NGUỒN GỐC CỦA NGƯỜI VIỆT - MỘT GÓC NHÌN PHI CHÍNH THỐNG: VÀI GHI CHÚ VỘI (note)

 1. Về nội dung

- Chủ đề rất hay, đang và luôn được nhiều người quan tâm tìm hiểu, không chỉ từ góc độ “lịch sử - nguồn gốc tổ tiên” mà còn từ góc độ chính trị trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung thời hiện đại.

- Ba diễn giả đều là những người am tường trong lĩnh vực chuyên môn/quan tâm của mình, thể hiện qua trình bày của ông Phan Quang (cổ sử) và ông Nguyễn Lân Cường (khảo cổ học), cũng như những bình luận hoặc tham góp của ông Trần Trọng Dương. Người tham gia đã tiếp nhận được nhiều thông tin mới và tiếp cận một góc nhìn khác “chính thống” trong các bộ sử hiện đại, nhất là trong SGK là tài liệu lịch sử được nhiều người biết đến nhất.
- Tuy vậy, “kịch bản” của Midnight Talks chưa có sự kết nối giữa 2 diễn giả cũng cũng kết nối với người dẫn chương trình. Nếu ngay từ đầu nên xác định các khái niệm của chủ đề thì giới hạn được nội dung, niên đại của vấn đề được bàn đến.
+ “người Việt”: là người Việt cổ/Kinh hay là người Việt Nam hiện đại nói chung?
+ không gian: miền Bắc trong bối cảnh ĐNA thời cổ, từ phía nam sông Dương tử - vùng Hoa Nam với Bách Việt, xuống đến khu vực ĐNA hải đảo.
+ Niên đại: trong giai đoạn hình thành “người Việt” là từ đầu CN trở về trước (thời tiền sử) hay từ thế kỷ X (lập quốc) trở về trước?
Nếu vậy cũng tập trung được các câu hỏi và vấn đề người tham dự quan tâm để cùng thảo luận với các diễn giả.
2. Nhận thức/ củng cố những nhận thức của cá nhân tôi
2.1 Năm 1980 tôi làm khóa luận tốt nghiệp đại học (lúc đó gọi là khóa luận) do GS Trần Quốc Vượng hướng dẫn, về “Văn hóa Hòa Bình và nông nghiệp trồng trọt ở miền bắc VN vào thời đại đá mới”, đã có một nhận xét: nông nghiệp “bản địa” là trồng trọt nương rẫy, lúa cạn. Văn hóa Đông Sơn và “VM lúa nước” có muộn hơn, cùng với công cụ sản xuất kim loại là một cú huých tạo một “lớp phủ” lên trên “nông nghiệp nương rẫy, lúa nương/lúa cạn”. Cho nên, nói Văn hóa nông nghiệp trồng lúa thì đúng với các tộc người bản địa lâu đời ở khu vực miền Bắc VN (như PGS.TS Nguyễn Lân Cường dẫn chứng bằng hệ thống di cốt người cổ); Còn nói “văn minh lúa nước” là chỉ văn minh của một tộc người ở đồng bằng, mà sau gọi là người Kinh – Việt.
2.2 Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sự tách rời/tách biệt Việt – Mường cổ thành tộc Việt – Mường vào khoảng thế kỷ X chính là sự phân biệt hai cộng đồng với hai lối canh tách nông nghiệp – truyền thống cơ tầng kinh tế - khác biệt nhau. Tiếc là anh Trần Trọng Dương không trình bày nghiên cứu của anh về thời điểm thế kỷ X để bổ sung thêm cho quan điểm của anh Phan Quang về “người Kinh lộ”.
Sự hình thành “cộng đồng người Kinh/Việt” được (quan niệm chính thống) coi là từ VH Đông Sơn với truyền thuyết Hùng Vương (khoảng 4000 năm). Cứ cho là vậy thì cũng chỉ là nguồn gốc của công đồng người từ đồng bằng cao xuống vùng thấp hơn. Về mặt niên đại, các “truyền thuyết” về cộng đồng Kinh/Việt xuất hiện trong những thời gian khác nhau, sự hệ thống và “chính thức hóa” những truyền thuyết này vào chính sử khá muộn, ở những thời gian có nhu cầu “cố kết quốc gia” thời phong kiến. Rồi Thời đại Hùng vương và văn minh Đông Sơn/lúa nước (bánh chưng bánh dày) lại được “chính thức hóa” thành “quốc tổ” của cả nước có 54 tộc người trong thời hiện đại, không thể không nhận thấy một “ý chí chính trị” nhằm “thống nhất” quốc gia bằng tâm linh: thống nhất lãnh thổ = quốc tổ duy nhất. Hay là THỐNG NHẤT = ĐỒNG NHẤT được diễn ngôn đơn giản hóa “đại đoàn kết dân tộc/đồng bào/người trong một nước...”
2.3 VN hiện nay, ngay cả “người Việt/Kinh” đã luôn là một tập hợp đa dạng. Nhân chủng có thể quy vào chủng tộc hay nhánh/nhóm nhân chủng cụ thể, cả ngôn ngữ cũng vậy. Nhưng hiện vật khảo cổ là hiện thân/phản ánh những nhóm/nhánh cụ thể đó. Có thể xem xét 2 loại hình hiện vật phổ biến và quan trọng vào thời đại kim khí (khoảng 4000 - 2000 năm cách ngày nay – thời kỳ được coi là “hình thành “dân tộc, quốc gia cổ) để thấy được điều đó:
+ Trồng đồng: phổ biến khắp ĐNA với vài trung tâm, lớn nhất là vùng Vân Nam, Quảng Tây. Miền bắc VN cũng là một “trung tâm”, nhưng không thể phủ nhận trống đồng có mặt khắp nơi ở ĐNA, nhưng “văn hóa trống đồng” thì chỉ còn lưu giữ ở vài tộc người, nhưng ko có ở người Kinh/Việt.
+ Táng thức mộ chum: phổ biến ven biển từ Đông Bắc Á xuống ĐNA, cái chung là dùng quan tài bằng chum/vò gốm nhưng cái riêng là táng tục (xử lý thi thể) khác nhau giữa VH Sa Hùynh- miền Trung với VH Cần Giờ, Đông Nam bộ, cũng khác một số địa điểm ở Philippine, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, Lào...
3. Bản sắc: có hay không? Là gì?
Tóm lại, dù nói về nguồn gốc người Việt/Kinh hay người Việt Nam thì cũng cần thừa nhận tính “đa dạng”, bởi vì về gene sinh học có thể được bảo tồn một mức độ nhất định, nhưng quá trình hình thành và xác lập một cộng đồng, tộc người hay “quốc gia” (một khái niệm khá muộn ở VN) thì gene văn hóa cũng lâu dài và quan trọng không kém gene sinh học. Thậm chí có thể khảo sát các “ADN” văn hóa rõ ràng và có sự thuyết phục cao, như qua các nền văn hóa khảo cổ chẳng hạn.
Không thể tuyệt đối hóa yếu tố gene sinh học hay ngôn ngữ hay bất cứ thành tố nào, vì như vậy sẽ không phản ánh được, phản ánh đúng về “nguồn gốc” có tính “hỗn dung” (chữ của GS Trần Quốc Vượng) của người Việt/kinh, văn hóa Việt/Kinh. Và ở mức độ nào đó cũng là của người VN, văn hóa VN nói chung.
Để có thể trả lời câu hỏi “ta là ai?”: Đơn tuyến đơn giản (thuần chủng, bản sắc ngàn đời, “sinh ra” văn hóa nơi khác hay ngược lại, là "bản sao" của nền văn minh khác...) và đa tuyến, phức tạp (có hợp huyết, giao lưu tiếp biến, có lớp phủ mới về tộc người và văn hóa theo thời gian và hoàn cảnh lịch sử) thì tôi cho rằng đa tuyến là hợp lý. Mặc cảm dẫn đến Phủ nhận sự “hỗn dung” và những "cú huých" từ ngoại cảnh trong nguồn gốc và quá trình hình thành cũng là phủ nhận chính TA. Không xác định được TA thì không hiểu TA ĐÃ LÀ AI, và do đó hướng đến TA SẼ LÀ AI càng khó khăn!
(Đêm đầu năm mới 1.1.2022) #midnighttalks




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...