Nguyễn Thị Hậu
Chỉ một ngày sau khi đến thủ đô Cairo, tôi được đến thăm quan Bảo
tàng cổ vật Ai Cập (Museum of
Egyptian Antiquities, còn được gọi là Bảo tàng Ai Cập) tọa lạc trên Quảng trường Tahrir. Trước
đó, từ năm 1835 chính phủ Ai Cập đã cho thành lập bảo tàng ở thủ đô Cairo.
Sau nhiều lần di chuyển, năm 1902 những
bộ sưu tập cổ vật quý giá của nền văn minh Ai Cập cổ đại đã được chuyển đến bảo
tàng hiện nay. Đấy là một tòa nhà rất lớn theo kiến trúc Tân cổ điển, cấu trúc
hình vuông, một trệt một lầu, bên ngoài có không gian lớn gồm sân, vườn và khu
dịch vụ như quán cà phê, cửa hàng bán đồ lưu niệm…
Sau một thời gian dài xếp hàng
chúng tôi mới bước vào bảo tàng. Sảnh chính rất rộng, trần cao với hàng cột lớn
tạo ra hành lang rộng rãi. Cấu trúc này làm cho bảo tàng thông thoáng và có ánh
sáng tự nhiên, dù bên ngoài nắng gay gắt bên trong đông người thì không khí vẫn
mát mẻ. Hành lang lớn bao quanh các phòng trưng bày, từ sảnh chính có thể nhìn
thấy bốn phía với hơn 100 phòng trưng bày và vô số khu vực trưng bày ở sảnh và
các hành lang. Bảo tàng trưng bày các hiện vật có niên đại từ thời tiền sử đến
thời kỳ La Mã, phần lớn là bộ sưu tập của thời kỳ các Pharaon. Ước tính có khoảng
160.000 hiện vật được trưng bày theo nhiều chủ đề, chưa kể hàng ngàn hiện vật gồm
những quan tài gỗ, đồ gốm, đồ đá, kim loại… để trong những tủ, kệ dọc các hành
lang suốt hai tầng lầu của Bảo tàng, như một dạng “kho mở”. Ngoài ra còn hệ thống
kho rất lớn lưu giữ và bảo quản hàng trăm ngàn hiện vật khác.
Tầng trệt đưa du khách tham quan
theo trình tự thời gian qua các bộ sưu tập trong thời kỳ Tân Vương quốc, khoảng
từ năm 1500 đến 1000 trước Công nguyên. Đó là những cổ vật khổng lồ gồm tượng
các pharaong bằng đá, quan tài đá nhiều cái có hình chạm khắc chi tiết, những
chiếc “thuyền thiêng” bằng gỗ có hình vẽ màu còn rất đẹp. Đây là vật dụng tượng
trưng cho việc đưa linh hồn pharaon qua thế giới bên kia, đồng thời cũng là
phương tiện di chuyển vô cùng cần thiết của người Ai Cập cổ đại vì đường giao
thông chính là sông Nile.
Ở tầng trệt còn có các bộ sưu tập
giấy papyrus và những bảng đất sét có khắc chữ hình nêm, chữ tượng hình. Nhiều
mảnh giấy papyrus đã bị mục nát vì đã trải qua hơn hai ngàn năm, nhiều bảng đất
sét bị vỡ được gắn chắp lại… Tuy nhiên vẫn có thể nhìn thấy chữ viết trên các hiện
vật này, bao gồm chữ Hy Lạp, chữ Latin, chữ Ả Rập và chữ Ai Cập cổ đại. Các bộ
sưu tập tiền xu được làm từ vàng, bạc và đồng là những đồng tiền trong nhiều thời
kỳ khác nhau, không chỉ là của Ai Cập mà còn của Hy Lạp, La Mã và thời kỳ Hồi
giáo. Hiện vật chữ viết và tiền tệ cung cấp cho các nhà nghiên cứu rất nhiều
thông tin về văn hóa và lịch sử - nhất là về thương mại, một ngành kinh tế thịnh
đạt của Ai Cập cổ đại.
Giữa sảnh là cầu thang chính rộng
rãi dẫn lên tầng trên của bảo tàng. Tại đây trưng bày theo nhóm lăng mộ. Các
phòng trưng bày gồm có: kho báu của pharaon Tutankhamun và những mô hình cuộc sống
hàng ngày bằng gỗ, các tượng thần, linh vật và một nhóm chân dung Faiyum quý hiếm. Đó là những chân dung xác ướp
vẽ theo trường phái tự nhiên trên các tấm gỗ gắn trên các xác ướp thuộc tầng lớp
thượng lưu từ thời Ai Cập, La Mã, phần lớn được tìm thấy trong nghĩa địa
Faiyum. Đặc biệt hấp dẫn là sưu tập cổ vật từ hai vương triều cuối cùng của Ai
Cập, bao gồm di vật từ lăng mộ của các pharaon: Thutmosis III, Thutmosis IV,
Amenophis II, Hatshepsut, triều thần Maiherpri. Rất nhiều cổ vật từ Thung lũng
các vị vua, trong đó có các tài liệu tìm thấy trong cuộc khai quật ngôi mộ
nguyên vẹn của hai pharaon Tutankhamun và Psusennes I.
Trước đây, trong bảo tàng lưu giữ
và trưng bày nhiều xác ướp hoàng gia thời Tân Vương quốc cùng rất nhiều đồ tùy
táng bằng vàng và đá quý. Từ năm 2021 Ai Cập đã tổ chức lễ diễu hành đưa
các xác ướp hoàng gia từ Bảo tàng Ai Cập đến Bảo tàng Văn minh Quốc gia Ai Cập
(Đại Bảo tàng Ai Cập) mới được xây dựng gần khu vực Kim tự tháp Giza. Tuy nhiên
nhiều quan tài bằng gỗ quý và bằng vàng, nhiều đồ tùy táng quý giá vẫn đang trưng
bày tại bảo tàng này. Theo quy định của bảo tàng, du khách đến tham quan hai
căn phòng này không được quay phim hay chụp hình. Đây là nơi đông khách tham
quan nhất, dòng người lần lượt đi một vòng quanh phòng trưng bày, không được dừng
lại để ngắm nhìn lâu hơn các cổ vật độc nhất vô nhị.
Trong bảo tàng còn trưng bày nhiều
tượng đá, tượng gỗ quý các vị thần và linh vật của Ai Cập cổ đại, rất nhiều hiện
vật khảo cổ học phản ánh cuộc sống thời tiền sử của nhiều nhóm cư dân dọc theo
sông Nile - “tặng vật của Thượng đế cho Ai Cập”. Tôi đặc biệt thú vị với những
cổ vật thời tiền sử, bởi nhận ra sự giống nhau của một số loại hình đồ gốm ở
đây với đồ gốm tiền sử ven biển phía Nam ĐNA. Sự “đồng quy văn hóa” thể hiện nhận
thức và ứng xử của các nhóm cư dân cùng sống trong môi trường sông và biển, dù niên đại chênh
nhau hơn hai ngàn năm.
Trong khu vườn rộng lớn bao quanh
tòa nhà bảo tàng có Đài Tưởng niệm các nhà Ai Cập học nổi tiếng thế giới thuộc
nhiều quốc gia qua các thời kỳ lịch sử.
***
Để có thể tham quan hết các phòng và
khu vực trưng bày cổ vật tại Bảo tàng Ai Cập cần thời gian tối thiểu là… một tuần.
Tất nhiên không đoàn du khách nào có đủ thời gian, vì vậy du khách thường tập
trung tham quan các sưu tập quan trọng như đồ vàng ngọc quý giá hay check-in tại
các tượng pharaon khổng lồ còn nguyên vẹn. Phần lớn các sưu tập hiện vật khác
du khách chỉ có thể xem lướt hoặc bỏ qua. Dễ nhận thấy tình trạng nhiều hiện vật
đang trưng bày không được chăm chút về vệ sinh cũng như bảo quản. Nhất là hệ thống
hiện vật để trong các tủ, kệ dọc các hành lang khá nhiều bụi, xô lệch cho du
khách đụng chạm vào tủ khi đông người di chuyển… Rất nhiều hiện vật không có
chú thích, hoặc chú thích được để ở một chỗ khá xa và khuất. Vì vậy làm giảm sự
chú ý và tìm hiểu của du khách về hiện vật.
Có lẽ do khối lượng hiện vật đang
lưu giữ tại bảo tàng quá lớn, hiện nay từ các cuộc khai quật trên khắp đất nước
lại tiếp tục đưa về bảo tàng thêm nhiều hiện vật nữa… Tình trạng này vượt quá quy
mô, điều kiện bảo quản và trưng bày của một bảo tàng được xây dựng từ đầu thế kỷ
20. Trong “cuộc cách mạng 2011” khá nhiều hiện vật tại bảo tàng này và nhiều bảo
tàng khác đã bị xâm hại, mất mát và hư hỏng. Đây là hai nguyên nhân quan trọng thúc
đẩy việc xây dựng một bảo tàng mới và hiện đại với quy mô lớn hơn bảo tàng này
nhiều lần: Đại Bảo tàng xây dựng vào năm 2005 và được đánh giá là bảo tàng khảo
cổ học lớn nhất trên thế giới. Năm 2021 đã mở cửa từng phần trưng bày tuy vẫn
đang hoàn thiện và chưa chính thức khánh thành.
Không chỉ quan tâm đến các bảo tàng
lớn, Ai Cập còn xây dựng nhiều bảo tàng quy mô nhỏ trưng bày những hiện vật đặc
trưng, tiêu biểu của nền văn minh Ai Cập. Tháng 5 năm 2021 Ai Cập khánh thành
hai bảo tàng mới tại sân bay quốc tế Cairo nhằm thu hút du khách. Hai bảo tàng
mới tọa lạc ở nhà ga số 2 và số 3 trưng bày hơn 360 hiện vật chủ yếu thuộc thời
cổ đại và một số thuộc thời hiện đại. Với quy mô và vị trí như vậy, rất nhiều
du khách quá cảnh tại sân bay Cairo có thể tham quan hai bảo tàng, góp phần
tăng thêm nguồn thu và quan trọng hơn là “phủ rộng” sự quảng bá về lịch sử -
văn hóa Ai Cập. Đây là một hướng phát triển bảo tàng mà Ai Cập đang thực hiện.
Nhà nước Ai Cập đã xác định rõ, di
sản văn hóa là một nguồn lực kinh tế quan trọng. Cả nước có trên 2000 di tích
và địa điểm khảo cổ học quan trọng (là di sản thế giới và quốc gia), hơn 40 bảo
tàng nhiều loại hình ở khắp các địa phương, nhiều nhất là tại các “di sản đô thị”
quan trọng như Cairo, Alexandria, Aswan, Luxor… “Di sản văn hóa là sản phẩm có
lợi thế cạnh tranh hấp dẫn nhất trong tất cả các sản phẩm mà Ai Cập có thể cung
cấp trên toàn cầu”. Đó là quan điểm của Bộ Du lịch và Di sản được người hướng dẫn – một thanh niên Ai Cập
vô cùng yêu nghề và say mê lịch sử - văn hóa luôn nhắc lại trong suốt công tác
của chúng tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét