TÁI LẬP TUYẾN ĐƯỜNG LÊ LỢI: TẠO SINH KHÍ MỚI CHO VÙNG DI SẢN

TTO - Tuyến đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) vừa được tái lập sau 8 năm bị rào chắn để thực hiện dự án metro. Thông tin này được người dân TP đón nhận với nhiều cảm xúc.

Tuổi Trẻ giới thiệu chia sẻ của tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU về cảm xúc của một công dân TP và những gửi gắm đến chính quyền quận 1 về việc khai thác trục trung tâm Lê Lợi dưới góc nhìn lịch sử - văn hóa đô thị.
TS Nguyễn Thị Hậu nói: "Nói cho cùng thì mỗi TP cũng chỉ có một khu đáng để gọi là trung tâm, là mặt tiền, diện mạo của TP. Đối với TP.HCM thì chắc chắn đó là khu vực Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - chợ Bến Thành, không thể nói khác được. Khi các rào chắn, sự ngổn ngang của đại công trình đã kết thúc, mặt bằng cảnh quan được trả lại, đời sống kinh tế, văn hóa, giao thông trên trục đường được tái lập sau 8 năm - một khoảng thời gian không hề ngắn. Dẫu mong muốn công trình có thể hoàn thành sớm hơn, hoàn trả cảnh quan sớm hơn thì tốt hơn, nhưng nay cũng đã hoàn thành, vậy là rất đáng mừng, mừng cho không chỉ người dân trực tiếp ở trên trục đường này mà bất cứ người dân nào của TP".
@ Cần những động thái ứng xử tinh tế
* Bà đánh giá thế nào về việc chính quyền quận 1 tổ chức tri ân những hộ dân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp khi thi công ở trục đường Lê Lợi?
- Phải nói gần đây lãnh đạo các cấp từ TP cho đến sở ngành, quận huyện đã có những động thái ứng xử kịp thời với người dân kể cả việc xin lỗi, cảm ơn. Trong sự thay đổi về cách ứng xử đó, việc quận 1 tổ chức tri ân các hộ dân vừa thể hiện sự tình nghĩa, truyền thống tốt của TP vừa là ứng xử chính trị mang tính nhân văn. Những động thái ứng xử tinh tế như vậy của chính quyền sẽ mang lại cảm xúc tích cực cho người dân bởi họ thấy được tôn trọng.
* Còn nhớ năm 2014, bà cũng từng "than phiền" khi TP rào chắn tuyến Lê Lợi mà người dân bị ảnh hưởng trực tiếp gần như hoàn toàn bỡ ngỡ? Nay chính quyền cần làm gì để khắc phục sự gián đoạn đến 8 năm với tuyến Lê Lợi?
- Đúng vậy. Trục đường Lê Lợi quan trọng như vậy nên khi bị rào chắn làm gián đoạn, đảo lộn đời sống. Sinh hoạt, kinh doanh của các hộ dân và nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp. Đương nhiên lợi ích và bộ mặt của TP cũng bị thiệt hại, chứ không chỉ người dân sinh sống và kinh doanh trên tuyến đường này. Thiệt hại này khó mà đong đếm, đền bù. Sự ứng xử vội vàng lúc đó của cơ quan chức năng làm nhiều người dân không vừa lòng. Nhưng nay cách ứng xử đã thay đổi, chính quyền đã có nghĩa cử cần thiết đối với những người hy sinh trực tiếp lợi ích cho lợi ích chung của cộng đồng.
Tôi cho rằng điều đầu tiên chính quyền cần làm là phải khôi phục lại sớm nhất các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch ở khu vực quan trọng như thế này. Đồng thời cũng khôi phục lại sự thông thương giao thông, giúp giải tỏa áp lực cho các tuyến đường xung quanh. Tất cả nhằm mang lại "sinh khí" mới cho khu vực này.
@ Tái lập bùng binh trước chợ Bến Thành và bùng binh đường Nguyễn Huệ
* Với việc TP sẽ quy hoạch Lê Lợi thành tuyến phố đi bộ trong thời gian tới, bà có ý tưởng gì đóng góp cho chính quyền?
- Ý tưởng biến khu vực Nguyễn Huệ mà sắp tới là Lê Lợi thành phố đi bộ là phù hợp, nhiều thành phố cũng đã làm tương tự như vậy. Dưới góc nhìn nghiên cứu về lịch sử - văn hóa đô thị, tôi mong cơ quan chức năng của TP lưu tâm hai vấn đề.
Thứ nhất là cần tái lập các cảnh quan kiến trúc gắn với lịch sử, với không gian văn hóa, ký ức về TP. Cụ thể cần tái lập ngay bùng binh trước chợ Bến Thành và bùng binh đường Nguyễn Huệ trước trụ sở UBND TP. Vì hai bùng binh này làm cho trục Lê Lợi được chuyển động liên tục, từ UBND TP là biểu tượng về chính trị, về quản lý nhà nước nối với chợ Bến Thành là biểu tượng của TP về kinh tế. Hai bùng binh này kết nối với nhau biểu trưng cho trục phát triển liên tục, năng động của TP.
Bên cạnh đó, cần có phương án khai thác hiệu quả để giữ lại cho được chợ Bến Thành với chức năng là trung tâm thương mại truyền thống. Chợ Bến Thành là biểu tượng gắn với lịch sử thương mại, văn hóa của đô thị Sài Gòn, nói rộng ra là vùng Nam Bộ, nhất là trong tương lai khi chức năng, hiệu quả về kinh doanh, thương mại truyền thống của chợ bị thách thức bởi sự phát triển của các trung tâm thương mại tại khu vực, của metro. Khi ấy, chính quyền nên có phương án chuyển đổi về kinh doanh tại chợ, ví dụ như chuyên kinh doanh ẩm thực truyền thống, hàng handmade, đồ lưu niệm đặc trưng của Việt Nam gắn với phố đi bộ.
Thứ hai là về quy hoạch tuyến Lê Lợi kết nối với không gian ngầm của metro và trục Nguyễn Huệ thành phố đi bộ. Theo tôi, chỉ nên bố trí khung thời gian phù hợp. Ví dụ có thể làm "phố đi bộ" từ chiều tối thứ sáu đến hết tối chủ nhật hằng tuần. Như vậy là vừa phù hợp với nhu cầu đi bộ, giao lưu, dịch vụ ở khu trung tâm của TP, giống như Hà Nội và các thành phố du lịch khác trên thế giới. Còn lại những ngày trong tuần là để dành cho nhu cầu giao thông, thụ hưởng cảnh quan của mọi người dân TP khi đi qua khu vực này bằng các phương tiện khác.
Ngoài ra, tôi cũng mong chính quyền quận 1 và TP xem xét kết nối tuyến Nguyễn Huệ - Bến Bạch Đằng - Cầu Móng để liền mạch và gia tăng cảnh quan tham quan cho người dân và du khách mà nhất là giới trẻ.
* Hiện nay, quận 1 đang nghiên cứu xây dựng đề án quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường khu trung tâm để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế, thu hút du lịch, xây dựng bộ mặt đô thị khu trung tâm... Bà có lưu ý gì với chính quyền quận?
- Trước tiên phải khẳng định ngay là quận 1 đang có các điều kiện hạ tầng với không gian kiến trúc, không gian văn hóa... để thực hiện các ý tưởng xây dựng, phát triển quận nói riêng và TP nói chung.
Và với hạ tầng hiện có thêm tuyến Lê Lợi được tái lập thì quận 1 đang có cơ hội rất tốt để thực hiện các ý tưởng mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân của quận, của TP. Vấn đề còn lại là quận 1 nắm bắt cơ hội đó thế nào. Mà nếu không làm tốt thì có lẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai. Quận 1 tính toán phương án quy hoạch nào đi nữa thì cũng cần xác định rõ các giá trị cốt lõi của khu trung tâm gắn với đặc trưng cảnh quan, đời sống dân cư, văn hóa của khu vực vốn là các yếu tố tạo nên hồn cốt của khu trung tâm.
Bởi lẽ tuyến Lê Lợi cùng với Nguyễn Huệ, Bến Bạch Đằng, Hàm Nghi mở rộng đến đường Nguyễn Du, nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, dinh Thống Nhất, Sở thú... là "vùng di sản đô thị". Vùng di sản vốn cực kỳ nhạy cảm về cảnh quan, kiến trúc và nhạy cảm cả về cách ứng xử với bất cứ một công trình nào trong đó. Cho nên bất kỳ tác động, quy hoạch nào ở khu vực này cần cân nhắc kỹ lưỡng; tránh việc vội vàng hay chạy theo phong trào, thành tích mà làm hỏng trục di sản.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...