Những mảnh quê hương êm đềm

 

Chiều qua trước khi dạy lớp buổi tối, mình ghé Hội Mỹ thuật TP để xem triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Hồng Quân, một người bạn từ thủa nhỏ cùng học cùng lớp ở cùng một khu tập thể. Nguyễn Hồng Quân là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân và nghệ sĩ Phi Điểu – hai người em, người bạn thân thiết của ba má mình. Nhớ đến Quân là mình nhớ hồi nhỏ Quân quậy phá thôi rồi, năm ngày ba trận bị chú Phan Nhân la phạt. Đặc biệt hình như lúc nào hai cái chân của Quân cũng thay phiên nhau... bó bột, vì Quân hay leo trèo những chỗ nguy hiểm, đã thế còn lê cái chân bó bột chạy nhảy liên tục chứ cón ngồi yên bao giờ.

 Vì vậy xem tranh của Quân qua FB từ nhiều năm nay, mình thích thú vì những bức tranh màu nước của Quân rất chân thật và giản dị, đồng thời ngạc nhiên với nhiều hình ảnh quá đỗi dịu dàng... khắc hẳn Hồng Quân mà mình từng biết. Lần này trực tiếp xem 120 bức tranh màu nước của Quân thực hiện trong hai năm bị “cấm cung” vì covid, ấn tượng đó càng rõ ràng hơn. Số lượng tranh triển lãm là sức lao động miệt mài và nguồn tư liệu dồi dào tích lũy từ những chuyến đi thực tế khắp nơi.

Đúng như tên gọi của cuộc triển lãm “NHỮNG GÌ YÊU THƯƠNG NHẤT”, sự chân thành, giản dị đời thường được Quân thể hiện trong các tác phẩm đã mang lại nhiều cảm xúc cho mình. Chiếm số lượng lớn là những bức tranh về sông biển, đặc biệt là sông nước miền Tây – quê hương của cả hai đứa mình. Hình ảnh chiếc ghe trên sông với đôi vợ chồng, người dân chài sửa ghe chuẩn bị cho chuyến đi hay nhộn nhịp người buôn bán trên ghe, chiếc ghe với những cần xé trái cây, chở đầy giỏ hoa ngày giáp tết... là những khoảnh khắc bình dị và đẹp đến nao lòng. Ngôi nhà sàn bên sông, những góc sân góc bếp, những “tĩnh vật” thân thuộc quá... Tranh của Nguyễn Hồng Quân đầy ắp những chi tiết cuộc sống của người bình dân, tưởng là “vụn vặt” nhưng đó là những “cái đinh” neo lại trong ta nỗi nhớ quê hương... Nếu có gì hơi tiếc thì đó là tựa đề các bức tranh chưa hay, quá “tả thực” mà chưa diễn tả đúng những gì tác giả muốn nói và người xem cảm nhận được.

 Mình và Quân chỉ được về quê hương khi đã 17, 18 tuổi nhưng cả đời sống ở thành phố. Vậy mà những bức tranh của Quân cũng như những chuyến đi của mình mang lại rõ ràng hơn “huyết thống” miền Tây trong mình. Đó là quê hương trong sâu thẳm ta luôn nhớ thương, và vì sao bao người luôn về quê sau những tháng ngày vất vả mưu sinh ở thành phố chính là ở sự gắn bó này.  

Tranh của Nguyễn Hồng Quân là cuộc sống sinh động, là những người lao động cần mẫn... mà ta có thể bắt gặp đâu đó trên đường đi, trong một phút dừng chân hay thậm chí một ký ức thoáng hiện lại trong giấc mơ... Dù ở đâu, khi trong trái tim mỗi người còn có một mảnh quê hương dịu dàng êm đềm như thế thì đó vẫn là nơi để ta có thể trở về.

12.1.2021



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...