THỜI CỦA “THÁNH TRÌNH”


Nguyễn Thị Hậu

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là nhiều đập thủy điện lại bất ngờ xả nước làm hàng chục ngàn người dân trong vùng phải hứng trọn cơn lũ do người gây ra khi thiên tai còn đang hoành hành. Người quản lý các đập thủy điện đều có chung một câu trả lời “xả lũ đúng quy trình”, vì “không xả thì vỡ đập”! Hồ chứa và đập nước luôn có chức năng điều tiết nước nhất là vào mùa lũ, nhưng xem ra những đập   hồ này không thực hiện được chức năng đó vì mùa hạn vẫn hạn và mùa lũ lại thêm lũ! Nếu hỏi tại sao chắc lại có câu trả lời: hồ và đập được xây dựng đúng quy trình!
Chỉ tại mưa lũ gió bão là không đúng “quy trình”, tại dân là không có “quy trình” để tự bảo vệ mình. Còn tất cả mọi việc của nhà quản lý đều đúng quy trình.
***
Gần đây cụm từ “đúng quy trình” lại tràn lan trên báo chí và mạng xã hội. Đấy là câu trả lời về việc bổ nhiệm, đề bạt, nói chung là quy hoạch cán bộ tham gia vào các vị trí quản lý và lãnh đạo từ địa phương đến trung ương. Dư luận lên tiếng vì một thực trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều ngành: một người làm quan cả họ cũng được… làm quan. Quan bố truyền cho quan con, quan anh bổ nhiệm quan em, quan bác quy hoạch quan chú quan cháu, quan chồng sắp xếp quan vợ… Tính chất “gia đình trị” được bọc bên ngoài một cái vỏ khá chắc chắn “việc bổ nhiệm đã làm đúng quy trình”.

Ai từng làm việc trong bộ máy nhà nước đều biết và hiểu quy trình bổ nhiệm cán bộ mang tính hình thức và máy móc như thế nào.  Những tiêu chí đưa ra có vẻ hoàn hảo “vừa hồng vừa chuyên” nhưng trong thực tế không được như vậy. Trước đây nếu dân gian đã khái quát “nhất tiền tệ, nhì quan hệ, ba hậu duệ, bốn… trí tuệ” thì hiện nay tình trạng bổ nhiệm cán bộ lại theo một thứ tự khác: “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, bởi vì khi đã dùng đồng tiền “đi trước” để đạt mục đích quyền lực thì tất yếu phải “củng cố đời con”để giữ cho được địa vị và quyền lợi. Cũng dân gian đúc kết về tình trạng này bằng một câu hỏi châm biếm cay đắng “đồng chí này là con  đồng chí nào?”.
***
Báo chí lại ồn ào chuyện một ông Vụ trưởng của Bộ Y tế đi “hầu đồng” cầuchứctước.Hầu đồng hay cầu cúng thánh thần nào đó là những hình thức tín ngưỡng, khoảng hai chục năm trước còn bị lên án và dẹp bỏ cả đền miếu và sinh hoạt tâm linh vì coi đó là “mê tín dị đoan”. Từ vài năm nay bỗng nhiên được phục hồi bắt đầu từ những lễ hội mang danh “bảo tồn di sảnvănhóa”.Trong những ngày lễ hội, tham gia“xin ấn” “cướp lộc” không thể vắng mặt thành phần công chức, thậm chí còn là những người luôn cúng lễ hậu hĩ và “thành tâm” nhất.

ÔngVụ trưởng, ngoài chức trách nhà nước thì ông là một công dân bình thường. Ông có quyền theo một tín ngưỡng, tôn giáo. Hoặc ông có thể thực hành nghi lễ của một tín ngưỡng vì một niềm tin, hy vọng hay mong đợi của cá nhân hay của gia đình ông… Điều đó chẳng ai có quyền can thiệp. Nhưng, chuyện ồn ào vì “nghe đồn” ông sắm lễ hầu đồng cầu thăng quan tiến chức. Việc ông lên đến chức Vụ trưởng chắc chắn là theo “đúng quy trình”, nay ông muốn lên cao hơn âu cũng là chuyện bình thường như mọi quan chức khác. Cho nên làm sao để sự thăng tiến của mình tiếp tục “đúng quy trình” thì ông – cũng như nhiều quan chức khác -phải tìm đến chỗ dựa là thánh thần.

Chuyện quan chức đi lễ bái cầu xin ở những nơi “linh thiêng”, có “đệ tử ruột” là người “cõi trên” chuyên tư vấn tham mưu đường đi nước bước theo sự mách bảo của  “thần thánh” không còn là chuyện lạ. Chức càng to càng cúng lễ nhiều, cầu được thì phải lễ tạ, rồi lại cầu lại lễ… Vậy “thánh thần” phù hộ cho quy trình hay quy trình chính là “thánhthần”?
***
Vì sao dư luận xã hội phải lên tiếng và nhà chức trách lại mang hai chữ “quy trình” ra để biện minh? Đó là vì cái “quy trình” ấy ngày càng bộc lộ nhiều tiêu cực và để lại hậu quả nặng nề.Trong “từ điển” của quan chức bây giờ có hai cụm từ được sử dụng thường xuyên nhất là "đúng quy trình" và "rút kinh nghiệm". Cứ đúng quy trình mà gây hậu quả thì rút kinh nghiệm… lần sau vẫn theo đúng quy trình ấy! Hai cụm từ này đã vô hiệu hóa tất cả mọi sai phạm,  thậm chí biến tội lỗi thành công trạng, để rồi lại theo “quy trình” người phải “rút kinh nghiệm” hoặc tiếp tục thăng tiến trên đường quan lộ, hoặc “hạ cánh an toàn” trong vinh hoa phú quý.
Cho nên, dân gian cũng đã kịp thời tổng kết: “Thời  nay thời củaThánh Trình, Trạng Trình* phải gọi Quy Trình là ông!”

(*Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)
SàiGòn 17.10.2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...