TÁI LẬP TUYẾN ĐƯỜNG LÊ LỢI: TẠO SINH KHÍ MỚI CHO VÙNG DI SẢN

TTO - Tuyến đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) vừa được tái lập sau 8 năm bị rào chắn để thực hiện dự án metro. Thông tin này được người dân TP đón nhận với nhiều cảm xúc.

Tuổi Trẻ giới thiệu chia sẻ của tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU về cảm xúc của một công dân TP và những gửi gắm đến chính quyền quận 1 về việc khai thác trục trung tâm Lê Lợi dưới góc nhìn lịch sử - văn hóa đô thị.
TS Nguyễn Thị Hậu nói: "Nói cho cùng thì mỗi TP cũng chỉ có một khu đáng để gọi là trung tâm, là mặt tiền, diện mạo của TP. Đối với TP.HCM thì chắc chắn đó là khu vực Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - chợ Bến Thành, không thể nói khác được. Khi các rào chắn, sự ngổn ngang của đại công trình đã kết thúc, mặt bằng cảnh quan được trả lại, đời sống kinh tế, văn hóa, giao thông trên trục đường được tái lập sau 8 năm - một khoảng thời gian không hề ngắn. Dẫu mong muốn công trình có thể hoàn thành sớm hơn, hoàn trả cảnh quan sớm hơn thì tốt hơn, nhưng nay cũng đã hoàn thành, vậy là rất đáng mừng, mừng cho không chỉ người dân trực tiếp ở trên trục đường này mà bất cứ người dân nào của TP".
@ Cần những động thái ứng xử tinh tế
* Bà đánh giá thế nào về việc chính quyền quận 1 tổ chức tri ân những hộ dân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp khi thi công ở trục đường Lê Lợi?
- Phải nói gần đây lãnh đạo các cấp từ TP cho đến sở ngành, quận huyện đã có những động thái ứng xử kịp thời với người dân kể cả việc xin lỗi, cảm ơn. Trong sự thay đổi về cách ứng xử đó, việc quận 1 tổ chức tri ân các hộ dân vừa thể hiện sự tình nghĩa, truyền thống tốt của TP vừa là ứng xử chính trị mang tính nhân văn. Những động thái ứng xử tinh tế như vậy của chính quyền sẽ mang lại cảm xúc tích cực cho người dân bởi họ thấy được tôn trọng.
* Còn nhớ năm 2014, bà cũng từng "than phiền" khi TP rào chắn tuyến Lê Lợi mà người dân bị ảnh hưởng trực tiếp gần như hoàn toàn bỡ ngỡ? Nay chính quyền cần làm gì để khắc phục sự gián đoạn đến 8 năm với tuyến Lê Lợi?
- Đúng vậy. Trục đường Lê Lợi quan trọng như vậy nên khi bị rào chắn làm gián đoạn, đảo lộn đời sống. Sinh hoạt, kinh doanh của các hộ dân và nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp. Đương nhiên lợi ích và bộ mặt của TP cũng bị thiệt hại, chứ không chỉ người dân sinh sống và kinh doanh trên tuyến đường này. Thiệt hại này khó mà đong đếm, đền bù. Sự ứng xử vội vàng lúc đó của cơ quan chức năng làm nhiều người dân không vừa lòng. Nhưng nay cách ứng xử đã thay đổi, chính quyền đã có nghĩa cử cần thiết đối với những người hy sinh trực tiếp lợi ích cho lợi ích chung của cộng đồng.
Tôi cho rằng điều đầu tiên chính quyền cần làm là phải khôi phục lại sớm nhất các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch ở khu vực quan trọng như thế này. Đồng thời cũng khôi phục lại sự thông thương giao thông, giúp giải tỏa áp lực cho các tuyến đường xung quanh. Tất cả nhằm mang lại "sinh khí" mới cho khu vực này.
@ Tái lập bùng binh trước chợ Bến Thành và bùng binh đường Nguyễn Huệ
* Với việc TP sẽ quy hoạch Lê Lợi thành tuyến phố đi bộ trong thời gian tới, bà có ý tưởng gì đóng góp cho chính quyền?
- Ý tưởng biến khu vực Nguyễn Huệ mà sắp tới là Lê Lợi thành phố đi bộ là phù hợp, nhiều thành phố cũng đã làm tương tự như vậy. Dưới góc nhìn nghiên cứu về lịch sử - văn hóa đô thị, tôi mong cơ quan chức năng của TP lưu tâm hai vấn đề.
Thứ nhất là cần tái lập các cảnh quan kiến trúc gắn với lịch sử, với không gian văn hóa, ký ức về TP. Cụ thể cần tái lập ngay bùng binh trước chợ Bến Thành và bùng binh đường Nguyễn Huệ trước trụ sở UBND TP. Vì hai bùng binh này làm cho trục Lê Lợi được chuyển động liên tục, từ UBND TP là biểu tượng về chính trị, về quản lý nhà nước nối với chợ Bến Thành là biểu tượng của TP về kinh tế. Hai bùng binh này kết nối với nhau biểu trưng cho trục phát triển liên tục, năng động của TP.
Bên cạnh đó, cần có phương án khai thác hiệu quả để giữ lại cho được chợ Bến Thành với chức năng là trung tâm thương mại truyền thống. Chợ Bến Thành là biểu tượng gắn với lịch sử thương mại, văn hóa của đô thị Sài Gòn, nói rộng ra là vùng Nam Bộ, nhất là trong tương lai khi chức năng, hiệu quả về kinh doanh, thương mại truyền thống của chợ bị thách thức bởi sự phát triển của các trung tâm thương mại tại khu vực, của metro. Khi ấy, chính quyền nên có phương án chuyển đổi về kinh doanh tại chợ, ví dụ như chuyên kinh doanh ẩm thực truyền thống, hàng handmade, đồ lưu niệm đặc trưng của Việt Nam gắn với phố đi bộ.
Thứ hai là về quy hoạch tuyến Lê Lợi kết nối với không gian ngầm của metro và trục Nguyễn Huệ thành phố đi bộ. Theo tôi, chỉ nên bố trí khung thời gian phù hợp. Ví dụ có thể làm "phố đi bộ" từ chiều tối thứ sáu đến hết tối chủ nhật hằng tuần. Như vậy là vừa phù hợp với nhu cầu đi bộ, giao lưu, dịch vụ ở khu trung tâm của TP, giống như Hà Nội và các thành phố du lịch khác trên thế giới. Còn lại những ngày trong tuần là để dành cho nhu cầu giao thông, thụ hưởng cảnh quan của mọi người dân TP khi đi qua khu vực này bằng các phương tiện khác.
Ngoài ra, tôi cũng mong chính quyền quận 1 và TP xem xét kết nối tuyến Nguyễn Huệ - Bến Bạch Đằng - Cầu Móng để liền mạch và gia tăng cảnh quan tham quan cho người dân và du khách mà nhất là giới trẻ.
* Hiện nay, quận 1 đang nghiên cứu xây dựng đề án quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường khu trung tâm để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế, thu hút du lịch, xây dựng bộ mặt đô thị khu trung tâm... Bà có lưu ý gì với chính quyền quận?
- Trước tiên phải khẳng định ngay là quận 1 đang có các điều kiện hạ tầng với không gian kiến trúc, không gian văn hóa... để thực hiện các ý tưởng xây dựng, phát triển quận nói riêng và TP nói chung.
Và với hạ tầng hiện có thêm tuyến Lê Lợi được tái lập thì quận 1 đang có cơ hội rất tốt để thực hiện các ý tưởng mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân của quận, của TP. Vấn đề còn lại là quận 1 nắm bắt cơ hội đó thế nào. Mà nếu không làm tốt thì có lẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai. Quận 1 tính toán phương án quy hoạch nào đi nữa thì cũng cần xác định rõ các giá trị cốt lõi của khu trung tâm gắn với đặc trưng cảnh quan, đời sống dân cư, văn hóa của khu vực vốn là các yếu tố tạo nên hồn cốt của khu trung tâm.
Bởi lẽ tuyến Lê Lợi cùng với Nguyễn Huệ, Bến Bạch Đằng, Hàm Nghi mở rộng đến đường Nguyễn Du, nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, dinh Thống Nhất, Sở thú... là "vùng di sản đô thị". Vùng di sản vốn cực kỳ nhạy cảm về cảnh quan, kiến trúc và nhạy cảm cả về cách ứng xử với bất cứ một công trình nào trong đó. Cho nên bất kỳ tác động, quy hoạch nào ở khu vực này cần cân nhắc kỹ lưỡng; tránh việc vội vàng hay chạy theo phong trào, thành tích mà làm hỏng trục di sản.



NGÀY ĐỘC LẬP, NHỚ CHA !

 Đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch

Nguyễn Thị Hậu

Mỗi năm gần đến ngày Quốc khánh 2/9 – là ngày Độc Lập, như trong gia đình ông bà tôi vẫn gọi – tôi lại nhớ đến những gì ba tôi thường kể về những ngày đi theo “tiếng gọi sơn hà” từ tháng tám năm 1945.

1.

Ba tôi kể rằng, nhà ông nội tôi khá nghèo, phải mướn ruộng của địa chủ để làm. Dù thiếu trước hụt sau nhưng ông bà nội cũng ráng chắt bóp dành dụm cho con đi học. Vì quá lao lực nên ông nội bị đau phổi. Sau một ngày lặn lội ngoài đồng, ông nội tôi về nhà nằm dài, hai tay ôm ngực, ho khúc khắc cả đêm. Ba tôi từ lúc năm, sáu tuổi đã biết trông em nhỏ để bà nội làm việc nhà, xay lúa giã gạo... Lớn hơn một chút, được đi học ở trường làng một buổi, ngoài giờ học còn phụ má làm vườn, rồi học bài tới khuya.

Từ nhỏ ba tôi đã rất mê coi hát. Mỗi lần có gánh hát tới diễn tại đình làng là ông lại nôn nao không học hành gì được. Không tiền mua vé, có lần ông lén chui vô coi ké, bị bắt được, bị đánh… Mặc, ông vẫn mê coi hát vì tiếng đờn câu ca quyến rũ. Sau những đêm coi lén cải lương, hát bội ở đình, ông thường trằn trọc không ngủ được. Ông tiếp tục hình dung cuộc đời các nhân vật trong vở hát vừa chấm dứt...  để rồi ngủ thiếp trong sự thất vọng không bao giờ biết những con người “bí ẩn oai hùng” đó sẽ như thế nào.

Nhờ được ông nội cho đi học sớm, bác Ba tôi lại học giỏi nên từ trường làng trên Cù Lao Giêng (An Giang) bác đã thi đậu vào trường “nhà nước” Collège de Mỹ Tho (Tiền Giang), được học bổng nên đỡ phần nào cho gia đình. Rồi bác Ba tôi thi đậu vào trường Y, học ở Hà Nội và qua Pháp, sau khi tốt nghiệp thì về làm bác sĩ ở Sài Gòn. Bác Ba thay ông bà nội nuôi các em tiếp tục ăn học. Cho đến khi ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm, trở thành một thầy giáo trẻ.

Đầu tiên ba tôi tôi về dạy học ở Cái Răng, một thị trấn nhỏ – nay là một quận của thành phố Cần Thơ. Sau đó được đổi về dạy ở quê nhà, trường huyện Chợ Mới – An Giang. Sau này nhà văn Nguyễn Quang Sáng – đồng hương và cũng là bạn thân của ba tôi – nhớ lại thời gian đó như sau.

“ Khoảng năm 1942, thầy Nguyễn Ngọc Bạch về dạy ở trường tiểu học huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, nay là An Giang. Thầy dạy lớp nhì một năm, tôi học lớp nhì hai năm. Tôi không học trực tiếp với thầy nhưng gần gũi với thầy hơn các học trò của trường. Là thầy nhưng thầy có “máu đờn ca xướng hát”. “Thầy mà cũng biết đờn tụi bây ơi!”, thầy giáo mà biết đờn đối với đám học trò chúng tôi là một điều lạ – Sau buổi học chiều, học trò lớp nào cũng được, hễ thích hát thì thầy dạy. Thầy dạy hát với tiếng đàn “banjo” nghe dòn tan. Trường chúng tôi nằm ngoài phố chợ, lặng lẽ bên hàng cây “dái ngựa”. Tiếng hát của bọn trò nhỏ chúng tôi cứ vang xa, vang xa. Chính thầy là người mang niềm vui qua tiếng hát cho một phố huyện buồn. Rồi thầy tuyển chọn một số trong chúng tôi, thầy lập gánh hát, ngày hè, thầy dẫn chúng tôi đi khắp nơi, chúng tôi đi đến đâu dân làng vui đến đó…

Ba tôi cũng viết trong hồi ký : “ Trước năm 1945, khi còn là một thầy giáo dạy ở trường quận, tôi đã mê diễn kịch, tôi hăng hái tập cho học trò hát những bài như: Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng Giang, Kinh cầu nguyện, Xếp bút nghiên… Hè năm 1943, tôi tổ chức một đêm diễn: có hài kịch ngắn, có đồng ca, có đơn ca và bản thân tôi cũng tham gia diễn kịch. Buổi diễn khá thành công. Tôi viết thư về báo cho tía tôi. Tía ghi chú vào chỗ giấy còn trống trong thơ: “Tía coi thơ này mà rùng mình, rợn óc cho tương lai của con. Nếu tạo vật dắt đường cho con đi về con đường hát xướng thì đời con sẽ vất vả, nhưng mạng vận biết sao ? ”.

Ba tôi thường nói, ông mê nghề hát một phần nhưng mê được đi đây đi đó, đến những vùng đất lạ tới hai, ba phần. Nghề hát sẽ cho ông thỏa mãn cả hai đam mê đó. Nhưng ông nội tôi theo đạo Phật, thường dạy con cái về nhân nghĩa nhưng cần an phận thủ thường. Mà cuộc đời “xướng ca vô loài” như quan niệm thời ấy thì quá nhiều bất trắc, “xảy nhà ra thất nghiệp”...

2.

Cách mạng tháng Tám, rồi ngày 23.9.1945 kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, ba tôi được Ủy ban tỉnh An Giang giao cho việc thành lập Đoàn kịch Cứu quốc. Khi nghe ba tôi xin phép, ông nội tôi suy nghĩ một hồi rồi nói : “ Tía xem đời Cụ Hồ chẳng khác nào như đức Thích Ca. Cụ là người như vậy, mà cụ cho hát, chắc là hát có ý nghĩa. Trào Tây, hát là xướng ca vô loại. Bây giờ, hát cho Chính phủ Cụ Hồ là hát cứu nước. Tía đồng ý cho con đi hát ”.

Ngày đó, khi đồng ý cho hai người con là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và ba tôi theo Việt Minh, ông nội đã khấn trước bàn thờ Phật “ Hôm nay con đưa hai con đi theo Cụ Hồ đánh Tây giành độc lập, không để cho thằng Tây ngồi lên đầu lên cổ dân mình. Con cháu có gì sai quấy mong Cụ dạy bảo. Cầu trời Phật ông bà phù hộ cho con cháu bình an ! ”. Giản dị vậy thôi! Năm 1947 ông nội tôi bị Tây bắn chết vì không chịu gọi hai người con đi kháng chiến trở về.

Đối với ông nội tôi, Cụ Hồ là người đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Bác tôi, ba tôi và nhiều trí thức Nam bộ thời đó dù được học bổng của chính quyền Pháp để thành bác sĩ, thầy giáo, kỹ sư, luật sư, công chức… nhưng nhờ có học nên họ hiểu rằng không ai có quyền áp bức bóc lột ai, họ tiếp nhận văn minh phương Tây để hiểu về Tự do, Bình đẳng, Bác ái giữa các quốc gia, họ đấu tranh chống lại chính quyền thuộc địa vì nền độc lập của đất nước mình.  Sự giác ngộ đầu tiên của ba tôi và nhiều người cùng thế hệ ông là niềm tin vào tấm gương Cụ Hồ vì dân vì nước, dù chưa hiểu biết nhiều về “lý tưởng cộng sản” nhưng là những người yêu nước, mục tiêu vì Độc lập Dân tộc là ước nguyện và niềm tin của những trí thức Nam bộ. Vì vậy họ đã tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kể từ ngày đó, ba tôi và đoàn hát của ông đã vượt qua chín năm dài khó khăn và ác liệt, đi bộ chèo ghe băng đồng lội nước lưu diễn khắp miền Tây Nam Bộ. Cũng trong những ngày này ba tôi đã sáng tác nhiều ca khúc như Hồn thiêng chiến sĩ, Tuyên truyền lưu động, Làn sóng dân chủ, Tháp Mười anh dũng... Nhưng trong đó ca khúc Cương quyết ra đi sáng tác ngày đầu khánh chiến  là một bài hát được nhiều người yêu thích và thuộc lòng. “ Cờ Việt Nam bao năm nhuộm máu hùng anh... Ta ra đi mùa thu xa xưa ấy, vung gươm thiêng ta cắt đứt đường tơ vương ”. Sau này khi biết ba tôi là tác giả bài hát, có người nói vui “ tại Cương quyết ra đi của anh mà tui đi theo kháng chiến đó ! ”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng nhớ lại : “ Kháng chiến. Học trò trở về trường nhưng thầy không dạy nữa, thầy đã vào bưng biền rồi, thầy đã “Cương quyết ra đi” như lời bài hát đầu tiên của thầy vang trên khắp nẻo đường kháng chiến. Thầy lập đoàn hát “Cứu quốc đoàn”, “Tuyên truyền xung phong” từ sông Tiền dài xuống sông nước vùng đất U Minh, từ đó thầy gắn cuộc đời mình với sân khấu, từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc trở về Nam cho đến hết cả cuộc đời ”.

Tại bưng biền miền Tây, theo chỉ đạo của bác Ba tôi lúc đó là Giám đốc Sở Y tế Nam bộ – bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng sau này là Bộ trưởng bộ Y tế nước VNDCCH – ba tôi lập đoàn “Truyền bá vệ sinh”, ông sáng tác những vở kịch, bài ca vui nhộn, sinh động mà rất khoa học để tuyên truyền cho đồng bào giữ vệ sinh nhà ở, nhà tắm, cầu tiêu, giữ sạch môi trường sinh sống như kinh rạch, vườn tược, góp phần bảo vệ sức khỏe và tránh các dịch bệnh... Không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì được giao, các đoàn hát của ông đi đến đâu cũng được đồng bào, chiến sĩ yêu mến, trông đợi... Nhờ đó, ông cũng “tuyển” được nhiều “diễn viên”. Sau này một số cô chú tập kết ra miền Bắc và trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng.

3.

Năm 1954, theo sự phân công của tổ chức, ba tôi cùng nhiều đồng nghiệp đi tập kết. Hồi ký của ông viết : “ Lần đầu tiên có chuyến đi xa nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không ? Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên bãi biển. Đông đảo đồng bào nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi đau quặn vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau mà vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ ”.

Kế tiếp là những năm dài ông thường xuyên vắng nhà vì những chuyến lưu diễn khắp nơi của Đoàn Cải lương Nam bộ, Đoàn kịch nói Nam bộ mà ba tôi làm trưởng đoàn: rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương, đường 559 Trường Sơn… Cho đến tháng 4.1975 ông được trở về Sài Gòn, về An Giang quê hương yêu dấu sau hơn hai mươi năm “ngày Bắc đêm Nam”.

Trên đây là những gì tôi được nghe ba tôi kể lại và vài đoạn trong hồi ký của ông. Từ một thầy giáo “ham đờn ca hát xướng”, ông đi kháng chiến đánh Tây giành độc lập bằng cách góp công sức làm nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Ông luôn nói với tôi: Cuộc đời ba có may mắn lớn là vừa được tham gia kháng chiến vừa được thỏa niềm đam mê đi hát của mình ! Ông đã làm người nghệ sĩ – chiến sĩ cho đến cuối đời.

Câu chuyện đi theo cách mạng của ba tôi và của nhiều chú bác cùng thời rất tự nhiên và giản dị như lẽ sống đời thường, nhưng đã cho chúng tôi hiểu sâu sắc một điều : “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” là mục tiêu của nhà nước ra đời vào ngày 2/9/1945, cũng là lý tưởng thiêng liêng của những người tham gia cách mạng thuộc thế hệ “mùa thu rồi ngày hăm ba”. Họ dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm và hết mình lao động xây dựng tổ quốc, không màng danh lợi, là vì hơn ai hết, họ hiểu giá trị của nền Độc lập chỉ trọn vẹn khi nhân dân được Tự do và Hạnh phúc ! Chừng nào nhân dân chưa được hưởng Tự do và Hạnh phúc như những giá trị phổ quát của nhân loại thì đất nước còn chưa có được một nền Độc lập mà những thế hệ trước đã hy sinh xương máu, tính mạng và tài sản của cải để giành lấy.

Hình ảnh tư liệu gia đình:

Ba má tôi ở Hà Nội, cuối năm 1971.


Với bác ba Nguyễn Văn Hưởng và bác gái, HN 1971






NHỮNG NHỎ BÉ THƯƠNG MẾN NGÀY XƯA

 Tặng các chị em và các cháu gái <3

 Nguyễn Thị Hậu 

Những ngày giáp tết nhà nào cũng có cảm giác sao nhiều việc thế, nôn nao chưa xong việc này đã thấy việc khác trước mắt. Rồi thì bà thì mẹ “bỗng dưng” cứ à với ồ, sau những cái à ồ ấy thế nào bọn trẻ cũng có thêm vài việc vặt... phổ biến nhất là dọn dẹp quét tước nhà cửa, rồi giặt giũ chăn màn chiếu gối, rồi gọt thái củ quả làm mứt, làm dưa góp dưa món... Những việc vặt thôi nhưng để làm thì phải có những vật dụng quen thuộc, hàng ngày đã cần thì ngày tết lại càng cần hơn.

Thời bao cấp trong các khu tập thể cao vài tầng gác, mỗi nhà thường có một cái “chổi lúa” quét nhà. Nhà ai dưới đất hay ngoài phố thì có thêm cái “chổi rễ” quét sân, dọn cống rãnh. Những cái chổi thường cái cán ngắn, nếu không tìm được đoạn tre buộc vào cho cán dài hơn thì phải khom mỏi lưng để quét. Tôi nhớ trong phim hay trên sân khấu kịch hay có cảnh “người mẹ (người bà) dừng tay quét, đưa tay ra sau đấm đấm lưng, mắt nhìn xa xăm như chờ người đi xa về ăn tết”.  Chỉ vài nhà có thêm cái chổi lông gà (thường để phủi bụi bàn ghế), đến tết lại vất vả đi tìm cành tre dài nối vào quét mạng nhện. Chưa kịp làm mà cả xóm mượn vòng quanh thì đến khi nhà dùng chổi lông gà đã rụng rơi gần hết.

Thời ấy nhà ai cũng chật, ngoài cái giường đôi cái tủ quần áo còn lại tất tật tống vào gầm giường kê cao thêm bằng mấy hòn gạch. Nền nhà tráng xi măng hay may mắn có “gạch hoa” thì luôn được lau sạch sẽ, mùa đông mùa hè đều bỏ guốc dép ngoài cửa. Việc lau nhà thường dùng khăn mặt hay áo may ô cũ bằng vải dệt kim thấm hút nước tốt, ngồi xổm và kéo lê cái chậu cái xô vòng quanh để lau hai ba lượt. “Bò ra mà lau nhà” là bình thường.

Những ngày mưa dầm hay sau tết giời nồm, quần áo giặt phơi không bao giờ khô, âm ẩm lành lạnh, vài ngày đã có mùi ẩm mốc. Khổ là giặt xong chỉ phơi ngang dọc trên đoạn dây phơi ngắn trong nhà hay ngoài hiên, nhà có trẻ con nhiều quần áo còn phơi chồng lên nhau, chị em phơi đồ lót phải phủ áo lên trên “cho kín đáo”... Gần tết mà trời hửng nắng thì quanh bể nước nhộn nhịp người múc nước người giũ xả chăn màn người giặt chiếu, rồi phơi la liệt bất cứ chỗ nào có thể. Chiều tối có nhà để bếp than tổ ong trong nhà để hong tã lót em bé, nhà kín đáo hơn cắm bếp điện dù điện yếu đoạn dây “mai-so” chỉ hồng hồng một chút.

Mỗi khi làm bếp nhiều cô gái sợ phải gọt củ quả bằng dao con, vụng tay hay dao cùn thì gọt vỏ bí bầu mướp hay bị sứt sẹo trông hết cả ngon lành lại còn bị mẹ mắng. Thỉnh thoảng nhà ăn rau sống, nhìn mớ rau muống tự chẻ có thể biết con gái nhà này có khéo tay không. Có lúc người ta nghĩ ra việc gài cái kim băng ở đầu mũi dao để canh độ dày mỏng, gọt vỏ bầu bí mướp hay chẻ rau vừa nhanh vừa đẹp. Nhưng không phải ai cũng làm thế vì sợ bị chê là “vụng”, là “vẽ chuyện”.

Những thứ bất tiện ấy cứ tồn tại mãi trong cuộc sống, một thời quen thuộc đến mức “đương nhiên”, không ai thấy sự mất công là phiền phức, không thấy cần phải “cải tiến” hay thay đổi cho thuận tiện hơn - dù trong lao động sản xuất thì luôn có phong trào thi đua “cải tiến kỹ thuật” sao cho “nhanh nhiều tốt rẻ”. Hàng ngày làm công việc nội trợ, phụ nữ “đảm đang khéo léo” chăm chỉ cứ phải luôn tay luôn chân. Nếp cũ thế nào thì người sau làm vậy, “cần cù bù thông mình” được coi là một lời khen ngợi, động viên.

***

Bắt đầu từ “thị trường” hàng hóa phong phú đa dạng ở miền Nam, sau thời bao cấp hàng tiêu dùng sản xuất ngày càng nhiều, chất liệu, mẫu mã được cải tiến, thay đổi phù hợp và thuận tiện hơn cho người dùng. Đáp ứng nhu cầu thị trường làm cho cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn.

Chỉ chuyện cái chổi cái giẻ thôi, bây giờ biết bao loại chổi, giẻ lau nhà? Bên cạnh “chổi đót” phổ biến nhất còn có thêm chổi bằng sợi nilon giả đót, hình dáng màu sắc y hệt nhưng không bị rụng bông ra nhà, lại bền hơn. Chổi nào cũng có cán dài vừa tầm, có thêm cái hót rác và giỏ rác xinh xắn bằng nhựa đủ màu, trong nháy mắt nhà cửa sạch sẽ. Công sở có bộ chổi và ky hót rác gắn liền giúp chị lao công đỡ vất vả. Gần tết thế nào cũng có mấy ông bán chổi rong, tiếng loa pin oang oang “chổi lông gà chổi quét nhà” cụt ngủn chứ không ngân nga “chổi các loại đâyyyyy”... như ngày xưa. Gác dọc chiếc xe máy hay xe đạp là những cây chổi muôn màu sắc đã có cán dài ngắn khác nhau, chổi lông gà quét mạng nhện dài nhất, từ xa đã thấy những túm lông rực rỡ báo hiệu sắp đến những ngày bận rộn dọn dẹp quét tước.

Siêu thị, ngoài chợ bán rất nhiều loại cây lau nhà đủ màu sắc và chất liệu, loại nào cũng có cán dài vừa tầm đứng, có thể nhẹ nhàng đẩy lau mọi ngóc ngách. Từ loại miếng giẻ sợi cố định ở đầu cây lau đến loại có thể thay được miếng giẻ mới... nay thì phổ biến là combo cây lau nhà có thể xoay tròn và thùng đựng nước lại biết vắt khô giẻ lau. Nếu mà có “Huân chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” thì tôi sẽ ủng hộ việc tặng thưởng cho phát minh ra combo này.

Khâu giặt giũ thì đã có máy giặt gia đình và cửa hàng giặt sấy có luôn ủi là gấp gọn nữa. Quần áo ngày một nhiều hơn nhưng đã có những chiếc móc áo tiện dụng, một lúc phơi được nhiều quần áo thẳng thớm, kín đáo và đẹp mắt. Xưa ít nhà có móc áo bây giờ móc nhựa móc nhôm hay inoc, lớn nhỏ, dài ngắn. Tã lót em bé đã có dàn phơi tròn có nhiều cái kẹp, tha hồ kẹp tất bao tay khăn tã quần áo... Lại còn “dàn phơi thông minh” lắp đặt sẵn linh hoạt kích thước, phơi chăn màn rất tiện. Từ nông thôn đến căn hộ ở thành phố, việc sử dụng móc áo đã tiết kiệm một cách có hiệu quả không gian phơi quần áo, làm cho trong nhà gọn gàng ngăn nắp và cảnh quan chung văn minh hơn.

Trong bếp bây giờ không thể thiếu con dao bào, thậm chí có nhiều kích cỡ khác nhau.  Không còn phải mắm môi mắm lợi đưa con dao đi cho khéo mà vẫn bị đứt tay, giờ thì củ quả gọt xong láng mướt ngon lành. Lại có thêm dao cắt tỉa hoa lá... món xào món nấu, hũ dưa chua dưa góp vừa đẹp vừa ngon. Ngày giỗ ngày tết “chấp hết” hàng rổ củ quả nhé, phụ nữ vẫn khoe tài khéo léo mà đỡ vất vả hơn nhiều.

Những vật dụng nhỏ bé này có mặt bên ta hàng ngày, ít người để ý cho đến khi thấy... thiếu, vì nó cần thiết cho công việc nội trợ nói nói chung và phụ nữ nói riêng. Tuy không phải là máy móc hiện đại hay đồ dùng đắt tiền, chức năng cũng đơn giản, nhưng nhờ luôn được cải tiến nên người dùng đỡ mất công sức và thuận tiện hơn, mang lại tâm lý thoải mái khi làm việc nhà. Cuộc sống tốt đẹp hơn có khi bắt đầu từ việc nhà cửa gọn gàng bếp núc ngăn nắp, khi công việc nội trợ hàng ngày trở nên nhẹ nhàng và thoải mái.

“Bình đẳng giới” không chỉ là thay đổi quan niệm phong kiến về nữ giới, không phải là “giải phóng” họ khỏi cái bếp hay cây chổi, giẻ lau... Mà còn là và cần hơn là làm sao cho phụ nữ được thực hiện thiên chức “bếp núc” của mình một cách thoải mái, thuận tiện, dễ dàng, để họ có thể giữ gìn sức khỏe, niềm vui, mang lại hạnh phúc lâu dài cho gia đình. Thực hiện bình đẳng giới hay giải phóng phụ nữ không chỉ là khẩu hiệu hay văn bản pháp luật, mà nó bắt đầu từ sự quan tâm và thay đổi những việc nhỏ bé nhưng cụ thể và tinh tế như vậy.

 



 

 

 

“THÀNH PHỐ HƯỚNG BIỂN” XƯA VÀ NAY

 https://laodong.vn/kinh-doanh/thanh-pho-huong-bien-xua-va-nay-1080230.ldo

Nguyễn Thị Hậu

1.

Thành phố Hồ Chí Minh có mặt tiền là biển Đông. Đó là 15km bờ biển thuộc huyện Cần Giờ, hai vịnh Gành Rái (sông Lòng Tàu) và Đồng Tranh (sông Soài Rạp) là cửa ngõ nối liền thành phố, miền Đông Nam bộ với biển Đông. Khu vực Cần Giờ thể hiện rõ nhất tính chất sông nước, biển và ven biển của vùng đất Sài Gòn xưa. Sài Gòn có một hệ thống sông lớn nối liền các vùng đất liền ra cửa biển nên từ thời xa xưa nơi đây đã có sự giao lưu mạnh mẽ với các khu vực khác qua đường biển. Quá trình khai phá vùng đất Sài Gòn và Nam bộ, những người dân từ nơi khác đến nơi này bằng đường biển là chủ yếu, sau đó theo các dòng sông đi sâu vào đất liền và định cư trên khắp đồng bằng sông Cửu Long.

Vị trí địa lý của Cần Giờ khá đặc biệt, đó là vùng cửa sông – vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, lại là “trạm trung chuyển” giữa hai miền lưu vực sông Vàm Cỏ – sông Đồng Nai hay hai vùng Tây Nam Bộ – Đông Nam Bộ. Câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai – Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” xuất hiện muộn vào thời những đoàn lưu dân lênh đênh trên sông nước, ngược từ vịnh biển Cần Giờ vào miền Gia Định – Đồng Nai. Nhưng từ thời tiền sử, cư dân cổ Cần Giờ chọn vị trí “cửa sông vịnh biển” để cư trú, góp phần hình thành một quy luật của “làng Nam Bộ” là định cư trên giồng cao nơi “giáp nước”, nơi gặp nhau giữa nước thủy triều chảy ngược và nước sông chảy xuôi, ghe xuồng ngược xuôi buôn bán thường nghỉ lại đây chờ con nước. Làng mạc mọc lên… ở đâu là nơi giáp nước, ở đó trên bờ là thị tứ, chợ búa…

Tính chất sông nước không chỉ là yếu tố tự nhiên, mà còn tạo ra đặc trưng của nền kinh tế đô thị Sài Gòn: buôn bán bằng đường thủy, hình thành hệ thống bến cảng, kho bãi, nhà máy, công xưởng ven sông. Đồng thời tăng cường tính chất cởi mở “hướng biển” giao thương với nhiều nơi khác, thúc đẩy kinh tế phát triển và góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa thành phố.

2.

Cần Giờ hai ngàn năm trước một “cảng thị” cổ, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hoá bản địa.

Hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ cho thấy vào thời tiền sử, cách đây khoảng 2500 năm cư dân nơi này không phải là cư dân nông nghiệp trồng trọt như nhiều cộng đồng cư dân cùng thời. Người cổ ở Cần Giờ có đời sống kinh tế khá đặc biệt: phát triển thương mại đường sông đường biển kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên. Những di vật thể hiện mối quan hệ giao thương với nhiều vùng khác cho biết Cần Giờ là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hoá bản địa.

Bước vào thời đại kim khí khoảng 2500 năm trước, lưu vực sông Đồng Nai đã là một trung tâm nông nghiệp, quy tụ lượng tài vật khá lớn của phía nam bán đảo Đông Dương. Dựa lưng vào một hậu phương rộng lớn và trù phú như vậy, “cảng thị” Cần Giờ đã có một nền tảng kinh tế – xã hội vững chắc để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cư dân cổ Cần Giờ không hoàn toàn phụ thuộc vào hậu phương mà tự thân họ đã tạo dựng một trung tâm thủ công nghiệp. Sản phẩm của họ mang tính chất hàng hoá, đặc biệt là những mặt hàng quý như đồ gốm có hoa văn đặc sắc, đồ trang sức như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai 3 mấu bằng đá ngọc và thủy tinh, hạt chuỗi mã não, hạt vàng, mảnh vàng có hoa văncó mặt tại các di tích sâu trong lưu vực Đồng Nai là kết quả của mối quan hệ mật thiết với cửa biển Cần Giờ. Từ những nơi khác xa hơn ngoài biển nhiều sản phẩm và kỹ thuật sản xuất đã đến Cần Giờ, như khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung nước ta, quần đảo Philippine, Đài Loan… xa hơn nữa về phía Nam như quần đảo Indonesia, bán đảo Malaysia… đặc biệt yếu tố kỹ thuật Ấn độ trong chế tác mã não, thủy tinh rất rõ ràng và độc đáo.

Đời sống trên biển của cư dân cổ Cần Giờ thể hiện ở loại hình bếp lò gốm (cà ràng), một vật dụng quan trọng đã được của cư dân cổ chôn theo trong mộ táng. Đây là loại bếp gốm dùng phổ biến trên ghe xuồng hay nhà sàn của cư dân sông nước Nam Bộ, cũng là vật dụng quen thuộc của cư dân nhiều nơi ở Đông Nam Á.

Các nền văn hoá khảo cổ thời kỳ tiền sơ sử ở Đông Nam Á đã cho thấy Biển Đông không phải là yếu tố ngăn cách và cô lập các tộc người ở khu vực này, mà trái lại là “chiếc cầu” nối liền các tộc người ven biển với nhau, liên kết giữa Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa, giữa Đông Nam Á với những vùng xa hơn trong Thái Bình Dương bao la. Mối quan hệ giao lưu rộng rãi của “cảng thị” Cần Giờ là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của văn hoá Đồng Nai thời tiền sử đạt đến cực thịnh, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành văn minh Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long từ đầu Công nguyên.

Cần Giờ là huyện duy nhất của TP. Hồ Chí Minh có diện tích rừng lớn, “lá phổi xanh” của thành phố. Rừng ngập mặn Cần Giờ được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng điển hình. Chính vì vậy việc bảo vệ môi trường ở Cần Giờ rất quan trọng. Cần Giờ còn có một hệ thống di tích Khảo cổ học quý giá về mặt khoa học và có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử - văn hóa. Vì vậy đô thị biển Cần Giờ phải được phát triển theo tiêu chí vừa là đô thị hiện đại, vừa bảo toàn môi trường sinh thái tự nhiên và hệ thống di sản văn hóa có giá trị cao. Quy họach phát triển đi đôi với bảo tồn một cách hài hoà sẽ phát huy có hiệu quả giá trị của hệ thống di sản văn hóa Biển đặc sắc ở Cần Giờ.

3.

Thành phố Thông thoáng, Thông thương và Thông minh. Từ đầu năm 2022 TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh và hoàn thành việc chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, mang lại diện mạo hiện đại cho nơi này, đồng thời mở ra hướng quy hoạch chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền” sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đoạn qua thành phố, nhằm thay đổi cả hai bên bờ sông không chỉ ở đoạn trung tâm mà xa hơn, về phía Đồng Nai, Bình Dương hay ra phía Nhà Bè, Cần Giờ. Sự THÔNG THOÁNG không chỉ là cảnh quan một vùng đất mà còn là một đặc trưng về tính cách con người, tinh chất nền kinh tế của thành phố.

Do quá trình hiện đại hóa nên hệ thống bến – cảng công nghiệp đã di dời ra khỏi nội thành. Tuy nhiên, nếu TP. HCM mất tính chất “cảng thị” thì sẽ mất đi một nguồn lực kinh tế cũng như nguồn lực văn hóa có được nhờ tính chất giao lưu tiếp nhận những yếu tố mới từ bên ngoài, qua hệ thống cảng thị. Tính chất “cảng” làm duy trì và phát triển sự cởi mở, năng động của thành phố. Vì vậy, bên cạnh khu vực cảng kinh tế thì khu vực cửa sông – vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ - Vũng Tàu nên trở thành cảng du lịch lớn nhất, “cửa ngõ” quốc tế của thành phố (bên cạnh đường hàng không là sân bay Tân Sơn Nhất và sau này là sân bay Long Thành). THÔNG THƯƠNG là một đặc trưng quan trọng có được từ vị trí địa lý và sự tận dụng, phát huy của người Sài Gòn từ hàng trăm năm trước.

TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng một Thành phố THÔNG MINH không chỉ từ những khu công nghệ cao phần mềm hay từ việc ứng dụng, sử dụng thành quả của công nghệ thời 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Mà sự thông minh đầu tiên là nhận biết những bài học hữu ích từ quá khứ: từ những lợi thế tự nhiên các thế hệ tiền bối đã sử dụng để mang lại sự phát triển thịnh vượng và bản sắc riêng độc đáo của đô thị Sài Gòn.

Trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, nhờ luôn hội tụ và phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, sự giao thương rộng rãi với bên ngoài và nguồn lực vật chất của lưu vực Đồng Nai – Cửu Long, “cảng thị sơ khai” Cần Giờ xưa kia, cảng Bến Nghé thời Nguyễn, cảng Sài Gòn trong thế kỷ XX, và hiện nay là hệ thống cảng biển của TP.HCM đã giữ vững vai trò quan trọng trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là một đặc trưng mang tinh chất lợi thế mà hầu như không có một đô thị biển nào ở nước ta có được.                       

 Hình: Bếp gốm - mô hình chôn trong mộ chum tại di tích Giồng Cá Vồ, H. Cần Giờ TPHCM


Biển Cần Giờ nhìn qua Vũng Tàu


NGÔN NGỮ QUÊ NHÀ hay là "TIẾNG MẸ ĐẺ CHA SANH"

1.

Trước 1975, hồi còn ở HN có thời gian rất dài nhà tôi ở khu tập thể của Đoàn Cải lương Nam Bộ, nơi ba tôi làm việc. Lúc nhỏ tôi thường theo ba đến phòng tập xem các cô chú tập mấy vở cải lương. Phòng tập ở giữa khu tập thể, là một gian phòng rất lớn, trống trải, sát tường có những cây đà gác ngang (giống phòng tập múa, nhưng không có gương) để tập vũ đạo (những động tác cải lương) do ông Tám Danh (nghệ sĩ Nguyễn Phương Danh) hướng dẫn. Những vở cải lương thời ấy tôi xem tập đến thuộc lòng, như Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Mẫu đơn tiên, Thạch Sanh, Người con gái đất đỏ, và Kiều Nguyệt Nga… Diễn viên khi ấy phần lớn là các cô chú anh chị Nam Bộ tập kết ra Bắc, về sau khoảng 1964, 1965 có thêm các anh chị học từ trường Nghệ thuật về đoàn, là người Bắc nên được tập nói tiếng Nam Bộ và không bao lâu thì nói rất thuần thục, như người Nam Bộ.
Cả thời thơ ấu gia đình tôi sống trong môi trường của lối sống, ngôn ngữ Nam Bộ. Nhưng tôi bắt đầu đi nhà trẻ từ khi mới 2, 3 tháng tuổi, rồi đi mẫu giáo đến 4,5 tuổi, một thời gian dài đi sơ tán về vùng nông thôn, rồi về HN đến 1975 thì cùng gia đình trở về Sài Gòn… môi trường học tập và sinh hoạt của tôi là ngôn ngữ miền Bắc. Thế là trong tôi hình thành hai “vùng ngôn ngữ” và qua đó là hai “vùng văn hóa”. Cả hai hòa hợp với nhau và trở thành nguồn vốn văn hóa đa dạng, phong phú, cho tôi nhiều cảm xúc và sự hiểu biết văn hóa các vùng miền khác nhau. Quan trọng hơn nó cho tôi cách nhìn nhận khá cởi mở về sự “khác biệt văn hóa”, sau này khi đi theo con đường nghiên cứu, giảng dạy, tôi cũng phần nào tránh được tư duy “trung ương tập quyền/độc quyền” về văn hóa.
Dài dòng vậy để thấy rằng, ngôn ngữ Nam Bộ luôn là tiếng nói quen thuộc, thân thuộc với tôi từ thời thơ ấu đến bây giờ, nhưng không hề cản trở tôi nói tiếng Hà Nội (và khi viết có phần cũng giống bạn bè Hà Hội), dù đã gần 50 năm tôi sống ở Sài Gòn.
2.
Năm học cấp 3, trong chương trình của môn văn bắt đầu học về tác giả Nguyễn Đình Chiểu với hai tác phẩm tiêu biểu là Lục Vân Tiên (trích đoạn) và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng vở cải lương Kiều Nguyệt Nga nên không xa lạ với hình tượng “Lục Vân Tiên đánh cướp” một cách xả thân quên mình:
"Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân…"
Nhưng cũng rất ý tứ tế nhị với Kiều Nguyệt Nga:
"Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai"
Năm sau tôi học tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tôi còn nhớ thầy giáo khi giảng về bài này đã đọc tác phẩm đúng theo kiểu văn tế ngày xưa, nghe rất lạ nhưng đầy hào hùng và thương cảm. Bình thường mà nghe kiểu đọc ấy chắc bọn nhóc sẽ cười bò lăn – thời ấy tất cả những gì thuộc về “phong kiến” đều là xấu xa, là đáng chê, chưa kể một tâm lý văn hóa “cứ khác mình là… không hay!”. Nhưng bữa đó, có lẽ chính chất mộc mạc, giản dị và thẳng thắn nhưng không gay gắt của ngôn ngữ Nam Bộ đã mang lại một cảm xúc văn chương mạnh mẽ bên cạnh “tinh thần yêu nước” luôn được nhắc đến của tác giả và tác phẩm này. Ngôn ngữ biểu cảm, lời ăn tiếng nói nôm na giản dị là yếu tố thuyết phục nhiều người còn xa lạ với văn chương Nam Bộ.

Với riêng tôi, bài Văn tế... là tác phẩm văn học tôi thuộc lòng ngay từ lần đầu được học, và lần nào đọc lại cũng tràn đầy cảm xúc. Đặc biệt ngôn ngữ và hình ảnh gần gũi thân thuộc như chính bà con anh em tôi ở miền Tây. "Tiếng mẹ đẻ cha sanh" nên tôi luôn yêu thích văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, vì gốc gác gia đình cũng là “dân ấp dân lân” ở miền sông nước Cù lao Giêng, Chợ Mới, An Giang. Mỗi lần về Bến Tre tôi đều tới viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Phan Thanh Giản, mộ cụ Võ Trường Toản, những trí thức danh nhân luôn được người Nam bộ trân trọng và tôn kính!

Nhiều người so sánh văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Du và có ý kiến hơn kém này khác. Với tôi, dù cả hai Nhà thơ đều thấm đẫm tinh thần nhân văn nhưng sự so sánh này khá khập khiễng, bởi xuất thân, bởi môi trường xã hội, và cũng bởi “hoàn cảnh ngôn ngữ” tiếng Việt của hai Cụ quá khác nhau. Một bên quan chức, hàn lâm, chau chuốt, bóng bẩy, “tinh vi”; một bên thầy đồ, bình dân, mộc mạc, có sao nói vậy… Văn chương hay nghệ thuật, với cá nhân người đọc binh thường như tôi, yếu tố quan trọng là hợp hay không hợp, thích hay không thích. Có những tác phẩm hay, tác giả nổi tiếng nhưng có thể không thích/hợp, vậy thôi.Và có lẽ không thể phủ nhận yếu tố “nguồn gốc” có tác động lớn đến cảm nhận văn chương, ngôn ngữ.
3.
Sau này, đọc nhiều hơn về văn chương Nam Bộ, tôi đã nhận xét:
Công trình, tác phẩm của các nhà văn hóa, nhà văn Nam Bộ thường được viết và diễn đạt bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, bình dân, không theo phong cách “hàn lâm” dù đó là những tri thức khoa học từ phương Tây hay công trình khảo cứu thực tế công phu. Tác phẩm của nhiều nhà văn như Ca Văn Thỉnh, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc… hay trước đó là Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc… và sau đó như Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng hay bây giờ là Nguyễn Ngọc Tư… đều mang lại cho người đọc cảm nhận đầu tiên: họ viết vì tình yêu quê hương sâu đậm, tình yêu cụ thể dành cho từng con người thân quen, từng cảnh vật gần gũi… Họ viết như để nói lên lòng biết ơn với những bậc Tiên hiền, Hậu hiền – những con người bình thường nhưng có công khai hoang lập làng nên được nhân dân tôn thờ trong các đình làng Nam Bộ, cùng với vị Thần được sắc phong của nhà vua. Họ viết như để đền ơn đáp nghĩa với quê hương mà cũng như để chuyện trò với bạn bè gần xa.
Trong tạp bút Dạo chơi của nhà văn Sơn Nam có một câu “lưu niệm” ngắn ngủi của một bạn trẻ Việt kiều về thăm quê:
"Ba cho về thăm đình cũ. Con rất cảm động, thương bà con anh em.
Quê hương buồn quá. Con chúc tất cả bình yên."
Chỉ vậy thôi mà chạm vào trái tim, lần nào đọc lại cũng rưng rưng…
Vì sao khi viết về vùng đất này người ta hay dùng “đất và người Nam Bộ”? Phải chăng vì “đất mới” Nam Bộ thì xa xôi cách trở về địa lý, miền ngoài nhìn người Nam Bộ thì “lạ” về lối sống, ứng xử, phong tục tập quán? Sự xa – lạ ấy mang lại cho người vùng miền khác không ít cái nhìn phiến diện, thậm chí thiên lệch khi tìm hiểu, đánh giá về văn hóa, về lịch sử, về con người Nam Bộ. Cho nên, đọc những tác phẩm của tác giả Nam Bộ nếu tinh ý ta sẽ nhận thấy ẩn hiện trong đó câu trả lời cho những thiên kiến không đúng, chưa trúng. Người Nam Bộ không đao to búa lớn, không đối một đáp hai để cố chứng minh mình là ai, mình là thế nào, văn phong cứ nhẹ nhàng có khi tưng tửng với những câu chuyện đời thường, và người đọc tự hiểu ra rằng “đất Nam Bộ, người Nam Bộ coi dậy mà hổng phải dậy! Đừng có nhìn ba chớp ba nháng… ”. Sự thâm thúy mà hóm hỉnh làm cho ai đó lỡ phán bậy phán bạ phải nhận ra cái nông cạn sai sót của mình mà không bị “quê độ”, vẫn có thể cùng ngồi với nhau trong bữa nhậu, cụng một ly để “bỏ qua” chuyện cũ.
Mấy năm trước nhiều bạn hỏi tôi “Sao những tập tùy bút của chị có rất nhiều bài về Sài Gòn, Nam Bộ nhưng tựa sách thì không cuốn nào có chữ Sài Gòn?”. Bạn à, người Nam Bộ yêu dữ lắm cũng chỉ dùng một chữ “thương”. Khi bạn thương một người đến mức chỉ cần tên người đó thoáng qua cũng làm cho tim bạn nghẹn lại vì lỡ nhịp… có cần gì phải luôn gọi tên người ấy, phải không?

Ngôn ngữ văn thơ Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tinh thần yêu nước “Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”, hay ca ngợi phẩm chất con người “trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, với người Nam bộ cũng không phải bóng bẩy cao siêu mà vẫn đi vào lòng người, là vậy.

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...