NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ


Ngày đầu tiên đi học tôi được ba tặng một món quà, đó là tấm bản đồ Việt Nam.

Hồi ấy đang chiến tranh nên không có nhiều ấn phẩm văn hóa nhưng bản đồ thường được bày bán trong các hiệu sách, tuy chỉ nhỏ như giấy A 3 bây giờ. Ba dẫn tôi đi tìm mấy nơi mới mua được tấm bản đồ lớn hơn cả người tôi (khổ giấy A 0). Ba tôi còn mua thêm một tờ bìa cũng lớn như thế, về nhà hai cha con hì hục khuấy hồ dán cả tấm bản đồ lên tờ bìa cho cứng cáp, rồi tìm hai thanh tre nẹp hai đầu, cột sợi dây và treo lên bức tường hẹp đầu giường ngủ. Dải đất chữ S màu vàng nâu nổi bật trên nền biển xanh thẳm làm sáng bừng cả căn phòng nhỏ.

Mỗi trưa mỗi chiều tôi đứng trên giường kiễng chân đánh vần từng chữ. V-I-Ệ-T N-A-M, B-I-Ể-N Đ-Ô-N-G, rồi những địa danh khác từ phía Bắc vào đến miền Trung, miền Nam, từ miền núi ra đến miền biển, từ đồng bằng đến các đảo xa… dần dần in sâu vào trí nhớ của tôi. Có lần đứng đọc lẩm nhẩm trên bản đồ, tôi chợt hỏi: Má ơi, quê mình ở đâu? Má chỉ tay vào một vùng rộng lớn xanh mát màu lá mạ, hai dòng xanh chảy vắt ngang có tên Tiền Giang, Hậu Giang và dạy tôi đánh vần C-A-O L-Ã-N-H, L-O-N-G X-U-Y-Ê-N: quê mình đấy con ạ. Sao quê mình xa thế, má? Má nhìn đăm đăm một vạch đỏ cắt đôi chữ S: vĩ tuyến 17.

Mỗi sáng khi mở mắt là nhìn thấy hình dáng chữ S vươn lên kiêu hãnh, mỗi tối màu xanh êm dịu của vùng biển mênh mông, của miền đồng bằng rộng lớn lại dỗ tôi chìm vào giấc ngủ ngon… Sau này học địa lý, học lịch sử nói đến địa danh nào tôi hình dung được ngay vị trí nơi ấy trên bản đồ, thậm chí còn vẽ phác được “bản đồ Việt Nam” chỉ bằng vài nét: phía trên là hai nét thẳng nối nhau như mái nhà, một nét cong hình chữ S, một nét chéo từ đuôi chữ S, và mấy khoanh tròn cho các đảo và quần đảo ngoài Biển Đông.

Như một sự “tiền định”, lớn lên làm nghề khảo cổ, bao giờ trong ba lô của tôi cũng có những tấm bản đồ, bản đồ địa lý tự nhiên, bản đồ hành chính, bản đồ của một tỉnh, một vùng, thậm chí có cả bản đồ quân sự thể hiện rõ ràng chính xác từng ly. Đi lại nhiều mới hiểu thế nào là “sai một ly đi một dặm” nếu như không quen xem bản đồ. Những tấm bản đồ dẫn đường chỉ lối, những tấm bản đồ cho tôi biết về những vùng đất vùng biền của đất nước mình, luôn nhắc nhở tôi sự toàn vẹn của Tổ quốc mình.

… Giá mà bây giờ trong mỗi lớp học có được một tấm bản đồ Việt Nam, để hàng ngày con em chúng ta luôn nhìn thấy và nhớ rằng “Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương” (*)

(*) Câu thơ sưu tầm trên mạng.

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/449001/Nhu%CC%83ng-tam-ba%CC%89n-do%CC%80.html

LINH TINH LANG TANG (6)

Một con thỏ chạy khắp khu rừng, gặp con thú nào nó cũng khuyên nhủ: đừng hút chích ma túy rất nguy hiểm, đừng quan hệ linh tinh bị HIV chết sớm, đừng ăn uống dơ bẩn mà bệnh tật… Bọn thú rất cảm kích. Thỏ đến trước mặt Sư tử chưa kịp nói gì đã bị sư tử tát cho một cái, ngất xỉu. Thấy bọn thú ngạc nhiên sử tử bảo: con điên này ngày nào cũng phê thuốc chạy lung tung nói lảm nhảm, bực mình quá :D
[sưu tầm]
Kết luận của truyện này: 1. Hãy coi chừng mấy người hay đi rao giảng về đạo đức :))
2. Thời nay thỏ hơi bị nhiều.
Và 3. Có ai tìm thấy sư tử ở đâu không???

SỰ DỬNG DƯNG ĐẦY NGUY CƠ

Xin bắt đầu từ chuyện về những “hiệp sĩ bắt cướp” ở TP.HCM, ở Bình Dương... mà gần đây việc anh Nguyễn Tăng Tiên bị xã hội đen trả thù đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Sau những thành tích bắt trộm cướp được báo chí đưa tin, được tặng các loại bằng khen giấy khen… thì đã có người hy sinh, người bị bọn tội phạm trả thù dã man, người thì bị thương tật không đủ sức lao động… Nhìn chung gia cảnh của những “hiệp sĩ” rất khó khăn vì họ là lao động chính trong gia đình. Tương tự “hiệp sĩ bắt cướp”, những người dám nói lên sự thật, đấu tranh chống tiêu cực như kỹ sư Lê Văn Tạch đã phải chịu nhiều hệ lụy từ việc làm ngay thẳng của mình.

Không thể không tự hỏi, vì sao được nhiều người cảm phục và tôn vinh nhưng những con người đã hành động “mình vì mọi người” lại thường đơn độc trong việc làm dũng cảm của họ? Ai sẽ bảo vệ khi họ bị trả thù? Vì sao họ không có cuộc sống ổn định như họ xứng đáng được có vì những điều thiện họ đã làm cho xã hội?

Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm phải trả lời!

***

Trên các phương tiện truyền thông thường xuyên có tin “tức” về những hành vi xấu, thậm chí là độc ác của những người – bình – thường, những người mà ta không nghĩ rằng họ có thể tranh cướp mấy trái dưa hấu, vài thùng bia khi xe vận tải gặp tai nạn, có thể thản nhiên lấy tiền của người vừa bị bọn cướp “chuyên nghiệp” cướp hụt. Những người mà thấy người khác bị tai nạn chỉ hiếu kỳ đứng xem không hề cứu giúp, hàng ngày họ chứng kiến cảnh bạo hành gia đình, hành hạ trẻ em... nhưng rồi lại tặc lưỡi bỏ qua… Cũng vậy, hàng ngày ta cũng có thể bắt gặp những con người – trông – bình – thường nhưng sẵn sàng thực hiện hành vi lừa đảo như giả bệnh tật, giả tai nạn, giả người tu hành… lợi dụng lòng từ thiện, lợi dụng lòng tin của người khác để kiếm lợi (và món lợi kiếm được không hề nhỏ). Tham lam từ trái dưa thùng bia, lừa bịp để lấy vài ngàn đồng đến lừa đảo tham nhũng tiền triệu tiền tỷ cũng chỉ một bước chân, có “cơ hội” là điều đó xảy ra, và xã hội mặc nhận như một điều bình thường!

Không thể không tự hỏi, vì sao những con người – bình – thường lại có những suy nghĩ và hành động mà theo chuẩn mực đạo đức thông thường là không thể chấp nhận được?

Câu trả lời vẫn bị bỏ ngỏ, đối với mỗi người, và với mọi người.

***

Những câu hỏi chúng ta luôn đặt ra mỗi ngày rồi cũng luôn bỏ qua. Vì ai cũng cho rằng đó không phải chuyện của bản thân mình, chưa phải là chuyện của người thân, vì đó là chuyện của thiên hạ. Chúng ta ngại không muốn can thiệp vào những việc trái tai gai mắt, ngại phải “dây” vào kẻ xấu vì sẽ gặp phiền phức, khi đó cũng không ai bênh vực mình… Cứ thế, “chủ nghĩa MAKENO” làm cho mọi giá trị đảo lộn, tốt xấu không còn phân biệt, rồi con người trở nên dửng dưng với cái xấu, dửng dưng với lẽ phải, với sự thật! Thật đáng sợ vì sự dửng dưng làm cùn mòn những tình cảm tốt đẹp, làm chai lỳ cảm xúc, làm tầm thường tất cả những gì đẹp đẽ và cao quý. Sự dửng dưng làm cho tâm hồn con người trống rỗng, tình yêu thương và những điều lương thiện không có nơi bén rễ nảy mầm. Trái lại, khỏang không đen tối ấy là nơi che dấu sự độc ác và bất lương. Một gia đình, một xã hội mà mọi người dửng dưng với nhau chính là môi trường chứa đầy nguy cơ cho cái ác lộng hành.

Ý thức cộng đồng đang băng hoại từ sự dửng dưng như thế!

CỔNG CHÀO THÀNH PHỐ?

( Chỉ là chuyện với bạn trong quán cà phê)

Những ấn tượng sâu sắc nào của chị về các cổng chào ở nước ngoài

Cổng chào ở Paris (Pháp) hay Berlin (Đức) được xây dựng ở trung tâm thành phố từ hàng trăm năm rồi, hiện nay đã trở thành những di tích lịch sử. Kiến trúc đẹp, hòanh tráng, quy họach cảnh quan xung quanh được bảo tồn phù hợp với di tích. Quan trọng là nó được xây dựng gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng. Vì vậy nó tạo được ấn tượng và những cảm xúc mạnh cho những người đến tham quan.

Việc xây dựng cổng chào, theo chị là dựa trên những nguyên tắc, giá trị nào?

Ở nông thôn miền Bắc VN mỗi làng thường có cổng làng, đánh dấu “ranh giới’ của làng. Cổng làng kiến trúc giản dị, liền với lũy tre làng là cổng (có cánh cửa) để bảo vệ làng khi có giặc giã trộm cướp, nhưng vừa có ý nghĩa là biểu tượng. Chính ý nghĩa biểu tượng này cổng làng tồn tại lâu dài hơn: đi xa nhớ quê đầu tiên là nhớ cái cổng làng, về quê mới nhìn thấy cổng làng là như về đến nhà.

Còn “cổng chào” – theo như tôi biết, chỉ xuất hiện vài chục năm gần đây trong các dịp lễ hội của một địa phương, thậm chí của một cơ quan, gia đình. Nó chỉ mang tính chất trang trọng để chào đón khách khứa, tuy đẹp nhưng là cái đẹp có tính chất tạm bợ.

Một thành phố có nhất thiết có cổng chào không, thưachị

Theo tôi là không nhất thiết phải xây cái “cổng ”. Các ngả đường vào thành phố, nếu được, nên có các công trình biểu tượng văn hóa của thành phố. Để khi nhìn thấy công trình này người ta biết ngay là đã đến thành phố nào, đặc trưng văn hóa thành phố này là gì. Công trình phải đẹp, độc đáo để người ta có ấn tượng và sẽ nhớ lâu. Biểu tượng của một thành phố phải mang tính chất “vĩnh cửu”, bởi nó như một câu chuyện của truyền thống văn hóa, tránh xây những tượng đài biểu tượng chỉ có tính thời sự, khó có thể tồn tại lâu dài bởi gía trị tinh thần không cao.

TP.HCM hiện nay đang không thiếu những "cổng chào", đó là các trạm thu phí xuất hiện thường trực (và sẽ còn khá lâu) ở các cửa ngõ thành phố. Theo chị, có thể coi đây là một dạng cổng chào "không đụng hàng" ở nước ta hay không?

Nhiều thành phố khác trong nước và ở khu vực ĐNA cũng có tình trạng này. Tôi nghĩ không ai coi đây là “cổng chào”, đơn giản chỉ là một bộ phận của hạ tầng giao thông mà thôi. Tuy nhiên, nếu các trạm thu phí này quá dày đặc, sát với khu vực nội thành, lại không đẹp về kiến trúc… sẽ gây cảm giác thành phố bị “bao vây” bởi trạm thu phí. Ngòai ra nó cũng gây cảm giác thành phố chật chội, không thóang, một thành phố không thân thiện khi bước chân ra/ vào thành phố là phải… mất tiền

Nếu được đề nghị hiến kế để xây dựng cổng chào cho TP.HCM, chị có đề nghị gì với các ngành hữu quan?

Tại sao lại phải xây cổng chào? Thành phố chứ có phải cái làng nhỏ ngày xưa đâu, và lại là một thành phố phương Nam với tính chất cởi mở phóng khóang, tại sao cần phải giới hạn lại? Vì vậy tôi sẽ không có ý kiến

VIẾT CHO NGÀY SINH CỦA CON GÁI

Mẹ sinh con sau một cơn đau kéo dài đến 2 ngày. Lúc mới lọt lòng con là một cô bé tròn trịa có cặp mắt rất to và đôi môi đỏ như son. Cô bác sĩ vừa đỡ con ra đời đã nói “con bé xinh quá, hiếm có đứa trẻ nào mới sinh mà nết nào ra nét ấy như thế”. Nằm trên bàn sanh mẹ như quên hết nỗi đau đớn vừa trải qua, tràn ngập cảm giác dịu dàng của lần đầu làm mẹ khi mẹ nhìn thấy con.

Thấm thoắt con đi nhà trẻ, rồi mẫu giáo. Con vào lóp 1 tung tăng váy xanh áo trắng… lên cấp 3 với tà áo dài tinh khôi. Con vô đại học, rồi đi làm… Chưa bao giờ con làm mẹ phải buồn lòng vì bất cứ chuyện gì. Con gần 3 tuổi thì mẹ sinh em gái. Sàn sàn tuổi nhau nhưng con luôn là Chị Hai dịu dàng, nhường nhịn em, chăm sóc em chu đáo. Nghề của mẹ hay phải đi công tác, con đã sớm biết phụ mẹ nấu cơm đi chợ. Món nào mẹ cũng chỉ hướng dẫn 1,2 lần là con biết làm. Bây giờ có những món con nấu còn ngon hơn cả mẹ nữa. Cuối tuần là những ngày con trổ tài nấu nướng còn mẹ thì khoe… trên blog.

Vẫn biết sẽ có ngày “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”, mẹ vừa mong nó đến để được yên tâm vì thấy con trưởng thành, vì đã có người đi cùng con với tất cả tình yêu trên con đường dài phía trước … lại cũng mong nó đừng vội đến, bởi vì nếu nhà mình mà vắng con thì sẽ buồn lắm… Nhưng dù con ở đâu làm gì thì mẹ vẫn tin rằng mẹ con mình sẽ mãi là những người bạn có thể chia sẻ với nhau tất cả như nhiều năm qua…

Cuộc sống không phải lúc nào cũng là những điều tốt đẹp, cuộc đời sẽ mang lại cho con cả niềm vui và cả những nỗi buồn. Nhưng đừng để hận thù, ghen ghét, đố kỵ có chỗ trong trái tim. Hãy luôn giữ được tình yêu thương và sự quan tâm đến người thân, với mọi người, và hãy luôn mỉm cười, con nhé. Mong sao cuộc sống của con sẽ luôn được bình yên, Niềm vui và Hạnh phúc sẽ luôn ở bên con.

Điều may mắn nhất của mẹ là đã có con và em, và thành công nhất của mẹ là hai cô con gái ngoan hiền. Và cũng như tất cả những người mẹ khác, với sự thiên lệch thường tình, bao giờ con gái của mẹ cũng là cô gái xinh đẹp nhất!

Chúc mừng sinh nhật con gái yêu của mẹ.!

PARIS, MÙA THU TÍM… (note cũ)

Paris có gì lạ không em?...*

Lần đầu tiên tôi đến Paris nhân chuyến công tác tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet.

Mặc dù nghề nghiệp của tôi luôn phải “xê dịch” khá nhiều nhưng tôi vẫn không sao quen được với không khí ngột ngạt “toàn mùi máy lạnh” trên máy bay, ngay cả trên xe hơi hay xe lửa cũng vậy. Vậy nên sau chuyến bay dài đến 12 giờ trên chiếc Boing của Vietnam Airline, khi bước xuống sân bay C. De Gauld tôi cứ lơ mơ như người “không trọng lượng” vì suốt chuyến bay tôi chẳng ăn uống được chút gì … Đang lo lắng không biết làm sao tìm được lối ra trong “mê hồn trận” ỡ cái sân bay khổng lồ này thì may quá, anh bạn đồng nghiệp làm việc ở bảo tàng Guimet đã đón tôi ngay khi tôi ra khỏi máy bay và đưa tôi ra ngoài bằng cửa an ninh, không phải qua khu vực làm thủ tục. Lý do: vì tôi đi “áp tải” những cổ vật đưa sang Pháp trưng bày nên cần phải nhanh chóng đến khu vực hàng hóa để nhận những kiện hàng đặc biệt này.

Thủ tục nhận lô hàng quan trọng như vậy không ngờ rất đơn giản và nhanh chóng, nhanh chóng và đơn giản hơn khi chúng tôi làm thủ tục gửi hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất (có lẽ vì đây là nhận chứ không phải xuất cổ vật chăng?). Cùng với anh bạn đồng nghiệp người Pháp và một số công nhân của một hãng chuyên đóng gói và vận chuyển hàng hóa, chỉ trong khoảng 30 phút chúng tôi đã hoàn tất mọi giấy tờ, đưa 30 thùng hàng rất nặng lên 4 chiếc xe tải “chuyên dụng” rồi về thẳng Paris. Ngồi ở cabin tôi cứ ngủ gà ngủ gật vì mệt quá… cũng may đường khá dài nên khi về đến bảo tàng Guimet tôi đã đủ tỉnh táo để có thể bắt tay ngay vào công việc.

Sau mấy ngày làm việc tại bảo tàng Guimet, các bạn đồng nghiệp có nhã ý dành thời gian ngắn ngủi còn lại của chuyến đi để tôi tự mình khám phá Paris – một Paris tôi từng biết qua những cuốn tiểu thuyết của các văn hào Pháp mà tôi đã say mê đọc từ khi còn thơ ấu…

Paris hiện ra không khác lắm so với trí tưởng tượng của tôi.

Đó là buổi sớm mai trên những con đường vắng lặng rợp bóng cây xanh, khách bộ hành thong thả trên vỉa hè rộng rãi, vẳng đâu đó tiếng động từ các cửa hiệu bánh mì, cửa hàng thực phẩm nhỏ đang mở cửa đón người khách đầu tiên…Những tiệm cà phê bày bàn ghế ra một phần vỉa hè, và dưới mái hiên bằng vải người Paris lại bắt đầu một ngày mới của mình bên ly cà phê bốc khói và những trang báo mở rộng… Ngay phía trên những cửa hàng và tiệm cà phê vẫn là những ô cửa sổ vuông vắn của toà nhà được xây dựng từ thế kỷ XIX, hầu như không có sự thay đổi về cấu trúc và trang trí nhưng vẫn thể hiện rõ sự chăm chút và lưu tâm gìn giữ. Vợ chồng anh bạn trẻ đồng nghiệp của tôi sống trong một toà nhà như vậy. Qua một khung cửa sắt hẹp, theo các bậc cầu thang gỗ cũ mòn nhưng sạch sẽ, tôi leo lên căn hộ của họ ở tận lầu 5. Căn hộ có 3 phòng không rộng lắm nhưng nội thất rất tiện nghi và hiện đại. Anh bảo, không gian trong nhà là của mình, có thể trang thiết bị lại cho phù hợp nhu cầu và sở thích nhưng không được thay đổi sửa chữa cấu trúc như cơi nới, phá vách ngăn… vì sẽ làm giảm tuổi thọ của cả toà nhà. Cũng có thể nhận thấy, tuy đã “có tuổi” trên dưới trăm năm nhưng những tòa nhà như vậy ở Paris chất lượng còn khá tốt. Nếu có hư hỏng thì sẽ được cơ quan quản lý cho sửa chữa ngay. Từ ban công có mấy chậu hoa và mặt ngoài nhìn xuống phố thì thuộc về không gian chung – không gian của thành phố nên không được phép tùy tiện thay đổi để bảo tồn vẻ đẹp và sự thống nhất trong kiến trúc của những khu phố cổ. Tuy ở khu vực trung tâm gần nhiều công sở nhưng tiền thuê nhà ở những khu nhà như vậy khá đắt, vì thế người ta vẫn thuê nhà ở nơi khác, âu cũng là một cách làm cho “sức ép dân số” lên những toà nhà và khu phố cổ được giảm đi đáng kể.

Khách sạn tôi ở nằm trong một con ngõ nhỏ, lòng đường vẫn còn nguyên những viên đá chẻ khập khiễng. Mỗi chiều muộn trở về, tôi như nghe thấy tiếng bánh xe ngựa lăn trên đường, rồi chiếc xe song mã hiện ra trong sương thu với một người phụ nữ kiều diễm trong bộ váy phồng và chiếc áo choàng cổ cao…Nhưng đấy chỉ là giấc mơ thoáng qua, khoảng từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau, cái ngõ nhỏ này đã đầy xe hơi đậu kín hết chiều dài của ngõ (người Paris thật tài tình vô cùng khi có thể đậu xe sát cạnh nhau đến từng …cm như vậy!). Ngôi nhà nhỏ nên các phòng cũng rất nhỏ, đồ đạc trong phòng làm tôi nhớ đến một câu truyện cổ Grim (“ ai đã ngồi lên ghế của tôi, ai nằm lên giường của tôi? - các chú lùn kêu lên…” ). Chỉ có chiếc TV treo trên tường là khá lớn! Nhìn góc nhà tắm, chợt thấy “thương” cho cô bạn Tây ở phòng bên, với thân hình của cô, chắc cô phải bước giật lùi vào nhà tắm thì mới có thể bước ra được! Thật ra cũng có sao đâu, khách sạn cho du lịch mà, khách đi suốt ngày, tối về vệ sinh qua loa rồi lăn ra ngủ, TV thì vẫn mở suốt đêm, để rồi sáng hôm sau lại khách lại miệt mài đi tiếp…

Mấy ngày ở Paris, một mình với ba lô, bản đồ, một tập vé có thể đi tất cả các tuyến metro và xe bus (mua liền 10 vé rẻ được 20%!), chân giày Adidas, quần jean áo khoác ngoài (trời thu nóng lạnh thất thường), với vốn tiếng Pháp đủ để …xem bản đồ và chào hỏi xã giao, cứ thế tôi đi đến những địa danh đã in sâu trong tâm tưởng. Đến tháp Ep phen vào buổi chiều nắng vàng rực rỡ, nhìn thấy dòng người xếp hàng dưới chân tháp, tôi thấy tiếc – không phải tiếc mấy chục EUR mà tiếc vì thời gian của mình eo hẹp quá, không thể chờ đợi để “rồng rắn lên mây”. Đành tự nhủ, thôi thì để dành lần sau (mà lòng vẫn biết chắc sẽ chẳng có lần sau!). Lên chuyến tàu du lịch dọc sông Xen, qua mỗi địa điểm đều có lời giới thiệu tỉ mỉ phát qua hệ thống loa trên tàu. Toà Thị chính Thành phố nằm bên dòng sông Xen đang mở cửa đón du khách. Hàng năm vào cuối hè, Toà Thị chính trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong 10 ngày, khách du lịch và người dân Paris có thể vào tham quan tòa lâu đài cổ, rất lớn và đẹp này, cũng là nơi làm việc của những người đứng đầu thành phố. Tàu đi qua Cầu Vàng, bảo tàng Orsay, Nhà thờ Đức bà…Nhìn từ sông Xen, toà nhà thờ nổi tiếng này không quá đồ sộ, lạnh lùng và ám ảnh như khi nhìn chính diện…Ngày khác tôi đi xe bus đến khu La tinh, đồi Mông mac, rồi quay về khu vực có nhiều quán hàng của người Việt. Chiều tối đứng từ Khải Hoàn Môn nhìn ra Đại lộ Săng Elide, dòng xe hơi nối nhau không dứt …Ừ nhỉ, đại lộ này có từ thế kỷ XIX, còn nguyên những viên đá chẻ lát đường và bọc vỉa hè, vậy mà đến nay vẫn đủ rộng cho 8 làn xe hơi, vỉa hè vẫn đủ thoáng cho hàng chục ngàn du khách tản bộ ngắm những cửa hàng, khách sạn sang trọng hai bên đường. Chợt nhớ đến khu vực Nhà thờ Đức bà và Bưu điện Sài Gòn – rộng hơn là những công sở ở khu vực Trung tâm thành phố – do người Pháp xây dựng từ những năm 1880 - 1890, khi mà dân số Sài gòn chỉ mới vài trăm ngàn người, đến nay đã hơn 7 triệu nhưng các công trình ở đây vẫn thực hiện tốt các chức năng của mình. “Quy hoạch đô thị” phải là như thế?

Phần lớn thời gian của tôi là dành để tham quan một số bảo tàng lớn ở Paris. Có trong tay tấm thẻ của “Hiệp hội các bảo tàng Quốc gia Pháp”, tôi “lang thang” ở Bảo tàng Louvre một ngày nhưng cũng chỉ xem được phần về các nền văn minh phương Đông, còn những phần khác thì đúng là “cưỡi tên lửa …xem hoa”! Nhất là khu trưng bày các tác phẩm thời văn hóa Phục Hưng, khách du lịch đông quá, không sao đến gần những bức tranh, bức tượng nổi tiếng được, tôi phải đứng từ xa zoom máy chụp hình. Mỏi chân quá bèn ngồi nghỉ trên những bậc đá cẩm thạch trắng tinh với chiếc ba lô bên cạnh, lúc đứng lên chưa kịp cầm thì một người bảo vệ hiện ngay ra nhắc nhở – Paris vẫn cảnh giác với nạn khủng bố mà!

Khác với bảo tàng Louvre vốn là một cung điện, bảo tàng Orsay – trưng bày mỹ thuật hiện đại – được “cải tạo” và xây dựng lại từ một ga xe lửa. Cấu trúc bên ngoài hoàn toàn không thay đổi nhưng bên trong là những phòng trưng bày với phong cách và nhiều trang thiết bị hiện đại. Một vài bảo tàng lớn của nhà nước cũng vậy, thường sử dụng những toà nhà cổ, ở vào vị trí thuận lợi trên các tuyến đường, nhưng phần nội thất được làm mới hoàn toàn để đáp ứng các chức năng hoạt động của bảo tàng hiện đại. Có thể nhận thấy Paris đang luôn cố gắng giữ cho được những gì làm cho Paris đã trở nên quen thuộc với thế giới và làm cho nhiều người yêu quý Paris. Đồng thời cũng làm cho nó ngày càng mới mẻ và hấp dẫn hơn.

Ngày cuối cùng tôi đi xuống Vec xay, cách Paris khoảng 40 km. Xe lửa cứ 20 phút có một chuyến, mua vé khứ hồi (tất nhiên, rẻ hơn mua 1 lượt!) và chỉ khoảng 30 phút sau thì đến nơi. Từ ga xe lửa đến khu lâu đài Vec xây đi bộ chừng 15 phút, qua 1 khu chợ trời, vài con phố nhỏ và một công viên rợp mát bóng cây, trông thật bình yên với thảm cỏ xanh và những hàng ghế gỗ dọc hai bên đường. Cũng như ở Louvre, một ngày cũng chẳng kịp xem hết những căn phòng chứa đầy bí ẩn trong lâu đài Vec xây, nhưng tôi đã được đi dạo trong khu vườn nổi tiếng… Những bồn hoa rực rỡ, hồ nước trong xanh có khối tượng những nàng tiên làm đài phun nước, thảm cỏ xanh ngút ngát giữa hàng tượng cẩm thạch trắng tinh, nép mình vào lối đi nhỏ bên hàng rào cây xén bằng phẳng… tưởng như chỉ một chút thôi, sau khúc quanh kia sẽ hiện ra những chàng ngự lâm quân can đảm…

Vài ngày ở Paris vụt qua rất nhanh.Tiễn tôi ra phi trường là bầu trời xanh trong vắt của một sáng cuối thu, hàng cây cổ thụ dọc theo các đại lộ những tán lá đã ngả vàng rực rỡ… Nhưng niú giữ trái tim tôi ở lại Paris là làn sương tím những buổi chiều nhạt nhòa, sắc tím nao nao của thảm Violet bên cạnh Viện bảo tàng Tự nhiên, và màu phớt tím dịu dàng của chiếc khăn choàng người bạn Paris gửi tặng…Chợt ước mong một ngày, nếu ai đó lần đầu đến với Hà Nội của tôi thì cũng sẽ có được cảm xúc như khi tôi đến Paris: lạ lẫm nhưng vô cùng quen thuộc, mới mẻ mà vẫn luôn cổ kính…

Suốt chuyến bay về, vẳng bên tai tôi một giai điệu như một lời trách cứ... Ngày rời Paris, em đã bỏ quên con tim…*


· Lời bài hát Để quên con tim của Đức Huy

· (Con gái nhắc hôm nay 14 - 7 Quốc khánh Pháp)

'PHỤ NỮ THÀNH ĐẠT"

Có vài lần mềnh (phải) tham dự những cuộc tọa đàm, hội thảo chủ đề về: vai trò người phụ nữ trong xã hội hiện đại, thế nào là người phụ nữ thành đạt, những thách thực và khó khăn của người phụ nữ hiện đại, vân vân và vân vân… Các diễn giả sau khi (bằng nhiều cách khác nhau) ca ngợi phụ nữ VN “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” thì đều trình bày suy nghĩ, mong muốn, đòi hỏi của mình về một hình mẫu “phụ nữ thành đạt”. Thử xem quan niệm phổ biến về “người phụ nữ thành đạt” như thế nào? Đó là người phụ nữ thành công về nghề nghiệp, hoặc là chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra, hoặc là có chức vụ lãnh đạo quản lý trong công ty, cơ quan nhà nước, hoặc có học hàm học vị về khoa học… Đồng thời những người phụ nữ ấy (lại còn) có một gia đình hạnh phúc chồng yêu con giỏi, ít nhất như họ bộc lộ cho thiên hạ thấy thế. (Ngạc nhiên là) rất ít người coi những người phụ nữ nội trợ tề gia là “người thành đạt”. Và (may quá) hầu như không ai coi các diễn viên, người mẫu, “sao này sao khác”, “chân dài ngực khủng” đang nổi đình nổi đám trên nhiều báo giấy báo mạng…là phụ nữ thành đạt.


Sau khi chỉ ra những đặc điểm thành đạt của phụ nữ thì từ đó lại đi tìm ra ưu điểm, nhược điểm của họ, rồi lại mong muốn họ sẽ khắc phục nhược điểm thế nào, phát huy ưu điểm ra sao, có khi còn đưa ra những “giải pháp” khả thi để giúp chị em trở thành người thành đạt… Đại để phụ nữ thành đạt (phải) là người thông minh, xinh đẹp hay biết làm cho mình trở nên xinh đẹp, biết phát huy sự mềm mỏng dịu dàng trong quan hệ, lúc cần thiết thì quyết đóan mạnh mẽ như/ hơn nam giới, thậm chí là người cứng rắn không còn chút nữ tính nào.


Ôi dào, sao mà mềnh ghét cái cụm từ “phụ nữ thành đạt” thế ko biết, bởi vì, sau nó người ta luôn lý giải nguyên nhân thành đạt của phụ nữ bằng thái độ phân biệt giới một cách vô tình hay hữu ý. Cứ làm như thành đạt là một đặc quyền của nam giới, vì vậy khi “phụ nữ (mà cũng) thành đạt” lập tức được “mổ xẻ” để (hạ cố) khen ngợi động viên hay khuyên bảo chê trách. Và cứ theo những gì mọi người mong muốn hy vọng đòi hỏi thì những người phụ nữ thành đạt của chúng ta luôn luôn giỏi giang về công dung ngôn hạnh, tuyệt vời từ dưới bếp lên trên giường, đáng yêu từ trong nhà ra ngòai đường… Túm lại là hòan hảo trong vai vợ ngoan mẹ giỏi con dâu thảo hiền. Ngay phụ nữ với nhau cũng đòi hỏi như thế, cứ đọc báo và tạp chí của/ dành cho phụ nữ (nhưng rất nhiều nam giới đọc) mà xem.


Tất nhiên, mềnh vô cùng thán phục và quý trọng những người phụ nữ thành đạt, đồng thời cũng vô cùng thông (thương) cảm vì họ luôn chịu sức ép từ những mặc định như trên. Cứ (phải) hòan hảo như thế thì mệt (mỏi) lắm, cứ như người mẫu phải mặc những bộ quần áo không phải của mình, biểu diễn trên sân khấu liên tục với gương mặt dáng người bước đi theo đúng khuôn mẫu bài bản. Làm người mẫu còn có lúc được nghỉ ngơi chứ đã là “phụ nữ thành đạt” cứ như bị đặt trên “bàn thờ Phật” rồi á, chịu khó ngồi đấy không được xuống nhé!


[Đã vậy có người còn tự đặt mình lên bàn thờ nữa cơ, không biết rằng đó chỉ là kiểu bàn thờ ông Thiên chơ vơ ngoài sân hay bàn thờ ông Địa nép trong góc nhà, có hay không cũng không sao, cần thì người ta cúng nải chuối ly nước, không cần thì đến 1 nén nhang người ta cũng quên tuốt. BT - bótay.com, bịnh hết thuốc chữa].


Thôi cứ là một người phụ nữ bt – bình thường – cho lành. Có một nghề để làm, kiếm được ít tiền để khỏi quá phụ thuộc vào người khác, thi thỏang có vài niềm vui nho nhỏ, giản dị từ gia đình, con cái, bạn bè; có thời gian mỗi ngày lướt mạng vô FB nhảm nhí (như thế này). Và khi cáu giận bực bội thì có thể “dang tay giữa trời mà… hét”.


Với mềnh, thế là “thành đạt” lắm rồi, chả cần gì hơn.

NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI DẤU TÍCH THĂNG LONG


Post lại như một lời Chúc mừng GS Phan Huy Lê nhân dịp Thầy vừa được bầu làm Viện sĩ Thông tấn nước ngoài Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn - Pháp.

Nhiều năm qua Hội KHLS VN đã có tiếng nói quan trọng xác định giá trị LS -VH để lập hồ sơ công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di tích đặc biệt cấp quốc gia và phát triển thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận DSVH thế giới. Người “đứng mũi chịu sào” đưa ra những kiến nghị đầy tinh thần trách nhiệm, khoa học và đau đáu nỗi lòng với những di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội là GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN (các khóa II, III, IV và V từ năm 1990 đến nay).

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI được ghi dấu ấn bằng việc phát hiện hàng lọat di tích lịch sử - văn hóa về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Đó là những di sản văn hoá vô giá mà bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và lòng đất này đã gìn giữ cho đến hôm nay, vì thế việc tiếp tục bảo tồn, phát huy rồi chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau phải được thế hệ hôm nay thực hiện với một ý thức trách nhiệm cao nhất.Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng (1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm trợ lý tập sự tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của vị Giáo sư nổi tiếng Đào Duy Anh. Chỉ hai năm sau, thầy giáo trẻ Phan Huy Lê đã được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại và liên tục giữ trọng trách này hàng chục năm liền. Có thể nói cuộc đời của GS Phan Huy Lê gắn liền với Hà Nội, không chỉ vì đây là nơi ông đã sống mà còn vì ông đã gửi gắm tình yêu và cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Nghiên cứu dấu tích vùng đất Hà Nội - Hoàng Thành Thăng Long trong tương quan với các kinh đô cổ, GS Phan Huy Lê đã nhận định: Việc phát hiện di chỉ 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất, đủ khiến ta thấy may mắn khi nhờ sự bảo tồn của lòng đất mà ta, và các thế hệ con cháu, sẽ còn nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử. Giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long (được phát lộ năm 2003) đã được các nhà khoa học trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế, kể cả ông tổng giám đốc UNESCO đánh giá rất cao, hoàn toàn xứng đáng để được công nhận là di sản văn hóa nhân loại.Mỗi cố đô có một hệ giá trị riêng mà chỉ mình nó có, việc so sánh Hoàng thành Thăng Long với các cố đô Cổ Loa, Hoa Lư và Huế chỉ nhằm khẳng định thêm những giá trị cực kỳ quý hiếm của di chỉ Hoàng Thành, cố đô Thăng Long 1000 năm văn hiến.Theo GS Phan Huy Lê, nếu coi đường Hoàng Diệu như gáy một cuốn quốc sử thì trục Thần đạo với các công trình kiến trúc nổi giống như trang bìa cứng bằng vàng còn khu 18 Hoàng Diệu như những trang sách được mở ra với rất nhiều thông tin chính xác, đặc biệt quan trọng mà chúng ta chưa đủ sức hiểu ngay hết giá trị của chúng .Nhắc đến Hoàng thành Thăng Long là nhắc đến tính liên tục của các lớp văn hóa Lý - Trần - Lê được giấu kỹ dưới lòng đất, mà nếu không có cuộc khai quật bất ngờ năm 2003 tại số 18 Hoàng Diệu thì vẫn là bí mật, vẫn chỉ là những lời văn trong sử liệu, qua những bản đồ khá sơ lược. Đây là “bộ sử bằng di vật” của kinh thành Thăng Long, để từ đó ta hiểu được rất nhiều về kiến trúc, về bản sắc văn hóa, về sự kết hợp thiên nhiên (thích nghi và tận dụng), kết hợp triệt để giao thông đường thủy, xử lý không gian… Di tích 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất, nhờ vị trí của Cấm Thành không thay đổi qua các triều đại, vì thế dù là “phế tích” nhưng giá trị còn rất rõ, các chuyên gia quốc tế quý Hoàng Thành Thăng Long bởi qua bề dày cả ngàn năm mà còn bảo tồn được như vậy là rất hiếm. Trong lịch sử thành Thăng Long, La thành (hay Đại La thành), Hoàng Thành trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng Thành, đặc biệt là vị trí, qui mô của Cấm Thành (còn gọi là Cung thành) thì gần như không thay đổi, chỉ có kiến trúc bên trong thì dĩ nhiên qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu di tích 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Gần đây, việc phát hiện di vật khảo cổ của đọan thành cổ trong khi thi công đường Hoàng Hoa Thám, một lần nữa GS Phan Huy Lê cùng các nhà khảo cổ học, sử học lên tiếng đưa ra giải pháp để có thể nghiên cứu di tích thu thập di vật thời Lý, Trần, Lê… Theo tư liệu lịch sử, đây là đoạn thành cổ còn lại duy nhất phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử nhiều mặt của Thăng Long-Hà Nội.

Cùng với hoạt động nghiên cứu, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà Sử học Phan Huy Lê còn dành tâm huyết nghề nghiệp của mình truyền lại cho các thế hệ sinh viên. Ông một trong “Tứ trụ” của nền sử học hiện đại Việt Nam như cách vinh danh của nhiều thế hệ học trò: “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” (các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng). Những ai đã từng được nghe ông giảng thì không chỉ “tâm phục khẩu phục’’về kiến thức, tri thức sâu rộng, khúc triết, giọng nói trầm ấm, biểu cảm, mà còn thấy ở ông là một phong cách, một thế ứng xử đầy minh triết, một nhân cách khoa học toàn vẹn. Ông thường gắn kết những bài giảng của mình với các triết lý nhân văn, thể hiện tinh thần làm việc hăng say, hết mình cho sự thật và niềm đam mê. Những thế hệ học trò khoa Lịch Sử Đại học KHXHNV – ĐHQG Hà Nội được ông và đồng nghiệp đào tạo nay có nhiều người giữ những trọng trách trong các trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, những cơ quan quản lý nhà nước ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); giải thưởng nhà nước (năm 2000). Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996). Và năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.

Quê hương của GS Phan Huy Lê là vùng Núi Hồng Sông Lam nhưng trong tôi, tri thức và nhân cách của Thầy mãi là tượng trưng cho Hà Nội “ngàn năm văn hiến”.

Bài này trong chùm bài của báo TT&VH đạt giải B giải báo chí toàn quốc "1000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Lễ khai ấn nuôi dưỡng tâm lý “chạy chức chạy quyền”

Nhiều nhà sử học, khảo cổ học (và một số công trình nghiên cứu) đã chỉ ra thực chất về ý nghĩa và quy mô của Lễ phát ấn Đền Trần trong lịch sử. Không rõ căn cứ vào đâu mà ViệnVăn hóa Nghệ thuật đưa ra phương án 2 “phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài các ngày kế tiếp”? Phải chăng từ thực tế lễ hội này đã thu hút rất nhiều người đến xin ấn, và địa phương (ban tổ chức, ban quản lý Đền…?) đã thu được những khoản lợi nhuận lớn từ việc “phát ấn” và những dịch vụ kèm theo? Tổ chức nhiều ngày có nghĩa là sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn, số lượng người (đa phần là công chức nhà nước) về xin ấn sẽ nhiều hơn. Thiệt hại bao nhiêu cho nhà nước và cho nhân dân trong những ngày công chức bỏ việc đi lễ như thế Viện Văn hóa Nghệ thuật đã có tính đến chưa?! Theo tôi, nếu duy trì lễ phát ấn Đền Trần thì phải làm như trong sử sách đã ghi lại. Không nên tổ chức lễ hội này dài ngày. Hai phương án mà Viện Văn hóa nghệ thuật đưa ra cho thấy cơ quan nhà nước bất lực trong việc quản lý lễ hội này nên không cho tổ chức hoặc tổ chức dài ngày (không thể quản lý được thì cấm hoặc là… mặc kệ!). Chưa kể là cứ đà này, lễ hội nào có vấn đề bị xã hội lên án, lập tức nhà nước lại phải tốn tiền cho các công trình nghiên cứu kiểu “đề án xây dựng mô hình…”.

Vài năm gần đây lễ này (và một số Lễ hội khác) đã bị biến dạng cả về ý nghĩa và quy mô. Dưới danh nghĩa “bảo tồn văn hóa truyền thống” nhưng ta cũng có thể nhận thấy “thương mại hóa” là mục đích chính của các lễ hội kiểu này. Đồng thời, việc bóp méo, thậm chí bịa ra những sinh hoạt văn hóa truyền thống như thế đã góp phần nuôi dưỡng và phát triển tâm lý không lành mạnh của một bộ phận không nhỏ trong công chức, quan chức trong việc coi chức tước quyền hành là mục đích tối thượng, vì vậy phải “chạy chức chạy quyền”. Tâm lý bất an khi làm một việc không quang minh chính đại khiến người ta càng phải tìm đến Thánh thần làm chổ dựa… Cứ thế cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn, ngày càng phức tạp, và gây ra nhiều hệ lụy.
Nếu cứ bành trướng quy mô lễ hội Phát ấn Đền Trần như thế, tôi e đến một ngày đẹp giời nào đó lễ hội này sẽ được làm hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rồi có khi trình UNESCO làm Di sản văn hóa thế giới cũng nên! Điều đó thật nguy hiểm vì khi không phân biệt được giá trị thật với những giá trị rởm của những lễ hội kiểu này, người ta sẽ không thể tôn trọng và trân quý văn hóa truyền thống đích thực. Khi ấy mục đích bảo tốn di sản văn hóa có đạt được hay không?!

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/445446/Chua-chung-minh-duoc-tuc-phat-an.html

GÓC NHỎ BÌNH YÊN



Tính ra, gần như cả ngày mỗi người trong gia đình đều ở nơi làm việc.

Buổi tối về nhà sau giờ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa thì mỗi người lại ngồi ở góc riêng của mình miệt mài với công việc. Bởi vậy dù nhà nhỏ nhưng bố mẹ vẫn tạo một khoảng không gian chung, nơi đặt TV, máy tính, tủ sách để cả nhà có thể gần nhau sau cả ngày dài mỗi người mỗi nơi. Không định mà cả nhà cùng “dính líu” vào nghề viết lách nên ở góc nhỏ ấy cô Út dịch sách, cô Hai biên tập bài, bố chấm thi, sửa luận văn cho sinh viên, mẹ viết… báo cáo, thi thoảng tạp bút tản văn… Nhà có 3 phụ nữ nên nhiều lúc góc nhỏ biến thành… chợ chồm hổm, đủ thứ chuyện từ cơ quan đến ngoài đường, từ chuyện xã hội đến blog – thế giới ảo vui vẻ thư giãn của mấy mẹ con. Có lúc ồn ào quá, bố phải “mắng”: này, họp ở cơ quan chưa chán à?

Nhớ hồi xưa, khi các con còn nhỏ, nhà tập thể chật không có chỗ xoay người, “góc nhỏ” của mấy mẹ con chính là cái xe máy. Mỗi ngày bốn lượt đưa đón 2 con đến trường, trên chiếc xe máy cũ kỹ ấy 3 mẹ con vẫn có thể “tám” đủ chuyện. Mẹ biết được việc học hành, biết thầy cô, bạn bè của con… Giờ đây nơi góc nhỏ có khi mỗi người mỗi cuốn sách, mỗi máy tính vẫn thấy gần nhau như xưa. Ngày nào mà gia đình thiếu vắng một thành viên ngày ấy góc nhỏ bỗng im ắng buồn hiu.

Bạn nói: Nhà cậu vui thật đấy. Còn nhà mình cứ như cái khách sạn, ai nấy rút vô phòng riêng với TV, máy tính và thế giới riêng! Không biết mình xây nhà rộng để làm gì nữa…

Góc nhỏ bình yên đâu cần nhà hẹp hay rộng, nó tồn tại trong mỗi thành viên trong gia đình bạn ạ.


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...