Không biết từ bao giờ khoảng thời gian sau Tết âm lịch – tháng giêng kéo dài qua hết tháng hai, tháng ba thậm chí qua tới tháng tư – được gọi là ‘mùa lễ hội”?
“Mùa lễ hội” tương đương thời gian của một vụ mùa nên cũng có sự co giãn về thời gian theo cơ cấu thời gian nông nghiệp, nông thôn. Lễ hội diễn ra liên tục về thời gian từ lúc nông nhàn sau Tết âm lịch đến đầu mùa mưa bước vào thời vụ mới. Lễ hội diễn ra liên tục trong không gian: từ làng này qua làng khác, lễ hội liên làng, lễ hội của một vùng… chủ thể của lễ hội là cộng đồng của một làng, của một vùng. Nhiều lễ hội nổi tiếng không phải vì có đông người từ xa về tham dự hay vì có các quan về chủ trì, mà vì sự độc đáo của phần Hội, ở ý nghĩa nhân văn của phần Lễ. Chính vì vậy được cộng đồng chủ thể của lễ hội gìn giữ, không làm biến chất, biến dạng vì hiểu giá trị của lễ hội làng, vùng mình chính là sự khác biệt, độc đáo.
Từ khoảng mươi năm nay lễ hội bỗng dưng nở rộ dồn dập vào sau Tết, khi mà cơ cấu thời gian hiện nay của xã hội đã là thời gian công nghiệp và đô thị - giờ hành chính. Hơn 800 lễ hội cấp quốc gia và cấp tỉnh (chưa tính những lễ hội chưa được thống kê) diễn ra trong khoảng ba tháng, tức là một phần tư của một năm, lại là quý đầu năm, thời điểm cần phải bắt đầu, khởi động kế hoạch của một năm mới. Thử thống kê số lượng người đến các lễ hội này bao nhiêu phần trăm là công chức, viên chức nhà nước? Chắc chắn tỷ lệ không nhỏ, bởi vì, ngoài việc đi lễ hội để thỏa mãn tâm lý “cầu cạnh” các vị thánh thần ban cho tài lộc chức tước thì việc công chức viên chức nghỉ việc đi lễ hội có bị trừ mất đồng lương nào đâu (và thu nhập thêm, nếu có), thậm chí còn “trốn” được nhiều việc mà… không làm cũng chẳng ai chết (“dân có cần nhưng quan chưa vội” – ca dao mới).
Chưa nói đến những giá trị đích thực của lễ hội còn hay mất, chưa nói đến hình thức lễ hội còn là truyền thống hay không… chỉ cần nhìn hiện tượng các địa phương đua nhau “nâng cấp” lễ hội cả về quy mô và hình thức, có thể nhận biết mục đích chính của hiện tượng lễ hội tổ chức tràn lan đến mức không kiểm soát được, như thừa nhận của ngành Văn hóa: Thực chất ở rất nhiều lễ hội đó là sự thương mại hóa. Không thể phủ nhận, khi Lễ hội trở thành một sản phẩm văn hóa thì mục đích thương mại không thể không đặt ra, nhưng mục đích thương mại phải đặt sau, đặt dưới mục đích bảo tồn giá trị văn hóa của lễ hội, tức là bảo tồn di sản văn hóa cho đời sau, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến thế giới.
Việc các phương tiện thông tin và ngành du lịch đua nhau quảng bá rầm rộ về “mùa lễ hội” cũng góp phần kích thích tâm lý “lễ hội” của người dân và xu hướng thương mại hóa các lễ hội.
“Nam Mô A di đà Phật” là câu cửa miệng của nhiều người khi đến bất cứ chùa đền đình miếu nào. Sau “lời chào” là những cầu xin vô biên vô đối vung ra cùng những đồng tiền lẻ rải bừa như lá mùa thu.
Phật, thần, thánh ngự ở trên cao ngơ ngác hỏi nhau: sao chúng sinh cầu xin bao nhiêu thứ từ quan chức đến bổng lộc, từ tiền tài đến tình duyên… nhưng không thấy bất cứ ai xin làm được một điều tử tế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét