LỜI CHA DẶN

 Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình lập lại. Tết năm đó, trong không khí náo nức chung, tôi cũng có một niềm vui nhỏ dành tặng ba nhân ngày đầu Xuân. Đó là việc tôi đã thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin đó, ba ngồi lặng đi, lộ vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:

- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Đã là diễn viên, phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải là chuyện danh tiếng, mà là chuyện làm gì để cống hiến cho Tổ quốc được nhiều hơn. Còn nếu chỉ là một diễn viên “cầm cờ, chạy hiệu” thì thà làm nghề khác còn có ích hơn.

Suy nghĩ một lát ba tôi nói thêm: Phụ nữ, nếu theo một nghề mà không làm được thì cơ hội đổi nghề khó khăn hơn nam giới. Là phụ nữ con cần làm tốt một nghề. Khi có đồng tiền do mình làm ra thì con không phải phụ thuộc vào ai.

Lần đầu tiên ba tôi tâm sự với tôi về nghề nghiệp của mình cũng như những vui buồn của nó. Cũng từ khi ấy, khi tròn 15 tuổi tôi đã thực sự trở thành người bạn nhỏ của ba.

Cho đến ngày tôi tốt nghiệp đại học, được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, ba tôi đã chúc mừng tôi và nói:

- Người thầy giáo cũng phải có một tâm hồn nghệ sĩ, bởi đều là những “kỹ sư tâm hồn”. Phải yêu nghề, yêu người thật sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu mà truyền đạt mọi mặt cuộc sống đến với người nghe, người xem. Hơn nữa, thầy giáo hay nghệ sĩ cũng đều phải sống trung thực, có sống trung thực thì mới không mắc cỡ, không ngượng mồm khi giáo dục người khác về cái đẹp, về cái tốt.

 Nhưng ba tôi cười buồn – Tiếc rằng ngày nay giữa hai nghề này còn có một khoảng cách khá xa. Người thầy giáo thì thiếu tâm hồn nghệ sĩ. Còn người nghệ sĩ lại thiếu đạo đức của người thầy!

(Trích trong cuốn sách “Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu”)

P/S. Đó là những lời ba dặn tôi từ 50 năm trước! Giới nghệ thuật, nghệ sĩ không xa lạ đối với tôi bởi đó là một phần cuộc sống của gia đình tôi trong gần nửa thế kỷ. Mỗi khi xảy ra những “tai tiếng” của giới này tôi lại nhớ đến ba tôi và thế hệ của ông: Đó là những nghệ sĩ tài năng, nhiều người trong họ cũng có vài “tật” khó tránh của “trai tài gái sắc”. Nhưng đó là thế hệ nghệ sĩ luôn tôn trọng, yêu quý khán giả, có trách nhiệm với khán giả trong từng vai diễn, luôn hướng khán giả đến thẩm mỹ tốt đẹp qua ngôn từ, ứng xử của những vai diễn trong chính kịch và cả hài kịch. Bởi họ hiểu, sân khấu là cuộc đời được phóng chiếu lên cả điều xấu xa và tốt đẹp!

#vunvatdoithuong

27.1.2023

Hình tư liệu gia đình: Năm 1969. Ông Xuân Thủy - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris - và cán bộ Sứ quán VNDCCH tại Paris chụp chung Đoàn nghệ thuật Việt Nam DCCH trong dịp đoàn qua Paris biểu diễn (ba tôi làm Trưởng đoàn, ông đeo kính, đứng bên trái, phía sau).



Nhân HẾT TẾT CON MÃO 2023

Thật ra với tôi Tết bắt đầu từ khoảng tháng 11 âm lịch, khi vài tờ báo đặt bài báo tết. Từ đó lu bu bận rộn đến hết ngày mùng Một là hết tết. Nhưng mấy năm nay từ khi có cháu ngoại về ăn Tết thì không khí Tết dài thêm vài ngày, kéo dài thêm sự bận rộn và vui vẻ trong gia đình như những ngày cuối tuần. Nay mùng 4 rảnh rỗi ghi lại vài dòng để đánh dấu cái tết năm con Mão.
1.
Từ nhiều năm nay, Tết năm nào cũng dấy lên làn sóng bình phẩm những con giáp trở thành “linh vật” của năm, được dựng thành tượng ở các thành phố. Có lẽ bắt đầu từ năm 2012 Nhâm Thìn với sự xuất hiện của “con rồng Picachu” ở Hải Phòng bị bà con chê quá trời, từ đó lây lan ra những nơi khác và những năm sau đó…
Của đáng tội nhiều con “linh vật” trông cũng đáng bị chê thật. Tuy nhiên, sau những bình phẩm “cực đình” của cư dân mạng thì nhìn thấy chúng tôi chỉ thấy buồn cười 😊. Kệ, vui mà, với lại đã là “linh vật” thì đâu nhất thiết phải “tả thực”, chưa kể là có năm bao việc làm người còn buồn thì sao các con vật lại phải vui?
Năm nay nhìn chung con Mão không bị chê nhiều, vài con còn được khen vì giống như Mèo thật! Nhưng sao không nơi nào dựng tượng Mèo đang rình chuột nhỉ - ấy là một “thiên chức” của mèo mà có lẽ nhờ đó, mèo đã trở thành con vật nuôi trong nhà phổ biến khắp thế giới.
Nhưng mà, vì sao con giáp nào khi trở thành “tượng” cũng đều trông quái dị như thế? Có lẽ vì chúng vốn “nhỏ xinh vừa đẹp”, khi bị thổi phồng lên, lại do người thợ vụng nữa… nên mới thành kỳ quái vô hồn như thế chăng 😊
2.
Mỗi cái tết bắt đầu từ khoảng 23 đưa ông Táo, rồi bận rộn cả ngày 30 cúng cơm đón ông bà. Đến tối thì nhiều người có thói quen đón xem Táo quân ở VTV, và sau đó là bình luận mà năm nào cũng chê nhiều hơn khen… Nhưng VTV vẫn phát và nhiều người vẫn xem và vẫn chê. Cứ “quẩn quanh trong tổ” như thế không biết bao giờ mới hết 😊
Về chương trình Táo Quân từ vài năm trước tôi đã có vài nhận xét, sau đó thì thôi luôn không xem nữa. Bởi vì xem Gặp nhau cuói năm hay Táo quân không thể không liên tưởng đến một cái làng to hơn về không gian nhưng vẫn đậm nét “truyền thống” như làng Vũ Đại xưa, vẫn những con người không khác gì ngày ấy!
Năm nay trước tết thiên hạ xôn xao nhiều chuyện… Nhưng cuối cùng cũng giống như chương trình Táo quân kéo dài đến tận giao thừa! Dù mỗi năm “nội dung” có vẻ mới thì trò diễn Táo quân cũng vẫn là những nghệ sĩ cũ, “mảng miếng” có bấy nhiêu, làm gì cũng chỉ cho thấy đó là “Táo quân giai đoạn cuối” mà thôi.
P/s. Nghe nói có anh NSND nào đó mắng người xem vì dám chê táo quân, đại loại anh mắng là “không biết gói bánh, cứ ăn bánh MẸ GÓI mà lại cứ chê”. Tôi buồn cười quá! Ơ kìa, khán giả chính là những người “mang tiền về cho MẸ” đấy anh ợ! Đồng thời Ttôi lại cười buồn vì một lần nữa nhận thấy, nghệ sĩ trong chương trình Táo quân “không thể là những nhân vật hề chèo thông minh, hài hước nhưng sắc sảo và chính trực của sân khấu truyền thống” – như tôi từng nhận xét nhiều năm trước!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...