Ở NHÀ MÙA ĐẠI DỊCH




Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã hơn 3 tháng, những ngày gần đây việc phòng chống dịch bước vào giai đoạn quyết định nên quy định không tụ tập động người, hạn chế đi lại ngoài đường được chính quyền và người dân thực hiện gắt gao hơn. Nhiều người tiếp nhận tình trạng “ở nhà là yêu nước” một cách chủ động và tích cực trong mùa dịch bệnh nguy hiểm.

Từ sau tết đến nay hầu hết mọi người đã quen với sự thay đổi sinh hoạt: con cái nghỉ học mà cha mẹ đi làm nên không yên tâm, nay làm việc ở nhà dù sao cũng đỡ lo lắng không ai trông nom con cái và bảo ban chuyện học hành. Tuy vậy nhiều người không dễ thích nghi ngay với “môi trường làm việc” khác với nề nếp đi làm bao nhiêu năm.

Mỗi ngày ta đã quen đến công sở, có khi thứ bảy vẫn phải đi làm vì cần thiết. Những ngày ấy trong đầu ta luôn có dự định cho ngày nghỉ: không phải dậy sớm lo cơm nước đưa con đến trường, vợ chồng con cái thong thả ra quán ăn sáng cà phê, có khi đi chợ để nấu món ngon “ăn tươi” một bữa, dọn dẹp nhà cửa giặt ủi quần áo, rảnh rỗi có thể đọc cuốn sách, xem bộ phim hay về thăm bên nội bên ngoại, đến chơi nhà bạn bè... Coi vậy mà hai ngày cuối tuần qua nhanh lắm, chưa kịp nghỉ ngơi thì đã “thứ hai là ngày đầu tuần”, mỗi sáng ta lại lao ra đường chịu cảnh khói bụi kẹt xe chiều về mệt mỏi sau một ngày làm việc...Và lại mong ngóng đến cuối tuần để được ở nhà.

Thì bây giờ ta được ở nhà suốt tuần đấy. Nhưng cứ “quẩn quanh trong tổ” với những việc không tên thì phụ nữ cũng còn khó chịu nữa là đàn ông. Vì vậy hãy coi đây là cơ hội hiếm hoi để gần gũi gia đình con cái nhiều hơn. Chắc hẳn ta sẽ nhận ra vài điều “bất cập”: trẻ không tự chăm sóc bản thân vì mỗi ngày ta đều làm hộ trẻ cho nhanh cho kịp giờ đi học đi làm? Chồng con không biết phụ giúp dọn dẹp nhà cửa vì nhà có người giúp việc, vì coi đó là việc của mẹ? Trẻ luôn trốn trong phòng với máy tính, TV vì cha mẹ cũng luôn ôm điện thoại trên tay? Bạn nghĩ đi, một ngày đi làm về chúng ta nói gì với người thân yêu? Đây là cơ hội dành thời gian cho con, cho vợ/chồng nhiều hơn, cùng làm mọi việc và cùng trò chuyện để ngôi nhà của mình thực sự trở thành “tổ ấm”.

Bạn trẻ chưa có gia đình thì làm việc ở nhà sẽ “khó khăn” hơn do thói quen gặp gỡ và giao tiếp ngoài xã hội, vì vậy thời gian ở nhà như dài hơn. Không sao, lâu lâu người ta cũng cần “một mình” để ngẫm nghĩ về những điều đã qua và sắp tới. Và, yêu thương gia đình, yêu thương bản thân thì bao nhiêu thời gian cho đủ, phải không?

Tôi nghỉ hưu vài năm nên có kinh nghiệm “làm việc ở nhà”: hãy thoải mái nghỉ ngơi nhưng đừng lười biếng, mỗi ngày vẫn “nối mạng” để vận động trí não, để biết xã hội và thế giới ngoài kia đang diễn biến thế nào. Ngoài việc nhà thì nên có vài công việc làm thêm cho vui, để thấy mình còn có ích và không làm phiền con cháu.

Trong tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời” - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Nodar Dumbatze - có một câu rất đúng “Con người cần ốm nặng ít nhất là một lần trong đời. Như vậy người đó sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại một cách tỉnh táo và bình tĩnh toàn bộ quãng đời đã qua”... Có thể nói cơn đại dịch Covid-19 đang làm cho cả thế giới ốm nặng, qua đó chắc chắn con người phải nhìn lại những gì đã làm với thế giới này, để có thể thay đổi trong tương lai.

Với mỗi người đây là cơ hội suy tưởng, hồi ức, trò chuyện, nhận thức lại quá khứ để hiểu chính mình hơn.  

Báo Thanh niện 29.3.2020


Không có mô tả ảnh.

ĐỐI THOẠI VỀ BẢO TỒN DI SẢN



1.
- KTS: Công trình trụ sở Hỏa xa SG (ngay bùng binh chợ Bến Thành) không có giá trị đặc biệt về kiến trúc như UBND hay các công trình cổ khác. Vì vậy không nên bảo tồn để đất xây công trình mới.
- Công trình này là công sở, có giá trị với lịch sử ngành đường sắt VN và giá trị về quy hoạch, cảnh quanh khu vực chợ Bến Thành. Ko thể so sánh về giá trị mỹ thuật với tòa nhà UBND vì chức năng khác nhau. Riêng giá trị lịch sử tòa nhà Hỏa xa đã xứng đáng xếp hạng di tích và bảo tồn. Anh thử nhìn quanh Chợ Bến Thành xem cảnh quan cũ còn lại những gì?!
2.
- KTS: Không lẽ ông già tôi để lại cho cái nhà, tôi muốn ở không được xây lại mà phải đi chỗ khác à?
- Thứ nhất: khu trung tâm SG nói chung và tòa nhà Dinh TT nói riêng không phải của ông già anh để lại cho anh, mà là của người dân SG, cần bảo tồn cho những thế hệ sau biết về lịch sử thành phố. Mà giả dụ, ông già anh để lại ngôi nhà dưới quê cho anh, anh về đó muốn phá hay xây sửa cũng còn phải nghe các ông bà dưới quê chứ đừng nghĩ là muốn thì phá ngay được.
- Thứ hai, Ông bà mình nói, cái nào ăn thì ăn cái nào cúng thì cúng. Khu vực TT SG là nơi ko thể "ăn" vào đó được. Lỡ "ăn" một phần rồi thì ráng giữ phần còn lại chứ!
3.
- KTS. Khi xây cái Kim tự tháp trong bảo tàng Louvre Tổng thống Pháp cũng bị phản đối mà nay lại trở thành kỳ quan của Paris.
- Paris còn giữ lại hầu như nguyên vẹn quy hoạch và nhiều công trình cổ chứ không bị phá hủy nhiều ngay cả trong chiến tranh và quá trình hiện đại hóa. Đấy là cái khác với TPHCM.
- Kim tự tháp trong khuôn viên bảo tàng Louvre thì quy mô cũng không lấn át các tòa nhà chính và sự tương phản đạt đến mức hoàn hảo. Tài năng của KTS là ở đó! Tòa nhà Dinh TT nếu cương quyết ra đề bài "bảo tồn nguyên vẹn để giữ công trình, cảnh quan" thì nhà tư vấn sẽ tìm ra một số giải pháp. Sao chưa ra đề bài đã kêu khó thay cho tư vấn vậy?!

Đây là một vài đối thoại của tôi với một vị KTS ở TPHCM (tạm chưa nêu tên). Ghi lại đây để thấy rằng, nhiều công trình không được bảo tồn, nhiều công trình chấp nhận cái sai để cho tồn tại đều có ý kiến của những nhà chuyên môn như thế này!
Cho nên, nhiều khi nói chuyện, phản biện với các nhà quản lý dễ hơn với chính các nhà chuyên môn - nhất là những vị có chức vụ này kia - vì khi họ sử dụng chuyên môn và vị trí để ủng hộ cái sai thì vô cùng nguy hiểm.

25/3/2020

Vụn vặt đời thường


@ Thiếu hiểu biết hay là phản ánh sự vô thức phân biệt, kỳ thị?

Có thể do thiếu hiểu biết về tục lệ "chứng chỉ Halal" của đồng bào Chăm nên vài báo đưa tin giật gân về "táo,nho" mà không dẫn đầy đủ ý kiến ông chủ tịch quận 8 - nơi có cộng đồng người Chăm khá đông. Lại tạo ra một cuộc ném đá trên MXH!
Nhiều người vẫn coi những cộng đồng người khác mình là xa lạ, là "họ" không phải là "mình". Sự phân biệt, nặng hơn là kỳ thị, những gì khác mình là một tâm thức rất dai dẵng ở cộng đồng người đa số đối với cộng đồng thiểu số - ko chỉ là tộc người Kinh với tộc người khác mà còn ở nhiều hiện tượng xã hội, như "dư luận" đối với "việt kiều" chẳng hạn.
Báo chí mấy ngày nay hãy tỉnh táo, đừng (vô tình?) khuyến khích và dung dưỡng cái "vô thức" không hay này trở thành phổ biến.
22/3/2020

@ Danh ca Thái Thanh qua đời, bà là một nghệ sĩ lớn của tân nhạc VN thế kỷ 20. Mình không phải là fan của bà và của nhạc Phạm Duy, vì không hợp gu, vậy thôi :)
Nhưng mình kính nể nhân cách của danh ca Thái Thanh, cả ở vai trò nghệ sĩ và vai trò người Mẹ! Rất hiếm nữ nghệ sĩ như bà!
“Trả lại em yêu” là bài hát duy nhất của Phạm Duy qua giọng ca Thái Thanh mà mình thích, nó làm mình nhớ lại những gắn bó và kỷ niệm với “con đường Duy Tân” những ngày tháng đại học của mình.
 Và có lẽ vì bài này ko quá véo von và luyến láy :)
 19.3.2020


Kết quả hình ảnh cho con đường duy tân


Ý thức cộng đồng


@ Mình không xem và không bao giờ link những clip quay cảnh sinh hoạt riêng tư bị phát tán trên mạng, vì cho rằng đó sự vi phạm tự do cá nhận, thậm chí vi phạm nhân quyền.
Nhưng một số clip quay tại nơi công cộng về những cá nhân hành xử vô văn hóa, ích kỷ, làm ảnh hưởng đến người khác, đến việc chung... thì theo mình việc quay clip và post lên MXH là góp phần phê phán hành vi đó.
Nhưng qua “dư luận” những clip như thế (và nhiều tin tức khác) mình lại thấy từ việc này lại dẫn đến việc khác, luôn có những lời xúc phạm tổn thương nhau, giống hệt như... vợ chồng cãi nhau :D Hình như bất cứ chuyện gì cũng làm nổ ra “nội chiến” giữa những người VN!

Chuyện dịch bệnh hiện nay, người có lỗi vì dấu diếm – dù vô tình – hay khai báo không trung thực cũng chưa có lời xin lỗi những người bị lây lan vì mình, chưa một lời cám ơn với những người trực tiếp chịu đựng vất vả và nguy cơ lây nhiễm từ mình: phi hành đoàn các chuyến bay, các chiến sĩ phục vụ tại nơi cách ly, các bác sĩ và nhân viên bệnh viện chữa trị bệnh... Chưa kể sự bất ổn, bất tiện cho cả xã hội.
Ở nước mình, cái thiếu nhất và rất hiếm khi xuất hiện đúng lúc - trong hoàn cảnh ngặt nghèo nó có giá trị tinh thần rất lớn - ấy là lời xin lỗi và cám ơn.
Và chúng ta, chỉ cần mỗi người chú ý để “đừng làm phiền” người khác cũng là thể hiện sự biết ơn những người đang căng mình chống dịch. Càng lúc khó khăn thì mỗi người càng cần có ý thức, chịu khó chút... nhờ đó tất cả sẽ ổn thỏa.

20.3.2020

 Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang đứng và văn bản

The Two Popes – Hai vị Giáo hoàng


Giờ mới xem phim này, và rất tiếc là nó không đoạt Oscar 2020, nhất là hai nam diễn viên chính.
Câu chuyện của hai cá nhân trong “bộ chính trị” giáo hội công giáo nhưng có thể liên hệ với bất cứ chính thể nào, vì các vấn đề xã hội đặt ra và giải quyết, và sự nhân văn của những con người ở vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của giáo hội.
Thông qua cuộc đối thoại về đức tin của hai người từng trải và có cách tiếp cận cuộc sống khác nhau, câu chuyện tưởng như nặng nề khi hai người có quan điểm và phần nào tính cách đối lập. Cả hai vị giáo hoàng đều hướng đến mục đích củng cố tổ chức giáo hội, củng cố chỗ dựa tinh thần cho hơn 1,2 tỷ tín đồ... nhưng mỗi người một quan điểm một hành xử: Giáo hoàng Benedict (Anthony Hopkins) - người “bảo thủ” cho rằng thay đổi là sự thỏa hiệp với cái khác với tính truyền thống, sẽ làm cho con người nghi ngờ uy quyền của công giáo, còn người “cấp tiến” - Đức Hồng Y Bergoglio - Giáo hoàng Francis (Jonathan Pryce) - thì cho rằng không phải là sự thỏa hiệp mà là thay đổi để thích nghi, phù hợp với cuộc sống, theo ông, “tìm thấy Chúa là một hành trình” – như quá trình tiếp cận chân lý.
Hai vị giáo hoàng tranh luận thẳng thắn cả quan điểm và cách giải quyết vấn đề cụ thể. Từ chính trị, xã hội, biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng... đến chuyện ấu dâm, tham nhũng, sự trì trệ trong giáo hội... Những câu đối thoại sắc sảo thể hiện tính cách khác biệt và quyết liệt của hai người nhưng cũng hé mở cho thấy cái chung lớn lao của họ: lòng nhân ái, tôn trọng nhau, khiêm cung và vô vị lợi dù ở bậc cao của quyền lực.
- Ông có vẻ coi trọng cái “tôi” của mình quá!
- Đức Cha có biết người Argentina có một cách tự sát là leo lên đỉnh của cái tôi và nhảy xuống không?
Ai cũng có thể sai lầm vì đã tin việc mình làm là đúng. Nhưng nếu đã biết sai lầm thì cương quyết từ bỏ và phải sửa sai. Không thể chỉ thú nhận lỗi lầm và tha thứ là xong. Như chuyện một số vị linh mục mắc tội ấu dâm, đó là một vết thương thực sự, vì vậy cần chữa trị đến nơi đến chốn! Cần cắt chức chứ không phải thuyên chuyển đi nơi khác!
Nhưng đó cũng là hai người đàn ông có tâm hồn lãng mạn, người là nghệ sĩ dương cầm cả đời mê nhạc cổ điển, không biết đến, thậm chí từ chối, những dòng nhạc, ban nhạc đương đại, người kia từng có mối tình sâu nặng thời trẻ tuổi, ngại nói tiếng Latin và chỉ thật sự thoải mái khi nói tiếng mẹ đẻ nhưng lại sử dụng internet thành thạo, tự mua vé máy bay online đi một mình đến những giáo xứ xa xôi nghèo khổ... Nhưng họ vẫn có thể chia sẻ với nhau ký ức của quá khứ, đồng cảm với nhau “không thể sống mà không có tình yêu. Chỉ là ông sẽ yêu cô ấy theo một cách khác”. Họ có thể “thú tội” với nhau và tha thứ cho nhau với sự nghiêm khắc và lòng vị tha nhất. Câu chuyện giữa hai ông Cha chỉ diễn ra trong khoảng hai ngày, nhưng từ đó họ đã tìm thấy một tình bạn già ấm áp và vui vẻ. Đó là vì ở họ đều có lòng yêu thương con người sâu sắc!
Quan trọng hơn họ đã cùng hành động vì những điều tốt đẹp nhất cho xã hội không chỉ của những tín đồ công giáo. Một vị Giáo hoàng nói “Mọi sự độc tài đều tiêu diệt sự tự do của con người”, và vị kia tiếp lời “hoặc nó phơi bày sự yếu hèn của chúng ta”. Độc tài ở thể chế hay ở đức tin cũng đều như vậy.
Phim cho tôi được nhìn thấy nước Ý và Roma – nơi tôi luôn ao ước nhưng chắc không bao giờ được đến. Phim có những câu thoại hóm hỉnh, cảnh “mật nghị” nghiêm trang... Phim có nhạc tango và có bóng đá, và cũng có những hình ảnh làm cảm xúc dâng trào, nước mắt rưng rưng vì vẻ đẹp giản dị của CON NGƯỜI.
SG 16/3/2020

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Hạn mặn miền Tây và nguy cơ bất ổn (repost)


Thứ Năm, 12/05/2016 08:17
 | 
(CATP) Cơn hạn hán kéo dài suốt nhiều tháng qua chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, cũng là khoảng thời gian nước mặn xâm nhập rất sâu vào đồng bằng sông Cửu Long. Miền Tây oằn mình chịu thiên tai. 
Hồi đầu tháng tư có được 1,2 cơn mưa cục bộ, lượng mưa không đáng kể làm báo chí ào lên “miền Tây có mưa”. Nhưng tiếp đó là đại họa cá chết ven biển các tỉnh miền Trung... Truyền thông lại tập trung vào vấn nạn về ô nhiễm môi trường và nguyên nhân cá chết.

Cả tháng tư rồi qua tháng năm, miền Tây vẫn đang chịu đựng thiên tai như những gọng kềm: từ trên trời nắng xuống, từ dưới đất phèn lên, từ thượng nguồn Mêkông nước không về và từ biển nước mặn lấn vào sâu! Đất khô nứt nẻ không thể trồng trọt, đầm tôm mặn quá giới hạn làm chết tôm và các loại thủy sản, rừng lúc nào cũng trong nguy cơ hỏa hoạn cao, kênh rạch cũng cạn kiệt, người không đủ nước sinh hoạt... Miền Tây đã nghèo lại càng nghèo, nay dấy lên làn sóng người bỏ quê đi tìm kế sinh nhai.

Từ hàng chục năm nay, miền Tây không chỉ là vựa lúa cung cấp lượng lúa gạo xuất khẩu lớn nhất nước ta, mà còn là một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực cho miền Đông Nam bộ - vùng có tốc độ công nghiệp hóa - đô thị hóa cao nhất nước. Sự dịch chuyển nguồn lao động từ vùng nông thôn, nông nghiệp sang địa bàn đô thị, công nghiệp là một hiện tượng bình thường trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Nhưng chỉ là bình thường khi nó phản ánh đúng quy luật: cùng với sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất thì vùng nông nghiệp phải được cơ giới hóa phát triển kỹ thuật thủy lợi, giống cây trồng, kỹ thuật nông nghiệp và những ngành công nghiệp phụ trợ như chế biến nông sản... Khi nông nghiệp được “công nghiệp hóa” thì nông thôn và vùng công nghiệp - đô thị hóa không có sự chênh lệch quá xa về mức sống, về chất lượng sống, người dân có trình độ văn hóa được nâng cao mới là nguồn nhân lực “bền vững” để bổ sung cho các khu công nghiệp, lúc đó di cư lao động trở thành một tiêu chí phản ánh sự phát triển của kinh tế - xã hội cả ở nông thôn và đô thị.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển nhân lực ở miền Tây Nam bộ không nằm trong quy luật này, mà chủ yếu do tác động của các nguyên nhân kinh tế - xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chuyên canh lúa và xuất khẩu lúa gạo, tôm lớn nhất, nhưng từ mấy chục năm nay luôn là vùng trũng về giáo dục và văn hóa - xã hội. Mức sống bình quân thấp, trình độ học vấn cũng thấp, nhiều bất ổn trong môi trường văn hóa - xã hội... Sự đầu tư trở lại của nhà nước về cơ sở hạ tầng cầu đường, đầu tư giáo dục, y tế, văn hóa... cho toàn vùng chưa tương xứng với những gì nơi đây đã đóng góp cho cả nước. Vùng sâu vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của “mùa nước nổi” luôn nghèo đói quanh năm. Người dân miền Tây vốn năng động và rất chịu khó trong làm ăn, khi bỏ quê ra đi là họ đang phải “tự cứu mình” khi không còn cách nào khác.

Từ nhiều năm nay tồn tại thực trạng là nhiều nơi nông dân bị mất đất, hay còn đất nhưng không đủ nguồn lực kinh tế và kiến thức để làm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hoặc thay đổi phương thức canh tác mới... cũng là nguyên nhân làm cho nông dân miền Tây phải ly hương. Sự dịch chuyển lao động của nguồn nhân lực chất lượng thấp và tâm lý lối sống không “an cư” đến đô thị và các khu công nghiệp, sẽ tác động làm cho chất lượng sống những khu vực này không ổn định. Bất ổn từ nông thôn - nông nghiệp là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự bất ổn ở đô thị và các khu công nghiệp. Thiên tai hạn mặn năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long là tiếng chuông một lần nữa cảnh báo về nguy cơ này!

Nhìn lại lịch sử khai thác đồng bằng sông Cửu Long từ khi lưu dân người Việt vào khẩn hoang lập ấp, đến thời kỳ triều Nguyễn đẩy mạnh di dân, thời Pháp thuộc lập đồn điền tích tụ ruộng đất... Chúng ta đều thấy một đặc điểm là toàn vùng chưa bao giờ chỉ độc canh cây lúa, dù trồng lúa là kinh tế chính. Dân cư chọn phương thức sống thích ứng với những “tiểu vùng” sinh thái ở đây: miệt ruộng (tứ giác Long Xuyên), miệt bưng biền (Đồng Tháp Mười), miệt U Minh (rừng ngập mặn, Cà Mau) và miệt vườn (hạ lưu sông Tiền). Nam bộ có hai mùa mưa nắng, lượng nước ngọt cho trồng trọt và sinh hoạt chủ yếu từ nước mưa và từ sông Cửu Long. Trước đây, khi diện tích trồng lúa có hạn thì lượng nước ngọt đủ cung cấp cho những cánh đồng trồng lúa, phần khác cho miệt vườn cây ăn trái. Nay dân số và diện tích trồng lúa đều tăng nhiều lần, mùa vụ cũng tăng trong điều kiện nguồn nước đang cạn kiệt, nước mặn xâm lấn, vì vậy phương thức trồng trọt “độc canh cây lúa” và chỉ nhằm mục đích tăng sản lượng để xuất khẩu cần phải xem xét lại.

Thích ứng với tự nhiên và chuyển đổi hướng canh tác như việc vùng bưng biền hay miệt rừng thì bảo vệ và tăng cường nguồn lực tự nhiên, kết hợp nuôi trồng thủy hải sản dựa vào nước lợ, nước mặn hay trồng loại cây thích hợp đất phèn... cùng với công nghiệp chế biến để tránh tình trạng phụ thuộc vào việc bán nguyên liệu, sản phẩm thô, đảm bảo quá trình sản xuất khép kín để xuất khẩu thành phẩm cuối cùng. Việc chuyển đổi này cùng sự hình thành hệ thống nhà máy chế biến nông sản chính là “công nghiệp hóa” phù hợp với đặc điểm của một vùng nông nghiệp truyền thống, trong điều kiện tự nhiên và xã hội đã có sự thay đổi lớn. Nếu chỉ coi đồng bằng sông Cửu Long là vùng để khai thác như hàng trăm năm nay mà không đầu tư trở lại một cách xứng đáng thì nguồn lực nào rồi cũng cạn kiệt, cả tài nguyên lẫn sức lao động và sức chịu đựng của con người.

Ngoài ra cũng cần lưu ý đến yếu tố biển của miền Tây Nam bộ. Kinh tế biển bao gồm đánh bắt thủy hải sản và thương nghiệp đường biển cũng là một trong những truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng này.
Sài Gòn 11-5-2016
T.S Nguyễn Thị Hậu



Trại súc vật

Trại súc vật ngoại truyện
Khi chiếm quyền lãnh đạo trại súc vật, bầy lợn từ chuồng vào ở trong nhà, ăn cơm và ngủ trên giường như người. Nhưng chúng đưa ra nguyên tắc: Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù.
Một thời gian sau bọn lợn học đứng thẳng và bắt đầu hành động như con người, chúng lại tuyên bố “Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn". Dù vậy bọn lợn chê cơm và quay lại ăn cám vì thèm!
#truyen100chu
P/S. Ai chưa xem nên xem phim hoặc truyện này 

Kết quả hình ảnh cho trại súc vật

Kết quả hình ảnh cho trại súc vật

“CÂY CẦU TÌNH YÊU” Ở SÀI GÒN



Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu


Nhiều năm trước có lẽ ít ai để ý và nhận thấy một khoảng lặng thật nên thơ và đáng yêu ở ngay trung tâm thành phố ngày đêm sôi động. Nơi đó chính là cầu Mống – một trong những cây cầu cổ xưa nhất của thành phố. Khi ấy cây cầu còn mang dáng vẻ cũ kỹ, dơ bẩn và ít người qua lại.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 qua kinh Bến Nghé để nối liền trung tâm đô thị Sài Gòn khi đó mới hình thành với vùng ngoại ô đang phát triển thành khu bến cảng, cầu Mống là “ranh giới” của quận 1 và quận 4. Không chỉ vậy, từ bến Bạch Đằng theo đường sông vô Chợ Lớn, qua Cầu Mống coi như hết khu vực du lịch dịch vụ, bắt đầu những dãy nhà phố buôn bán và cảng thị. Đi xa hơn vô quận 5 quận 6 hay quận 8 là những xóm ven “kênh nước đen”, ghe tàu chở lúa gạo hàng hóa tấp nập... Hơn một thế kỷ trôi qua cầu Mống trở thành “nhân chứng” những thay đổi quan trọng của thành phố.

Từ khi được nạo vét kè bờ thì kinh Bến Nghé hồi sinh ngày càng sạch đẹp, khi hai bên bờ hiện diện những con đường lớn lúc nào đông đúc, thậm chí vào giờ cao điểm còn quá tải kẹt xe thì cầu Mống vẫn bình thản soi mình xuống dòng kinh Bến Nghé. Chưa lúc nào cầu Mống hiện rõ nét duyên dáng như lúc này: những dầm thép kết nối với nhau theo kỹ thuật cổ đỡ khung vòm cong mềm mại, bên trên hai hàng lan can thanh mảnh như mời gọi người đi qua dừng chân ngắm nhìn một phía mở rộng tầm mắt là bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, những du thuyền trên bến Bạch Đằng, phía bên kia là dòng kinh thẳng tắp xa hút... Con đường trên cầu hồi nào còn dành cho xe chạy và có hành lang cho người đi bộ, nay chỉ còn dành cho khách bộ hành, vì vậy giờ nào cầu Mống cũng có người đến tham quan chụp hình. Ban đêm, dưới ngọn đèn màu chiếu sáng cầu Mống trở nên lung linh huyền ảo, kết nối với quầng sáng Bến Nhà Rồng và cầu Khánh Hội mới, cả khu vực trước tối tăm đầy vẻ bất trắc nay hiện lên rực rỡ.

Được biết, khi thi công Đại lộ Võ Văn Kiệt và Đường hầm Thủ Thiêm vào những năm 2000, cầu Mống đã được tháo dỡ hoàn toàn. Sau khi hoàn thành các công trình lớn này cây cầu đã được “phục dựng” theo nguyên bản, gia cố các trụ móng và sơn màu xanh ngọc bích mới mẻ.  Cầu Mống với hình dáng cổ điển châu Âu đã được khoác “bộ áo” mới, đường dẫn lên cầu hai bên có những bậc thang rộng, lan can xây hình con tiện sơn màu vàng quen thuộc của các công trình cổ, nối liền con đường đi bộ dọc bờ sông có hàng rào sắt an toàn như một công viên nhỏ với cây xanh, thảm cỏ, ghế băng ngồi hóng gió. Đây là một “điểm son” rất đáng được ghi nhận cho việc bảo tồn di tích cổ và cảnh quan xưa ở khu vực trung tâm, điều mà nhiều người dân lo ngại khi cầu Mống bị tạm dỡ trong tình trạng nhiều di sản đô thị Sài Gòn lần lượt biến mất.

Ở phía đầu cầu quận 1 khối nhà điều hành đường hầm Thủ Thiêm án ngữ ngay trước Tòa nhà Ngân Hàng - công trình cổ uy nghi xây dựng từ năm 1930 - phần nào làm mất đi cảnh quan hài hòa vốn có của khu vực này. Ven kinh Bến Nghé trên đường bến Vân Đồn hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên, quận 4 giờ đã thành một trung tâm mới của thành phố. Thế nhưng từ bờ sông đứng phía nào cũng thấy cây cầu Mống duyên dáng với màu xanh nổi bật, giữ lại chút “hồn vía” Sài Gòn xưa giữa khu vực đang “hiện đại hóa” nhanh chóng.

Sài Gòn mang bản sắc là một đô thị sông nước, những kinh rạch nổi tiếng một thời giao thông tấp nập như kinh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kinh Bến Nghé, rạch Tàu Hũ, kinh Tẻ kinh Đôi... theo đó hàng loạt cây cầu được xây dựng trong nửa đầu thế kỷ 20 góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường bộ mới bên cạnh đường thủy truyền thống. Khu vực Sài Gòn – Gia Định có những cây cầu nổi tiếng như Cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Bình Lợi, cầu Kinh, cầu Kiệu, cầu sắt Đa Kao, cầu Trương Minh Giảng, cầu Công Lý… Trên kinh Bến Nghé vô Chợ Lớn có cầu Khánh Hội, cầu Mống, Cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chà Và… Vùng Chợ Lớn kênh rạch chằng chịt có nhiều cây cầu chỉ được gọi đơn giản là “cầu sắt” dành cho người đi bộ và xe đạp, mặt cầu còn lót ván, có cầu thang gỗ đi lên, có cây cầu độc đáo như cầu Ba Cẳng nay không còn nữa. Phần lớn những cây cầu sắt xây dựng thời gian này tuy kỹ thuật và hình thức cổ điển nhưng hài hòa với cảnh quanh xung quanh, như cây cầu sắt trên kinh Thị Nghè trong Sở Thú đã bị tháo dỡ, nếu còn tồn tại chắc chắn trở thành điểm du lịch không thua kém gì Cầu Mống.

Về sau nhiều cây cầu được xây mới đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu giao thông, theo đó một số chứng tích lịch sử của đô thị Sài Gòn thế kỷ 20 cũng mất đi. Trên kinh Bến Nghé, Tàu Hũ hiện nay một số cây cầu beton cho người đi bộ và xe đạp nhưng giống hệt nhau, “ngang bằng sổ thẳng” chẳng có chút duyên dáng và độc đáo như những cây cầu sắt trước đây. Lẽ ra khi xây dựng cầu mới thì cần bảo tồn cầu cổ, gia cố, trùng tu và giảm tải (chỉ dành cho xe máy, xe đạp và đi bộ) để cầu cổ vẫn làm tốt chức năng giao thông đồng thời còn trở thành di sản lịch sử, có thể khai thác trong du lịch hoặc các dự án nghệ thuật – một nguồn lợi kinh tế không nhỏ mà nhiều nước đã tận dụng và khai thác.

Trở lại với Cầu Mống. Nơi đây đang trở thành một địa điểm check-in được yêu thích của người dân thành phố và nhiều du khách. Cảnh quan lãng mạn của cây cầu cổ xưa này thực sự xứng đáng trở thành “cầu tình yêu” của giới trẻ. Có thể tổ chức một không gian nghệ thuật cộng đồng vào chiều tối và ngày cuối tuần: biểu diễn âm nhạc, ký họa đường phố, chụp hình nghệ thuật... Người dân và du khách có thể buộc lên thành cầu những dải băng ghi lại ước muốn hy vọng của mình. Các cặp đôi có thể lưu dấu tình yêu bằng cách buộc những dải lụa nhiều màu sắc lên thành cầu thay cho “khóa tình yêu”, mà nay nhiều nước khác đã ngăn cấm vì lâu ngày sẽ trở thành “gánh nặng” cho cây cầu cổ.

Những cây cầu trong thành phố không chỉ để nối liền đôi bờ sông kinh rạch mà còn là dấu tích lịch sử xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị. Khi những cây cầu mới hiện đại đáp ứng mật độ và tốc độ giao thông ngày càng tăng thì những cây cầu cổ trở thành không gian nối liền quá khứ và hiện tại, nhữngcây cầu tình yêu” cũng làm tăng thêm tình cảm của mọi người dân và du khách đối với thành phố.

Sài Gòn 28.2.2010

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, hoa và ngoài trời


Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, bầu trời, trẻ em, giày, nhà chọc trời, ngoài trời và nước



Đập Xayaboury, dòng chảy Mekong nửa đầu mùa khô 2019-2020

Diễn đàn trí thức - Mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong trong hạ lưu vực, sông Bassac và sông Tonle Sap rất thấp, rất gần, có nơi còn thấp hơn đường Min.


Bài viết của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân:
Tóm tắt: Chúng ta đang ở thời điểm giữa mùa khô 2019-2020 mà hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long được cho là có thể còn gay gắt hơn cả mùa khô “lịch sử” 2015-2016. Bài viết xem xét dòng chảy sông Mekong trong hạ lưu vực trong nửa đầu mùa khô này ngay sau khi đập thủy điện Xayaboury đi vào hoạt đông. Số liệu là từ cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mekong. Từ đó một số nhận xét và kiến nghị.
Mực nước sông Mekong trong hạ lưu vực ở nửa đầu mùa khô 2019-2020
1. Hình 1 thể hiện các đường mực nước (H) tại trạm thủy văn Chiang Saen trên đó có đường mực nước cao nhất (Max), thấp nhất (Min), và trung bình (Avg) [1] [2]. Trên đồ thị bên trái còn có đường mực nước mùa khô năm 1992-1993 (màu tím) và đường mực nước mùa khô năm 2003-2004 (màu xanh) lần lượt trước và sau khi đập thủy điện đầu tiên ở thượng lưu vực sông Mekong, đập Manwan đi vào hoạt động năm 1995.
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 1. Đường mực nước tại trạm Chiang Saen một số mùa khô đã qua, và năm nay
Diện tích lưu vực sông Mekong từ khởi nguồn trên cao nguyên Tây Tạng tính đến trạm Chiang Saen là 169.000 km2. Bên phải, ngoài các đường Max, Min, Avg còn có đường mực nước các mùa khô 2017-2018, 2018-2019. Đường mùa khô năm nay (màu xanh lục, số liệu đến ngày 24.02) khởi đầu ngày 01.11.2019 rất thấp, bằng đường mực nước Min rồi tăng dần như các năm trước. Đến ngày 06.01.2020 mực nước rơi từ 2,89 mét ngày 04.01.2020 xuống 1,73 mét sau khi đập Jinghong giảm lượng nước tháo xuống hạ du từ ngày 01 đến ngày 04.01.2020, từ 1200 - 1,400 m3/s xuống 800 - 1,000m3/s, theo thông báo của MRC [3].
Hình 1 cho thấy sự phụ thuộc cao độ của mực nước tại Chiang Saen, đặc biệt trong mùa khô vào chế độ vận hành của các đập thủy điện Trung Quốc, mà đập cuối cùng gần biên giới Lào, Myanmar, Thái Lan nhất hiện nay là đập Jinghong [4].
2. Đoạn sông Mekong từ trạm Luang Prabang đến trạm Chiang Khan dài 293 km. Diện tích lưu vực khu giữa hai trạm là 24.000 km2.
Đập thủy điện Xayaboury đi vào hoạt động ngày 31.10.2019. Nằm giữa trạm Luang Prabang và trạm Chiang Khan, mực nước ở hai trạm này trong mùa khô 2019-2020 chắc chắn có nhiều thay đổi so với trước đây.
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 2. Xayaboury, bậc thang đầu tiên trên sông Mekong ở hạ lưu vực
Mực nước ở trạm Luang Prabang khởi đầu mùa khô năm nay ở mực nước trung bình Avg, 8,24 mét, thấp hơn các mùa khô trước nhưng sau đó và cho đến ngày 24.02 vẫn ở 8 mét, thậm chí có lúc tiệm cận đường Max. Đập Xayaboury tích nước là một lý do. (Hình 2, bên trái).
Nếu trong hai mùa khô trước, mực nước ở Chiang Khan luôn cao hơn Avg thì đầu mùa khô năm nay, mực nước chỉ là 4,52 mét gần bằng mực nước Min 4,48 mét. Từ thời điểm đó, tuy có lúc tăng lên 4,95 mét (ngày 08.01.2020) và 5,12 mét (ngày 21.12) nhưng mực nước luôn thấp, nằm giữa đường Min và Avg, (3,16 mét ngày 24.02).
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 3. Đường mực nước tại Luang Prabang và Chiang Khan đến giữa mùa khô 2019-2020, năm đầu tiên đập thủy điện Xayaboury đi vào hoạt động
Lưu vực khu giữa hai trạm khá rộng, ngoài lượng nước từ Luang Prabang chảy về, Chiang Khan còn nhận được lượng nước mưa trên lưu vực mà kể từ mùa khô năm nay, đập Xayaboury tích lại một phần quan trọng. Mực nước tại Chiang Khan thấp hơn các năm trước là do đập Jinghong khóa van một thời gian, là do hạn hán bởi biến đổi khí hậu, hay do đập Xayaboury tích nước? Có cả ba lý do, nhưng chủ yếu là do đập Xayaboury tích nước.
3. Đoạn sông từ trạm Chiang Khan đến trạm Vientiane dài 137 km. Diện tích lưu vực khu giữa hai trạm là 7000 km2.
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 4. Đường mực nước mùa khô một số năm tại hai trạm Chiang Khan và Vientiane
Khoảng cách ngắn, lưu vực khu giữa không rộng. Vào mùa khô không có dòng bổ sung ngang nên đường mực nước các năm ở hai trạm gần như đồng dạng, chỉ lệch ngày. Mực nước đến giữa mùa khô năm nay nằm giữa đường Min và Avg.
 4. Tại các trạm Nakhon Phanom và Mukdahan.
Đoạn sông từ Vientiane đến Nakhon Phanom dài 363 km, lưu vực khu giữa hai trạm rộng khoảng 74.000 km2. Vào mùa khô lượng nước bổ sung ngang không đáng kể vì ít mưa trên lưu vực. Do vậy, đường mực nước các năm ở hai trạm gần như đồng dạng, chỉ lệch ngày (Hình 5, đồ thị trái và giữa) và gần với đường Min.
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 5. Đường mực nước mùa khô một số năm tại Vientiane, Nakhon Phanom và Mukdahan
Mực nước sông Mekong tại trạm Nakhon Phanom ngày 27.11.2019 là 0,79 mét. Nhiều bãi cát ở đáy sông lộ thiên. Cũng trong những ngày này, nước sông từ màu vàng-nâu chuyển sang màu xanh lục-xanh. (Hình 6, tin ảnh từ Bangkok Post).
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 6. Sông Mekong tại Nakhon Phanom những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 12.2019
Các trạm Nakhon Phanom và Mukdahan cách nhau 92 km với lưu vực khu giữa rộng 18000 km2. Vào mùa khô, sông Mekong chảy truyền giữa hai trạm này (Hình 5, đồ thị giữa và phải).
5. Tại các trạm Pakse, Stung Treng, Kratie và Kompong Cham
Trạm Pakse cách trạm Mukdahan 256 km với lưu vực khu giữa rộng 154.000 km2. Tuy lưu vực khu giữa rộng nhưng do ít mưa (các bản tin tuần của MRC) nên mực nước tại Pakse hầu như đồng dạng với đường mực nước tại Mukdahan, trùng khớp và rất gần với đường Min (Hình 7, bên trái).
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 7. Đường mực nước tại trạm Pakse (trái) và tại trạm Stung Treng (phải)
Trạm Stung Treng cách trạm Pakse 201 km. Lưu vực khu giữa hai trạm (mà một phần nằm trên Tây Nguyên của Việt Nam) rộng 90.000 km2. Tuy nhận được lượng nước bổ sung ngang từ ba sông Sesan, Serepok và Sekong, nhưng cho đến ngày 24.02.2020, mực nước tại Stung Treng vẫn thấp, bắt đầu mùa khô ở mực nước Min và từ tuần đầu tháng 01 ở mực nước trung bình Avg. (Hình 7 bên phải).
Trạm Kratie ở cách trạm Stung Treng 123 km về phía Nam, với khu giữa là 11000 km2. Kompong Cham là trạm thủy văn kế tiếp về phía hạ du cách Kratie 135 km.
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 8. Dường mực nước tại trạm Kratie (trái) và trạm Kompong Cham (phải)
Đồ thị cho thấy mực nước tại hai trạm mùa khô năm nay khởi đầu hầu như trùng với đường mực nước Min cho đến ngày 24.12. Sau đó mực nước trạm Kratie tiến về mực nước trung bình Avg, trong khi mực nước tại Kompong Cham thậm chí còn thấp hơn đường mực nước Min. (Hình 8).
6. Tại các trạm Phnom Penh Port và Phnom Penh trên Bassac
Cách Kompong Cham 78 km sông Mekong chảy đến Phnom Penh và hợp lưu tại đây với sông Tonle Sap từ Biển Hồ. Sông Bassac khởi nguồn từ Phnom Penh tại điểm hợp lưu. Tại Phnom Penh có hai trạm thủy văn Phnom Penh Port (PPP) và Phnom Penh Bassac (PPB). Nửa đầu mùa khô năm nay mực nước tại hai trạm này trùng với đường mực nước Min tại mỗi trạm (Hình 9).
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 9. Đường mực nước tại PPP (trái) và PPB (phải) đối chiếu với các năm 2017-2018, 2018-2019 (trên) và 1992-1993, 2003-2004 (dưới).
7. Tại các trạm Neak Luong và Koh Khel
Sau Phnom Penh, trên sông Mekong là trạm Neak Luong, trên sông Bassac là trạm Koh Khel. Đường mực nước được thể hiện trong Hình 10. Đường mực nước năm nay rất thấp, gần như trùng với đường mực nước Min.
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 10. Đường mực nước tại Koh Khel (trái) và Neak Luong (phải) đối chiếu với các năm 1992-1993, 2003-2004
8. Tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc
Mực nước tại Tân Châu  Châu Đốc cũng rất thấp. Hình 11 còn cho thấy ảnh hưởng của triều Biển Đông tại hai trạm ngày càng sớm hơn, ngay từ đầu mùa khô, và ngày càng mạnh hơn.
Ảnh hướng này cũng được nhận ra năm nay, ở mức độ thấp hơn, tại Neak Lương (Mekong) và Koh Khel (Bassac) và tai hai trạm Phnom Penh. Hình 9 và 10.
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 11. Đường mực nước tại Châu Đốc (trái) và Tân Châu (phải) đối chiếu với các năm 1992-1993, 2003-2004
9. Tại trạm Prekdam và Biển Hồ
Đường mực nước tại trạm Prekdam trên sông Tonle Sap năm nay cũng rất thấp, Hình 12 (trái). Hình 12 (phải) là đường dung tích của Biển Hồ, tính từ đường mực nước tại trạm Kompong Luong từ 01.06.2019 đến 27.02.2020 [5].
Dap Xayaboury, dong chay Mekong nua dau mua kho 2019-2020
Hình 12. Đường mực nước tại trạm Prekdam (trái) và đường dung tích Biển Hồ (phải)
Nhận xét
(1) Nhận xét bao trùm là mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong trong hạ lưu vực, sông Bassac và sông Tonle Sap rất thấp, rất gần, có nơi còn thấp hơn đường Min. Trừ tại trạm Luang Prabang.
(2) Yếu tố nền trên hạ lưu vực nửa đầu mùa khô năm nay là khô hạn. Yếu tố này dẫn đến lượng nước bổ sung ngang từ các lưu vực khu giữa rộng không đáng kể. Sông Mekong hầu như chỉ chảy truyền. Điều này giúp nhận diện rõ thêm tác động của đập Xayaboury lên hạ du của đập.
(3) Việc cắt giảm lượng nước chảy về hạ du từ đập Jinghong năm nay (khoảng 400 m3/s trong vòng 4 ngày, theo thông báo của phía Trung Quốc) minh chứng một lần nữa sự mẫn cảmsự phụ thuộc cao độ của thủy văn sông Mekong ở hạ lưu vực vào việc vận hành các đập thủy điện ở Trung Quốc.
Sự phụ thuộc này càng nghiêm trọng khi đặt nó trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu (mà sự khan hiếm nước ngọt ngày càng cao được dự báo) và chiến lược “Hưng thủy cường điền” đã và đang được thực thi. Tại tỉnh Vân Nam, ngoài các đập thủy điện, Trung Quốc đã xây dựng hơn 30 hồ nước và hơn 5500 “thủy khố” với dung lượng lưu giữ tăng thêm năm 2017 là 1,22 tỷ m3.
(4) Đập thủy điện Xayaboury đã tạo ra bậc thang nhân tạo đầu tiên trên sông Mekong. Mực nước ở trạm Chiang Khan thấp đi hẵn. Sự khô hạn cho tới thời điểm này trong hạ lưu vực làm rõ ra tác động của đập. Lòng sông phơi đáy, sự đổi màu nước sông Mekong tại Nakhon Phanom có nguyên nhân từ đâu?
(5) Mực nước tại trạm Kompong Luong và dung tích Biển Hồ thấp báo hiệu rằng sự điều tiết nước từ sông Mekong vào Biển Hồ và từ Biển Hồ về đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ có những thay đổi mang tính cấu trúc về khối lượng và thời gian nếu 10 đập thủy điện khác sẽ được xây dựng.
(6) Ảnh hưởng của triều Biển Đông lên khá xa trên sông Mekong và trên sông Bassac. Tại Tân Châu và tại Châu Đốc, ảnh hưởng triều sớm hơn, với biên độ lớn hơn. Nguyên nhân từ đâu? Do hạn hán, mực nước về thấp? Do ảnh hưởng của nước biển dâng? Hay do khai thác cát quá mức gây sạt lở, làm cho mặt cắt các sông rộng hơn, sâu hơn? Có cả ba, nhưng theo tác giả chủ yếu từ lý do thứ ba.
(7) Các yếu tố trong sáu nhận xét trên đây không tác động riêng lẻ mà cùng lúc và liên hoàn với nhau.
Kiến nghị
(A) Cần theo dõi sát sao tác động của đập Xayaboury vừa đi vào hoạt động, cả trong mùa mưa sắp đến. Lũ lụt ở hạ du về mùa mưa là điều có thể dự báo và đã được cảnh báo. Từ tác động của Xayaboury, kiến nghị:
(A1) Đánh giá đầy đủ tác động của các đập thủy điện khác trên dòng chính sông Mekong;
(A2) Xem xét lại hiệu quả của cơ chế tham vấn của MRC.
(B) Mực nước thấp, truyền triều vào sâu hơn, sớm hơn, vượt qua Tân Châu và Châu Đốc, và mặn theo đó xâm nhập sâu hơn, sớm hơn, không chỉ có nguyên nhân biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Còn có tác động từ con người từ thượng nguồn xuống đến châu thổ ra Biển Đông.
(B1) Khai thác nguồn nước sông Mekong không thể chỉ có quyền lợi mà còn có trách nhiệm của các quốc gia trong lưu vực;
(B2) Quản lý và quản trị của Nhà nước phải nghiêm và hiệu quả hơn nữa, nhất là đối với việc khai thác cát, sỏi trên các nhánh sông Mekong, và sông Bassac.
(C) Ngoại giao về nước trong nội khối ASEAN, giữa Cộng đồng ASEAN với Trung Quốc là cấp bách và cần được đặt lên vào chương trình nghị sự của các quốc gia trong lưu vực và các thể chế có liên quan. Nhiều sông quốc tế (nghĩa là chảy qua nhiều quốc gia) đã được các Công ước quốc tế điều chỉnh. Tại sao không xây dựng một công ước như vậy cho sông Mekong, từ Tây Tạng ra đến Biển Đông ?. Khó nhưng không thể không làm [6].
Chú thích:
[1] Các đồ thị trong bài viết được trích xuất từ http://ffw.mrcmekong.org/stations.php
[2] Max, Min và Avg dược MRC tính trên chuỗi số liệu (1980-2018).
[3] Chế độ vận hành của tất cả các đập thủy điện trên thượng lưu vực không được thông báo cho MRC và các quốc gia thành viên. Phia Trung Quốc chỉ thông báo cho MRC những gì và vào lúc họ cho là cần.
[4] Trung Quốc có kế hoạch xây dựng hai đập thủy điện khác gần biên giới hơn nữa là Ganlanba và Mengsong.
[5] Dung tích Biển Hồ được tính từ mực nước sông Tonle Sap tại trạm Kompong Luong (cơ sở dữ liệu MRC) do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện.
[6] Nguyễn Ngọc Trân, Mekong là một con sông quốc tế và không chia cắt, tham luận tại Hội thảo quốc tế “Hợp tác quản lý nguồn nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng”, do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và Konrad Adenauer Stiftung đồng tổ chức tại Hà Nội, ngày 16.10.2018.
  • GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
    Đại biểu Quốc hội khóa IX,X,XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990)

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...