CẢNG QUỐC TẾ TRUNG CHUYỂN CẦN GIỜ NHÌN TỪ LỊCH SỬ

https://nguoidothi.net.vn/cang-quoc-te-trung-chuyen-can-gio-nhin-tu-lich-su-41497.html

Nguyễn Thị Hậu
TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương chuẩn bị những bước cần thiết cho việc xây dựng cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ - một trong những công trình trọng điểm mang tính đột phá trong giai đoạn từ nay đến 2030 – 2050.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích những thuận lợi – khó khăn, thời cơ – thách thức... từ góc độ kinh tế phát triển. Với các điểm mạnh - điểm yếu, thời cơ – thách thức mà dự án đặt ra, có thể nhận thấy đây là một “thời cơ lớn” cho phát triển kinh tế nói chung và cho ngành logistic và hạ tầng cảng biển nói riêng của nước ta. Tuy nhiên, hầu hết những phân tích về thuận lợi hay bất lợi là từ yếu tố kinh tế - kỹ thuật, còn từ yếu tố môi trường sinh thái và điều kiện lịch sử - xã hội thì cho đến nay chưa có những đánh giá cụ thể.
Trong lịch sử, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng đất Nam bộ nói chung không phải đến thời cận – hiện đại mới có những hải cảng – thương cảng lớn. Ngay từ thời tiền sơ sử đã hiện diện “cảng thị sơ khai” Cần Giờ, thời kỳ vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 -7) có một thương cảng Óc Eo – Nền Chùa nổi tiếng ở khu vực “tứ giác Long Xuyên”. Sự ra đời của những cảng thị cổ - một loại hình cấu trúc mang tính liên kết, giao lưu chặt chẽ về kinh tế, tính “bình đẳng” trong tiếp nhận kỹ thuật, văn hóa, và trên hết, mang tính cạnh tranh rất cao, thậm chí quyết định sự “tồn tại hay không tồn tại” của cảng thị và nền kinh tế một khu vực. Lược khảo về hai cảng thị cổ trên vùng đất Nam bộ sẽ góp thêm dữ liệu lịch sử cho việc nhận biết những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng những cảng mới, hiện đại trên vùng đất này.
Vào thời kỳ tiền sử, Cần Giờ cũng là vùng cửa sông – vịnh biển. Chứng tích khảo cổ học cho biết, Cần Giờ thời đó không phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác mà có nền kinh tế đặc biệt: phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực ĐNA hải đảo và xa hơn, bằng đường sông hướng vào ĐNA lục địa. Đồng thời kết hợp hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng ngập mặn và thủy hải sản tại chỗ. Chính vì vậy, hai ngàn năm trước đây Cần Giờ được coi là một “cảng thị sơ khai”, mà các sản phẩm chính và hàng hóa đặc sắc gồm có đồ gốm gia dụng và tùy táng trong những ngôi “mộ chum”, đồ trang sức bằng thủy tinh, đá ngọc, mã não, vàng, dụng cụ sinh hoạt bằng vỏ ốc vỏ hàu, công cụ và vũ khí bằng đồng và sắt... Nguồn gốc của những sản phẩm này từ Ấn Độ (và xa hơn từ vùng Địa Trung Hải), từ Trung quốc, đặc biệt từ khắp ĐNA. Hàng hóa luân chuyển và đi sâu vào đất liền theo các con sông lớn, mà chế độ bán nhật triều với biên độ thủy triều rất lớn của sông Đồng Nai là một điều kiện vô cùng thuận lợi.
Không chỉ ở Cần Giờ mà trên đảo Long Sơn phía Vũng Tàu cũng tìm thấy di tích tương tự, cho thấy vịnh Gành Rái là khu vực thuận tiện để trở thành “trạm dừng” của con đường hàng hải trên biển Đông, nối liền các khu vực ven biển với nhau và với vùng nội địa. Mạng lưới sông và biển liên kết chặt chẽ trong vai trò lưu thông hàng hóa, nhưng phải dựa trên nền tảng là vùng lưu vực Đồng Nai trù phú phát triển bằng kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp, là nguồn lương thực và nước ngọt cung cấp cho cảng thị Cần Giờ. Đây là một điều kiện vô cùng quan trọng.
Khoảng đầu công nguyên, cảng thị sơ khai Cần Giờ suy yếu và khu vực này mất đi vai trò trung tâm kinh tế của lưu vực Đồng Nai trong vùng ĐNA. Vai trò quan trọng này được “dịch chuyển” xuống khu vực Nền Chùa (Kiên Giang) và đặc biệt ở Óc Eo – Ba Thê (An Giang). Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7, khu vực Ba Thê – Óc Eo là một đô thị - thương cảng cổ, là trung tâm kinh tế, văn hóa và tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam.
Cảng thị Óc Eo của Phù Nam giữ vai trò quan trọng của sự kết nối trên Biển Đông, là trung tâm của mạng lưới giao thương hàng hải trong khu vực kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Ấn Độ với Trung Hoa. Những kết quả khai quật và nghiên cứu gần đây (2017 – 2020) đã minh chứng rõ hơn vai trò quan trọng của thương cảng này trong mối quan hệ giao thương khá mà chứng tích sản phẩm vàng, gốm, đá quý từ Trung quốc, Ấn Độ, La Mã hay sản phẩm gia vị, hương liệu của “thế giới ĐNA và Nam Á”. Và cũng như “cảng thị sơ khai” Cần Giờ, thương cảng Óc Eo cũng dựa vào vùng hạ lưu sông Me Kong có nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, dựa vào vị trí ven biển “trung điểm” của con đường hàng hải qua biển Đông, lại được nối liền với vùng lục địa bằng hệ thống sông rạch và kênh đào. Đô thị cổ Óc Eo – Ba Thê là một tổng thể của các chức năng: 1) Trung tâm đô thị và dân cư gắn liền với hoạt động thương mại qua hệ thống thương cảng ven biển; 2) Trung tâm tôn giáo lớn trong sự dung hợp văn hóa Phật giáo và Hindu giáo mang đậm ảnh hưởng từ nền văn minh Ấn Độ; 3) Trung tâm chế tác thủ công nghiệp phát triển trên cơ tầng sản xuất nông nghiệp ổn định, đặc biệt là chế tác đồ trang sức kim loại, thủy tinh và đồ gốm .
Sau thời kỳ thịnh vượng được nhiều ghi chép lịch sử nhắc đến, từ sau thế kỷ 7 cảng thị Óc Eo và vương quốc Phù Nam suy yếu rồi tan rã, nay chỉ còn những chứng tích trong lòng đất. Vai trò thương cảng trung tâm của khu vực ĐNA lại chuyển xuống khu vực bán đảo Malaisia. Có thể nhận thấy sự dịch chuyển từ cảng thị Cần Giờ với vị trí trung tâm khu vực ĐNA đến thương cảng Óc Eo giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh rộng hơn Đông bắc Á và Nam Á – Địa Trung Hải. Trung chuyển, dịch vụ là một chức năng cơ bản của các cảng thị cổ này.
Như vậy, điều kiện ra đời, tồn tại và phát triển của các cảng thị - thương cảng cổ ở vùng đất Nam bộ là 1) Ở vị thế địa – kinh tế quan trọng (ven biển, vịnh, cửa sông sâu), có “hậu phương” vững chắc (đồng bằng, kinh tế nông nghiệp phát triển), 2) Có tổ chức xã hội tiên tiến, có thể “đối ứng” với bên ngoài về trình độ kỹ thuật (kỹ thuật đóng tàu thuyền, kỹ thuật hàng hải); và 3) có sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của mạng lưới thương mại (sản phẩm thủ công nghiệp, dịch vụ hàng hải...).
Đồng thời nguyên nhân làm “biến mất” các cảng thị cổ là: 1) Sự biến đổi môi trường (cửa biển bị bồi lấp, nước biển dâng...) làm cho vị thế địa - kinh tế không còn nữa; 2) Sự phát triển do sự giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài, dẫn đến thay đổi cấu trúc xã hội cũ; 3) Không đáp ứng, không theo kịp sự phát triển của kỹ thuật hàng hải, nhu cầu dịch vụ của mạng lưới thương mại đường biển ngày càng rộng hơn.
Một mức độ nào đấy, sự ra đời, phát triển và thay đổi của thương cảng Sài Gòn trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 21 cũng chịu tác động của những nguyên nhân tương tự.
Như vậy, cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ không phải là một hiện tượng đặc biệt, duy nhất trong lịch sử vùng đất Nam bộ. Có thể coi đó là một sự tiếp nối của lịch sử trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Vị thế địa – kinh tế ngày nay không chỉ là vị trí địa lý thuận lợi đối với trong nước, với khu vực ĐNA mà cần rộng hơn trong bối cảnh “thời đại của Thái Bình Dương”. Khu vực xây dựng cảng không chỉ trên một diện tích đất cụ thể mà còn là ảnh hưởng nhiều chiều đến những vùng xung quanh, trong đó rất quan trọng là môi trường sinh thái (đất, rừng, biển, sông, hệ động thực vật, không khí...), bởi vì kỹ thuật, quy mô và phương tiện hàng hải và dịch vụ hàng hải ngày nay khác xa thời cổ đại.
Và còn bởi vì, Nam bộ - nhìn từ khảo cổ và lịch sử - không phải là một vùng đất mới như nhiều người vẫn nghĩ. Một sự tiếp nối tốt đẹp là làm cho những điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi vốn có được thăng hoa trong hoàn cảnh mới, là những đặc trưng văn hóa truyền thống được lưu giữ bằng sự ứng xử phù hợp với lịch sử lâu dài của một vùng đất, một cộng đồng.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 23.10.2023





NHỮNG KHOẢNG LẶNG

 JAZZ CHIỀU

Thỉnh thoảng mình nhớ và tìm nghe những bản nhạc Jazz. Không hiểu sao nhạc Jazz bao giờ cũng mang lại cảm giác Giáng sinh đang đến, rất gần, bắt gặp cảm giác cô đơn ngọt ngào không thể chia sẻ cùng ai... Ngồi trong quán vắng tai gắn headphone đong đưa theo giai điệu đôi khi không cần hiểu lời ca, viết gì đó, lướt qua cái gì đó, chẳng cần phải biết rõ là gì, cứ thế thôi... một cảm giác thật dễ chịu.

Có một dạo mình hay đến X. Ở đó có nhiều quán cà phê chỉ đông khách vào buổi sáng, giờ đi làm nhiều người ghé qua ăn vội chiếc croissant và mua ly cà phê mang đi. Sau khoảng thời gian đó quán vắng, có thể ngồi cả ngày ở đó với máy tính và ly americano lạnh, lơ đãng theo tiếng nhạc mà phần nhiều là jazz, thế mà vẫn làm được bao nhiêu việc... Có những bài viết khoa học, bài báo, tản văn tùy bút được mình viết ở quán cà phê. Nhưng nhiều hơn cả là những mẩu “ngôn tình vụn” sến súa, vì bỗng dưng nhớ một điều gì đó dễ chịu, một người nào đó dễ thương, một kỷ niệm không để lại niềm vui... Chỉ thế thôi, nhưng viết xong thấy nhẹ nhõm như vừa được “tẩy trần”.

Nhiều lần ngồi quán với cuốn sách mới hoặc cuốn sách yêu thích, đọc sách trong tiếng nhạc khe khẽ như một tiếng thì thầm thân thuộc từ nơi nào vọng về, đôi khi cảm giác như những dòng chữ đang đọc trượt khỏi đầu óc... Vậy mà khi cần nhớ lại những dòng chữ đó hiện lên rõ  ràng cứ như vừa mới đọc xong.

À, thỉnh thoảng có vài câu “gọi là thơ” cũng nảy ra từ quán cà phê, kiểu như:

“Người đàn bà trong chiếc áo sơ mi đàn ông

Em biết không

Vẻ khêu gợi của em.

Anh không muốn ngay cả em nhìn thấy...”

Hay là:

“Mỗi khi đến nhà thờ với Chúa

Có bao giờ anh xưng tội về em?...”

Nhiều câu linh tinh như thế không ghi kịp thì quên luôn... Thỉnh thoảng nhớ lại thấy buồn cười, “tình ơi là tình” 😊

À, bây giờ mình cũng đang ngồi quán cà phê nghe jazz giữa hai giờ dạy chiều và tối. Và đã đến giờ phải nhấc người lên, nhiều việc đang chờ, lúc khác tiếp tục sến súa vậy 😊

 ***

Bùi Chát vẽ (2)

Chọn thứ sáu ngày 13 – được coi là “linh” - để đến xem tranh Bùi Chát vào ngày trưng bày “thêm” sau ngày kết thúc cuộc trưng bày cá nhân lần thứ 3 của Bùi Chát.

Tranh – tôi rất kém cỏi trong việc “thẩm” và hiểu, chỉ có thể cảm từ... tình cảm dành cho họa sĩ - thường là bạn bè. Bởi vậy chỉ dám đến xem tranh của bạn thân, nhận xét ngu ngơ cũng không bị chê là dốt 😊

Vì thế, với tranh Bùi Chát tôi đã “cảm” và đã viết một lần, và lần này nếu có nhận xét gì thì chỉ là sự (luôn) ngạc nhiên về cách thức Bùi Chát tìm ra chất liệu mới để sáng tác! Với Bùi Chát dường như bất cứ gì trong đời sống cũng có thể là “nguyên liệu” và đối tượng để sáng tạo. Có một thời cả “rác” trong cuộc sống bần cùng ngột ngạt, cả “nghĩa địa” của xã hội lạnh lẽo và hỗn độn cũng thành nguyên liệu để BC làm thơ – thơ rác, thơ nghĩa địa!

Biết vậy mà tôi vẫn luôn giật mình bởi sự sáng tạo rất Bùi Chát khi “một mình đi mãi trên đường dài xa vắng”. Ai thích ai ghét, ai khen ai chê, thậm chí có người xổ toẹt cả thơ (hồi đó) và tranh (bây giờ), BC cũng không lấy đó là điều. Bởi vì sáng tạo là thách thức chính mình. Đi một con đường khác người, dễ dàng hay khó khăn là sự lựa chọn của mình, và bước trên con đường đó mới thực sự là niềm vui, có thể là hạnh phúc, với Bùi Chát 😊

@ Al ảo vãi: đẹp nhưng vô hồn :)



 

SÀI GÒN TRONG TÔI

 Nguyễn Thị Hậu 

Quay qua quay lại, tôi đã sống ở thành phố này gần 50 năm kể từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Sài Gòn – TP.HCM với thế hệ cư dân sau 1975 như tôi có quá nhiều điều đáng nhớ. Từ sự ngạc nhiên ngày đầu nhìn thấy thành phố quê hương rộng lớn hiện đại, người xe nườm nượp trang phục có phần xa lạ; từ muôn vàn khó khăn trong những năm “bao cấp” sau đó mà Sài Gòn đã vượt qua bằng sự chịu đựng và nỗ lực “xé rào”... Đến thời gian “cách ly toàn xã hội” vì đại dịch covid 2021 thành phố bỗng vắng ngơ vắng ngắt, tất cả căng mình chống chọi với dịch bệnh và thiếu đói bằng sự đùm bọc chia sẻ, bằng tình người chưa bao giờ thiếu ở mảnh đất này, bằng sức và lực được phát huy ở mức cao nhất. Những năm tháng ấy đã dệt nên ký ức về một Sài Gòn của riêng tôi, của riêng mỗi người...

Tại nơi này, một đô thị lớn luôn sôi động nhịp sống “làm ăn” và là nơi nhập cư của những người “tứ xứ”, hai chữ “Sài Gòn” hiện diện đâu đó đều mang lại cho nhiều người cảm giác thân thuộc, gần gũi, bình dị, khiến lòng nao nao... Đó là vì thành phố có thể thay đổi hiện đại hơn nhưng vẫn còn đó một hệ thống di sản văn hóa vật chất hiện hữu bằng những cảnh quan quen thuộc “trên bến dưới thuyền”, những con đường với hàng cây trăm năm hiền hòa, những công trình kiến trúc nghệ thuật, những ngôi đình, chùa, đền, miếu lâu đời... Và còn là di sản tinh thần của người Sài Gòn “khoan dung, nhân nghĩa, phóng khoáng” không dễ mất đi, có khi chỉ tạm “khuất lấp” bên dưới những bộn bề của một đô thị có quá nhiều vấn đề nóng bỏng trong quá trình phát triển!

Gần 50 năm, thành phố có biết bao thay đổi, bao nhiêu người đến đây rồi ở lại, bao nhiêu người vì hoàn cảnh riêng đã ra đi. Nhưng tất cả đều mang trong mình một cảm tình tưởng nhạt nhòa mà vô cùng sâu đậm, với Sài Gòn. Bởi vì, hiện nay TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, một đô thị hiện đại mà vẫn dung chứa trong mình nhiều truyền thống văn hóa – lịch sử độc đáo và quý giá.

***

Lịch sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tiến trình phát triển của một vùng đất có vị thế “địa – lịch sử” độc đáo, để từ đó hình thành bản sắc “địa – văn hóa” đa dạng, năng động và cởi mở trên nền tảng truyền thống chung của cả nước là cần cù lao động, yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm. Sài Gòn được hình thành tại vị trí trung tâm vùng đất Nam bộ, nối liền hai miền Đông – Tây. Nằm trên trục giao thông thủy bộ quan trọng ở Nam Đông Dương, có “mặt tiền” nhìn ra biển Đông là khu vực Cần Giờ, có vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông từ thời tiền sử đến ngày nay.

Từ khi Sài Gòn hình thành một đô thị ở Đàng Trong thời Chúa Nguyễn, đây đã là nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về. Không chỉ là lưu dân Đại Việt mà còn nhiều sắc dân khác nữa: “Gia Định là cõi Nam nước Việt, lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường, người Tây dương, Cao Miên, Đồ Bà... đến ngụ cư đông đúc xen lẫn” như sách Gia Định Thành thông chí đầu thế kỷ 19 đã chép. Công cuộc khai khẩn và xây dựng vùng đất mới phải trải qua nhiều gian nan khó nhọc, bao lớp người đã phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt, phải học cách nhận biết và thích nghi với hoàn cảnh khác biệt với quê hương bản quán, tìm cách hòa hợp lối sống và học tập kinh nghiệm lao động sản xuất của cộng đồng bản địa. Kinh nghiệm thành công của người Nam Bộ thật đơn giản: Thích nghi, hội nhâp, tôn trọng sự khác biệt, tứ hải giai huynh đệ, sống thật thà và tương thân tương ái...

Sài Gòn là một trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhân những phương thức làm ăn mới, vì vậy với người Sài Gòn tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tốt đẹp, năng động sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ thuật mới... “Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều”. Đồng thời, sự liên kết hỗ trợ nhau trong làm ăn, trọng tình nặng nghĩa trong những mối quan hệ cá nhân và cộng đồng... được coi là truyền thống nổi bật của người Sài Gòn. Đặc biệt người Sài Gòn, người Nam bộ nói chung thường có tính cách lạc quan, không hay than thở, không mặc cảm sợ sai nên sửa sai nhanh, vì vậy nơi này dễ dàng “quy tụ và lan tỏa” những điều mới mẻ và tốt đẹp.

Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, từ sự thích ứng với thiên nhiên và văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó. Sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi nguồn gốc được nhiều thế hệ dân cư ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh duy trì, phát triển. Cho đến nay, “người Sài Gòn – TP. HCM” được coi là tất cả những ai sinh sống, làm việc tại đây và cả những người ở xa luôn nhớ thương thành phố! “Chất” Sài Gòn là ở suy nghĩ, hành xử trong làm ăn, trong đối xử với người lạ người quen, chứ đâu phải là có nhà cửa, có “mấy đời” đã sinh sống ở đây.

***

Nhìn lại một chặng đường chưa dài của thành phố Hồ Chí Minh nhưng là một phần đời của mỗi người, nếu đừng quá thiên vị tình cảm với nơi “chôn nhau cắt rốn” thì có lẽ ai trong chúng ta cũng có lần muốn nói một điều gì đó với thành phố này - nơi ta từng ít nhiều được sẻ chia một cơ hội trong cuộc sống. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, đã rất nhiều người viết về Sài Gòn được đồng cảm và khen ngợi, rất nhiều tác phẩm, công trình về Sài Gòn đã ra đời và được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng có sao đâu, mỗi người đều có những kỷ niệm và trải nghiệm riêng với Sài Gòn, từ đó hình thành sự hiểu biết và nuôi dưỡng tình cảm của riêng mình dành cho thành phố này.

Và để ghi lại những câu chuyện dung dị, thấm đượm tình yêu dành cho vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống cùng những con người luôn hào sảng, chưa bao giờ hết yêu thương này, Báo Phụ Nữ TPHCM – Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức cuộc thi viết THÀNH PHỐ CỦA TÔI. Cuộc thi nhằm tôn vinh các thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, những công trình làm thay đổi diện mạo thành phố, những di sản có giá trị văn hóa- lịch sử của thành phố. Đặc biệt là tôn vinh những con người bình thường mà hào sảng qua những câu chuyện đời thường mà bạn là người trong cuộc hay chứng kiến, đã lưu lại trong bạn những ký ức khó quên. Những chuyện dù nhỏ nhưng có giá trị lan tỏa sự tử tế trong xã hội, góp phần “di truyền” những truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của Sài Gòn – TP.HCM cho những thế hệ cư dân thành phố trong tương lại.

Xin mời các bạn cùng chung tay lưu lại một phần lịch sử - văn hóa của thành phố từ những công trình những thành tựu to lớn, đồng thời cũng từ câu chuyện của những “người Sài Gòn”. Đất nước nào, thành phố nào mà không bắt đầu được xây dựng từ những con người bình dị, phải không?

TP. Hồ Chí Minh 19.10.2023






LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...