Sài Gòn của tôi (3) vài hình ảnh về di sản văn hóa nơi tôi đang sống.

 @ Hôm qua trong cuộc tọa đàm về bảo tồn di sản văn hóa thành phố, có diễn giả đã nói, di sản văn hóa là một trong những lợi thế của thành phố để thu hút đầu tư, vì đây là nguồn tài nguyên vô giá và cũng là giá trị nhân văn của thành phố.
Điều này hoàn toàn đúng!
Nhưng, vấn đề là nhà đầu tư hiện nay có đủ trình độ để hiểu biết những giá trị của di sản văn hóa thành phố hay họ chỉ coi đó là “đất vàng” để kiếm lợi nhuận?
Và, chính quyền có đủ sáng suốt để chọn nhà đầu tư có trình độ, có thiện ý để thực thi việc đầu tư đồng thời với giữ gìn di sản văn hóa cho thành phố, cho cộng đồng dân cư?
Tại khu vực trung tâm thành phố hiện nay, nơi tập trung các di sản văn hóa đô thị, với những gì đã xảy ra trên tuyến đường Đồng Khởi, khu Ba Son đường Tôn Đức Thắng, thì câu hỏi trên đã có câu trả lời!























CÁ THÁNG TƯ KHÔNG PHẢI CHUYỆN ĐÙA


Tháng Tư Sài Gòn luôn là cái tháng nóng bỏng. Sức nóng của truyền thông và mạng xã hội tháng Tư này dồn vào những thông tin về Formosa xả chất thải không qua quy trình xử lý nghiêm ngặt, cá tiếp tục chết dạt vào bờ biển từ Hà Tĩnh đã đến Đà Nẵng, xe đông lạnh vẫn mua cá chết chở đi đâu không biết, dân ven biển vẫn phải nhặt cá chết bán cho thương lái (không ra biển đánh cá được phải sống bằng cách nào đây?!), dân tình xôn xao không ăn đồ biển rồi mai mốt khỏi ăn nước mắm nữa!

Vì sao cá chết? Họp báo rồi không họp rồi họp, chỉ 10 phút để đọc thông báo, phát tờ thông báo và… kết thúc. Nguyên nhân cá chết vẫn đang tiếp tục được tìm! Nguyên nhân ơi mày trốn đâu?!

Hổm rày liên quan vụ cá chết, các lãnh đạo địa phương, bộ ngành hoặc im lặng một cách đáng phẫn nộ, hoặc trả lời giải thích loanh quanh, dân thì không hề thấy sự khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết khó khăn cho người dân vùng bị thiệt hại, cũng không có bất cứ động thái nào nhằm trấn an tâm lý và ổn định sinh hoạt cho nhân dân. Sức khỏe, sinh mạng con người, đời sống ngư dân, mùa du lịch hè của vùng ven biển… Bao nhiêu thiệt hại từ cá chết nhưng “Hà Nội không vội được đâu”, tất nhiên, Hà Nội là các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết, giải thích vụ việc.

Đại diện Formosa nhỡ nhời  chọn cá hay chọn thép liền bị đuổi việc. Hehe, nhiều người bảo đáng kiếp vì dám thách thức láo lếu “người ấy và anh em chọn ai”, nhưng tôi thì cho rằng, ông ta bị đuổi việc vì đã vô tình thật thà nói ra sự thật, ít nhất là sự thật việc Formosa xả chất thải làm ảnh hưởng đến môi trường, vì nếu không ảnh hưởng thì việc gì phải “chọn”? Còn cái ảnh hưởng ấy có làm chết cá không thì… tiếp tục chờ xem nhà chức trách có tìm thấy sự liên quan hay không.

Bạn tôi vừa gọi điện, bảo: tình hình này có khi phải huy động tất cả các cặp vợ chồng Việt Nam ra tát cạn biển Đông mà tìm nguyên nhân chị ạ. Nhưng em ơi, phải là vợ chồng “thuận” với nhau cơ, nhưng ngay từ cặp vợ chồng đầu tiên của dân (tộc) ta đã không thuận, đến mức phải chia tay người mang con về núi người mang con ra biển mà sống. Mà có tát thì nước biển Đông sẽ đổ đi đâu?! 

Có anh chồng kia ăn vụng gây hậu quả nghiêm trọng bị vợ phát hiện. Cứ chối quanh cho đến khi  vợ đưa ra những thông tin khiến vợ nghi ngờ vì quá trùng hợp với chồng thì vội lấp liếm: à, cô ấy có thằng bổ mà… hình dáng và cả gien của nó giống hệt như anh!
Nếu bạn là người vợ thì bạn có tin không?!

Nguyên nhân cá chết la liệt dạt vào bờ biển miền Trung còn chưa tìm ra thủ phạm , nói như cơ quan chức năng. Dân, căn cứ vào cái gì nhìn thấy và chỉ cần chút suy nghĩ (không phải suy diễn) đểu thấy ngay phải tìm cái thằng nguyên nhân đang trốn ở địa chỉ nào! Ít nhất là hãy bắt đầu từ địa chỉ lớn nhất mà dân nghi vấn là Formosa.

Vậy nên đừng đưa ra những suy đoán kiểu chày cối nữa, hết “thủy triều đỏ” lại do “tàu nước ngoài”  thả độc ở vùng biển VN? Chất độc ấy là gì, làm chết loại hải sản nào? Tàu nước nào? Thả thuốc độc từ lúc nào?…

Cứ ăn nói thật thà, thú nhận “cạp đất” ngay và luôn như Ngọc Trinh còn hơn. Vì có thể  bị chê là “não ngắn” nhưng đừng để bị khinh là hèn!

Và cũng đừng coi thường đám đông lên tiếng vì chuyện này. Nếu hàng ngày bản thân bạn và con cháu đang  ăn mắm muối cá tôm của biển VN (họ hàng thì còn xa, chưa chắc bạn đã lo như lo cho mình và gia đình),  bạn mới hiểu sự lo lắng, thậm chí sợ hãi và phẫn nộ của người dân, dù là người “ít chữ” hay “nhiều chữ”. Đừng quên, không có những “đám đông”  bị dồn vào đường cùng như vậy thì lịch sử thế giới đã không có những sự thay đổi để được như ngày hôm nay.


THƯ GỬI BẠN THÁNG TƯ


  Nguyễn Thị Hậu

Tháng Tư, Sài Gòn ở vào khoảng thời gian nóng nhất nhưng cũng là tháng chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Về chiều hoặc nửa đêm đã có những cơn mưa rào làm nhẹ cả bầu không khí oi bức cả ngày. Ngồi cùng nhau nơi quán bờ kè, khi thì vài chai bia khi thì ly cà phê, câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ đâu rồi cũng quay về chuyện tháng Tư của những năm đã qua. Điều gì làm chúng ta có thể trò chuyện với nhau cả trên mạng lẫn ngoài đời?

Tuy xuất thân từ “hai phía” nhưng sự chân thành và cảm thông khi nhìn về quá khứ đã làm chúng ta trở nên thân thiết. Vì vậy dù Tháng Tư vẫn còn những ngày nắng nóng nhưng bạn và tôi cùng cảm nhận được rằng, đây đó Sài Gòn đã có những cơn mưa đầu mùa dù mưa chưa thật lớn để cuốn đi hết oi bức ngột ngạt. Nếu thật lòng  mong đợi những cơn mưa thì không khó để nhận ra những luồng gió mát mang theo hơi ẩm bay về, những đám mây trĩu nước đã bay ngang, và tiếng sấm ầm ì báo hiệu cơn giông ở đầu kia thành phố…

Cũng như nếu thật lòng mong đợi những điều tốt đẹp cho thành phố ta yêu, không thể không nhận thấy sự đổi thay, mà đôi khi vì gần gũi nên ta không nhận ra. Bốn mươi năm qua, mỗi ngày đi về dọc ngang qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vì quá quen thuộc nên tôi không để ý sự thay đổi từ từ của nó. Tôi cứ mải ước mơ về những thành phố có sông có cầu đẹp đẽ nơi trời tây. Đến một ngày nhìn lại con đường quen thuộc bỗng giật mình.

Từ dòng kênh sau gần trăm năm là kênh nước đen và những xóm nhà lá san sát trên mặt nước lầy rác hôi thối nay đã thành dòng sông nhỏ bờ kè có khoảng xanh bãi cỏ hàng cây, ghế đá, dụng cụ thể thao, hàng rào cao để an toàn và ngăn việc đổ rác bừa bãi. Vỉa hè rộng rãi đủ làm đường đi bộ tập thể dục mỗi sáng mỗi chiều. Những chiếc cầu mới xây mới sửa nối liền hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa tả hữu uốn lượn theo bờ kênh. Nhà mặt tiền khang trang hơn, quán xá cũng nhiều hơn… Kênh đã thông, thủy triều lên xuống mỗi ngày sẽ cuốn đi những ô nhiễm rác rưởi, giữ được “con kênh xanh xanh” nếu như từng người đừng theo thói quen xả rác xuống kênh.

Nhớ về quá khứ thành phố bên cạnh hình ảnh của “hòn ngọc Viễn Đông” còn là hình ảnh những khu nhà lá kênh đen chằng chịt khắp vùng Sài Gòn , Chợ Lớn, cũng đừng quên vùng ngoại ô “đám lá tối trời” đêm đêm nhìn về quầng sáng xa xôi nơi trung tâm thành phố. Khi “công bằng” với quá khứ thì sẽ công bằng nhìn nhận hiện tại bởi vì “hoài cổ” thì khác với “nệ cổ”, phải không bạn?

 Chắc chắn còn nhiều điều ta bức xúc, chưa thể hài lòng nhất là về đời sống tinh thần, nhưng cũng cần nhìn thấy những điều mới mẻ. Sự thay đổi không chỉ là dòng kênh tòa nhà hay cây cầu xa lộ, những khu đô thị mới ở ngoại thành… mà giá trị của nó là sự kết tinh công sức của biết bao nhiêu con người thầm lặng lao động, làm những công việc khác nhau dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Chúng ta quý trọng những đổi thay dù nhỏ là vì điều đó.

Nếu tính đời người bắt đầu từ khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng để sinh thành một thế hệ mới, thì bốn mươi năm qua đã hai thế hệ hậu chiến ra đời và trưởng thành. Nhìn con cái lớn lên và cũng phải giải quyết những vấn đề của thế hệ chúng, có lẽ cũng “gay go, ác liệt” không kém gì cuộc chiến của thế hệ chúng ta, bạn biết không, tôi bỗng nhận ra rằng, nếu chỉ mãi nhìn về một thời quá khứ thì khác nào chúng ta tự giam mình trong “bảo tàng viện” không thấy gì ngoài những ký ức “vàng son” “hào hùng”. Do vậy cũng cần quý trọng những gì hiện hữu mỗi ngày, đó là cuộc sống của các con ta, và vì chính chúng ta đang sống.


Sài Gòn 18.4.2015

KHOẢNG XANH THÀNH PHỐ


Nguyễn Thị Hậu


Sài Gòn có những khoảng xanh mang dáng dấp rừng cây tự nhiên như Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, các công viên Gia Định, Hoàng Văn Thụ, 23 tháng 9, Lê Văn Tám… Những khoảng xanh này đã có mặt cùng với sự hình thành đô thị Sài Gòn hơn trăm năm nay.
Trong hồi ký của Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương thời kỳ 1897 – 1902 đã miêu tả Sài Gòn cuối thế kỷ XIX như sau.“Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp, tất cả đều có kích thước lớn, nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây xanh, tất cả như bị ngập trong một đại dương xanh. Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn…”. Màu xanh đó không chỉ từ những “rừng cây” mà còn từ những con đường với hai hàng cây cao rợp mát. Thành phố Sài Gòn ngay từ đầu đã được quy hoạch nhiều loại cây trồng trên vỉa hè và trong công viên.Việc trồng và chăm sóc các khoảng xanh này giống như ở Paris và nhiều nước châu Âu: dù là cây trồng nhưng luôn được thiết kế sao cho “tự nhiên” như khoảng rừng còn sót lại. Một số công viên còn có hồ nhân tạo, tuy nhỏ nhưng tạo cảnh quan đẹp và giúp điều hòa không khí.
Hơn trăm năm qua những mảng xanh không chỉ là “lá phổi” trong lành của thành phố mà còn là ký ức của biết bao thế hệ thị dân. Phn lớn công viên và hệ thống cây xanh tập trung khu vc nội thành, các qun mới và huyn ngoi thành số lượng công viên còn rất ít mặc dù nơi đây nhiều đất đai có thể quy hoạch thành công viên, nhất là ở những khu đô thị mới. Những thống kê gần đây cho biết, mỗi ngày đến hàng trăm ngàn người đến tập thể dục và nghỉ ngơi, vui chơi tại các công viên lớn.Sự hấp dẫn đầu tiên của công viên là cây xanh thảm cỏ, sau đó mới là những trò chơi hay dịch vụ.

Nhưng trên thực tế, h thống công viên và cây xanh vn chưa theo kp tốc độ phát triển của thành phố chưa đáp ng được nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Nhiều khu vực mật độ dân số cao nhưng tỷ lệ cây xanh rất thấp (như quận 5), một số khu đô thị mới – ngoại trừ Phú Mỹ Hưng – chỉ trồng cây cảnh trang trí đơn lẻ mà chưa chú ý đến hệ thống cây xanh lâu năm và xây dựng công viên một cách đồng bộ. Bao nhiêu cây cổ thụ trên đường phố đang chết dần vì vỉa hè lát kín không còn chỗ để thấm nước mưa, để rễ cây “thở”, vì không được chăm sóc thường xuyên, vì bị người chặt cành đục thân “giết chết”.
Hiện nay khá phổ biến tình trạng nhiều công viên bị thu hp diện ch vì việc chiếm mặt bằng, sử dụng công viên sai mục đích, sai công năng. Có công viên buộc phải mở đường cắt ngang để đáp ứng nhu cầu giao thông cho khu vực, như công viên Gia Định phải xẻ một con đường giải tỏa kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất. Áp lực giao thông ngày càng tăng làm cho việc xẻ đất công viên làm đường hay chặt cây cổ thụ để làm hạ tầng mới (mở rộng đường, làm ga metro ở đường Lê Lợi, làm cầu ở đường Tôn Đức Thắng) sẽ trở nên “bình thường”. Và con người sẽ thấy bình thường khi xóa bỏ ký ức những hàng cây, bình thường khi sống trong không khí ngày càng nóng bỏng và ô nhiễm… Sự bình thường vô cảm!

Mỗi khi đi dưới hàng cây cao vút trên những con đường Sài Gòn xưa (hẳn là nơi mà Paul Doumer đã từng đi qua?) tôi luôn nghĩ đến lúc nào đó trên mọi con đường thành phố đang ngày càng mở rộng đều có bóng cây: phượng đỏ gọi mùa hè về, hàng me “lá hát như mưa” trong cơn gió, hoa bò cạp vàng rực rỡ cuối mùa nắng gắt, cây dầu cánh hoa xoay xoay, bằng lăng tím đến nao lòng người... Cây trồng trên lề đường phía dưới là thảm cỏ xanh chứ không chỉ là vỉa hè “lát đá hoa cương” phẳng lỳ trơ trụi; và hoa lá trên ban công, và cây dây leo trên những bức tường… Bất cứ nơi nào cũng có màu xanh để mang lại cảm giác thư thái bình yên giữa nhịp sống đô thị ồn ào vội vã.
Thành phố như thế lẽ nào chỉ có trong mơ?

Sài Gòn 16.4.2016


 



TẢN MẠN VỀ TRANH LUẬN


Nguyễn Thị Hậu

Vài năm gần đây nhiều công trình của các học giả nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh… đã được xuất bản trở lại sau thời gian dài không được phổ biến, kể cả trong môi trường học thuật. Những tác phẩm báo chí, khảo cứu văn hóa, tùy bút ghi chép của các nhà văn hóa này đã mang lại cho người đọc nhiều hiểu biết mới về xã hội Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ XX đến 1945, khoảng thời gian mà trước đây chúng ta chỉ thường được biết một phần nhỏ từ dòng văn học “hiện thực phê phán” được “chọn lọc” giảng dạy trong nhà trường (ở miền Bắc).

Xã hội Việt Nam trước 1945 qua những gì được học và đọc qua văn học, hiện ra khung cảnh nông thôn thì nghèo đói bần cùng tăm tối những chị Dậu, anh Pha, lão Hạc, Chí Phèo…; thành thị thì đầy rẫy lưu manh đĩ điếm, thị dân tiểu tư sản những Xuân tóc đỏ, Năm Sài Gòn, cụ Cố Hồng, bà Phán, cô Kếu tân thời…  Đâu đó thấp thoáng bóng dáng thầy giáo nghèo, dân buôn gánh bán bưng, mấy cô tiểu thư lãng mạn, vài thanh niên sống với “lý tưởng” xa vời nào đó. Kiến thức môn lịch sử cho biết thêm về phong trào dân chủ 1936 – 1939 với tên một số tờ báo, vài nhà báo… nhưng cũng chỉ vậy. Hầu như các tác phẩm báo chí hay những cuộc tranh luận mà tác giả không phải là người hoạt động trong phong trào cách mạng… thì  không có trong chương trình giảng dạy. Vì vậy đã có những thế hệ học sinh, sinh viên không hề biết đến những học giả trên, hoặc chỉ biết về họ dưới một cái lý lịch “phản động”.

          Nay qua các tác phẩm của những học giả, những nhà văn hóa nổi tiếng trước 1945 hiện lên hoạt động tinh thần của tầng lớp trí thức và thị dân ở đô thị khá đa dạng. Ở đó, như trường hợp sưu tập tác phẩm của Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm và chỉnh lý, ta thấy rõ một điều, thực sự đó là những tác giả và  tác phẩm chống lại chế độ áp bức con người, đấu tranh cho tự do và nhân quyền.

Khi lý giải vì sao ông Phan Khôi có thể viết những bài báo phản biện, đấu tranh thậm chí chống đối nhà cầm quyết Pháp một cách mạnh mẽ, có thể lên tiếng về những vấn đề xã hội trên nhiều lĩnh vực như thế… nhiều người đã nêu ra những lý do như, mặc dù là thời thuộc Pháp nhưng chính quyền thực dân Pháp vẫn thực hiện tự do báo chí, dân chủ ở mức độ nhất định, do bản lĩnh, sự dũng cảm “dám nói” của Phan Khôi, kiến thức uyên bác và tri thức vững chắc của ông trên nhiều lĩnh vực…

Nhưng đồng thời không thể không nhận thấy không khí tranh luận trao đổi của ông và các bậc thức giả thời đó rất lành mạnh, nội dung có khi rất gay cấn, có thể đối lập, lời lẽ tranh biện rất sắc sảo nhưng giọng điệu ôn tồn, đúng mực, không gay gắt không ám chỉ hay phê phán cá nhân, không xúc phạm đời tư của nhau, không miệt thị kiểu như “ông biết gì về lĩnh vực này mà nói”, không đả kích kiểu “cái ông này chỗ nào cũng xía vô”…  Những vấn đề từ văn hóa đến chính trị, từ kinh tế đến xã hội… các học giả trong vai trò người trí thức đã lên tiếng trước thời cuộc, với trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Qua những cuộc tranh luận hay trao đổi, không chỉ tầng lớp trí thức hiểu nhau hơn, có thể đi đến đồng thuận với nhau, mà quan trọng hơn xã hội được thêm những tri thức từ họ, dân trí được nâng cao cũng từ đó chứ không chỉ từ giáo dục trong trường học. Sự dân chủ được họ “thực hành” với đúng tinh thần dân chủ, đó là đối thoại trong tinh thần tôn trọng con người.

Tự do bày tỏ chính kiến còn là nhân cách người trí thức.  Khi quan điểm, cách nhìn khác nhau thì tôn trọng sự khác biệt, tranh luận vì mục đích tìm chân lý chứ không hơn thua “lấy ngôn đè người”, không bao giờ cố có tiếng nói cuối để làm “người thắng cuộc” trong sự hãnh tiến. Không nấp vào số đông để đàn áp ý kiến thiểu số theo kiểu “ném đá”, cũng không dựa vào địa vị để “độc quyền chân lý”.

Trong cuộc sống cũng như trong học thuật, tranh luận, phản biện, đối thoại là chuyện cần làm và phải được coi là bình thường. Mỗi người có quyền tự do bày tỏ chủ kiến của mình và để người khác tự do “mở miệng”.  Ai cũng vậy, có nói ra mới biết mình đúng sai thế nào. Có một môi trường “văn hoá tranh luận” có sự tôn trọng thì người ta có thể và dám nói. Bằng không, người ta ngại, sợ hoặc không muốn nói! Tệ hơn nữa, hễ “mở miệng” là chỉ xếch mé mỉa mai hay chửi bới nhục mạ lẫn nhau. Cứ thế sẽ không còn sự trao đổi, đối thoại, tranh luận… Khi không ai nói gì thì có vẻ như yên ổn, nhưng là sự yên ổn của mặt ao tù nước đọng.

Và chỉ khi bản thân giữ được một tinh thần tự do, con người mới biết tôn trọng những khác biệt, đối thoại bình tĩnh và khoan hòa, thừa nhận sai lầm của mình với sự cầu tiến. Đồng thời luôn xác định một chỗ đứng độc lập để bày tỏ chú kiến chứ không ẩn mình trong một đám đông khi đối thoại hay tranh luận.

Sài Gòn 12.4.2016




Tháng tư



Tháng tư nóng gắt
Miền Tây khô nứt nẻ mặt người
Đất mặn sông khát
Cây lá vàng phèn
Ruộng nằm trơ phơi mình dưới nắng
Gốc rạ cháy
Mạ gieo rồi cũng cháy
Bước chân người nóng bỏng
Đi đâu?

Tháng Tư chưa mưa
Tháng Tư  có còn mưa nữa?
Nơi thượng nguồn sông mẹ oằn lưng
Vượt qua những con đập chắn
Đưa nước về xuôi
Nuôi  đứa con út đồng bằng
Giàu con út khó cũng là con út
Bao đời nay út nhờ út chịu
Mùa này cạn kiệt
Út trân mình khô hạn cùng mẹ, mẹ ơi!

Vựa lúa hàng trăm năm còn trồng được lúa?
Mùa nước nổi có còn là mùa cá mùa tôm?
Miền Tây nước ngọt sông sâu
Con gái tóc dài da trắng
Đời bình dị cùng câu vọng cổ
Chiếu anh bán rồi em nằm lại với ai

Tháng tư thành phố nắng như nung
Mong một cơn mưa
Nhưng mưa ơi hãy về miền Tây trước nhé
Ruộng lúa sạ chờ mưa
Vườn cây trái chờ mưa
Sông chờ mưa người cũng chờ mưa

Vườn trưa mơ tiếng võng đưa
Gió về…

Sài Gòn 10.4.2016
Hậu khảo cổ


 

KHI NÀO SỰ HOANG PHÍ CHẤM DỨT?!


Vào ngày Quốc Tổ năm nay (10-3 âm lịch), bên cạnh nhiều sản vật từ phương Nam, Công viên Văn hoá Đầm Sen (TP HCM) còn tiến hành làm chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn. Thông tin về chiếc bánh khổng lồ được dư luận đón nhận với nhiều ý kiến trái chiều. Quanh câu chuyện này, PV Báo Đại Đoàn Kết trò chuyện với TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu.
PV: Khi nghe về việc Công viên Văn hoá Đầm Sen tiến hành gói, luộc chiếc bánh trưng 2,5 tấn nhân ngày Quốc Tổ, bà có suy nghĩ gì?
TS Nguyễn Thị Hậu: Cũng như mọi lần biết về những việc tương tự, tôi luôn “ngạc nhiên” và ngán ngẩm tự hỏi: sau bao nhiêu phản ứng của xã hội, vì sao kiểu cách phô trương lãng phí vẫn tiếp diễn? Đến bao giờ thì sự phô phang nấp dưới sự “cung kính” như vậy mới chấm dứt?! Hàng năm Việt Nam vẫn là nước phải ra nước ngoài vay tiền, xin viện trợ các kiểu, trong nước thì nhiều tỉnh còn có những thôn xóm thiếu đói quanh năm thì việc đua nhau làm những việc không giống ai như vậy chẳng khác nào khuyến khích sự giả dối và hoang phí vô độ.
PV. Gần nhất với TP HCM lúc này, trong thời điểm hạn mặn kéo dài, không ít gia đình miền Tây đang khóc vì mất mùa, thiếu ăn… liệu làm chiếc bánh chưng khổng lồ có phải thích hợp?
- Hoàn toàn không thích hợp trong bất cứ lúc nào, nhất là thời gian này khi miền Tây Nam Bộ đang chắt chiu từng giọt nước chén cơm cho người dân đói khát.
Mà TP HCM có xa xôi gì đâu, hàng trăm năm nay Sài Gòn - TP HCM được miền Tây Nam Bộ nuôi dưỡng bằng lúa gạo nông sản, và bằng cả tình nghĩa của những con người. Không ai ngăn cản lòng thành thờ cúng tổ tiên, nhưng khi những người anh em ruột thịt đang hoạn nạn, liệu cúng bái “hoành tráng” như vậy có phù hợp không?! Với 2,5 tấn bánh, có thể thực hiện cách khác để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên là hãy yêu thương đồng bào cùng cội nguồn một cách thiết thực hơn.
PV. Tuy nhiên làm chiếc bánh 2,5 tấn này không phải để ghi kỷ lục, mà là hướng về nguồn cội và sẽ phục vụ 1.000 người ăn?
- Dù không để ghi kỷ lục (những kỷ lục phù phiếm) thì cũng không nên thực hiện việc này. Lễ hội tất nhiên phải là ngày vui, nhưng cứ khuyến khích và dung dưỡng những việc làm phô trương thế này, có khác nào khuyến khích và dung dưỡng sự vô cảm, sự tranh giành, thậm chí cướp giật miếng ăn như đã xảy ra trong vài lễ hội.
Tôi nghĩ, nếu thực sự muốn phục vụ 1.000 người ăn, và có thể nhiều hơn, vì sao không làm hơn 1.000 chiếc bánh chưng để người đến cúng bái được chia phần “thụ lộc” như phong tục xưa? Chắc chắn 1.000 chiếc bánh ấy sẽ được người nhận nâng niu và “ăn được”, vì đã có những chiếc bánh, nồi hủ tíu khổng lồ phải vứt bỏ không thể ăn được sau khi trưng bày!
PV. Để làm một cái bánh 2,5 tấn này, công sức bỏ ra không nhỏ, còn có cả 50 nghệ nhân sẽ cùng thực hiện gói bánh và bánh được luộc trong 70 giờ… Theo bà vì điều gì, để làm gì?
- Vừa qua Lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương, người dân đã tự động phục vụ hàng chục ngàn chai nước, ổ bánh mì, gói xôi cho những người đến thăm viếng. Đấy là cách chia sẻ đầy tình nghĩa, mang tính xã hội sâu sắc đồng thời cũng là cách bày tỏ lòng thành của người dân Bình Dương trong tín ngưỡng này. Đấy chính là lễ hội của cộng đồng.
Vì sao không làm như vậy? Tất nhiên, người ta đã dựa vào nhiều ý nghĩa mục đích cao cả để biện minh cho những việc làm tiêu tốn tiền bạc, nhưng tất cả điều đó không thể che dấu được sự lãng phí và phô trương, hãnh tiến. Nếu nói rằng “tôi có tiền, tôi muốn cúng kiểu gì là việc của tôi” thì không cần bàn đến nữa. Một doanh nghiệp không chỉ cần kinh doanh có hiệu quả mà còn cần ứng xử có văn hóa với cộng đồng.
PV. Thể hiện lòng thành tâm với tổ tiên có nhiều phương cách, theo bà hữu dụng nhất là gì?
- Từ thời xa xưa qua truyền thuyết bánh chưng bánh dày ông bà mình đã cảnh báo “bệnh” phô trương giàu sang lãng phí, đề cao sự thiết thực và quý trọng những thứ bình thường nhất như hạt lúa hạt đậu: Vua Hùng đã cho bánh chưng bánh dày giải nhất chứ không phải là nem công chả phượng hay những sơn hào hải vị. Lang Liêu chất phác nhưng hiểu và thể hiện giá trị của lúa gạo bằng sản phẩm giản dị tinh túy được vua cha truyền ngôi chứ không phải những công tử khoe khoang của ngon vật lạ.
Trong một xã hội nông nghiệp như thời Hùng Vương, lúa gạo do chính con người làm ra là thành quả đáng tự hào nhất để tôn vinh và “sánh vai” cùng những bộ lạc gần xa chứ không phải những thứ đi vay mượn của người khác hay chiếm đoạt của tự nhiên. Bài học lịch sử về lao động trung thực và tình cảm chân thành vẫn là một giá trị cần phải được nhắc nhở, nhất là trong dịp lễ hội thờ cúng tổ tiên.
Trân trọng cảm ơn TS!
Việt Quỳnh (thực hiện)

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (109)

@ Dự là sang năm sẽ bùng nổ tên cơ quan đơn vị là Hùng Vương với Âu Cơ, Lạc với Hồng... toàn thành phố được nghỉ ăn đám giỗ liên miên!
Nếu sáng kiến này áp dụng cho trẻ mới sinh... Ko biết chuyện gì sẽ xảy ra Biểu tượng cảm xúc grin
Trời nóng quá, coi chừng bịnh nặng!


TP.HCM yêu cầu các đơn vị mang tên Hùng Vương, Âu Cơ... phải tổ chức giỗ Tổ


http://vnhomnay.com/xa-hoi/tin-tuc/tphcm-yeu-cau-cac-don-vi-mang-ten-hung-vuong-au-co-phai-to-chuc-gio-to

@ Nguyên thủ tướng cao hơn Tân thủ tướng (gần) một cái đầu – đấy là nhận xét bất chợt của mình khi nhìn thấy trên TV ông F. tặng hoa cho ông D. 
Khi có tình trạng thay ngôi đổi chủ, ở bất cứ cơ quan nhỏ nhà nước lớn nào, thì đó là thời điểm các loại cơ hội trồi lên náo loạn. Giữ được sự điềm tĩnh cho đến ngày cuối cùng trước những lật lọng và chửi bới từ người thân cận đến người căm ghét, âu cũng là sự “thanh thản” của một người đàn ông từng có quyền lực to lớn nhưng chưa hẳn từ nay đã mất uy lực.

@ Việc làm ấn tượng nhất của quốc hội khóa 13 là đã bầu chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng và chính phủ ... cho quốc hội khóa 14 bầu lại.

@ CHUYỆN TÀO LAO, Tuổi trẻ cười 1/4/2016

THIẾT CHẾ VĂN HÓA Ở ĐÔ THỊ

Nguyễn Thị Hậu
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa”. Theo đó có thể kể đến một số thiết chế văn hóa phổ biến ở đô thị nước ta như bảo tàng, thư viện, sân vận động, rạp hát rạp phim, lễ hội truyền thồng và hiện đại, và nhà văn hóa  - một thiết chế có từ thời Liên xô cũ, được duy trì phát triển mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh từ sau 1975.
Khái niệm trên không cho biết chức năng của thiết chế văn hóa là nhằm để làm gì. “Thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân” là quan niệm khá phổ biến trong các nhà quản lý, thể hiện trên văn bản chính sách và truyền thông. Tuy nhiên thực chất sự ra đời và tồn tại của thiết chế văn hóa là nhằm đáp ứng cho người dân nói chung và cư dân ở các đô thị nói riêng những nhu cầu về tinh thần cơ bản bên cạnh nhu cầu vật chất như ăn, mặc, ở, đi lại… Vì tách rời nhu cầu tinh thần khỏi đời sống hàng ngày và coi đó là nhu cầu xa xỉ để “hưởng thụ” nên hiện nay ở các đô thị lớn, như thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, hiện tượng có những “thiết chế văn hóa” ít người biết đến hoặc không biết nó tồn tại để làm gì…khá phổ biến.
Ra đời cùng với đô thị, những bảo tàng, thư viện, nhà hát rạp phim, sân vận động, công viên… cũng như chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ, là để phục vụ sinh hoạt hàng ngày của cư dân: giải trí, tìm hiểu kiến thức, nâng cao dân trí… Càng ngày nhu cầu sử dụng thời gian nhàn rỗi một cách có ích của cư dân ngày càng phong phú, có tác động làm thay đổi hoạt động của các thiết chế văn hóa ngày càng đa dạng và hiện đại hơn. Ngày nay, thư viện hay bảo tàng chẳng hạn, khó có thể tồn tại (với nghĩa được dân cư sử dụng thường xuyên) nếu chỉ có hình thức và nội dung hoạt động như cách đây hàng chục năm. Hay Nhà văn hóa hoạt động như thế nào đối với khu vực nào, cho nhóm cư dân nào ở đô thị, nếu không xác định được sẽ chỉ có xác mà vô hồn.
Mỗi đô thị có quá trình hình thành và phát triển theo quy luật chung nhưng cũng có những đặc thù riêng, về cộng đồng dân cư, về tích tụ văn hóa, về truyền thống lịch sử… tạo thành vị thế riêng của nó trong hệ thống đô thị một vùng miền hay của quốc gia. Do đó các đô thị có nhu cầu khác nhau và thiết chế văn hóa là nhằm, và phải thể hiện nhu cầu đó.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, một số thiết chế văn hóa đã trở thành “ký ức đô thị” của nhiều thế hệ cư dân như bảo tàng, thư viện, rạp hát rạp phim là tiêu biểu. Ra đời từ thời Pháp thuộc và trải qua hơn một trăm năm tồn tại, những thiết chế này đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp thị dân, trong đó rạp hát gắn liền với sự phát triển của một loại hình nghệ thuật đặc thù là cải lương. Thế nhưng từ thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay đã bị cư dân đô thị “quên lãng” mặc dù bảo tàng, thư viện đã có sự thay đổi nhất định nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển các loại hình giải trí, truyền thông cũng như tri thức khoa học kỹ thuật. Còn mấy chục rạp hát và rạp phim thì lần lượt biến mất, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, nhà hàng và tổ chức tiệc cưới… Thành phố Hồ Chí Minh không còn rạp cải lương sáng đèn hàng đêm, đó là sự mất mát quá lớn một di sản văn hóa tiểu biểu của Sài Gòn, của Nam bộ.
Một thiết chế mới xây dựng từ sau 1975 là Nhà văn hóa thì có sự phát triển đáng kể về số lượng, tuy nhiên trong nội thành chỉ vài nơi hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó ở ngoại thành và nhiều quận khác thì Nhà văn hóa vừa thiếu vừa yếu. Ở đô thị mỗi “tiểu vùng” (trung tâm- đô thị cũ, vùng ven, ngoại thành, khu đô thị mới) là những cộng đồng dân cư có nhu cầu khác nhau về sinh hoạt văn hóa nên không thể “cào bằng”, “đầu tư dàn trải”. Nếu khu vực trung tâm tư nhân sẵn sàng đầu tư những rạp chiếu phim, rạp hát, trung tâm thương mại sang trọng… vì có khả năng thu hồi vốn nhanh, thì ở khu vực khác cần nhà nước đầu tư loại hình nhà văn hóa đa năng để nâng cao năng lực hoạt động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn và nhân lực.
Mặt khác phương thức “xã hội hóa” các thiết chế văn hóa không thể chỉ là tư nhân đầu tư tiền bạc mà còn cần được tham gia vào điều hành, thực hiện các hoạt động trong sự quản lý của cơ quan chức năng, nhằm hài hòa mục đích phục vụ cộng đồng và lợi nhuận. Ý thức trách nhiệm của nhà đầu tư thể hiện qua sự tham gia vào quản lý, điều hành, đồng thời thiết chế văn hóa phát triển phù hợp nhu cầu xã hội hơn, khắc phục sự tồn tại kiểu phong trào “đầu voi đuôi chuột”
Nói một cách khác, thiết chế văn hóa cũng là “của dân, do dân, vì dân” chứ không phải là sản phẩm mà chính quyền, nhà quản lý mang lại để cho dân “hưởng thụ”. Do đó, thống kê hàng năm về mức sống hay chất lượng sống ở đô thị và các vùng khác, ngoài những số liệu về nhà ở, giáo dục, y tế hay mức thu nhập, chi tiêu và tài sản vật chất… cần có cả tiêu chí về mức độ tham gia sinh hoạt các thiết chế văn hóa cũng như những nhu cầu tinh thần khác của người dân.
Các mô hình mà đô thị nước ta đang hướng đến, như “thành phố đáng sống” hay “thành phố sống tốt” đều mang nội hàm đánh giá về “chất lượng sống” trong đó có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, đa dạng của dân cư và sự đáp ứng của chính quyền với nhu cầu đó qua các thiết chế văn hóa.


Mãi tuổi 18 :)






Chú Phan Vu luôn chỉ thấy mình là cô bé 6 tuổi mắt to ngơ ngác, nhưng nhớ và vẽ lại thì Hậu khảo cổ mãi tuổi 18 của bốn mươi năm trước. Thật tuyệt vời :) Biểu tượng cảm xúc smile








"KHÓC MỘT DÒNG SÔNG…”


http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/10167/-khoc-mot-dong-song-.ndt
Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Đã một vài lần tôi đi xuôi ngược dọc theo vài đoạn Mekong ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, con sông Mẹ của Đông Nam Á lục địa, nguồn mạch sinh sôi của đất, của người, của văn hóa những nơi mà nó chảy qua.

Trên bất cứ đoạn nào Mekong cũng mang dáng vẻ hiền hòa, ngay cả vào mùa nước lũ. Từ thượng nguồn Tây Tạng càng đổ về phía biển con sông càng chững chạc hơn. Nếu những ngọn thác hùng vĩ trên mấy chục bậc thềm thượng nguồn mạnh mẽ như những chàng trai trẻ thì về miền đồng bằng hạ lưu, dòng Mekong chở nặng phù sa tựa như thiếu phụ đang hoài thai chờ ngày hạ sinh những mùa vàng nặng trĩu. Trên sông xuôi ngược những chuyến tàu lớn chở người, hàng hóa, ghe xuồng nhỏ buôn bán ven sông, ghe đánh cá dỡ chài những đoạn nước xiết, những cù lao hình thành ngày mỗi dài rộng qua hàng ngàn mùa nước nổi… Vùng gần biển ngày hai lần Mekong đổi dòng nước lớn nước ròng đều đặn bình thản như nhịp sống ở đây. Nhiều chiếc cầu đã nối liền đôi bờ cũng là nối liền hai đất nước khi Mekong là biên giới tự nhiên. Mà ngàn đời nay với cư dân sống dọc theo con sông, Mekong luôn là sự nối liền chứ có bao giờ là ngăn cách?

Mùa khô năm nay đồng bằng sông Cửu Long chịu đợt hạn hán chưa từng thấy, trước đó mùa nước nổi chậm chạp đổ về, mực nước so với mọi năm thấp hơn nhiều, không còn là mùa cá linh, không còn là “mùa lũ” như báo chí nhiều năm nay gọi thế. Đất nhiễm mặn nặng nề hơn vì không có nước ngọt xả phèn. Vì biến đổi khí hậu, vì mười mấy con đập thủy điện ở thượng và trung lưu, nhưng công bằng mà nói còn vì trăm năm nay đồng bằng sông Cửu Long chỉ được khai thác và khai thác với cường độ ngày càng tăng… Đất ngày càng chật người ngày càng đông, lòng tham của con người với tự nhiên ngày càng không giới hạn, cũng như con người đang phá rừng vét biển.

Đất không một ngày nghỉ ngơi, vắt kiệt sức cho những đồng lúa tăng vụ, sông không một khúc bình yên vì bị chặn đập nắn dòng, sụp lở vì nạo vét cát như những vết thương ăn sâu vào đôi bờ, chưa kể sự ô nhiễm đổ ra con sông từ nhiều nguồn. Biến đổi khí hậu được cảnh báo hàng chục năm trước và nay đã hiện diện rõ ràng, những con đập trên thượng nguồn đã xây dựng và có kế hoạch xây dựng tiếp cũng từ hàng chục năm nay, mùa nước nổi trở nên thất thường về thời gian, về cường độ trong vài năm gần đây... Tất cả là dấu hiệu rõ ràng bệnh tình của sông Mẹ.

Dòng sông Mẹ bao dung rất mực đã trân mình nuôi hàng trăm triệu đứa con nhưng tất thảy đều vô ơn không một lần quan tâm đến sức khỏe của Mẹ. Chỉ đến khi mỗi bữa ăn thiếu đi con cá, hụt một chén cơm, một ngày nhận ra cơn khát nước ngọt đang gần lắm… mới hiểu rằng Mẹ Mekong đã kiệt sức lắm rồi! Những đoạn Mekong tôi từng qua khi quay trở lại bao giờ cũng thấy cạn hẹp khá nhiều, không phải vì mình già đi nên nhìn cái gì cũng trở nên bé nhỏ, không phải vì đi nơi này nơi khác mà nhìn sông quê thành ra nhỏ bé quê mùa. Chỉ thấy thương quá sự tiều tụy của dòng sông do con người gây ra. Nhưng những người anh em - các quốc gia chung một mẹ Mekong ở vùng hạ lưu – vẫn chưa tìm được tiếng nói chung hành xử chung để ngăn chặn bệnh tình mà ngược lại ai nấy vẫn tiếp tục tìm kiếm khai thác chút tài sản còn lại của Mẹ, mặc cho hàng xóm láng giềng ra sức khoét sâu hơn những vết thương trên thượng nguồn sông Mẹ!

Hàng trăm triệu năm trước ở vùng hạ lưu, dòng Mekong cổ đã đổi dòng “trượt dần” từ Đông sang Tây do sự sụt lún của địa chất, quá trình này là một sự “lột xác” sống lại trong một diện mạo mới khỏe mạnh trẻ trung. Những đồng bằng hình thành từ đây, chưa hoàn chỉnh và hàng năm vẫn tiếp tục được bồi đắp. Nhưng quá trình “mặn hóa” cạn kiệt ngày nay là sự lão hóa cực kỳ nguy hiểm không có loại thuốc nào ngăn chặn, vì quy luật tự nhiên chỉ là phần nhỏ còn lại phần lớn vì sự kém cỏi và tham lam của con người.

Thờ ơ với cái chết của Mekong là tội ác với tự nhiên và với chính con người, bởi vì chúng ta đang hất đổ chén cơm ly nước mỗi ngày và để lại cho con cháu một mảnh đất không còn sự sống của một dòng sông. Có lẽ nào chúng ta bằng lòng với một phần bản đồ Việt Nam mà trên đó màu xanh biến mất?!

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...