NHẬN DIỆN DI SẢN TƯ LIỆU XỨ QUẢNG TỪ KHẢO CỔ HỌC

 Nguyễn thị Hậu

1.

Di sản tư liệu là những tài sản quan trọng của quốc gia. Chất liệu và hình thức của di sản tư liệu rất phong phú, đa dạng: từ chất liệu đá, đồng, vàng, bạc... cho đến gỗ, giấy, vải... trải dài suốt lịch sử nước ta. Từ khi chữ viết xuất hiện và phổ biến (bao gồm cả chữ Hán, Nôm, chữ quốc ngữ), rồi sau này là các hình thức lưu giữ thông tin khác như hình ảnh, ghi âm, ghi hình và hiện nay có thể coi thông tin lưu giữ trên internet cũng là một dạng di sản tư liệu… Có thể nhận thấy số lượng và nội dung của di sản tư liệu ngày càng tăng theo cấp số nhân.

            Từ di sản tư liệu chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kinh tế- chính trị, nhất là các lĩnh vực xã hội của cả nước hay từng địa phương. Bên cạnh một lượng lớn di sản tư liệu được lưu giữ ở các dòng tộc, gia đình và tại không ít di tích đình, đền, chùa... phần lớn các di sản tư liệu quý do các cơ quan lưu trữ của Nhà nước bảo quản. Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy các giá trị của “kho tàng lịch sử” này đang còn nhiều bất cập, nhất là khối lượng rất lớn di sản tư liệu do cá nhân và cộng đồng lưu giữ.

Miền trung Việt Nam nói chung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và “xứ Quảng” nói riêng có quá trình lịch sử - văn hóa độc đáo. Đặc điểm nổi bật là từ thế kỷ 15 trở về trước xứ Quảng là trung tâm quan trọng nhất của vương quốc Cham pa. Từ thế kỷ 15 trở về sau đây là vùng có nhiều lớp cư dân và văn hóa tộc người “chồng lấn” lên nhau, quá trình giao lưu – tiếp biến mạnh mẽ chủ yếu giữa người Chăm và người Việt, khu vực cảng thị Hội An còn có thêm người Hoa, người Nhật. bên cạnh đó còn có các yếu tố văn hóa của các tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên. Đây là cơ sở tạo nên sự phong phú và độc đáo của hệ thống di sản tư liệu ở đây.

2.

Từ góc độ khảo cổ học – ngành khoa học phát hiện và khai quật, nghiên cứu các di tích di vật dưới lòng đất và trên mặt đất – có thể nhận biết di sản tư liệu ở Xứ Quảng bao gồm những loại hình sau.

- Thời kỳ vương quốc Cham pa: di sản tư liệu để lại thường là di vật tại đền tháp Cham pa, chủ yếu là “văn bản” chữ viết, bao gồm các bi ký bằng đá, ít hơn là chữ viết trên vật dụng dùng trong nghi lễ như đồ đồng, vàng, bạc… Khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận còn có “kinh sách lá buông”, ngoài ra còn chữ viết trên một số chất liệu khác nhưng không còn tồn tại đến ngày nay. Cùng với tôn giáo và tổ chức nhà nước, chữ viết Cham pa xuất hiện khá sớm và đều bắt nguồn từ Ấn Độ. Vì vậy, sự tồn tại của loại hình di sản này không chỉ hữu ích cho việc nghiên cứu về một nền văn minh, một vương quốc cổ từng hiện diện trên lãnh thổ VN thống nhất ngày nay, mà còn hữu ích cho nghiên cứu lịch sử quan hệ giao thương – văn hóa của ĐNA và Ấn độ cổ đại.

Từ cuối thế kỷ 15 với sự hiện diện của chính quyền Đại Việt, xứ Quảng đã có nhiều đợt lưu dân người Việt đến đây, bắt đầu quá trình đan xen, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa hai cộng đồng cư dân Chăm – Việt. Di sản tư liệu không chỉ là chữ viết Chăm pa mà còn là chữ Hán, từ thế kỷ 17 về sau có thêm chữ quốc ngữ… Hệ thống di tích, di vật ngoài đền tháp Cham pa còn có những kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng khác, như đình, chùa, hội quán, nhà thờ họ… Tại đó lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, bài vị, mộc bản, bia đá, chuông, khánh đồng có minh văn… phản ánh lịch sử di tích, qua đó phản ánh lịch sử và văn hóa của một cộng đồng. Không chỉ có chất liệu gỗ, đồng mà thời kỳ này đã phổ biến tài liệu bằng giấy gồm kinh phật, gia phả, tác phẩm văn học, ghi chép về lịch sử, du lịch… Nhiều lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội được phản ánh qua những tài liệu này.

Đặc biệt, Hội An là cảng thị lớn nhất Đàng trong nổi bật với kinh tế ngoại thương. Đô thị cổ Hội An là một khu vực chứa đựng rất nhiều di sản tư liệu. Nguồn tư liệu hiện lưu trữ tại địa phương (Trung tâm QLBT DSVH Hội An và các ban ngành liên quan ở Hội An) như hồ sơ di tích, các số liệu thống kê (về di tích, dân số và biến động dân cư, tình trạng quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích), văn tự cổ lưu trữ tại các di tích (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, khế ước mua bán nhà đất, khế ước gán nợ, gia phả,… ); văn tự chữ Hán (bi kí, minh văn trên hiện vật, di chúc,),… liên quan đến người Hoa và các kiến trúc của cộng đồng… Bên cạnh đó là nguồn tư liệu thời sau như tư liệu thành văn là chính sử, địa chí, ghi chép của người nước ngoài (phương Tây, Trung Quốc và Nhật Bản). Các công trình khoa học đã ấn hành, như: sách chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo, luận án, luận văn, đề tài nghiên cứu khoa học, bài viết...

Nghiên cứu từ khảo cổ học về di tích kiến trúc cổ ở Hội An – trong đó có những di sản tư liệu - góp phần nghiên cứu lịch sử Xứ Quảng nói riêng và miền Nam nói chung. Di tích và tư liệu đã phản ánh lịch sử quy hoạch đô thị thời trung–cận đại tại thương cảng Hội An; bức tranh lịch sử các cộng đồng dân cư và sự đa dạng văn hóa của Hội An và xứ Quảng.

3. 

Từ thế kỷ XVI – XIX, do nhiều nguyên nhân lịch sử – xã hội, cùng với vị trí địa lý và những điều kiện khác về tự nhiên và xã hội, Đàng Trong của quốc gia Đại Việt – mà vùng đất đầu tiên là Xứ Quảng – đã trở thành nơi tiếp nhận nhiều cộng đồng dân cư đến làm ăn, sinh sống rồi cư lâu dài và gắn kết với mảnh đất này.

Trong tiến trình lịch sử mở rộng lãnh thổ của Đại Việt, xứ Quảng có vai trò đặc biệt quan trọng và có bề dày lịch sử cùng sự đa dạng về văn hóa. Di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng của Xứ Quảng phản ánh lịch sử các cộng đồng dân cư có những hoạt động kinh tế - xã hội như nông lâm ngư nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nghề y dược... Theo chân đoàn di dân, các phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của các cộng đồ cư dân cũng bắt rễ và phát triển trên vùng đất mới. Nhiều tôn giáo tín ngưỡng phát triển mạnh mẽ và là chỗ dựa tinh thần cho các cộng đồng dân cư. Tất cả đời sống văn hóa – xã hội ít nhiều đều được lưu lại qua di sản tư liệu.

Từ góc độ khảo cổ học cần quan tâm điều tra, nghiên cứu di sản tư liệu được lưu giữ tại các đô thị hình thành thời thuộc địa (như Đà Nẵng, Tam Kỳ…) để hiểu rõ về quy hoạch xây dựng và văn hóa đô thị thời cận – hiện đại; Khảo sát điều tra, ghi nhận tư liệu di sản tại nhà ở, công trình công cộng, công trình tôn giáo (nhà thờ công giáo, tin lành)… của các cộng đồng tộc người ở miền núi xứ Quảng/miền Trung và Tây Nguyên trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Quá đó có thể nhận diện một cách đầy đủ và khách quan về di sản văn hóa khu vực này. Trên cơ sở đó các ngành liên quan đề xuất những phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả nhất. Bởi vì dsản văn hóa là nguồn lực to lớn đối với sự phát triển bền vững của Xứ Quảng và của cả nước.

 Báo VĂN HÓA QUẢNG NAM, SỐ THÁNG 5.2023






THĂM BẢO TÀNG CỔ VẬT AI CẬP

 Nguyễn Thị Hậu

Chỉ một ngày sau khi đến thủ đô Cairo, tôi được đến thăm quan Bảo tàng cổ vật Ai Cập (Museum of Egyptian Antiquities, còn được gọi là Bảo tàng Ai Cập) tọa lạc trên Quảng trường Tahrir. Trước đó, từ năm 1835 chính phủ Ai Cập đã cho thành lập bảo tàng ở thủ đô Cairo. Sau nhiều lần di chuyển, năm 1902 những bộ sưu tập cổ vật quý giá của nền văn minh Ai Cập cổ đại đã được chuyển đến bảo tàng hiện nay. Đấy là một tòa nhà rất lớn theo kiến trúc Tân cổ điển, cấu trúc hình vuông, một trệt một lầu, bên ngoài có không gian lớn gồm sân, vườn và khu dịch vụ như quán cà phê, cửa hàng bán đồ lưu niệm…

Sau một thời gian dài xếp hàng chúng tôi mới bước vào bảo tàng. Sảnh chính rất rộng, trần cao với hàng cột lớn tạo ra hành lang rộng rãi. Cấu trúc này làm cho bảo tàng thông thoáng và có ánh sáng tự nhiên, dù bên ngoài nắng gay gắt bên trong đông người thì không khí vẫn mát mẻ. Hành lang lớn bao quanh các phòng trưng bày, từ sảnh chính có thể nhìn thấy bốn phía với hơn 100 phòng trưng bày và vô số khu vực trưng bày ở sảnh và các hành lang. Bảo tàng trưng bày các hiện vật có niên đại từ thời tiền sử đến thời kỳ La Mã, phần lớn là bộ sưu tập của thời kỳ các Pharaon. Ước tính có khoảng 160.000 hiện vật được trưng bày theo nhiều chủ đề, chưa kể hàng ngàn hiện vật gồm những quan tài gỗ, đồ gốm, đồ đá, kim loại… để trong những tủ, kệ dọc các hành lang suốt hai tầng lầu của Bảo tàng, như một dạng “kho mở”. Ngoài ra còn hệ thống kho rất lớn lưu giữ và bảo quản hàng trăm ngàn hiện vật khác.

Tầng trệt đưa du khách tham quan theo trình tự thời gian qua các bộ sưu tập trong thời kỳ Tân Vương quốc, khoảng từ năm 1500 đến 1000 trước Công nguyên. Đó là những cổ vật khổng lồ gồm tượng các pharaong bằng đá, quan tài đá nhiều cái có hình chạm khắc chi tiết, những chiếc “thuyền thiêng” bằng gỗ có hình vẽ màu còn rất đẹp. Đây là vật dụng tượng trưng cho việc đưa linh hồn pharaon qua thế giới bên kia, đồng thời cũng là phương tiện di chuyển vô cùng cần thiết của người Ai Cập cổ đại vì đường giao thông chính là sông Nile.

Ở tầng trệt còn có các bộ sưu tập giấy papyrus và những bảng đất sét có khắc chữ hình nêm, chữ tượng hình. Nhiều mảnh giấy papyrus đã bị mục nát vì đã trải qua hơn hai ngàn năm, nhiều bảng đất sét bị vỡ được gắn chắp lại… Tuy nhiên vẫn có thể nhìn thấy chữ viết trên các hiện vật này, bao gồm chữ Hy Lạp, chữ Latin, chữ Ả Rập và chữ Ai Cập cổ đại. Các bộ sưu tập tiền xu được làm từ vàng, bạc và đồng là những đồng tiền trong nhiều thời kỳ khác nhau, không chỉ là của Ai Cập mà còn của Hy Lạp, La Mã và thời kỳ Hồi giáo. Hiện vật chữ viết và tiền tệ cung cấp cho các nhà nghiên cứu rất nhiều thông tin về văn hóa và lịch sử - nhất là về thương mại, một ngành kinh tế thịnh đạt của Ai Cập cổ đại.

Giữa sảnh là cầu thang chính rộng rãi dẫn lên tầng trên của bảo tàng. Tại đây trưng bày theo nhóm lăng mộ. Các phòng trưng bày gồm có: kho báu của pharaon Tutankhamun và những mô hình cuộc sống hàng ngày bằng gỗ, các tượng thần, linh vật và một nhóm chân dung  Faiyum quý hiếm. Đó là những chân dung xác ướp vẽ theo trường phái tự nhiên trên các tấm gỗ gắn trên các xác ướp thuộc tầng lớp thượng lưu từ thời Ai Cập, La Mã, phần lớn được tìm thấy trong nghĩa địa Faiyum. Đặc biệt hấp dẫn là sưu tập cổ vật từ hai vương triều cuối cùng của Ai Cập, bao gồm di vật từ lăng mộ của các pharaon: Thutmosis III, Thutmosis IV, Amenophis II, Hatshepsut, triều thần Maiherpri. Rất nhiều cổ vật từ Thung lũng các vị vua, trong đó có các tài liệu tìm thấy trong cuộc khai quật ngôi mộ nguyên vẹn của hai pharaon Tutankhamun và Psusennes I.

Trước đây, trong bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều xác ướp hoàng gia thời Tân Vương quốc cùng rất nhiều đồ tùy táng bằng vàng và đá quý. Từ năm 2021 Ai Cập đã tổ chức lễ diễu hành đưa các xác ướp hoàng gia từ Bảo tàng Ai Cập đến Bảo tàng Văn minh Quốc gia Ai Cập (Đại Bảo tàng Ai Cập) mới được xây dựng gần khu vực Kim tự tháp Giza. Tuy nhiên nhiều quan tài bằng gỗ quý và bằng vàng, nhiều đồ tùy táng quý giá vẫn đang trưng bày tại bảo tàng này. Theo quy định của bảo tàng, du khách đến tham quan hai căn phòng này không được quay phim hay chụp hình. Đây là nơi đông khách tham quan nhất, dòng người lần lượt đi một vòng quanh phòng trưng bày, không được dừng lại để ngắm nhìn lâu hơn các cổ vật độc nhất vô nhị.

Trong bảo tàng còn trưng bày nhiều tượng đá, tượng gỗ quý các vị thần và linh vật của Ai Cập cổ đại, rất nhiều hiện vật khảo cổ học phản ánh cuộc sống thời tiền sử của nhiều nhóm cư dân dọc theo sông Nile - “tặng vật của Thượng đế cho Ai Cập”. Tôi đặc biệt thú vị với những cổ vật thời tiền sử, bởi nhận ra sự giống nhau của một số loại hình đồ gốm ở đây với đồ gốm tiền sử ven biển phía Nam ĐNA. Sự “đồng quy văn hóa” thể hiện nhận thức và ứng xử của các nhóm cư dân cùng sống trong môi trường sông và biển, dù niên đại chênh nhau hơn hai ngàn năm.

Trong khu vườn rộng lớn bao quanh tòa nhà bảo tàng có Đài Tưởng niệm các nhà Ai Cập học nổi tiếng thế giới thuộc nhiều quốc gia qua các thời kỳ lịch sử.

***

Để có thể tham quan hết các phòng và khu vực trưng bày cổ vật tại Bảo tàng Ai Cập cần thời gian tối thiểu là… một tuần. Tất nhiên không đoàn du khách nào có đủ thời gian, vì vậy du khách thường tập trung tham quan các sưu tập quan trọng như đồ vàng ngọc quý giá hay check-in tại các tượng pharaon khổng lồ còn nguyên vẹn. Phần lớn các sưu tập hiện vật khác du khách chỉ có thể xem lướt hoặc bỏ qua. Dễ nhận thấy tình trạng nhiều hiện vật đang trưng bày không được chăm chút về vệ sinh cũng như bảo quản. Nhất là hệ thống hiện vật để trong các tủ, kệ dọc các hành lang khá nhiều bụi, xô lệch cho du khách đụng chạm vào tủ khi đông người di chuyển… Rất nhiều hiện vật không có chú thích, hoặc chú thích được để ở một chỗ khá xa và khuất. Vì vậy làm giảm sự chú ý và tìm hiểu của du khách về hiện vật.

Có lẽ do khối lượng hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng quá lớn, hiện nay từ các cuộc khai quật trên khắp đất nước lại tiếp tục đưa về bảo tàng thêm nhiều hiện vật nữa… Tình trạng này vượt quá quy mô, điều kiện bảo quản và trưng bày của một bảo tàng được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Trong “cuộc cách mạng 2011” khá nhiều hiện vật tại bảo tàng này và nhiều bảo tàng khác đã bị xâm hại, mất mát và hư hỏng. Đây là hai nguyên nhân quan trọng thúc đẩy việc xây dựng một bảo tàng mới và hiện đại với quy mô lớn hơn bảo tàng này nhiều lần: Đại Bảo tàng xây dựng vào năm 2005 và được đánh giá là bảo tàng khảo cổ học lớn nhất trên thế giới. Năm 2021 đã mở cửa từng phần trưng bày tuy vẫn đang hoàn thiện và chưa chính thức khánh thành.

Không chỉ quan tâm đến các bảo tàng lớn, Ai Cập còn xây dựng nhiều bảo tàng quy mô nhỏ trưng bày những hiện vật đặc trưng, tiêu biểu của nền văn minh Ai Cập. Tháng 5 năm 2021 Ai Cập khánh thành hai bảo tàng mới tại sân bay quốc tế Cairo nhằm thu hút du khách. Hai bảo tàng mới tọa lạc ở nhà ga số 2 và số 3 trưng bày hơn 360 hiện vật chủ yếu thuộc thời cổ đại và một số thuộc thời hiện đại. Với quy mô và vị trí như vậy, rất nhiều du khách quá cảnh tại sân bay Cairo có thể tham quan hai bảo tàng, góp phần tăng thêm nguồn thu và quan trọng hơn là “phủ rộng” sự quảng bá về lịch sử - văn hóa Ai Cập. Đây là một hướng phát triển bảo tàng mà Ai Cập đang thực hiện.

Nhà nước Ai Cập đã xác định rõ, di sản văn hóa là một nguồn lực kinh tế quan trọng. Cả nước có trên 2000 di tích và địa điểm khảo cổ học quan trọng (là di sản thế giới và quốc gia), hơn 40 bảo tàng nhiều loại hình ở khắp các địa phương, nhiều nhất là tại các “di sản đô thị” quan trọng như Cairo, Alexandria, Aswan, Luxor… “Di sản văn hóa là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn nhất trong tất cả các sản phẩm mà Ai Cập có thể cung cấp trên toàn cầu”. Đó là quan điểm của Bộ Du lịch và Di sản  được người hướng dẫn – một thanh niên Ai Cập vô cùng yêu nghề và say mê lịch sử - văn hóa luôn nhắc lại trong suốt công tác của chúng tôi.

 TC  NGƯỜI ĐÔ THỊ 5.2023









QUÊ TÔI Ở MIỀN TÂY


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
Quê nội tôi là làng Mỹ Hiệp trên Cù lao Giêng, Chợ Mới (An Giang), chỉ cách quê ngoại một nhánh sông Tiền, có bến đò Mỹ Hiệp qua làng Hòa An – Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Sau ngày hòa bình tôi thường về quê ngoại vì nơi đó còn bà ngoại và mấy cậu mấy dì, các anh chị em họ. Quê nội không còn ai ruột thịt, chỉ có bà con xa. Từ cách mạng 1945, bác tôi và ba tôi đi kháng chiến. Năm 1947 Tây bắn chết ông nội tôi, bác gái tôi đưa bà nội lên sinh sống ở Sài Gòn. Nhà cửa ở làng lâu dần hư hỏng hết... Hết chiến tranh gia đình tôi về quê chỉ còn thấy trơ trụi cái nền nhà của ông bà nội, ruộng đất của gia đình cũng đã chia năm sẻ bảy từ lâu... Vài năm sau chú tôi bán nốt cái nền nhà. Vậy là ở quê chỉ còn khu mộ ông bà nội nằm giữa ruộng đất của người ta, thỉnh thoảng được một người bà con chăm nom dọn dẹp.
Ba tôi từ khi lớn lên đi học ở Sài Gòn và làm thầy giáo ở trường huyện Chợ Mới. Rồi ông đi kháng chiến chín năm và tập kết ra Bắc... Ký ức về quê nội tôi có được đều từ má tôi truyền cho. Bà chỉ về làm dâu ông bà nội có vài năm rồi cũng đi kháng chiến, những năm đó ở nhà chỉ có ông bà nội với má tôi và anh Hai mới ra đời. Vì vậy ngôi nhà sàn tuy không lớn nhưng vắng vẻ lắm, cách sông một đỗi đường làng mà vẫn nghe lao xao người lên xuống đò ngoài bến. Ròng rã bao nhiều năm xa quê nội, má tôi vẫn nhớ như in ngôi nhà sàn chiều chiều bà nội ngồi ở hàng hiên ngoáy trầu, ngó ra đường nghe tiếng xe thổ mộ lại ngóng xem có đứa con nào về ? Nhớ con rạch sáng chiều nước lớn nước ròng theo tiếng bìm bịp kêu, con rạch mà ông nội thường chặt tre nhà trồng để kè bờ, bắc cầu khỉ cho người trong xóm qua lại, nhớ đám ruộng chiều chiều nghe mùi khói đốt rạ má tôi lại nao nao nhớ ngoại... Gần vậy nhưng má tôi ít dịp về nhà ngoại, thời đó đàn bà lấy chồng rồi thì quê chồng là quê mình.
Tôi hay về quê nội vào tiết Thanh minh. Làng quê không giàu nhưng cũng không quá nghèo, ruộng vườn vén khéo nhà nào cũng đủ ăn, bà con lối xóm người theo đạo Phật người theo Hòa Hảo cũng chân chất như nhau. Từ nhiều năm nay trường học, trạm xá được xây dựng ngay tại xã, gần gũi cho trẻ nhỏ đi học, khám chữa bệnh của bà con cũng thuận tiện hơn nhiều. Nhà trệt mái ngói, mái tôn đã thay thế những ngôi nhà sàn mái lá xưa kia. Nhưng đường làng vẫn làm cho khách lạ đi xe lôi xe ôm “hồi hộp” lắm vì chưa được thẳng thớm, bằng phẳng.
Lần nào có dịp về quê ngoại mà không qua được quê nội, tôi cứ nhớ con đò ngang sông Tiền lộng gió mùa nước lớn, bến đò có con đường dốc cao mùa nước cạn, mấy chiếc xe lôi chờ khách ồn ào khi đò cập bến... Và khu mộ ông bà nội quét vôi trắng sạch sẽ giữa vườn cây xanh mát. Rưng rưng thấy có lỗi như đã để ông bà nội đợi chờ, dù ông bà đã khuất từ khi tôi chưa kịp ra đời...
***
Do công việc nên tôi thường về Long Xuyên, Châu Đốc hơn về Chợ Mới Cù lao Giêng. Vậy mà ông bạn thân ở Long Xuyên mỗi lần gặp là một lần hờn giận “Sao bà ít dìa quê quá vậy? lần sau bà dìa tới Vàm Cống là tui kêu... phà khỏi chở bà qua sông, cho biết!”. Lần này cũng vậy, ông bạn chưa kịp nói thì tôi đã cười “Có cầu Vàm Cống rồi nghe, khỏi dọa không cho tui qua phà dìa quê!”. À mà cầu Vàm Cống không nằm ngay bến phà mà xuôi về hạ lưu mấy cây số, nối hai bờ sông Hậu bên là Cao Lãnh bên thuộc Cần Thơ, đi vòng hơn mười cây số mới vào thành phố Long Xuyên. Tôi đã từng gợi ý cho ngành du lịch của tỉnh là hãy duy trì cái phà cho xe hơi nhỏ, xe máy qua lại, vừa tiện lợi cho dân sống ở hai bên bờ từ lâu đời, vừa giữ một cảnh quan sinh hoạt quen thuộc của đô thị Nam bộ, giữ một “di tích” cho du lịch sông nước. Nhưng cũng như nhiều di tích khác, những cái phà bến bắc ở miền Tây cứ mất dần, mai mốt con cháu sẽ không biết một phương tiện giao thông phổ biến gần trăm năm ở miền sông nước này. May ra chỉ còn nhìn thấy “bắc Mỹ Thuận” trong bộ phim Người tình nổi tiếng!
Đường về quê dù “độc đạo” từ mấy chục năm qua nhưng các bến phà/bắc đã thay thế bằng những cây cầu hiện đại. Ngày trước về quê ngoại phải qua bắc Mỹ Thuận, bắc Cao Lãnh, về quê nội thêm bắc Vàm Cống. Hai mươi mốt năm trước (5.2000) cầu Mỹ Thuận hoàn thành và cho đến nay, theo tôi, vẫn là cây cầu đẹp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 2.2020 cầu Mỹ Thuận 2 đã được khởi công nhằm tăng lưu lượng giao thông cho khu vực “nút thắt” của tuyến đường quan trọng nhất miền Tây. Trên sông Cửu Long giờ có nhiều cây cầu dây văng đẹp như mơ đã trở thành hiện thực, nối liền các tỉnh của vùng sông nước như mong ước bao đời của người đồng bằng. Trên sông Tiền có cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên, trên sông Hậu có cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống. Cùng với cầu là những cung đường mới hiện đại qua cánh đồng rộng lớn chứ không còn chen chúc qua những thôn xóm và thị trấn ven đường. Tuy nhiên, thông cầu nhưng đường chưa thông vì quốc lộ 1A vẫn là “độc đạo”. Tình trạng kẹt xe tắc đường ngày càng trầm trọng nhất là vào dịp lễ tết.
Đường về quê nội, quê ngoại giờ có thể đi bằng tuyến đường N2 từ Đức Hòa (Long An) đến Mỹ An (Đồng Tháp). Tôi thích đi đường N2 này vì ngày thường khá vắng, tuy đường không tốt lắm và chỉ có hai làn xe. Nhưng đường này có nhiều cây cầu mới xây qua những con “kinh xáng” thẳng tắp, cầu có độ tĩnh không cao cho ghe xuồng, tàu chở hàng, xà lan tải trọng vừa qua lại thoải mái. Có đoạn dài con đường chạy song song kênh N2, ngày lễ tết trên đường xe máy xe hơi nối nhau chật cứng, gần bên là dòng kênh trong vắt, nước lên đầy ắp, vài chiếc ghe máy, tàu nhỏ thong thả xuôi ngược. Lúc đó tôi nghĩ, nếu có “đò dọc” thì chắc nhiều người đi xe máy sẽ xuống đi đò còn hơn phơi mình giữa nắng để nhích từng chút một. Dù đò đi chậm nhưng bù lại sẽ được “mãn nhãn” với cảnh làng quê bình yên và ruộng vườn xanh ngút ngát... Nhưng có lẽ đó chỉ là suy nghĩ của tôi - một người hay “hoài cổ” và thèm được sống chậm, chớ bây giờ ai cũng hối hả đi nhanh. Những con đò dọc đã biến mất từ lâu khi đường lộ nhỏ len lỏi vào vùng sâu cho xe máy chạy ào ào. Còn đò ngang, phà bắc đã có những chiếc cầu thay thế, xe hơi chạy không cần ngừng nghỉ. Tiếng rao hàng rong trên những chuyến phà, tiếng gọi “đò ơi...” chắc chỉ còn tồn tại trong vài tản văn, tạp bút về miền Tây.
Đường N2 băng ngang một phần Đồng Tháp Mười mới được khai thác vài chục năm nay. Đi đường này tha hồ ngắm những ao sen trắng hồng rực rỡ, rừng tràm mới trồng xanh ngắt chiều chiều cò bay đậu trắng ngọn cây. Vài năm nữa thôi nơi này sẽ có nhiều “sân chim” – một “đặc sản” của Nam bộ mà chiến tranh đã làm biến mất khá nhiều. Dọc đường N2 là “cánh đồng mẫu lớn” bên này lúa còn xanh mướt bên kia đã ngả một màu vàng quyến rũ, có nơi đã gặt xong, rơm được máy cuốn tròn thành từng bó xếp gọn ở bờ, bầy vịt nuôi đồng tung tặng lội ruộng sục mỏ kiếm hạt lúa rơi, con cá con ốc. Chỉ sau một mùa gặt bầy vịt sẽ mướt mượt, con nào con nấy chắc nịch chứ không mập ù như vịt nuôi siêu thịt. Trên cánh đồng có nhiều loại máy: máy cày, máy sục, máy gieo máy gặt... Như vậy lẽ ra người nông dân được an nhàn hơn vậy mà họ vẫn còn cơ cực lắm. Buông con trâu cái cày ra họ biết làm gì? Lên thành phố, đến khu công nghiệp cũng không thể trở thành công nhân đúng nghĩa, bởi vì ngoài nghề nông họ đâu đã biết thêm một nghề nào khác?
***
Lần nào về miền Tây khi trở lên thành phố cũng vào buổi chiều, nhưng vừa rời một nơi chốn nào đó đã lại nhớ da diết. Nỗi nhớ chẳng có gì cụ thể, chỉ là cảm giác bồi hồi khi xa những gì thân yêu mà không biết lần sau gặp lại có còn nguyên vẹn? Hôm rồi đi công tác ở Thoại Sơn – An Giang cũng vậy. Trên đường về Sài Gòn khi nghe tôi buông câu “sao cứ chiều là nhớ nhà ghê...”, anh bạn cùng đi như được chạm vào đúng mạch liền kể bao chuyện “hồi đó còn ở dưới quê...”. Quê anh ở Vĩnh Long nhưng chuyện quê anh không khác gì quê tôi. Những câu chuyện cho biết từ thời khẩn hoang đến sau này đất miền Tây vẫn phải đối mặt với bao khó khăn vất vả, bao thách đố từ sông từ biển, từ nắng từ gió, từ đất từ nước mà người nông dân phải thích nghi, phải quen thuộc để có thể sống được!
Người Nam bộ là vậy, khó khăn nào cũng tìm cách vượt qua nhưng không than thở vì “ai cũng như mình”. Sống được là khỏe rồi, nuôi được vợ con là vui rồi, cực nhọc qua rồi thì... “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”. Kể cả khi người khác luôn cho rằng “Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi, làm chơi ăn thiệt” thì cũng nhẹ nhõm chấp nhận “ờ mà thiệt, ông trời không cho làm sao mình có?”, một thái độ chân thành thể hiện sự biết ơn trời đất, ơn người ơn đời.
Bởi vậy, người miền Tây sanh đẻ ở tỉnh nào cũng coi miền Tây là quê chung. Lên thành phố làm ăn nhưng ngày lễ tết thì chỉ tính chuyện về quê. Ở xa thì rủ nhau ra Bến xe miền Tây mua vé xe đò cùng chuyến mà người xuống trước người xuống sau. Gần hơn thì chạy xe máy, cứ đổ đầy bình xăng, khoác áo gió, đeo ba lô cùng nhau lên đường. Trên đường đi có khi còn ghé nhà bạn ăn bữa cơm ngủ lại một đêm rồi mai mới chạy tiếp về nhà mình.
“Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn”. Mỗi lần về quê lại thấy thương quê mình hơn, lại được đón nhận những chân thành và tình nghĩa, được tiếp thêm sự lạc quan và năng động của người miền Tây. Quê hương đâu chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi ta biết rằng trái tim mình đã thuộc về nơi đó...
Báo Tiền Phong 23.5.2021
Hình: một đoạn đường và cầu trên tuyến N2

Không có mô tả ảnh.

Bài mở đầu tập tùy bút THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA, NXB TỔNG HỢP TPHCM, 2023


NGHĨ KHÁC VỀ CHIẾC ĐŨA


Hình như “tư duy bó đũa” chỉ có ở người Việt trong số những dân tộc dùng đũa để ăn?
Từ nhỏ đã được học một bài học qua hình tượng bó đũa: người cha gọi các con đến và đưa ra một bó đũa, nói các con bẻ thử xem. Không ai bẻ được. Người cha bèn bẻ từng chiếc, tất nhiên những chiếc đũa lần lượt gãy hết. Bài học: các con phải đoàn kết.
Nhưng, đũa chỉ thành “bó” khi có người bó buộc chúng lại. Còn chúng vốn là những chiếc rời rạc, khi cần người ta chỉ sử dụng hai chiếc thành “đôi đũa” để và cơm gắp thức ăn, thỉnh thoảng gặp đôi đũa vênh thì bực hơn lấy phải cô vợ dại (“vợ dại không hại bằng đũa vênh”, dân gian nói thế). Đũa cả (để xới cơm) hay đũa bếp (để nấu thức ăn) thì to hơn dài hơn đấy, nhưng cũng chẳng ai sử dụng cả bó. Túm lại, khi thành từng bó thì đũa chả làm được gì ngoài việc làm cái ẩn dụ nói trên; còn khi có tác dụng thật thì chúng chỉ là từng đôi, kết hợp chiếc này với chiếc khác đều được, miễn là (tương đối) bằng nhau. Mà cũng có thể dùng từng chiếc xiên xỏ cũng đưa được miếng ăn lên miệng.
Lại có câu chuyện liên quan đến đũa là Cây tre trăm đốt: bị lừa đi tìm cây tre có trăm đốt làm đũa cho đám cưới, anh nông dân phải nhờ Bụt ban cho câu thần chú khắc nhập khắc xuất mới lấy được con gái phú ông. Hẳn 100 đốt tre làm đũa cho cả làng dùng trong đám cưới, xong rồi cả nhà anh nông dân dùng hết đời cũng không hết. Chắc vậy nên sau đó không thấy có chuyện cổ nào có nói đến chiếc đũa nữa.
Ở phương Tây người ta không dùng đũa để ăn nhưng các bà Tiên (hay phù thủy) lại thường cầm đũa thần nhưng cũng chỉ một chiếc, không thấy tiên nào cầm cả đôi đũa thần. Chắc sợ lúc vung lên mỗi chiếc lại ra một phép thần khác nhau thì hỏng hết mọi việc.
Lớn lên lại có bài học về so bó đũa chọn cột cờ. Ý là khó chọn lựa lắm, thôi thì trong cái đám sàn sàn như nhau ấy chiếc nào nhỉnh hơn tí thì được chọn. Thoắt cái đổi đời từ đũa thành cột mà lại làm hẳn “cột cờ” cơ đấy! Thế mới biết cái sự “được chọn” ấy nó mong manh nhưng mang lại may mắn thế nào cho chiếc đũa chỉ dài hơn cả bó một tẹo. Bình thường chắc chiếc đũa ấy không được việc gì vì chả thành đôi với chiếc nào khác để mà sử dụng, bà nội trợ rửa chén bát gặp chiếc đũa như thế thì vứt bỏ ngay. Thế mà khi cần thì một chiếc đũa “không giống ai” cũng có thể trở thành “cột”. Tất nhiên, khi chiếc đũa vào vai “cột cờ” thì mặc nhiên người ta cho rằng đám đông kia ai cũng như ai, tất cả “bằng đầu” như một bó đũa, và giá trị của “cột cờ” này thế nào là nằm ở ý đồ người chọn.
“Tư duy bó đũa” là một kiểu tư duy cào bằng, không coi trọng giá trị của từng cá nhân. Thử hình dung một xã hội mà mọi người như những chiếc đũa giống hệt nhau từ chất liệu đến màu sắc kích thước như được làm từ máy! Mà bây giờ còn phổ biến loại đũa dùng một lần xong thì vứt bỏ dù có nhẵn đẹp hay còn vướng cọng xơ tre, chẳng có giá trị gì lâu bền. Kể cả đũa ngà đũa bạc mà vua chúa thường dùng chỉ quý vì là đồ dùng của bậc vua chúa chứ không phải vì giá trị “làm đũa” của nó.
Vậy, đừng tự hào là danh giá nếu được chọn làm “cột cờ”, bởi vì bản chất vẫn là chiếc đũa, ngồi vào vị trí cao quá khả năng thì chỉ làm vị trí ấy tầm thường đi mà thôi.
“Tư duy bó đũa” còn là sự đánh lừa chính mình. Làm gì có sức mạnh của cả bó đũa! Dù có đứng chung trong một ống đũa hay được buộc thành một bó thì đũa vẫn chỉ là những chiếc đơn lẻ dễ dàng bị tách khỏi cả bó. Một người thần kinh bình thường chẳng ai cầm cả bó đũa mà bẻ. Họ sẽ bẻ từng chiếc, lần lượt từng chiếc đến hết cả bó, vì tất cả những chiếc đũa không thể tự dính chặt vào nhau! Hoặc, điều này nguy hiểm hơn, họ quăng cả bó vào đống lửa, và do rời rạc nhỏ bé nên cả “bó đũa” sẽ bùng cháy nhanh chóng!
Đũa thì cứ là đũa, đừng cố gắng đua chen làm cột. Nhưng hãy thật cứng cỏi để không ai có thể dễ dàng bẻ gãy dù chỉ là một chiếc đũa. Mỗi chiếc đũa cứng cỏi sẽ tạo nên sức mạnh của cả “bó đũa” chứ không phải là ngược lại.
Sài Gòn 2016. Repost



DI SẢN ĐÔ THỊ: BẢO TỒN VÀ THỤ HƯỞNG

Nguyễn Thị Hậu

1.
Tháng tám năm 2015 tôi đến Paris đúng vào thời gian nghỉ hè, thành phố vắng người Paris nhưng du khách thì đông đúc, nhộn nhịp từ sáng đến khuya. Một lần đi ngang qua Tòa thị chính thành phố tôi thấy hàng dài người xếp hàng lần lượt vào trong. Tôi hỏi bạn mới biết, tại nhiều thành phố ở châu Âu, các công sở là công trình di sản đều có những ngày mở cửa đón dân chúng, du khách vào tham quan, thụ hưởng giá trị của công trình di sản mà hiện nay chính quyền đang sử dụng để làm việc hàng ngày.
Vài năm nay Tòa Tổng lãnh sự Pháp tại TP. Hồ Chí Minh cũng có hai ngày đón khách tham quan, vào dịp Ngày Di sản Châu Âu (trong tháng 9). Từ lúc đó giới nghiên cứu kiến trúc, lịch sử, di sản văn hóa đã đề nghị, trước mắt, vào ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hàng năm, những công sở là công trình di sản ở các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nên mở cửa cho du khách tham quan. Sau đó có thể định kỳ mở cửa hàng tuần, hàng tháng… nhằm biến những công sở “kín cổng cao tường” thành điểm đến thân thiện bổ ích trong các tour du lịch thành phố. Tuy nhiên điều này cũng vấp phải một số ý kiến khác, chủ yếu về việc bảo vệ an ninh cho công sở, nhất là nơi có các vị lãnh đạo thành phố làm việc hàng ngày.
Mãi cho đến tháng Tư năm nay – 2023 – việc công chúng được tham quan UBNDTP - một trong những công sở quan trọng nhất của TP.HCM - mới trở thành hiện thực. Đây là chương trình do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.
2.
Tại TP. Hồ Chí Minh các công trình xây dựng thời Pháp có quy mô lớn, chất lượng sử dụng còn tốt, hiện nay còn khoảng 30 công trình. Công trình Ủy ban nhân dân thành phố được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cùng với các công trình khác như Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Bến Nhà rồng); Toà án nhân dân thành phố; Nhà hát TP. Hồ Chí Minh; Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là những công trình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố…
Về cơ bản, cho đến nay những công trình này không biến đổi về kiến trúc nhưng cảnh quan và quy mô khuôn viên bao quanh các công trình đã có thay đổi so với trước đây. Khu vực quận 1 tập trung nhiều công trình tiêu biểu cho các loại hình công sở, tôn giáo, biệt thự, thương mại dịch vụ… hợp thành hệ thống di sản đô thị phản ánh quy hoạch, kiến trúc và văn hóa của đô thị Sài Gòn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Đây chính là “khu vực di sản” mà ở các nước trên thế giới, khu vực này thường được bảo tồn nghiêm ngặt vì chứa đựng những đặc trưng cơ bản của đô thị.
Phần lớn những công trình kiến trúc tiêu biểu ở đây có niên đại trên dưới 150 năm, đến nay đã trở thành biểu tượng của đô thị Sài Gòn, như công trình Ủy ban nhân dân thành phố (trước kia là Tòa thị chính hay Dinh xã tây), thương xá Tax (đã mất) hay chợ Bến Thành... Tính biểu tượng của di sản đô thị không phải chỉ từ giá trị lịch sử hay kiến trúc nghệ thuật mà quan trọng nhất là ký ức về nó được lưu truyền qua nhiều thế hệ cư dân Sài Gòn và du khách. Tính biểu tượng quan trọng vì đã lưu giữ cho thành phố những dấu tích lịch sử và văn hóa, giúp người dân hiểu biết hơn về nơi mình đang làm ăn sinh sống. Từ đó có tình yêu với thành phố - nơi mà những người “tứ xứ” gặp nhau.
Đồng thời di sản đô thị là nguồn vốn xã hội đóng góp vào phát triển kinh tế từ việc khai thác kinh tế di sản, từ các ngành công nghiệp văn hóa…Tuy nhiên, “lợi nhuận” có được từ nguồn vốn di sản, từ kinh tế di sản không thể coi là “tiền tươi thóc thật, ngay và luôn” như các ngành kinh tế - dịch vụ khác. “Lợi nhuận” từ di sản quan trọng nhất chính là giá trị tinh thần mà cộng đồng và du khách có được từ sự thụ hưởng, trải nghiệm những di sản văn hóa. Thông qua sự trải nghiệm này, tri thức về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc… được lan tỏa, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp cho cuộc sống tinh thần ngày càng phong phú.
3.
Tại một số công sở ở VN vẫn còn “di chứng” thời bao cấp, đó là tình trạng người dân đến đây luôn với tâm thế “kẻ dưới” đi “lên trên”, ngán ngại ngay từ cổng vào. Thay vì mở rộng cửa chính (chỉ dành cho xe hơi) cho mọi người dân vào làm việc thì nhiều nơi chỉ mở cửa bên nhỏ xíu, vừa đủ cho dân “xuống xe tắt máy dẫn bộ”, bảo vệ còn có thái độ hạch hỏi lạnh lùng...
Vì vậy, khi các công sở quan trọng của chính quyền như tòa nhà Ủy ban nhân dân hay Tòa án, trụ sở các sở ngành quản lý đô thị… được cộng đồng và du khách tiếp cận với tâm thế “bình đẳng” với đối tượng di sản mà mình có quyền được chiêm ngưỡng và hưởng thụ, thì rõ ràng lợi ích tinh thần còn ở chỗ, người dân cảm nhận sự tôn trọng, tin tưởng, thân thiện của chính quyền, người dân cũng thấy rõ “di sản văn hóa” là của mình, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn di sản. Đồng thời, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền sẽ được cải thiện, bình đẳng và tôn trọng nhau hơn.
Đợt tham quan công trình UBNDTP vừa qua công tác tổ chức chưa thuận tiện cho đông đảo người dân, nhiều người phải đăng ký qua một số công ty du lịch và đóng phí tham quan (dù chủ trương là miễn phí). Là lần đầu và chỉ tổ chức tham quan một di tích nên còn vài trục trặc, chắc chắn sẽ phải rút kinh nghiệm từ việc đăng ký tham quan, phân bổ khung giờ và số đoàn tham quan… đến việc tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý, kết hợp với tham quan nhiều công trình di sản khác. Thông qua hoạt động này chính quyền thể hiện sự cởi mở và gắn kết với nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thực sự vì nhân dân phục vụ.
Đặc biệt trong nhiều năm gần đây, tình trạng “hiện đại hóa” khu trung tâm – vùng di sản của thành phố đã làm biến dạng và phá hủy nhiều công trình di sản, thì việc mở rộng cửa các công trình di sản quan trọng cho người dân tiếp cận đã thể hiện quan điểm mới của chính quyền thành phố về BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ: đó là sự tôn trọng di sản, coi di sản là của/thuộc về cộng đồng dân cư. Từ đó, di sản được phát huy giá trị một cách tích cực nhờ cộng đồng và vì cộng đồng. Có thể coi đây là một tín hiệu tích cực đối với công cuộc bảo tồn di sản đô thị hướng đến phát triển bền vững ở TP Hồ Chí Minh.

Báo Doanh nhân Sài Gòn số ra ngày 9.5.2023, bài đăng báo lược bớt một số đoạn.



TINH THẦN CÙNG THẮNG


Năm 2019, trong chuyến công tác tại Campuchia, tôi đã đến thăm Quảng trường Cùng Thắng (Win – Win) tại thủ đô Phnompenh, khánh thành vào tháng 12 – 2018 nhân kỷ niệm 20 năm kết thúc chiến tranh và thực hiện thành công chính sách Cùng thắng của nhà nước Campuchia (từ năm 1998).

Trung tâm quảng trường là tượng đài thanh thoát cao vút, các hình tượng điêu khắc ở đây phản ánh những giai đoạn lịch sử của đất nước Campuchia theo phong cách nghệ thuật thời kỳ Angkor. Những nhóm tượng khác rải rác khắp quảng trường theo phong cách tả thực thể hiện tinh thần hướng đến hòa bình của một đất nước đã chấm dứt nội chiến được 20 năm. Từ tượng đài này lan tỏa một thông điệp đầy tính nhân văn: Quá khứ không bị quên lãng, nhưng được nhắc nhớ sao cho vết thương được hàn gắn, tương lai tốt đẹp hơn chứ không phải để lòng người mãi đau đớn và chia cắt.

Chính sách Cùng thắng của Campuchia tôi cũng vừa được nghe lại tại lễ khai mạc Sea Games 32 tối 5-5. Lễ khai mạc thực sự mang lại cho tôi nhiều bất ngờ. Bất ngờ từ cảnh quan kiến trúc và cơ sở vật chất của sân vận động chính ở thủ đô Phnom Pênh đến những phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại sử dụng trong buổi lễ. Bất ngờ từ nội dung kịch bản đậm nét truyền thống, giàu cảm xúc mà vẫn tươi sáng sắc màu của tương lai, quy mô buổi lễ hoành tráng …

Đặc biệt, chính sách Cùng thắng của chính phủ Campuchia đã được nhắc lại trong buổi lễ như một trong những điều kiện xuyên suốt và sức mạnh tinh thần quan trọng nhất dẫn đến sự ổn định và phát triển của quốc gia này trong mấy chục năm qua.

Hòa bình là giá trị sống cơ bản đầu tiên, là điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển. Một cách hiểu đơn giản và phổ biến, “Hòa bình là tình trạng không có chiến tranh”. Có nghĩa là chiến tranh để lại hậu quả trái ngược với hòa bình: những tội ác khủng khiếp như diệt chủng, những thành tựu văn minh của loài người bị tàn phá... Chiến tranh còn để lại hậu quả lâu dài và không dễ nhận thức, đó là hủy diệt niềm tin, xóa bỏ lòng trắc ẩn và khoan dung giữa con người, làm đảo lộn các giá trị sống của nhân loại nói chung và từng quốc gia nói riêng. Từ lịch sử đau thương của mình, Việt Nam cũng là đất nước hiểu rõ về chiến tranh và luôn có ước vọng bòa bình.

Nếu coi hòa bình là mục đích cao cả nhất, là ước mơ và quyền lợi của mỗi người, thì khi tiếng súng đã chấm dứt, hòa bình chính là sự quý trọng và bình đẳng về mọi mặt giữa những người cùng trong một nước. Sau chiến tranh, nếu chỉ một mình phát triển thôi chưa đủ, con đường đi tới luôn cần sự đi cùng của mọi thành phần, trong và ngoài nước. Sự hòa hợp, hòa hiếu, hợp tác trong nước và ngoài nước sẽ mang lại kết quả lớn. Chỉ có nền hòa bình như thế mới mang lại an lạc cho nhân dân, mang lại sức mạnh cho đất nước phát triển bằng người. Campuchia đã nhận rõ điều đó nên mới sớm đặt ra chính sách Cùng thắng.

Hòa bình cũng là tinh thần chủ đạo của Sea Games 32 cũng như các Sea Games khác, đều mong mỏi hướng đến một Đông Nam Á đoàn kết và cùng phát triển. Thể thao giúp con người cố gắng và rèn luyện vượt qua những giới hạn của bản thân, nhằm đạt được mục đích nhất định. Chiến thắng bản thân là chiến thắng quan trọng, song tinh thần Cùng thắng sẽ mang lại thành công tốt đẹp và tình hữu nghị cho những cuộc thi đấu thể thao. Chính tình thần Cùng thắng cũng sẽ mang lại hòa bình, hòa hợp, thịnh vượng lâu dài cho ĐNA nói chung và từng quốc gia nói riêng.


Báo Tuổi trẻ hôm nay, 7/5/23




 

Sài Gòn 6.5.2023

 

 

 

LUXOR - ĐÔ THỊ DI SẢN CỦA AI CẬP

 Nguyễn Thị Hậu

Luxor là thành phố nổi tiếng nằm ở phía Nam Ai Cập, thủ phủ của tỉnh Luxor. Vốn là kinh đô “Thebes” của Ai Cập cổ đại với các di tích lâu đời nhất, thành phố được coi là một “Bảo tàng ngoài trời khổng lồ”. Ngày nay Luxor là một “đô thị di sản” bởi hệ thống di tích lịch sử quý giá, mật độ dày đặc, quy mô hoành tráng... Trải qua hàng ngàn năm, cho đến nay quá trình bảo tồn, trùng tu phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa đã trở thành hoạt động quan trọng nhất của thành phố.

Từ Cairo chúng tôi bay đến Aswan và từ đó đi du thuyền ngược sông Nile đến Luxor. Sông Nile chảy qua giữa thành phố Luxor nên du lịch nơi đây thường được gọi là “tour trải nghiệm bờ đông và bờ tây”. Bờ Đông có các di tích lịch sử vô cùng nổi tiếng như đền Karnak, đền Luxor, đại lộ Nhân sư, bảo tàng Luxor và bảo tàng Xác ướp. Bờ Tây có Thung lũng của các vị vua nổi tiếng từ năm 1922 khi phát hiện ra lăng mộ của Pharaon Tutankhamun. Bờ Tây còn có Thung lũng các nữ hoàng, nơi có lăng mộ của hoàng hậu Nefertari, bức tượng Memnon... Chưa kể khắp nơi là những công trình khảo cổ học được khai quật và bảo tồn thành “bảo tàng tại chỗ”. Có thể nói mỗi mét vuông  ở Luxor dều tìm thấy di tích quý giá và cả thành phố xứng đáng được bảo tồn nguyên vẹn. Hàng năm thành phố thu hút hàng triệu du khách trên toàn thế giới, đồng thời du lịch đã tạo ra “sinh kế” chủ yếu cho người dân thành phố và vùng phụ cận.

***

Nhìn trên bản đồ, sông Nile chảy dọc đất nước Ai Cập, phù sa bồi đắp và tạo nên dải đồng bằng nhỏ hẹp màu xanh, nổi bật trên mênh mông màu vàng nhạt của bình nguyên và sa mạc. Từ khoảng 6000 trước công nguyên đã có dấu tích con người định cư bên bờ sông Nile, sau đó khoảng 3000 năm những cộng đồng này đã tạo nên một Ai Cập cổ đại hùng mạnh. Hàng ngàn năm sau Ai Cập vẫn tồn tại và phát triển nhờ nguồn lợi từ sông Nile mà quan trọng nhất là nông nghiệp và giao thông, đặc biệt chuyên chở vật liệu để xây dựng các công trình vĩ đại như kim tự tháp và các đền thờ, hầm mộ…

Như nhiều thành phố cổ của Ai Cập, Luxor được xây dựng trên vùng đồng bằng màu mỡ bên sông Nile. Ở bờ đông là “thành phố của đền đài nguy nga” bởi nơi đây có những ngôi đền có thể sánh với Kim Tự Tháp về sự vĩ đại và nghệ thuật điêu khắc tráng lệ, hội họa lộng lẫy. Người Ai Cập cổ đại tôn thờ thần Amun (thần Mặt trời) nên dân cư Luxor đã xây dựng những ngôi đền vô cùng to lớn, cầu kỳ để thờ thần Amun. Kỳ vĩ nhất là quần thể đền Karnak được xây dựng ròng rã trong hơn 1300 năm, qua 30 triều đại Pharaon, đặc biệt là thời kỳ của nữ hoàng Hatshepsut nổi tiếng.

Quần thể đền Karnak có bốn phần, phía bắc là khu vực thờ thần Amun và khu vực thờ thần Montu, khu vực thờ thần Mut ở phía nam và đền thờ Pharaoh Amenhotep 4 ở phía đông. Hiện nay chỉ khu vực thờ thần Amun là mở cửa cho công chúng tham quan, đây cũng là khu vực hoành tráng nhất với các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuyệt vời, hàng chục tượng đá, nhân sư, hàng trăm cột đá nặng hàng tấn cao hàng chục mét, sừng sững qua hàng ngàn năm. Đại sảnh lớn nhất chính là niềm tự hào của Karnak với 136 cột đá khổng lồ cao đến hơn 20m, đường kính trên 3m được trang trí vô vàn phù điêu sinh động, rất nhiều phù điêu còn dấu tích tô màu. Đền Karnak còn lưu giữ 2 cột đá Obelisk nguyên khối hình trụ nặng hàng trăm tấn được vận chuyển từ Aswan đến đây bằng đường sông.

Cách đó không xa là đền Luxor cũng nằm ngay bên bờ sông Nile. So với Karnak thì đền Luxor nhỏ hơn nhưng lại có cấu trúc như một tòa thành, Trước ngôi đền còn một cột đá Obelisk cao vút được xây dựng bởi Pharaoh Ramesses II (cột thứ hai hiện ở Place de la Concorde ở Paris, Pháp). Lối vào chính dẫn tới khu phức hợp của ngôi đền, hai bên được trang trí bởi sáu pho tượng khổng lồ của Pharaon Ramesses 2. Ấn tượng nhất ở đền Luxor là hàng cột trụ khổng lồ được điêu khắc tinh xảo với hình tượng thân cây Papyrus. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, về tổng thể đền Luxor hiện nay là sự kết hợp tôn giáo kì lạ của Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.

Quần thể đền Karnak và Đền Luxor - những kiệt tác của thời kỳ phồn thịnh của đất nước Ai Cập cổ đại – được nối liền bằng Đại lộ Nhân sư dài khoảng 3km, với hai hàng chục tượng nhân sư hai bên. Đại lộ được khai quật lại vì nằm sâu khoảng 2m dưới mặt bằng chung của thành phố. Phía sau một số tượng nhân sư là tấm hình chụp khoảnh khắc phát hiện ra bức tượng đó trong quá trình khai quật con đường này. Du khách không khỏi dâng trào cảm xúc khi đi trên những phiến đá hàng ngàn năm tuổi từng chứng kiến bao nhiêu vị pharaon qua lại trên đường này.

***

Bờ tây Luxor có đền Hatshepsut. Bà là nữ Pharaon đầu tiên của nền văn minh Ai Cập và trị trì lâu nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Hatshepsut là một trong những người tiến hành nhiều công trình xây dựng nhất thời Ai Cập cổ đại. Ngôi đền có ba tầng, dựa vào núi và nhìn ra một không gian rộng lớn trên đường vào Thung lũng các vị Vua. Đền Hatshepsut mang đậm kiến trúc La Mã bởi tính chất đối xứng hoàn hảo, hoàn toàn khác so với các ngôi đền khác ở Ai Cập. Ở sảnh chính là hàng tượng nữ hoàng Hatshepsut trong trang phục của một Pharaon quyền lực với hai tay bắt chéo cầm quyền trượng và chìa khóa sự sống, đầu đội vương miện.

Thung lũng các vị vua và hoàng hậu là khu nghĩa địa hoàng gia với hơn 60 ngôi mộ của các Pharaon từ thế kỷ 16 đến 11 TCN, nơi chôn cất những người quyền lực trong triều đại mới (New Kingdom trong lịch sử Ai Cập cổ đại). Những ngôi mộ đều được đục sâu vào dãy núi đá vôi, sâu xuống lòng đất vài chục mét. Lối vào hầm mộ nhỏ tạo thành một hàng lang dài ngày càng dốc xuống. Bên trong hầm mộ được trang trí bằng những bức bích họa sống động mà màu sắc vẫn còn tươi mới sau vài ngàn năm như hình các vị thần, pharaon, kí tự cổ, các truyền thuyết liên quan đến cái chết và sự hồi sinh… Phần lớn hầm mộ pharaon được khai quật và trùng tu cấu trúc hầm mộ và những bức tranh màu trên vách suốt con đường dẫn vào ngôi mộ.

Thung lũng của các Nữ hoàng nằm ở phía tây nam của Thung lũng các vị vua, nơi có những ngôi mộ của vợ và con Pharaon. Nơi này chủ yếu là lăng mộ từ vương triều thứ 19, trong số 80 ngôi mộ thì nổi tiếng nhất là lăng mộ của nữ hoàng Nefertari. Trên đường đến thung lũng các vị vua đi qua tượng Memnon sừng sững tại khu vực khảo cổ học ngôi đền Amenhotep rộng hàng ngàn mét vuông. Đây là hai bức tượng khổng lồ đại diện cho Pharaon Amenhotep III, trị vì đế chế Ai Cập trong triều đại 18. Tượng có niên đại gần 3400 năm tuổi, cao khoảng 18m. Hai pho tượng đá ở tư thế ngồi, tay đặt lên đầu gối, gương mặt hướng về phía sông Nile. Sau khi ngôi đền bị phá hủy chỉ còn lại hai pho tượng khổng lồ tồn tại đến ngày nay nhưng cũng đã bị hư hỏng ít nhiều.

Ở Ai Cập số lượng và quy mô của di sản văn hóa quá lớn, vì vậy việc bảo vệ, bảo quản di tích chưa được đồng đều. Nhìn chung các “đô thị di sản” như Luxor đều được trùng tu và bảo quản tốt. Tuy nhiên cũng có nơi để mặc cho những du khách thiếu ý thức sờ vào các hình vẽ từ ngàn năm trước trên vách hầm mộ, trên các bức tường, cột đá… mà không có vách kính ngăn chặn. Nhiều du khách chụp hình có đèn flat trong hầm mộ dù không được phép, có người còn đứng lên các hiện vật đá để “check in”… mà không ai nhắc nhở cũng như không có phương tiện cảnh báo. Những khu đền thờ lớn hầu như không có bảng chú thích ở từng khu vực hay tại hiện vật quan trọng, ngoài một bảng giới thiệu vắn tắt phía ngoài. Mỗi di tích đều có hàng ngàn, thậm chí chục ngàn lượt khách mỗi ngày, nhưng có nơi tổ chức đón khách chưa khoa học gây nên sự bất tiện cho du khách phải chen lấn để vào di tích rồi chen chúc trong đền thờ, làm mất đi khá nhiều hứng thú và hiệu quả của việc tham quan. Dù là những công trình bằng đá rất vĩ đại đã tồn tại hàng ngàn năm, nhưng với hàng triệu lượt du khách mỗi năm mà bảo vệ không đúng cách và cẩn thận thì di tích sẽ bị xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng, nhất là trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

***

Ngày nay, phần lớn các “đô thị lịch sử” (historic city) – nơi chứa đựng hệ thống/quần thể di tích lịch sử văn hóa và có thể có khu định cư lịch sử (historical settlement) thường được coi là những “đô thị di sản” (heritage city). Ngoài quẩn thể di tích đã trở thành Di sản thế giới, việc quy hoạch các khu định cư mới và đời sống con người hiện hữu thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tính chất di sản của đô thị. Vì vậy, ngoài việc bảo tồn, trùng tu di sản ( gồm yếu tố nhân tạo như công trình kiến trúc, không gian đường phố, quảng trường…) còn bao gồm việc bảo tồn cảnh quan, môi trường thiên nhiên. Đặc biệt là cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư gắn bó một cách mật thiết với những di sản văn hóa. “Đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy”. Theo định nghĩa này, đô thị di sản khác hoàn toàn với đô thị có/sở hữu di sản bởi nó nhấn mạnh tính chỉnh thể của đô thị, trong đó yếu tố vật thể và phi vật thể nằm trong mối quan hệ không thể tách rời[1].

Ngày nay các đô thị di sản ở Ai Cập đều là các thành phố du lịch sầm uất và phát triển. Du khách đến di tích tham quan còn có thể mua rất nhiều đồ lưu niệm thể hiện văn hóa Ai Cập cổ đại, làm từ đá vôi, giấy papyrus, khăn, quần áo từ vải lụa đồ thêu với màu sắc, hoa văn lấy từ những hình vẽ và kiểu chữ tượng hình rất đặc trưng trong các hầm mộ. Không chỉ thế, du khách còn có thể đi du thuyền trên sông Nile ngắm hoàng hôn thành phố, bay trên khinh khí cầu ngắm bình minh toàn cảnh quần thể di tích, đi xe ngựa tham quan từ khu phố cổ đến khu phố hiện đại, mua sắm trong chợ truyền thống đầy màu sắc hay trung tâm thương mại, cửa hàng sang trọng… Và nếu trùng các dịp lễ hội, du khách sẽ không ngần ngại mà hòa mình với cộng đồng trong không khí náo nhiệt mà linh thiêng tại những đền đài cổ xưa.

Dù còn một số hạn chế nhưng khi đến các đô thị di sản ở Ai Cập như Cairo, Aswan, Alexandria hay Luxor, tôi đều dược chiêm ngưỡng quần thể các công trình thể hiện sự hùng mạnh và huy hoàng của Ai Cập cổ đại hiên đang được người dân bảo vệ và tôn trọng. Hàng ngàn năm đã trôi qua, bao nhiêu thế hệ dân cư đã sinh sống ở đây và góp phần gìn giữ đền đài lăng mộ, và như một quy luật, cuộc sống hiện tại tiếp tục ngay bên cạnh, bên trên di tích lịch sử, không loại trừ nhau mà cùng nhau tồn tại và phát triển. Cuộc sống của “đô thị di sản” luôn tiếp diễn sôi động vì di sản đang sống cùng cộng đồng. Chỉ như vậy di sản văn hóa mới có giá trị và ý nghĩa trọn vẹn!

 

Đền pharaon Hatshepsut


đại lộ Nhân sư và đền Karnak


 Khu khai quật KCH trở thành bảo tàng ngoài trời


 tượng pharano Ramset 2 đền Karnak



Sài Gòn 15.4.2023


[1] Không dễ để trở thành đô thị di sản. Tạp chí Người đô thị online, ngày 5.1.2022

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...