CHỢ THIỆP SÀI GÒN

Nguyễn Thị Hậu

Hồi những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Sài Gòn từng có một “chợ” bán thiệp quanh năm nhưng từ khoảng đầu tháng 11 trở nên tấp nập, rộn ràng và tươi vui muôn vàn màu sắc.
Đấy là thời gian Sài Gòn bắt đầu có những ngọn gió se se mát lạnh vào chiều tối, hơi sương lảng bảng quanh những ngọn đèn đường. Những đường phố khu trung tâm hình ảnh Ông già Noel đã xuất hiện sớm trên cửa kính quán xá nhắc nhở người qua đường mùa Giáng sinh đang đến, năm Dương lịch sắp hết. Một thành phố phóng khoáng và mang nhiều nét Tây phương như Sài Gòn thì mùa lễ hội cuối năm thường kéo dài từ Noel đến Tết âm lịch. Từ lúc này Chợ Thiệp ở trước Bưu điện trung tâm bắt đầu vào mùa cao điểm bán Thiệp Xuân.

Ngày thường nơi đây có những sạp bán bao thơ, bưu ảnh, giấy viết thư… Thời ấy người ta còn viết thư tay, bỏ bao thơ dán tem và gửi bưu điện. Tại đây bán các loại bao thơ đủ màu trắng xanh hồng tím hoa văn in nổi in chìm đậm nhạt đủ kiểu. Mỗi xấp là chục 12 chiếc cùng một màu hoặc nhiều màu, đơn giản nhất là bao thơ viền sọc xanh đỏ in chữ “par avion”. Bao thơ làm bằng loại giấy mịn màng, dày vừa đủ kín đáo nhưng cũng mỏng vừa đủ là “cánh thư”. Còn giấy viết thư là từng xấp mỏng, có kẻ hoặc không, góc tờ giấy cũng in màu nhạt và hoa văn chìm… Thời mới hòa bình những dòng chữ trên những tờ giấy đẹp như thế đã nối liền biết bao gia đình trong Nam ngoài Bắc. Rồi thiệp sinh nhật, thiệp chúc tốt lành… loại nào khi mua cũng được người bán cho vào chiếc bao nilon trong suốt và kèm theo bao thơ trắng tinh, làm người mua không thể chỉ mua một chiếc.

Vào mùa thiệp Tết sạp bán thiệp nở rộ trên vỉa hè và khoảng trống xung quanh Nhà Thờ Đức Bà. Mỗi sạp đơn giản là một chiếc bàn, hai bên đóng cái khung gỗ treo những chiếc khánh màu đỏ rực rỡ màu vàng lấp lánh xen lẫn những mẫu thiệp mừng Giáng Sinh và mừng năm mới của ta lẫn tây: Giáng sinh An lành, Merry Christmas, Cung chúc tân xuân, Chúc mừng năm mới, Happy New Year, Bonne Année… Vài năm sau tháng tư 75 còn có cả С Новым годом theo trào lưu học tiếng Nga… Thiệp Tây thì có ông già Noel và xe tuần lộc, ngôi nhà ấm áp ngọn đèn trong đên mưa tuyết, cây thông xanh lấp lánh trang kim… Thiệp Tết truyền thống có hình hoa đào hoa mai, cây nêu bánh chưng tràng pháo… dần dần có thêm nhiều thiệp vẽ bụi tre nhà lá dòng kinh cầu dừa thiếu nữ khăn rằn áo dài tóc bay theo gió… Là để gửi cho những người đã ra đi một chút hình ảnh quê nhà.

Chợ Thiệp bán từ sáng đến tối khi bưu điện đóng cửa vẫn còn vài sạp sáng đèn. Người mua từ già trẻ lớn bé giàu nghèo, từ người Sài Gòn đến du khách… mọi người đều chọn được những tấm thiệp đẹp ưng ý lại vừa túi tiền. Những tấm thiệp không chỉ có lời chúc xã giao lịch sự mà còn gửi gắm bao nỗi niềm thương nhớ…

Sài Gòn có nhiều nơi bán thiệp nhất là gần các nhà thờ, bắt đầu “mùa thiệp” là cho mùa Giáng sinh. Trong các Bưu điện hay nhà sách, các sạp báo và đồ lưu niệm ở đường Nguyễn Huệ cũng bán bưu ảnh thiệp tết… nhưng không đâu đông đúc và nhiều mẫu thiệp đẹp như chợ thiệp ở Bưu điện trung tâm.  Đó cũng là một nơi mà người Sài Gòn chí ít cũng vài lần lui tới trong năm, như đi chợ Bến Thành, đến Thương xá Tax, dạo chơi bến Bạch Đằng… Nó cũng là nơi nhiều du khách nhớ đến bởi sự phong phú của văn hóa Việt tập trung ở đây qua những tấm thiệp muôn màu muôn vẻ.

Từ khoảng cuối những năm 1980 chợ Thiệp vắng dần, vì chất lượng giấy làm bao thơ, làm thiệp ngày càng kém, mẫu mã đơn điệu, chất lượng in lại xấu. Dù vẫn còn nhu cầu về thiệp trong các dịp lễ tết vẫn còn nhưng người ta không còn thói quen dạo chơi và mua thiệp cũng vì chợ đã bị dẹp vì “lấn chiếm lòng lề đường”. Khoảng mươi năm trước Chợ thiệp lại được nhóm họp ở đây với phong trào thiệp hand make: những chiếc thiệp hình vẽ ngộ nghĩnh, trang trí không đụng hàng, trẻ trung, hiện đại… Nhưng cũng chỉ sôi nổi được một thời gian vì internet đã phổ biến.

Bây giờ người ta viết thư gửi thiệp đều qua mạng, chẳng mấy ai còn nhớ đến những cánh thiệp Xuân được bày bán bên hông Bưu điện Sài Gòn thủa trước…


Sài Gòn 17.10.2016

P/S. Theo nhà văn Nguyễn Đông Thức thì chợ thiệp có từ nửa sau thập niên 1960 rồi Đầu tiên là từ các bạn trẻ SVHS có hoa tay tự phát làm thiệp thủ công đem ra công trường Nữ vương Hoà Bình đứng bán (lề đường rộng phía đối diện bưu điện). Rẻ, đẹp, tiện mua hơn vào nhà sách nên dân SG ủng hộ rất nhanh. Riết hình thành chợ mỗi dịp tháng 12 về.

NHỮNG CÁI CHẾT TRẺ


Nguyễn Thị Hậu

Xã hội một lần nữa lại “sốc” vì cái chết của mấy cô cậu trẻ tuổi với slogan “Việt Nam nói là làm!”. Nhưng họ đã nói và làm cái gì?

Đó là những status (dòng trạng thái trên facebook) nói rằng nếu được nhiều người like (thích, đồng tình) thì sẽ nhảy xuống sông, sẽ mang xăng đốt trường, thậm chí sẽ tự tử!  Sau khi treo status “câu like” chưa đến một ngày thì các facebooker này đã nhận được hàng chục ngàn like, vượt xa “chỉ tiêu” đề ra. Lời nói không thể gió bay vì đã bị cư dân mạng buộc chặt bằng hàng ngàn comments (ý kiến) hàng trăm share (chia sẻ) khích bác xúi dục  đe nẹt chửi bới mà phần lớn đến từ những người trẻ. Không khác được, chủ nhân “status ngàn like” đã phải làm đúng như đã nói, dù chỉ là nói trên facebook!

Vâng, “Việt Nam nói là làm” của một bộ phận giới trẻ là như vậy đấy! Dại dột, vô trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhưng phải chăng hiện tượng này là sự phản ứng lại thực trạng của những người lớn “nói mà không làm”, thậm chí “nói một đằng làm một nẻo”?!

Rất nhiều người lớn buông tiếng thở dài, không hiểu nổi vì sao người trẻ có thể nói và làm những điều ngu dại như thế?! Vì ham nổi tiếng? vì bế tắc trong cuộc sống? vì muốn thử xem “có ai can tôi không?”. Liệu có em nào khi đánh cược với mạng xã hội đã tin rằng, sẽ có người can ngăn mình và chống lại đám đông đang hóng hớt một tai nạn chết người? Nếu đã hy vọng như vậy thì cái chết thực chất là nỗi thất vọng cùng cực!

Chúng ta có hổ thẹn không, mỗi khi lướt qua những facebook “trẻ trâu” nhìn số lượt like tăng lên vùn vụt như những viên đá ném xuống hố chôn sống nạn nhân, ta đã dửng dưng cho rằng “ngu thì chết”, hay hèn nhát không dám mở lời can ngăn vì sợ cũng sẽ chết  vì đám đông hung hãn kia?
Vậy ai bảo mạng xã hội là “ảo” khi nó đưa đến những cái chết thật?

Mới đây một học sinh lớp 8 ở Yên Bái đã tự tử sau khi bị bạn bè đánh, làm nhục và bêu riếu trên facebook. Đây không phải là trường hợp đầu tiên và rất có thể chưa phải là cuối cùng!

 Đã nhiều người trẻ chết vì bị đánh hội đồng, tự tử vì bị bạn bè, gia đình làm tổn thương nhục nhã, vì bị xâm hại, vì tai nạn, vì những lý do “trời ơi đất hỡi” như kiểu “câu like” nói trên… Rất nhiều “cái chết” đã được “báo trước” nhưng chúng ta đã thờ ơ, bỏ qua vì coi là chuyện vớ vẩn! Những người tham gia “khuyến khích” việc làm của kẻ dại dột kia đôi khi tưởng chỉ là vui đùa, nhưng khi nạn nhân đã chết thì bản thân họ có bao giờ nghĩ rằng, mình là thủ phạm gián tiếp? Những bậc cha mẹ, thầy cô, anh chị có bao giờ tự hỏi, chúng ta đang sống cùng với con em mình hay chỉ là tồn tại bên cạnh chúng?!  

Đó là chuyện “trên mạng ảo” còn đây là trường hợp ở ngoài đời thật. Một em bé đã chết vì chạy xe đạp va vào miếng tôn sắc lạnh trên chiếc xe ba gác không được che chắn cảnh báo, khiến xã hội lại phải lên tiếng về  những chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kềnh nguy hiểm; sau đó cơ quan chức năng đã “tổ chức  truy quét bắt giam” những phương tiện ấy. Không biết được mấy ngày hay rồi đâu lại vào đấy? Nhiều người đặt câu hỏi, hàng ngày cơ quan chức năng ở đâu, cảnh sát giao thông ở đâu khi sự nguy hiểm như thế vẫn qua lại trước mắt mọi người? Tại sao không nhắc nhở, cảnh cáo và xử phạt ngay theo luật? Hay vì một tâm lý “nắm người có tóc không ai nắm kẻ trọc đầu” nên chỉ xử phạt xe máy xe hơi, còn xe thô sơ thì mặc kệ? Nếu làm đúng chức trách thì việc đau lòng sao có thể xảy ra?

Trong trường hợp này dư luận xã hội thương xót nạn nhân đồng thời cũng thông cảm với người cựu chiến binh nghèo phải kiếm sống bằng việc đi chở thuê và vô ý gây ra tai nạn. Thế nhưng chúng ta cũng thường xuyên chứng kiến những trường hợp, khi cơ quan chức năng xử lý vụ việc tương tự thì người qua kẻ lại lại ào ào bênh vực người vi phạm luật – chính điều đó cũng làm xói mòn ý thức chấp hành luật pháp của người dân và người thi hành công vụ. Ở một mức độ nào đó, thái độ như thế có khác nào những comments trên facebook xúi dục người trẻ làm điều ngu dại?

Những cái chết như thế cứ xảy ra là biểu hiện “chỉ số” của sự vô cảm, thậm chí độc ác trong xã hội đang ngày càng cao. Một cái chết “vô lý” của người trẻ có thể làm mỗi người thương cảm hay phê phán xã hội nói chung. Nhưng cần hơn là hành động  tích cực: đừng góp thêm nguy cơ từ thái độ vô trách nhiệm trên mạng xã hội mà hãy lên tiếng cảnh báo hay ngăn chặn! Bởi vì tất cả đều muộn màng trước cái chết, nhưng không bao giờ là muộn để ngăn chặn những cái chết vì bế tắc và dại dột như thế tiếp theo.

Để những người trẻ có thể sống theo slogan “Việt Nam nói là làm” một cách khôn ngoan, hữu ích và nhân bản.
Sài Gòn 15.10.2016











THỜI CỦA “THÁNH TRÌNH”


Nguyễn Thị Hậu

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là nhiều đập thủy điện lại bất ngờ xả nước làm hàng chục ngàn người dân trong vùng phải hứng trọn cơn lũ do người gây ra khi thiên tai còn đang hoành hành. Người quản lý các đập thủy điện đều có chung một câu trả lời “xả lũ đúng quy trình”, vì “không xả thì vỡ đập”! Hồ chứa và đập nước luôn có chức năng điều tiết nước nhất là vào mùa lũ, nhưng xem ra những đập   hồ này không thực hiện được chức năng đó vì mùa hạn vẫn hạn và mùa lũ lại thêm lũ! Nếu hỏi tại sao chắc lại có câu trả lời: hồ và đập được xây dựng đúng quy trình!
Chỉ tại mưa lũ gió bão là không đúng “quy trình”, tại dân là không có “quy trình” để tự bảo vệ mình. Còn tất cả mọi việc của nhà quản lý đều đúng quy trình.
***
Gần đây cụm từ “đúng quy trình” lại tràn lan trên báo chí và mạng xã hội. Đấy là câu trả lời về việc bổ nhiệm, đề bạt, nói chung là quy hoạch cán bộ tham gia vào các vị trí quản lý và lãnh đạo từ địa phương đến trung ương. Dư luận lên tiếng vì một thực trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều ngành: một người làm quan cả họ cũng được… làm quan. Quan bố truyền cho quan con, quan anh bổ nhiệm quan em, quan bác quy hoạch quan chú quan cháu, quan chồng sắp xếp quan vợ… Tính chất “gia đình trị” được bọc bên ngoài một cái vỏ khá chắc chắn “việc bổ nhiệm đã làm đúng quy trình”.

Ai từng làm việc trong bộ máy nhà nước đều biết và hiểu quy trình bổ nhiệm cán bộ mang tính hình thức và máy móc như thế nào.  Những tiêu chí đưa ra có vẻ hoàn hảo “vừa hồng vừa chuyên” nhưng trong thực tế không được như vậy. Trước đây nếu dân gian đã khái quát “nhất tiền tệ, nhì quan hệ, ba hậu duệ, bốn… trí tuệ” thì hiện nay tình trạng bổ nhiệm cán bộ lại theo một thứ tự khác: “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, bởi vì khi đã dùng đồng tiền “đi trước” để đạt mục đích quyền lực thì tất yếu phải “củng cố đời con”để giữ cho được địa vị và quyền lợi. Cũng dân gian đúc kết về tình trạng này bằng một câu hỏi châm biếm cay đắng “đồng chí này là con  đồng chí nào?”.
***
Báo chí lại ồn ào chuyện một ông Vụ trưởng của Bộ Y tế đi “hầu đồng” cầuchứctước.Hầu đồng hay cầu cúng thánh thần nào đó là những hình thức tín ngưỡng, khoảng hai chục năm trước còn bị lên án và dẹp bỏ cả đền miếu và sinh hoạt tâm linh vì coi đó là “mê tín dị đoan”. Từ vài năm nay bỗng nhiên được phục hồi bắt đầu từ những lễ hội mang danh “bảo tồn di sảnvănhóa”.Trong những ngày lễ hội, tham gia“xin ấn” “cướp lộc” không thể vắng mặt thành phần công chức, thậm chí còn là những người luôn cúng lễ hậu hĩ và “thành tâm” nhất.

ÔngVụ trưởng, ngoài chức trách nhà nước thì ông là một công dân bình thường. Ông có quyền theo một tín ngưỡng, tôn giáo. Hoặc ông có thể thực hành nghi lễ của một tín ngưỡng vì một niềm tin, hy vọng hay mong đợi của cá nhân hay của gia đình ông… Điều đó chẳng ai có quyền can thiệp. Nhưng, chuyện ồn ào vì “nghe đồn” ông sắm lễ hầu đồng cầu thăng quan tiến chức. Việc ông lên đến chức Vụ trưởng chắc chắn là theo “đúng quy trình”, nay ông muốn lên cao hơn âu cũng là chuyện bình thường như mọi quan chức khác. Cho nên làm sao để sự thăng tiến của mình tiếp tục “đúng quy trình” thì ông – cũng như nhiều quan chức khác -phải tìm đến chỗ dựa là thánh thần.

Chuyện quan chức đi lễ bái cầu xin ở những nơi “linh thiêng”, có “đệ tử ruột” là người “cõi trên” chuyên tư vấn tham mưu đường đi nước bước theo sự mách bảo của  “thần thánh” không còn là chuyện lạ. Chức càng to càng cúng lễ nhiều, cầu được thì phải lễ tạ, rồi lại cầu lại lễ… Vậy “thánh thần” phù hộ cho quy trình hay quy trình chính là “thánhthần”?
***
Vì sao dư luận xã hội phải lên tiếng và nhà chức trách lại mang hai chữ “quy trình” ra để biện minh? Đó là vì cái “quy trình” ấy ngày càng bộc lộ nhiều tiêu cực và để lại hậu quả nặng nề.Trong “từ điển” của quan chức bây giờ có hai cụm từ được sử dụng thường xuyên nhất là "đúng quy trình" và "rút kinh nghiệm". Cứ đúng quy trình mà gây hậu quả thì rút kinh nghiệm… lần sau vẫn theo đúng quy trình ấy! Hai cụm từ này đã vô hiệu hóa tất cả mọi sai phạm,  thậm chí biến tội lỗi thành công trạng, để rồi lại theo “quy trình” người phải “rút kinh nghiệm” hoặc tiếp tục thăng tiến trên đường quan lộ, hoặc “hạ cánh an toàn” trong vinh hoa phú quý.
Cho nên, dân gian cũng đã kịp thời tổng kết: “Thời  nay thời củaThánh Trình, Trạng Trình* phải gọi Quy Trình là ông!”

(*Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)
SàiGòn 17.10.2016



Vụn vặt đời thường (127)

@ Mặc ai nói gì thì nói, nhà tôi chỉ dúng các loại nước mắm làm từ cá và nước tương làm từ đậu nành!
"Thời đại đồ... đểu" phát triển có sự góp sức của truyền thông đểu!

@ NƯỚC MẮM VÀ NƯỚC CHẤM (note cũ)
Nguyễn Thị Hậu
Dân gian gọi NƯỚC MẮM đã cho thấy cách gọi xuất phát từ nguyên liệu chính làm ra loại gia vị này.
NƯỚC MẮM LÀ PHẢI ĐƯỢC LÀM TỪ CÁ, có mùi đặc trưng và vị mặn mòi. Tuỳ từng vùng có những loại cá khác nhau, vào mùa khác nhau thì “bí quyết” ướp chượp cũng khác nhau. Mỗi một nhãn hiệu nước mắm truyền thống có một bí quyết riêng, tạo nên hương vị riêng. Cũng nguyên liệu ấy qua tay những người thợ lành nghề sẽ cho ra các loại nước mắm ngon khác nhau. Nước mắm sản xuất thủ công truyền thống đòi hỏi rất công phu nên hiện giờ giá thành khá cao, chưa có chính sách “bảo hộ” loại gia vị rất độc đáo này nên nhiều nhà sản xuất phải bỏ nghề. Hãng nước mắm ngon giờ đếm trên đầu ngón tay. Người kỹ tính thì thấy việc tìm mua chai nước mắm “xịn” khó hơn tìm chai rượu xịn!
Còn có loại nước (chấm) KHÔNG LÀM TỪ CÁ, là một hỗn hợp pha chế từ hương liệu và nguyên liệu nào đấy theo công thức giống nhau ở tất cả những nơi sản xuất. Vị đặc trưng là NGÒN NGỌT (không như nước mắm thật: mới nếm thì mặn nhưng ngọt “hậu”). Thậm chí còn có loại nước mắm chay (?). Sản xuất công nghiệp nên loại nước chấm này “siêu sạch”, bán đầy các siêu thị, giá bình dân.
Mặc dù cùng là một loại nước,
Mặc dù cùng dùng để nêm, chấm thức ăn,
Nhưng chắc chắn loại làm từ cá và không làm từ cá rất khác nhau, không thể cho hương vị như nhau.
Do đó, không thể coi loại không làm từ cá là “NƯỚC MẮM” như ghi trên chai, bao bì. Gọi như vậy là một sự lập lờ. Sòng phẳng với người tiêu dùng thì gọi loại này NƯỚC GIẢ MẮM, hay là NƯỚC CHẤM (gọi theo chức năng, công dụng). Khi nhà sản xuất cố tình lập lờ như vậy thì những người bán hàng cần hiểu biết để giải thích rõ cho người mua. Ai thích ăn loại nào thì tuỳ.
Chỉ có điều khi nước giả mắm tràn lan thì người ta sẽ quen dần với vị ngòn ngọt lờ lợ mà quên mất vị mặn mòi đậm đà. Thậm chí có người còn chưa bước chân ra khỏi “làng” đã chê “nước mắm hôi”! Người ở thành phố cứ thích chọn hàng hóa có bao bì trông đèm đẹp, có tên gọi bằng chữ nước ngoài… cho sang. Rồi quen dần với vị nước chấm mà nghĩ rằng đó là nước mắm.
Ôi, nước mắm mà không làm từ cá, không “hôi” không mặn, không ngọt về “hậu”, thì có còn là NƯỚC MẮM?
P/S 1. Thị trường còn có loại nước mắm mà chỉ có một phần rất nhỏ của nước mắm thật, còn lại là nước pha nguyên liệu khác, khi phân tích thành phần thì vẫn có “nước mắm”. Vì vậy, nếu sản xuất kiểu này thì cùng với tỷ lệ thành phần các chất khác còn cần ghi rõ: bao nhiêu % là nước mắm thật? để người mua có thể chọn lựa.
Yêu cầu sự minh bạch và trung thực của nơi sản xuất như vậy có quá cao không nhỉ?!
P/S 2. Bạn tôi, một người nấu ăn rất tinh tế, một lần trò chuyện anh nói: Hôn nhân như… pha một chén nước mắm. Giỏi thì pha ngon, làm bữa ăn ngon hơn. Dở thì pha hỏng, nhàn nhạt hoặc quá mặn quá ngọt quá chua, khéo chữa thì dùng được, mà vụng thì càng chữa càng hỏng, có khi phải bỏ đi mà pha chén khác. Mà lạ, nước mắm thật có pha hỏng thì dễ “chữa” chứ nước mắm dỏm mà đã pha hỏng thì vô phương!
Ngẫm ra hình như không phải chỉ là chuyện nước mắm nước chấm, mà là chuyện của con người.
TGTT online 5/7/2014

Tôi tẩy chay loại nước chấm này vì hành xử vô đạo đức và không ngon! Còn bạn?



Vụn vặt đời thường (126)

@ Đến giờ (trưa 15/10) đã có vị lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội nào trực tiếp thị sát và chỉ đạo tại chỗ việc cứu trợ đồng bào gặp nạn, khắc phục hậu quả lũ lụt chưa ạ?
500 anh em có ai biết không?
Hà Tĩnh - Quảng Bình không thể là tỉnh "BÌNH TĨNH" trong thời điểm này!

@ Nếu quê mình, nhà mình lâm vào tình trạng này?
"Lũ lụt thì lút cả làng", "thủy, hỏa, đạo, tặc" - sức nước bao giờ cũng là sức mạnh nguy hiểm nhất mà ông cha xưa từng cảnh báo!
Chia sẻ thông tin này với bạn bè của mình về việc chung tay cứu trợ đồng bào Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi đang chịu đựng lũ lụt hoành hành. Rất nhiều tờ báo, nhóm công tác thiện nguyện đang tổ chức quyên góp tiền và quần áo, mì gói, nước sach để có thể cứu trợ sớm nhất cho đồng bào vùng lũ.
Sài Gòn đang mưa rất to. Thôi, Sài Gòn mưa to cũng được, nhưng đừng mưa ở miền Trung nữa, Hà Tĩnh Quảng Bình nơi đó hết chỗ để ngập rồi :(



TỪ BIỆT TAX CỦA SÀI GÒN XƯA

TAX chính thức phá dỡ toàn bộ để xây công trình mới. Việc “bảo tồn” những gì được bảo tồn (thảm gạch mosaic, thanh tay vịn cầu thang trang trí con gà bằng đồng) đã xong công đoạn đầu tiên. Những lời hứa phục dựng lại hình dáng của một Tax xưa cũng đã được nhắc lại.
Giờ chỉ còn hy vọng bảo quản tốt những gì đã mang đi.

Tôi nghĩ rằng sau khi tháo gỡ, làm sạch nên trưng bày cùng với những thuyết minh về giá trị nghệ thuật của những bộ phận trang trí này, những hình ảnh, video, mô hình về những kiến trúc tương tự trên thế giới… cho bà con xem. Sự hiểu biết của cộng đồng về giá trị của cổ vật vừa để vật quý không bị rơi vào quên lãng, vừa để có thể “giám sát” quá trình bảo quản và sau này phục dựng những cổ vật này trong công trình mới. Hy vọng sau những năm xây dựng một tòa nhà mấy chục tầng, “ châu (lại) về Hợp phố” đầy đủ, chính xác và đẹp hơn.
Tax mới sẽ là công trình của thế kỷ 21. Cũng như nhiều công trình khác đang mọc lên như nấm sau mưa ở thành phố này, Tax có trở thành di sản và ký ức của công dân thế kỷ 21 hay không còn là tùy thuộc vào nhiều điều. Nhưng có một điều chắc chắn, khi chúng ta không quý trọng di sản của thế hệ mình thì đừng dạy bảo con cháu phải quý trọng những gì chúng có.
Rất nhiều người khi ra nước ngoài thì trầm trồ thán phục việc bảo tồn di tích của người ta, nhưng ở trong nước thì lại ủng hộ việc phá bỏ di tích vì “nhu cầu hiện đại hóa”, nhất là khi đó không phải là một thành phố các bạn có nhiều gắn bó. Cứ vậy, người nơi này “phá” nơi khác… rồi cả đất nước này sẽ chẳng còn quá khứ nào khác ngoài những đổ vỡ tan hoang, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến.
Tôi chỉ có 41 năm gắn bó với Tax và bùng binh cây liễu, cà phê Givral, Eden, Ba Son… nhưng phải chứng kiến tất cả lần lượt ra đi… Từ biệt TAX như từ biệt một Sài Gòn xưa đã mất…

Sự xao lãng làm chúng ta ngày càng ít hiểu biết hơn

Hồ Huy Sơn PV  về “Thời đại của sự xao lãng”:

-Thưa chị. Điều gì khiến chị nhận viết lời mở đầu cho cuốn sách “Thời đại của sự xao lãng”?
Dương Trọng Huế, tác giả cuốn sách này, cũng là một tác giả quen thuộc trên một số tờ báo mà tôi thường cộng tác. Chúng tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ trò chuyện nên khi anh ngỏ ý muốn tôi viết vài lời cho cuốn sách đầu tiên của anh tập hợp những bài viết đã đăng tải trên báo chí thì tôi nhận lời. Bởi vỉ đều là những người viết báo nghiệp dư nên anh và tôi có sự đồng cảm về các vấn đề xã hội từ góc tiếp cận của người nghiên cứu khoa học.

-Là một trong những người đầu tiên tiếp cận với cuốn sách này lúc đang ở dạng bản thảo, ấn tượng ban đầu của chị như thế nào?
Phần lớn những bài viết tôi đã đọc trên báo chí, nhưng khi tập hợp lại thành một cuốn sách theo chủ đề thì tôi nhận thấy rõ hơn một điều, đó là khi có kiến thức vững chắc của một nghề nghiệp nào đó và từ lĩnh vực đó nhìn nhận các vấn đề xã hội thì luôn có những phát hiện mới mẻ và cả những kiến giải bất ngờ, có khi là đơn giản mà chúng ta cứ tưởng vô cùng phức tạp.
Một điều khác là bên cạnh một Dương Trọng Huế tỉnh táo trong phân tích thực trạng xã hội còn có một “Huế” khác khá lãng mạn, nhẹ nhàng trong những hồi ức về quê hương. Có thể nhận thấy nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học luôn tìm được sự cân bằng như thế trong cuộc sống.

-Trong mối tương quan giữa con người hiện đại với công nghệ, giữa thế giới thật với thế giới ảo… đã có khá nhiều bài viết đề cập đến trước đây. Chị thấy ở tác giả Dương Trọng Huế điều đáng đọc nhất là gì so với những người trước?  
Như tôi đã viết trong Lời mở đầu, từ vai trò và sự hiểu biết của tác giả là một người giảng dạy và làm về truyền thông, cuốn sách mang lại cho người đọc sự cảm nhận và lý giải thấu đáo những hiện tượng xã hội của thời đại mà truyền thông thống lĩnh và tác động vào con người mọi lúc mọi nơi. Phân tích của tác giả qua từng bài viết một lần nữa cho thấy, cuộc sống trên mạng “ảo” mà rất thật bởi nó làm bộc lộ một phần, thậm chí nhiều phần của con người, từ sâu thẳm tâm tư đến cá tính hay thói quen, từ nghề nghiệp đến “trường quan hệ xã hội”, từ quan điểm về những vấn đề trong cuộc sống đến giây phút xao động thoáng qua nào đó…
Mạng xã hội là cách giao tiếp “phi truyền thống”, cho nên ít nhiều nó vẫn phản ánh thực chất mối quan hệ của những con người. 

-“Thời đại của sự xao lãng” đưa đến một nhận định về “con người trong thời đại truyền thông” mà trong thời đại này, con người rất dễ bị truyền thông làm cho xao lãng. Chị đồng cảm như thế nào về nhận định này? Theo chị, làm thế nào để chúng ta không bị xao lãng trong thời đại truyền thông như hiện nay?
Sự xao lãng ở đây theo tôi hiểu chính là thái độ hời hợt (và tệ hơn là vô trách nhiệm) trong việc tìm hiểu và tiếp nhận tất cả những gì đang diễn ra quanh ta, từ các vấn đề xã hội có vẻ như không liên quan trực tiếp đến bản thân, đến cuộc sống và tâm trạng của người thân ngay bên cạnh. Chúng ta bị cuốn hút bởi lượng thông tin ào ạt như thác đổ nên bị choáng ngợp, “tìm” thì nhiều mà “hiểu” thì ít vì sợ trở nên ”lạc hậu”. Rồi từ đó lại góp thêm vào dòng thác đó bằng cách link về facebook của mình hay bằng  những comments khi chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin cũng như không quan tâm đến ảnh hưởng của thông tin… Cứ thế sự “xao lãng” thực chất các hiện tượng xã hội làm chúng ta ngày càng ít hiểu biết hơn – với đúng nghĩa của từ hiểu biết.
Bình tĩnh và tỉnh táo hơn khi tiếp nhận thông tin, có trách nhiệm hơn với cộng đồng khi tham gia vào truyền thông là cách tránh và giảm thiểu sự “xao lãng”. Nhất là đối với những người làm nghề truyền thông bởi vì thông qua phương tiện truyền thông chuyên nghiệp, “sự xao lãng” của xã hội sẽ tăng theo cấp số nhân.

-Những vấn đề đưa ra luôn được phân tích một cách rành mạch, rõ ràng cùng với đó là những dẫn chứng luận chứng đầy thuyết phục khiến những bài viết của Dương Trọng Huế mang dáng dấp của những đề tài khoa học. Chị có thấy như vậy không?
Là một người nghiên cứu khoa học nên nhiều bài viết của Dương Trọng Huế thể hiện văn phong khoa học, tuy nhiên dễ hiểu và có duyên bởi sự hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Một số vấn đề mà cuốn sách đặt ra hoàn toàn có thể trở thành ý tưởng của đề tài nghiên cứu khoa học (xã hội học, truyền thông, văn hóa học…) miễn là đừng coi đó là “chuyện nhỏ”, bởi vì nhiều vấn nạn lớn của xã hội thường bắt đầu từ những chuyện nhỏ đã không được nghiên cứu, đánh giá và dự báo, cảnh báo trước.

Sài Gòn 12.9.2016
Su xao lang lam chung ta ngay cang it hieu biet hon hinh anh 2



MỘT SỬ GIA KHIẾN CHÚNG TA SUY NGHĨ RẤT NHIỀU

Tọa đàm Sử của Tạ Chí Đại Trường (tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace, Hà Nội, ngày 15/9/2016) chỉ phần nào nhìn lại, điểm mặt một vài chủ đề chính, một số độc đáo riêng có trong nhiều công trình nghiên cứu của ông. Dĩ nhiên, với sử gia này, còn lâu nữa mới có thể ấn định những đánh giá, bàn luận xác quyết cuối cùng. Ông thuộc về số ít người viết sử khiến độc giả phải suy nghĩ rất nhiều.
@ Sự trở lại của Tạ Chí Đại Trường

Nói “trở lại” vì Tạ Chí Đại Trường (1938-2016) đã từng xuất hiện, gây tiếng vang trong một bối cảnh khác. Đấy là bối cảnh sử học, và rộng hơn, nghiên cứu-học thuật, của miền Nam trước 1975. TS Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) nhận định đó là môi trường không chỉ đa dạng, phong phú các tiếng nói, phương pháp và quan điểm mà còn có sự tương thông với quốc tế. Riêng trong lĩnh vực sử học, dân tộc học, có thể kể đến hai khuynh hướng nổi bật trong số nhiều tiếng nói: Thứ nhất, được thiết lập bởi triết gia Kim Định (1915-1997), người thiên về tìm kiếm và khẳng định những giá trị, đặc trưng cốt lõi, nhấn mạnh tính chất cội gốc của dân tộc Việt, thậm chí thuần Việt. Hàng chục công trình của ông, đặc biệt l�Việt Lí Tố Nguyên (1970), Triết lí cái Đình (1971), Cơ cấu Việt Nho (1972), Nguồn gốc văn hóa Việt Nam (1973)… đều chủ yếu tập trung khẳng định tộc Việt là chủ nhân của văn hóa, tư tưởng, triết Việt chứ không phải là kết quả của sự Hán hóa. Quan điểm của Kim Định, cho đến nay, vẫn gây ảnh hưởng và tạo cảm hứng bàn luận mạnh mẽ, được coi như học thuyết1.
Khuynh hướng thứ hai, điển hình là sử gia Nguyễn Phương (1921-1993) trong công trình Việt Nam thời khai sinh (1965), ngược lại, coi hậu duệ của “thực dân Trung Hoa” đã hòa và tạo nên người Việt, vượt qua cái gọi là thuần chủng tộc người. Sự đối chọi quan điểm như lửa với nước, thực tế, là điều phổ biến và được duy trì khá lâu trong học thuật miền Nam khiến mỗi thế hệ đến sau càng có thêm cơ hội bộc lộ chính kiến. Tạ Chí Đại Trường không ngả về Kim Định cũng chẳng theo Nguyễn Phương. Ông “chống lại” cả hai - TS Nguyễn Mạnh Tiến nhìn nhận, thông qua những diễn giải và cách tiếp cận vấn đề rất độc lập.
“Sự hiểu biết quá khứ phải căn cứ trên những dấu vết để lại. Đó là khởi đầu bắt buộc. Và dù phải bồi đắp bằng suy luận, sự bám víu tài liệu – không lụy vì nó, không sử dụng tùy tiện nó, cũng là điều bắt buộc trong tiến trình làm việc. (Tạ Chí Đại Trường – Những bài dã sử Việt).
Dấu ấn của thời kì trường ốc qui củ hàn lâm thể hiện khá rõ trong cách chọn vấn đề, triển khai và cả lối viết của Tạ Chí Đại Trường ngay ở công trình đầu tay: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771-1802. Được khởi thảo từ 1964, lúc vừa chớm ba mươi tuổi, công trình này là một thành tựu lớn, trong sử liệu lẫn quan điểm sử, về Việt Nam hậu bán thế kỉ XVIII, về cuộc xung đột, tranh chấp dẫn đến thất bại, vinh quang của ba lực lượng Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Điểm nhấn trong công trình này, và sẽ là nguyên cớ khiến cuốn sách, như tác giả kể lại, “sau 1975 nó bị lao đao suốt mười năm vì những nhận định lịch sử về thời gian đó của tác giả khác với quan điểm chính thống đương thời”2, là những tri nhận mới về Tây Sơn. Theo TS. Nguyễn Mạnh Tiến, trong khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn được sử học miền Bắc chuẩn định là khởi nghĩa nông dân thì Tạ Chí Đại Trường cho rằng anh em nhà Nguyễn Huệ là những nhà buôn giàu có và cuộc khởi nghĩa có sự tham gia của nhiều tộc người (vùng miền Thượng, Lào) chứ không chỉ có nông dân (Việt). Mặt khác, đây cũng là công trình, thay vì hạ thấp vai trò Nguyễn Ánh, lại cho người đọc cảm nhận khá rõ hình ảnh nhân vật này trong những nỗ lực lâu dài để có một kết quả “nhất thống” đất nước như là tất yếu.
Sau Lịch sử nội chiến, Tạ Chí Đại Trường còn kịp hoàn thành Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945), bản thảo luận án tiến sĩ Sử học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, vừa đúng lúc chiến tranh kết thúc. Sau 1975, Tạ Chí Đại Trường “sống bên lề xã hội mới như những người kém may mắn khác”. Nhưng trong tình thế mà ông tự coi là “tái ông thất mã” ấy, Tạ Chí Đại Trường vẫn kiên tâm theo đuổi những chủ đề vẫn khuất lấp hoặc chưa được nhận chân chính xác. Thần, Người và đất Việt (1989), Những bài dã sử Việt (1996) in ở hải ngoại nhưng là sản phẩm của giai đoạn ông “rảnh rang” đọc sách chợ trời đổ ra trên hè phố Lê Lợi (TP Hồ Chí Minh) và viết “mấy bài khơi khơi”. Năm 1994, Tạ Chí Đại Trường sang định cư ở Mỹ. Bất chấp những khó khăn sinh kế, và nhất là, thiếu thốn tài liệu, tách biệt với đời sống nghiên cứu trong nước, cuộc viết của Tạ Chí Đại Trường đứt đoạn không quá lâu. Ông tiếp tục có Những bài văn sử (1999), Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt: Một lối nhìn khác (2002), Sử Việt, đọc vài quyển (2004), Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam (2009). Đây cũng là thời điểm, nhờ internet, nhiều tác phẩm, bài viết của Tạ Chí Đại Trường được phổ biến nhanh chóng đến độc giả.
Sự trở lại của Tạ Chí Đại Trường ở trong nước có lẽ là một “hiện tượng” sử học đáng kể nhất thập niên qua. Trong khi nhiều sách sử, tâm thế học sử gần như chạm đáy ế ẩm, chán nản thì những cuốn sách của Tạ Chí Đại Trường lần lượt được tái bản, bán chạy hẳn hoi3. Tìm đọc ông không chỉ giới chuyên môn, tất nhiên là chuyên môn rộng (sử học, văn học, dân tộc học…) mà có cả độc giả phổ thông. Mặc dù đọc ông không hề dễ, nhưng khó có thể nói là ông rắc rối, hàn lâm đến mức người đọc “ngoại đạo” buông sách. Mặc dù đọc ông không khỏi hoài nghi, bực mình, muốn tranh cãi nhưng cũng chẳng đơn giản để gom tất cả cảm xúc đó thành lí do bỏ dở. Rút cuộc, những cuốn sách của Tạ Chí Đại Trường đều chinh phục độc giả đến trang cuối cùng. Năm 2014, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng ông giải thưởng ở hạng mục Nghiên cứu, nối dài thêm những lời khen, lần này công khai sáng láng, đến từ trí thức trong nước.
@ Phong cách sử tư gia
Về chữ “dã sử” trong Những bài dã sử Việt, Tạ Chí Đại Trường đã giải thích: “Tôi dùng chữ dã sử theo nguyên gốc của nó, loại non-official history, đối kháng với chính sử là của triều đình làm ra”4. Không theo lối mòn của sử quan phương, Tạ Chí Đại Trường trước sau là một sử tư gia, tự mình tìm kiếm, kiến giải các sự thật và cũng chính mình đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về sai sót, khuyết thiếu. Đây là chủ đích, tư thế và phẩm cách khó lẫn của ông.
Sự lựa chọn phương pháp nghiên cứu và cách thức diễn đạt những kết quả thu lượm, như điều ông xác thực, đã làm tính cách các cuốn sách của ông trở nên nổi bật. Trước hết, là cái nhìn khác về một số vấn đề lịch sử, tránh tái lặp những mặc định có sẵn. Việc ông kiên quyết đi đến tận cùng chính kiến, với mục tiêu dựng lại hồ sơ quá khứ như nó là chứ không phải như muốn là, đã tạo nên những kết luận hoặc giả thiết khác hết sức hấp dẫn. Ông có một loạt những giải thích, kết luận khác về đình làng (Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng), về loạn thập nhị sứ quân (Dòng sử kí tăng đạo), về chế độ nội hôn thời Trần (Phổ hệ và chế độ nội hôn của họ Trần), lễ tịch điền (Những Hoàng đế – Điền chủ Đại Việt thế kỉ X-XIV)… Những kết luận ấy, trước khi có thể bàn đúng-sai, thì luôn khiến người đọc bị “nhập tâm” bởi lập luận sắc sảo, chứng cớ đa nguồn và đặc biệt, bởi tinh thần khảo cổ học tri thức nghiêm túc, tỉ mỉ vốn là yêu cầu cốt tử của người viết sử.
Trong buổi tọa đàm nêu trên, các diễn giả có điểm qua một số chủ đề độc đáo, phi quan phương trong sử học của Tạ Chí Đại Trường. TS. Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán – Nôm) đánh giá cao tiểu luận Sex và triều đại. Theo anh, sử gia này đã diễn giải vấn đề sex (tình dục) trong các triều đại với con mắt của nhà khoa học, vượt qua những cấm kỵ, để giải mã những diễn ngôn lịch sử, những lẩn khuất đằng sau câu chữ được ghi lại. TS Nguyễn Mạnh Tiến lại hứng thú với mối quan tâm của Tạ Chí Đại Trường về tộc người, vai trò miền núi, vùng biên, Tây tiến, và các trung tâm quyền lực. Rõ ràng, các diễn giải này đều có thể được nối tiếp khi có điều kiện thực địa, điền dã kĩ càng hơn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) thì bày tỏ lòng khâm phục đối với Thần, Người và đất Việt. Ông đọc nó như xem “quái mộc dị thạch” vì những chủ kiến táo bạo trong đó. “Mọi người thường nói ông là sử gia – TS Dương bổ sung, nhưng qua cuốn này, ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Đây là cuốn sách về lịch sử tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hay nhất đến thời điểm hiện tại.”
Vị thế sử tư gia giúp Tạ Chí Đại Trường tránh được những ràng buộc, thúc ước nào khác ngoài nhu cầu xác thực sự thật lịch sử. Ông không phải không có chỗ nhầm lẫn hoặc đôi khi sa vào tư biện. Ông cũng chẳng có điều kiện để đi điền dã, khảo cổ, “xuống đồng” để kiểm chứng thực tế như các sử gia cán bộ. Nhưng điều quan trọng, theo ông, “không phải chỉ là tài liệu, phương tiện, mà còn là cách sử dụng những gì có dưới tay”5. Chính cách sử dụng mới toát lên bản lĩnh, trí thông minh của một sử gia. Tất nhiên, vẫn theo ông, không thể bù đắp sự khuyết thiếu hay sơ lược của chính sử bằng các suy diễn của hiện tại, nhất là khi các suy diễn ấy bị điều chỉnh hoặc thao túng bởi các thế lực, động cơ khác nhau. Chuyện bàn sử để “luận cổ suy kim” đương nhiên cần loại bỏ.
Có lẽ cũng phải nói thêm một điều mà mọi người đều nhất trí: Tạ Chí Đại Trường có văn phong lôi cuốn, giọng điệu cá nhân sắc nét. Ông hầu như xa lạ hẳn với lối viết sử theo trục công thức vít chặt (nguyên nhân-diễn biến-kết quả-bài học kinh nghiệm) của giáo khoa thư. Ông cũng chưa bao giờ thôi làm cho một sự kiện, một nhân vật trở nên sinh động, phức hợp, tính cách/tính chất hiện hữu trước mắt bằng những liên tưởng, so sánh, bình phẩm đích đáng. Lối viết đó khiến cuộc đọc trở nên hiện tại/đại hơn chứ không bị quá vãng đi, cổ xưa thêm. Khi cuộc viết sử lâu nay không làm giới học đường yêu thích thì sự xuất hiện của Tạ Chí Đại Trường có thể là một tham khảo hữu ích để đổi mới lối viết sử. Không có cái gọi là khô khan, đơn điệu trong sử học nếu người viết sử có một năng lực văn chương thực thụ, một vốn liếng ngôn từ đủ sâu dày, cá tính.
-------
1 Một hoạt động đáng kể gần đây nhằm đánh giá, nhìn nhận “hiện tượng Kim Định” là Tọa đàm Tưởng niệm cố triết gia Lương Kim Định do Trung tâm Nghiên cứu văn hóa minh triết và Trung tâm Lí học Đông phương tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội, 14/7/2012).
2 Tạ Chí Đại Trường trả lời phỏng vấn của Nhã Nam. Nguồn: http://www.talawas.org/?p=26278
3 Trong việc xuất bản trở lại sách của Tạ Chí Đại Trường, ngoài nỗ lực lúc đầu của Nhà sách Kiến Thức, NXB Công an Nhân dân, chủ yếu có công sức của Nhã Nam khi xuất/tái bản Những bài dã sử Việt (2011), Người lính thuộc địa Nam Kỳ (2011), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (2012), Chuyện phiếm sử học (2016).
4 Tạ Chí Đại Trường trả lời phỏng vấn, Tlđd.
5 Tạ Chí Đại Trường trả lời phỏng vấn, Tlđd.

Vụn vặt đời thường (125)

@ "Công dân hạng ba tuyệt đối không thể sinh ra chính phủ hạng nhất. Nhưng một chính phủ hạng ba hoàn toàn có thể có những công dân hạng nhất... Chúng ta phải bắt đầu từng chút từ bản thân mình” (Bách Dương, Người TQ xấu xí - xấu xí mà còn biết vậy :) )
Thật vậy, mỗi người không tự thay đổi thì sẽ chẳng bao giờ có gì thay đổi - chính xác hơn là có THAY mà không ĐỔI được gì cả!

@ "Khi bạn không coi trọng tự do của người khác thì bạn cũng chẳng xứng đáng với tự do. Trong tình yêu cũng vậy".
Ai nói điều này hay quá!

@ "Hà Nội trái tim hồng" - bài hát này lần nào nghe mình cũng rưng rưng, một điều gì đó tốt đẹp đã trôi qua không bao giờ gặp lại...
 R.I.P nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn :(

... Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ
Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ
Mùa thu đi qua từng phố nhỏ...
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ha-noi-mot-trai-tim-hong-mai-hoa-nsut.JnJ4rgnsJN.html

SỨC HẤP DẪN CỦA TRUYỀN HÌNH/ TRUYỀN THÔNG


Hấp dẫn thật, không phải chỉ từ những bộ phim nhiều tập của TQ. Hàn, Ấn hay từ những gì truyền hình phát ra, mà còn là, (và nhất là) từ chuyện được “lên tivi”.
Không nhớ mình được “lên tivi” từ thời gian nào, hình như từ cuộc khai quật lò gốm cổ Hưng Lợi 1998 vì đây là một sự kiện của “300 năm Sài Gòn – TP.HCM”. Sau đó có lẽ vì biết mình làm ở bảo tàng, lại là khảo cổ (SG cũng có khảo cổ à? :D ), lại đi dạy ở trường XHNV và thỉnh thoảng tham gia vài chuyên đề bên khoa Ngữ văn – báo chí… Nhất là sau này mình làm việc về văn hóa – xã hội tại Viện NCPT, thế là bạn bè, học trò ở nhiều nhà đài hay mời gọi rủ rê tham gia chương trình này khác, chủ yếu là những talkshow về văn hóa, di sản, giáo dục… vào dịp tết nhất thì nhiều show lắm :) (. Nói chung tham gia vui vui, “nhuận miệng” vừa đủ chầu cà phê với bạn bè, lại có cơ hội trình bày ý kiến về nghề nghiệp, lại được make up xinh hơn, nói theo kiểu của anh tôn hoa sen là “ngu gì không tham gia” :D Từ khi nghỉ hưu mình ít nhận lời những chương trình ngoài chuyên môn về khảo cổ (là nghề) hay truyền bá lịch sử (là công việc của Hội KHLS mà mình tham gia), những nội dung khác về văn hóa, an sinh xã hội… nếu được mời mình đều chuyển cho người có chức trách thay mình ở Viện NCPT.
Khoảng cuối năm 2014 không biết vì sao chương trình “Giai điệu tự hào” lại biết và mời mình tham gia vài chương trình quay tại TPHCM. Hình như lần đầu tiên mình tham gia là do có vị khách mời nào đó bận việc đột xuất nên… mình được gọi thay chỗ thì phải :) . Sau đó được mời thêm 2,3 lần nữa rồi thôi. Tức là đã lâu rồi – theo thời gian của thời đại thông tin ngày nay :) . Vui nhất của chương trình này là khi tham gia mình gặp được những người bạn cũ lâu rồi không gặp hay bạn trên FB, cả vài người nổi tiếng mà lâu nay mình vẫn “kính nhi viễn chi”.
Tuy nhiên, chỉ vài lần “lên tivi” lại là VTV, lại là GĐTH (hình như là chương trình khá HOT trong năm 2014 -2015) mà mình lại có thêm những niềm vui vì sau đó, rất nhiều lần mình được “nhận ra”, ở trong vài cả ngoài nước.
Ngay sau chương trình đầu tiên, trên một diễn đàn âm nhạc kia đã có những lời bình về ý kiến của các vị khách tham gia GĐTH, trong sự chê bài khá nhiều thì rất may ý kiến của mình được tán thưởng, đến mức có người còn nhầm mình là “phu nhân” của một người rất nổi tiếng (hụ hụ :D ). Bạn bè gửi lời nhắn nhe, khen ngợi, động viên… mình vừa vui vừa tự cảnh báo: cuộc chơi thôi mà, có gì quan trọng lắm đâu nên đừng có mà ảo tưởng nhé :)
Có lần mình đi Pháp, vào một quán ăn Việt ở Paris còn đang chào hỏi chủ quán thì một bạn trai khoảng ngoài 30 tuổi hỏi ngay, xin lỗi cô có phải là TS. NTH? Mình ngạc nhiên: vâng, là mình… Bạn trai hồ hởi: Ôi cháu chào cô. Cháu là bạn của cô trên FB nhưng mà cả nhà cháu là “fan” của cô trong GĐTH.
- Ô, mình tham gia có vài chương trình thôi mà…
- Vâng, cả vợ cháu, mẹ vợ cháu đều thích nghe cô phát biểu ạ.
- Mình cám ơn nhé.
Hai cô cháu trò chuyện thêm rồi chia tay, bạn ấy từ HN qua và làm việc tại Pháp đã vài năm.
Mấy lần sau ở Đức, Tiệp… nơi này nơi kia trong nước cũng vậy, hay bị “nhận diện” và mình được làm quen với những người bạn nơi xa, cùng thế hệ cũng có mà lớn tuổi hơn nhiều hay nhỏ như con gái mình cũng có… mọi người thường đồng tình với những gì mình bày tỏ trong chương trình này. Thật là “trẻ không tha già không buông” như một ông bạn già của mình “chì chiết” :D
Có những bạn trẻ nói: lẽ ra cô/chị phải ngồi bên hội đồng Trẻ mới đúng, vì ý kiến cô được nhiều bạn trẻ thích thú và cảm giác được “cô nói giùm”. Điều này thì ngay trong khi quay chương trình, vài bạn thành viên Trẻ đã “thì thầm” với mình như thế: chị/cô qua bên này ngồi với tụi em đi, hợp hơn á :)- Quá date rồi, thôi để mình ngồi đây chắc, hết sừng rồi đâu còn gì để cưa mà đòi ngồi cạnh các cháu các em xinh tươi, haha… Ngược lại nhiều “bạn già” lại nói: phân tích có tình có lý, đúng là gừng càng già càng cay… Nhưng túm lại là già trẻ lẫn lộn đều thích vì mình “nói vui, tình cảm mà rõ ràng chính kiến” (kinh nhỉ, sau này nghe nhận xét vậy mình mới “run”: đừng tưởng người xem chương trình giải trí là không nhận xét nghiêm túc!).
Nhưng túm lại, trong cái ồn ào của truyền thông nhiều ngày nay, viết note này thực ra là để tự mừng mình không bị sa vào cái sự ham hố lên TV để/vì nổi tiếng. Và cũng để một lần nữa nhận thấy, truyền thông dễ mang lại sự nổi tiếng cho con người bao nhiêu thì cũng dễ làm cho con người “chìm nghỉm” bấy nhiêu, cả tiếng tăm và số phận.
Sài Gòn, 6.10.2016

Vụn vặt đời thường (124)

@ Trước hết họ là những người dân, công dân đang gặp khổ nạn, sau đó mới là những giáo dân. 
"Lề phải, lề trái" khi đưa tin, phản ánh cuộc biểu tình ở Formosa không nên xuất phát từ góc nhìn phân biệt, tự hào hay kỳ thị tôn giáo.
Đừng đấy thành chuyện xung đột tôn giáo, tộc người - nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh hiện nay.

Kết quả hình ảnh cho biểu tình formosa ngày 2.10

@ Linh vật nước ta từ bây giờ phải là loài Cá, vì có nhiều khả năng nó sẽ chỉ còn lại trong từ điển: "cá là một loài động vật sống dưới nước biển, ao hồ sông kênh rạch... Hồi cuối thế kỷ 20 loài Cá còn tồn tại rất nhiều ở VN".
Nếu không còn cá thì "quân với dân " sẽ như gì với nước?

@ Cá chết chưa hết chuyện
Lại nói, sau khi nhiều loài cá ở biển, sông, kênh, hồ, ao… lăn ra chết, chúng ùn ùn rủ nhau lên thiên đàng. Thánh Peter canh cổng rất bối rối không biết làm thế nào. Có người nước Vệ mới nhập hộ khẩu vào đây mách cho một cách: con nào không nhớ vì sao nó chết thì cho vào, ở thiên đàng phải quên những điều xui xẻo!
Thế là loài cá phải lang thang bên ngoài cánh cổng thiên đàng.
(truyện 100 chữ)


@ Kể ra, cứ như ghi chép của sử cũ thì dạo này có quá nhiều "điềm gở": từ thiên không theo thời, địa không còn lợi  tới nhân chẳng còn hòa :(

ĐƯỜNG VEN HỒ TÂY


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Bạn chở tôi đi trong một buổi chiều muộn mát mẻ đẫm hơi nước lưu lại từ cơn mưa rất to vừa dứt. Thường xuyên ra Hà Nội nhưng lúc nào cũng bận rộn nên đã vài năm tôi mới lại được đi một vòng Hồ Tây. Chỉ đi chầm chậm theo đường ven hồ, trò chuyện trong lãng đãng mùa thu mà ngỡ như mình đang ở tuổi mười bảy ngày xưa.

Và lạ, các bạn tôi đều nói: ngày còn bé cứ rảnh rỗi hay buồn buồn lại đạp xe lên hồ Tây. Lên đây thấy người nhẹ nhõm hẳn… Ngày ấy tôi cũng vậy.

Ngày ấy quanh hồ Tây còn là những làng nhỏ êm đềm xanh ngát và đẫm hương thơm của hoa, của lá, của ngô ngậm sữa của lúa đòng đòng: Nhật Tân, Nghi Tàm, làng Bưởi, Xuân Tảo, Trích Sài, Thụy Khuê… Phía hồ Trúc Bạch còn làng Ngũ xá đúc đồng nổi tiếng. Bây giờ hầu hết đã thành phố thành đường, thành nhà biệt thự và chung cư cao tầng. Rất may còn giữ được những cổng làng là dấu tích một thời xa xưa, còn giữ được tên các làng cổ là tên những con đường ven hồ, lại có hẳn “đường Vệ hồ” đi qua những ngôi nhà nhỏ bé giản dị ẩn sau vườn rau, bên đầm sen mà chưa bị biến thành biệt thự kín cổng cao tường. Mong rằng con đường này không bị đổi tên để lỡ mai kia hồ ngày càng hẹp thì nhìn tên đường biết rằng ngày xưa hồ Tây rộng hơn rất nhiều. Cũng như bây giờ khi tôi ngắm nhìn từ phía nào cũng thấy hồ Tây nhỏ hẹp hơn thủa mình còn bé, bởi tầm nhìn đã bị những tòa nhà cao tầng che chắn.

Tuổi đôi tám mùa nào cũng lên hồ Tây, hè ngắm sen đông ngắm sương, thu ngắm hoàng hôn xuân ngắm hoa… Mỗi mùa cảnh sắc hồ Tây lại thay đổi, quen thuộc đấy mà vẫn lạ lùng. Ngày ấy hồ Tây bát ngát nhìn bờ bên kia chỉ một vệt xanh mờ, nhiều đoạn không có đường mà nhà, vườn sát bờ hồ, treo pheo ngả rợp mặt nước. Rời đường đê hay từ đường Thụy Khuê rẽ vào bất cứ cổng làng nào thì lập tức như lạc vào một vùng cổ tích. Nhà mái ngói đỏ tường gạch đơn sơ, phía sau là vườn rau vụ đông, trước nhà cây đào hoa nở muộn, đàn gà ung dung bới đất tìm mồi quanh bụi chuối, đàn vịt thong thả bơi trong ao nhỏ hay trên mặt nước hồ ngăn lại bằng mấy đoạn tre… Làng quê chập tối là vắng vẻ, chỉ có đoạn nhà máy bia Hà Nội còn có người qua lại.

Chiến tranh, Hà Nội sơ tán vợi người, nhưng ở làng quê này chỉ vắng bóng trẻ con vì người lớn làm vườn, trồng hoa, đánh cá, làm các nghề thủ công… không “biên chế nhà nước” nên không phải theo cơ quan sơ tán về nông thôn. Trong mảnh vườn nhà xuất hiện thêm cái hố “tăng xê” mà chỉ khi nào tiếng cao xạ trên đê dồn dập thì người ta mới nhấc cái nắp hầm bằng rơm bện dày để nhảy xuống. Ở đây không như trong nội thành, chẳng mấy khi nghe thấy tiếng còi báo động hay báo yên hú vang mà thi thoảng mới nghe đài nhà ai thông báo “đồng bào chú ý đồng bào chú ý…”.

Từ nhiều năm qua cảnh thanh bình làng quê ven đô đã trở thành quá khứ. Nay Tây Hồ là quận nội thành, làng lúa làng hoa chỉ còn trong câu hát. Những con đường ven hồ Tây đã được nối liền, nhỏ nhắn hai làn xe sớm chiều xe máy xe hơi tấp nập. Bờ hồ được kè đá sạch sẽ, nhiều đoạn có hàng rào sắt, cây trồng trên vỉa hè đã lên cao. Quán xá cũng nhiều hơn, quán cà phê, quán bia hơi, nhà hàng… ở trong nhà có máy lạnh hay trên vỉa hè hứng gió hồ lúc nào cũng đông khách. “Đặc sản” cũng nhiều hơn chứ không chỉ là món bánh tôm hay ốc luộc nổi tiếng một thời.

Khoảng 5 năm trước, cũng một chiều thu, bạn chở tôi đi thăm những ngôi chùa ven hồ Tây: Trấn quốc, Kim Liên, Phổ Linh, Hoằng Ân, Vạn Niên… rồi dừng lâu hơn ở chùa Tảo Sách (Linh Sơn Tự). Ngôi chùa tương truyền có từ thế kỷ 13 nằm trong khuôn viên rộng lớn trên đường Lạc Long Quân, một phía sân chùa nhìn ra mặt hồ lộng gió. Quần thể kiến trúc chùa mang đậm phong cách dân gian, bao gồm: tam quan, gác chuông, nhà thờ Tổ, trai phòng, nhà thờ Mẫu, điện thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ rất nhiều tư liệu Hán Nôm và những di vật có từ hàng trăm năm mang giá trị lịch sử - nghệ thuật cao: hàng chục câu đối, đại tự, văn bia tượng Phật tượng Mẫu, chuông đồng… Quả là một “danh lam cổ tự” quý giá của Hồ Tây, của Hà Nội.

Chiều muộn, chùa vắng vẻ chỉ có mùi nhang thơm và tiếng mõ lan xa. Bạn và tôi thắp hương ở chánh điện rồi đi ra phía sau. Thấp thoáng bóng áo nâu lướt nhẹ như làn gió giữa khoảng trời mây nước Hồ Tây mênh mông… Sau đó ít lâu bạn ra đi. Từ đó tôi chưa có dịp trở lại Chùa Tảo Sách cho đến hôm nay bất chợt đi qua.
Cũng giống hệt như buổi chiều năm năm về trước, sương thu đã dâng tím mặt hồ, tiếng chuông chùa quyện vào hơi sương la đà trên mặt nước. 

Không biết bao giờ bạn trở lại với Hồ Tây?


Sài Gòn 25.9.2016

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...