có trong không ít các tác phẩm bây giờ viết về thời quá khứ.

Sài Gòn ngày 1.11.2015
Nguyễn Thị Hậu


 

Chúng ta đã xem nhẹ tính khoa học và tri thức lịch sử

Ý KIẾN CỦA TÔI TRÊN BÁO TUỔI TRẺ (18/11)

Theo tài liệu của Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (hội thảo Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông do Hội Khoa học lịch sử tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội), môn lịch sử được tích hợp trong một môn học có tên công dân và Tổ quốc mà dự thảo chương trình giáo dục phổ thông xác định là một trong bốn môn bắt buộc thuộc lĩnh vực đạo đức - công dân, nhưng xuất phát từ yêu cầu giáo dục chính trị tư tưởng.

Đây chính là điều mà tôi lo ngại, bởi vì chương trình giảng dạy môn lịch sử từ trước đến nay đã quá thiên về nội dung này mà xem nhẹ tính khoa học và tri thức lịch sử: chương trình và sách giáo khoa không toàn diện các lĩnh vực của lịch sử xã hội, lịch sử chiến tranh thì nặng về những đánh giá, nhận định chính trị, hạn chế nhiều kết quả nghiên cứu mới và một số sự kiện lịch sử quan trọng không được đưa vào giảng dạy... Môn lịch sử không phải là môn chính thường xuyên thi tốt nghiệp phổ thông nên trên thực tế từ lâu lịch sử đã trở thành một môn học phụ.

Việc tích hợp môn sử với hai môn học có mục tiêu cụ thể khác nhau sẽ càng làm cho môn lịch sử xa rời mục tiêu quan trọng là trang bị cho thế hệ trẻ kiến thức lịch sử như một khoa học.
Không thay đổi quan điểm về môn học này thì việc thay đổi chương trình theo kiểu tích hợp cũng không cải thiện được tình trạng dạy và học sử như xã hội bức xúc lâu nay, mà có thể còn làm cho lịch sử biến mất trong tâm thức học sinh mặc dù vẫn có những giờ học “môn sử”.

Mời xem những ý kiến trên báo Tuổi Trẻ về việc dạy môn Lịch sử trong Dự thảo Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục.

Vụn vặt đời thường (97)

@ Hà Nội bây giờ sao “côn đồ” lộng hành quá vậy: đánh luật sư “vì bụi đường”, đánh nghệ sĩ đường phố (chắc vì đàn những bản nhạc mà chúng nghe không hiểu? Trước đó thì “côn đồ” trại giam đánh chết em trai mới 17 tuổi, rồi đánh người yêu cây xanh, đánh người ghét kẻ gây chiến tranh…
Sắp tới nghe nói người đứng đầu thành phố HN sẽ là một ông tướng CA. Chả biết có phải là kiểu “lấy đầu gấu gác cổng chợ” không?!

Thời ông Chủ tịch là KTS thì HN chặt hàng loạt cây xanh và nhiều chuyện bê bối khác về cơ sở hạ tầng. Cứ theo đó mà suy thì biết sắp tới HN sẽ thế nào!

@ "NUÔI CON FACEBOOK" - mới nghe cái từ này hay quá Biểu tượng cảm xúc smile Nuôi nên phải cho ăn (post) vì sợ nó "chết". Vì vậy nhiều người nuôi nó bằng nhiều stt giật gân, chọc ngoáy, chửi đổng, chê bài... con FB của họ lúc nào cũng sôi lên sùng sục, không khéo có ngày gị tai biến :)
Vì vậBiểu tượng cảm xúc smilNhìn lại: con FB của mình trông cũng không đến nỗi nào, chắc vì mình cho nó ăn thực phẩm không chứa chất độc hại Biểu tượng cảm xúc smile
 @ Nhiều bạn đổi avatar tạm thời chia sẻ với nước Pháp khi Paris bị khủng bố, mình mắt kèm nhèm đầu óc có khi "bay bay" nên mấy lần suýt nhắn nhầm còm nhầm... May quá ko có gì nhạy cảm tế nhị :)
Nhưng mình cũng mong nhìn thấy các bạn chia sẻ như thế với nước Nga khi máy bay Nga rơi ở Ai Cập cũng vì khủng bố! Nhất là những anh chị, những bạn từng học và làm việc, sinh sống ở Nga. các bạn luôn có nhiều hoạt động thể hiện nỗi nhớ và tình cảm với nước Nga  mà?
@ Mình hay ngồi quán cà phê starbucks. quán Starbucks o vn cũng ồn ào như mọi quán khác, tiếng kéo những chiếc ghế nặng và tiếng cười nói át hết tiếng nhạc nhẹ nhàng vốn có của starbucks ở nhiều nơi khác :)

@ Tuổi trẻ cười ra ngày 15/11, như thường lệ có Chuyện tào lao (100 chữ) của Hậu khảo cổ. Số này có thêm một chuyện phiếm nữa, chủ đề "hạ cánh an toàn" :D
 Mời cả nhà mua báo ủng hộ nhé :)




Vẫn còn nhớ nhau (9,10)

LẠC ĐẠO
9.
Mùa đông 1972. Từ tháng 10 ở Hà Nội có nhiều cơ quan, gia đình đã lục tục sơ tán về nông thôn. Đến đầu tháng 12 thì có lệnh sơ tán khẩn cấp. Trên các nẻo đường người, xe đạp ùn ùn kéo đi…
Đoàn kịch nói Nam bộ - lúc này ba tôi chuyển qua làm Trưởng đoàn kịch nói Nam bộ - lần này sơ tán về Lạc Đạo, một xã ở ven đường quốc lộ số 5, gần ga Như Quỳnh trên con đường huyết mạch Hà Nội – Hải Phòng. Đoàn về đây từ tháng 10, ở đó đoàn bắt đầu dựng vở kịch “Hòn đảo thần vệ nữ” – vở kịch đã trở thành một “hiện tượng” trong đời sống nghệ thuật lúc đó ở Hà Nội và cả miền Bắc. Hàng ngày các nghệ sĩ tập trung ở nhà ai đó, “thoại lời”, “vỡ hoang” (ngồi đọc đối thoại kịch, phân tích lời kịch, tâm lý và tình huống kịch, trước khi tập trên sàn diễn). Bọn trẻ con em của đoàn kịch ngay từ những ngày tập đầu tiên đã thuộc câu thoại nổi tiếng “hết ngày dài lại đêm thâu, chúng tôi đi trên đất Phi châu” của một nhân vật trong vở kịch do nghệ sĩ Can Trường thủ vai.
Thời gian này má tôi không đi sơ tán, ngân hàng nơi bà làm việc vẫn ở Hà Nội; chị Hiền đã đi học nước ngoài từ cuối năm 1969, còn anh Hai đi bộ đội vào chiến trường B từ năm 1968. Năm 1971 ba tôi cũng đưa đoàn kịch đi Trường Sơn gần nửa năm, tưởng đã đi thẳng vào đến B2 (Nam bộ) nhưng rồi lại phải quay ra. Ba tôi buồn lắm, nhiều lần đi B mà không lần nào về được quê hương…
Đầu tháng 12, đúng lúc Hà Nội có lệnh sơ tán khẩn cấp thì đoàn kịch lại về Hà Nội để tập giai đoạn cuối vở “Hòn đảo thần vệ nữ”. Đúng đêm 18/12 là đêm tổng duyệt ở Nhà hát lớn, mới mở màn được khoảng 30 phút thì còi báo động, rồi tiếng bom rền, tiếng súng cao xạ, tiếng rít dài của tên lửa phóng lên bầu trời… Sáng hôm sau ba tôi và các cô chú lên đến nơi sơ tán, ông nói ngay: Mỹ đưa B52 ném bom Hà Nội! Kinh nghiệm đi chiến trường nhiều lần đã cho ông biết điều này trước khi có thông báo từ Đài phát thanh.
Ở Lạc Đạo cha con tôi sống cùng gia đình bác Mai, bác cũng là cán bộ xã, hai bác có bốn cô con gái, chị lớn đã lấy chồng có con, ở nhà còn 3 chị em trong đó có cái Chỉ bằng tuổi tôi nên hai đứa học cùng lớp 6 ở trường cấp II của xã. Trong lớp cũng có nhiều bạn là người sơ tán, có cả thầy cô từ Hà Nội về dạy ở trường nữa. Vì vậy sơ tán lần này không làm cho tôi bỡ ngỡ như những lần trước, và cũng vì “lớn rồi” nên việc học hành phải tự lo, lại còn phải biết nấu cơm cho ba, thỉnh thoảng làm vài món nhậu cho ba và các chú nữa.
Sau đợt B52 của Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào cuối tháng 12/1972, cuối tháng 1/1973 Đoàn kịch lại về Hà Nội nhưng tất cả gia đình con cái vẫn ở Lạc Đạo. Cứ cuối tuần tôi lại đạp xe về Hà Nội để mang gạo mì mắm mỡ lên nơi sơ tán, giống như má tôi trước kia. Chiều chủ nhật ba má đưa tôi đi, đến cầu phao Chương Dương ba dẫn xe đạp cho tôi qua cầu, má đứng lại đầu cầu nhìn theo với đôi mắt đỏ hoe… Tôi đạp xe đi, có khi một mình, có khi cùng với hai anh em Minh – Yến, mỗi đứa một xe đằng sau có hai cái túi làm bằng lốp xe, trong đó có thức ăn cho một tuần mười ngày, có mấy cái bánh mì hay gói bánh ngọt má tôi gửi biếu nhà bác Mai, khi là gói đường hay lọ mì chính (bột ngọt) gửi bác Mai gái, khi là mấy mét vải màn gửi cho các chị…
Đường 5 chạy song song với đường xe lửa Hà Nội – Hải Phòng, ban ngày vắng xe ô tô qua lại, chỉ có người đi xe đạp, lỡ có máy bay thì lao ngay vào vệ đường hay gốc cây, vứt xe đấy mà nhảy xuống hào giao thông. Thỉnh thoảng có chuyến tàu vội vàng trên đường ray, nhưng nếu có máy bay thì cũng ngừng lại, người trên tàu túa xuống tìm nơi ẩn nấp. Khi máy bay đi rồi, tàu hú vài tiếng lại tiếp tục lăn bánh. Đi qua Trâu Quỳ - nơi có bệnh viện tâm thần – vẫn thấy thấp thoáng sau bức tường sơn loang lổ màu phòng không là những bệnh nhân đi lại, nhảy nhót, có khi trồng cây, quét sân, có khi là một đám đánh nhau… Nhưng lạ, hễ nghe tiếng loa của bệnh viện, bất cứ nói gì, là bệnh nhân ngoan ngoãn ngay lập tức.
10.
Khi sơ tán về Lạc Đạo nó bước vào tuổi thiếu nữ, bắt đầu biết để ý vẻ ngoài, biết chăm chút đến mái tóc, bộ quần áo. Tóc nó dài quá gấu áo và rất dày, khi tết hai bím tóc trông đằng sau nó giống hệt chị Hiền, đằng trước thì khác vì có những sợi tóc quăn tự nhiên cứ xòa xuống má. Mấy cô ở đoàn kịch chọc nó là “Mai Liên” – tức là Miên lai vì nước da ngăm đen, mái tóc quăn và cặp mắt to mi dài. Lúc đó nó không thích bị trêu như vậy, vì đó là những gì làm cho nó khác các bạn gái cùng lứa. Sau này lớn rồi nó lại nghĩ: không chừng trong dòng máu của mình có lai Miên thật, vì quê nội của nó ở An Giang, một nơi có nhiều người Khmer sinh sống từ lâu đời.
(Mới năm ngoái năm kia, một lần ở tiệm uốn tóc, cô nhỏ gội đầu hỏi nó: cô là người miền Bắc à? Nó trả lời: quê cô ở miền Tây nhưng cô sinh ra ở Hà Nội. – Miền Tây cô ở tỉnh nào vậy? – Cô ở An Giang. – con cũng An Giang nè, chắc cô là người Miên phải hôn, thấy cô đen đen giống con! Người miền Tây thiệt thà thấy thương luôn vậy đó!)
Chiến tranh nên quần áo đều nhuộm xanh hoặc nâu, đen. Con gái thường mặc áo cổ lá sen với quần đen, thường là quần “phíp” (gần giống như vải lanh) hoặc quần vải, may mắn thì có cái quần lụa của chị hay mẹ cho. Nó cũng có một cái quần lụa đen đã ngả màu, thỉnh thoảng má nó lại rền rĩ “tôi mặc mãi không sao tới lượt nó mặc thì nay rách mai sờn…”. Ba bênh con gái “bà mặc mãi thì tới nó mặc rách là phải rồi”. Trong ba lô mang đi sơ tán nó có 4 cái áo và 3 cái quần, thật là một gia tài lớn! Hai cái áo ngắn tay là từ cái váy hoa của chị nó được phát mang đi nước ngoài, thương em chị để lại cho em may áo. Một cái áo màu nâu nhuộm từ chiếc áo trắng vải pô – pơ – lin đẹp nhất của nó, và cái còn lại màu “mận chín” – cái áo “điệu” nhất, nó ước ao mãi má nó mới may cho để dành mặc Tết.
Đi học cùng lớp với con gái út của bác chủ nhà, nó thích mặc cái áo màu nâu giống như cái Chỉ. Đến lớp nếu nó không nói ra thì thầy cô không biết nó người Hà Nội vì các bạn gái Hà Nội vẫn mặc áo hoa áo màu… Ngoài giờ đi học nó cùng cái Chỉ đi gánh phân, làm đất trồng rau, đi bón kali cho ruộng khoai tây, rồi thu hoạch rau vụ đông… Nhà bác chủ làm gì nó làm việc ấy, lúc đầu vụng về rồi sau cũng quen tay. Ba nó không nói gì nhưng tỏ ý bằng lòng. Còn má nó luôn nhắc “con gái ở nhà người ta phải ý tứ”. Vậy nên vào những ngày “đau bụng”, nó len lén đi thay, rồi tối mịt mới cầm đèn dầu một mình đi ra con mương cuối làng giặt giũ, đàn bà con gái không được giặt “đồ bẩn” ở giếng nhà. Phơi phóng cũng phải khuất mắt, che chắn bằng 2,3 lớp áo. Một lần đèn hết dầu mà nó không để ý, ra tới mương đèn tắt, nó mò mẫm giặt rồi mò mẫm đi về. Đến cổng thấy ba nó như đang đứng chờ, trong ánh đèn từ nhà hắt ra cặp mắt kiếng của ba hình như loáng ướt…
Một phiên chợ bác gái chủ nhà đi bán gánh khoai tây, lúc về mua một con chó con rất xinh. Được hai, ba ngày con chó uể oải bỏ ăn, bác gái đút cơm cho nó bị nó cắn xước một chút ở tay. Ai dè khoảng một tuần sau bác gái lên cơn dại. Lúc đầu bác nóng sốt cao, rồi sợ gió sợ ánh sáng, bác nằm trong buồng tối và bắt cả nhà che chắn hết các khe cửa… rồi chiều tối thì bắt đầu tru lên từng hồi. Đến lúc này mọi người mới biết bác bị lên cơn dại, hùa nhau đi tìm đập chết con chó con. Nó nhớ mãi cảnh con chó nằm bẹp dưới cối xay lúa, xung quanh cơm vãi kiến bu đầy, khi bị lôi ra con chó đã yếu lắm rồi, vậy mà nó biết, nó chảy nước mắt…
Hôm đó là thứ bảy, tình cờ chiều tối má nó lên thăm, gặp lúc bác gái ốm má nó là người duy nhất vào buồng xoa bóp cho bác gái khi bác tỉnh lại. Bị bệnh dại lạ lắm, khi lên cơn thì tru tréo không ai dám đến gần, nhưng qua cơn rồi thì người rất đau nhức nhưng tình táo. Mỗi lần má nó vào xoa bóp là bác gái lại dặn dò cẩn thận: ai nợ bác cái gì, nhà còn nợ ai bao nhiêu, bác để dành cho các con gái những gì, chuẩn bị đám cưới chị thứ hai thế nào… Cứ thế, vật vã đến trưa hôm sau thì bác gái mất. Má nó thay cho bác bộ quần đen và chiếc áo bà ba màu xanh mới tinh mà nó cẩn thận mang đi sơ tán cất để dành cho má. Bác trai nức lên “cả đời bà bây giờ mới được mặc quần áo mới, bà ơi…”.
Đó là một cú sốc rất lớn với nó, sau cú sốc hồi nó học lớp Hai một đứa bạn thân của nó bị chết vì bom Mỹ, đứa bạn ấy cũng tên là Hiền.
Từ đó, tất cả mọi thứ với nó đều nhạt nhòa, hình như không còn gì đáng nhớ.
Gần hai năm sau, chưa mãn tang bác gái thì bác trai lấy vợ mới rồi đẻ được một thằng con trai. Chị thứ hai – chị Xoan - chờ ba năm đoạn tang mẹ mới lấy chồng. Chồng chị là thương binh. Một lần chị lên Hà Nội đến nhà nó chơi, nó đi học về không nhận ra chị: cô gái có nước da trắng hồng, mặt tròn má lúm đồng tiền, lúc nào cũng tươi tắn… nay thành một người phụ nữ gầy gò, da sạm lại, và cái nhìn chỉ ánh lên một chút khi thấy nó. Chị thứ ba – chị Lan – “thoát ly” đi làm công nhân khi bác trai lấy vợ khác. Còn cái Chỉ: “nó khổ lắm, bố chị giờ nát rượu suốt ngày đánh chửi nó…”, chị Xoan khẽ kể như thế…
Năm 1975 cả nhà nó về Sài Gòn. Khoảng năm 1978 ba nó đưa Đoàn kịch Nam bộ ra Bắc biểu diễn “đền ơn đáp nghĩa” ở những nơi đoàn từng sơ tán. Về Lạc Đạo ba nó gặp lại bác trai, nhưng hỏi thăm các chị thì bác chẳng nhớ gì, “ổng không uống được nữa, chắc không còn lâu…”. Lúc này Lạc Đạo nổi tiếng vì một “đặc sản” lâu đời mà lúc trước luôn phải giấu giếm: rượu cuốc lủi.
Bây giờ Lạc Đạo còn là nơi làm cơm nắm muối vừng mang bán khắp Hà Nội. Cứ ra Hà Nội là nó luôn tìm mua cơm nắm của các chị gánh bán rong, lần nào nó cũng nghĩ, biết đâu sẽ gặp lại cái Chỉ…
***
Thời sơ tán cách đây đã hơn năm mươi năm, con bé, nó hồi đó giờ đã là một người đàn bà U60, nghỉ hưu rồi, “rảnh rỗi sinh nông nổi” bèn nhớ lại và ghi chép ra đây, nếu có gì chưa thật chính xác thì mong những người liên quan lượng thứ.
Sài Gòn, 5/2014 – 8/11/2015

Vẫn còn nhớ nhau (7,8)

7.
Khi quen với nhiều bạn rồi nó càng lang thang nhiều hơn, dưới đồng trên bãi, ngoài sông trong đê, chỗ nào bọn trẻ nông thôn đến thì nó cũng đi theo. Đi theo trâu trên những triền đê, ven rặng điền thanh muồng muỗng thấp thoáng bướm vàng, chuồn chuồn kim… Đi hái rau muối trong ruộng ngô bãi ven sông vào những buổi sáng sớm còn mù sương, lạnh giá. Rau muối nhỏ xíu cánh lấm tấm trắng như những hạt muối tinh, phải hái sớm vậy mới ngon, nấu canh ngọt lừ không cần mì chính. Chị Hiền nó và chị Vân – bạn thân của chị Hiền, đi sơ tán một mình nên má nó bảo về ở chung nhà, rồi thành con cái trong gia đình nó – vẫn nói với nhau: cái Hậu trông nhõng nhẽo thế mà gì cũng biết, chả sợ gì cả.
Những buổi tối trời, nhất là sau trận mưa rào nó còn trốn má đi theo các chú làm chung cơ quan với má nó đi bắt cóc ếch về cải thiện. Chú Hài (thương binh, đi tập tễnh) và chú Thái là hai người bắt ếch cóc giỏi nhất, chỉ một lát là đầy cái thùng gánh nước mang theo. Hai chú đổ vào hầm tăng – xê để ăn dần. Ban ngày mới làm thịt cóc ếch vì phải cẩn thận: lột da, bóc sạch trứng và rút hết gân. Sau đó thịt ếch thì xào mặn ăn dần, còn thịt cóc thì bằm nát rồi xào để nấu cháo hay nấu bánh canh. Bánh canh làm từ bột mì, má nhồi bột, cán mỏng và sắt sợi, làm một nồi thật to, hai ba nhà ăn chung. Đến giờ nó vẫn nhớ hương vị nồi bánh canh bột mì sợi bánh bở bở, nước dùng sền sệt nhưng ngọt lắm. Đấy là thức ăn tươi hầu như duy nhất trong hơn hai năm sơ tán ở Chu Minh. Có lẽ được ăn thịt cóc ếch nhiều nên hồi nhỏ nó không hay ốm vặt, người tròn cui chắc nịch và… đen thui.
Hàng tháng má nó đạp xe về Hà Nội mua gạo mì mắm mỡ. Chiều thứ bảy về tối chủ nhật mới lên, đi cùng chú Hài chú Thái để lỡ dọc đường có máy bay hay việc gì bất trắc. Đạp xe ban đêm không đèn đường, đường quốc lộ xe ô tô không đèn kín lá ngụy trang chạy rầm rập nối đuôi nhau… Về đến Hà Nội khoảng 1,2 giờ sáng thì 4,5 giờ đã phải ra xếp hàng mua gạo mì, mua thịt mỡ… về nhà thắng mỡ cho vào chai, rồi ba nó buộc bao gạo mì lên xe đạp, chiều chủ nhật má lại đạp xe đi. Lần nào trở về nơi sơ tán má cũng nói: tưởng không về được đến nơi!
Đi sơ tán nhưng nó vẫn được má và các chị cưng chiều vì là con út. Bởi vậy nó cũng hay đành hanh cãi lại các chị. Một lần biết má sắp về Hà Nội, đêm đó nó ôm má thủ thỉ “má, mai má đừng về Hà Nội nhé!” – Má không về lấy gì ăn, phải về mua gạo mì chứ? – Má về, chị Hiền chị Vân bảo sẽ tẩn cho con một trận! Trời trời, nửa đêm má lôi hai chị dậy la: sao dọa em để nó sợ? Hai bà chị ngái ngủ càu nhàu: dọa thế cho nó sợ chứ ai đánh nó, rồi lăn ra ngủ tiếp. Nó ôm má ngủ mà vẫn phập phồng lo cho ngày mai không có “ô dù” che chắn.
Hai chị hay mắng nhưng yêu nó lắm, nhường nó tất cả giấy ngà ngà trơn nhẵn, lại dùng thước với bút chì kẻ dòng cho nó tập viết, còn các chị viết trên giấy đen thui đầy cọng rơm trên mặt giấy nhám. Chị Hiền nó học rất giỏi tất cả các môn nên rèn chữ đẹp cho nó, dạy nó làm toán. Một lần hai chị đọc vở của nó, thì thầm với nhau: cái Hậu tập làm văn hay ghê! Được cái nó học không chăm nhưng sáng dạ, năm nào cũng là học sinh giỏi.
Có một chuyện nó luôn biết ơn chị Hiền. Đó là chuyện chị không cho nó nói “giọng nhà quê”, “chửi cha không bằng pha tiếng”, chị bảo vậy! Ở đâu chỉ vài hôm là nó nói đặc giọng ở đấy, chị nghe thấy chỉ cần trừng mắt là nó khiếp vía… Nhờ vậy nó giữ giọng Hà Nội rất lâu. Lâu đến nỗi năm 1975 về Sài Gòn lúc 17 tuổi mà đến nay đã 40 năm nó vẫn một giọng “Hà Nội chuẩn”, dù nó chẳng coi là “chuẩn” và nếu có thì cái “chuẩn” ấy cũng bình thường thôi, nó nghĩ thế!
8.
Ở Chu Minh lúc đầu nhà nó ở nhờ nhà bác Hùng có con là cái Hoan bằng tuổi nó, nhưng nhà bác đông quá nên ít lâu sau mấy má con nó qua ở nhà chị Rau. Nhà chị ở phía sau nhà bác Hùng, cùng chung ngõ nhỏ chạy giữa một bên là hàng rào râm bụt thấp bên kia là cái ao nhỏ vuông vắn thường cạn nước.
Chị Rau khoảng 30 tuổi, ở một mình, thỉnh thoảng có bà vãi (mẹ chị) ở làng bên qua chơi vài ngày. Chồng chị là anh Trác đi bộ đội, anh chị cưới nhau vài năm rồi nhưng không có con. Chiến tranh, anh Trác nhập ngũ, chị ở nhà làm hợp tác. Má con nó ở nhà chị Rau gần một tháng thì về Hà Nội ăn tết, quay lên đã thấy chị xin được một đứa con nuôi còn đỏ hỏn, đó là cái Nhàn. Con bé dễ như củ khoai, không có sữa toàn uống nước cơm, được vài tháng thì ăn “cơm mớm”, càng lớn càng tròn quay và đen thui giống y như nó. Ai chê nó xấu thì chị Rau đều nói “xấu mà học giỏi như cô Hiền cô Hậu”. Chị Hiền còn dạy cái Nhàn nói câu “đen mà có duyên” khi nó bập bẹ học nói. Chị Rau đi làm cả ngày, nó tha cái Nhàn đi khắp nơi như chó mẹ tha chó con, trong nhà ngoài sân, ra vườn, ra cả sân kho hợp tác… Trưa nắng nóng chị Hiền chặt mấy tàu lá chuối trải trên nền nhà, hai đứa lăn lóc trên đó cho mát. Khi cái Nhàn biết bò rồi biết đi, nhanh như chớp đã lần ra đến bờ ao thành giếng, thế là nó liền lấy sợi dây buộc một chân cái Nhàn vào cột nhà, hai đứa ngồi chơi với nhau, nó cầm sách đọc như cuốc kêu còn cái Nhàn thì ê a đọc theo. Lúc đầu cái Nhàn còn thích thú, sau đó khóc ré lên, khóc chán lăn ra ngủ ngay cạnh cây cột.
Chiều mát, nó ra giếng kéo mãi mới đầy một chậu nước tắm. Vào nhà lấy quần áo quay ra đã thấy cái Nhàn mặt mũi người ngợm nhem nhuốc ngồi gọn trong chậu vùng vẫy tung tóe. Nó mếu máo: bắt đền chị Rau  lấy cho em chậu nước khác đi. Chị Rau kéo nước lên tắm cho cả nó và cái Nhàn, hai đứa tha hồ nghịch nước giếng mát lạnh đến tím môi và các ngón tay nhăn nheo mới chịu thôi.
Lần nào bà vãi (ở vùng này gọi bà ngoại là bà vãi) qua nhà cũng có quà cho nó. Khi là cái bánh đa khi khúc mía bắp ngô. Bà vãi hay ra sau nhà đào lấy củ rong riềng, được cả rổ đem luộc lên. Nó thích củ rong riềng lắm, củ màu xám trắng, thơm, ngọt, ăn mãi không chán. Bà vãi vẫn hay mặc váy đụp, quấn khăn mỏ quạ dù bà cạo trọc đầu, bà đã già lưng còng như trông vẫn dong dỏng, khác hẳn chị Rau người thấp đậm, mà cái Nhàn càng lớn càng giống chị Rau, chẳng ai biết nó là con nuôi. Mùa đông bà vãi cấy rau cần ở cái áo nhỏ cạnh nhà, khi rau ăn được thì phần mang ra chợ bán phần cho hàng xóm, phần muối dưa ăn dần. Rau cần mới cắt đem xào tái với chút mỡ tỏi, cọng rau ngọt lừ, thêm quả cà chua hồng vào nữa thì ăn với cơm nóng quên no. Nó rất thích lội xuống ruộng rau cần với bà vãi, nhưng hai chị nó thì không dám, vì sợ đỉa.
Một lần chồng chị Rau được về phép, hàng ngày anh bế cái Nhàn đi chơi khắp các nhà hàng xóm. Một buổi chiều đi làm về má nó thấy hai cha con ngồi trước bếp lửa, cái Nhàn không mặc quần áo, lạnh tím tái. Má nó hốt hoảng hỏi “sao anh không mặc quần áo cho con Nhàn để nó lạnh thế kia?”, anh Trác hồn nhiên bảo: nó ị hết ra người nên vừa tắm cho nó, hơ lửa cho khô. Đến đêm cái Nhàn cảm lạnh một trận tưởng chết, sốt cao co giật, mấy chị nó cùng chị Rau phải thay nhau bế nó chạy lên bệnh viện huyện trên phố Lả để cấp cứu. Một tuần sau cái Nhàn mới qua khỏi, gầy tọp. Ngày đón cái Nhàn về nó ôm chặt cái Nhàn đòi mang theo… ngày mai nó về Hà Nội, hết phải đi sơ tán rồi. Má nó mắt đỏ hoe, phải hứa sẽ đón em Nhàn về sau nó mới chịu. Từ đó nó không gặp lại cái Nhàn…

Bà vãi mất sau đó vài năm. Khoảng năm 1990 nghe nói anh Trác chị Rau cũng đã mất. Cái Nhàn kém nó 6 tuổi, bây giờ cũng ngoài 50, nếu còn ở Chu Minh chắc đã là bà nội bà ngoại rồi. Không biết nó còn nhớ đến “cô Hậu” vẫn bế nó ngày còn bé không…

Vẫn còn nhớ nhau (5,6)

CHU MINH
5.  
Khi đó nó 6 tuổi, sơ tán về làng Chu Minh, nơi có đình Chu Quyến to lớn, qua chín năm kháng chiến mà vẫn còn nguyên vẹn, bây giờ là Di tích lịch sử quốc gia, nổi tiếng là một trong vài ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Đi theo má và chị, nhưng lúc mới đến đó má nó bị sốt thương hàn phải về Hà Nội nằm bệnh viện, chị Hiền còn đang ở tạm nhà trọ của trường cấp ba bên xã Tiên Phong cách đó khoảng chục cây số. Vậy là má gửi nó lại cho một người bạn, nó gọi là cô Lý.
Cô Lý cũng gần bằng tuổi má, khoảng trên dưới 40 nhưng không có chồng, vì vậy trông cô nghiêm lắm. Ban ngày cô đi làm, nó đi học hoặc lang thang với bạn ở ngoài đồng, trên đê. Tối về nó ngủ với cô trên một tấm phản hẹp khoảng 80cm. Mùa đông cô lót một tấm chăn mỏng làm nệm, chừa chỗ nó nằm bề ngang khoảng hơn gang tay trải chiếu lạnh ngắt. Gần 8g tối là cô tắt đèn đi ngủ. Nó không ngủ thì cũng nằm im đấy, không dám nhúc nhích cục cựa vì cô khó ngủ. Nhiều đêm nó nhớ má cứ nằm im quay mặt vào vách để mặc nước mắt tràn trề không dám nấc tiếng nào…
Nhờ vậy sau này nó được nết ngủ ngoan, dù mất ngủ cũng không làm phiền ai.
 Khi má nó khỏi bệnh trở lên nơi sơ tán, má con nó được gia đình bác Hùng trong làng cho ở cùng. Nhà bác có ổ chó con mới sinh, mẹ là một con Mực nhưng đàn chó 5 con đủ màu vàng trắng vện… Nó yêu bầy chó lắm, suốt ngày bồng bế trên tay. Bấy giờ là mùa hè, làng bị dịch chó dại. Tối hôm trước người ta vác loa đi thông báo từ đầu làng đến cuối thôn, rằng ngày mai nhà ai không đập chết hay thịt chó thì xã sẽ đến bắt đi “tiêu hủy”.
Sáng sớm hôm sau nó lặng lặng ôm bầy chó con, gọi con chó mẹ đi theo rồi trốn vào hầm tăng – xê, lại còn cẩn thận đậy nắp hầm lại. Trong bóng tối nó cố vượt qua sự sợ hãi những con rắn, con chuột, thằn lằn… trong tưởng tượng, chịu đựng lũ muối, kiến lao vào đốt như điên. Bầy chó như hiểu tình cảnh của chúng, không kêu la gì. Chó con nằm im không đòi bú mà chó mẹ cũng im, không dám liếm láp con.
Đến tận chiều, bác chủ nhà sốt ruột quá đi tìm ổ chó, còn má nó thì đi tìm nó. Thấy tiếng gọi ời ời nó mới chui ra khỏi hầm, mặt mũi tay chân sưng vù, đói lả. Lúc bấy giờ bầy chó mới kêu nhặng lên đòi ăn. Khôn thế chứ.
Sau này nhà nó ai mà ăn thịt chó thì bao giờ cũng có chuyện không may. Chắc vì tuổi nó cầm tinh con gâu gâu.
       Chị nó học cấp ba, “con gái không ở một mình” nên chị không ở nhà trọ mà về ở với má và nó, dù hàng ngày phải đi bộ hơn 10 km. Một lần hai chị em nó từ nơi sơ tán đi về Hà Nội. Hai chị em ra phố huyện - gọi là phố Lả, đón xe khách nhưng đã lỡ chuyến, chỉ còn cách đi bộ lên bến xe thị xã Sơn Tây, cách đó hơn 20 km thì có thể mua được vé xe về Hà Nội. Trưa nắng chang chang hai chị em cứ đi, đi mãi… Một chú bộ đội đi xe đạp qua, hỏi: hai chị em đi đâu? Chị nó trả lời: chúng cháu về bến xe, chú cho em cháu đi nhờ với. Ừ lên đây chú đèo cho một đoạn. Nó sợ không dám ngồi sau xe đạp người lạ, chị nó phải gắt lên sợ gì mà sợ… Thế là chú bộ đội đèo nó đi trước, chị nó vẫn đi bộ, sau đi nhờ một chiếc xe bò chở mía lên thị xã, bị lá mía cứa xước hết cả người.
Chú bộ đội đèo nó gần đến bến xe thì rẽ đường khác, chú thả nó xuống và bảo: cứ đi thẳng nhé, một tí là đến bến xe thôi. Nó đi và cuối cùng cũng đến. Không biết bao lâu thì nó nhìn thấy chị, vừa mừng vừa tủi mà không dám khóc, sợ chị mắng (trong nhà nó sợ chị nhất, sợ hơn sợ ba má).
Tối mịt chị em mới về đến Hà Nội. Bước vào nhà nhìn thấy má, nó òa lên khóc. Hình như đấy là lần cuối cùng nó khóc òa lên như thế…
6.
Ở Chu Minh nó bắt đầu vào lớp 1. Trường cách nhà không xa, nó học buổi chiều nhưng hôm nào ăn cơm trưa xong là nó cũng tấp tểnh đi ngay. Chị nó mắng: đi sớm làm gì, dang nắng về bệnh bây giờ! Nó lại giơ tay ra đếm lẩm nhẩm: à, hôm nay em trực nhật. Thế là tót đi học sớm.
Nó chưa đến trường vội, tất nhiên. Nó đi tắt qua ruộng rau trước nhà để tránh bầy ngỗng lúc nào cũng nằm phục trước ngõ, ai đến gần không sao nhưng hễ nó đi qua là thế nào cả bầy cũng đứng lên kêu kíu kíu, vừa vươn cái cổ dài dứ dứ muốn cắn, nó sợ lắm, mấy lần nó bị ngỗng đuỗi chạy ngã rách quần u đầu. Mấy đứa trẻ nhà quê nhìn thấy nhưng nhất định không đuổi ngỗng giùm mà cứ đứng cười “con bé sơ tán”, con bé không có mái tóc dài như chúng nó mà cắt ngắn “như liền ông”.
Men theo bờ đê nó lang thang ra đình Chu Quyến. Ngày nào cũng đi qua, nhìn ngôi đình còn nguyên vẹn hàng cột gỗ lim to mấy vòng tay ôm, chân tảng bằng đá xanh bóng loáng, sàn đình bằng gỗ nhẵn bóng mát rượi, nó đã hiểu vì sao người ta nói “to như cái đình”. Cả làng đúng là không có nhà nào to như thế, cả ngôi chùa (đã bị biến thành kho để phân đạm) cũng chỉ nhỏ nhắn dưới bóng mấy cây hoa đại hoa trắng quanh năm. Không hiểu sao giữa những ngày chiến tranh mà ngôi đình to lớn này không bị biến thành nhà kho hay là nơi bộ đội đóng quân? Buổi trưa quanh đình vẫn vắng vẻ, cây đa cổ thụ rợp mát một góc sân đình, mấy chú trâu bò thơ thẩn gặm cỏ, có thằng bé con trạc tuổi nó nằm trên lưng trâu ngủ khì, có lần bị ngã lộn cổ xuống đất, nó xoa tay lên cái đầu trọc rồi càu nhàu gì đó, hình như mắng con trâu sao để nó ngã.
Nó hay thơ thẩn ra đình, ngồi dựa lưng vào cột đình ngắm mãi mái đao cao cao cong vút và những hình chạm khắc, thỉnh thoảng được ông từ cho đi theo vào hậu cung, thành kính nhìn những bức tượng thờ được “giấu kín” ở đó, đâu biết rằng sau này sẽ đi học cái nghề khảo về đình chùa.
Mùa đông bước vào trong đình thấy ấm áp hẳn dù xung quanh vẫn trống trải, nhờ mái đình sà xuống thấp nên che bớt cơn gió mùa đông bắc ngoài kia. Mùa nước lũ, từ bờ đê phía ngoài đình nó nhìn thấy những chiếc thuyền đi vớt “củi rều” từ thượng nguồn trôi về. Đàn ông đàn bà đều lái thuyền chèo thuyền bằng hai chân, hai tay thoắn thoắt với những cành cây nhỏ, họ còn khéo léo tránh những cây gỗ, bè tre trôi trên sông. Thỉnh thoảng có những thuyền ghé vào bến bán cá mòi. Lên bờ họ quạt than nướng cá mòi, đàn ông mua ăn ngay, chấm muối ớt và uống rượu, đàn bà mua về kho khô với nghệ, cá mòi kho khô ăn cơm với rau muống luộc nước vắt chanh thì thôi rồi…
Ngày hè, thỉnh thoảng có đoàn người ào vào đình ngồi nghỉ, bỏ nón quạt lấy quạt để, gương mặt nóng bừng lấm tấm mồ hôi… Phần lớn là phụ nữ gánh những bó “ráng” to che lấp cả người. Ráng là một loại cây dương xỉ mọc thành rừng trên những ngọn đồi bên xã Tiên Phong cách đây chừng mươi cây số, người xã Chu Minh vẫn sang đấy cắt về phơi khô để đun nấu thay củi. Cắt ráng bằng liềm, bó lại và dùng đòn xóc hai đầu gánh như gánh rơm rạ. Họ đi từ sáng sớm, cắt ráng đến quá trưa rồi đi một mạch từ những ngọn đồi đá ong nóng bỏng chân về đến đình làng mới hạ gánh nghỉ ngơi, ra hồ nước rửa mặt mũi chân tay rồi thong thả gánh ráng về nhà.

Trời đã về chiều, khói lan lên từ những ngôi nhà. Tiếng trâu khua móng về chuồng, tiếng í ới gọi con về tắm rửa ăn cơm… Nó đi học về lại ngồi ở bậc đá thềm đình, cảm thấy buồn buồn, chưa hiểu đấy là cảm giác cô đơn, cái cảm giác sẽ đi theo nó suốt đời.

Vẫn còn nhớ nhau (3,4)

SEN HỒ
3.
Làng Sen Hồ (chẳng nhớ xã huyện nào, chỉ nhớ là tỉnh Bắc Ninh) là nơi tôi đi sơ tán cùng với Đoàn cải lương Nam bộ - nơi ba tôi làm Trưởng đoàn. Bây giờ từ Hà Nội sang Bắc Ninh chỉ vài chục phút xe máy nhưng hồi ấy sao thấy xa xôi đến thế…
Lần ấy tôi đi cùng với chị Hiền, tôi gần 6 tuổi còn chị tôi 13 tuổi, vừa học xong học lớp bảy. Chúng tôi ở đó vào mùa hè, chỉ ở tạm chờ khi nào cơ quan má tôi đi sơ tán thì chị em tôi sẽ đi cùng với má. Ba tôi là nghệ sĩ, bình thường cũng đi lưu diễn quanh năm suốt tháng có mấy khi ở nhà, má tôi chẳng yên tâm chút nào khi giao con cho ông, dù ba tôi cũng rất cố gắng chăm sóc con.
Má tôi kể hoài một chuyện, có lần bà đi học bổ túc văn hóa ở Chèm, mang tôi theo vì tôi mới hai tuổi, chị Hiền ở nhà với ba. Trời chiều mùa đông âm u lạnh buốt, ba tôi mắt đeo kính lò mò… chải chí (chấy) cho con gái – tóc chị Hiền rất dầy và dài, đen nhánh. Ông có nhìn thấy gì đâu, mỗi khi kéo cái lược xuống ông lại bảo: con xem có con chí nào không? Mấy cô diễn viên trong đoàn đi ngang thấy vậy liền nói: chú Bảy để con chải đầu cho em. Rồi khi má tôi về mấy cô kể lại,  “trông chú Bảy thương lắm thím ơi, như đờn ông mồ côi vợ vậy”.
Làng Sen Hồ - tới giờ tôi không còn nhớ gì nhiều, chỉ nhớ có cây cầu bằng đá xanh rất đẹp bắc qua con sông nhỏ, có hồ sen thơm mát vào mùa hạ. Nhiều buổi chiều chị Hiền dẫn tôi ra ngồi trên cầu đá xem mọi người bơi lội dưới sông. Các anh thanh niên đứng trên cầu phóng mình xuống dòng nước trong vắt, còn các chị thì từ hai bên bờ sông sẽ sàng nhoài mình xuống làn nước mát. Thỉnh thoảng có tiếng cười ré lên, tiếng trêu chọc, tiếng mắng lầu bầu “phải gió cái nhà anh này”… Những đứa trẻ ôm thân chuối trần truồng bì bõm tập bơi. Chị Tuyên – một diễn viên trẻ rất nghịch, tướng tá như đàn ông – rất hay túm hai ống quần lụa đen cho phồng lên rồi lộn ngược đầu xuống nước, chổng mông bồng bềnh giữa tiếng vỗ tay của những người ngồi trên cầu.  Có lần tiếng cười ha hả át cả tiếng vỗ tay, nhìn lại, hóa ra quần chị bị rách lộ ra khoảng da thịt trắng mịn màng… Sau lần ấy chị bỗng dịu dàng khép nép hẳn, ra dáng con gái hơn.
          Ở Sen Hồ cha con tôi ở nhờ nhà bác Pha – chủ nhiệm hợp tác xã. Bác đi làm suốt ngày, thi thoảng mới thấy bác đi đôi dép cao su còn toàn thấy bác chân đất, quần nâu ống cao ống thấp, đạp chiếc xe đạp Thống nhất đã cũ, đeo chiếc túi vải chéo qua thân, đội chiếc mũ giắt mấy cành lá xanh “ngụy trang”. Bác sửa lại ngôi nhà ngang cho cha con tôi ở, nó vốn là nhà kho để thóc lúa, nông cụ, cái cối xay thóc và cối đá giã gạo phía ngoài. Nhà ngang chỉ có một gian không có cửa số, mái rạ, vách đất trộn rơm và trấu trát lên phên tre đan. Bác Pha phá một khoảng vách đất chỉ còn mấy ô tre đan vuông vuông, thế là thành cái cửa sổ nhỏ ở phía trên chiếc giường của hai chị em. Trời mùa hè oi bức, nóng quá tôi cứ trở mình liên tục dù chị Hiền luôn tay quạt cho tôi ngủ, trên chiếc giường tre bên cạnh ba tôi nằm im thỉnh thoảng mới phe phẩy chiếc quạt giấy, ba nói: nằm im không đổ mồ hôi dễ ngủ hơn.
Sau này khi về lại Hà Nội, nhà chỉ có mỗi chiếc quạt máy đã cũ, ba nhường cho má con tôi, ba cũng chỉ có cái quạt giấy phe phẩy suốt đêm hè. Chiếc quạt tai voi của Liên Xô, cánh cao su nhão ra, khi chạy rung lên bần bật nên má tôi phải buộc chân quạt vào thành giường, nhưng thật ra chẳng mấy khi được nằm quạt vì Hà Nội thường xuyên mất điện.
4.
Mùa hè ở Sen Hồ là mùa hè đầu tiên tôi ở nông thôn, cái gì cũng lạ lẫm. Đường làng ẩm mát cỏ mọc hai bên mời gọi mấy chú trâu bò vừa đi vừa tạt vào vệ đường gặm búi cỏ, rồi khoan khoái phẹt ngay một bãi nóng hổi giữa đường, cái đuôi luôn ve vẩy đuổi ruồi muỗi có khi vẩy cả bùn đất vào người đi qua. Làng nhiều ao chuôm đầy bèo, ếch nhái kêu suốt đêm hè mưa rào, xung quanh cây xanh mát sà xuống sát mặt ao. Ba tôi chặt cây chuối tập bơi cho hai chị em, nhưng chị Hiền thì tập được còn tôi thì nhát nước lắm, vì cứ xuống ao là hai ống quần của tôi bị rêu bám xanh xanh, tôi nhìn ghê ghê thế là nhất định không chịu tập bơi. Đến bây giờ dù cầm tinh con cún nhưng tôi vẫn không biết bơi dù chỉ là bơi chó.
Vả lại, về làng mới vài ngày thì tôi bị phá nước (lạ nước) ghẻ lở đầy người, nhất là hai bàn tay và hai chân. Đầu tiên là những mụn nước nhỏ, ngứa ngứa, rổi vỡ ra mưng mủ chi chit, hai bàn tay không mở ra nắm vào được. Tôi đau đến phát sốt. Chị Hiền lấy kim băng nhể từng cái mụn mủ, khều “cái ghẻ” ra, tôi đau quá cứ rụt tay lại, lại còn dọa sẽ mách má chị làm em đau, chị tôi thương em nước mắt vòng quanh...
Không biết hỏi ai chị Hiền đi hái lá tre lá bưởi lá sả lá bàng… nhiều thứ lắm, về nấu nước tắm cho tôi. Ôi trời ơi là xót khi dội nước lên người, tôi khóc giãy nảy không chịu tắm, chị Hiền vừa lấy lá chà xát cho tôi vừa khóc kể lể “chị có muốn làm em đau đâu, nhưng không đau thì em không khỏi bệnh, em chịu khó cho chị tắm đi…”. Thấy chị khóc còn nhiều hơn mình thế là tôi nín bặt. Đến bây giờ chị tôi vẫn là người hay khóc (và kể) hơn tôi, tôi chỉ khóc có vài lần trước mọi người, sau này có khóc cũng ít ai biết.
Cả tháng sau tôi mới hết ghẻ, tay chân sẹo đầy, chị Hiền lại giã nghệ bôi khắp người vàng khè, dính hết ra bộ quần áo nhuộm màu xanh “phòng không” trông loang lổ. Ra đường cứ bị mấy đứa trẻ nông thôn “êu êu chó đốm”, tôi vừa sợ vừa tức chỉ mở to mắt rơm rớm nhìn chị cầu cứu. Chị Hiền quay ra dậm dọa chúng nó “tao mách bố mẹ chúng mày bây giờ”.
Kỷ niệm cuối ở Sen Hồ mà tôi còn nhớ là chuyện nồi vịt kho của chị tôi. Lần ấy ba tôi về Hà Nội họp, cho chị tiền đi chợ mấy ngày. Chị ra chợ mua con vịt cỏ bị chết ngạt nước (cho rẻ) về kho gừng để dành hai chị em ăn. Đã treo lên cái gióng trong bếp mà thế nào con mèo vẫn nhảy lên làm đổ và ăn gần hết. Sáng ra thấy vậy chị Hiền khóc quá trời, bắt đền bác Pha “con mèo nhà bác ăn hết con vịt của cháu”. Bác Pha cười bảo: thôi để bác đền cho con vịt béo hơn to hơn. Nói vậy thôi chứ ai lại lấy của bác, chị tôi lại đi chợ mua thức ăn khác, còn dặn tôi “không được kể với ba nhỡ ba la”. Nhưng khi ba từ Hà Nội lên thì bác Pha vừa cười vừa kể lại, ba tôi cũng cười và bảo hai chị em: Chó treo mèo đậy mà con chỉ treo thì mèo ăn là phải rồi. Thôi, hôm nay ba con mình mua vịt về luộc chấm mắm gừng nha. Chị Hiền tôi hớn hở đi chợ mua con vịt về luộc nấu cháo, lại làm một đĩa gỏi hoa chuối cho ba và bác Pha uống rượu “cuốc lủi”.
Hết mấy tháng hè má tôi lên đón hai chị em đi sơ tán theo má ở Quảng Oai, Hà Tây, cạnh bến phà Trung Hà nhìn qua bên kia sông Hồng là Việt Trì. Từ mùa hè 1965 đó tôi chưa lần nào trở lại Sen Hồ.

Vậy mà lâu lâu trong giấc mơ tôi như vẫn thấy hương sen hồ phảng phất đâu đây, và những cây cầu đá ở đâu cũng quen thuộc vì gợi nhớ một thời sơ tán ở Sen Hồ…

VẪN CÒN NHỚ NHAU (1,2)


(chuyện trẻ sơ tán) – Nguyễn Thị Hậu
Một dịp trò chuyện với nhà văn Lê Minh Hà, lỡ “xui dại” Hà và hứa sẽ cùng “viết về tuổi thơ hoang mang của chúng mình”. Vậy nhưng lu bu công chuyện và cũng làm biếng nữa, chưa kịp viết thì Hà đã xuất bản cuốn truyện CÒN NHỚ NHAU KHÔNG hay quá là hay! Chuyện của tôi thì không là truyện, nên cũng may, không làm hỏng cuốn sách của bạn.
Nhưng vẫn viết lại đây, để cho mình, cho hai con. Và để bạn biết, vẫn cón nhớ nhau!

TÂN CHI
1.  
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964, chiến tranh bùng nổ ở miền Bắc. Nhận biết đầu tiên về chiến tranh là khi má mang về nhà 5 cái ba-lô may bằng vạt bạt màu ghi.
-        Má ơi cái này là cái gì?
-        Ba lô con ạ.
-         Để làm gì má?
-        Để mang quần áo đi sơ tán.
-        Đi sơ tán là đi đâu má, có đu quay, có kẹo bông không, má?
-       
Má lặng thinh, mắt đỏ hoe. Tôi đã không biết rằng cái ba lô là dấu hiệu sự chia ly rất lâu của gia đình. Sau đó ít ngày anh tôi, ba tôi lên đường ra chiến trường.
Một đêm Hà Nội tháng mười cuối thu, gió mùa đông bắc sớm tràn về. Má đưa tôi lên nhà trẻ ở đầu Hàng Bông Thợ Nhuộm (bây giờ nhà trẻ này vẫn còn). Ở đó đã có mấy chục bà mẹ ông bố đưa con đi sơ tán. Bọn trẻ ngủ gà ngủ gật, bố mẹ thì thầm trò chuyện lo lắng vì để các con đi theo nhà trẻ, còn mình phải ở lại Hà Nội làm việc… Bỗng một tiếng còi huýt lên, bọn trẻ giật mình ngơ ngác, bố mẹ giật mình hoảng hốt… Đến giờ tôi vẫn ghét kinh khủng tiếng còi huýt, bởi vì nó đã cắt lìa tuổi thơ của tôi với ba má, nó ném tôi – con bé mới gần 5 tuổi vào những năm dài sơ tán lúc có lúc không gia đình bên cạnh.
Má đưa tôi lên xe, chọn  một chỗ ngồi cạnh cửa sổ vì biết tôi hay bị ói khi đi xe. Nhìn má đi xuống xe tôi bỗng hốt hoảng mếu máo: má ơi ngồi đây, má đi đâu rồi? Một tiếng nói gắt gỏng: con bé kia lớn rồi không được khóc, các bạn khóc theo bây giờ! Sợ quá, tôi nín bặt. Má tôi nắm chặt tay tôi, nước mắt lã chã… Nhưng rồi trong bọn trẻ cũng có đứa khóc òa… Đứa nào cũng biết từ đây mình phải xa cha mẹ… Xe chạy rồi tôi vẫn thấy má đứng đó với đôi môi mím chặt và những giọt nước mắt  tuôn rơi…
Thế là lần đầu đi sơ tán một mình, tôi về Tân Chi (tỉnh Bắc Ninh). Mấy tháng ở đó xa ba má, tôi và vài đứa nữa là trẻ lớn nhất của trại. Mỗi tối các cô bảo mẫu đều đi về với gia đình của họ, để lại tất cả bọn trẻ nằm như cá hộp trên sạp tre trong ánh đèn dầu leo lét. Mấy đứa lớn thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ, dỗ đứa nào khóc, thay quần áo cho đứa đái dầm, đắp chăn cho đứa lạnh co ro… Bây giờ gặp lại, nhiều người đã thành ông bà nội ngoại, vẫn nhớ: bà này ngày xưa thay quần cho tui nè.
Nhiều buổi sáng sớm mùa đông, một mình con bé 5 tuổi là tôi đi ra cái quán đầu làng mua bánh khoai về cho bọn trẻ ăn sáng. Bánh làm bằng khoai sọ xắt mỏng rồi hấp lên, giã ra, gói vào lá chuối có nhân đậu xanh và chút thịt mỡ rồi luộc lại lần nữa. Thỉnh thoảng mua được bánh nóng, mùi lá chuối khô, mùi khoai, mùi đậu xanh quyện vào nhau bốc hơi thơm lừng. Nhưng bánh khoai sọ ăn nguội cũng ngon lắm, miếng khoai vừa bùi vừa dẻo, hơi lành lạnh khi ăn vào buổi sáng mùa đông. Cảm giác ngon lành đến giờ còn nhớ. Cái đói và thèm ăn làm quên đi nỗi sợ khi phải đi một mình trên đường làng còn tối om, tre già hai bên kẽo kẹt, thỉnh thoảng có cơn gió cuốn lá tre bay xào xạc, con bé sợ hết vía co chân chạy một mạch. Một lần đánh rơi chiếc mũ len không dám quay lại nhặt, khi về đến trại đầu ướt nhẹp vì mưa phùn gió mùa đông bắc. Sốt nằm một mình, mơ thấy má, nước mắt đẫm gối…
Đến giờ tôi vẫn không hiểu được một điều: vì sao các cô bảo mẫu có thể để chúng tôi – một lũ trẻ con như trứng gà trứng vịt, đêm nào cũng ở lại trong ngôi nhà đèn dầu leo lét, có khi gió lùa tắt ngúm, mà không có một người lớn nào bên cạnh? Cũng may ban đêm ít có báo động máy bay Mỹ ném bom… Hay vì nghĩ thế nên các cô yên tâm về nhà với con của mình và mặc kệ con cái người khác?
2.
Nhớ thời gian đầu mới đi sơ tán, anh Hai tôi hay lên thăm, anh thương cô em út nhõng nhẽo nhất nhà chưa từng xa ba má. Lúc đó anh Hai tôi làm việc tại Đoạn đầu máy – toa xe Hà Nội, mỗi lần lên thăm anh mang bánh mì và cà chua hồng, món ăn khoái khẩu của tôi hồi nhỏ. Lần ấy anh và bạn là anh Quảng đạp xe đến Tân Chi đón tôi và em Điệp (ở cạnh nhà tôi) về nhà chơi, vì ba tôi và má em Điệp sắp đi biểu diễn ở chiến trường. Trời chiều chuyển gió mùa Đông Bắc, hai anh gò lưng đạp xe còn hai em ngồi sau lạnh run cầm cập, các anh cởi áo bông mặc thêm cho em. Xe anh Quảng còn bị đứt xích, anh phải vịn vai anh Hai để kéo theo. Tối mịt mới đến ga xe lửa vừa kịp chuyến tàu chợ, các anh “nhét” hai em qua cửa sổ tàu rồi chạy về toa gửi xe đạp, vừa vội vàng trả lời khi ông soát vé chặn đường “tôi làm ở đầu máy Hà Nội”. Toa tàu chợ đầy bao củi than, rọ gà heo, những thúng bắp cải su hào… hai đứa bé lạnh phát sốt, được mấy bà buôn chuyến hỏi thăm rồi cho ăn cơm nắm với muối vừng. Nửa đêm mới về đến Hà Nội, tôi và em Điệp còn ngái ngủ chưa kịp hiểu gì thì đã nằm gọn trong vòng tay của ba má ra đón.
Mấy tháng trời tôi không được gặp ba vì ông đi biểu diễn ở chiến trường. Ngày trở về lên thăm tôi, tôi đã không nhận ra ông trong bộ quân phục, đôi dép râu và mái tóc đã ngả màu muối tiêu! Mãi tới khi ba ứa nước mắt, gọi nhỏ “con Hậu!” tôi mới sực tỉnh, chạy lại ôm chầm cổ ba làm cái kiếng của ông rớt xuống bị gãy. Thế là cả ngày hôm đó hai cha con loay hoay tìm cách cột lại để ba có kiếng đeo thấy đường đạp xe quay về Hà Nội. Mấy tháng trời nhớ ba tôi không khóc, vậy mà chiều đó khi nhìn thấy ông còng lưng đạp xe đi, tấm khăn dù “chiến lợi phẩm” bay phất phơ trong giá lạnh chiều đông, tôi đã khóc lặng lẽ bên cây gạo trên bờ đê, nơi mà tôi thường ra đứng ngóng chờ ba má.
Thời gian trôi qua. Những ngày sơ tán bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải chỉ thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống ở nông thôn. Thế nhưng cái cảm giác “bị bỏ rơi”, cô đơn, tủi thân khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày sơ tán ấy dường như không phai mờ… Rất lâu sau này trong cuộc sống, mỗi khi có gì khó khăn bế tắc,  nhiều người chúng tôi vẫn không thể chia sẻ với người thân, luôn co mình lại trước bạn bè… Sự tổn thương (không ai muốn) từ ngày thơ ấu đã để lại dấu ấn này, gây ra sự bất hạnh cho không ít người.
Sau này trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ tôi để các con tôi phải một mình như tôi lúc ấy! 


KÝ ỨC THỊ DÂN LÀ TÀI SẢN VĂN HÓA

Hôm qua 6.11, PV Thanh Niên đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, về những vấn đề liên quan đến bảo tồn cảnh quan, kiến trúc đô thị TP.HCM.


@ TS. Nguyễn Thị Hậu cho biết: “Dưới góc độ bảo tồn (tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM hơn 120 năm tuổi - PV) theo tôi tốt nhất là nên bảo tồn nguyên trạng không gian, đường nét kiến trúc. Nếu bảo tồn rồi mà không phù hợp với công năng cũ đã được sử dụng trước đó, thì chúng ta có thể chuyển đổi công năng mới.
Cái này thế giới người ta cũng đã làm rất nhiều rồi. Có nơi người ta biến ga xe lửa thành một bảo tàng hiện đại cơ mà. Chúng ta có thể biến tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng trở thành nơi tiếp khách quốc tế, hoặc một khách sạn sang trọng ngay trên vị trí đất vàng. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu di dời đi nơi khác, không sớm thì muộn công trình cổ sẽ bị biến mất cả về giá trị văn hóa, lịch sử lẫn trên thực tế”.
@ Vùng lõi kiến trúc cổ xung quanh trụ sở HĐND, UBND TP.HCM hiện hữu đang có xu thế bị dồn nén, hao mòn dần bởi nhiều công trình cao tầng mọc lên. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Dưới góc độ văn hóa và bảo tồn, tôi có cảm giác và nhận thấy hình như chúng ta chỉ bảo tồn theo từng điểm, tức là bảo tồn cụ thể một công trình nào đó mà không đặt nó trong một cảnh quan kiến trúc chung. Cảnh quan ở đây là cảnh quan đô thị, trong đó có cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt như vùng lõi kiến trúc của TP.HCM thì phải đặt trong cảnh quan chung những kiến trúc cùng thời, chứ không thể tách nó ra. Để những công trình mới có thể trở thành di sản sau này thì kiến trúc phải hòa nhập với kiến trúc cổ đã được xây dựng.
@ Như vậy, theo bà thì những công trình mới sau này chưa “ăn nhập” cho lắm với kiến trúc đặc trưng của đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa?
- Đúng! Điều này thấy ngay ở khu vực đường Đồng Khởi (Q.1). Từ đầu đường có nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP nhưng kiến trúc đặc trưng của hai công trình này bị che chắn bởi toàn bộ những bức tường kính phía trước, phía sau... Thực tế điều đó ảnh hưởng đến kiến trúc cổ, và thật sự vẻ đẹp của những công trình mới cũng không được tôn lên.
Bây giờ nếu như cái gì chúng ta cũng đưa vào khu trung tâm để phát triển, làm thay đổi bộ mặt khu trung tâm thì đó cũng chính là một cách, mà nói hơi nặng một chút, là chúng ta cố tình xóa bỏ đi một phần lịch sử kiến trúc, nét văn hóa của đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa.
Đô thị TP.HCM phát triển từ sau năm 1975 đến bây giờ là 40 năm nhưng không thể tách rời khỏi khoảng thời gian 100 năm người Pháp xây dựng, và kể cả 20 năm người Mỹ và chính quyền cũ xây. Vì nói cho cùng thì chính quyền nào cũng chăm lo xây dựng đô thị, cho nên mình không tôn trọng những cái lịch sử đã làm được và để lại dưới góc độ vẻ đẹp đô thị, nền nếp đô thị thì rõ ràng chúng ta không có cái gốc về không gian đô thị để phát triển trong giai đoạn mới.
@ Phải chăng TP.HCM cần có sự quan tâm đặc biệt hơn trong công tác bảo tồn không gian kiến trúc cổ?
- Chúng ta vẫn luôn nhắc đến vấn đề bảo vệ giá trị truyền thống nhưng sức ép kinh tế của một TP là đầu tàu của cả nước quá lớn. Sức ép này dường như luôn thúc ép TP phải phát triển kinh tế. Truyền thống kinh tế của VN là bám vào đất đai, nhiều nơi biến đất đai thành khu công nghiệp, chuyển đổi công năng của đất (từ nông nghiệp sang đô thị...) và TP.HCM cũng tương tự như vậy. TP cũng có chuyển đổi công năng đất vàng dưới góc độ văn hóa thành đất vàng dưới góc độ kinh tế. Đấy là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thời gian vừa qua có nhiều công trình kiến trúc cổ biến mất.
Để có thể khai thác được giá trị kiến trúc, văn hóa của đất vàng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, theo tôi vấn đề đầu tiên phải đặt ra là quan điểm của các nhà lãnh đạo. Cái thứ hai là cộng đồng, trong đó có các nhà quản lý, xây dựng, các công ty và người dân nói chung. Một khi chưa có sự đồng thuận về quan điểm xem cảnh quan kiến trúc cổ là tài sản chung của cộng đồng thì chúng ta rất khó bảo tồn được.
@ Như vậy phải xem ký ức của thị dân, đặc biệt đối với đô thị TP.HCM, như một tài sản trong đời sống văn hóa ngày nay?
- Ký ức thị dân là một tài sản văn hóa rất lớn. Nếu như thị dân không yêu TP nơi mình sống thì không có cách gì gìn giữ được yếu tố bản sắc. Chúng ta vẫn chưa chú trọng đến việc làm sao để cho thị dân yêu mến hơn nơi mình sống. Dường như chúng ta chỉ khuyến khích mọi người đến đây để kiếm sống, nhưng chưa khuyến khích hay chưa tạo điều kiện cụ thể để mọi người cùng nhận thấy TP.HCM là nơi đáng sống về tình cảm, tình nghĩa và đáng sống cả về không gian cảnh quan kiến trúc.
Một khía cạnh nữa, chúng ta chưa chú ý lắm đến yếu tố chủ nhân của các đô thị, đó là thị dân. Chúng ta chưa làm được việc là giúp cho thị dân ý thức được rằng họ đang sống trong một đô thị như thế nào và cần có ứng xử gì cho phù hợp. Đô thị thật ra không phải là nơi sống bình thường mà đó là nơi có truyền thống văn hóa, có hướng phát triển...

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...