Tọa đàm Sử của Tạ Chí Đại Trường (tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace, Hà Nội, ngày 15/9/2016) chỉ phần nào nhìn lại, điểm mặt một vài chủ đề chính, một số độc đáo riêng có trong nhiều công trình nghiên cứu của ông. Dĩ nhiên, với sử gia này, còn lâu nữa mới có thể ấn định những đánh giá, bàn luận xác quyết cuối cùng. Ông thuộc về số ít người viết sử khiến độc giả phải suy nghĩ rất nhiều.
@ Sự trở lại của Tạ Chí Đại Trường
Khuynh hướng thứ hai, điển hình là sử gia Nguyễn Phương (1921-1993) trong công trình Việt Nam thời khai sinh (1965), ngược lại, coi hậu duệ của “thực dân Trung Hoa” đã hòa và tạo nên người Việt, vượt qua cái gọi là thuần chủng tộc người. Sự đối chọi quan điểm như lửa với nước, thực tế, là điều phổ biến và được duy trì khá lâu trong học thuật miền Nam khiến mỗi thế hệ đến sau càng có thêm cơ hội bộc lộ chính kiến. Tạ Chí Đại Trường không ngả về Kim Định cũng chẳng theo Nguyễn Phương. Ông “chống lại” cả hai - TS Nguyễn Mạnh Tiến nhìn nhận, thông qua những diễn giải và cách tiếp cận vấn đề rất độc lập.
“Sự hiểu biết quá khứ phải căn cứ trên những dấu vết để lại. Đó là khởi đầu bắt buộc. Và dù phải bồi đắp bằng suy luận, sự bám víu tài liệu – không lụy vì nó, không sử dụng tùy tiện nó, cũng là điều bắt buộc trong tiến trình làm việc. (Tạ Chí Đại Trường – Những bài dã sử Việt).
Dấu ấn của thời kì trường ốc qui củ hàn lâm thể hiện khá rõ trong cách chọn vấn đề, triển khai và cả lối viết của Tạ Chí Đại Trường ngay ở công trình đầu tay: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771-1802. Được khởi thảo từ 1964, lúc vừa chớm ba mươi tuổi, công trình này là một thành tựu lớn, trong sử liệu lẫn quan điểm sử, về Việt Nam hậu bán thế kỉ XVIII, về cuộc xung đột, tranh chấp dẫn đến thất bại, vinh quang của ba lực lượng Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Điểm nhấn trong công trình này, và sẽ là nguyên cớ khiến cuốn sách, như tác giả kể lại, “sau 1975 nó bị lao đao suốt mười năm vì những nhận định lịch sử về thời gian đó của tác giả khác với quan điểm chính thống đương thời”2, là những tri nhận mới về Tây Sơn. Theo TS. Nguyễn Mạnh Tiến, trong khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn được sử học miền Bắc chuẩn định là khởi nghĩa nông dân thì Tạ Chí Đại Trường cho rằng anh em nhà Nguyễn Huệ là những nhà buôn giàu có và cuộc khởi nghĩa có sự tham gia của nhiều tộc người (vùng miền Thượng, Lào) chứ không chỉ có nông dân (Việt). Mặt khác, đây cũng là công trình, thay vì hạ thấp vai trò Nguyễn Ánh, lại cho người đọc cảm nhận khá rõ hình ảnh nhân vật này trong những nỗ lực lâu dài để có một kết quả “nhất thống” đất nước như là tất yếu.
Sau Lịch sử nội chiến, Tạ Chí Đại Trường còn kịp hoàn thành Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945), bản thảo luận án tiến sĩ Sử học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, vừa đúng lúc chiến tranh kết thúc. Sau 1975, Tạ Chí Đại Trường “sống bên lề xã hội mới như những người kém may mắn khác”. Nhưng trong tình thế mà ông tự coi là “tái ông thất mã” ấy, Tạ Chí Đại Trường vẫn kiên tâm theo đuổi những chủ đề vẫn khuất lấp hoặc chưa được nhận chân chính xác. Thần, Người và đất Việt (1989), Những bài dã sử Việt (1996) in ở hải ngoại nhưng là sản phẩm của giai đoạn ông “rảnh rang” đọc sách chợ trời đổ ra trên hè phố Lê Lợi (TP Hồ Chí Minh) và viết “mấy bài khơi khơi”. Năm 1994, Tạ Chí Đại Trường sang định cư ở Mỹ. Bất chấp những khó khăn sinh kế, và nhất là, thiếu thốn tài liệu, tách biệt với đời sống nghiên cứu trong nước, cuộc viết của Tạ Chí Đại Trường đứt đoạn không quá lâu. Ông tiếp tục có Những bài văn sử (1999), Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt: Một lối nhìn khác (2002), Sử Việt, đọc vài quyển (2004), Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam (2009). Đây cũng là thời điểm, nhờ internet, nhiều tác phẩm, bài viết của Tạ Chí Đại Trường được phổ biến nhanh chóng đến độc giả.
Sự trở lại của Tạ Chí Đại Trường ở trong nước có lẽ là một “hiện tượng” sử học đáng kể nhất thập niên qua. Trong khi nhiều sách sử, tâm thế học sử gần như chạm đáy ế ẩm, chán nản thì những cuốn sách của Tạ Chí Đại Trường lần lượt được tái bản, bán chạy hẳn hoi3. Tìm đọc ông không chỉ giới chuyên môn, tất nhiên là chuyên môn rộng (sử học, văn học, dân tộc học…) mà có cả độc giả phổ thông. Mặc dù đọc ông không hề dễ, nhưng khó có thể nói là ông rắc rối, hàn lâm đến mức người đọc “ngoại đạo” buông sách. Mặc dù đọc ông không khỏi hoài nghi, bực mình, muốn tranh cãi nhưng cũng chẳng đơn giản để gom tất cả cảm xúc đó thành lí do bỏ dở. Rút cuộc, những cuốn sách của Tạ Chí Đại Trường đều chinh phục độc giả đến trang cuối cùng. Năm 2014, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng ông giải thưởng ở hạng mục Nghiên cứu, nối dài thêm những lời khen, lần này công khai sáng láng, đến từ trí thức trong nước.
@ Phong cách sử tư gia
Về chữ “dã sử” trong Những bài dã sử Việt, Tạ Chí Đại Trường đã giải thích: “Tôi dùng chữ dã sử theo nguyên gốc của nó, loại non-official history, đối kháng với chính sử là của triều đình làm ra”4. Không theo lối mòn của sử quan phương, Tạ Chí Đại Trường trước sau là một sử tư gia, tự mình tìm kiếm, kiến giải các sự thật và cũng chính mình đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về sai sót, khuyết thiếu. Đây là chủ đích, tư thế và phẩm cách khó lẫn của ông.
Sự lựa chọn phương pháp nghiên cứu và cách thức diễn đạt những kết quả thu lượm, như điều ông xác thực, đã làm tính cách các cuốn sách của ông trở nên nổi bật. Trước hết, là cái nhìn khác về một số vấn đề lịch sử, tránh tái lặp những mặc định có sẵn. Việc ông kiên quyết đi đến tận cùng chính kiến, với mục tiêu dựng lại hồ sơ quá khứ như nó là chứ không phải như muốn là, đã tạo nên những kết luận hoặc giả thiết khác hết sức hấp dẫn. Ông có một loạt những giải thích, kết luận khác về đình làng (Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng), về loạn thập nhị sứ quân (Dòng sử kí tăng đạo), về chế độ nội hôn thời Trần (Phổ hệ và chế độ nội hôn của họ Trần), lễ tịch điền (Những Hoàng đế – Điền chủ Đại Việt thế kỉ X-XIV)… Những kết luận ấy, trước khi có thể bàn đúng-sai, thì luôn khiến người đọc bị “nhập tâm” bởi lập luận sắc sảo, chứng cớ đa nguồn và đặc biệt, bởi tinh thần khảo cổ học tri thức nghiêm túc, tỉ mỉ vốn là yêu cầu cốt tử của người viết sử.
Trong buổi tọa đàm nêu trên, các diễn giả có điểm qua một số chủ đề độc đáo, phi quan phương trong sử học của Tạ Chí Đại Trường. TS. Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán – Nôm) đánh giá cao tiểu luận Sex và triều đại. Theo anh, sử gia này đã diễn giải vấn đề sex (tình dục) trong các triều đại với con mắt của nhà khoa học, vượt qua những cấm kỵ, để giải mã những diễn ngôn lịch sử, những lẩn khuất đằng sau câu chữ được ghi lại. TS Nguyễn Mạnh Tiến lại hứng thú với mối quan tâm của Tạ Chí Đại Trường về tộc người, vai trò miền núi, vùng biên, Tây tiến, và các trung tâm quyền lực. Rõ ràng, các diễn giải này đều có thể được nối tiếp khi có điều kiện thực địa, điền dã kĩ càng hơn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) thì bày tỏ lòng khâm phục đối với Thần, Người và đất Việt. Ông đọc nó như xem “quái mộc dị thạch” vì những chủ kiến táo bạo trong đó. “Mọi người thường nói ông là sử gia – TS Dương bổ sung, nhưng qua cuốn này, ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Đây là cuốn sách về lịch sử tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hay nhất đến thời điểm hiện tại.”
Vị thế sử tư gia giúp Tạ Chí Đại Trường tránh được những ràng buộc, thúc ước nào khác ngoài nhu cầu xác thực sự thật lịch sử. Ông không phải không có chỗ nhầm lẫn hoặc đôi khi sa vào tư biện. Ông cũng chẳng có điều kiện để đi điền dã, khảo cổ, “xuống đồng” để kiểm chứng thực tế như các sử gia cán bộ. Nhưng điều quan trọng, theo ông, “không phải chỉ là tài liệu, phương tiện, mà còn là cách sử dụng những gì có dưới tay”5. Chính cách sử dụng mới toát lên bản lĩnh, trí thông minh của một sử gia. Tất nhiên, vẫn theo ông, không thể bù đắp sự khuyết thiếu hay sơ lược của chính sử bằng các suy diễn của hiện tại, nhất là khi các suy diễn ấy bị điều chỉnh hoặc thao túng bởi các thế lực, động cơ khác nhau. Chuyện bàn sử để “luận cổ suy kim” đương nhiên cần loại bỏ.
Có lẽ cũng phải nói thêm một điều mà mọi người đều nhất trí: Tạ Chí Đại Trường có văn phong lôi cuốn, giọng điệu cá nhân sắc nét. Ông hầu như xa lạ hẳn với lối viết sử theo trục công thức vít chặt (nguyên nhân-diễn biến-kết quả-bài học kinh nghiệm) của giáo khoa thư. Ông cũng chưa bao giờ thôi làm cho một sự kiện, một nhân vật trở nên sinh động, phức hợp, tính cách/tính chất hiện hữu trước mắt bằng những liên tưởng, so sánh, bình phẩm đích đáng. Lối viết đó khiến cuộc đọc trở nên hiện tại/đại hơn chứ không bị quá vãng đi, cổ xưa thêm. Khi cuộc viết sử lâu nay không làm giới học đường yêu thích thì sự xuất hiện của Tạ Chí Đại Trường có thể là một tham khảo hữu ích để đổi mới lối viết sử. Không có cái gọi là khô khan, đơn điệu trong sử học nếu người viết sử có một năng lực văn chương thực thụ, một vốn liếng ngôn từ đủ sâu dày, cá tính.
-------
1 Một hoạt động đáng kể gần đây nhằm đánh giá, nhìn nhận “hiện tượng Kim Định” là Tọa đàm Tưởng niệm cố triết gia Lương Kim Định do Trung tâm Nghiên cứu văn hóa minh triết và Trung tâm Lí học Đông phương tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội, 14/7/2012).
2 Tạ Chí Đại Trường trả lời phỏng vấn của Nhã Nam. Nguồn: http://www.talawas.org/?p=26278
3 Trong việc xuất bản trở lại sách của Tạ Chí Đại Trường, ngoài nỗ lực lúc đầu của Nhà sách Kiến Thức, NXB Công an Nhân dân, chủ yếu có công sức của Nhã Nam khi xuất/tái bản Những bài dã sử Việt (2011), Người lính thuộc địa Nam Kỳ (2011), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (2012), Chuyện phiếm sử học (2016).
4 Tạ Chí Đại Trường trả lời phỏng vấn, Tlđd.
5 Tạ Chí Đại Trường trả lời phỏng vấn, Tlđd.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét