@ NĂM COVID-19 THỨ HAI ĐÃ QUA!

Mất bốn tháng lockdown nhưng những tháng trước và sau đó đều ở trong tình trạng “bình thường mới”, phần lớn công việc của mình chuyển sang online: dạy học, hội họp tham gia các dự án, tham gia hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài NCKH hay bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ... Ngoài ra còn tham gia nhiều buổi báo cáo, thảo luận hay trò chuyện online, được biết thêm nhiều lĩnh vực khác và cũng cho mình thêm niềm vui sống.

Vẫn viết đều: tham luận HTKH, tạp bút tản văn cho báo chí... Đặc biệt hoàn thành hai công trình quan trọng là đồng tác giả tập 1 Lịch sử SG – TPHCM và Giáo trình Đại cương KCH, cả hai đều đang chuẩn bị in. Được hai Giải Ba: về báo chí và về sách. Vậy là quá vui rồi 🙂
À, chưa kể những cái #linhtinhlangtang hay #vunvatdoithuong trên Fb nữa. Nói chung là vẫn nhảm đều 😃
Chỉ có việc ĐI là kém hẳn dù người hẹn hò rủ rê lôi kéo... thì vẫn nhiều như mọi năm 😃 Hy vọng năm tới không đến nỗi bị buộc chân bó cẳng như năm nay! Cũng may 3 tháng cuối năm được Trung tâm bảo tồn di tích TP mời tham gia đợt khảo sát các công trình có giá trị để đưa vào Danh mục kiểm kê di tích LS-VH của thành phố. Nhờ đó, qua những di sản văn hóa “chưa xếp hạng” mình nhìn nhận được nhiều điều thú vị từ thực tế đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư TP. Ở Sài Gòn 46 năm rồi nhưng chỉ đến lúc này mới có điều kiện đi hầu khắp các quận huyện!
Đọc sách: vẫn tốc độ và số lượng nhưng mọi năm. Sách văn học ngày càng ít mà sách liên quan công việc nhiều hơn, không phải vì ít sách văn học hay mà vì quỹ thời gian ngày càng ít, ưu tiên hơn những việc đang bị "thúc ép". Và "hậu quả" thấy ngay: độ sến giảm hẳn (ít mần thi) 😃
Xem phim cũng nhiều, nhưng ít viết #vaiphimmoixem, những phim buồn hay phản ánh mặt tối của xã hội thì xem rồi bỏ qua, không muốn tâm trạng nặng nề kéo dài. Cuộc sống đã có quá nhiều chuyện mệt mỏi thậm chí bức xúc.
Tuy vậy nhưng năm nay còn có một niềm vui và sự bận rộn thường xuyên: “nhờ covid” mà Sam Sam về ở với bà ngoại vài lần, tính ra cũng gần nửa năm. Cả ngày cứ loay hoay với Sam Sam, rồi vài ngày chạy qua chạy lại với má mình... ngày, tuần, tháng cũng qua mau lắm! Và hôm nay là hết năm!
Từ biệt 2021! Những gì sẽ chờ đợi tôi, và chúng ta, trong năm 2022? Hy vọng là những điều tốt lành và những niềm vui 🙂
31.12.2021



KHÔNG CHỈ LÀ CHUYỆN TẤM CÁM

Nhiều người đã quen thuộc truyện Tấm Cám, câu chuyện “dì ghẻ con chồng” mà người bố thì đã chết (một kiểu “vô can”!). Mẹ con dì ghẻ giết Tấm vài lần nhưng nhờ ông Bụt nên Tấm sống lại. Câu chuyện kết thúc khi Tấm dội nước sôi lên người Cám, rồi làm mắm gửi cho mẹ Cám. Dì ghẻ ăn tấm tắc khen ngon, ăn đến hết mới thấy đầu lâu của Cám, thế là lăn ra chết nốt.
Trước đây phần lớn mọi người đều hả hê với kết cục này: ác giả ác báo, gây điều ác thì phải chết... Nhưng sau này một góc nhìn khác về kết thúc chuyện Tấm Cám lại cho rằng, hành động này cho thấy cô Tấm không hiền lành như quan niệm từ bao đời, mà đã trở thành con người tàn nhẫn đến mức giết một mà làm hai người chết!
Nhưng vì sao cô Tấm lại như vậy? Đó là vì suốt cuộc đời bị mẹ con dì ghẻ bạo hành thể chất và tinh thần, cướp đoạt hạnh phúc, bị giết chết... không có ai bênh vực và bảo vệ Tấm. Dù Ông Bụt - hiện thân của lòng tốt - có giúp Tấm vài việc nhưng ông Bụt không răn đe cảnh cáo hay chống lại hành vi ác độc của dì ghẻ. Vì vậy cái ác cứ tiếp tục và tăng mức độ. Khi không thể chịu đựng được nữa thì Tấm tự mình trả thù mẹ con Cám một cách khốc liệt.
Chuyện cổ tích của người Việt thường có kết cục “kẻ ác phải chết”. Cái chết của mẹ con dì ghẻ là sự “thực thi công lý” trong tâm thức dân gian. Nhưng tại sao không ngăn chặn hay loại trừ cái ác khi mới xuất hiện mà cứ để nó xảy ra và ngày càng tàn bạo, đến nỗi chết người thì mới trả thù, báo oán?
Bài học “ác giả ác báo” có từ bao đời nhưng đến tận thế kỷ 21 rồi mà cái ác như trong “Tấm Cám” vẫn nhan nhản khắp nơi, trước sự vô tâm vô tư của mọi người. Chẳng lẽ nhiều thế kỷ sau nữa câu chuyện này cứ được kể mãi, kể mãi... nhưng chúng ta vẫn thấy con trẻ bị hành hạ thể chất và tinh thần đến chết, vẫn biết nhiều người phạm tội ác vì tuổi thơ thường xuyên bị cha mẹ bạo hành, bị gia đình bỏ mặc.
Trong cổ tích ông Bụt cho cô Tấm tái sinh mấy kiếp nhưng ở “kiếp này” không có ông Bụt nào có thể làm cho bé Vân An sống lại!
Có thể là tranh biếm họa



khác

MINH MẠNG – TỰ ĐỨC VÀ NHỮNG LẦN LỠ HẸN CỦA NGƯỜI VIỆT (Midnight Talks)


Tối qua mình tham gia cuộc trò chuyện này, từ 21g – 24g. Người tham gia lúc đông nhất đến hơn 700 và ngồi đến cuối cũng khoảng 500 người. Có nhiều người quen biết, thân thiết do cùng nghề, cùng sự quan tâm về lịch sử... Nhiều người mình từng đọc nhưng chưa quen chưa gặp. Nhưng người tổ chức Midnight Talks là Nguyễn Cảnh Bình thì hai chị em đã có dịp gặp nhau ở tận... Hungary từ 10 năm trước, người dẫn là Vũ Đức Liêm mình đã đọc nhiều bài viết của anh, còn diễn giả Trần Đức Anh Sơn thì quá thân, hai chị em số phận dịch chuyển như nhau trong quá trình làm việc, một phần quan trọng do thẳng thắn và biết từ bỏ nơi không phải của mình.

Cuộc trò chuyện thú vị ngay từ những phát đầu và càng về sau càng hấp dẫn, không chỉ vì các vấn đề của triều Nguyễn mà khoảng hơn mười năm trở lại đây, đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá khác trước, công khai, công minh và khách quan hơn. Có thể nói cuộc hội thảo quốc tế về CHÚA NGUYỄN VÀ VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN tổ chức tại Thanh Hóa năm 2008 là dấu mốc cho sự thay đổi này. Tư liệu lịch sừ, công trình nghiên cứu nước ngoài được dịch, xuất bản nhiều hơn, mạng internet giúp kiến thức phổ biến nhanh chóng hơn, và sự lạc hậu trong chương trình dạy và học lịch sử - nhất là ở bậc phổ thông - cũng làm tăng thêm sự quan tâm của xã hội với lịch sử, đặc biệt là lịch sử thời Nguyễn và lịch sử hiện đại VN.

Trong bối cảnh đó, những người nghiên cứu lịch sử có bản lĩnh và tri thức đã có thể tìm thấy những câu trả lời cho mình trong nhiều vấn đề lịch sử còn bị đánh giá thiên lệch, thậm chí cực đoan “bảo hoàng hơn vua”. Những câu hỏi nhẹ nhàng mà sắc sảo của anh Vũ Đức Liêm, sự lý giải cặn kẽ, khúc chiết và logic của Trần Đức Anh Sơn đã thể diện điều đó. Một điều nữa mình tâm đắc là các câu trả lời luôn là một “sự lý giải” từ góc độ tiếp cận, từ tư liệu lịch sử mới, từ so sánh đối chiếu các sự kiện trong bối cảnh trong nước và rộng hơn... do vậy luôn “mở’, không trả lời kiểu chắc “như đinh đóng cột” và khẳng định “chỉ như thế”. Bởi lịch sử càng lùi xa càng ở “phổ rộng’ thì càng rõ ràng từng chi tiết.

Hai vấn đề chốt của Midnight Talks (mình nhớ không thật chính xác câu chữ, nhưng nội dung thì đúng) là:

1/ Thời Tự Đức mất nước vào tay Pháp là tất yếu. Có những nguyên nhân nào?

2/ Quan hệ với Trung Hoa có ảnh hưởng thế nào đến triều Nguyễn (nói riêng và lịch sử VN nói chung)

Là một người tham gia nhưng mình cũng bị Nguyễn Cảnh Bình “túm” phải, cũng tham góp vào 2 vấn đề trên mà Vũ Đức Liêm đặt ra cho một số anh chị khác. Thời gian của nói chuyện không cho phép nên mình tham gia 2 ý kiến ngắn. Bây giờ viết lại mình diễn giải rõ hơn 1 chút.
Vấn đề 1/ Có nguyên nhân nội tại: đến thời Tự Đức triều Nguyễn chưa có được sự thống nhất thực sự về “lòng dân”, hậu quả của hơn 200 năm đàng trong – đàng ngoài, Tây Sơn – Nguyễn Ánh... Gần hơn là việc lập kinh đô ở Huế, ở phía Bắc thì xóa bỏ vị thế “kinh đô ngàn năm” của Thăng Long; phía Nam sau loạn Lê Văn Khôi thành Gia Định cũng bị phá đi và xây lại Thành Phụng nhỏ hơn nhiều. Kiểu như phá di sản (vật chất, tinh thần) của triều trước nên gây ra sự “tổn thương tinh thần” không nhỏ cho cộng đồng. [Thật ra hiện tượng này thường phổ biến, phản ánh tâm thế “bên thắng cuộc” muốn giữ ổn định “đồng nhất tinh thần” và bảo vệ thành quả sau chiến tranh]

- Cải cách xã hội luôn bắt đầu từ sự “thuyết phục” nhau thực hiện điều tốt, có lợi, cả hai bên thuyết phục và bị thuyết phục đều “thắng” vì xã hội phát triển hơn, kịp với thời đại. Thế nhưng dường như ở VN mình cả 2 yếu tố biết nói (thuyết phục) và biết nghe (chấp nhận cái mới, khác biệt) đều kém. Quan văn “trình bày” thì quan võ “nạt nộ” ngay, phe “chủ chiến” thường thắng phe “chủ hòa”. Mà cải cách là quá trình lâu dài khéo léo, biết học người khác, chứ không thể “thần tốc” hay quyết tâm chính trị mà được.

Tính cách văn hóa của dân tộc có can dự vào quá trình lịch sử, thậm chí còn góp phần làm nên số phận dân tộc.

Vấn đề 2/ Quan hệ Việt Nam – Trung Hoa trong lịch sử khá phức tạp. VN luôn đánh thắng kẻ thù phương Bắc nhưng thắng xong rồi thì triều cống và ứng xử đúng như nước nhỏ với nước lớn. Tâm lý mặc cảm với nền văn minh vĩ đại của Trung Hoa mâu thuẫn với tâm lý tự tôn “luôn chiến thắng chúng mày” tạo nên ứng xử khá là “linh hoạt”, kiểu khôn lỏi của anh nông dân trong “cây tre trăm đốt” để có cái lợi nhỏ cho mình. Mặt khác thế giới Trung Hoa là hình mẫu, quen thuộc ngàn năm nên VN hầu như không nhìn ra ngoài, nhìn thấy gì khác mình.

Điều này hạn chế sự hội nhập với thế giới ngay từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây với nhiều yếu tố quá lạ lẫm khác biệt, dẫn đến sự “từ chối” mở cửa như trong thời Nguyễn.

Với mình, bài học từ lịch sử VN luôn là: đừng chỉ nhìn vào nhau (nhìn vài nước bên cạnh, tức là đừng chỉ nhìn vào ao làng) để rồi cứ “mặc cảm” hay “tự hào”, mà hãy nhìn ra bên ngoài, ra đại dương, rồi nhìn lại chính mình. Mới thấy nước mình đang ở đâu, thế nào, mới có thể quyết định đi đường nào tốt nhất!

Cám ơn các bạn Nguyễn Cảnh Bình, Vũ Đức Liêm và Trần Đức Anh Sơn và các anh chị khác đã gợi mở và kiến giải một cách thẳng thắn, khoa học những vấn đề lịch sử của Triều Nguyễn mà cho đến bây giờ, vẫn còn có người cho rằng đó là vấn đề “tế nhị, nhạy cảm”!
Hy vọng sẽ có thêm nhiều buổi sinh hoạt khoa học thú vị và bổ ích như vậy.

P/S/. Sau buổi trò chuyện, nghĩ mãi, mình chợt tự hỏi: Với tất cả những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan mà các diễn giả và khách mời đã nêu ra, liệu có thật sự chúng ta đã LỠ HẸN với thế giới – như chủ đề của Midnight Talks? Vì phải có HẸN thì mời LỠ, còn không hẹn, thậm chí không biết hay là không muốn HẸN thì làm sao có thể LỠ HẸN? :)

25.12.2021

Mối quan hệ liên kết sống còn giữa TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

 Tôi luôn quan tâm đến sự phát triển của miền Tây, không chỉ vì tình cảm với quê hương mà còn từ góc độ người nghiên cứu lịch sử - văn hóa và có nhiều cơ hội tham gia Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế xã hội của một số địa phương.

Đối với DIỄN ĐÀN MEKONG CONNECT tôi được tham dự vài lần và học hỏi được nhiều từ những người hoạt động thực tiễn có trình độ, từ các nhà quản lý có tâm với cuộc sống của nông dân và với sự tồn tại của ĐBSCL.

Cám ơn chị Vũ Kim Hạnh đã "connect" tôi với những hoạt động bổ ích này

***

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa cung cấp lượng gạo xuất khẩu lớn nhất nước ta, mà còn là nơi cung cấp lương thực thực phẩm, hàng nông sản, nhất là các mặt hàng tươi sống cho thị trường TP. HCM. Không chỉ vậy, miền Tây còn là nơi có nguồn nhân lực dồi dào cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở ĐNB, cũng như có số lượng lớn người lao động tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức ở TPHCM. Hiện tượng “nhập cư” vào nơi có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh là một quy luật của quá trình CNH – HĐH.

Tuy nhiên hiện tượng nông dân miền Tây phải ly nông và ly hương đổ lên TP. HCM và miền ĐNB chủ yếu là từ nguyên nhân kinh tế - xã hội ở miền Tây. Người dân miền Tây vốn năng động và rất chịu khó trong làm ăn, khi bỏ quê ra đi là họ đã cùng đường và phải “tự cứu mình”. Sự dịch chuyển lao động của nguồn nhân lực phần lớn chất lượng thấp, tâm lý lối sống “tạm cư” đến đô thị và các khu công nghiệp, trở thành một yếu tố làm cho chất lượng sống những khu vực này không ổn định. Bất ổn từ nông thôn - nông nghiệp là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự bất ổn ở đô thị và các khu công nghiệp.

Chính vì vậy, trận đại dịch khắc nghiệt vừa qua đã làm bộc lộ những bất ổn này và cho thấy, thực tế hệ thống an sinh xã hội của TP.HCM (và cả miền ĐNA) vô cùng mong manh, đã không thể đảm bảo cho người dân một cách tối thiểu những mặt hàng “thiết yếu”, khi giao thương từ miền Tây lên thành phố bị đình trệ và cắt đứt trong vài ngày! Hàng hóa miền Tây ùn ứ, đổ bỏ trong khi người thành phố thiếu đói. Hàng triệu người lao động phải “di tản” khỏi thành phố trong thiếu đó và lo sợ dịch bệnh. Nguồn nhân lực ở TP. HCM thiếu hụt nghiêm trọng!

Đây là hậu quả của thực trạng từ nhiều năm nay đồng bằng sông Cửu Long không được đầu tư trở lại một cách xứng đáng, TP. HCM không tích lũy đủ nguồn lực để củng cố và phát triển hệ thống an sinh xã hội chăm lo cho người lao động.

Từ góc độ lịch sử, SG - TP. HCM có vị thế là trung tâm, đầu mối kinh tế của ĐBSCL, tiêu biểu cho văn hóa Nam bộ. Đó là vì truyền thống quan hệ khắng khít cùng làm ăn và chia sẻ mọi cơ hội và lợi ích cho nhau giữa thành phố và khu vực miền Tây.

 Nguyễn Thị Hậu. 12/2021


Được đứng cạnh hai "chị đại" yêu quý Nhà báo Nguyễn Ngọc Hải và Nguyễn Thế Thanh 🙂

 


 Và còn cạnh một cô em thân mến Nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ 







 

CUỘC SỐNG VẪN PHẢI TIẾP TỤC

https://tuoitre.vn/cuoc-song-van-phai-tiep-tuc-20211218073631049.htm?fbclid=IwAR2mshfAMo4mL94b-Vp9ZINY89NdCFZzyN2ePwEqXyFo3QvL2_8_Odm9UQs

Hơn một năm nay tôi mới đi ra khỏi TP. Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị cho chuyến công tác tại Hà Nội tôi đã thực hiện nghiêm quy định của Hàng không Việt Nam: di chuyển nội địa cần có “thẻ xanh”, đến bệnh viện test nhanh để lấy Giấy chứng nhận âm tính, đồng thời ra sân bay còn phải Khai báo y tế...
Sân bay Tân Sơn Nhất khá đông hành khách nhưng tất cả đều theo đúng quy định, một số người chưa biết cách khai báo y tế thì được nhân viên hướng dẫn tận tình, nhờ vậy thủ tục hoàn tất nhanh chóng. Chuyến bay vào giờ “cao điểm” nhưng không quá đông, dãy ghế ở giữa được giãn cách chỗ ngồi. Trong sân bay hay trên máy bay mọi người cũng ít trò chuyện hơn, tất cả đều đeo khẩu trang, nhiều người còn mặc cả bộ quần áo bảo hộ nữa.
Hà Nội đang những ngày đẹp trời, không quá lạnh và đến trưa thì hửng nắng. Ngày đi làm nên trên đường phố đông người qua lại, quán hàng ăn sáng ăn trưa thì ít người ngồi ăn uống mà người ta mua mang theo. Đến 9 giờ tối hầu như hàng quán đều đóng cửa, thực hiện chỉ thị của thành phố. Siêu thị, nơi công cộng cũng còn thưa thớt. Hà Nội những ngày này ca nhiễm đã vượt quá mốc 1000 ca/ ngày, người dân tuy không quá hoảng sợ như những đợt dịch trước nhưng rất cẩn thận, thực hiện 5K đã trở thành một phản xạ tự nhiên ở phần lớn người dân.
Trò chuyện với bạn bè ở Hà Nội ai cũng chia sẻ với tôi những lo lắng về hậu quả dịch bệnh và nhiều tình cảm dành cho Sài Gòn vừa trải qua cơn đại dịch... Cũng từ đó, mọi người đều nhận thức rằng nguy cơ xảy ra “cơn dịch” lần thứ tư ở nước ta, nhất là ở Hà Nội, là có thật! Đối phó hay ứng phó với nguy cơ thế nào, một phần là nhờ chính sách và giải pháp cụ thể, kịp thời, sát thực tế của nhà nước. Nhưng quan trọng nhất, và trước hết, là việc tự bảo vệ mình của mỗi người! Thực hiện tiêm vac-xin cho bản thân và người nhà, hạn chế đi lại và giao tiếp chưa “cấp thiết”, chuẩn bị trước lương thực thực phẩm dự trữ... để không bị động khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Đó cũng là một kinh nghiệm cho người Hà Nội từ đại dịch vừa qua ở Sài Gòn.
Một năm đã sắp hết. Thông thường dịp này các thành phố đã nhộn nhịp nhân lễ Giáng sinh, tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết nguyên đán. Nhưng thay vì chuẩn bị sắm sửa cho mùa lễ, tết cuối năm thì giờ đây hầu hết người dân vẫn còn loay hoay mưu sinh. Kinh tế dịch vụ ở đô thị sau một năm đình trệ bắt đầu khởi sắc để phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm. Tuy nhiên thu nhập của nhiều người dân hiện quá ít ỏi, thậm chí nguồn thu nhập cơ bản còn chưa được khôi phục. Tình hình tài chính chưa ổn định chắc chắn ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và khả năng tiêu dùng của xã hội.
Khoảng thời gian 3, 4 tháng vừa qua sự căng thẳng vì dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh đã có tác động không nhỏ đến cả nước, nhất là Hà Nội, vì đây là hai thành phố lớn nhất nước và là đầu mối của biết bao kế hoạch, dự án... Chỉ mới hai tháng cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, khoảng thời gian này chưa kịp để khôi phục kinh tế, sinh hoạt của người dân vẫn còn dè dặt trong tâm thế cảnh giác với dịch bệnh. Vậy nhưng nhịp sống ở hai thành phố đang phải tăng tốc để có thể hoàn thành công việc của năm 2021 với kết quả tốt, vừa để khắc phục hậu quả dịch bệnh vừa đặt cơ sở cho năm 2022 – một năm được dự báo là thế giới vẫn phải “sống chung” với Covid-19.
Rời Hà Nội sau hai ngày hối hả công việc, vội vàng gặp gỡ, chưa kịp tận hưởng mùa đông Hà Nội đẹp nao lòng như những bài hát của người nhạc sĩ tài danh vừa đi xa... Tôi trở về trên chuyến bay muộn màng bị lùi giờ bay “vì lý do khai thác”. Sân bay Nội Bài rất vắng, chuyến bay về TP. Hồ Chí Minh càng ít khách. Mọi thủ tục tại sân bay vẫn được kiểm soát cẩn thận, gương mặt nhân viên, hành khách đều ít nhiều ưu tư... Dường như mọi người đều cùng một suy nghĩ, dù sao thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục!
Dịch bệnh với những biến chủng mới đã đe dọa con người suốt hai năm qua, giờ đến lúc cần ứng phó với nó trong tâm thế mới: không sợ hãi và cũng không “ngạo nghễ”. Thích nghi một cách chủ động và tích cực, đấy là cách mà trong quá khứ chúng ta đã vượt qua nhiều thách thức.
Báo Tuổi trẻ 18/12/2021




CÔNG TRÌNH KHOA HỌC MÀ THẤM ĐẪM “TÂM HỒN SAIGON.”

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Hậu – Tổng Thư ký Hội KHLS. TPHCM

1. Mọi người thường chỉ hay quen nghe "SG 300 năm"- mà trong cuốn sách của chị nói thực tế tuổi đời của nó là 3000 năm. Chị có thể cho biết những chứng cứ nào ẩn chứa trong lòng đất và hiện diện trên đất SG để ta có thể nhìn ngắm?
- Từ góc độ khảo cổ học thì “Tuổi đời” của một vùng đất là những dấu tích của người xưa để lại. Hệ thống di tích khảo cổ học đã được khai quật cho chúng ta biết về “tuổi đời” của vùng đất Sài Gòn, có niên đại sớm nhất là di tích Bến Đò (quận 9, nay thuộc TP. Thủ Đức) khoảng 3000 năm cách ngày nay, sau đó là nhiều di tích khác ở khắp thành phố, đặc biệt tập trung dày đặc ở huyện Cần Giờ. Hệ thống di tích khảo cổ cho biết có nhiều nhóm cư dân cổ hiện diện trên địa bàn thành phố từ khoảng 3000 năm đến 2.000 năm trước.
Những di tích - chứng cứ này ẩn sâu trong lòng đất, sau khi khai quật thì nhiều di vật đã được thu thập và nghiên cứu, bao gồm các công cụ lao động như rìu, cuốc bằng đá, đồng, vũ khí giáo, lao bằng đồng và sắt. Rất nhiều đồ gốm sinh hoạt (nồi, bình hũ...), đồ tùy táng trong mộ có cả đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh... Đặc biệt tìm thấy khá nhiều di cốt người cổ trong nhóm mộ chum tại Cần Giờ khoảng 2.500 năm cách ngày nay.
Sau thời tiền sử, trong khu vực nội thành đã tìm thấy một số di tích và vật liệu kiến trúc, tượng thờ, vật dụng sinh hoạt... là dấu tích cư trú, đền tháp của cộng đồng cư dân thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam, niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7. Tất cả hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP. HCM và Bảo tàng TP. HCM.
Ngoài ra, tại hai bảo tàng trên còn có những cổ vật khác tìm thấy tại nhiều đoạn sông, rạch cho biết hoạt động của các bến cảng từ khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Tại quận 8 khai quật lò gốm cổ Hưng Lợi, di tích duy nhất còn lại của xóm Lò gốm Sài Gòn xưa nổi tiếng từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.
2.Chị đã tích cực bảo tồn "những ADN cơ bản của SG". Để người bình thường có thể dễ nhớ, xin chị cho biết những ADN ấy như thế nào?
- “ADN của một đô thị” là những đặc trưng cơ bản, vốn có của nó, nếu thiếu hay mất đi những đặc trưng này thì đô thị đó không còn bản sắc riêng, độc đáo. Sau giai đoạn thành Gia Định là trung tâm chính trị - kinh tế trong thời Nguyễn, từ cuối thế kỷ 19 Sài Gòn đã xây dựng và phát triển theo quy mô mới những vẫn dựa trên cơ sở là Thành Gia Định. Theo đó tôi nhận biết Sài Gòn có 4 ADN cơ bản: là một đô thị sông nước, một trung tâm kinh tế - giao thương, một đô thị đa dạng văn hóa và một đô thị sớm được quy hoạch xây dựng kiểu phương Tây. Những đặc trưng này phản ánh điều kiện tự nhiên và xã hội, quá trình hình thành đô thị Sài Gòn khác biệt so với nhiều đô thị có vai trò quan trọng như Huế hay Hà Nội.
3. Thường mọi người nghĩ đô thị hiện đại hóa là phải xây dựng lớn hoành tráng-khó tránh việc phá hủy cái cũ. Làm sao kết hợp được "Thành phố được nhận diện trong sự đa dạng dù ngày càng hiện đại hóa về quy hoạch và kiến trúc "?
- Để có thể nhận diện một thành phố (hay một vùng đất) phải bắt đầu từ những đặc trưng riêng biệt về cảnh quan tự nhiên và nhân văn, về kiến trúc, các công trình, về truyền thống văn hóa... tức là nhận diện từ di sản văn hóa. Các di sản văn hóa vật thể thường tập trung ở khu vực đô thị cổ, trung tâm, hay là “vùng lõi” của đô thị. Đó là khu vực phải được bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt, không phải chỉ từng công trình mà còn cả cảnh quan và sự liên kết các cấu trúc chung. Hết sức thận trọng và cân nhắc khi “hiện đại hóa” ở khu vực này vì dễ làm tổn thương hoặc phá hủy di sản đô thị - tức là xóa bỏ một phần lịch sử, ký ức đô thị. Muốn xây dựng hiện đại ở đây trước hết phải đảm bảo không làm tổn hại đến di sản văn hóa. Những công trình mới cần có sự hài hòa với cảnh quan và các công trình cổ, nâng cao giá trị di sản, đồng thời hướng đến việc công trình mới cũng trở thành di sản trong tương lai. Như vậy vừa hiện đại hóa vừa bảo tồn di sản, lại vừa “tích lũy” thêm di sản cho tương lai.
Một giải pháp khác là “hiện đại hóa” ở ngoài khu vực trung tâm đô thị, xây dựng các công trình mới ở khu dân cư mới, xây dựng các đô thị vệ tinh.
4. Đô thị hóa phát sinh mâu thuẫn nội tại gì? Người dân có thể làm gì để góp phần giải quyết hay hạn chế mâu thuẫn đó?
- Có nhiều mâu thuẫn phát sinh trong quá trình đô thị hóa, riêng trong lĩnh vực di sản thì phổ biến nhất là nhu cầu, mong muốn có cuộc sống tiện nghi, hiện đại hơn, thể hiện sự “toàn cầu hóa” mâu thuẫn với việc giữ gìn di sản quốc gia và truyền thống văn hóa. Mâu thuẫn này có trong sự phát triển chung của đô thị và trong cuộc sống của mỗi người dân. Quá trình đô thị hóa thường có ba trường hợp.
- Khi hai bên đồng thuận với mục đích chung là bảo tồn di sản văn hóa, tức là bảo vệ quyền thụ hưởng văn hóa tinh thần và quyền lợi kinh tế lâu dài cho cả cộng đồng, thì chính quyền cần có quan điểm định hướng, chính sách phù hợp, cộng đồng cần có trình độ, nhận thức đúng. Từ đó sẽ có những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản có hiệu quả.
- Ngược lại, khi di sản không được coi là vốn quý cho “phát triển bền vững” thì hệ thống luật pháp, chính sách quản lý sẽ phản ánh tình trạng “bất cập” so với thực tiễn, chính quyền không thực hiện được trách nhiệm nâng cao nhận thực và điều chỉnh hành vi cho cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Vai trò của chính quyền yếu kém sẽ làm cho di sản bị hủy hoại thường xuyên và ngày càng trầm trọng.
- Cả chính quyền và người dân đều có nhận thức và ý thức về bảo tồn di sản văn hóa, nhưng điều kiện, hoàn cảnh xã hội có những yếu tố tiêu cực tác động vào lĩnh vực này. Trường hợp này cần phải cân bằng vai trò và phát huy trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng. Có thể nhận thấy hiện nay trong những nhân tố tác động đến sự tồn tại của di sản đô thị ở nước ta, nhà quản lý và nhà đầu tư đang giữ vai trò quyết định, còn nhà nghiên cứu và cộng đồng thì có vai trò ngày càng quan trọng.
Thực tế ở TP. HCM trong thời gian vừa qua, tiếng nói, thái độ và hành xử của người dân ngày càng có tác dụng tích cực đến bảo tồn di sản văn hóa.
5. Mâu thuẫn lớn nhất giữa bảo tồn và phát triển có phải vấn đề đất đai?
- Những di tích khảo cổ học có diện tích rộng lớn, có vị trí thuận lợi cho quá trình đô thị hóa – công nghiệp hóa, nhiều công trình di sản đô thị nằm ở khu vực trung tâm hoặc vị trí đắc địa, là những bất động sản được tích lũy nhiều giá trị: giá trị đất (diện tích, vị trí), giá trị lịch sử, văn hóa của công trình... Từ đó giá trị kinh tế khu vực di sản luôn ở mức độ cao. Tuy nhiên, khu vực di tích hay công trình di sản thường chỉ được đánh giá bằng giá trị đất đai mà bỏ qua giá trị lịch sử - văn hóa. Vì vậy nếu nói mâu thuẫn giữa Bảo tồn và phát triển là vấn đề đất đai thì cũng không sai.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thực chất đây là mâu thuẫn giữa kinh tế và văn hóa: nếu coi phát triển kinh tế là trên hết và trước hết thì văn hóa phải lùi lại, thậm chí phải hy sinh cả văn hóa. Đã có nhiều di tích lịch sử bị xóa sổ, nhiều công trình văn hóa bị hủy hoại vì mục đích “phát triển”, “hiện đại hóa”, nhưng thực chất đây là sự chuyển hóa (thậm chí xóa bỏ) tài sản văn hóa của cộng đồng thành lợi ích kinh tế trước mắt và ngắn hạn.
6. Chị có khảo sát thực tiễn một số TP trên TG đã bảo tồn phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện đại. Họ làm gì ấn tượng và ta có học được gì?
- Khoảng mười năm nay tôi có một số lần đi khảo sát ở nước ngoài về bảo tồn di sản văn hóa, nhất là di sản đô thị. Các thành phố, quốc gia khác có rất nhiều kinh nghiệm, bài học chúng ta có thể học tập và ứng dụng mà không quá tốn kém, phức tạp. Đó là những kinh nghiệm từ chính sách đến ứng xử với từng trường hợp, là những cách thức cụ thể về kỹ thuật trùng tu, bảo tồn, truyền thông về di sản hay tổ chức du lịch di tích lịch sử - văn hóa...
Không kể những gì quá sâu về chuyên môn, ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là sự đồng bộ, nhất quán trong chính sách và thực thi bảo tồn di sản của chính quyền từ trung ương đến địa phương, sự chuyên nghiệp và ý thức tự giác của cộng đồng trong các hoạt động phát huy giá trị di sản; sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và xã hội vì mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa. Kiên trì thực hiện bảo tồn di sản một cách có hiệu quả nên họ đã có một nguồn vốn xã hội to lớn và bền vững từ “quỹ di sản văn hóa”. “Lấy văn hóa làm động lực phát triển và phát triển bền vững” tôi nghĩ chính là như thế!
7. Một "công trình K.H" được viết hấp dẫn vì kết hợp ký ức của chị và của nhiều người SG". Chị đã tìm được những ký ức thế nào để thể hiện được tâm hồn SG?
- Sống ở Sài Gòn đã 46 năm, nhưng khi nghiên cứu về lịch sử nói chung hay về di sản văn hóa nói riêng, trong tôi như có sự “phân thân”: vừa chủ quan từ ký ức tình cảm của mình, vừa khách quan từ bên ngoài nghiên cứu nhìn vào Sài Gòn. Vừa là “người Sài Gòn” từ sau 1975 với bao biến động, thay đổi, nhưng tôi cũng có nhiều bà con bạn bè mà gia đình sống ở Sài Gòn đã vài đời. Trong họ luôn bền chặt ký ức về một Sài Gòn qua hàng trăm năm lịch sử. Tôi luôn giữ một thái độ công bằng, tôn trọng và chân thành chia sẻ những ký ức đó, sự đồng cảm giúp tôi nhận được thêm bao nhiêu hiểu biết và cảm xúc... Có lẽ nhờ đó “chất Sài Gòn” trong tôi mỗi ngày một dày thêm.
8. Nghề khảo cổ gợi ra hình ảnh công việc của "Các bác học già đeo kính " và các người trẻ khỏe đi... đào bới - vậy mà chị lại là một phụ nữ đẹp .Nếu ai nói ra điều lạ này, chị giải thích thế nào?
- Cách hình dung về nghề và người làm khảo cổ như vậy cũng... cổ xưa quá rồi ạ! Nghề khảo cổ không có sự phân biệt rạch ròi giữa nghiên cứu và “đào bới”, mà đó là hai giai đoạn tiếp nối, bổ sung, điều chỉnh cho quá trình nghiên cứu đi đúng hướng khách quan và khoa học. Hiện nay theo nghề khảo cổ có nhiều người trẻ tuổi, mà tôi thấy những người có tuổi làm nghề này cũng thường trẻ lâu. Người làm nghề khảo cổ thường có sức khỏe, lạc quan vui vẻ vì được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, công việc luôn mang lại những hiểu biết mới. Với phụ nữ có lẽ điều “bí mật” này đã giúp họ đẹp hơn chăng?
9. Cơ duyên nào dẫn chị đến với “Giải thưởng quốc gia” của Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam? Với riêng chị, một người “khảo cổ” thì giải thưởng này có ý nghĩa đặc biệt gì không?
- Từ sự quan tâm và nghiên cứu về di sản đô thị mà tôi có dịp học hỏi ở những người làm công tác quản lý đô thị, nghiên cứu và thực hiện quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư... Từ mối quan hệ mật thiết trong công việc nên tôi tham gia Hội Quy hoạch đô thị TP.HCM thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN. Nhờ đó biết về giải thưởng này. Nhận thấy cuốn sách của mình phù hợp tiêu chí của hạng mục Ấn phẩm của giải thưởng nên tôi mạnh dạn gửi sách dự thi.
Tôi cũng không nghĩ là mình được giải vì lĩnh vực “khảo cổ đô thị” của mình có vẻ quá xa lĩnh vực “quy hoạch phát triển đô thị”, như là “hai đầu nỗi nhớ” vậy. Vì vậy việc cuốn sách được trao giải Đồng mang lại cho tôi sự động viên lớn, như một sự ghi nhận công việc bảo tồn di sản có ý nghĩa quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị ở nước ta hiện nay.
@ Xin cám ơn và chúc mừng chị!
*VUPA (Vietnam Urban Planning Award) trao giải cho nhiều thể loại các công trình nghiên cứu, các dự án, đồ án và các tác phẩm về quy hoạch , phát triển đô thị.
Tác phẩm “Đô thị Saigon-Tp Hồ Chí Minh –Khảo cổ học và bảo tồn di sản “ của TS Nguyễn thị Hậu nhận giải Đồng.
Chị là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM. Ủy viên BCH Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM.
Bài đăng trên báo Phụ nữ TPHCM ngày 17/12/2021, vì giới hạn số chữ nên lược bớt.






PHẠM ĐOAN TRANG

 


Người ra bỏ tù em 9 năm vì lời nói tự do

46 năm trước ở Sài Gòn một con đường mang tên Tự do đã không còn nữa

Sáng nay

Tôi ngồi quán cà phê Tự do ở thủ đô Hà Nội

Nghe xung quanh thì thầm về bản án

Cho một CON NGƯỜI tranh đấu vì Tự do!


14.12.2021



 

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...