ĐỂ CÁC HỆ GIÁ TRỊ ĐI VÀO CUỘC SỐNG

 1.

Hệ giá trị  quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình là những vấn đề cốt lõi của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Tháng 11/2022 ở nước ta Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã đồng được tổ chức tại hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo đã tập trung vào các nội dung lớn.

Một là, tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hai là, xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ba là, phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Bốn là, các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Năm là, chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Sáu là, đặc biệt, cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay[1]

Sáu nội dung này bao quát toàn bộ đời sống xã hội và những quan hệ hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, hệ giá trị dù có to lớn quan trọng đến mấy mà không lan tỏa trong xã hội và thẩm thấu vào đời sống mỗi người thì việc xây dựng các hệ giá trị ấy là thất bại, thậm chí là vô ích! Mặt khác, để hệ giá trị có thể trở thành quan niệm, suy nghĩ, hành xử… của xã hội và mỗi người thì nó cần có tính thực tiễn cao, phù hợp với hoàn cảnh xã hội, điều kiện lịch sử của đất nước, cũng như mỗi tầng lớp, mỗi gia đình. Đồng thời cũng phải hướng đến và phù hợp với những hệ giá trị chung của thế giới, của nhân loại. Có như vậy quốc gia mới không bị tụt hậu, có thể “phát triển bằng người”

2.

Về lý thuyết, nhìn chung, hệ thống giá trị cơ bản được cấu thành bởi 3 loại giá trị: (1) Giá trị phổ biến; (2) Giá trị nhóm; (3) Giá trị cá nhân [2].

Giá trị phổ biến (hay giá trị nhân loại) là những giá trị được sản sinh qua quá trình phát triển lâu dài của nhân loại, là kết tinh của những phẩm chất về đạo đức, văn hoá, lẽ sống, ứng xử... và được cả nhân loại thừa nhận bất kể dựa trên lập trường nào. Đó là tự do, bình đẳng, bác ái, hòa bình, độc lập, dân chủ, trung thực, trách nhiệm, khoan dung, yêu thương… Luôn hướng đến, thừa nhận và thực hành những giá trị nhân loại thể hiện một lí trí lành mạnh, không đi ngược với xu thế phát triển tất yếu của nhân loại.

Giá trị nhóm. Mỗi người đồng thời thuộc về nhiều nhóm xã hội khác nhau. Các nhóm xã hội có thể được hình thành từ địa vị xã hội, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, lứa tuổi, quyền lợi chung... Trong quá trình tồn tại, các nhóm xã hội sản sinh ra những giá trị riêng của nhóm. Nhóm còn là những giai cấp trong xã hội. Nếu giai cấp nào xác lập giá trị phù hợp giá trị chung, thể hiện vai trò trách nhiệm của nhóm đối với xã hội, các thành viên của nhóm hướng đến và tuân theo giá trị nhóm mình, thì nhiều khả năng trở thành nhóm tiên tiến đóng góp vào vai trò dẫn dắt xã hội phát triển.

Nhóm nhỏ “hạt nhân” của xã hội là gia đình có những giá trị chung như yêu thương, hiếu thuận, gắn bó, đùm bọc giúp nhau… Từ gia đình hình thành dòng họ, làng xã là những nhóm cộng đồng có nét văn hóa riêng và chung… tất cả hợp thành và tạo nên bản sắc dân tộc, quốc gia,.

Giá trị cá nhân. Mỗi người từ sự hiểu biết riêng của mình và từ tâm lí cá nhân mà có những đánh giá riêng, sở thích riêng, mô hình riêng...  Từ đó hình thành những phẩm chất/giá trị riêng. Dù giá trị cá nhân hay tâm lý cá nhân có khác nhau nhưng những phẩm chất/giá trị cơ bản phù hợp với giá trị nhóm và giá trị phổ biến sẽ giúp cá nhân luôn hướng thiện và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên trong thực tế mỗi cá nhân là một thực thể, vì vậy chịu ảnh hưởng từ gia đình, môi trường xã hội, những giá trị nhóm hay giá trị phổ biến được các cá nhân coi trọng, hướng đến với mức độ khác nhau.

Ví dụ, nhóm nghề nghiệp viết sử xác lập giá trị/phẩm chất là sự trung thực, sự tường minh, thông tin lịch sử chính xác, khách quan, khoa học. Đấy là những phẩm chất riêng của từng cá nhân đồng thời cũng là giá trị chung của một nghề nghiệp, cũng là những phẩm chất tốt đẹp của con người, của nhiều nghề nghiệp mà xã hội thừa nhận.

Ba loại giá trị trên đây hợp thành một hệ thống giá trị thể hiện trong mỗi con người, mỗi nhóm, mỗi quốc gia. Cũng từ hệ thống này mà con người xem xét, đánh giá, nhận thức… mọi hiện tượng xã hội. Từ đó đưa đến những ứng xử giữa cá nhân với nhau và với cộng đồng, hay ngược lại, cộng đồng ứng xử với cá nhân/nhóm.

Do vậy, hệ giá trị quốc gia, văn hóa hay gia đình đều dựa trên nền tảng hệ giá trị cá nhân – con người luôn là nhân tố quyết định! Hệ giá trị cá nhân lại được xây dựng thông qua “di truyền văn hóa” ở gia đình, qua xã hội từ hệ thống giáo dục, hệ thống luật pháp. Kinh nghiệm và bài học của nhiều quốc gia đã cho thấy, gìn giữ và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của lịch sử - văn hóa dân tộc là một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng nhất cho quốc gia phát triển bền vững. Bởi vì đó là những thành tố quan trọng góp phần hình thành và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của từng quốc gia.

Chỉ khi nào hệ giá trị xuất phát từ bản sắc văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh xã hội mới, tích hợp giá trị của thời đại, hướng đến khát vọng của dân tộc và nhân dân thì khi ấy, những giá trị tốt đẹp sẽ “thẩm thấu”  vào cuộc sống, những “giá trị” lý luận cao siêu mới mang tính thực tiễn, trở thành đạo đức, lối sống hàng ngày trong xã hội. Khi ấy đất nước sẽ thực sự thay đổi vì mỗi con người có đầy đủ phẩm chất và phẩm giá con người.

3.

Những ngày cuối năm tôi có dịp đi công tác ở Ấn Độ. Quốc gia này là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo. Ngoài ra còn có Do Thái giáo, Hỏa giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo được truyền đến vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, hình thành một nền văn hóa đa dạng về bản sắc nổi bật trong khu vực.
            Chỉ vài ngày đi quanh thủ đô New Delhi và một số thành phố phía Bắc Ấn, tôi đã nhìn thấy rất nhiều di tích, phế tích qua nhiều giai đoạn lịch sử được bảo tồn và gìn giữ cẩn thận. Đặc biệt, Ấn Độ có dến hơn 80% dân số theo Ấn Độ giáo nhưng các công trình kiến trúc của Hồi Giáo, Phật Giáo hay các tôn giáo, tín ngưỡng khác vẫn dược các cộng đồng dân cư tôn trọng và bảo vệ. Tại các công trình này luôn có rất đông du khách trong và ngoài nước dến tham quan, những tín đồ đến đây thực hành nghi lễ... Đến những nơi này vào bất cứ ngày nào cũng có thể nhìn thấy những bộ trang phục của các cộng đồng theo tôn giáo khác nhau.

 Trong một dất nước rộng lớn - “tiểu lục địa” với hơn 1,4 tỷ dân, nơi mà còn thực trạng phân biệt đẳng cấp xã hội theo truyền thống, sự bất ổn do các nhóm “cực đoan” gây ra vẫn phổ biến, thì sự dung hòa của những cộng đồng có “đức tin” khác nhau đã phản ánh một “hệ giá trị” quan trọng của quốc gia này. Đó là sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các cộng đồng, các tộc người dù tôn giáo tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa hay du nhập, dù các cộng đồng dân cư ấy có quá trình hiện diện tại Ấn Độ lâu dài hay ngắn ngủi.

Điều đó góp phần quan trọng để tạo nên và gìn giữ thành quả văn minh sông Ấn - một trong bốn nền văn minh cổ đại lớn nhất và sớm nhất thế giới. Phải chăng cũng chính điều  này là cốt lõi của quá trình  hình thành “bản sắc Ấn Độ” độc đáo và hấp dẫn, trong một thế giới ngày càng có xu hướng “nhân bản vô tính” những hiện tượng văn hóa và văn minh thời hiện đại ở nhiều quốc gia?

Nói cho cùng, bất cứ Hệ giá trị của quốc gia nào, của nền văn hóa và cộng đồng/gia đình nào đều cần dựa trên nền tảng và hướng đến hệ giá trị chung và vĩnh cửu của nhân loại: sự nhân văn bền vững, biểu hiện bằng những giá trị cụ thể và cần thiết như không khí mỗi ngày: tự do, dân chủ, bình đẳng, khoan hòa cho mỗi con người cho mỗi quốc gia.



[1] https://tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/hoi-thao-quoc-gia-he-gia-tri-quoc-gia-he-gia-tri-van-hoa-he-gia-tri-gia-dinh-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-142176

[2] http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/519---NHAN-THUC-KHACH-QUAN-TRONG-SU-HOC

#baotet2023. (được trích đăng trên báo Văn hóa & Thể thao)

P/S. Khi dư âm của HTKH hoành tráng này vẫn còn sôi nổi trên báo chí thì Câu chuyện "ngụ ngôn gia đình" về Cái tát của Xuân Bắc, hiện tượng "đi chùa" cúng bái tràn lan ở các địa điểm "du lịch tâm linh" đã cho thấy rõ một điều: Khi phải đặt ra việc xây dựng các "hệ giá trị" có nghĩa là thực tế những giá trị ấy đã mất hoặc nếu còn thì bị biến dạng rất tệ hại!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...