LỜI CHA DẶN

 Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình lập lại. Tết năm đó, trong không khí náo nức chung, tôi cũng có một niềm vui nhỏ dành tặng ba nhân ngày đầu Xuân. Đó là việc tôi đã thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin đó, ba ngồi lặng đi, lộ vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:

- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Đã là diễn viên, phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải là chuyện danh tiếng, mà là chuyện làm gì để cống hiến cho Tổ quốc được nhiều hơn. Còn nếu chỉ là một diễn viên “cầm cờ, chạy hiệu” thì thà làm nghề khác còn có ích hơn.

Suy nghĩ một lát ba tôi nói thêm: Phụ nữ, nếu theo một nghề mà không làm được thì cơ hội đổi nghề khó khăn hơn nam giới. Là phụ nữ con cần làm tốt một nghề. Khi có đồng tiền do mình làm ra thì con không phải phụ thuộc vào ai.

Lần đầu tiên ba tôi tâm sự với tôi về nghề nghiệp của mình cũng như những vui buồn của nó. Cũng từ khi ấy, khi tròn 15 tuổi tôi đã thực sự trở thành người bạn nhỏ của ba.

Cho đến ngày tôi tốt nghiệp đại học, được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, ba tôi đã chúc mừng tôi và nói:

- Người thầy giáo cũng phải có một tâm hồn nghệ sĩ, bởi đều là những “kỹ sư tâm hồn”. Phải yêu nghề, yêu người thật sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu mà truyền đạt mọi mặt cuộc sống đến với người nghe, người xem. Hơn nữa, thầy giáo hay nghệ sĩ cũng đều phải sống trung thực, có sống trung thực thì mới không mắc cỡ, không ngượng mồm khi giáo dục người khác về cái đẹp, về cái tốt.

 Nhưng ba tôi cười buồn – Tiếc rằng ngày nay giữa hai nghề này còn có một khoảng cách khá xa. Người thầy giáo thì thiếu tâm hồn nghệ sĩ. Còn người nghệ sĩ lại thiếu đạo đức của người thầy!

(Trích trong cuốn sách “Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu”)

P/S. Đó là những lời ba dặn tôi từ 50 năm trước! Giới nghệ thuật, nghệ sĩ không xa lạ đối với tôi bởi đó là một phần cuộc sống của gia đình tôi trong gần nửa thế kỷ. Mỗi khi xảy ra những “tai tiếng” của giới này tôi lại nhớ đến ba tôi và thế hệ của ông: Đó là những nghệ sĩ tài năng, nhiều người trong họ cũng có vài “tật” khó tránh của “trai tài gái sắc”. Nhưng đó là thế hệ nghệ sĩ luôn tôn trọng, yêu quý khán giả, có trách nhiệm với khán giả trong từng vai diễn, luôn hướng khán giả đến thẩm mỹ tốt đẹp qua ngôn từ, ứng xử của những vai diễn trong chính kịch và cả hài kịch. Bởi họ hiểu, sân khấu là cuộc đời được phóng chiếu lên cả điều xấu xa và tốt đẹp!

#vunvatdoithuong

27.1.2023

Hình tư liệu gia đình: Năm 1969. Ông Xuân Thủy - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris - và cán bộ Sứ quán VNDCCH tại Paris chụp chung Đoàn nghệ thuật Việt Nam DCCH trong dịp đoàn qua Paris biểu diễn (ba tôi làm Trưởng đoàn, ông đeo kính, đứng bên trái, phía sau).



Nhân HẾT TẾT CON MÃO 2023

Thật ra với tôi Tết bắt đầu từ khoảng tháng 11 âm lịch, khi vài tờ báo đặt bài báo tết. Từ đó lu bu bận rộn đến hết ngày mùng Một là hết tết. Nhưng mấy năm nay từ khi có cháu ngoại về ăn Tết thì không khí Tết dài thêm vài ngày, kéo dài thêm sự bận rộn và vui vẻ trong gia đình như những ngày cuối tuần. Nay mùng 4 rảnh rỗi ghi lại vài dòng để đánh dấu cái tết năm con Mão.
1.
Từ nhiều năm nay, Tết năm nào cũng dấy lên làn sóng bình phẩm những con giáp trở thành “linh vật” của năm, được dựng thành tượng ở các thành phố. Có lẽ bắt đầu từ năm 2012 Nhâm Thìn với sự xuất hiện của “con rồng Picachu” ở Hải Phòng bị bà con chê quá trời, từ đó lây lan ra những nơi khác và những năm sau đó…
Của đáng tội nhiều con “linh vật” trông cũng đáng bị chê thật. Tuy nhiên, sau những bình phẩm “cực đình” của cư dân mạng thì nhìn thấy chúng tôi chỉ thấy buồn cười 😊. Kệ, vui mà, với lại đã là “linh vật” thì đâu nhất thiết phải “tả thực”, chưa kể là có năm bao việc làm người còn buồn thì sao các con vật lại phải vui?
Năm nay nhìn chung con Mão không bị chê nhiều, vài con còn được khen vì giống như Mèo thật! Nhưng sao không nơi nào dựng tượng Mèo đang rình chuột nhỉ - ấy là một “thiên chức” của mèo mà có lẽ nhờ đó, mèo đã trở thành con vật nuôi trong nhà phổ biến khắp thế giới.
Nhưng mà, vì sao con giáp nào khi trở thành “tượng” cũng đều trông quái dị như thế? Có lẽ vì chúng vốn “nhỏ xinh vừa đẹp”, khi bị thổi phồng lên, lại do người thợ vụng nữa… nên mới thành kỳ quái vô hồn như thế chăng 😊
2.
Mỗi cái tết bắt đầu từ khoảng 23 đưa ông Táo, rồi bận rộn cả ngày 30 cúng cơm đón ông bà. Đến tối thì nhiều người có thói quen đón xem Táo quân ở VTV, và sau đó là bình luận mà năm nào cũng chê nhiều hơn khen… Nhưng VTV vẫn phát và nhiều người vẫn xem và vẫn chê. Cứ “quẩn quanh trong tổ” như thế không biết bao giờ mới hết 😊
Về chương trình Táo Quân từ vài năm trước tôi đã có vài nhận xét, sau đó thì thôi luôn không xem nữa. Bởi vì xem Gặp nhau cuói năm hay Táo quân không thể không liên tưởng đến một cái làng to hơn về không gian nhưng vẫn đậm nét “truyền thống” như làng Vũ Đại xưa, vẫn những con người không khác gì ngày ấy!
Năm nay trước tết thiên hạ xôn xao nhiều chuyện… Nhưng cuối cùng cũng giống như chương trình Táo quân kéo dài đến tận giao thừa! Dù mỗi năm “nội dung” có vẻ mới thì trò diễn Táo quân cũng vẫn là những nghệ sĩ cũ, “mảng miếng” có bấy nhiêu, làm gì cũng chỉ cho thấy đó là “Táo quân giai đoạn cuối” mà thôi.
P/s. Nghe nói có anh NSND nào đó mắng người xem vì dám chê táo quân, đại loại anh mắng là “không biết gói bánh, cứ ăn bánh MẸ GÓI mà lại cứ chê”. Tôi buồn cười quá! Ơ kìa, khán giả chính là những người “mang tiền về cho MẸ” đấy anh ợ! Đồng thời Ttôi lại cười buồn vì một lần nữa nhận thấy, nghệ sĩ trong chương trình Táo quân “không thể là những nhân vật hề chèo thông minh, hài hước nhưng sắc sảo và chính trực của sân khấu truyền thống” – như tôi từng nhận xét nhiều năm trước!

 

Một phim về gốm Nam bộ

 Mình có tham gia ý kiến trong phim tài liệu này, ngoài vài nhận xét được trích còn một số nhận xét khác chưa được sử dụng trong phim. Theo mình quan trọng nhất trong gốm Nam bộ là gốm Nam bộ luôn tiếp nhận nhanh chóng và thành công những yếu tố mới: kỹ thuật mới từ chất liệu, tạo dáng, men, màu, nung... đến các loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Điều đó tạo sức sống cho gốm Nam bộ vì luôn gắn liền với thời đại.

Điều đó được các nghệ nhân gốm hiện nay tiếp nối, thể hiện trong gốm Nam bộ hiện đại, như trong phim đã giới thiệu.


Mình cũng viết nhiều bài về gốm Nam bộ, các bạn có thể tìm đọc trên mạng :)






Hồn cốt sông nước, Sài Gòn luôn chuyển động theo ngọn triều dâng!

 https://www.phunuonline.com.vn/hon-cot-song-nuoc-sai-gon-tphcm-luon-chuyen-dong-theo-ngon-trieu-dang-a1482103.html


“Mỗi bước phát triển là một chọn lựa phù hợp với thời đại và khôi phục những điều giá trị nhất”. Đó như là kim chỉ nam mà Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tha thiết trong cuộc trao đổi với chúng tôi về những đặc trưng cơ bản của Sài Gòn-TP.HCM, nhằm làm sáng tỏ những giá trị cốt lõi cần được bảo tồn của đô thị lớn nhất nước. Bà Hậu trải lòng:

- Từ năm 2010, qua công tác tham mưu cho lãnh đạo thành phố (TP) hòng giảm thiểu những tổn hại trong quá trình phát triển, đồng thời, cũng muốn giải đáp cho bản thân, rằng TP mình có những đặc trưng gì không? Bởi Sài Gòn-TP.HCM luôn bị định kiến là TP mới và dường như người ta cho rằng cứ mới thì không có đặc trưng, không có truyền thống. Một TP quyến rũ nhiều người đến thế làm sao mà không có đặc trưng? Đấy là cái nguyên cớ khiến tôi tập trung nghiên cứu về di sản của TP.

* Phóng viên: Thưa tiến sĩ, nghiên cứu của bà bắt đầu từ thời điểm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định làm “cứ điểm” cho công cuộc mở mang bờ cõi của Nhà Nguyễn?

- Bà Nguyễn Thị Hậu: Không, xa hơn. Do chuyên môn khảo cổ học, tôi nhận thấy TP này có một chuỗi phát triển ít nhất từ khoảng 2.500 năm đến nay. Bắt đầu từ vùng cửa biển Cần Giờ, nơi mà gần đây đã phát hiện một loạt di chỉ khảo cổ như Giồng Cá Vồ. Theo tôi, xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên, nhận thấy ngay đặc điểm đầu tiên không thể nói khác đi của Sài Gòn-TPHCM là đô thị sông nước.

Trải từ thời tiền sử, đến văn hóa Óc Eo, cho đến thời kỳ khởi lập đô thị này, chính những con sông là những tuyến đường đã đưa những cộng đồng tộc người đến đây, khởi đi từ biển vào theo sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Sau đó, khu vực trung tâm của đô thị (Bến Bạch Đằng) đến Chợ Lớn - trung tâm thương nghiệp rất sầm uất của người Hoa - được nối liền bằng con rạch Bến Nghé và nhiều con kênh khác. Từ vùng Chợ Lớn có thể về các tỉnh miền Tây qua sông Chợ Đệm, Vàm Cỏ. Rồi từ Sài Gòn cũng có thể đi ngược lên Đồng Nai bằng đường sông để tỏa ra các vùng miền Đông, lên Tây Nguyên giàu sản vật. Xét vị thế, có thể thấy người xưa chọn nơi này tạo lập một đô thị là rất đúng đắn với yếu tố giao thông đường thủy thuận tiện. Ngoài xuống miền Tây lẫn qua miền Đông, từ biển khơi để có thể ngược miền Trung, ra khu vực Đông Nam Á và đại dương.

Thật ra có nhiều đô thị sông nước ở nước ta cũng như trên thế giới. Thế nhưng, đa số các TP với đặc điểm “có một dòng sông chảy qua” thường chỉ tạo nên giá trị cảnh quan đô thị. Yếu tố sông nước của Sài Gòn-TP.HCM còn là cơ sở tạo nên nhiều đặc trưng khác không đâu có được.

* Bà có thể phác thảo thêm các đặc trưng khác “không đâu có được” đó trước khi chúng ta tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm đô thị sông nước của TP.HCM?

- Đặc trưng thứ hai khởi lập từ khi Chúa Nguyễn Ánh xây thành Gia Định mang tính chính trị, quân sự. Chợ Bến Thành cũ nằm bên một con kênh đổ ra gặp sông Sài Gòn (đoạn Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng bây giờ là khu vực Chợ Cũ) chính là nghĩa là một cái bến lớn của thành. Với hệ thống giao thông thuận tiện thành Gia Định nghiễm nhiên mang chức năng của một trung tâm kinh tế, nơi có thể dễ dàng chuyển tiếp, thu gom hàng hóa giữa miền Đông và Tây. Nó còn gắn liền với vùng nông sản đang phát triển của đồng bằng Nam Bộ cung cấp cho cả Đàng Trong.

Sau này khi Việt Nam thống nhất vào đầu thế kỷ 19, vựa lúa ấy vẫn là nguồn lương thực quan trọng nhất cả nước. Cho nên từ rất sớm, nơi đây đã mang vị thế đô thị trung tâm kinh tế và không chỉ sản xuất tự cung tự cấp, thương nghiệp nội vùng, mà đặc trưng của khu vực là kinh tế thông thương, trao đổi văn hóa gắn liền với vị trí địa lý đường sông. Người Pháp vào thấy ngay đây là đặc điểm quan trọng và không phải ngẫu nhiên mà họ đã khởi lập những thương cảng rất lớn tại đây. Có thể nói kinh tế thị trường đã phát triển khá sớm ở Sài Gòn.

Thứ ba, về mặt dân cư, quá trình khởi lập nơi đây đã tụ họp rất nhiều cộng đồng có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau như người Hoa, Việt, Chăm, Khmer, rồi những cộng đồng bản địa ở Đông Nam Bộ nay là những dân tộc ít người. Chưa kể có rất nhiều ngoại kiều đến đây và coi TP này là nhà. Ví dụ trước đây, người Chà Và (gốc Ấn), Malaysia hay Indonesia đã đến sinh sống. Thời Pháp, Mỹ đến bây giờ cũng hình thành lực lượng ngoại kiều lớn. Hiện người Nhật, Hàn ở TP rất đông. Tôi có những sinh viên nước ngoài đến đây học, xin việc làm và ở luôn vì họ rất thích TP chúng ta. Tất cả mang theo nguồn văn hóa riêng để lập ra nét văn hóa cộng đồng của mình ở TP này. Và có một điều quan trọng là các cộng đồng hòa hợp trong khi văn hóa riêng không bị triệt tiêu. Họ vẫn có thể gìn giữ nó bên cạnh những nét văn hóa khác nhau. Rõ ràng ngay từ đầu, TP đã mang đặc trưng đô thị đa dạng về văn hóa. Đa dạng nhưng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo thành nét văn hóa đặc biệt, ít TP nào có được như vậy.

Thứ tư, TP được xây dựng theo kiểu phương Tây khá sớm. Gia Định thành được xây theo tư vấn kiến trúc của người Pháp. Bỏ qua thiên kiến chính trị, thì đấy là xu hướng thời đại. Cũng như bây giờ chúng ta có rất nhiều công trình theo kiểu Mỹ, Châu Âu hay trước đây kinh đô chúng ta cũng lấy hình mẫu là Trung Hoa. Mô hình đô thị phương Tây cận đại vừa là trung tâm quân sự, vừa là trung tâm chính trị là hình mẫu của nhiều quốc gia. Hiện nay mô hình siêu đô thị, đô thị vệ tinh của Mỹ, Anh cũng trở thành hình mẫu của thế giới.

Như vậy, Sài Gòn là đô thị được quy hoạch khá bài bản vào giai đoạn sớm nhất của Việt Nam và Đông Nam Á theo mô-tuýp phương Tây. Và không chỉ cảnh quan, đường xá có vỉa hè, hạ tầng điện, nước, trụ sở công quyền… mà trong quy hoạch có cả công trình mang tính phục vụ cộng đồng như các thiết chế văn hóa (bảo tàng, sân vận động) công viên và các không gian công cộng. Tôi cho rằng đô thị theo kiểu phương Tây là một đặc trưng nữa của TP mà khá ít đô thị ở Châu Á còn giữ tương đối hoàn chỉnh như vậy.

* Cách tốt nhất trong công tác bảo tồn là làm sao để di sản tiếp tục vận hành cùng cuộc sống hiện tại. Theo quan điểm này, xem chừng đặc trưng đô thị sông nước của TP.HCM đang ít được quan tâm hoặc chưa có chính sách khả thi so với ba đặc trưng kia?

- Đúng là quan niệm bảo tồn hiện nay không còn là đưa di sản “vào tủ kính”, đặc biệt với công trình “di sản sống”, theo nghĩa nó vẫn đang được sử dụng có lợi cho người dân, mang lại nguồn lợi kinh tế. Đường thủy nói chung, là tuyến giao thông rất phổ biến và gần như duy nhất trước đây. Bây giờ ta có các phương tiện giao thông khác, nhất là đường bộ lấn lướt. Rất nhiều sông, kênh, rạch bị lấp, lấn chiếm khiến đường thủy mất dần chức năng thông thương. Gần đây, cũng vì bức xúc từ giao thông trên bộ, TP mới “nhớ lại” cảnh quan sông nước. Tại sao có đường sông mà không sử dụng, song song với lợi ích trước mắt kinh tế du lịch? Nhưng qua nghiên cứu, người ta thấy rằng văn hóa “trên bến dưới thuyền” của TP.HCM mới thực sự giúp tái lập hai giá trị giao thông và du lịch.

Tuy nhiên, tái lập cảnh quan hệt như ngày xưa thì không thể được vì bây giờ tâm thức con người đã khác, phương tiện đường thủy cũng đã khác xa. Từ đó, cần thấy khôi phục văn hóa sông nước nên là khôi phục những giá trị nhiều mặt, tái lập một số cảnh quan trong khoảng thời gian nhất định. Ví dụ gần Tết, hoạt động “trên bến dưới thuyền” nhằm đưa chúng ta trở lại hoài niệm giao thương giữa miền Tây với TP. Đây đã thành ký ức đô thị và có giá trị văn hóa cao. Tái lập tinh thần văn hóa sông nước, nghĩa là ta nhìn thấy và tận dụng giá trị của nó dưới những hình thức mới. Đó là bảo tồn và phát triển những lợi thế của văn hóa truyền thống trong hoàn cảnh mới, nhằm tận dụng cho mục đích mới.

* Theo bà nên làm ngay những gì để phát huy “tinh thần sông nước” trong phát triển TP.HCM hiện nay?

- Trước mắt, sông rạch của mình phải giải tỏa cho sạch, nạo vét, kè bờ, làm sao cho nước thủy triều ngoài biển có thể thông thương ngày hai lần y như ngày xưa. Kế tiếp, tôi cho rằng nếu đồng bộ về mặt kỹ thuật thì bus đường sông sẽ là giải pháp giao thông công cộng giúp giảm tải đáng kể cho giao thông trên bộ của TP.HCM. Cần nhất là hợp tác đồng bộ giữa các ngành liên quan khi ứng dụng giá trị truyền thống vào hiện đại. Làm du lịch hay giao thông sông nước thì hạ tầng cơ sở phải đồng bộ, đầu tiên phải lấy yếu tố phục vụ như cầu người dân thành phố và sự thuận tiện của họ là chính, rồi cùng với đó là phát triển du lịch.

Cần nói thêm, một đô thị dày đặc sông rạch như TP thì việc lấn, lấp một cách tự phát là không để tránh khỏi. Tôi cho rằng muốn phát triển tức là mình phải lựa chọn. Mỗi bước phát triển chính là một chọn lựa phù hợp với thời đại và khôi phục những cái gì là giá trị nhất. Vấn đề là bảo tồn những tuyến chính. Điển hình kênh rạch Bến Nghé, Nhiêu Lộc-Thị Nghè là một công trình vĩ đại sau 1975. Cần ghi nhận công lao giải tỏa và xây dựng cảnh quan của các tuyến kênh rạch ấy. Bây giờ vẫn đang tiếp tục giải tỏa và chỉnh trang cảnh quan một số kênh rạch khu vực Chợ Lớn.

* Với bốn đặc trưng như vậy, nhất là đô thị sông nước, chúng ta có thể gọi đó là hồn cốt của Sài Gòn-TP.HCM?

- Đấy chính là hồn cốt của đô thị. Nếu như Hà Nội là TP ao hồ, mang tính chất tĩnh, thì Sài Gòn là TP sông nước. Yếu tố sông nước chính là sự chuyển động. TP.HCM luôn chuyển động như những con sông. Đấy chính là hồn cốt của Sài Gòn. Có ý kiến cho rằng chuyển động thì TP này sẽ biến mất bản sắc? Thưa không! Dù trải qua quá trình phát triển từ cái gọi là “trên bến dưới thuyền” cho đến các thương cảng thời thuộc địa cho đến hiện tại, các con sông của TP.HCM vẫn đang trôi chảy như từ ngàn xưa.

* Xin cảm ơn bà.

Quốc Ngọc thực hiện







BỮA CƠM NGÀY TẾT NAM BỘ


Nguyễn Thị Hậu
1.
Từ thời bao cấp còn khó khăn cho đến nay, khi hàng hóa vô cùng phong phú, thức ăn luôn đầy ắp các chợ và siêu thị… thì theo thói quen và tính lo toan vốn có, những ngày giáp tết phụ nữ trong gia đình vẫn tất bật mua sắm để biếu tặng nội ngoại hai bên, và nhất là để chuẩn bị “ăn Tết”. Ăn Tết, không chỉ là được thưởng thức các món ăn đặc biệt, mà còn là dịp người phụ nữ trổ tài nấu nướng bày biện, là mỗi người đều được đắm mình trong không khí đặc biệt của những bữa ăn sum họp gia đình.
Vào dịp Tết ở miền Bắc thường khá lạnh, nhưng Tết miền Nam, Tết Sài Gòn là những ngày nắng vàng rực rỡ. Vài năm nay có được chút se lạnh vào buổi sáng thì đến trưa lại nắng nóng, vì vậy các mâm cơm ngày Tết miền Nam cũng khác với mâm cỗ Tết miền Bắc.
Không khí Tết miền Nam đầu tiên là đến từ chợ Tết. Một năm trong những ngày giáp Tết thì chợ lớn chợ nhỏ đều tấp nập suốt ngày, cao điểm từ khoảng ngày 23 cúng Ông Táo. Trong nhà lồng và những con đường quanh chợ không còn chỗ chen chân. Trong chợ quần áo giày dép, đồ ăn thức uống sạp nào cũng đầy ắp. Bên ngoài thì hàng trái cây rau xanh, hàng đồ gốm bình bông tiền vàng mã vây kín mặt tiền chợ. Rồi các hẻm quanh đấy tràn ngập hoa Tết đủ loại từ Đà Lạt về, từ miền Tây lên, từ nhà vườn Thủ Đức, Gò Vấp đến… Nhiều nhất là sắc hoa vàng - Tết phương Nam mà thiếu cúc vàng mai vàng thì cũng giống như Tết miền Bắc mà thiếu cành đào thắm đào phai, đâu còn là Tết.
Và bánh tét bánh chưng cũng tràn khắp nơi: bánh tét Trà Cuôn, Long An, Cần Thơ từng đòn tròn to chắc nịch, nếp xanh màu lá dứa có trứng vịt muối bùi bùi cùng miếng mỡ mềm rục. Bánh chưng Bắc “truyền thống” vuông vắn trong nilon hút chân không, để lâu vẫn mềm, không thiu trong tiết trời nắng nực. Giò chả thịt nguội các loại, dưa cải kim chi dưa kiệu dưa món… từng hũ nhỏ lớn xếp cao hình tháp bên cạnh những hũ tôm khô từng con đều nhau đỏ au, chỉ nhìn đã thấy ngon.
Đi chợ Tết đâu chỉ một lần, có khi vài ba lần mới đủ các thức ăn, gia vị cho những bữa cơm ngày Tết. Chỉ tính qua cũng đã có vài mâm cơm cúng vào các ngày 30 tết và mùng Một, rồi còn ngày mùng ba rồi mùng bảy “hạ nêu”. Mỗi ngày có thể thêm bớt vài món ngon, nhưng nhìn chung nhà nào cũng nấu các món truyền thống của mâm cơm ngày tết Nam bộ.
2.
Ngày Ba Mươi mâm cơm cúng rước ông bà về ăn Tết thì luôn có các món như: thịt kho hột vịt bằng nước dừa, những miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục; đĩa thịt đầu heo ngâm dấm trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng, dĩa dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, đĩa chả giò chiên và rau sống, tô canh khổ qua nhồi thịt hay tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu các món nguội như giò lụa, giò thủ, nem chua, mấy đĩa dưa cải chua, dưa giá lẫn tôm khô, xanh trắng đỏ rất bắt mắt.
Bây giờ bánh tét Nam bộ có nhiều biến tấu với nhân ngọt nhân chuối và nhân mặn như đậu xanh, thịt mỡ, lạp xưởng, trứng muối… Nhưng một đòn bánh tét chuẩn miền Nam phải được gói bằng lá chuối, tròn và chắc, nhân nằm chính giữa. Loại bánh “ngũ sắc” khi “tét” (cắt) thành khoanh có thể thấy đầy đủ màu nhân đậu vàng, giữa là màu đỏ cam của lòng đỏ trứng vịt muối, xung quanh ba màu nếp đỏ (gấc), tím (lá cẩm) và xanh (lá dứa). Đĩa bánh tét đặt giữa làm nổi bật hơn ý nghĩa của mâm cơm ngày Tết.
Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà mâm cơm đơn giản hơn, nhưng phải có đĩa “Tam sên” gồm một miếng thịt heo, 2 quả trứng vịt và 3 con tôm càng xanh, có cá kho và tô canh chua, rau củ Đà Lạt gồm bông cải và cà rốt, đậu Hà Lan xào thịt bò, nấm hương, bóng (bì heo khô) và cần tây… Đĩa gỏi cuốn (tôm, thịt, bún, rau sống) hoặc bì cuốn (bì sợi trộn với thịt, thinh, rau sống) chấm nước mắm chua ngọt, lạp xườn và cà rốt xắt sợi làm món “bò bía” ăn với tương ngọt. Giữa mâm thường là đĩa gà xé phay trộn bắp cải hay hoa chuối rắc rau răm đậu phộng rang hành phi thơm nức, và tô cháo gà nóng nhiều hành tiêu ăn nhẹ bụng dễ tiêu. Nhiều khi còn có cả món “cù lao” (là món lẩu nấu trong một dụng cụ bằng nhôm, ở giữa có “cù lao” để than cho lẩu nóng lâu) có nhiều rau củ, dễ ăn đỡ ngán sau những ngày tết ăn nhiều chất đạm.
Nhiều năm nay trong nhiều gia đình Nam bộ, trên mâm cúng mùng Một hay giao thừa, còn có gà luộc để nguyên con, đĩa xôi (xôi vò hay xôi gấc, hoặc xôi trắng), giống như mâm cỗ miền Bắc. Nhiều gia đình khác bên cạnh những món mặn truyền thống còn có mâm cúng chay vào ngày 30 và mùng Một Tết.
Mâm cơm ngày Tết Nam bộ gồm những món ăn tuy không quá cầu kỳ trong nguyên liệu và chế biến, nhưng luôn được người bà, người mẹ, người chị chăm chút. Vẫn biết “trước cúng sau ăn”, nhưng bữa cơm đông đủ cả nhà, lại có ông bà về chứng kiến, chắc chắn là bữa cơm gia đình ngon nhất trong năm!
3.
Sau mỗi bữa cơm, con cháu mời ông bà cha mẹ, mời những người khách uống trà ăn bánh ngọt. Trong hương thơm thoang thoảng của trà sen là mùi thơm của các loại bánh mứt: mứt dừa từng sợi trắng, xanh, vàng, hồng từ màu tự nhiên của cây lá quanh nhà, bánh in thơm bột nếp, bánh kẹp mỏng giòn tan, bánh bông lan nhỏ xíu mềm xốp thơm mùi trứng… Rồi các loại mứt tắc (quất) từng quả vàng tươi trong veo, những miếng mứt gừng mỏng thơm cay ấm, mứt gừng dẻo từng sợi lẫn chuối, đậu phộng vừa bùi vừa béo ăn không bao giờ ngán, rồi chuối khô, mứt mãng cầu, mứt cà rốt, khoai lang, mứt sen, mứt bí…
Ngày xưa ở miền quê Nam bộ từ rằm tháng Chạp, trong khi các dì các mẹ lo chuẩn bị mua sắm Tết thì các cô gái trong nhà cặm cụi làm những loại bánh mứt này. Ngày giỗ ngày Tết là lúc các em cháu “trổ tài” nữ công gia chánh đã được mẹ dạy dỗ, mà các cô bác trong làng cũng thường nhìn “mâm bánh” mà để ý tìm con dâu. Nay thì bánh mứt bán khắp nơi, hàng nội hàng ngoại đều có bao bì đẹp, biếu tặng rất tiện… Nhưng những hộp bánh mứt ấy dường như thiếu mất hương vị vén khéo của những người phụ nữ ngày xưa…

#baotet2023 TC Du lịch TPHCM






BẠN Ở NƠI XA

 Internet mang lại cho con người những trải nghiệm thú vị về một thế giới mênh mông mà cũng vô cùng nhỏ bé, khi chỉ một cú nhấp chuột là có thể đến bất cứ nơi nào mình muốn. Dù ở nơi đâu trên trái đất người ta cũng dễ dàng quen biết nhau, có thể cả đời chẳng gặp mặt mà vẫn trở thành bạn bè. Tôi đã quen nhiều người bạn như thế. Dù thường xuyên gặp gỡ đổi trao thân thiết trên mạng, nhưng khi có cơ hội thì chúng tôi vẫn cố gắng tìm gặp nhau. Và thật may mắn, những cuộc gặp gỡ ấy chưa bao giờ làm chúng tôi thất vọng.

Nhiều năm qua tôi có dịp đi công tác nước ngoài. Trước khi đi tôi liên lạc với bạn ở nơi tôi sẽ đến và luôn nhận được lời “rủ rê” của bạn, rằng sẽ đưa tôi đi chơi bảo tàng, di tích ở nơi này nơi khác. Nhưng rồi do thời gian chặt chẽ của công việc nên nhiều khi chỉ gặp bạn trong một cuộc cà phê vội vã, may mắn thu xếp được thì có bạn đến đón và đưa tôi đi quanh thành phố trong thời gian rảnh rỗi ít ỏi của cả hai.

Một lần ở Berlin tôi được gặp chị H. Tôi quen chị qua facebook, nhưng hóa ra chúng tôi biết nhau từ thời còn ở Hà Nội khi tôi còn bé xíu. Ngay buổi chiều đầu tiên khi tôi mới tới, chị đưa tôi đến một nơi khá đặc biệt: Khu tưởng niệm Hồng quân Liên xô trong thế chiến II, “nơi này rất ít khách Việt Nam đến tham quan, nhưng là một trong vài nơi đẹp nhất Berlin”, chị H. nói. Quả như vậy! Hơn thế nữa, khu tượng đài mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, đã gợi nhớ một thời chiến tranh ở miền Bắc mà tôi không quên, bao nhiêu năm đã trôi qua.

Sống ở Berlin hơn 30 năm mà chị H. vẫn giữ giọng nói nhẹ nhàng, phong cách Hà Nội thuần khiết, chu đáo, nhiệt tình. Những ngày sau đó dù công vịêc rất bận rộn mà chị vẫn tranh thủ sau giờ làm việc đưa tôi đi tham quan thành phố. Anh chị định cư ở đây nhưng thường xuyên lên mạng xem tin tức, rồi trao đổi với các con để chúng gần gũi hơn với quê hương. Hai con của anh chị học rất giỏi, nói tiếng Việt khá tốt dù được sinh ra và lớn lên ở nước Đức. Có hôm hai chị em về đến nhà đã thấy cháu trai nấu xong bữa cơm. Tôi hỏi cháu có thích ăn cơm Việt không, cháu nói rất thích vì mẹ cháu nấu rất ngon. Chị H. cười hóm hỉnh, cả ngày các con ở trường ăn đồ ăn Tây, nói tiếng Đức tiếng Anh nên nhà ăn cơm Việt để nói tiếng Việt nhiều hơn. Học ngôn ngữ qua đường… dạ dày là nhanh nhất, phải không?

Ngay sau đó chị “trổ tài” làm ngay một “đặc sản” mà nay ở Hà Nội cũng ít người có thể nấu ngon: món bún thang. Đây là món ăn rất hấp dẫn, nhưng nấu thì phải thật tỉ mỉ, công phu. Giữa trời se lạnh xứ Tây mà chị dọn ra một tô bún thang nóng hổi thơm phức, đúng chuẩn đủ cả bún tươi, gà luộc xé tơi, trứng tráng mỏng xắt chỉ, giò lụa xắt chỉ, tôm khô, nấm hương và củ cải khô, thêm nhúm rau răm xanh mướt dậy mùi… Vị ngọt thanh của nước dùng hòa quyện với vị ngọt đậm của thịt gà vườn - mà chị phải về tận chợ quê để mua gà nông dân nuôi… khiến tôi ăn một lần và nhớ hoài, chỉ mong lần nữa được thưởng thức tô bún thang đậm chất “Hà Nội xưa”.

***

Tình cờ một ngày lướt facebook, tôi nhìn thấy một cái tên đặc biệt nhưng rất quen thuộc. Tôi đoán đó là người bạn đã bặt tin từ rất lâu. Hai đứa chỉ học chung với nhau lớp 12 ở trường Marie Curie từ năm 1975. Hồi đó, lớp học phần lớn là các bạn người Sài Gòn, chỉ có vài người là con cái cán bộ miền Nam tập kết trở về. Ba má của chúng tôi cùng kháng chiến ở miền Tây thời chống Pháp, cùng tập kết ra Bắc và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, hai người cha rất thân thiết với nhau. Bởi vậy, bặt tin bao nhiêu năm nhưng khi tình cờ tìm thấy, chỉ một lời nhắn hỏi là nhận ra nhau ngay. Chúng tôi nối lại liên lạc và đã có dịp gặp nhau ở Paris. Bạn tôi vẫn giọng Hà Nội dịu dàng như ngày nào, vẫn những nét giống cha như hồi còn là cô con gái “rượu"...

Câu chuyện gì của hai người bạn, hai cô thiếu nữ biết nhau khi mới 17 tuổi, nay là những người phụ nữ “đã toan về già”, một đứa sinh sống trời Tây hơn 30 năm, một đứa ở Sài Gòn mà thường xuyên vẫn lang thang đây đó? Ký ức về cây kem Tràng Tiền ở Hà Nội, kem dừa Bạch Đằng ở Sài Gòn, về chuyện xếp hàng thời bao cấp vất vả khó khăn; chuyện về những người bạn chung, chuyện gia đinh con cái, chuyện xã hội… Nhưng trong câu chuyện của hai đứa nhiều hơn cả vẫn là kỷ niệm của hai người cha. Hai ông đều là người trí thức chân chính, “dám làm dám chịu” để bảo vệ giá trị nhân văn, tiến bộ của tác phẩm văn học - nghệ thuật, bảo vệ những người tốt trước quan niệm bảo thủ, giáo điều vào thời kỳ đất nước mới thống nhất… Những điều đó đã để lại cho hai chúng tôi sự hiểu biết, cách ứng xử và nhìn nhận xã hội giống nhau, để lại cho cả hai đứa cá tính biết chịu đựng mà cũng biết vượt qua nghịch cảnh để trở thành chính mình.

Trong chuyến đi chơi, khi qua một quán cà phê thơm lừng mùi bánh crepe, bạn rủ tôi vào và gọi những chiếc crepe thật ngon, bột mềm mịn thơm mùi bơ, trứng, mỏng mảnh và dai mềm, với ly cà phê có mấy viên đá để chiều theo sở thích của người Sài Gòn. Câu chuyện cuộc đời của bạn làm sống dậy ký ức về cuốn tiểu thuyết “Sans famille - Không gia đình” mà thời thơ ấu chúng tôi cùng yêu thích. Đó là cảnh cậu bé Remy đang háo hức chờ đợi chiếc bánh crepe ngon lành từ bàn tay của bà má nuôi Barberin, bất ngờ ông bố Barbarin từ nơi xa trở về… Thế là tất cả bột cả sữa, cả bơ cả trứng gà mà má Barberin đã phải đi vay hàng xóm… trong chốc lát bị ông bố đổ tuột vào nồi súp hành. Hết cả bánh lẫn bữa ăn ngon mà hai má con đã phải chờ đợi rất lâu mới có được. Những chiếc bánh crepe bị “cướp đi” là dấu hiệu bé Remy bị đẩy ra khỏi vòng tay thương yêu của má Barberin, bắt đầu bước đường lưu lạc đầy gian truân của cậu.

Bây giờ tôi mới biết lý do hai đứa bặt tin nhau, vì cuộc đời cũng đã cướp đi “chiếc bánh crepe” ngon lành của bạn và làm cho bạn bất ngờ phải bỏ lại quê hương ra đi… Nhưng rồi như cậu bé Remy, vượt lên trên nghịch cảnh bằng nghị lực và tình yêu gia đình vô bờ bến, bạn đã có được cuộc sống bình an nơi đất khách. Bằng sức lao động cần mẫn và khéo léo, bây giờ bạn đã là một trong số rất ít thợ lành nghề nhất của một hãng thời trang nổi tiếng của Pháp, người có thể làm “hàng mẫu” cho dòng sản phẩm cao cấp nhất của hãng. Không chỉ vậy, bạn còn trở thành người hướng dẫn, truyền dạy cho những thợ trẻ người Pháp kỹ năng thủ công tuyệt vời của mình.

Nhìn con cháu của bạn đã là những cô cậu “người Pháp” giỏi giang, thành đạt, nhưng rất tình cảm và chu đáo với bạn bè của mẹ từ xa đến chơi, tôi nhận ra rằng, tự bạn đã có thể làm những chiếc crepe ngon lành cho mình, luôn mang lại cho gia đình và bạn bè vị ngon đặc biệt của loại bánh này. Giống như cuối cùng cậu bé Remy đã được hạnh phúc bên gia đình ruột thịt sau nhiều năm xa cách vì nghịch cảnh.

***

Một lần đi trên đường phố Quận Cam (Mỹ), nhìn thấy mấy tàu chuối vươn khỏi tường rào vẫy vẫy trên hè phố, tôi bỗng nhớ nhà da diết dù chỉ mới xa nhà hai ngày trong đó có gần 20 giờ trong chuyến bay dài. Hỏi bạn, ở đây trồng nhiều chuối không? Bạn như hiểu, trả lời: chị thấy nhà ai mà trồng bụi chuối thì gần như chắc chắn là nhà người Việt mình. Ừ càng đi xa lại càng muốn lưu lại chút gì của quê hương bên mình.

Bụi chuối sau hè, hồi nhỏ là sự sợ hãi mỗi tối khi phải ra đó vì một lý do mà ai cũng như ai, là niềm vui khi thấy bắp hoa bắt đầu kết thành buồng bé xíu xinh xinh, lớn dần lên, rồi từng nải trái già căng, mẹ chặt mang vô dựng trong bếp gần khạp gạo. Vài bữa khi trái hườm hườm, nải chuối ngon nhất, đẹp nhất được cha đặt lên bàn thờ ông bà, thắp nén nhang trước là lấy thảo sau là lấy hơi ấm cho cả nải chín đều. Bạn nhắc hoài, bữa cơm Nam bộ ít khi thiếu vài trái chuối sứ, từ con nít đến bà già đều quen với chén cơm chan nước cá kho thịt kho ăn với chuối chín. Nhà có đàn bà sanh nở luôn có buồng chuối chín dần, canh chuối sứ nêm chút muối chút đường là món ăn lợi sữa rất lành và cũng rất rẻ tiền, dễ kiếm. Giữa buổi mà đói,  có chén chè chuối hay cái bánh chuối chiên thì không còn gì bằng.

Một người bạn khác có lần đi đâu đó đến tận bờ biển Mexico xa xôi. Email bạn gửi cho tôi đầy thảng thốt: trời ơi, tui như đang ở bãi biển quê mình, cũng hàng dừa đong đưa trong gió chiều, cũng mùi thơm của mực tươi cá tươi, của ốc của sò nướng trên than hồng, cũng mấy trái khóm trái chuối mà mấy bà đội cái thúng trên đầu mang bán… nhớ nhà quá trời… Bạn đã hơn 40 năm sống ở Cali, đã tự coi mình như một người Mỹ “chánh hiệu”, vậy mà chỉ mùi thơm khói bếp than cũng làm bạn bần thần rồi quyết tâm “tết này sẽ về nhà” dù ở quê nhà bạn chẳng còn ai cả.

Đặc biệt khi đến những ngôi nhà của các anh chị thì nhận ra ngay “nhà Việt”. Không chỉ có táo, nho, lê, mận căng mọng trĩu cành, chỉ nhìn thôi đã thấy vị ngọt thấm vào tận… bao tử, mà ngon hơn cả là giàn bầu bí xanh non, những ngọn mùng tơi, rau muống, đậu đũa, khổ qua xanh mướt trong khu vườn nhỏ. Tôi nói đùa: tranh luận về “nguồn gốc dân tộc” làm gì cho mệt, cứ nhìn cái vườn, nhìn bữa ăn thì biết ngay là người Việt gốc… rau: thiếu rau xanh thì không thành bữa cơm Việt.

Dù ở nơi nào trên thế giới, qua hàng chục năm xa đất nước nhưng các anh chị, bạn bè vẫn lưu giữ từng mảnh quê hương: chỉ là bữa bánh xèo Nam bộ với rổ rau sống xanh tươi đủ vị, đĩa rau luộc chấm nước mắm dầm trứng, tô phở gà đậm đà “Hà Nội”, bình gốm Bát Tràng, đĩa sơn mài mua từ phố cổ, những cuốn sách mới xuất bản ở trong nước, giọng nói Sài Gòn hay Hà Nội thuần khiết của một thời chưa xa, sự tinh tế trong giao tiếp, ký ức một thời “Sài Gòn hoa lệ” hay những năm “Hà Nội thời bao cấp”… Tất cả đã mang lại cho tôi cơ hội chiêm nghiệm một quy luật “văn hóa càng đi xa càng được bảo tồn nguyên vẹn”. Những người bạn ở xa… thời gian các anh chị gắn bó với quê hương dù nhiều hay ít nhưng những gì họ mang theo đã trở thành ký ức bền vững, bởi được nuôi dưỡng bằng tình yêu gia đình, tình yêu đất nước.

Mỗi lần chia tay bạn bè, tôi đều hẹn sẽ gặp lại, hàng ngày, trên internet. Để chia sẻ với nhau những khó khăn những nỗi buồn, để góp từng niềm vui, mang lại cho nhau chút bình yên khi cuộc sống còn quá nhiều bề bộn và bất trắc…

TC Người đô thị tết 2023 




SÀI GÒN ĐÔ THỊ MỞ VÀ DUNG CHỨA

Nguyễn Thị Hậu

1.
Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, hình thành từ sự thích ứng với thiên nhiên và tính cách văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ xuyên” suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó.
Truyền thống được coi là văn hóa phi vật thể, dù khó mà có thể phân biệt rạch ròi ranh giới của văn hóa vật thể và phi vật thể. Như truyền thống thờ cúng tổ tiên ông bà được “vật thể hóa” bằng bàn thờ, đám giỗ trong gia đình, thờ cúng thần linh, những người có công khai hoang lập ấp bằng ngôi đình làng và những nghi lễ do con người cử hành, thực hành... Từ những truyền thống hình thành nên đặc trưng cơ bản, tinh túy, “bản sắc”, mà nếu thiếu hay mất đi đặc trưng ấy thì khó có thể nhận diện một vùng đất, một cộng đồng.
Lịch sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tiến trình phát triển của một vùng đất có vị thế “địa – lịch sử” độc đáo, để từ đó hình thành bản sắc “địa – văn hóa” đa dạng, năng động và cởi mở trên nền tảng truyền thống chung là cần cù lao động, yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của Nam Bộ và của cả nước.
Sài Gòn được hình thành tại vị trí trung tâm của vùng đất Nam bộ, nối liền Đông – Tây Nam bộ, một bên là vùng lâm thổ sản phong phú một bên là vựa lúa lớn nhất nước. Nằm trên trục giao thông thủy bộ quan trọng ở Nam Đông Dương, có “mặt tiền” nhìn ra biển Đông là khu vực Cần Giờ, có vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông.
Về địa hình, Sài Gòn có vị thế một đất cao trình vừa phải so với mặt biển, tiếp giáp với triền thấp cuối cùng của dãy Trường Sơn là cả một bình nguyên về Tây, nằm trên lưu vực sông lớn uốn khúc tạo nhiều bán đảo rộng lớn màu mỡ thuận tiện việc lập ruộng vườn làng xóm. Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nối liền với các con sông lớn khác như Vàm Cỏ, Cửu Long đảm bảo giao thông đường thủy đến mọi nơi trong đất liền. Cách biển không xa nhưng tránh được sóng lớn, sông đủ sâu cho mọi loại tàu thuyền ra vào, thực tế Sài Gòn là một cảng biển lý tưởng.
Có thể nhận thấy Sài Gòn hình thành từ sự kết hợp yếu tố địa lý tự nhiên và quy hoạch đô thị phù hợp. Kết quả của việc “trời cho người chọn” này đã tạo nên truyền thống và bản sắc đô thị. Từ thế kỷ XVIII đến nay đặc trưng của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là: một đô thị sông nước, một đô thị trung tâm kinh tế, một đô thị quy hoạch phát triển theo kiểu phương Tây sớm nhất Việt Nam, và một đô thị đa dạng về văn hóa, tộc người . Những đặc trưng này liên kết chặt chẽ, làm tiền đề cho nhau phát triển, từ đó tạo ra những truyền thống nổi bật của vùng đất và con người Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.
2.
Từ khi Sài Gòn hình thành một đô thị là trung tâm của Đàng Trong thời Chúa Nguyễn nơi đây đã là nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về. “Gia Định là cõi Nam nước Việt, lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường (...), người Tây dương (...) Cao Miên, Đồ Bà (...) đến ngụ cư đông đúc xen lẫn, mà người các nước ấy thì y phục đồ dùng đều theo kiểu của dân tộc họ”. Những giai đoạn về sau cũng vậy, không chỉ là nơi tiếp nhận các cộng đồng dân cư khác nhau mà Sài Gòn còn tiếp nhận những cách thức làm ăn, những nghề nghiệp hay phương thức kinh tế mới đi cùng các cộng đồng đó. Sự giao lưu với các nền văn hóa – trong đó có các yếu tố khoa học kỹ thuật mới – giúp Sài Gòn phát triển nhanh chóng.
Sài Gòn là nơi hình thành các nhà máy công nghiệp đầu tiên, xưa nhất phải kể đến xưởng Thủy của Chúa Nguyễn Ánh từ cuối thế kỷ 18, sau đó từ giữa thế kỷ 19 trở thành công xưởng Ba Son nổi tiếng. Khoảng đầu thế kỷ 20 người Pháp đã có nhiều hoạt động kinh tế, kỹ nghệ và thương mại, hình thành và phát triển các cảng biển và cảng sông… cùng nhiều ngành dịch vụ kinh tế, dịch vụ đô thị. Nền kinh tế của Sài Gòn còn do nhiều người Việt góp phần phát triển. Tuy là những công ty không lớn nhưng hoạt động trên nhiều lĩnh vực: in ấn và xuất bản sách báo, tín dụng, ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng như nước mắm, xà bông, dệt may, giấy, hãng xe đò...
Các cộng đồng cư dân khác cũng góp phần phát triển nền kinh tế thị trường đa dạng: người Hoa với nghề làm gốm truyền thống, y dược cổ truyền, phát triển kỹ nghệ lúa gạo xuất khẩu, tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt tầng lớp thương nhân lớn nhỏ buôn bán khắp trong và ngoài nước. Cộng đồng người Ấn đến Sài Gòn từ nửa sau thế kỷ 19, nổi bật với nghề buôn bán tơ lụa, dịch vụ cho vay, đổi tiền, nhà hàng... Ngoài ra còn có một số công ty của người Anh, Nhật, Đức, Mỹ... . Những hoạt động kinh tế sôi nổi này tiếp tục phát triển trong giai đoạn 1954 – 1975.
Là một trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhân những ngành nghề, phương thức mới, vì vậy trong hoạt động kinh tế ở Sài Gòn tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tốt đẹp, năng động sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ thuật mới... Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều. Đồng thời, vẫn giữ sự liên kết hỗ trợ “buôn có bạn, bán có phường”, đảm bảo chữ Tín trong làm ăn cũng là một truyền thống của nền kinh tế Sài Gòn.
Từ giai đoạn Mở cửa đến nay, Tp. Hồ Chí Minh đi đầu trong việc “xé rào” tháo gỡ khó khăn, gạt bỏ những cản trở lỗi thời của tư duy và lối làm ăn bao cấp lạc hậu, thực hiện những biện pháp, phương thức kinh tế mới. Từ đó góp phần quan trọng về thực tiễn và tạo ra tiền đề lý luận cho công cuộc đổi mới của đất nước. Tính cách, lối sống năng động, sáng tạo của người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh được coi là tiêu biểu cho người Nam bộ.
3.
Quá trình lịch sử vùng đất Nam bộ cũng là quá trình hình thành cư dân Nam bộ. Quy tụ từ nhiều nguồn gốc xuất thân, từ nhiều tộc người, những lớp lưu dân đến vùng đất này trong những thời gian khác nhau, từ những hoàn cảnh lý do khác nhau. Lưu dân người Việt vào Nam bộ trước hết và đông nhất là những người “tha phương cầu thực” vì không có đất đai, không có phương kế sinh sống ở quê hương. Thành phần thứ hai là những người chống đối triều đình, quan lại địa phương, bị truy bức nên phải tìm đường trốn tránh. Thứ ba là những tội đồ bị buộc phải ly hương (một hình phạt nặng của thời phong kiến). Ngoài ra có số ít người tương đối giàu có, “có máu phiêu lưu” muốn mở rộng và phát triển việc làm ăn trên vùng đất mới nên nhập vào hàng ngũ lưu dân.
Công cuộc khai phá và xây dựng vùng đất mới trải qua nhiều gian nan khó nhọc, những lớp người đầu tiên khai phá vùng đất này phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt. Môi trường sinh thái khác với miền Bắc, miền Trung nên khó khăn đầu tiên là lưu dân phải học cách nhận biết và thích nghi với điều kiện sống, tìm cách hòa hợp lối sống và học tập kinh nghiệm lao động sản xuất của cộng đồng bản địa. Kinh nghiệm thành công của người Nam Bộ thật đơn giản: Thích nghi, hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt, “tứ hải giai huynh đệ”, chân thành và tương thân tương ái...
Không chỉ vậy, lưu dân còn gánh một “sứ mạng” quan trọng là “xác lập chủ quyền đất nước” bằng ruộng vườn, làng xóm… Đặc biệt là những ngôi đình làng Nam bộ là nơi tưởng nhớ quê hương bản quán và đánh dấu quê hương mới. Ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay Lễ Kỳ yên (cầu an) vẫn còn duy trì ở hầu hết các ngôi đình xưa. “Làng cổ” khu vực Hòa Hưng (quận 10) còn lưu giữ một mỹ tục: khi gia đình trong làng có dâu rể mới đều đưa đến đình Chí Hòa thắp nhang “trình ông” cho được làm cư dân mới của làng . Hoàn cảnh lịch sử đã gắn bó những con người từ nhiều nguồn gốc bản quán với nhau nhờ lòng trắc ẩn, sự cưu mang, từ quan hệ “bà con lối xóm” đến quan hệ làm ăn buôn bán, gắn bó trong đời sống tinh thần từ nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh, biết ơn các vị “tiên hiền hậu hiền”...
Trong thời kỳ chiến tranh, Sài Gòn là một đô thị lớn dung chứa dân tứ xứ đổ về. Không chỉ là dân nghèo vùng nông thôn mà còn có những người có kinh nghiệm làm ăn buôn bán, có trình độ tri thức, có tài năng văn hóa nghệ thuật. Sống trong một đô thị luôn biến động về dân cư, người Sài Gòn đã tạo dựng lối sống và tinh thần bình đẳng, dân chủ, bao dung, nghĩa khí làm trọng. Vì vậy mọi tài năng, sở trường về kinh doanh, về văn hóa nghệ thuật... được phát triển. Cộng đồng cư dân thành phố mang trong mình những nét văn hóa vừa đồng nhất lại vừa khác biệt. Sự khác biệt trong nguồn gốc văn hóa của từng nhóm cư dân đô thị và sự đồng nhất trong cùng một tâm lý, ý thức thị dân được hun đúc và lưu truyền trong tiến trình đô thị hóa.
Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh luôn là nơi luôn được nhắc đến bởi những việc làm thiện nguyện của các tổ chức xã hội, các cá nhân, là nơi luôn đi đầu trong những đợt cứu trợ “nhường cơm xẻ áo” cho các địa phương khác khi gặp thiên tai, cũng là nơi đùm bọc sẻ chia mọi cơ hội việc làm cho “người tứ xứ”. Và ngay trong những ngày đại dịch Covid-19 vô cùng ác liệt vào năm 2021, trong thành phố nơi nào cũng hiện diện những việc làm, sự giúp đỡ chia sẻ “lá lành đùm lá rách”. Tất cả đã động viên lẫn nhau và giúp cho TP. Hồ Chí Minh vượt qua cơn “trọng bệnh” nguy hiểm.
Sách Gia Định thành thông chí (Địa chí vùng đất Nam bộ đầu thế kỷ XIX), mục Phong tục chí ghi chép như sau: “Gia Định ở về phương Nam, gần ánh sáng mặt trời, người phần đông có tánh trung dũng khí tiết, coi nặng việc nghĩa coi nhẹ tiền tài, cho dù phụ nữ cũng vậy”, “Ở Gia Định khi có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau đó dọn cơm bánh, tiếp đãi chu đáo đầy đủ. Bất kể là người thân hay sơ, quen hay lạ, tông tích ở đâu, đã đến thì phải đón tiếp đãi đằng. Nên nhiều người đi chơi không cần mang theo lương thực, nhưng lại khiến người né xâu trốn thuế đến xứ này nhiều, bởi có chỗ ăn chỗ ở” . Trải qua hai trăm năm với bao biến cố xã hội nhưng tính cách, lối sống tốt đẹp này không thay đổi mà luôn được duy trì đậm nét, và ngày nay đã trở thành một đặc trưng nhận diện của “Đất và Người Sài Gòn”.


ẤN DỘ VÙNG ĐẤT QUYẾN RŨ VÀ ĐẦY SỨC SỐNG

 Tùy bút. Nguyễn Thị Hậu

 

Đã lâu, từ góc độ nghề nghiệp, tôi mong muốn được đến Ấn Độ - nơi xuất phát nhiều yếu tố văn hóa có ảnh hưởng lớn đến khu vực Đông Nam Á vào thời xa xưa. Nhắc đến Ấn Độ người ta nhớ ngay nền văn minh sông Ấn rực rỡ cách nay hàng ngàn năm, nay còn lưu lại những đặc trưng văn hóa độc đáo. Ấn Độ được mệnh danh là “tiểu lục địa” với hơn 1,4 tỷ dân, là cái nôi của 4 tôn giáo lớn là Hindu giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo, cùng với hàng chục tôn giáo, hàng trăm tín ngưỡng khác...

Dịp may hiếm có vào cuối năm 2022 tôi được đến vài thành phố phía Bắc Ấn độ, nơi có vô vàn tuyệt tác kiến trúc từ cổ đại đến hiện đại. Chuyến đi đã cụ thể hóa và mở mang tầm hiểu biết của tôi về một trong những nền văn hóa có sức cuốn hút nhất thế giới.

Bắt đầu từ sân bay Indira Gandhi về trung tâm thủ đô New Delhi, trên xa lộ mỗi bên 8 làn xe vẫn đông nườm nượp, trong đó rất nhiều xe chở các đoàn khách du lịch. Càng gần thành phố càng kẹt xe dù ban ngày hay ban đêm. Vì vậy, tại New Delhi và nhiều thành phố khác, các khách sạn lớn hiện đại thường được xây dựng ở ngoài khu vực trung tâm để tránh ùn tắc, giảm lưu lượng giao thông và ô nhiễm không khí. Quy hoạch như vậy nhằm phát triển những đô thị mới ở vùng ven, hạn chế sự thâu tóm bất động sản ở các “khu đất vàng”. Quan trọng hơn là nhằm bảo vệ các khu phố cổ, công trình cổ và cảnh quan lịch sử ở trung tâm thành phố. Tại khu vực này phát triển hệ thống khách sạn nhỏ và homestay, “phố đi bộ”... giúp người dân có “sinh kế” ngay từ nhà cổ, duy trì và phát triển các khu phố shophouse và chợ truyền thống để phát triển kinh tế địa phương. Từ đó cộng đồng tích cực góp sức vào việc bảo tồn di sản di sản văn hóa, cũng là bảo vệ sinh kế cùa mình.

Tại New Delhi chúng tôi tham quan một số di tích đặc biệt như Đền Bahai - đền Hoa sen (Lotus Temple). Ngôi đền được coi là “một kỳ quan kiến trúc - di sản đương đại” của Ấn Độ, mới hoàn thành vào năm 1987 sau 10 năm thiết kế và thi công. Toàn bộ ngôi đền như một đóa hoa sen trắng khổng lồ mà vô cùng mềm mại. Những cánh hoa cách điệu ôm lấy búp cũng chính là mái vòm chính, xung quanh có cánh sen lại hóa thành hồ nước. Công trình cao 35 met, diện tích khoảng 105 ngàn m2, gian chính có sức chứa lên tới 2500 người. Điều đặc biệt là tại nơi này, bất cứ người thuộc sắc tộc nào, tôn giáo tín ngưỡng nào cũng có thể đến cầu nguyện những điều tốt lành. Có thể coi ngôi đền là biểu tượng của tinh thần hòa hợp, khoan dung của tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng ở Ấn Độ và trên thế giới. Trong không gian rộng lớn và yên tĩnh lạ lùng, khi nhắm mắt và cầu nguyện tôi có thể cảm thấy rõ ràng sự linh thiêng được tích tụ từ hàng trăm ngàn lời nguyện cầu tại đây...

Một kiệt tác khác tại New Delhi là Qutub Minar – quần thể công trình của nghệ thuật Ấn-Hồi xây dựng bằng đá sa thạch đỏ từ đầu thế kỷ XIII và UNESCO ghi nhận là di sản thế giới từ năm 1993. Đến đây ngắm nhìn vài công trình còn tương đối nguyên vẹn và những phế tích khác, nhớ đến khu đền tháp Angkor (Campuchia) và nhỏ bé hơn là Di tích Mỹ Sơn (Việt Nam), là những công trình xây dựng trong khoảng niên đại tương đương nhau, mới thấy hết sự vĩ đại của con người, sự vĩnh cửu của những giá trị văn hóa.

New Delhi có Nhà lưu niệm – Bảo tàng Mahama Gandhi, một dinh thự nhỏ trong khuôn viên rộng trên con đường lớn ở trung tâm thành phố. Đây là nơi “Thánh Gandhi” sống những giờ phút cuối cùng trước khi ông bị ám sát. Từ ngôi nhà đã trở thành một bảo tàng về cuộc đời của ông, có một con đường nhỏ trên đó đắp nổi những dấu chân cuối cùng của ông dẫn đến nơi ông ngã xuống, nay dựng một tấm bia lưu niệm. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ai nhìn thấy cũng xúc động, bởi vì nó giản dị như chính cuộc đời mà Gandhi đã hiến dâng trọn vẹn cho nền độc lập của đất nước.

Từ New Delhi chúng tôi đi đến hai thành phố cổ là Agra và Jaipur. Khoảng cách giữa các thành phố này chỉ hơn 300km nhưng đi đường mất 5,6 tiếng. Đó là vì tuy xa lộ rộng lớn nhưng lưu lượng và mật độ xe dày đặc nên tốc độ tối đa chỉ khoảng 60km/g để giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Xe khách còn phải dừng ở trạm nghỉ  từ 1 – 2 lần, nơi có đầy đủ quán cà phê ăn nhẹ, cửa hàng đồ thủ công mỹ nghệ, nhà vệ sinh sạch sẽ (phí là 10 rupi). Các trạm nghỉ còn trang trí những hình ảnh văn hóa Ấn Độ làm cho nhiều du khách thích thú check-in – một hình thức quảng bá cho văn hóa và du lịch.

***

Thành phố Agra là một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ những công trình thời kỳ Mughal. Nơi đầu tiên mà du khách đều phải đến chính là Đền Taj Mahal – di sản văn hóa thế giới, một trong 7 kỳ quan của thế giới đương đại. Toàn bộ công trình Taj Mahal gồm 5 khu vực: Darwaza (cổng chính), Bageecha (không gian vườn), Masjid (nhà thờ Hồi giáo), Naqqar Khana (nhà nghỉ) và Rauza (lăng Taj Mahal). Ngôi đền tuyệt đẹp được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng đặt giữa những khu vườn kiểng, là tượng đài kiến trúc tiêu biểu của Ấn Độ không chỉ bởi sự hoàn mỹ độc đáo, mà còn là biểu tượng cho tình yêu bất tử của vị vua Shah Jahan dành cho người vợ thông thái yêu quý của mình. Đến nay sau gần 400 năm, Taj Mahal vẫn luôn làm say mê bất cứ ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp diễm lệ của nó.

Tại đây từ sáng đến tối luôn có mặt hàng ngàn du khách nhưng sự tổ chức đón tiếp, hướng dẫn rất chuyên nghiệp. Là công trình luôn được bảo vệ ở mức độ cao nhất, ngay từ cổng vào du khách được kiểm tra an ninh và phát một thẻ nhựa nhỏ như đồng xu, lúc về phải trả lại thẻ này mới được ra khỏi cổng. Việc này nhằm thống kế số lượng khách chính xác đồng thời có thể kiểm soát không để lượng khách quá đông trong khu vực di tích, không để sót bất cứ ai còn lại khi đóng cửa di tích. Việc vào tham quan bên trong lăng mộ cũng được bố trí khoa học nhằm giãn cách dòng người, đồng thời tạo điều kiện để du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều hơn những nét trang trí tinh xảo bên trong ngôi đền.

Nằm cách Taj Mahal khoảng 2,5 km về phía tây bắc là pháo đài cổ Agra được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ từ thế kỷ 16. Quần thể pháo đài rộng lớn này còn có tên gọi là Pháo đài Đỏ, do các hoàng đế Mughal xây dựng khi Agra còn là thủ đô. Đằng sau những bức tường là các cung điện (Jahāngīr, Khās Mahal, Shish Mahal), sảnh đường và nhà thờ Hồi giáo. Một vài công trình trong số này được lát toàn bộ bằng đá cẩm thạch tinh khiết. Nổi bật là cung điện Khas Mahal và tòa tháp bát giác - nơi giam giữ vua Shah Jahan sau khi ông bị lật đổ. Từ ban công của cung điện này, nhà vua có thể nhìn thấy Taj Mahal, lăng mộ tuyệt đẹp mà ngài đã xây dựng cho hoàng hậu của mình. Chiêm nghiệm sự kỳ vĩ của pháo đài cũng là nơi chứng kiến những ngày kết thúc số phận của một trong những vị vua nổi tiếng nhất, chợt thấy ngậm ngùi...

***

Sau Angra chúng tôi đi đến Jaipur – “Thành phố hồng” xinh đẹp của Ấn Độ. Jaipur hiện đang trong top 10 thành phố xứng đáng ghé thăm nhất châu Á. Quả nhiên sự đánh giá này không sai!

Sau một tuyến đường dài nắng nóng giữa hai bên là những dãy núi đá thấp nhưng khô cằn, thỉnh thoảng là một cánh đồng nhỏ trồng cải đang mùa hoa vàng rực rỡ, thành phố Jaipur mới hiện ra với dáng vẻ kiến trúc hiện đại nhưng vẫn còn đó những di tích cổ được bảo tồn chu đáo. Thành phố Jaipur cổ bao gồm hàng loạt di sản văn hoá như pháo đài, cung điện cùng các công trình mang phong cách hoàng gia, nhiều khu phố cổ và chợ truyền thống... Tất cả đều khoác một màu hồng bắt mắt, rực lên trong nắng và lung linh trong những ánh đèn khi đêm xuống. Có thể nhận thấy Jaipur cũng như các thành phố khác đều cùng một định hướng “quy hoạch bảo tồn” để phát triển kinh tế di sản một cách hiệu quả.

Công trình Hawa Mahal nằm ngay trung tâm thành phố nên được nhiều du khách biết đến. Đây là một công trình đồ sộ kiến trúc đặc biệt với gần 1000 ô cửa sổ xinh xắn. Hawa Mahal còn được gọi là “Cung điện gió” xây dựng vào năm 1799 trong thời kỳ Vương triều Kachiwari Rajput. Cung điện xây theo mô hình tổ ong này nổi bật với những bức tường rất cao xây từ đá sa thạch màu hồng và đỏ, rất nhiều cửa sổ nhỏ để những cung tần mỹ nữ ngắm nhìn cuộc sống đời thường bên ngoài cung điện, nhưng không ai bên ngoài có thể nhìn rõ các nàng. Tuy nhiên du khách chỉ được ngắm nhìn và chụp hình cung điện từ phía các ngôi nhà đối diện: đó là những quán cà phê, quán ăn, tiện bán đồ trang sức, tơ lụa... Tất cả vui vẻ phục vụ du khách “check-in” với giá một ly nước giải khát hay mua một món đồ nhỏ. Thật là lợi cả đôi bên.

            Không chỉ là nơi có những công trình kỳ vĩ mà ở Jaipur chúng tôi còn được tham quan Đài thiên văn Jantar Mantar cổ đại: một khu vực rộng lớn tập hợp của 19 công cụ thiên văn được vua Maharaja Jai Singh II xây dựng từ năm 1727 đến 1734. Các công cụ thiên văn giúp các nhà khoa học thế kỷ 18 ở Jaipur dự đoán thời điểm xuất hiện nhật thực hay nguyệt thực, các hiện tượng gió mùa, nghiên cứu chiêm tinh qua 12 công trình tượng trưng cho 12 chòm sao... Tại đây còn có một chiếc đồng hồ bằng đá lớn nhất thế giới, cao tới 27m dùng để đo bóng nắng tính thời gian. Nơi này luôn có rất đông học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.

Jaipur còn nổi tiếng với hàng loạt cung điện xây dựng từ giữa thế kỷ XIX trên một ngọn đồi cao. Từ trên các tháp, ban công hay sân thượng, du khách có thể nhìn toàn cảnh Jaipur. Bảo tàng độc đáo hình thành từ "Cung điện Kiết tường" là nơi trưng bày sari, những tác phẩm in ấn và khăn choàng len đan dệt tinh tế. Pháo Đài Amber – một công trình hơn 400 năm tuổi, nổi tiếng với kiến trúc mang phong cách nghệ thuật Hindu. Điểm nhấn hoàn hảo cho pháo đài Amber chính là vị trí tọa lạc trên ngọn đồi cao nhất, có thể nhìn bao quát toàn thành phố và vùng phụ cận. Hình ảnh pháo đài đồ sộ mà thanh thoát luôn được phản chiếu xuống hồ Maotha xanh biếc - nơi cung cấp nước chính cho Cung điện và thành phố. Du khách dược cưỡi voi hoặc đi bộ trên những con đường lát đá hoặc hàng ngàn bậc thang theo lối mòn lên pháo đài, từ đó theo các “mê cung” đi khắp pháo đài, mải mê ngắm nhìn cảnh đẹp một vùng rộng lớn... Rồi đi xe jeep trở xuống dọc theo con đường tràn ngập những chùm bông giấy nhiều màu sắc.

***

Tại các thành phố nói trên còn rất nhiều địa điểm lịch sử, công trình di sản văn hóa nổi tiếng, mà chúng tôi chỉ kịp lướt qua hay đến trong chớp nhoáng do không đủ thời gian... Trong đó có nhiều cửa hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như tơ lụa, trang sức bằng bạc, vàng và đá quý, đồ da, thủy tinh, thảm... Ai cũng cố gắng mua một hai món quà lưu niệm – dù phải trả giá rất nhiều, nhưng nếu lỡ mua đắt một chút thì cũng hài lòng vì chất lượng và sự tinh xảo của sản phẩm.

Cũng như ở nhiều thành phố du lịch nổi tiếng, có thể quan sát và nhận thấy bên cạnh các trung tâm thương mại sầm uất hay khu vực của giới thượng lưu... luôn là các “xóm nhà lá” rất thô sơ, nhếch nhác của người lao động, người nhập cư. Tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường ở Ấn Độ thường xuyên ở mức báo động. Vùng nông thôn rộng lớn chưa có sự thay đổi nhiều về cảnh quan và lối sống. Ấn Độ cũng vừa trải qua đại dịch Covid-19 với những thiệt hại rất nặng nề. Rồi những thông tin bất ổn về an ninh xã hội...Tất cả điều đó dễ mang lại cho du khách cảm giác về một đất nước nghèo khó trì trệ... Nhưng thực tế đây là một đất nước đầy sức quyến rũ bên cạnh sự xô bồ, sự xa hoa sang trọng, hiện đại mà thấm đẫm tâm linh, một nơi hội tụ mọi sắc màu như các loại trang phục truyền thống nổi bật trên nền những ngọn núi và vùng đất bạc màu vì nắng gắt quanh năm...

Từ cung cách quản lý khai thác di sản văn hóa khá tốt, từ việc bảo tồn, trùng tu di tích đến phát triển kinh tế di sản, từ việc tôn trọng sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo tín ngưỡng để bảo vệ “đức tin” và sự hướng thiện của con người, từ nền tảng của một trong bốn nền văn minh sớm và lớn nhất thế giới cổ đại (Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung quốc)... Ấn Độ sẽ luôn là một đất nước đầy sức sống và hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới.

 

Sài Gòn 20.12.2022


 “Cung điện gió” Hawa Mahal.


Đền Taj Mahal.


Pháo đài Amber.


Tác giả tại đền Hoa Sen.

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...