Đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch
Nguyễn Thị Hậu
Mỗi năm gần đến ngày Quốc khánh 2/9 – là ngày Độc Lập, như trong gia đình ông bà tôi vẫn gọi – tôi lại nhớ đến những gì ba tôi thường kể về những ngày đi theo “tiếng gọi sơn hà” từ tháng tám năm 1945.
1.
Ba tôi kể rằng, nhà ông nội tôi khá nghèo, phải mướn ruộng của địa chủ để làm. Dù thiếu trước hụt sau nhưng ông bà nội cũng ráng chắt bóp dành dụm cho con đi học. Vì quá lao lực nên ông nội bị đau phổi. Sau một ngày lặn lội ngoài đồng, ông nội tôi về nhà nằm dài, hai tay ôm ngực, ho khúc khắc cả đêm. Ba tôi từ lúc năm, sáu tuổi đã biết trông em nhỏ để bà nội làm việc nhà, xay lúa giã gạo... Lớn hơn một chút, được đi học ở trường làng một buổi, ngoài giờ học còn phụ má làm vườn, rồi học bài tới khuya.
Từ nhỏ ba tôi đã rất mê coi hát. Mỗi lần có gánh hát tới diễn tại đình làng là ông lại nôn nao không học hành gì được. Không tiền mua vé, có lần ông lén chui vô coi ké, bị bắt được, bị đánh… Mặc, ông vẫn mê coi hát vì tiếng đờn câu ca quyến rũ. Sau những đêm coi lén cải lương, hát bội ở đình, ông thường trằn trọc không ngủ được. Ông tiếp tục hình dung cuộc đời các nhân vật trong vở hát vừa chấm dứt... để rồi ngủ thiếp trong sự thất vọng không bao giờ biết những con người “bí ẩn oai hùng” đó sẽ như thế nào.
Nhờ được ông nội cho đi học sớm, bác Ba tôi lại học giỏi nên từ trường làng trên Cù Lao Giêng (An Giang) bác đã thi đậu vào trường “nhà nước” Collège de Mỹ Tho (Tiền Giang), được học bổng nên đỡ phần nào cho gia đình. Rồi bác Ba tôi thi đậu vào trường Y, học ở Hà Nội và qua Pháp, sau khi tốt nghiệp thì về làm bác sĩ ở Sài Gòn. Bác Ba thay ông bà nội nuôi các em tiếp tục ăn học. Cho đến khi ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm, trở thành một thầy giáo trẻ.
Đầu tiên ba tôi tôi về dạy học ở Cái Răng, một thị trấn nhỏ – nay là một quận của thành phố Cần Thơ. Sau đó được đổi về dạy ở quê nhà, trường huyện Chợ Mới – An Giang. Sau này nhà văn Nguyễn Quang Sáng – đồng hương và cũng là bạn thân của ba tôi – nhớ lại thời gian đó như sau.
“ Khoảng năm 1942, thầy Nguyễn Ngọc Bạch về dạy ở trường tiểu học huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, nay là An Giang. Thầy dạy lớp nhì một năm, tôi học lớp nhì hai năm. Tôi không học trực tiếp với thầy nhưng gần gũi với thầy hơn các học trò của trường. Là thầy nhưng thầy có “máu đờn ca xướng hát”. “Thầy mà cũng biết đờn tụi bây ơi!”, thầy giáo mà biết đờn đối với đám học trò chúng tôi là một điều lạ – Sau buổi học chiều, học trò lớp nào cũng được, hễ thích hát thì thầy dạy. Thầy dạy hát với tiếng đàn “banjo” nghe dòn tan. Trường chúng tôi nằm ngoài phố chợ, lặng lẽ bên hàng cây “dái ngựa”. Tiếng hát của bọn trò nhỏ chúng tôi cứ vang xa, vang xa. Chính thầy là người mang niềm vui qua tiếng hát cho một phố huyện buồn. Rồi thầy tuyển chọn một số trong chúng tôi, thầy lập gánh hát, ngày hè, thầy dẫn chúng tôi đi khắp nơi, chúng tôi đi đến đâu dân làng vui đến đó…”
Ba tôi cũng viết trong hồi ký : “ Trước năm 1945, khi còn là một thầy giáo dạy ở trường quận, tôi đã mê diễn kịch, tôi hăng hái tập cho học trò hát những bài như: Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng Giang, Kinh cầu nguyện, Xếp bút nghiên… Hè năm 1943, tôi tổ chức một đêm diễn: có hài kịch ngắn, có đồng ca, có đơn ca và bản thân tôi cũng tham gia diễn kịch. Buổi diễn khá thành công. Tôi viết thư về báo cho tía tôi. Tía ghi chú vào chỗ giấy còn trống trong thơ: “Tía coi thơ này mà rùng mình, rợn óc cho tương lai của con. Nếu tạo vật dắt đường cho con đi về con đường hát xướng thì đời con sẽ vất vả, nhưng mạng vận biết sao ? ”.
Ba tôi thường nói, ông mê nghề hát một phần nhưng mê được đi đây đi đó, đến những vùng đất lạ tới hai, ba phần. Nghề hát sẽ cho ông thỏa mãn cả hai đam mê đó. Nhưng ông nội tôi theo đạo Phật, thường dạy con cái về nhân nghĩa nhưng cần an phận thủ thường. Mà cuộc đời “xướng ca vô loài” như quan niệm thời ấy thì quá nhiều bất trắc, “xảy nhà ra thất nghiệp”...
2.
Cách mạng tháng Tám, rồi ngày 23.9.1945 kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, ba tôi được Ủy ban tỉnh An Giang giao cho việc thành lập Đoàn kịch Cứu quốc. Khi nghe ba tôi xin phép, ông nội tôi suy nghĩ một hồi rồi nói : “ Tía xem đời Cụ Hồ chẳng khác nào như đức Thích Ca. Cụ là người như vậy, mà cụ cho hát, chắc là hát có ý nghĩa. Trào Tây, hát là xướng ca vô loại. Bây giờ, hát cho Chính phủ Cụ Hồ là hát cứu nước. Tía đồng ý cho con đi hát ”.
Ngày đó, khi đồng ý cho hai người con là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và ba tôi theo Việt Minh, ông nội đã khấn trước bàn thờ Phật “ Hôm nay con đưa hai con đi theo Cụ Hồ đánh Tây giành độc lập, không để cho thằng Tây ngồi lên đầu lên cổ dân mình. Con cháu có gì sai quấy mong Cụ dạy bảo. Cầu trời Phật ông bà phù hộ cho con cháu bình an ! ”. Giản dị vậy thôi! Năm 1947 ông nội tôi bị Tây bắn chết vì không chịu gọi hai người con đi kháng chiến trở về.
Đối với ông nội tôi, Cụ Hồ là người đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Bác tôi, ba tôi và nhiều trí thức Nam bộ thời đó dù được học bổng của chính quyền Pháp để thành bác sĩ, thầy giáo, kỹ sư, luật sư, công chức… nhưng nhờ có học nên họ hiểu rằng không ai có quyền áp bức bóc lột ai, họ tiếp nhận văn minh phương Tây để hiểu về Tự do, Bình đẳng, Bác ái giữa các quốc gia, họ đấu tranh chống lại chính quyền thuộc địa vì nền độc lập của đất nước mình. Sự giác ngộ đầu tiên của ba tôi và nhiều người cùng thế hệ ông là niềm tin vào tấm gương Cụ Hồ vì dân vì nước, dù chưa hiểu biết nhiều về “lý tưởng cộng sản” nhưng là những người yêu nước, mục tiêu vì Độc lập Dân tộc là ước nguyện và niềm tin của những trí thức Nam bộ. Vì vậy họ đã tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.
Kể từ ngày đó, ba tôi và đoàn hát của ông đã vượt qua chín năm dài khó khăn và ác liệt, đi bộ chèo ghe băng đồng lội nước lưu diễn khắp miền Tây Nam Bộ. Cũng trong những ngày này ba tôi đã sáng tác nhiều ca khúc như Hồn thiêng chiến sĩ, Tuyên truyền lưu động, Làn sóng dân chủ, Tháp Mười anh dũng... Nhưng trong đó ca khúc Cương quyết ra đi sáng tác ngày đầu khánh chiến là một bài hát được nhiều người yêu thích và thuộc lòng. “ Cờ Việt Nam bao năm nhuộm máu hùng anh... Ta ra đi mùa thu xa xưa ấy, vung gươm thiêng ta cắt đứt đường tơ vương ”. Sau này khi biết ba tôi là tác giả bài hát, có người nói vui “ tại Cương quyết ra đi của anh mà tui đi theo kháng chiến đó ! ”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng nhớ lại : “ Kháng chiến. Học trò trở về trường nhưng thầy không dạy nữa, thầy đã vào bưng biền rồi, thầy đã “Cương quyết ra đi” như lời bài hát đầu tiên của thầy vang trên khắp nẻo đường kháng chiến. Thầy lập đoàn hát “Cứu quốc đoàn”, “Tuyên truyền xung phong” từ sông Tiền dài xuống sông nước vùng đất U Minh, từ đó thầy gắn cuộc đời mình với sân khấu, từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc trở về Nam cho đến hết cả cuộc đời ”.
Tại bưng biền miền Tây, theo chỉ đạo của bác Ba tôi lúc đó là Giám đốc Sở Y tế Nam bộ – bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng sau này là Bộ trưởng bộ Y tế nước VNDCCH – ba tôi lập đoàn “Truyền bá vệ sinh”, ông sáng tác những vở kịch, bài ca vui nhộn, sinh động mà rất khoa học để tuyên truyền cho đồng bào giữ vệ sinh nhà ở, nhà tắm, cầu tiêu, giữ sạch môi trường sinh sống như kinh rạch, vườn tược, góp phần bảo vệ sức khỏe và tránh các dịch bệnh... Không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì được giao, các đoàn hát của ông đi đến đâu cũng được đồng bào, chiến sĩ yêu mến, trông đợi... Nhờ đó, ông cũng “tuyển” được nhiều “diễn viên”. Sau này một số cô chú tập kết ra miền Bắc và trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng.
3.
Năm 1954, theo sự phân công của tổ chức, ba tôi cùng nhiều đồng nghiệp đi tập kết. Hồi ký của ông viết : “ Lần đầu tiên có chuyến đi xa nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không ? Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên bãi biển. Đông đảo đồng bào nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi đau quặn vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau mà vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ ”.
Kế tiếp là những năm dài ông thường xuyên vắng nhà vì những chuyến lưu diễn khắp nơi của Đoàn Cải lương Nam bộ, Đoàn kịch nói Nam bộ mà ba tôi làm trưởng đoàn: rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương, đường 559 Trường Sơn… Cho đến tháng 4.1975 ông được trở về Sài Gòn, về An Giang quê hương yêu dấu sau hơn hai mươi năm “ngày Bắc đêm Nam”.
Trên đây là những gì tôi được nghe ba tôi kể lại và vài đoạn trong hồi ký của ông. Từ một thầy giáo “ham đờn ca hát xướng”, ông đi kháng chiến đánh Tây giành độc lập bằng cách góp công sức làm nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Ông luôn nói với tôi: Cuộc đời ba có may mắn lớn là vừa được tham gia kháng chiến vừa được thỏa niềm đam mê đi hát của mình ! Ông đã làm người nghệ sĩ – chiến sĩ cho đến cuối đời.
Câu chuyện đi theo cách mạng của ba tôi và của nhiều chú bác cùng thời rất tự nhiên và giản dị như lẽ sống đời thường, nhưng đã cho chúng tôi hiểu sâu sắc một điều : “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” là mục tiêu của nhà nước ra đời vào ngày 2/9/1945, cũng là lý tưởng thiêng liêng của những người tham gia cách mạng thuộc thế hệ “mùa thu rồi ngày hăm ba”. Họ dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm và hết mình lao động xây dựng tổ quốc, không màng danh lợi, là vì hơn ai hết, họ hiểu giá trị của nền Độc lập chỉ trọn vẹn khi nhân dân được Tự do và Hạnh phúc ! Chừng nào nhân dân chưa được hưởng Tự do và Hạnh phúc như những giá trị phổ quát của nhân loại thì đất nước còn chưa có được một nền Độc lập mà những thế hệ trước đã hy sinh xương máu, tính mạng và tài sản của cải để giành lấy.
Hình ảnh tư liệu gia đình:
Ba má tôi ở Hà Nội, cuối năm 1971.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét