Từ năm 1995, tại Hội thảo khoa học “Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An” tôi có tham luận “Về những yếu tố Sa Huỳnh trong văn hóa Giồng Phệt”. “Dù mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng không thể không nhận thấy trong giai đoạn tiền – sơ sử, vị thế địa – lịch sử và bản sắc địa – văn hóa của Cần Giờ trong bối cảnh miền Đông Nam bộ đã có những nét tương đồng với Hội An trong bối cảnh vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, ít nhất ở ba điểm sau:
- Là hai khu vực có dấu tích văn hóa khảo cổ trên những vùng đất cao giữa một phức hệ sông chằng chịt vùng cửa biển: Hội An với sắc thái văn hóa cồn – bầu còn Cần Giờ là sắc thái văn hóa giồng trên vùng ngập mặn.
- Những di tích văn hóa khảo cổ ở Cần Giờ và Hội An phần nào thể hiện sự chuyển tiếp từ thời kỳ tiền – sơ sử lên thời kỳ lịch sử của vùng đất phía Nam của tổ quốc: Văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa và nước Champa; Văn hóa Giồng Phệt lên văn hóa Óc Eo và nước Phù Nam. tất nhiên không chỉ/không phải đơn tuyến và đơn giản như vậy!
- Là những cảng thị cổ cho thấy mối quan hệ giao lưu rộng rãi và mạnh mẽ của hai khu vực này với nhiều nơi ở ĐNA và xa hơn... Đây là những yếu tố quan trọng góp phần cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa giồng Phệt và văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sử, văn minh Óc Eo, văn minh Champa trong những thế kỷ về sau”.
Có thể coi đó là những đặc trưng của Hội An thời tiền – sơ sử, cách nay trên dưới hai ngàn năm. Từ đó và trên cơ sở đó, trong quá trình lịch sử về sau Hội An đã tạo dựng được bản sắc riêng mà không làm thay đổi những đặc trưng vốn có, phát triển nó trong bối cảnh xã hội mới, phản ánh toàn diện những mối quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa của Hội An – Xứ Quảng – Đàng trong với nhiều quốc gia.
Thương cảng Hội An hình thành từ thế kỷ XVI, thịnh đạt nhất trong thế kỷ XVII-XVIII và suy giảm từ thế kỷ XIX. Mặc dù thời gian tồn tại không dài, quy mô của đô thị Hội An trong thời thịnh vượng không lớn, nhưng Hội An có vị trí và vai trò quan trọng, có đặc trưng lịch sử - văn hóa độc đáo. Cho đến nay, trong khi hầu hết các đô thị cổ khác trải qua những biến thiên của lịch sử và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên đã bị hư hỏng biến dạng, hoặc bị cải tạo xây mới theo kiểu hiện đại, chỉ sót lại vài di tích rời rạc, thì Hội An lại được bảo tồn khá nguyên vẹn. Chính vì vậy mà đô thị cổ Hội An được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới căn cứ vào hai tiêu chí:
*Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
*Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo .
Cùng với đó, Hội An còn như “bảo tàng sống” của một đô thị truyền thống, một không gian văn hóa phi vật thể hết sức phong phú và giá trị. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những lối sống nếp sống, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian phong phú và đa dạng. Tất cả sinh hoạt văn hóa cộng đồng được “Người Phố Hội” gìn giữ và lưu truyền tạo nên sức hấp dẫn lớn.
Như vậy từ điều kiện tự nhiên và quá trình lịch sử, Hội An đã phát triển các đặc trưng thời tiền - sơ sử thành ba đặc trưng cho Hội An ngày nay:
1/Đô thị - thương cảng cổ
2/Đô thị dung hợp nhiều nền văn hóa
3/Bảo tàng sống của đô thị truyền thống
Đó là ba “ADN văn hóa” cơ bản gắn bó chặt chẽ với nhau và là điều kiện cho nhau tồn tại. Nếu các ADN này biến mất hay biến dạng thì Hội An sẽ không còn là Hội An nữa, thành phố không còn những “tài nguyên văn hóa” là “lợi thế cạnh tranh” trong khu vực và quốc tế, đảm bảo cho phát triển bền vững.
Mỗi đô thị đều sở hữu những tài nguyên văn hóa riêng biệt, độc đáo, bao gồm di sản lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan đô thị hoặc địa danh. Chúng cũng bao gồm truyền thống địa phương và bản địa về cuộc sống cộng đồng, lễ hội, nghi thức, ngôn ngữ, ẩm thực, các hoạt động giải trí... hợp thành tài nguyên văn hóa của đô thị. Một trong những phương thức khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa và thúc đẩy chúng phát triển, đồng thời duy trì và “bảo tồn” những tài nguyên ấy là sáng tạo “sản phẩm văn hóa mới” từ “tài nguyên, nguyên liệu” vốn có của địa phương. Khi yếu tố sáng tạo được chú trọng trong việc sử dụng và phát huy tài nguyên văn hóa, nó sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét