Trên chiếc xe máy


Trên chiếc xe máy

Ăn cơm xong con gái nói: về thăm ngoại đi mẹ, chủ nhật mẹ đi công tác nên mình chưa về. Ừ, nhưng đứa nào chở mẹ nhé, mẹ bị cảm, đau người quá. – Để con chở mẹ đi, cô Út hăng hái nói, lúc về chị chở mẹ, cho công bằng :)

Nói chung từ khi biết đi xe máy ít khi tui ngồi phía sau, toàn tự đi hoặc chở người khác: đưa đón con đi học, đi chơi, chở bạn, chở chị, chở má… Cảm giác tự chạy xe thấy yên tâm hơn, vì đường xá xe cộ đông đúc, mà tui thì có tới gần 40 năm chạy xe chưa bị tai nạn bao giờ, trừ vài lần đụng xe lặt vặt. Ngồi phía sau xe ai cũng… sợ, mà thật ra thì cũng chẳng có ai đủ tin tưởng để tui có thể luôn ngồi sau xe :(

Ngồi sau xe con gái có một cảm giác thật lạ lùng. Nhớ mới ngày nào chở hai con đứa trước đứa sau, khi ngủ gục ngật ngưỡng, khi mưa lớn áo mưa nhỏ che không hết 3 mẹ con. Ròng rã cả chục năm như thế, trên chiếc xe máy ba mẹ con nói đủ thứ chuyện trong những giờ đưa đón con đi học chính học phụ, học đàn học bóng chuyền… Rồi đi về ngoại đi chơi, lúc nào cũng ba mẹ con trên một chiếc xe Honda.

Một lần, hình như gái lớn học lớp 12 gái nhỏ lớp 10, ba mẹ con 3 cái quần jeans 3 cái áo thun, vừa chạy xe ngoài đường vừa trò chuyện vui vẻ. Bỗng có tiếng nói bên cạnh: Sao chở 3 thế em ơi, không sợ công an à? Tui nhìn sang: 2 câu thanh niên chạy xe bên cạnh nhìn tui và giật mình lỏn lẻn cười! Haha, biết ngay mà, nhìn phía sau là dễ nhầm má với em lắm
J

Lần khác, vừa từ nhà bà ngoại ra tới ngã ba thì bị chú công an thổi còi. Tui dừng xe giả bộ ngơ ngác: Việc gì thế hả chú? - Chị cho xem giấy tờ xe? – Chị đưa hai “cháu” đi mua sách vở nên không mang giấy tờ, thông cảm cho chị. – Chị nhìn lại đi ạ, hai cháu của chị… cao hơn cả chị rồi đấy! Chú công an trẻ tủm tỉm cười nói, còn hai cô con gái thì quay mặt ngó lơ…
Sau lần ấy hai con dứt khoát không để mẹ chở 3 nữa, đi đâu thì tự đi xe và… chở nhau. Mẹ buồn mất mấy ngày 

Rồi cũng quen… Bây giờ thì đến lúc con chở mẹ rồi đấy. Thế nhưng hai nàng vẫn nói: thích ngồi sau mẹ, ôm eo mẹ mềm mềm ấm ấm… Chắc là an ủi cho “mẹ già” khỏi buồn đây mà 
J

NÓI VỚI CON TRAI


Tôi có hai cô con gái như hai người bạn, có thể nói với nhau thoải mái về nhiều chuyện, tất nhiên, cả chuyện tình yêu – hôn nhân – gia đình J Đôi khi tôi giống như “chị Thanh Tâm kính mến” hay “chị Hạnh Dung quý mến” không chỉ với con gái mà với cả bạn của con. Nói chung, mối quan hệ của chúng tôi thật dễ chịu, vui vẻ, tất nhiên, trừ những lúc hiếm hoi… không vui.

Tôi không có con trai nên không hình dung được mình sẽ trò chuyện với con trai như thế nào? Khi chúng còn nhỏ mình có nổi nóng không nếu chúng thường xuyên làm rách quần  tung khuy áo, giày đầy bùn đất tất hôi rình nhét vào góc kẹt? Khi chúng ở vào tuổi “vỡ tiếng” có đủ kiên nhẫn mặc kệ chúng im lặng cả tuần không thèm trả lời trả vốn những câu hỏi quan tâm chăm sóc của mình? Khi chúng có bạn gái có đủ tế nhị để nói với con những gì mình lo lắng chỉ do cảm nhận, có đủ bình tĩnh nói rằng hãy dũng cảm lên khi con thất bại trong mối tình đầu, có đủ nhân hậu để yêu thương cô gái mà chính con trai mình đã “bỏ rơi”…? Và mình có đủ mẫn cảm để thấu hiểu và chia sẻ khi con trai có vợ, trở thành “đàn ông đích thực” - người chủ một gia đình nhỏ?

Tôi không biết, chỉ đơn giản vì tôi chưa từng nghĩ, chưa từng ước ao mình có con trai. Chỉ cần mình có CON không phân biệt trai hay gái – với tôi, đó là tất cả!
Những điều tôi hình dung trên đây đều từ chuyện mà bạn tôi, những người chỉ có con trai, kể lại.
Nhưng lúc này tôi sắp có thêm một người con trai – một cậu trai được ông bố bà mẹ khác sinh ra, dạy ăn nuôi học thành người, trở thành người đàn ông duy nhất – của – con – gái – tôi. Với tôi, con dâu hay con rể cũng là con, chỉ khác một điều, con đến gia đình tôi muộn hơn các con tôi mà thôi J. Tôi sẽ nói gì với con, thành viên mới của gia đình tôi?

Con trai! Con hãy coi gia đình bố mẹ như gia đình của con. Dù con mới quen biết cả nhà không lâu nhưng con hãy coi ngôi nhà này như là ngôi nhà mà con đã từng lớn lên từng quen thuộc đến từng góc nhỏ, đơn giản vì ngôi nhà này là nơi người – con – yêu – nhất – cũng đã lớn lên và cũng thân quen đến từng góc nhỏ.
Con hãy thường xuyên đưa vợ con về nhà chơi nhé, bởi vì nơi đây có bố mẹ, có chị luôn trông chờ các con, như bố mẹ con bên ấy mong con về nhà nếu các con ở riêng. Nếu con bận việc thì có thể vợ con sẽ vẫn về nhà, nhưng đi một mình sẽ không vui bằng đi cùng nhau, phải không J

Vợ con cũng sẽ trở thành con gái trong gia đình con - một gia đình mới. Con hãy cho vợ con thời gian làm quen với nền nếp sinh hoạt mới, vợ con làm quen lâu hay mau, hòa hợp nhiều hay ít “phần lớn là nhờ công lao” của con đấy J  “Sống bên chồng” cô gái nào cũng cảm thấy có những sự “bất tiện” nhất định, con hay giúp vợ con vượt qua điều đó một cách nhẹ nhàng. Những ngày đầu vợ con sẽ có nhiều bỡ ngỡ, hay coi vợ con vừa như một người vợ, người yêu và như đứa em gái, để vợ con có thể quen dần với vai trò người - con - gái – lớn trong gia đình con, khi mà ở nhà bố mẹ vợ con là cô út quen được cả nhà chiều chuộng.

Công việc của các con mỗi đứa một nghề, mỗi đứa có những thói quen tính khí khác nhau, các con cần biết chấp nhận sự khác biệt thì mới có thể yêu quý và giữ gìn hơn những gì giống nhau, hợp với nhau. Mà con thử tưởng tượng xem, hai vợ chồng mà giống nhau 100% cả nết tốt lẫn tính xấu thì… thà cưới một cái gương còn hơn, nhỉ J
Mẹ tin rằng hai con luôn biết yêu thương và có trách nhiệm với nhau và với gia đình hai bên. Có tình yêu và hiểu được trách nhiệm thì không có gì đáng lo ngại, cho dù cuộc sống chung mới mẻ và lạ lẫm đang chờ đợi các con. Tiền bạc là cần thiết, thậm chí có những lúc rất cần thiết, nhưng mất tiền còn kiếm lại được – vì cả hai con đều có nghề nghiệp tử tế đàng hoàng. Nhưng mất tình yêu thì không dễ tìm lại được một người thứ hai “của mình” trong cuộc đời này.

Còn nữa, hãy luôn nhìn mọi việc một cách nhẹ nhõm đừng trầm trọng hóa bất cứ điều gì… Hãy “xử lý” những vấp váp (nếu có) sao cho chúng trở thành những kỷ niệm vui để khi về già nhớ lại mà cười cho tăng tuổi thọ J
Chỉ vài ngày nữa thôi, bố mẹ sẽ trao cho con đứa con gái út thương yêu của bố mẹ. Mẹ không lo lắng nhiều vì mẹ biết con gái mẹ đã có một “người lớn” bên cạnh để mà sẻ chia tất cả. Nếu mẹ có chút buồn vì phải “xa” đứa con gái út yêu quý thì bù lại, mẹ có niềm vui vì có thêm một đứa con nữa, phải không, con trai?

Cuộc đời các con còn dài. Bố mẹ hai bên không thể đi cùng đến cuối, vì vậy chúng ta trao cho các con những đứa con yêu của mình. Các con hãy gìn giữ và bảo vệ người mình yêu quý, đấy cũng là sự thể hiện tình cảm và hiếu thảo với cha mẹ hai bên.

Nếu các con luôn đi bên nhau trong mọi lúc bình yên hay khó khăn thì hạnh phúc sẽ là người bạn đồng hành cùng các con trên con đường dài của số phận! Hãy luôn nhớ điều đó, các con nhé!

Vụn vặt đời thường (59)

@ Như nước đại việt ta từ trước/ vốn có nền văn hoá đại kinh!!!

Bữa trước, khi tham gia bình luận một chương trình ca nhạc của VTV (chương trình này chưa phát sóng), nhân có người nói về sự lạc quan trong các khúc cách mạng... Mình nghĩ thế này: Sự lạc quan trong chiến tranh là điều may và cũng là không may của nước ta! May mắn là nhờ có sự lạc quan ấy mà thế hệ tham chiến đã vượt qua được bao nhiêu đau thương mất mát... Nhưng không may là như vậy thì đối với nước ta chiến tranh không còn là hiện tượng bất thường!
Bốn mươi năm im tiếng súng nhưng chiến tranh chưa chấm dứt trong nhiều người.
Một quốc gia mà chiến tranh trở nên quen thuộc thì không chỉ là không may mà còn là bất hạnh!

 Nếu bạn được nhận điều gì xứng đáng mà bạn khoe thì là bình thường. vậy khi bạn từ chối một điều mà bạn coi là không xứng đáng với bạn thì cũng bình thường, việc gì phải coi sự từ chối như là "sự kiện" để mọi người phải biết?!

@ Từ điển (nhảm) của tui:"Hao gầy" tức là hao nhiều tiền mà hem có gầy.
"Đắng lòng" tức là lòng chưa rửa sạch nên ăn bị đắng
"Một chín một mười" tức là một người Mười còn người kia là Mười trừ Chín

Vụn vặt đời thường (58)




@ Đọc/ học Thầy Vượng luôn nhận được nhiều ý tưởng mới mẻ, nói cách khác, Thầy luôn "gợi ý" cho học trò những vấn đề cần nghiên cứu, nghiên cứu tiếp, hay giản dị hơn, những gì cần giải mã, giải thiêng, giải... độc nữa. Có những vấn đề Thầy nêu lên đến nay chưa ai chứng minh" rằng sai hay đúng, nhưng nhiều người - trong đó có tôi - tin vào sự "mẫn cảm"  khoa học của Thầy. Điều này khác với sự "thần thánh" hóa Thầy, bởi Thầy cực ghét những người luôn "thần tượng" hóa một người hay một điều gì!



Thời điểm Thầy Vượng biết/ nghe những chuyện về ông NSS không phải như bây giờ, nhiều người đã biết và đã phổ biến ngay trong các quán trà lá. Điền dã thật và nó là giai thoại thực sự đấy, và chỉ có ở cái "vỏ" giai thoại thì mới tồn tại được như thế. Mình luôn coi những bài viết của thầy Vượng là công trình về văn hóa - hay là tiếp cận lịch sử từ văn hóa, mà/vì lịch sử là 1 dòng chảy trong dòng chảy văn hóa nói chung. Hiểu lịch sử ko chỉ từ logic lịch sử, mà nhiều khi từ văn hóa.

Mình cũng mong được đọc bài nghiên cứu về "Hùng" ngoài bài của Thầy, và nếu nó ko là k'r/lung thì xuất phát từ đâu? Cứ coi đó là một giả thuyết để tìm hiểu tiếp. Khoa học mà, có ai cấm người sau coi ý tưởng của tiền bối là giả thuyết đâu

Ai cũng có những người mà người ta khâm phục. Vì vậy, thần tượng hay không là sở thích cá nhân. Tuy nhiên, những Học trò tử tế của Thầy Vượng thì không "thần tượng " Thầy, mà học Thầy một cách tử tế - bao gồm cả việc phản biện, nghiên cứu lại, nghiên cứu tiếp.


@ Cám ơn các bạn đã quan tâm và “theo sát” mình từ sáng đến giờ  Cuộc họp sáng nay mình là người được mời tham dự, và nguyên tắc của những cuộc họp như thế này - như mình biết từ khi còn làm việc và mình luôn tôn trọng - là: Sau cuộc họp sẽ có Thông cáo báo chí chính thức của cơ quan quản lý chuyên ngành. Các bạn chịu khó chờ đợi vài ngày nữa 
Trong cuộc họp này mình nhận thấy tiếng nói của người dân đã được các cấp quản lý nghiêm túc và thiện ý lắng nghe. Chúng ta hãy cùng tiếp tục hy vọng mọi điều tốt đẹp cho TAX các bạn nhé 
Thích

http://baodientu.chinhphu.vn/doi-song/xem-xet-bao-ton-mot-phan-thuong-xa-tax/211776.vgp

Đã xong công việc cuối cùng liên quan đến cơ quan cũ :)


Nhớ nơi này :)

Vụn vặt đời thường (57)

@ Trong đám đông, có người nói để nghe người khác nói lại với mình, có người nói để "bắt" người khác nghe mình, hoặc có người nói chỉ để nghe chính mình 
Công nhận, ngồi với người mà mình chỉ được/phải nghe, mệt thiệt.
Cho nên, ngay cả khi lên lớp cũng đừng "điện thoại một chiều", mình vẫn luôn tự cảnh giác như thế  
Dân chủ, không chỉ là để cho người khác nói - mà còn phải biết nghe người khác nói!

Không còn khả năng biết nghe thì đừng nói chuyện dân chủ!

@ Thu Cúc Sài Gòn và Oải hương  của mùa hè nước Pháp







@ Nhiều điều Thầy viết từ năm 2001 về "viễn cảnh KCH VN" đến nay vẫn là viễn cảnh!






THƯ CÁM ƠN (v/v bảo tồn thương xá TAX


Trước tiên, chúng tôi xin gởi lời cảm ơn đến tất cả các anh chị và các bạn, những người đã
ký tên ủng hộ bản kiến nghị của Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan về việc bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử của thương xá Tax để gởi đến UBND TP.HCM
Hôm nay, 16/10/2014, sau 10 ngày kể từ khi chúng tôi phát động kí tên đã có 3483 người tham gia và con số này vẫn còn tiếp tục tăng. Những người tham gia ký tên đến từ rất nhiều ngành nghề, học vị, học hàm trong xã hội:
Sinh viên 703 người
Nhân viên văn phòng 341 người
Kiến trúc sư 144 người
Kĩ sư 122 người
Giáo viên 89 người
Công nhân viên 53 người
Nội trợ 56 người
Nông dân 5 người
Nhiếp ảnh gia 13 người
Nhà báo, phóng viên 40 người
Giáo sư 5 người
Tiến sĩ 13 người
Bác sĩ 24 người
Luật sư 20 người
...
Và còn nhiều ngành nghề khác.
Đây quả thật là một tín hiệu đáng mừng vì vẫn còn rất nhiều người yêu quí lịch sử, văn hóa của Sài Gòn nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.
Việc làm của mỗi người tuy nhỏ nhưng đã góp phần nhóm lên ngọn lửa lớn trong việc thể hiện ý thức và hành động góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Chúng ta đã làm tốt và làm hết sức mình trong khả năng cho phép.
Chúng tôi xin thông báo là sẽ tạm thời đóng bản kí tên và hy vọng sẽ sớm nhận được phản hồi chính thức từ phía các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn thương xá Tax
Một lần nữa, đại diện nhóm, tôi xin cảm ơn tất cả mọi người đã đồng hành cùng chúng tôi.

Linh tinh lang tang (94) - MÙA THU


Bạn nhắn, bên này trời chưa lạnh nhưng lá vàng đã bắt đầu rụng. Thu rồi đấy. Sao chưa lần nào mình gặp nhau vào mùa thu?
Những hình ảnh mùa thu vàng, lá phong đỏ ngập tràn trên mạng. Tưởng rằng khi nhìn thấy cảnh tượng quyến rũ đó quá nhiều thì trái tim sẽ bớt xao xuyến. Nhưng không, khung cảnh ấy càng làm ta thấy sẽ là cô đơn nếu chỉ có một mình nơi ấy, càng rất cô đơn nếu phải chia tay một người thân yêu trong sắc trời xanh đến thế và lá vàng ngập tràn lối đi như thế…
Mùa thu, như người ta mặc định, là mùa chia ly. Mình hay đi xa vào mùa thu nhưng chưa lần nào phải chia tay với ai đó, có chăng chỉ là chia tay với mùa hè như chia tay quá khứ của mình - vừa – mới – đi – qua.
Ở tuổi chúng ta mùa hè không trở lại nữa.
Cũng may, chúng ta chưa bao giờ gặp nhau vào mùa thu…
10.2014

Vụn vặt đời thường (56)

@ NGẬM TĂM

Hôm qua ngồi nhậu với anh Đỗ Phấn, Lê Anh Hoài Đinh Hương Meo Mèo... nhân nói chuyện món ăn và cách ăn của HN, mình bảo:
- Sao giờ ra đường thấy lắm ông ngậm tăm thế, trông bảnh bao sáng sủa mà miệng cứ nhá nhá cây tăm, đèn đỏ dừng xe còn thò tay cầm tăm xỉa xỉa chọc chọc lại quẹt quẹt vào răng rồi mới phun phèo ra đường! Sợ thế không biết!
Bác Đỗ Phấn tủm tỉm kể: 
- Có lần đi từ HN lên Bắc Cạn, giữa đường cậu lái xe hỏi có dừng lại nghỉ uống nước không? Mình bảo "dừng lại đi, cho mày thay cái tăm, chứ mày ngậm từ HN đến đây không khéo nó thành măng rồi 
Nghe đến đây mình bảo: thôi xong, từ giờ em hết dám ăn măng :(



Hôm nay mới gặp được những nhà văn mà mình thích đọc tác phẩm của họ. Mỗi người mỗi kiểu viết nhưng đều viết về Hà Nội rất hay. Riêng Lê Minh Hà, mình gọi chị là "người viết vọng về HN" :)
Từ trái qua là các nhà văn : Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Phấn, Lê Minh Hà, Nguyễn Việt Hà




@ "Hai người đàn bà trong quán cà phê" (1919) - Ernst Kirchner
Mỗi ngày xem trang Viet-studies, đầu tiên được xem tranh đẹp, sau được nghe nhạc hay, và sau nữa đọc được nhiều điều thú vị 
Ngắm bức tranh này mà xem, giống "buổi trưa trong quán cà phê" của tui ghê á 
Thích

@ Quay xong chương trình GĐTH (số tháng 11/2014) lúc 1g. Hai giai trẻ đòi đưa về tận nhà. Mình cảm động "thôi chị về 1 mình được mà, đi taxi chứ có phải xe máy đâu...". Giai lạnh lùng đáp: "đâu ai lo cho bà mà lo nhỡ anh tài taxi bị làm sao!"

Hóa ra mềnh cũng còn gây nguy hiểm được cơ đấy 

ĐỖ PHẤN – DẰNG DẶC TRIỀN KÝ ỨC


Nguyễn Thị Hậu
Nếu như trong âm nhạc những bài hát về Hà Nội không bao giờ vắng mặt trong các giai đoạn lịch sử và đã tạo được dấu ấn riêng “bài ca Hà Nội” thì trong văn học, một thời gian dài thập kỷ 1960 – 1990 tác phẩm về đời sống đô thị Hà Nội khá thưa thớt. Phải từ khoảng đầu những năm 2000 đến nay có thể nói dòng văn học về “thị dân Hà Nội” mới tái xuất sau những tác phẩm nổi tiếng trước năm 1954. Diện mạo của Hà Nội và “người Hà Nội” nửa thế kỷ qua hiện ra như những nét chấm phá hay như bức tranh toàn cảnh, đậm nhạt mảng màu hay sắc sảo ký họa trong từng tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý, Lê Minh Hà, Đỗ Phấn…
Với tôi, một người đã có trọn tuổi thơ ở Hà Nội nhưng đã sống xa Hà Nội gần 40 năm, tác phẩm của họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn dù là tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn thực sự là những triền ký ức dằng dặc khôn nguôi… Đời sống đô thị Hà Nội được ông khai thác ở hầu hết các tác phẩm, nhất là trong bộ sách 5 cuốn mà Nhà xuất bản Trẻ phát hành gần đây.

Không gian Hà Nội trong tác phẩm của Đỗ Phấn chủ yếu là những con đường những ngôi nhà thuộc khu “phố cũ”, như trải theo tuyến đường tàu điện leng keng từ chợ Mơ qua chợ Hôm, đến Bờ Hồ rồi sang chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, ta chỉ thấy thấp thoáng khu phố “Tây” với biệt thự bình lặng sau hàng rào, hàng cây xanh cao vút trên vỉa hè rộng rãi, lướt qua khu phố cổ nhộn nhịp cửa hàng buôn bán chật chội nhà cửa mà vẫn cố giữ vẻ phong lưu. Nhưng không gian Hà Nội của Đỗ Phấn phần nhiều là hai bên bờ sông Hồng. “Thành phố hai bên bờ sông đã hòa làm một. Những tụ điểm ăn chơi thâu đêm suốt sáng đã tìm sang bờ bên kia tản mát vào các xóm làng. Những gánh gồng lam lũ nhếch nhác đã tràn sang bờ bên này len lỏi vào mọi ngóc ngách phố phường…”. Dù nội đô hay ngoại thành, Hà Nội của Đỗ Phấn vẫn là một Hà Nội cũ, tù túng, có phần nhếch nhác nhưng vẫn còn gì đó nền nếp chỉn chu. Đôi lúc , đọc Đỗ Phấn tôi thấy không gian Hà Nội chỉ như một cây cầu Long Biên giả nua cũ kỹ nhưng mặt cầu thân cầu đầy dấu vết hư hỏng chắp vá, chật chội chen chúc các loại phương tiện giao thông thô sơ và hiện đại, dưới kia sông Hồng cũng cạn dòng trơ những bãi bồi… Vậy mà nói đến Hà Nội ai cũng nhớ cái dáng dấp thanh tao, duyên dáng nhẹ nhõm của cây cầu trên trăm năm tuổi…

Thời gian Hà Nội trong những câu chuyện của Đỗ Phấn là giai đoạn Hà Nội đang phân vân, dung dằng, có lúc vật vã chuyển từ đô thị cổ mang dáng dấp của “một cái làng lớn” sang đô thị hiện đại với cuộc sống không từ từ như vòng quay xe đạp mà hối hả xe máy thậm chí xe hơi. Giao thời cũ nhiều mới ít, cũ tràn lan mà mới đã lóe lên… Thời gian Hà Nội qua Đỗ Phấn cũng giống hệt như những nhân vật chính của ông: người đàn ông trung niên, chưa đủ già để chiêm nghiệm, vẫn muốn thay đổi dáng vẻ bề ngoài từ trang phục đến lời ăn tiếng nói, nhưng cũng không còn trẻ trung để có thể thoải mái vứt bỏ bộ quần áo đang mặc vì không còn hợp mode hay dùng ngôn ngữ tuổi teen một cách tự nhiên… Thời gian Hà Nội qua Đỗ Phấn thậm chí uể oải cả trong những cuộc làm tình nóng bỏng. Thời gian trong cảm thức của những nhân vật của Đỗ Phấn dường như không phù hợp với thời gian vật chất của một Hà Nội có vẻ ngoài ngày càng trở nên xa và lạ với chính “người Hà Nội”.

Xuyên qua không – thời gian đó là người Hà Nội mà tác giả vẽ nên, những gương mặt đàn ông đàn bà, trẻ già đủ mọi nghề nghiệp… Diện mạo tính cách từng người cụ thể nhưng vẫn nhòe vào đám đông, có cảm giác như ở câu chuyện nào tác giả cũng luôn băn khoăn “những con người làm nên cuộc sống và bộ mặt phố phường. Họ là ai thế nhỉ???”. Những người đàn bà trong câu chuyện của Đỗ Phấn ở lứa tuổi nào cũng nồng nhiệt yêu và dịu dàng dâng hiến… Thường thấy trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn một “người đàn bà đẹp” chấp nhận mối tình nửa vời , quyết định rồi chủ động có con với người mình yêu và lẳng lặng ra đi, tác giả nhìn theo họ như một giấc mơ và có phần lý tưởng thoát khỏi cuộc sống toan tính chi ly hàng ngày. “Vắng mặt”, “Gần như là sống”, “Chảy qua bóng tối”… không chỉ là tựa sách mà còn là số phận nhiều – người – Hà – Nội.

“Dằng dặc triền sông mưa” là cuốn tiểu thuyết của Đỗ Phấn viết cho những người cùng thế hệ từng có tuổi thơ ở Hà Nội. Ký ức, không, là nỗi nhớ trỗi dậy cồn cào qua từng trang văn đẹp và buồn như tranh Bùi Xuân Phái. Đỗ Phấn cho tôi nhớ về một Hà Nội của những cậu bạn trai cùng tuổi, luôn có cái vẻ ngơ ngác, chậm khôn hơn các cô bạn gái cùng lứa. Những cậu trai này hồn nhiên, chất “Hà Nội” ở họ trong trẻo tinh khôi hơn các bạn gái sớm khôn sớm biết điệu vì ý thức được vẻ đẹp và sự quyến rũ của mình. Với tôi, “con giai phố cổ” giữ được chất “Hà Nội” lâu hơn, đậm đặc hơn, chính vì họ không ý thức được rằng họ là “người Hà Nội”. ĐÂY LÀ CUỐN SÁCH MỚI ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG CỦA HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI CHO TÁC PHẨM VĂN XUỐI NĂM 2014.

Trong cuốn tiểu thuyết “Vắng mặt” có chi tiết rất thú vị, một gia đình tản cư mang theo cái tủ chè lâu đời. Cũng chẳng biết để làm gì nhưng dù khổ sở đến mấy cũng cố gánh gồng mang theo… Đến nỗi cậu bé con phải nghĩ, cái tủ chè chẳng có chức năng gì ngoài mỗi việc chứng tỏ gia đình mình thuộc đẳng cấp “có tủ chè”. Sự tự trào hóm hỉnh nhưng nói được chính xác phong vị của nhiều “người Hà Nội”.

Có lần tôi hỏi Đỗ Phấn, vì sao vài năm gần đây anh dồn dập cho ra đời nhiều tác phẩm văn học như vậy? Còn hội họa, thời gian và tâm sức nào anh dành cho nó? Đỗ Phấn trả lời: Cứ mỗi lần triển lãm tranh là một lần anh “mất đi” nhiều tác phẩm của mình. Sự trống rỗng như khi mất một đứa con, một người yêu, một tri kỷ làm anh phải viết để dịu lại… Những ghi chép, viết ngắn như những bức phác họa, ký họa để anh dựng nên bức tranh Hà Nội từ nhiều góc nhìn khác nhau trong những cuốn tiểu thuyết của mình.

Vì vậy, đọc sách của Đỗ Phấn cũng giống như xem tranh. Cùng chất liệu cùng bút pháp mà vẫn phải lúc nhìn “cận cảnh” lúc lại phải lùi xa, khi nheo mắt chăm chú khi mở to mắt bao quát cả bức tranh. Và cũng như hội họa, tác phẩm của Đỗ Phấn mang lại nhiều cảm xúc hơn là nội dung câu chuyện, bởi nó làm người đọc trở về với dằng dặc triền ký ức của tác giả, và của cả một thế hệ…

Hà Nội 30/9/2014
(Bài trên BÁO VĂN NGHỆ ngày 8/10/2014)

Vụn vặt đời thường (55)

HÀ NỘI HÀ NỘI :)

@ Tối hôm kia, từ Nội Bài về phố Tràng Tiền, bác tài ta xi đi đường Lý Thái Tổ đến đầu đường Ngô Quyền bỗng... quay xe, miệng lẩm bẩm
- sao mình lại đi nhầm đường nhỉ?.
Tôi nói - sao anh không đi thẳng Ngô Quyền đến Tràng Tiền luôn?,
bác trả lời - Vâng, tôi cũng định đi đường Ngô Quyền mà lại nhầm.
- Nhầm đâu, đường Ngô Quyền đấy thôi!
- Sao trông khác thế, nhận không ra?!
Hóa ra vì những chùm đèn xanh xanh đỏ đỏ treo kín phía trên con đường, kín hàng cây hai bên. Không còn nhìn thấy Tòa nhà Bắc bộ phủ đẹp thế, những khách sạn sang trọng ở đó nữa!
Đường Tràng Tiền, Tràng Thi cũng vậy. Tiếc nhất là Nhà hát Lớn hoàn toàn bị những hoa hòe chắn ngang tầm mắt, mà đó là "điểm nhấn" đẹp nhất của con đường này.
Giá mà thay thế những dây hoa lòe loẹt khắp các con đường giống hệt nhau bằng việc chiếu sáng nghệ thuật các công trình kiến trúc tiêu biểu của HN thì sẽ đẹp và sang trọng biết bao nhiêu!
Nhưng không, trang trí bao năm nay vẫn là kiểu "đẹp tập thể", nhất định ko cho "cá nhân" công trình nào đẹp một mình :D
Sài Gòn cũng vậy, đường Đồng Khởi hoa chăng kín không để tầm mắt nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà, Đường Lê Lợi hoa giăng chắn hết Nhà Hát Lớn, đường Nguyễn Huệ hoa treo khỏi thấy tòa nhà UBND. Không sao, các tỉnh rất khen, vậy là OK rồi :)

@ Pháo hoa bắn quanh hồ Gươm, người đông như kiến, kẹt xe kẹt đường trước đó sau đó cả tiếng đồng hồ. Đi vòng vòng tìm đường về khách sạn, bạn nói : tụi mình đúng là dân vùng sâu vùng xa ra HN , nhất định phải đi dạo quanh hồ Gươm Mình bảo, còn thiếu: phải ăn kem Tràng Tiền và chụp hình ở Nhà Thờ Lớn nữa :)

@ Khi mình ở Hà Nội (TRƯỚC 1975)  ngày 10/10  chỉ là ngày TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ!

ĐÔ THỊ SÀI GÒN, NHỮNG GÌ CÒN MẤT?


Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn là đô thị sông nước
Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Sài Gòn là cửa ngõ thông thương với nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc là những con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ đồng bằng sông Cửu Long lên Cảng Sài Gòn để xuất khẩu. Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.
Hệ thống đường sông, kênh rạch ở Sài Gòn phục vụ cho sự phát triển của nghề thủ công làm gốm nổi tiếng là “Xóm Lò Gốm” còn lại nhiều dấu tích như kênh Lò gốm, đường Lò Siêu, khu lò lu, bến mảnh sành, cầu lò chén… Từ đầu thế kỷ XX do quá trình đô thị hoá nên vùng gốm Sài Gòn không còn điều kiện để phát triển sản xuất, truyền thống và kỹ thuật sản xuất “gốm Sài Gòn” sau đó phát triển ở vùng gốm Biên Hòa (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương)…
Hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn: những con sông, kênh rạch với những bến sông nổi tiếng sinh họat buôn bán, cảnh quan văn hóa đặc trưng: sông – bến chợ – phố chợ ven sông - làng ven sông – giao thông đường thủy – ghe thuyền - cầu qua sông…
Hiện nay đại lộ Đông Tây được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu giao thông và mang lại hiện đại cho thành phố, nhưng trả giá cho việc này là dọc hai bên sông – cũng là dọc theo đại lộ, những dãy nhà phố buôn bán biến mất, những tòa cao ốc đã và đang mọc lên. Vẻ đẹp cổ xưa “trên bến dưới thuyền” sầm uất mà hồi giữa thế kỷ XX vẫn còn được ghi nhận đã không còn nữa.

Sài Gòn là đô thị của sự đa dạng văn hóa.
Sài Gòn có một hệ thống sông lớn và có cửa biển Cần Giờ nên đây là một cảng thị từ rất sớm, cũng là nơi có sự giao lưu mạnh mẽ với các quốc gia khác qua đường biển. Từ thế kỷ XVII nhiều cư dân từ nơi khác đến khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sự hình thành đô thị Sài Gòn là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người Hoa với những tộc người bản địa. Họ đã duy trì và phát triển những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của mình và xây dựng các ngôi đình, chùa của người Việt; đền, miếu, hội quán của người Hoa; chùa của người Khmer; nhà thờ của người Chăm Hồi giáo, nhà thờ Công giáo, Tin lành… Các kiến trúc tôn giáo xây dựng trong khoảng 300 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân. So với Hà Nội hay Huế thì di tích ở Sài Gòn không nhiều, niên đại muộn, đặc trưng kiến trúc- trang trí thể hiện sự giao lưu văn hóa đậm nét, cần nghiên cứu từ góc độ bối cảnh lịch sử - văn hóa đặc thù của vùng đất này thì mới đánh giá thỏa đáng.
Ngoài ra còn có nhiều ngôi nhà cổ, một số khu lăng mộ…Do nhu cầu của cuộc sống mà những di tích là đối tượng bị phá hủy nhiều nhất trong quá trình đô thị hóa.

Sài Gòn như một đô thị kiểu phương Tây hồi cuối thế kỷ XIX.
Lấy sông Sài Gòn làm chuẩn các đường phố ngang dọc chia đô thị Sài Gòn (vốn trải dài ven sông, kênh rạch) thành những ô vuông, trong đó là các công sở, biệt thự, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác. Kiến trúc tôn giáo quan trọng là nhà thờ công giáo trở thành trung tâm của một khu vực dân cư, có thể nhận thấy trung tâm thành phố Sài Gòn nằm trong tam giác có 3 đỉnh là 3 nhà thờ cổ: Tân Định – Đức Bà – Huyện Sĩ (khu vực trung tâm). Những công trình kiến trúc dành cho công sở cho đến nay vẫn còn giữa được công năng, cảnh quan khu trung tâm thành phố là những con đường với hàng cây cao vút, những biệt thự mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc, là một phần không thể thiếu của thành phố, là “dấu ấn Sài Gòn” đối với người đi xa và người đến Sài Gòn. Sự biến dạng của đường Đồng Khởi và khu vực vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi là một thất bại đau xót trong việc đã không bảo tồn gìn giữ được cảnh quan hơn 100 năm của khu trung tâm thành phố!

Đặc biệt, trong mỗi đô thị đều có những landmark - cột mốc/ điểm nhấn, những hình ảnh tiêu biểu nhất định phải được giữ gìn và tôn tạo. Đó có thể là một góc phố, giao lộ, công trình kiến trúc và cả cảnh quan một khu vực… được xây dựng vào thời kỳ đầu tiên của đô thị, hoặc vào một thời điểm đặc biệt, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng; là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và văn hóa lâu dài. Cũng có thể chỉ là cảnh quan quen thuộc, khác biệt, đặc trưng của đô thị hoặc phản ánh quá trình lịch sử của một cộng đồng, mang đến những câu chuyện lịch sử sinh động, phong phú và có ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng và du khách. Ở Sài Gòn đó chính là Nhà thờ Đức bà, Bưu điện, Nhà hát lớn, Ủy ban nhân dân, khu Eden, thương xá TAX, Chợ Bến Thành… và toàn bộ cảnh quan khu vực xung quanh. Đó là nơi “lắng hồn” đô thị Sài Gòn.
Bảo tồn lâu dài cảnh quan hay điểm nhấn đặc trưng cũng là quá trình tích tụ và di truyền ký ức lịch sử - văn hóa đô thị, nâng cao sự hiểu biết và trân trọng quá khứ cho những thế hệ cư dân. Nếu hành xử ngược lại thì chính là đang bắn vào quá khứ.
Sài Gòn 4/10/2014
Thời báo Kinh tế Sài Gòn 9/10/2014

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...