Hồn cốt sông nước, Sài Gòn luôn chuyển động theo ngọn triều dâng!

 https://www.phunuonline.com.vn/hon-cot-song-nuoc-sai-gon-tphcm-luon-chuyen-dong-theo-ngon-trieu-dang-a1482103.html


“Mỗi bước phát triển là một chọn lựa phù hợp với thời đại và khôi phục những điều giá trị nhất”. Đó như là kim chỉ nam mà Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tha thiết trong cuộc trao đổi với chúng tôi về những đặc trưng cơ bản của Sài Gòn-TP.HCM, nhằm làm sáng tỏ những giá trị cốt lõi cần được bảo tồn của đô thị lớn nhất nước. Bà Hậu trải lòng:

- Từ năm 2010, qua công tác tham mưu cho lãnh đạo thành phố (TP) hòng giảm thiểu những tổn hại trong quá trình phát triển, đồng thời, cũng muốn giải đáp cho bản thân, rằng TP mình có những đặc trưng gì không? Bởi Sài Gòn-TP.HCM luôn bị định kiến là TP mới và dường như người ta cho rằng cứ mới thì không có đặc trưng, không có truyền thống. Một TP quyến rũ nhiều người đến thế làm sao mà không có đặc trưng? Đấy là cái nguyên cớ khiến tôi tập trung nghiên cứu về di sản của TP.

* Phóng viên: Thưa tiến sĩ, nghiên cứu của bà bắt đầu từ thời điểm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định làm “cứ điểm” cho công cuộc mở mang bờ cõi của Nhà Nguyễn?

- Bà Nguyễn Thị Hậu: Không, xa hơn. Do chuyên môn khảo cổ học, tôi nhận thấy TP này có một chuỗi phát triển ít nhất từ khoảng 2.500 năm đến nay. Bắt đầu từ vùng cửa biển Cần Giờ, nơi mà gần đây đã phát hiện một loạt di chỉ khảo cổ như Giồng Cá Vồ. Theo tôi, xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên, nhận thấy ngay đặc điểm đầu tiên không thể nói khác đi của Sài Gòn-TPHCM là đô thị sông nước.

Trải từ thời tiền sử, đến văn hóa Óc Eo, cho đến thời kỳ khởi lập đô thị này, chính những con sông là những tuyến đường đã đưa những cộng đồng tộc người đến đây, khởi đi từ biển vào theo sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Sau đó, khu vực trung tâm của đô thị (Bến Bạch Đằng) đến Chợ Lớn - trung tâm thương nghiệp rất sầm uất của người Hoa - được nối liền bằng con rạch Bến Nghé và nhiều con kênh khác. Từ vùng Chợ Lớn có thể về các tỉnh miền Tây qua sông Chợ Đệm, Vàm Cỏ. Rồi từ Sài Gòn cũng có thể đi ngược lên Đồng Nai bằng đường sông để tỏa ra các vùng miền Đông, lên Tây Nguyên giàu sản vật. Xét vị thế, có thể thấy người xưa chọn nơi này tạo lập một đô thị là rất đúng đắn với yếu tố giao thông đường thủy thuận tiện. Ngoài xuống miền Tây lẫn qua miền Đông, từ biển khơi để có thể ngược miền Trung, ra khu vực Đông Nam Á và đại dương.

Thật ra có nhiều đô thị sông nước ở nước ta cũng như trên thế giới. Thế nhưng, đa số các TP với đặc điểm “có một dòng sông chảy qua” thường chỉ tạo nên giá trị cảnh quan đô thị. Yếu tố sông nước của Sài Gòn-TP.HCM còn là cơ sở tạo nên nhiều đặc trưng khác không đâu có được.

* Bà có thể phác thảo thêm các đặc trưng khác “không đâu có được” đó trước khi chúng ta tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm đô thị sông nước của TP.HCM?

- Đặc trưng thứ hai khởi lập từ khi Chúa Nguyễn Ánh xây thành Gia Định mang tính chính trị, quân sự. Chợ Bến Thành cũ nằm bên một con kênh đổ ra gặp sông Sài Gòn (đoạn Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng bây giờ là khu vực Chợ Cũ) chính là nghĩa là một cái bến lớn của thành. Với hệ thống giao thông thuận tiện thành Gia Định nghiễm nhiên mang chức năng của một trung tâm kinh tế, nơi có thể dễ dàng chuyển tiếp, thu gom hàng hóa giữa miền Đông và Tây. Nó còn gắn liền với vùng nông sản đang phát triển của đồng bằng Nam Bộ cung cấp cho cả Đàng Trong.

Sau này khi Việt Nam thống nhất vào đầu thế kỷ 19, vựa lúa ấy vẫn là nguồn lương thực quan trọng nhất cả nước. Cho nên từ rất sớm, nơi đây đã mang vị thế đô thị trung tâm kinh tế và không chỉ sản xuất tự cung tự cấp, thương nghiệp nội vùng, mà đặc trưng của khu vực là kinh tế thông thương, trao đổi văn hóa gắn liền với vị trí địa lý đường sông. Người Pháp vào thấy ngay đây là đặc điểm quan trọng và không phải ngẫu nhiên mà họ đã khởi lập những thương cảng rất lớn tại đây. Có thể nói kinh tế thị trường đã phát triển khá sớm ở Sài Gòn.

Thứ ba, về mặt dân cư, quá trình khởi lập nơi đây đã tụ họp rất nhiều cộng đồng có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau như người Hoa, Việt, Chăm, Khmer, rồi những cộng đồng bản địa ở Đông Nam Bộ nay là những dân tộc ít người. Chưa kể có rất nhiều ngoại kiều đến đây và coi TP này là nhà. Ví dụ trước đây, người Chà Và (gốc Ấn), Malaysia hay Indonesia đã đến sinh sống. Thời Pháp, Mỹ đến bây giờ cũng hình thành lực lượng ngoại kiều lớn. Hiện người Nhật, Hàn ở TP rất đông. Tôi có những sinh viên nước ngoài đến đây học, xin việc làm và ở luôn vì họ rất thích TP chúng ta. Tất cả mang theo nguồn văn hóa riêng để lập ra nét văn hóa cộng đồng của mình ở TP này. Và có một điều quan trọng là các cộng đồng hòa hợp trong khi văn hóa riêng không bị triệt tiêu. Họ vẫn có thể gìn giữ nó bên cạnh những nét văn hóa khác nhau. Rõ ràng ngay từ đầu, TP đã mang đặc trưng đô thị đa dạng về văn hóa. Đa dạng nhưng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo thành nét văn hóa đặc biệt, ít TP nào có được như vậy.

Thứ tư, TP được xây dựng theo kiểu phương Tây khá sớm. Gia Định thành được xây theo tư vấn kiến trúc của người Pháp. Bỏ qua thiên kiến chính trị, thì đấy là xu hướng thời đại. Cũng như bây giờ chúng ta có rất nhiều công trình theo kiểu Mỹ, Châu Âu hay trước đây kinh đô chúng ta cũng lấy hình mẫu là Trung Hoa. Mô hình đô thị phương Tây cận đại vừa là trung tâm quân sự, vừa là trung tâm chính trị là hình mẫu của nhiều quốc gia. Hiện nay mô hình siêu đô thị, đô thị vệ tinh của Mỹ, Anh cũng trở thành hình mẫu của thế giới.

Như vậy, Sài Gòn là đô thị được quy hoạch khá bài bản vào giai đoạn sớm nhất của Việt Nam và Đông Nam Á theo mô-tuýp phương Tây. Và không chỉ cảnh quan, đường xá có vỉa hè, hạ tầng điện, nước, trụ sở công quyền… mà trong quy hoạch có cả công trình mang tính phục vụ cộng đồng như các thiết chế văn hóa (bảo tàng, sân vận động) công viên và các không gian công cộng. Tôi cho rằng đô thị theo kiểu phương Tây là một đặc trưng nữa của TP mà khá ít đô thị ở Châu Á còn giữ tương đối hoàn chỉnh như vậy.

* Cách tốt nhất trong công tác bảo tồn là làm sao để di sản tiếp tục vận hành cùng cuộc sống hiện tại. Theo quan điểm này, xem chừng đặc trưng đô thị sông nước của TP.HCM đang ít được quan tâm hoặc chưa có chính sách khả thi so với ba đặc trưng kia?

- Đúng là quan niệm bảo tồn hiện nay không còn là đưa di sản “vào tủ kính”, đặc biệt với công trình “di sản sống”, theo nghĩa nó vẫn đang được sử dụng có lợi cho người dân, mang lại nguồn lợi kinh tế. Đường thủy nói chung, là tuyến giao thông rất phổ biến và gần như duy nhất trước đây. Bây giờ ta có các phương tiện giao thông khác, nhất là đường bộ lấn lướt. Rất nhiều sông, kênh, rạch bị lấp, lấn chiếm khiến đường thủy mất dần chức năng thông thương. Gần đây, cũng vì bức xúc từ giao thông trên bộ, TP mới “nhớ lại” cảnh quan sông nước. Tại sao có đường sông mà không sử dụng, song song với lợi ích trước mắt kinh tế du lịch? Nhưng qua nghiên cứu, người ta thấy rằng văn hóa “trên bến dưới thuyền” của TP.HCM mới thực sự giúp tái lập hai giá trị giao thông và du lịch.

Tuy nhiên, tái lập cảnh quan hệt như ngày xưa thì không thể được vì bây giờ tâm thức con người đã khác, phương tiện đường thủy cũng đã khác xa. Từ đó, cần thấy khôi phục văn hóa sông nước nên là khôi phục những giá trị nhiều mặt, tái lập một số cảnh quan trong khoảng thời gian nhất định. Ví dụ gần Tết, hoạt động “trên bến dưới thuyền” nhằm đưa chúng ta trở lại hoài niệm giao thương giữa miền Tây với TP. Đây đã thành ký ức đô thị và có giá trị văn hóa cao. Tái lập tinh thần văn hóa sông nước, nghĩa là ta nhìn thấy và tận dụng giá trị của nó dưới những hình thức mới. Đó là bảo tồn và phát triển những lợi thế của văn hóa truyền thống trong hoàn cảnh mới, nhằm tận dụng cho mục đích mới.

* Theo bà nên làm ngay những gì để phát huy “tinh thần sông nước” trong phát triển TP.HCM hiện nay?

- Trước mắt, sông rạch của mình phải giải tỏa cho sạch, nạo vét, kè bờ, làm sao cho nước thủy triều ngoài biển có thể thông thương ngày hai lần y như ngày xưa. Kế tiếp, tôi cho rằng nếu đồng bộ về mặt kỹ thuật thì bus đường sông sẽ là giải pháp giao thông công cộng giúp giảm tải đáng kể cho giao thông trên bộ của TP.HCM. Cần nhất là hợp tác đồng bộ giữa các ngành liên quan khi ứng dụng giá trị truyền thống vào hiện đại. Làm du lịch hay giao thông sông nước thì hạ tầng cơ sở phải đồng bộ, đầu tiên phải lấy yếu tố phục vụ như cầu người dân thành phố và sự thuận tiện của họ là chính, rồi cùng với đó là phát triển du lịch.

Cần nói thêm, một đô thị dày đặc sông rạch như TP thì việc lấn, lấp một cách tự phát là không để tránh khỏi. Tôi cho rằng muốn phát triển tức là mình phải lựa chọn. Mỗi bước phát triển chính là một chọn lựa phù hợp với thời đại và khôi phục những cái gì là giá trị nhất. Vấn đề là bảo tồn những tuyến chính. Điển hình kênh rạch Bến Nghé, Nhiêu Lộc-Thị Nghè là một công trình vĩ đại sau 1975. Cần ghi nhận công lao giải tỏa và xây dựng cảnh quan của các tuyến kênh rạch ấy. Bây giờ vẫn đang tiếp tục giải tỏa và chỉnh trang cảnh quan một số kênh rạch khu vực Chợ Lớn.

* Với bốn đặc trưng như vậy, nhất là đô thị sông nước, chúng ta có thể gọi đó là hồn cốt của Sài Gòn-TP.HCM?

- Đấy chính là hồn cốt của đô thị. Nếu như Hà Nội là TP ao hồ, mang tính chất tĩnh, thì Sài Gòn là TP sông nước. Yếu tố sông nước chính là sự chuyển động. TP.HCM luôn chuyển động như những con sông. Đấy chính là hồn cốt của Sài Gòn. Có ý kiến cho rằng chuyển động thì TP này sẽ biến mất bản sắc? Thưa không! Dù trải qua quá trình phát triển từ cái gọi là “trên bến dưới thuyền” cho đến các thương cảng thời thuộc địa cho đến hiện tại, các con sông của TP.HCM vẫn đang trôi chảy như từ ngàn xưa.

* Xin cảm ơn bà.

Quốc Ngọc thực hiện







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...