Vụn vặt đời thường (8)

Lính dặn: mai chị nhớ qua văn phòng cúng tháng Bảy nha. Hỏi vui: rồi có mời cô hồn không? - Có chứ, mời đầy đủ cô hồn chính thức cô hồn dự khuyết cô hồn mở rộng, tân cô hồn, cựu cô hồn... cả cô hồn đã được quy hoạch nữa... :)

@Trừ đau bụng mọi nỗi đau khác đều là tưởng tượng. Nhưng ai không hình dung được những nỗi đau ấy thì không phải là người tử tế.
hic, phải công nhận là đúng :(

@QUYỀN HẠN - tức là cái quyền nào cũng có giới hạn các bác ạ :)


@ Hồi mình học năm thứ 2 (1977) có một anh chàng theo đuổi mình sát sàn sạt. Chàng đi làm rồi, có xe máy, nhà riêng, quần áo bảnh bao. Mỗi lần chàng đến nhà mình chơi, nói chuyện toàn khoe về nhà, xe gì đấy, mình chả để ý. Một lần chàng đang huyên thuyên về nhà về xe… bỗng ba mình hỏi "cháu đang làm gì, ở đâu?" - "dạ, báo cáo bác cháu là phân cục phó phân cục đường sông phía Nam ạ" - Cha, lều bều dữ há! Ba mình cười cười nói vậy.
Haha, từ đó chàng biến mất tăm. Cám ơn ông già quá, chứ ko thì mình chẳng biết làm cách nào thoát khỏi chàng 
Sau này có đứa "chê" mình hồi đó chỉ biết yêu người làm thơ viết văn mà ko chọn đại gia, ngu thế cơ chứ :)

@ Một nguyên tắc chơi FB của mình: FB là không gian ngoài công việc và gia đình riêng, mình sống cho mình. Nếu mình ít nói chi ly cụ thể về công việc và gia đình thì vì mình ko muốn, ko thích và thấy ko cần thiết chứ không phải “sợ” hay làm sao cả, nhá! Cứ thoải mái vào chơi FB của mình nhưng từ đó ĐỪNG có đặt chuyện và mang những câu hỏi tào lao đi hỏi người này người khác. Nếu cần hãy hỏi thẳng mình, OK?

@ Có người đến méc với má mình (bà năm nay 89 tuổi) là: Tại sao cô Hậu đi Mỹ về viết bài khen nước Mỹ và chê VN. Dù cô ấy viết rất khéo nhưng như thế là không nên". Má mình nói: "tôi già rồi mắt kém không xem không đọc gì cả. Nó lớn rồi cũng sắp về hưu, làm gì là chuyện của nó. Mà nước Mỹ không có gì tốt sao nhiều ông lớn cho con qua đó học quá vậy?!"


Cà phê vỉa hè Sài Gòn



Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng tuỳ bút Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới.  Nhiều lần lang thang quán xá tôi chợt nghĩ có thể dùng lối ví von như thế để nói về cà phê ở Sài Gòn. Này nhé: Sài Gòn có muôn vàn quán xá khác nhau, quán nào cũng đẹp, quán nào cũng mát… nhưng thân thuộc nhất vẫn là quán cà phê. Cà phê vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê nhạc, cà phê sách, cà phê sân vườn, cà phê salon văn hoá… Đâu đâu ta cũng có quán cà phê làm bạn. Quá được, phải không?

Nói đến cà phê Sài Gòn đầu tiên phải nói đến cà phê vỉa hè vì nó có mặt khắp nơi, từ người bình dân đến công chức, từ già đến trẻ hay sồn sồn trung niên, từ đàn ông đến đàn bà… đều có thể tạt vô mua một ly mang đi, hoặc kéo ghế nhựa ngồi uống một mình hay trò chuyện chốc lát cùng bạn bè, có thể sáng ghé rồi trưa lại ghé, có thể chiều đi làm về cũng ghé, ngồi lề đường nghe ngọn gió trên cao lùa về mát rượi, thấy lòng thanh thản sau một ngày vất vả mưu sinh.

Bất cứ quán “Cà phê vỉa hè” nào cũng có “không gian địa lý” là vỉa hè một con đường nào đó, dưới tán cây cao hay cạnh bức tường loang lổ vôi bạc màu, hay sát lề con hẻm nhỏ xe cộ ra vô thường xuyên… Cà phê vỉa hè ở gần công sở, cửa tiệm, khu dân cư, trường học, có khi ở ngay những con hẻm toàn biệt thự sang trọng… vậy nên “không gian xã hội” của mỗi quán là dân văn phòng, công chức, có quán chủ yếu là sinh viên học sinh, có quán chỉ bán cho bà con trong hẻm, quán lại phục vụ khách qua đường là chính… Nhưng mọi quán đều giống nhau: thức uống chính là cà phê, dĩ nhiên, cà phê “vợt”, cà phê phin đen như than, cà phê sữa nâu sẫm, và cà phê nào cũng rất đắng! Vài chai nước ngọt, sữa đậu nành, có khi có thêm vài trái cam hũ chanh muối… rồi tủ thuốc lá với mấy cây kẹo Singgum. Dù là khách quen hay lạ thì chủ quán cũng đón tiếp vui vẻ, chiều theo sở thích, có quán còn khuyến mãi ly trà đá… Bình dân và bình đẳng là cà phê vỉa hè. 

Ở cà phê vỉa hè có thể bắt gặp ai đó yên lặng một mình, mở laptop xài ké Wifi của công sở gần bên, hay nhóm đông bạn bè “tám” chuyện trên trời dưới đất chuyện quốc nội quốc ngoại…; có những người đến đó gặp nhau bàn công chuyện, uống ực cái hết ly cà phê thì chuyện cũng xong, lại lao ra đường đi làm ăn tiếp. Lại có khi nhìn thấy anh chị kia ngồi rù rì chốc lát rồi lên xe chở nhau đi đâu mất…  Ở cà phê vỉa hè giải trí có, làm ăn có, lãng mạn có, chuyện thế sự có, và chẳng làm gì, ngồi “giết thời gian” cũng có… Ở đó tràn đầy sự năng động nhưng cũng là những khoảng lặng đáng yêu của người Sài Gòn.


Bạn là một nhà thơ, nói: nhiều tác phẩm văn chương đã ra đời từ những quán cà phê vỉa hè Sài Gòn. Tôi chẳng phải dân văn thơ nhưng cũng đồng ý với bạn: cà phê vỉa hè Sài Gòn luôn mang lại cho người Sài Gòn những ý tưởng và sức sống mới. Hơn thế, nó làm cho ai một lần đến Sài Gòn, ngồi cà phê vỉa hè sẽ không quên ấn tượng về nó, bởi mỗi quán cà phê vỉa hè là một Sài Gòn thu nhỏ.

Sách bán tại HÀ NỘI nè :)





Những cuốn sách này của mình hiện có tại Nhà sách Phương Đông, số 10A9 Đầm trấu quận Hải bà Trưng- HÀ NỘI :)

QÚY BÀ MÙA THU



Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…
Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…
Vậy mà ở Hà Nội cũng vậy.

Buổi sáng, ngồi quán café vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt, mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Vậy mà chiều đến không khí lại oi nồng, rồi mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa giông ầm ầm, đường phố ngập nước. Chưa lần nào ra Hà Nội vào những ngày chớm thu mà thời tiết lại thất thường như thế, cứ như một quý bà “xinh đẹp và thành đạt” nhưng đã bắt đầu vào cái tuổi “tiền mãn ” gì gì ấy…

Nhưng mặc kệ cái khó chịu, cái khó chiều của quý bà Mùa thu, cốm vẫn thơm dịu dàng, càng dịu dàng hơn trong chiếc lá sen với lạt rơm vàng buộc hờ, trong chiếc thúng nhỏ trên đôi quang nhẹ nhàng sau chiếc lưng thon. Mặc kệ cái thất thường của quý bà Mùa Thu, hồng chín vẫn đỏ rực lên như thế, hồng ngâm vẫn xanh mướt như màu ngọc bích, vẫn giòn vẫn ngọt như thế. Và cúc vàng vẫn như nuối tiếc mùa hạ, thu hết cả nắng hè rực lên từng đóa, trong cái se se của mùa thu màu vàng bỗng da diết hơn… Và mỗi sáng trời như xanh hơn, không của riêng ai màu xanh đắm đuối ấy…

Mùa Thu Hà Nội luôn làm xao xuyến lòng người, nhiều hòai niệm, nhiều kỷ niệm, nhiều tâm trạng… dành cho quý bà, dù có người chưa từng gặp. Mặc nhiên là thế, Hà Nội mùa thu…

Ô, nhưng sao tự nhiên cứ nghĩ đến bức tranh của danh họa Nga Kramxkôi “Chân dung người đàn bà xa lạ”, người đàn bà đẹp dịu dàng mà ánh mắt kiêu kỳ, lướt qua những gương mặt nhìn mình đầy ngưỡng mộ nhưng không hề đón nhận một ai.
Mùa thu Hà Nội… bạn có còn ở đó…?

(trong tập tản văn "Quay qua quay lại" - 2010)

Vụn vặt đời thường (7) - nhân việc của NS NA9 và ĐVH

@ Mình không hề thích (giọng hát, phong cách...) của ĐVH, nhưng thấy nhiều người nhân bài phỏng vấn bác nhạc sĩ NA9 lại hùa theo chê bai ĐVH như để "đập cho chết hẳn" thì mình thấy chả hay ho gì! Văn hoá - kể cả đọc, nghe, nhìn, đơn giản là sự khác biệt nhau chứ không phải là sự hơn kém. Có cái dành cho số ít có cái dành cho số đông. Dành cho số đông hay số ít thì cứ làm được, làm tốt vai trò của mình, còn hơn cứ đi mà chê bai lẫn nhau.Có thể nào lấy chuẩn của số ít để cho rằng sở thích của số đông là văn hoá thấp lùn, và ngược lại?!

@ NS NA9 nói nhiều điều đúng. Nhưng mình cực ghét mấy người *ăn theo nói leo* *thừa gió bẻ măng*. Muốn chê bai ĐVH hay những *ngôi sao* khác thì cứ chê, việc gì phải mượn oai hùm nhát thỏ? Nhạc *nghệ thuật* hay nhạc *thị trường* đều cần, bởi vì ở đời nếu chỉ toàn người làm *nghệ thuật* thì... chỉ chết vì GATO nhau mà thôi, heheh :))

@ Nhạc "nghệ thuật" và nhạc "thị trường" khác biệt nhau là đương nhiên, khi so sánh hơn kém (như các giải thưởng chẳng hạn) là so sánh trong cùng một vài tiêu chí, (dù sự so sánh nào cũng là khập khiễng). Giải thưởng tác phẩm "nghệ thuật" thì so nó với các tác phẩm nghệ thuật khác, giải thưởng cho tác phẩm "giải trí" thì so nó với cùng loại. Cũng như chả ai đi so cái quần jeans với cái áo đầm dạ hội, dù có thể nó đắt tiền ngang nhau. Đơn giản vì mỗi loại có chức năng riêng.

@ Dân chủ là tự mỗi người ý thức được quyền và trách nhiệm của mình, và cũng ý thức được quyền và trách nhiệm của người khác. Chứ không thể nào trông chờ ai ban phát hay mang lại cho mình cái quyền ấy. Từ ý thức đến tự giác thực hành quyền và trách nhiệm, đấy chính là xây dựng xã hội dân sự.  Không có xã hội dân sự thì không thể có nền dân chủ thực sự.


@ Một nền dân chủ thực sự luôn tôn trọng những ý kiến cá nhân nhưng cũng luôn phải tôn trọng  và tuân thủ Pháp luật chung, chứ ko phải tuân thủ tâm lý Đám Đông.

@ Đọc câu trả lời của MT trên TT sáng nay, và những ý kiến tán thành, thấy Tư duy này giống tư duy cấp trên : chỉ muốn cấp dưới lễ độ và ngoan ngoãn nghe theo. Bởi vậy lãnh đạo là cha mẹ dân nên nếu dân ko nghe thì... dân sai chứ lãnh đạo ko bao giờ sai. Có thể MT khôn ngoan, nhưng luôn cho rằng con cháu ko được cãi lại người lớn thì đó là sự trì trệ, và sẽ làm cho con cháu trở thành giả dối!

Vụn vặt đời thường (6)

@ Đến thăm một người anh/bạn bịnh nặng. Thấy buồn. Vẫn biết trong cuộc sống, mọi cái rồi có lúc phải kết thúc. Điều quan trọng là kết thúc thế nào, nặng nề cay đắng hay nhẹ nhõm thanh thản… mà điều này mình nghĩ lại tùy thuộc vào chính chúng ta. Vậy nên, ai cũng phải đi đến đoạn cuối đời, và sẽ nhẹ nhàng chia tay nhau, dù tiếc nuối và rất buồn, nhưng không trách cứ…
Cũng như đã từng có cuộc chia tay như thế, với con người…

@ Này, cái tâm lý trông chờ ỷ lại vào một ông Bụt nào đó di truyền thật là dai dẳng. Và cũng vậy, hành xử "độc lập" duy nhất của Tấm khi ko có Bụt ban phép là giết mẹ con Cám một cách dã man... có lẽ cũng được di truyền bền vững cho đến bây giờ!

@ Casablanca
Đêm, mất ngủ. Mở "kho" hú hoạ chọn đại 1 phim. Xem lại phim này. Một chuyện tình trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Yêu là thật sự nghĩ đến người mình yêu và quên mình làm mọi điều vì người mình yêu. Hãy xứng đáng với tình yêu, tình yêu sẽ còn mãi khi chúng ta vì nhau chứ không chỉ vì bản thân mình. Nếu ngược lại thì may lắm trong mỗi người chỉ còn ký ức về tình yêu mà thôi…

@ Chiều qua ngồi ngó phố Hà Nội trong cơn mưa đầu thu tầm tã, bỗng nhớ đứa bạn đáo để đanh đá đang ở nơi xa… Này, có về nhanh không thì bảo? Hay là ta bắt chước nhà ngươi đi rải giày ở tất cả các cầu cống từ Hà Nội đến Sài Gòn xem có câu được chàng hoàng tử Ếch lào không? Chứ cứ ngồi một mình ngó mưa thế này, não lắm J

Hà Nội ngày chớm thu...


Bạn bảo: ra Hà Nội có gì vui kể cho bạn nghe với. Bạn còn hỏi: lần này ở đâu, Hà Nội cũ hay mới?
Hà Nội với tôi bao giờ cũng là Hà Nội của ngày xưa cũ, một Hà Nội dịu dàng sáng chớm gió heo may,
một Hà Nội nhẹ nhàng chiều những con đường lá rụng,
một Hà Nội của tuổi 17 ngày chia xa... 
một Hà Nội của tuổi thơ không bao giờ trở lại…
Có lẽ vì vậy mỗi lần trở về Hà Nội tôi thường chỉ loanh quanh những nơi quen thuộc. Đôi khi cũng có cảm giác quá quen thuộc, cần biết thêm cái gì đó mới mẻ hơn. Nhưng quán tính của ký ức vẫn đủ sức mạnh níu kéo bước chân... Vả lại, một Hà Nội mới cũng chẳng có gì khác nơi tôi đang sống. Vậy thì tại sao lại cần phải biết thêm điều không lạ đó?
Còn Hà Nội mở rộng ư? Với tôi, mãi mãi vẫn là Xứ Đoài với những kỷ niệm thời ấu thơ cô đơn... Mà thật ra, Hà Nội mở rộng còn cả một phần của Hòa Bình miền tây bắc nữa... Nơi ấy cũng có nhiều điều đáng nói...


Thế đấy, bạn có muốn về Hà Nội với tôi không...?





Với Trần Quang Đức, tác giả "Ngàn năm áo mũ"

Vụn vặt đời thường (5)

@ Đôi khi nhận thấy người mình yêu thương ko yêu thương mình như mình mong ước, nghĩ, ko phải người ta ko yêu mình mà người ta đang yêu mình theo cách của người ta.
Nhưng, yêu thương cách gì mà không làm cho trái tim người mình yêu thẩm nhận được tình yêu ấy, thì... tình yêu ấy chỉ là sự tự yêu mình...

@ Đười ươi. 
Hồi làm việc ở BTLS, có lần BT Hòa Bình mang bộ di cốt đười ươi Pongo vô trưng bày ở SG, sau vài tháng mình mang trả. Đi bằng máy bay, đóng thùng cẩn thận, giấy tờ đầy đủ. Ở sân bay khi qua cửa an ninh, cán bộ an ninh hết nhìn máy soi lại nhìn mình, rồi lại nhìn máy soi, rồi lại hỏi”pongo là con gì hả chị?” rồi lại băn khoăn nhìn mỉnh… Sốt ruột vì sắp trễ giờ bay, mình nhã nhặn nói: thưa anh, Pongo là con ở trong thùng chứ ko phải là tôi đâu ạ! Thế là ảnh cười toe, nói “thôi đi đi, cái bà di cốt này” 

@ Lượn FB like dạo, lâu lâu buồn một chút cho zui :

@ Mỗi lần tắm cho mấy con Cún nhà mình là phải tháo mấy cái vòng cổ. Trong khi chờ cho lông khô, không có vòng cổ nhìn cứ như chúng đang khoả thân ấy :)

@ Đêm chợt tỉnh giấc, thấy FB có tin nhắn cùng một đường link: tìm thấy FB của bạn từ Google. Nếu H. sống ở P. mình sẽ xây tặng bạn một "ngôi nhà có hàng rào sơn trắng", không cần phải đợi đến kiếp sau!”. 
Cám ơn người bạn không quen thật nhiều, không phải vì ngôi nhà trong mơ mà bạn nói đến, mà vì bạn đã đọc và đã chia sẻ giấc mơ cùng mình…
Hihi, bạn làm mình muốn viết tiếp về “Biệt thự kín cổng cao tường”…

Tiễn biệt một người Bạn :(


 TS Phạm Quang Sơn, người Anh, người đồng nghiệp thân thiết của tôi mới mất. Tiễn biệt Anh… không biết nói gì hơn, post lại note cũ, nhớ một sinh nhật Anh năm nào…
Một lúc nào đó gặp lại, anh em mình sẽ vẫn vui như xưa, anh Sơn nhé…


 ĐỒNG NGHIỆP (1)

Mấy bữa trước bạn nhắn: chiều nay 6g đến 14 TĐ nhé, có mấy anh X,Y,Z… nữa đấy. Sau giờ lên lớp nhận tin ấy, bèn nhắn lại OK mà không cần hỏi lý do của cuộc tụ họp này… Quá giờ một chút, đến nơi đã thấy bạn ngồi cùng vài người bạn khác. Lúc ấy mới hỏi: hôm nay có gì mà trịnh trọng thế ạ? Uh, hôm nay sinh nhật anh 60 tuổi! Ôi, xin chúc mừng anh, một trong những người đồng nghiệp rất đáng quý của HKC tui!

Đến đây cần phải thanh minh ngay, không phải “hỗn hào” mà gọi người vừa tròn một hoa giáp, hơn mình nhiều tuổi là bạn, mà vì anh và các anh có mặt hôm ấy là những người bạn vong niên của HKC tui, đã cùng nhau lang thang dọc đường gió bụi có đến gần 30 năm! Từ ngày ra trường tới nay tui vẫn làm cái nghề mà người trong ngành, hầu hết là nam giới, thường tự hào hát rằng: “số em là số đào hoa, số anh đào mả, đôi ta cùng đào”. Các đợt đi khai quật thường chỉ có một mình là nữ, nhưng tui biết thân biết phận nên không dám trông chờ sự chiều chuộng của mấy anh đồng nghiệp! Không phải vì các anh không biết galant, mà vì… chả còn hơi sức đâu để galant sau một ngày mệt rã người đào bới ngoài nắng dưới mưa! Vả lại tui cũng không thể “nữ tính yếu đuối” làm mọi người phát sốt ruột, vì sợ bị… từ chối lần sau không cho đi khảo cổ nữa (mà có muốn lắm thì tui cũng không sao yểu điệu dịu dàng được, huhu…).

Nhưng bù lại đợt công tác nào cũng có kỷ niệm vui vì những câu tếu táo những chuyện tiếu lâm mặn nhạt đủ cả, những việc bất ngờ làm mình nhận ra nét đáng yêu ở bạn bè, vì sự gắn bó nhường nhịn nhau trong công việc. Nghề KC của tui có tính đồng đội cao vì mỗi cuộc khai quật, mỗi kết quả nghiên cứu là công sức của nhiều người với những chuyên môn khác nhau. Công việc thì nặng nhọc vất vả thế, nếu không vui vẻ tử tế với nhau thì làm sao làm việc tốt được?!

Sau mỗi đợt khai quật trở về tui hay được mấy anh đồng nghiệp khen: con bé này tiến bộ hơn rồi, đã biết cười khi nghe bọn mình nói chuyện!!! mà giời ạ, toàn chuyện mà có lúc tôi phải năn nỉ ỉ ôi hay gào lên thảm thiết rằng các anh ơi còn có một phụ nữ là iem ở đây! Thế mà vẫn còn bị “hỏi đểu” ơ thế em là phụ nữ à??? Về sau tui đây đek thèm để ý (ra mặt) nữa, giả vờ lờ đi nhưng vẫn để lọt tai tất cả… và có lúc còn nói xỏ nói xiên mấy ông anh đáng kính nữa cơ, hehehe…

(ví dụ nhé: lên Cát Tiên khi đang khai quật, nhân việc phát hiện cái Linga lớn nhất ĐNA, HKC tui thành thật chia sẻ với các đồng nghiệp nam: vô cùng thông cảm với sự mặc cảm nặng nề của qúy vị!!!)

Những người đồng nghiệp của tui rất đáng mến nên đâu cần nhiều lời giải thích khi gọi họ bằng BẠN, phải không?

Bữa nhậu mừng anh bạn vừa tròn hoa giáp thật là vui. Chỉ có mấy anh em đã từng “sinh tử” với nhau thôi, có anh đã về hưu, có anh giờ vẫn đương chức (khá to), người làm khảo cổ, người theo nghề dân tộc học, lại có anh là dân Hán Nôm… nhưng đều giống nhau là nhậu rất xịn và hát karaoke rất… dở! trong khi đó tui thì ngược lại, hehe. Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người vô sản mà nói, tui nhậu dở hơn mấy ảnh, nhưng hát/hét thì hay hơn, và chỉ là so với những người bạn này thôi nhé! Tui còn biết “phá mồi” giỏi hơn nữa (món khoái khẩu của tui là khoai tây chiên, dù luôn bị dọa ăn nhiều béo lắm đấy!). Có lần mấy ảnh đau lòng than thở, nhậu mà rủ con bé này hao bia hao mồi quá! Ai bảo, mồi nhậu toàn món ngon, không ăn bỏ uổng lắm!!!

Nhưng quan trọng là tui thường chuồn về đúng lúc, dù được giữ lại cũng từ chối với vẻ rất “vô tư”: thôi ạ, em về đây, ko có lát nữa cũng bị đuổi…
Hôm ấy tui không về sớm như mọi lần được! Những chai rượu mang đến mừng lần lượt uống cạn, đĩa khoai tây chiên - mồi nhậu cuối cùng cũng hết, các bao thuốc lá cũng không còn một điếu… mấy anh em vẫn ngồi với nhau, chuyện từ ngày xưa đến ngày nay…

Hồi đó… uh, bắt đầu bước vào tuổi mà hay nói “hồi đó”… Và thật tuyệt là những chuyện hồi đó bây giờ nhắc lại với nhau, không có chuyện nào làm chúng mình phải buồn lòng, phải không các anh?



HTV 7 - "CHÀO NGÀY MỚI" lúc 6g30 ngày 20/8 (thứ ba) :)


(từ phút thứ 14)






Vụn vặt đời thường (4)



@Đi đến đâu cũng thấy người dân nước nào cũng giống nhau, chỉ có quan là khác. Hồi trước mình nghĩ thế. Bây giờ lại thấy hình như dân cũng khác nhau. Dân nào quan nấy hay là ngược lại nhỉ ?

@Không có gì chữa cảm cúm hiệu nghiệm bằng đi họp: từ sáng đến giờ không dám hắt xì, đang họp ko dám nói nên ko bị đau họng :)

@ TIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA CÁC QUAN!

@Thế nào là người phụ nữ tòan diện? Đó là người phụ nữ sáng diện, trưa diện, chiều diện, tối diện, đến đi ngủ cũng diện để nằm mơ thấy mình đang diện để đi chơi :)

@Một lần đi cà phê với 1 ông bạn ở HN, ổng đang nói chuyện bác bác em em với mềnh, có cậu bé đánh giày đến chào: chị ơi đánh giày ko chị? Quay sang ổng nó đon đả mời: bố đánh giày đi bố, giày bố bẩn hết rồi kìa. Lão trợn mắt quát: sao mày lại gọi thế? chả hóa ra tao là bố của cô này à?! Thằng bé thấy lão râu rậm tóc dài quát hết cả hồn vỉá
Sau lần ấy hình như lão có cắt tóc cạo râu thì phải:)


@"Được làm vua thua làm giặc", làm giặc mà nghĩ mình đang là/ như vua, làm vua mà tâm thức và hành xử cũng giống như đám giặc. Cứ thế nên Vua - Giặc đổi chỗ cho nhau mấy hồi. Haizzz...

@Bên thắng cuộc, bên thua cuộc, bên bỏ cuộc, bên vào cuộc, bên đương cuộc, bên trong cuộc, bên ngoài cuộc, bên tàn cuộc, bên phá cuộc... vấn đề là CUỘC GÌ thôi ạ :D

Ai biết chỉ giùm ạ! GẤP!

http://khaoco-top.blogspot.com/

Đây là một trang mà toàn bộ bài trong này là từ blogspot.com.haukhaoco. Không biết trang này của ai và để làm gì? Ai biết xin chỉ giùm/ giải thích cho khổ chủ Hậu Khảo cổ tui với! Xin cám ơn nhiều!

Nếu do ai đó lập ra thì tui cũng xin nói rõ: tui không chiụ trách nhiệm về nội dung của trang trên.

huhu :(

Copyright © 2012 by Khảo Cổ.All Rights Reserved.


Đây là một trang mà toàn bộ là

KHẮC NHẬP KHẮC XUẤT


Câu “thần chú” này xuất phát từ truyện/ chuyện cổ Cây tre trăm đốt. Đại khái phú ông kia hứa gả con gái cho một anh nông dân hiền lành chăm chỉ làm anh ta ra sức cày cấy làm giàu cho bố vợ tương lai. Nhưng phú ông lại lật lọng đem con gái gả cho người khác. Vào ngày cưới còn bảo anh nông dân đi vào rừng tìm được cây tre có đủ trăm đốt về làm đũa dùng trong đám cưới thì sẽ gả con gái cho. Thế mà anh chàng cũng tin như thế, vào rừng tìm mãi không thấy cây tre nào đủ trăm đốt, ngồi khóc huhu.
 Bụt hiện lên hỏi cớ sự làm sao, rồi bảo anh ta chặt mấy cây tre và hóa phép cho các đốt tre liền nhau thành cây tre đủ trăm đốt. Nhưng cây tre dài quá không vác về được, chàng ta lại khóc, Bụt bèn dạy câu thần chú “khắc nhập khắc xuất”. Anh nông dân về đến nhà phú ông thì đám cưới đã tàn lại còn bị mọi người xúm lại chê cười. Chàng bèn đọc câu “khắc nhập” thế là cả vợ chồng phú ông lẫn khách khứa dính chặt vào cây tre. Cả bọn van xin mãi, cuối cùng phải cho anh ta cưới con gái phú ông thì anh ta mới đọc tiếp “khắc xuất” giải thoát cho mọi người. Sau đó có còn nhập xuất gì nữa hay không thì truyện/ chuyện không nói đến.
Tích chuyện này thật ra không hề cổ xưa chút nào, bởi cái kiểu (tư duy và ứng xử) nhập / xuất / xuất / nhập đến giờ vẫn rất phổ biến.

Bắt đầu từ những lý do có vẻ hợp lý như “nhiều người nên phải có một cây tre trăm đốt thì mới đủ làm đũa ăn” đã làm cho anh nông dân phải đi vào rừng tìm. Tre là loại cây rất quen thuộc, phổ biến ở làng quê, ai mà không biết “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp cây nào cũng quý. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nưá. Tre Đồng Nai nứa Việt Bắc, Tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi... đâu đâu cũng có tre nứa làm bạn... Tre nứa trúc mai vầu mấy chục loại khác nhau nhưng đều chung một mầm non măng mọc thẳng” vậy sao anh nông dân dễ bị lừa thế nhỉ? Cây tre trăm đốt đã là hoang đường, thế mà vẫn đi tìm, không biết anh chàng này ngây thơ quá hóa khờ chăng? Hay vì anh còn mải mơ đến cô con gái phú ông nên cố đấm để được ăn xôi?

Và cũng như chuyện (cổ) khác, khi thất bại anh ta lại khóc (hệt như cô Tấm – mà sao các nhân vật chính trong truyện cổ của ta cứ hay khóc lóc vậy không biết?!) để cho Bụt thương tình mà hiện lên giúp cho. Cứ tưởng sau khi Bụt hô “biến” sẽ mọc ra được cây tre trăm đốt có đủ gốc ngọn, hóa ra Bụt cũng chỉ có tài lắp ghép, vá víu nhiều cái nhỏ thành ra một cái lớn cho hoành tráng, một kiểu khôn vặt, cải tiến chứ Bụt cũng không thông minh đến độ có thể sáng tạo ra cái mới.

Anh nông dân có cây tre (được ghép từ) trăm đốt rồi cũng chẳng biết sử dụng thế nào. Nhập xuất gì cũng trông chờ vào Bụt. Thậm chí nhập rồi không xuất được cũng lại ngồi khóc huhu. Thế nhưng may mắn nhờ cái bí quyết “nhập xuất” ấy mà anh ta đạt được mục đích, và cái kết có hậu đã mang lại cho mọi người khi đọc/ xem truyện/ chuyện này sự thỏa mãn (dễ dãi) dù cách “trả thù” kể ra cũng hơi nhỏ mọn và... buồn cười.

Nhưng ít người nhận ra rằng, trong truyện này nhập xuất gì thì cuối cùng thì vẫn phải “xuất” thậm chí phải “khắc xuất”. Chắc chắn sau khi mọi người được “giải phóng” khỏi cây tre thì các đốt tre cũng phải rời ra... Tiền đề vô lý nên kết quả cuối cùng vẫn phải trở về sự hợp lý của cuộc sống.Ví dụ như sau năm 1975 có một thời gian dài các tỉnh nước ta cứ bị “nhập” vào nhau loạn cả lên, rồi đến lúc cũng phải “xuất” ra, trở về như cũ. Cách đây năm năm, ngày Hà Tây nhập vào Hà Nội tôi cũng nghĩ chẳng mấy rồi sẽ “xuất”, chỉ là lâu hay mau mà thôi. Nhiều lần ra Hà Nội đi đến vùng Hà Tây cũ... tôi càng tin chắc thế.

Chỉ có một điều tôi không biết, là đến bao giờ thì sẽ không còn những phú ông chuyên dùng những cái lẽ rất vô lý để lừa gạt người hiền lành, bao giờ những người ngây thơ, có phần ỷ lạitrông chờ vào sự giúp đỡ từ tình thương, dễ bị lừa gạt vì tưởng mình có lợi... sẽ tỉnh táo hơn và biết mạnh mẽ chống lại sự vô lý chứ không chỉ biết đối phó với nó bằng cái khôn lanh vặt vãnh...?
Và đến bao giờ chúng ta mới biết đừng thỏa mãn (một cách) dễ dãi với những kết quả nhỏ mọn, nửa vời?!

Sài Gòn tháng 2.2013

Ngôi nhà có hàng rào sơn trắng

http://baotreonline.com/Van-hoc/Truyen-chon-loc/ngoi-nha-co-hang-rao-son-trang.html
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, tên thân quen trong giới văn nghệ Sài Gòn là “Hậu khảo cổ”, còn là một nhà văn viết rất đều tay. Bà vừa ra mắt cuốn sách 101 truyện 100 chữ. Sở trường của bà là thể loại truyện cực ngắn và tạp bút với những đề tài về xã hội VN đương đại. Bà có văn phong nhẹ nhàng, duyên dáng và trong sáng, với những ý tưởng tinh tế, ý nhị. Truyện dưới đây được viết từ cảm hứng của chuyến du hành sang Mỹ mới đây của bà.
alt




Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nho nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ và bên ngoài là hàng rào thưa sơn màu trắng.

Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn. Những ngôi nhà có hàng rào sơn trắng, với tôi, luôn mang lại cảm giác bình yên mà bất cứ gia đình nào cũng muốn có. Hàng rào thấp sơn trắng như một ranh giới mong manh, ở trong là những gì thân thuộc ấm áp, bên ngoài là xa lạ lạnh lùng… Hàng rào có cổng, cũng thấp thôi, hay khép hờ hoặc gài tạm, mỗi ngày được mở ra cho người nhà ra vào, đón tiễn những người khách. Cánh cổng chỉ như “cửa khẩu” tượng trưng, nhìn nó có thể cảm nhận được sự thân thiện hay không của ngôi nhà. Một ngày nào đó, cổng rào luôn đóng im ỉm “nội bất xuất ngoại bất nhập”, một ngày nào đó người trong nhà lại ra vào bằng cách vượt qua rào, đạp đổ rào, khách đến nhà cũng bằng cách ấy… Một ngày nào đó cánh cổng rào luôn mở toang, chểnh mảng, người ra vào thờ ơ không buồn khép lại… Có lẽ ngày ấy sự bình yên của ngôi nhà bắt đầu ra đi…

Có lần, trong giấc mơ tôi thấy mình đứng ngập ngừng bên cạnh cổng rào, không dám đẩy cổng dù nó chỉ được gài chốt sơ sài, cũng không dám bấm chuông, sợ rằng chính tiếng chuông sẽ làm mình chợt tỉnh… Hình như phía sau tấm rèm lay nhẹ kia có ánh mắt ai đó tò mò nhìn người khách lạ đứng tần ngần bên rào nhà mình. Rồi nhận ra người khách chỉ là kẻ qua đường tình cờ dừng chân chốc lát, ánh mắt kia yên tâm rời khỏi cổng rào quay về với những gì thân quen với nó. Và tôi, không thể dừng chân lâu hơn, đành bước đi, để lại cảm giác hạnh phúc mình – đã – mơ - ước - từ - lâu ở lại phía sau, bên kia hàng rào thấp sơn màu trắng.

Sao mà tôi yêu những ngôi nhà này đến thế! Kiếp sau, hay nếu may mắn được lên Thiên đàng, nhất định tôi sẽ xây một ngôi nhà nhỏ có hàng rào sơn màu trắng bình yên…

(Cám ơn lời giới thiệu thật trân trọng!)


MẬT KHẨU (truyện 100 chữ)

Mật khẩu

Bây giờ cái gì cũng cần mật khẩu: thẻ tín dụng, máy tính, điện thoại, tài khoản ngân hàng, những email, các mạng xã hội... Nhiều thứ thường xuyên đổi mật khẩu để bảo mật. Dùng nhiều thì mật khẩu thuộc lòng. Ít dùng sẽ quên mật khẩu, rồi mất tài khoản, khó khăn lắm mới sử dụng lại được.
Một ngày cô đột ngột ra đi. Anh chợt nhận ra từ lâu mình đã quên “mật khẩu” đăng nhập vào trái tim cô.
Đơn giản chỉ là “anh yêu em”.


(8.2013

Vụn vặt đời thường (3)


@ Lấy vợ lấy chồng như sút vào cầu môn: khung thành rộng thế mà lại sút trúng… cột dọc 

@ Taxi Nội Bài: Hôm nọ em chở một bác kia, gớm bác ấy bước lên chùng cả xe của em. Nhưng hai bác đây thì vừa xinh J

@“Loại ấy nói làm gì! Cái đồ cả nhà không biết đọc sách” – câu miệt thị hay nhất mà tôi được nghe!

@Vừa lúc nãy nằm với nhau anh còn thề thốt yêu em… - Ôi dào, lúc lên dốc thằng đếch nào chả phải dô hò!

@ Đàn ông phải là cụ chột trong gia đình! (á quên, trụ cột…)

@ Mình đang định đổi nick ở FB vì có người chê “ko còn làm khảo cổ mà vẫn lấy tên HKC”. Nhưng nhờ nick này mà mềnh được nhiều bạn khen trẻ so sánh mềnh với cổ vật, di cốt cổ xưa. Bèn thôi ko đổi nick nữa J

@ Đứa trẻ khi sinh ra đã biết nắm chặt bàn tay... Bởi vậy sống mà biết buông tay là rất khó...


@ Bạn bức xúc: cư xử như thế thì là chó chứ ko phải là người! Mình bảo: đừng sỉ nhục chó như thế, thằng ấy nó chỉ xứng là ve chó thôi!

ÔNG LÃO ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ VÀNG (dị bản)


(truyện 100 chữ)

Lại nói, sau khi cá vàng cho 3 điều cầu được ước thấy, ông lão bèn thả cá xuống biển. Về nhà, vợ lão ước có một bữa ăn ngon, bữa ăn lập tức hiện lên. Lão bực mình mắng “đàn bà óc to như trái nho, ước gì như dở hơi”. Thế là bà vợ thành người dở hơi. Lão hối hận “ước gì lại bắt được cá vàng”.
Quả nhiên bắt được cá vàng, nhưng nó không còn 3 điều ước để cho lão nữa vì lần trước đã dùng để đổi lấy mạng sống.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...