Cụ đã làm hết trách nhiệm của mình, từ việc theo lệnh vua Tự Đức vào Nam Kỳ đàm phán với thực dân Pháp để ký Hòa ước Nhâm tuất (5/6/1862), chấp nhận mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào tay giặc, cũng là nhằm giữ cho vua một cái chỗ để ngai vàng như mong muốn của vua (*).
Cụ cũng không quản ngại đường xa, đem cái thân già lênh đênh trên biển hàng tháng trời, cùng hai đại thần Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản sang tận Pháp quốc (1863) để thương lượng chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhưng việc không thành, cụ chịu án phạt nặng của triều đình.
Khi Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (20/6/1867), trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, cho rằng không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, cụ quyết định không kháng cự, nhưng yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Rồi thì cụ tự sát (4/8/1867) vì hổ thẹn đã không làm tròn trọng trách với nước với dân.
Chính vì thế mà cụ được người đương thời và đời sau kính trọng, vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm.
Ngay cả kẻ thù cũng ngưỡng mộ cụ và ghi nhận tấm lòng của cụ đối với nước nhà: “Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta... trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp) ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà...” [H. Abel (tức sĩ quan Pháp Reunier, người từng đánh nhau với quân Nguyễn trên chiến trường Nam Kỳ), Solution pratique de la quesstion de Cochin-chine. Dẫn theo: Tập san Sử Địa, “Đặc khảo về Phan Thanh Giản”, số 7-8, tr. 26].
Cả trước và sau năm 1975, chính quyền của hai chế độ đều đã tổ chức hội thảo về cụ và đánh giá cụ là một nhà Nho liêm trực, một vị quan thân dân, một người yêu nước.
Nhưng đến đầu năm 2022 thì đồng môn của tui, nay là Phó ban Tuyên giáo Trung ương, lại ra văn bản cấm không được lấy tên của cụ để đặt tên đường.
Buồn thay!
Đau đớn thay!
-----
(*) Năm Mậu Thìn (1868) có kỳ thi Hội, đề thi “quân xâm lăng hiện nay càng ngày càng thêm gây hấn, đồn lũy khắc dân gian, vậy nên đánh hay nên hòa?”. Vũ Duy Tuân, trong bài thi, có viết câu: 朝廷擁百萬之精兵, 見義不爲無勇也. (Triều đình ủng bách vạn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã). Nghĩa là: Triều đình sẵn hàng trăm vạn quân tinh nhuệ, thấy việc nghĩa không làm thì không phải là dũng vậy.
Vua Tự Đức châu phê vào bên câu này: 今日請戰, 明日請戰, 戰而不勝, 將置朕於何地. (Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến, chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa?). Nghĩa là: Hôm nay xin đánh, ngày mai xin đánh, đánh mà không thắng thì để trẫm ở chỗ nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét