BẠN Ở NƠI XA

 Internet mang lại cho con người những trải nghiệm thú vị về một thế giới mênh mông mà cũng vô cùng nhỏ bé, khi chỉ một cú nhấp chuột là có thể đến bất cứ nơi nào mình muốn. Dù ở nơi đâu trên trái đất người ta cũng dễ dàng quen biết nhau, có thể cả đời chẳng gặp mặt mà vẫn trở thành bạn bè. Tôi đã quen nhiều người bạn như thế. Dù thường xuyên gặp gỡ đổi trao thân thiết trên mạng, nhưng khi có cơ hội thì chúng tôi vẫn cố gắng tìm gặp nhau. Và thật may mắn, những cuộc gặp gỡ ấy chưa bao giờ làm chúng tôi thất vọng.

Nhiều năm qua tôi có dịp đi công tác nước ngoài. Trước khi đi tôi liên lạc với bạn ở nơi tôi sẽ đến và luôn nhận được lời “rủ rê” của bạn, rằng sẽ đưa tôi đi chơi bảo tàng, di tích ở nơi này nơi khác. Nhưng rồi do thời gian chặt chẽ của công việc nên nhiều khi chỉ gặp bạn trong một cuộc cà phê vội vã, may mắn thu xếp được thì có bạn đến đón và đưa tôi đi quanh thành phố trong thời gian rảnh rỗi ít ỏi của cả hai.

Một lần ở Berlin tôi được gặp chị H. Tôi quen chị qua facebook, nhưng hóa ra chúng tôi biết nhau từ thời còn ở Hà Nội khi tôi còn bé xíu. Ngay buổi chiều đầu tiên khi tôi mới tới, chị đưa tôi đến một nơi khá đặc biệt: Khu tưởng niệm Hồng quân Liên xô trong thế chiến II, “nơi này rất ít khách Việt Nam đến tham quan, nhưng là một trong vài nơi đẹp nhất Berlin”, chị H. nói. Quả như vậy! Hơn thế nữa, khu tượng đài mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, đã gợi nhớ một thời chiến tranh ở miền Bắc mà tôi không quên, bao nhiêu năm đã trôi qua.

Sống ở Berlin hơn 30 năm mà chị H. vẫn giữ giọng nói nhẹ nhàng, phong cách Hà Nội thuần khiết, chu đáo, nhiệt tình. Những ngày sau đó dù công vịêc rất bận rộn mà chị vẫn tranh thủ sau giờ làm việc đưa tôi đi tham quan thành phố. Anh chị định cư ở đây nhưng thường xuyên lên mạng xem tin tức, rồi trao đổi với các con để chúng gần gũi hơn với quê hương. Hai con của anh chị học rất giỏi, nói tiếng Việt khá tốt dù được sinh ra và lớn lên ở nước Đức. Có hôm hai chị em về đến nhà đã thấy cháu trai nấu xong bữa cơm. Tôi hỏi cháu có thích ăn cơm Việt không, cháu nói rất thích vì mẹ cháu nấu rất ngon. Chị H. cười hóm hỉnh, cả ngày các con ở trường ăn đồ ăn Tây, nói tiếng Đức tiếng Anh nên nhà ăn cơm Việt để nói tiếng Việt nhiều hơn. Học ngôn ngữ qua đường… dạ dày là nhanh nhất, phải không?

Ngay sau đó chị “trổ tài” làm ngay một “đặc sản” mà nay ở Hà Nội cũng ít người có thể nấu ngon: món bún thang. Đây là món ăn rất hấp dẫn, nhưng nấu thì phải thật tỉ mỉ, công phu. Giữa trời se lạnh xứ Tây mà chị dọn ra một tô bún thang nóng hổi thơm phức, đúng chuẩn đủ cả bún tươi, gà luộc xé tơi, trứng tráng mỏng xắt chỉ, giò lụa xắt chỉ, tôm khô, nấm hương và củ cải khô, thêm nhúm rau răm xanh mướt dậy mùi… Vị ngọt thanh của nước dùng hòa quyện với vị ngọt đậm của thịt gà vườn - mà chị phải về tận chợ quê để mua gà nông dân nuôi… khiến tôi ăn một lần và nhớ hoài, chỉ mong lần nữa được thưởng thức tô bún thang đậm chất “Hà Nội xưa”.

***

Tình cờ một ngày lướt facebook, tôi nhìn thấy một cái tên đặc biệt nhưng rất quen thuộc. Tôi đoán đó là người bạn đã bặt tin từ rất lâu. Hai đứa chỉ học chung với nhau lớp 12 ở trường Marie Curie từ năm 1975. Hồi đó, lớp học phần lớn là các bạn người Sài Gòn, chỉ có vài người là con cái cán bộ miền Nam tập kết trở về. Ba má của chúng tôi cùng kháng chiến ở miền Tây thời chống Pháp, cùng tập kết ra Bắc và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, hai người cha rất thân thiết với nhau. Bởi vậy, bặt tin bao nhiêu năm nhưng khi tình cờ tìm thấy, chỉ một lời nhắn hỏi là nhận ra nhau ngay. Chúng tôi nối lại liên lạc và đã có dịp gặp nhau ở Paris. Bạn tôi vẫn giọng Hà Nội dịu dàng như ngày nào, vẫn những nét giống cha như hồi còn là cô con gái “rượu"...

Câu chuyện gì của hai người bạn, hai cô thiếu nữ biết nhau khi mới 17 tuổi, nay là những người phụ nữ “đã toan về già”, một đứa sinh sống trời Tây hơn 30 năm, một đứa ở Sài Gòn mà thường xuyên vẫn lang thang đây đó? Ký ức về cây kem Tràng Tiền ở Hà Nội, kem dừa Bạch Đằng ở Sài Gòn, về chuyện xếp hàng thời bao cấp vất vả khó khăn; chuyện về những người bạn chung, chuyện gia đinh con cái, chuyện xã hội… Nhưng trong câu chuyện của hai đứa nhiều hơn cả vẫn là kỷ niệm của hai người cha. Hai ông đều là người trí thức chân chính, “dám làm dám chịu” để bảo vệ giá trị nhân văn, tiến bộ của tác phẩm văn học - nghệ thuật, bảo vệ những người tốt trước quan niệm bảo thủ, giáo điều vào thời kỳ đất nước mới thống nhất… Những điều đó đã để lại cho hai chúng tôi sự hiểu biết, cách ứng xử và nhìn nhận xã hội giống nhau, để lại cho cả hai đứa cá tính biết chịu đựng mà cũng biết vượt qua nghịch cảnh để trở thành chính mình.

Trong chuyến đi chơi, khi qua một quán cà phê thơm lừng mùi bánh crepe, bạn rủ tôi vào và gọi những chiếc crepe thật ngon, bột mềm mịn thơm mùi bơ, trứng, mỏng mảnh và dai mềm, với ly cà phê có mấy viên đá để chiều theo sở thích của người Sài Gòn. Câu chuyện cuộc đời của bạn làm sống dậy ký ức về cuốn tiểu thuyết “Sans famille - Không gia đình” mà thời thơ ấu chúng tôi cùng yêu thích. Đó là cảnh cậu bé Remy đang háo hức chờ đợi chiếc bánh crepe ngon lành từ bàn tay của bà má nuôi Barberin, bất ngờ ông bố Barbarin từ nơi xa trở về… Thế là tất cả bột cả sữa, cả bơ cả trứng gà mà má Barberin đã phải đi vay hàng xóm… trong chốc lát bị ông bố đổ tuột vào nồi súp hành. Hết cả bánh lẫn bữa ăn ngon mà hai má con đã phải chờ đợi rất lâu mới có được. Những chiếc bánh crepe bị “cướp đi” là dấu hiệu bé Remy bị đẩy ra khỏi vòng tay thương yêu của má Barberin, bắt đầu bước đường lưu lạc đầy gian truân của cậu.

Bây giờ tôi mới biết lý do hai đứa bặt tin nhau, vì cuộc đời cũng đã cướp đi “chiếc bánh crepe” ngon lành của bạn và làm cho bạn bất ngờ phải bỏ lại quê hương ra đi… Nhưng rồi như cậu bé Remy, vượt lên trên nghịch cảnh bằng nghị lực và tình yêu gia đình vô bờ bến, bạn đã có được cuộc sống bình an nơi đất khách. Bằng sức lao động cần mẫn và khéo léo, bây giờ bạn đã là một trong số rất ít thợ lành nghề nhất của một hãng thời trang nổi tiếng của Pháp, người có thể làm “hàng mẫu” cho dòng sản phẩm cao cấp nhất của hãng. Không chỉ vậy, bạn còn trở thành người hướng dẫn, truyền dạy cho những thợ trẻ người Pháp kỹ năng thủ công tuyệt vời của mình.

Nhìn con cháu của bạn đã là những cô cậu “người Pháp” giỏi giang, thành đạt, nhưng rất tình cảm và chu đáo với bạn bè của mẹ từ xa đến chơi, tôi nhận ra rằng, tự bạn đã có thể làm những chiếc crepe ngon lành cho mình, luôn mang lại cho gia đình và bạn bè vị ngon đặc biệt của loại bánh này. Giống như cuối cùng cậu bé Remy đã được hạnh phúc bên gia đình ruột thịt sau nhiều năm xa cách vì nghịch cảnh.

***

Một lần đi trên đường phố Quận Cam (Mỹ), nhìn thấy mấy tàu chuối vươn khỏi tường rào vẫy vẫy trên hè phố, tôi bỗng nhớ nhà da diết dù chỉ mới xa nhà hai ngày trong đó có gần 20 giờ trong chuyến bay dài. Hỏi bạn, ở đây trồng nhiều chuối không? Bạn như hiểu, trả lời: chị thấy nhà ai mà trồng bụi chuối thì gần như chắc chắn là nhà người Việt mình. Ừ càng đi xa lại càng muốn lưu lại chút gì của quê hương bên mình.

Bụi chuối sau hè, hồi nhỏ là sự sợ hãi mỗi tối khi phải ra đó vì một lý do mà ai cũng như ai, là niềm vui khi thấy bắp hoa bắt đầu kết thành buồng bé xíu xinh xinh, lớn dần lên, rồi từng nải trái già căng, mẹ chặt mang vô dựng trong bếp gần khạp gạo. Vài bữa khi trái hườm hườm, nải chuối ngon nhất, đẹp nhất được cha đặt lên bàn thờ ông bà, thắp nén nhang trước là lấy thảo sau là lấy hơi ấm cho cả nải chín đều. Bạn nhắc hoài, bữa cơm Nam bộ ít khi thiếu vài trái chuối sứ, từ con nít đến bà già đều quen với chén cơm chan nước cá kho thịt kho ăn với chuối chín. Nhà có đàn bà sanh nở luôn có buồng chuối chín dần, canh chuối sứ nêm chút muối chút đường là món ăn lợi sữa rất lành và cũng rất rẻ tiền, dễ kiếm. Giữa buổi mà đói,  có chén chè chuối hay cái bánh chuối chiên thì không còn gì bằng.

Một người bạn khác có lần đi đâu đó đến tận bờ biển Mexico xa xôi. Email bạn gửi cho tôi đầy thảng thốt: trời ơi, tui như đang ở bãi biển quê mình, cũng hàng dừa đong đưa trong gió chiều, cũng mùi thơm của mực tươi cá tươi, của ốc của sò nướng trên than hồng, cũng mấy trái khóm trái chuối mà mấy bà đội cái thúng trên đầu mang bán… nhớ nhà quá trời… Bạn đã hơn 40 năm sống ở Cali, đã tự coi mình như một người Mỹ “chánh hiệu”, vậy mà chỉ mùi thơm khói bếp than cũng làm bạn bần thần rồi quyết tâm “tết này sẽ về nhà” dù ở quê nhà bạn chẳng còn ai cả.

Đặc biệt khi đến những ngôi nhà của các anh chị thì nhận ra ngay “nhà Việt”. Không chỉ có táo, nho, lê, mận căng mọng trĩu cành, chỉ nhìn thôi đã thấy vị ngọt thấm vào tận… bao tử, mà ngon hơn cả là giàn bầu bí xanh non, những ngọn mùng tơi, rau muống, đậu đũa, khổ qua xanh mướt trong khu vườn nhỏ. Tôi nói đùa: tranh luận về “nguồn gốc dân tộc” làm gì cho mệt, cứ nhìn cái vườn, nhìn bữa ăn thì biết ngay là người Việt gốc… rau: thiếu rau xanh thì không thành bữa cơm Việt.

Dù ở nơi nào trên thế giới, qua hàng chục năm xa đất nước nhưng các anh chị, bạn bè vẫn lưu giữ từng mảnh quê hương: chỉ là bữa bánh xèo Nam bộ với rổ rau sống xanh tươi đủ vị, đĩa rau luộc chấm nước mắm dầm trứng, tô phở gà đậm đà “Hà Nội”, bình gốm Bát Tràng, đĩa sơn mài mua từ phố cổ, những cuốn sách mới xuất bản ở trong nước, giọng nói Sài Gòn hay Hà Nội thuần khiết của một thời chưa xa, sự tinh tế trong giao tiếp, ký ức một thời “Sài Gòn hoa lệ” hay những năm “Hà Nội thời bao cấp”… Tất cả đã mang lại cho tôi cơ hội chiêm nghiệm một quy luật “văn hóa càng đi xa càng được bảo tồn nguyên vẹn”. Những người bạn ở xa… thời gian các anh chị gắn bó với quê hương dù nhiều hay ít nhưng những gì họ mang theo đã trở thành ký ức bền vững, bởi được nuôi dưỡng bằng tình yêu gia đình, tình yêu đất nước.

Mỗi lần chia tay bạn bè, tôi đều hẹn sẽ gặp lại, hàng ngày, trên internet. Để chia sẻ với nhau những khó khăn những nỗi buồn, để góp từng niềm vui, mang lại cho nhau chút bình yên khi cuộc sống còn quá nhiều bề bộn và bất trắc…

TC Người đô thị tết 2023 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...